Còn đó nỗi lo
Từ nhiều năm qua, trong sáng tác và dàn dựng, nghệ thuật múa dân gian, dân tộc vẫn luôn là đề tài khó với các tác giả, biên đạo múa trẻ. Điều đó thể hiện rõ qua từng kỳ Liên hoan Múa TPHCM, khi các tác phẩm múa dân gian, dân tộc xuất hiện ngày càng ít trong danh sách thi diễn. Điển hình là tại Liên hoan Nghệ thuật múa TPHCM mở rộng lần 8 năm 2024 (Liên hoan) đang diễn ra, trong số 36 tác phẩm tham gia chỉ có 7 tiết mục múa dân gian, dân tộc cùng 2 tác phẩm múa tín ngưỡng dân gian.
Tiết mục múa dân gian “Sắc” của Đoàn Văn công Quân khu 7 tham gia Liên hoan Nghệ thuật múa TPHCM mở rộng năm 2024
NSND Hà Thế Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan, thẳng thắn nhìn nhận: “Việc ngày càng ít đoàn tổ chức tiết mục múa dân gian là vấn đề đã được nhìn thấy từ rất lâu, đã có nhiều nỗ lực để khắc phục nhưng hiệu quả thực tế rất thấp. Ai cũng biết múa dân gian, dân tộc là nền tảng tiêu biểu cho bản sắc văn hóa múa, tạo nên sự nhận diện văn hóa múa của một quốc gia. Thế nhưng, suốt hàng chục năm qua, giáo trình giảng dạy ngôn ngữ, nghệ thuật múa các dân tộc ở các trường lại rất hạn hẹp, dẫn đến các biên đạo, nhất là biên đạo trẻ dễ “chùn tay” khi không nắm chắc được thông tin, kiến thức chuẩn xác về văn hóa, điệu múa, âm nhạc, phục trang... của dân tộc muốn dàn dựng, trình diễn”.
Sự thiếu kiến thức chuyên môn về múa dân tộc cũng được coi là nguyên nhân mà trong nhiều chương trình múa dân gian, các biên đạo đã phải mượn các thủ pháp của múa đương đại, vừa để khắc phục các điểm thiếu sót, vừa để dễ thu hút khán giả hiện nay. Nhận xét về thực trạng này, ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM, trăn trở: “Vận dụng thì cũng được nhưng đòi hỏi sự cẩn trọng và nghiêm túc, không nên để mất chất dân gian truyền thống, mất đi hồn cốt văn hóa dân tộc”.
Phát huy đúng chất
Có nhiều ý kiến cho rằng, múa dân gian, dân tộc có tính truyền thống bất biến. Nhưng thực tế, trừ một số trường hợp đặc biệt, đa số loại hình múa dân gian, dân tộc đều có tính phát triển. Người biên đạo, nghệ sĩ hoàn toàn có thể sáng tạo tác phẩm gắn liền yếu tố truyền thống và yếu tố đương đại. Thậm chí, có thể gắn với cả những trang thiết bị tiên tiến như phục trang, màn hình LED sân khấu, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng điện tử… Tất cả nhằm mang đến cho nghệ thuật múa dân gian sự đa sắc, thu hút khán giả trẻ đến thưởng thức, tìm hiểu.
“Điều quan trọng là việc kết hợp phải không làm mất đi những giá trị cốt lõi của múa dân gian, dân tộc. Để làm được điều này, đòi hỏi người sáng tạo cần nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt chính xác chuẩn mực bản sắc văn hóa của mỗi thể loại múa dân gian, từ đó mới có thể gìn giữ hồn cốt dân tộc qua từng tác phẩm của mình”, biên đạo múa Hà Thanh Hậu chia sẻ.
Biên đạo múa Đặng Luật, Nhà Thiếu nhi quận 4, TPHCM: “Múa đương đại cái gì cũng có sẵn nên rất dễ thực hiện. Múa dân gian thì chỉ cần sai một nét hoa văn trên váy, áo… là đã gây hậu quả nghiêm trọng, khiến khán giả hiểu sai về tác phẩm. Điều này không chỉ với múa, các loại hình nghệ thuật khác cũng vậy. Đã có nhiều trường hợp ca sĩ nổi tiếng dàn dựng, biểu diễn một ca khúc dân ca nhưng lại mặc sai trang phục dân tộc, bị lên án, gây tranh cãi. Chính vì vậy, các biên đạo trẻ chúng tôi rất mong có một cơ sở dữ liệu đầy đủ, cụ thể về các loại hình múa dân gian, dân tộc để có thể thuận lợi dàn dựng tác phẩm được đúng đắn, chỉn chu”.
Trong thời đại 4.0, vấn đề số hóa để bảo tồn, khai thác và phát triển múa dân gian cũng được nhắc đến. Có đại biểu cho rằng, ngay cả ở những vùng lõi văn hóa dân gian, người trẻ cũng đang nhảy các vũ điệu hiện đại, theo xu hướng. Điều này vô tình đã làm lu mờ đi các giá trị truyền thống. Để có thể lưu giữ các điệu múa cổ truyền đòi hỏi công tác sưu tầm thực tế, số hóa các dữ liệu, phổ biến đến các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về nghệ thuật múa.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích những cuộc thi về múa dân gian để các biên đạo có điều kiện sáng tác, giúp các điệu múa dân gian có cơ hội phổ biến đến với mọi người, từ đó có sự phát triển song hành với sự phát triển chung của xã hội. Biên đạo múa Phạm Ngọc Phát đề xuất: “Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM có thể đầu tư thực hiện các clip ngắn giới thiệu các điệu múa dân gian, dân tộc, giới thiệu rộng rãi trên các kênh mạng xã hội; mở thêm các lớp phổ cập nghệ thuật múa dân gian cho người trẻ…, từ đó giúp múa dân gian tiếp cận đến khán giả trẻ nhiều hơn”.
(Theo: sggp.org.vn)