Phim Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn.
Nhắc tới dấu ấn điện ảnh Việt tại Oscar, nhiều người thường nghĩ tới Mùi đu đủ xanh và Những đứa trẻ trong sương. Năm 1993, Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng trở thành niềm tự hào của người Việt khi có tên trong danh sách đề cử “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc”. Tuy nhiên, tác phẩm nên được xếp là phim Pháp do được đứng tên bởi hãng phim Pháp. Câu chuyện về đời sống người Việt với lời thoại tiếng Việt nhưng êkíp thực hiện là người Pháp, dàn diễn viên phần đông người Pháp gốc Việt và bối cảnh Nam Bộ thực tế được dàn dựng trong studio ở Pháp.
30 năm sau, Những đứa trẻ trong sương viết thêm một niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt ở giải thưởng phim tại Mỹ. Dừng chân ở danh sách rút gọn 15 phim của hạng mục “Phim tài liệu dài xuất sắc”, tác phẩm của đạo diễn Hà Lệ Diễm là phim Việt tiến xa nhất tại Oscar tính đến nay. Tập trung vào loạt phim được chọn đại diện điện ảnh nội địa gửi tới dự thi “Phim quốc tế xuất sắc” của Oscar, bài viết này không đề cập tới hai phim nói trên.
Bản sắc dân tộc vươn ra quốc tế
“Phim quốc tế xuất sắc” (tên cũ là “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc”) là giải thưởng quan trọng trong hệ thống giải thường niên của Viện Hàn lâm Khoa học - Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. Hằng năm, mỗi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tuyển chọn một cái tên trong số phim phát hành vào năm trước đó làm đại diện gửi đến hạng mục này. Qua các vòng chấm thi, ban tổ chức Oscar đưa ra danh sách rút gọn cho top 15 rồi đến bảng đề cử chính thức gồm 9 hoặc 5 phim tốt nhất. Nói cách khác, khi được chọn đại diện cho một nền điện ảnh nào đó, mỗi bộ phim chỉ được gửi tới vòng sơ tuyển của Oscar, điều này không đồng nghĩa chắc suất nhận đề cử tranh giải.
Từ năm 1996, Cục Điện ảnh Việt Nam đã gửi 20 phim tới Oscar. Việc này thường bị gián đoạn ở các năm đầu, cho đến 2015 duy trì xuyên suốt tới nay. Trong số đó, 6 phim được chuyển thể hoặc dựa theo tác phẩm văn học như Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Đừng đốt!...; 6 phim có yếu tố chiến tranh và lịch sử như Khát vọng Thăng Long, Mùi cỏ cháy, Đào, phở và piano… 8 phim trong danh sách mang đậm dấu ấn văn hóa - xã hội của quốc gia hoặc địa phương. Điển hình có Mùa len trâu tái hiện hành trình len trâu - đưa trâu đi tìm vùng đất cao để ăn cỏ vào mùa nước nổi ở Tây Nam Bộ, Chuyện của Pao phủ màu sắc đời sống của bà con dân tộc vùng Tây Bắc, Bố già đưa người xem bước vào những ngõ hẻm lao động ở Sài Gòn, Trúng số đào sâu vào nhịp sống bình dân và thú vui đen đỏ của người lao động miền Tây.
Nhiều phim trong số này được đánh giá cao trong nước, nhận nhiều giải thưởng, như Vua bãi rác, Áo lụa Hà Đông, Chuyện của Pao… Một số lập thành tích ở đấu trường quốc tế như Bụi hồng với ba giải tại Liên hoan phim (LHP) Sundance 1999; Mùa len trâu với “Giải đặc biệt” của LHP Locarno, Thụy Sĩ, giải “Kỳ lân vàng” tại LHP Amiens, Pháp; Tro tàn rực rỡ với giải cao nhất tại LHP Ba lục địa, Pháp…
Tiêu chí mù mờ, chiến dịch vắng bóng
Thông thường, việc gửi tác phẩm tới các LHP do nhà sản xuất, đạo diễn quyết định. Tất nhiên, bộ phim phải được cấp phép phổ biến và tham gia LHP bởi Cục Điện ảnh Việt Nam. Con đường đến Oscar thì khác, Cục Điện ảnh nắm giữ quyền tuyển chọn và chỉ gửi duy nhất một phim. Theo văn bản phát đi hôm 26/9/2024 của Cục Điện ảnh Việt Nam, thông tin đăng ký gửi phim dự thi Oscar được đăng tải trên website chính thức của Cục, sau đó các phim tham gia sẽ được chấm điểm bởi Hội đồng tuyển chọn quốc gia.
Lâu nay, Cục Điện ảnh Việt Nam không công bố tiêu chí cụ thể cho việc chọn phim gửi đi Oscar. Ví như vào thời điểm phim 578: Phát đạn của kẻ điên hứng “gạch đá” vì được chọn dự thi mùa giải đầu năm 2023, Cục trưởng Vi Kiến Thành giải thích bộ phim này đạt điểm cao nhất - 9 điểm, trong vòng tuyển chọn của hội đồng quốc gia. Tuy nhiên, số điểm được tính dựa trên những khía cạnh nào thì không được lãm rõ.
Thông qua những phân tích ở trên, có thể thấy so với phim giải trí thông thường, các bộ phim khai thác văn hóa, lịch sử, đời sống thuần Việt thường có lợi thế hơn trong việc giành tấm vé gửi đến Oscar. Tuy nhiên, mọi thứ còn quá mù mờ. Ở nước ngoài, hành trình đưa phim tiến sâu vào Oscar không đơn giản. Các hãng phim thường tổ chức một chiến dịch bài bản và tốn kém để vận động phiếu bầu cho phim. Trong khi ở Việt Nam, việc này chưa có tiền lệ. Mọi thông tin dừng lại ở thao tác gửi phim sang Mỹ.
Tranh cãi nổi lên như vũ bão
Thập niên 1990 và đầu những năm 2000, phim được tuyển chọn gửi dự thi Oscar thiên về giàu tính nghệ thuật và ẩn dụ. Riêng Mùa hè chiều thẳng đứng có ngôn ngữ đặc trưng của đạo diễn Trần Anh Hùng, ít nhiều có tính thách thức trong cảm thụ. Các phim này đa số được lòng giới chuyên môn và giới mộ điệu trong nước, chinh phục người xem bằng chất lượng kịch bản, hình ảnh và diễn xuất. Sau này, trước sự lên ngôi trở lại của dòng phim thị trường, các phim giải trí chiếm lĩnh phòng vé nội địa và có cơ hội được chọn gửi đi Oscar nhiều hơn. Trong số này, Bố già, Mắt biếc và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đều đạt doanh thu lý tưởng. Nhưng đồng thời, những tranh cãi xung quanh tác phẩm được lựa chọn trở nên phổ biến.
Nhận cả lời khen lẫn lời chê lúc ra rạp, Bố già của bộ đôi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng - Trấn Thành càng hút tranh cãi khi được chọn gửi đến hạng mục “Phim quốc tế xuất sắc” tại mùa giải Oscar đầu năm 2022 (dành cho các phim phát hành năm 2021). Bộ phim được ghi nhận mô phỏng chân thật đời sống xóm lao động và những xung khắc thế hệ trong gia đình. Tuy nhiên, kịch bản và lối dàn dựng bị đánh giá thiếu tính điện ảnh, nặng tính truyền hình và sân khấu, lạm dụng thoại ồn ào. Năm đó, đại dịch xô đẩy lịch ra mắt của điện ảnh nội địa, không có nhiều phương án cho việc tuyển lựa phim gửi đi Oscar.
So với Bố già, phim hành động - xã hội đen 578: Phát đạn của kẻ điên còn làm dậy sóng hơn khi được gửi đi Oscar vào một năm sau đó. Bộ phim gây cảm giác sống sượng từ nội dung đến lời thoại, được quảng cáo có kinh phí đầu tư khoảng 60 tỷ đồng nhưng chỉ thu về hơn 3,5 tỷ đồng (theo ghi nhận của đơn vị quan sát phòng vé độc lập Box Office Vietnam). Trong 20 phim Việt từng được gửi dự thi “Phim quốc tế xuất sắc” ở Oscar, duy nhất phim này không nắm trong tay bất cứ giải thưởng nội địa nào. So với phim 578, năm 2022 Việt Nam có nhiều phim chất lượng tốt hơn, được gọi tên nhiều nhất cho cơ hội đi Oscar năm đó là Đêm tối rực rỡ.
Lựa chọn “Đào, phở và piano”
Đây là tựa phim được chọn đại diện Việt Nam gửi tới sơ tuyển Oscar 2025. Theo thông cáo báo chí ngày 26/9, Cục Điện ảnh nhận được đơn đăng ký của phim này cùng ba phim Mai, Cái giá của hạnh phúc và Lật mặt 7: Một điều ước. Phải ghi nhận, Đào, phở và piano là trường hợp thú vị của phòng vé nội địa năm nay. Từ một phim chiếu hạn chế tại một hệ thống rạp, tác phẩm lan tỏa sức hút, được đông công chúng quan tâm, làm nên hiện tượng xếp hàng mua vé trực tiếp và vực dậy dòng phim sử dụng vốn nhà nước sau một thập kỷ ngủ yên.
Tuy nhiên xét về chất lượng, Đào, phở và piano còn nhiều hạn chế. Bối cảnh phim thiếu chân thực, gây cảm giác giống sân khấu hóa điện ảnh. Tâm lý nhân vật mỏng, hành xử của nhân vật thiếu logic. Dựng phim, kỹ xảo và làm nhạc còn thô sơ. Dẫu ôm về kha khá giải thưởng trong nước, phim cũng không thể chối bỏ những nhược điểm này. Trên các hội nhóm về văn hóa và phim ảnh, một bộ phận khán giả bày tỏ sự cổ vũ cho câu chuyện tôn vinh tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, nhưng đánh giá Đào, phở và piano không phải phim tốt. Số khác thẳng thừng chỉ ra những điểm yếu của kịch bản và dàn dựng, cho biết họ ra rạp vì tò mò hiệu ứng lạ lùng của phim để rồi nhận về sự hụt hẫng.
Phần đông công chúng cho rằng Đào, phở và piano hay bất kỳ phim Việt nào nhận sứ mệnh tới Oscar đều chỉ mang tinh thần học hỏi, hoàn thành chỉ tiêu gửi phim thường niên. Còn là nền điện ảnh non trẻ, lại thiếu hụt giải thưởng tiền Oscar cũng như chiến lược quảng bá quy mô, Việt Nam chưa thể có cơ hội theo đuổi tượng vàng.
Lễ trao giải Oscar lần thứ 97 sẽ diễn ra sáng 11/3/2025 (theo giờ Hà Nội).
(Theo: baovannghe.vn)