Những hạn chế
So với nhiều nước trên thế giới, lý luận, phê bình nghệ thuật điện ảnh nước ta ra đời khá muộn vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là vì sự phát triển của kinh tế, điện ảnh của ta muộn hơn so với các nước lớn. Vậy nên hiển nhiên, hầu hết người ta không thể làm giàu, hay được tôn vinh bằng nghề lý luận phê bình được. Nhưng may mắn thay, trong chặng đường phát triển dài hơn 30 năm của điện ảnh Việt Nam tính từ khi nước ta bước vào công cuộc đổi mới (1986) đến năm 2024, đã có nhiều buổi hội thảo khoa học, các khóa đào tạo điện ảnh được tổ chức, sách, vở về lý luận điện ảnh cũng từ đó mà ra đời, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với môn nghệ thuật này.
Cảnh trong phim " Mắt biếc". Ảnh minh họa. Nguồn internet
Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và những nỗ lực tự thân của điện ảnh nói riêng, các bộ môn nghệ thuật nói chung, đội ngũ những người làm công tác lý luận phê bình có tay nghề cao, được đào tạo tại các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như: Mỹ, Hàn Quốc lần lượt xuất hiện. Nhờ đó, điện ảnh Việt đã có cơ hội bứt phá và tạo được dấu ấn riêng trong khu vực và quốc tế.
Có đội ngũ làm công tác phê bình và những bài viết của họ dựa trên hệ thống lý luận phê bình điện ảnh trên thế giới trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển xu thế làm phim của đất nước trong thời kỳ mới. Chính lớp chuyên gia lý luận phê bình gạo cội này đã tạo nên xung lực mới cho điện ảnh. Đồng thời tích cực định hướng xu thế xem phim trong dư luận xã hội.
Vì vậy, trong cuốn sách nổi tiếng về phê bình lý luận điện ảnh Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam đã viết rằng, phê bình phim đôi khi chỉ đơn giản là nói lên quan điểm, điều đó ai cũng làm được, nhưng nếu lý luận mà không đi đôi với thị hiếu của người dân, thì điện ảnh Việt Nam rất khó bay xa hơn được. Còn đạo diễn Lương Đình Dũng cũng từng chia sẻ: “Môi trường phê bình điện ảnh ở Việt Nam rất thiếu bài bản và chuyên nghiệp, đó là sự thật và nó là một phần tác nhân gây ra sự lộn xộn, cạnh tranh thiếu lành mạnh của điện ảnh Việt. Xét về nhiều khía cạnh, điều đó khiến điện ảnh đang rơi vào thế nguy hiểm, ảnh hưởng đến thương hiệu điện ảnh Việt Nam về lâu dài”.
Nút thắt khó gỡ
Khán giả không khó bắt gặp những bài viết báo lỗ của phim Việt và phân tích lý do tại sao nhà làm phim phải rời rạp tay trắng. Trong bốn tháng đầu năm, người xem đã vô cùng ngán ngẩm trước những cái tên như Cái giá của hạnh phúc (26 tỷ đồng), Quý cô thừa kế 2 (6,4 tỷ), Trước giờ yêu (3,8 tỷ), Sáng đèn (3,4 tỷ), Trà (1,6 tỷ) và Đóa hoa mong manh (430 triệu đồng); những tháng hè tiếp tục ghi nhận thêm sự thất bại của những bộ phim như Mùa hè đẹp nhất (4 tỷ đồng), Móng vuốt (3,8 tỷ), Án mạng lầu 4 (chưa đến 2 tỷ). Hàng chục lý do được đưa ra, nhưng điển hình với sự thất bại của Móng vuốt khiến người ta xót xa nhất, vì không hiểu tại sao một đạo diễn trẻ đầy tiềm năng như Lê Thanh Sơn lại đầu tư nhiều năm công sức, tiền của vào một bộ phim có ma cà rồng sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ anh vẫn không học hỏi gì được từ những bộ phim không phù hợp với thị hiếu khán giả nước ta.
Và những nhà phê bình đã ở đâu trong công cuộc định hướng xu thế xem phim của khán giả Việt Nam, khi để các nhà làm phim đua nhau sản xuất phim tình cảm, hài rom-com hoặc phim kinh dị, vì nghĩ những thể loại này “ăn khách”, rồi làm không đến nơi đến chốn. Có thể thấy trong danh sách những phim lỗ nặng kể trên có những bộ phim bên cạnh việc không có sự đầu tư xứng tầm thì việc xây dựng một kịch bản hời hợt, coi thường khán giả như Cái giá của hạnh phúc, Quý cô thừa kế diễn ra rất ngang nhiên và rõ ràng.
Nhưng song song với đó, những phim như Sáng đèn, Móng vuốt, Mùa hè đẹp nhất với sự đầu tư lớn trong kịch bản cũng như khâu sản xuất, lại phải chịu thất bại vì lép vế trước cơn bão phim quốc tế. Liệu qua nhiều bài học đau đớn như vậy, các nhà làm phim nước ta có cảm thấy tự ti, lép vế trước thị trường phim quốc tế trên chính sân nhà mình không?
Câu hỏi hẳn sẽ khó tìm được lời đáp. Bởi càng gần đến thời điểm hiện tại, sự nở rộ của công tác phê bình theo kiểu (7 khen, 3 chê) hoặc "ném đá hội đồng" đã làm cho các nhà làm phim mất phương hướng. Họ không biết phim mình sản xuất ra có thực sự hay, có thật cuốn hút khán giả không… Và khi phim ra rạp, sự gia tăng suất chiếu hay buộc phải ngừng công chiếu mới là câu trả lời chính xác nhất cho một bộ phim điện ảnh.
Phê bình ăn theo, phê bình phong trào đang trở thành vấn nạn của điện ảnh và nhiều bộ môn nghệ thuật khác. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự thiếu vắng đội ngũ kế cận trong lý luận phê bình,… đã đánh mất vai trò độc tôn của lý luận. Và khi lý luận mất đi vai trò định hướng thì điện ảnh sẽ khó tìm được hướng đi để có được bản sắc của mình. Chính vì vậy, để lý luận giữ vai trò dẫn dắt và định hướng, cần xây dựng và đào tạo đội ngũ viết phê bình chuyên nghiệp. Đặt ra những chuẩn mực cụ thể đối với một bài viết phê bình.
Về lý thuyết là vậy, nhưng thực tế, công tác đào tạo lý luận phê bình đang phải đối đầu với thực trạng “đốt đuốc tìm học viên” do khâu tuyển sinh, chế độ đãi ngộ người làm phê bình còn hạn chế.
Theo TS Ngô Phương Lan, việc thiếu đội ngũ người làm phê bình điện ảnh có một phần từ khâu đào tạo. Trước hết, về đào tạo trong nước, cả nước chỉ có một cơ sở đào tạo chuyên ngành Lý luận, phê bình điện ảnh chính quy duy nhất là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Tuy nhiên, đây là chuyên ngành ít sinh viên đăng ký học nhất, đã có những khóa trường không thể tuyển sinh vì quá ít ứng viên. Gần đây nhất, mùa tuyển sinh năm 2019 chỉ tuyển được có 3 sinh viên, cuối cùng trường phải hoãn khóa học này. Hơn nữa, sinh viên Lý luận, phê bình điện ảnh sau khi học xong khó có thể sống được bằng nghề nên họ phải linh hoạt tìm cho mình các công việc phụ mà không thể chuyên tâm vào phê bình điện ảnh, hoặc chuyển sang làm việc khác. Theo đó, trong vài thập kỷ qua, rất hiếm thấy cây bút phê bình điện ảnh nào xuất thân từ các trường Điện ảnh khẳng định được tên tuổi.
Thu hẹp những khoảng cách
Cũng như đối với bất cứ lĩnh vực nào khác, chỉ có lý luận phê bình chuyên nghiệp và khoa học mới có thể tạo dựng một nền nghệ thuật điện ảnh có giá trị nghệ thuật. Vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan mà lực lượng làm công tác lý luận, phê bình điện ảnh của Việt Nam ngày một mỏng đi. Công việc lý luận, phê bình điện ảnh chủ yếu được thực hiện bởi những phóng viên văn hóa - xã hội của các tòa soạn. Nhiều bài viết của không ít người trong đó mới ở mức độ bày tỏ cảm xúc cá nhân, khen chê phim bằng cảm tính, nhiều khi chỉ là giới thiệu quảng bá cho các sản phẩm của nhà sản xuất. Do một số cây bút không có kiến thức điện ảnh, mỹ học, xã hội học, triết học… dẫn đến những sản phẩm méo mó và công chúng thì mất phương hướng, không tin vào phê bình. Quan điểm 7 khen, 3 chê khiến phê bình trở nên vô thưởng vô phạt, thị trường điện ảnh trở nên hỗn độn với những bộ phim thương mại, ăn xổi. Đây chính là vấn nạn mới của điện ảnh.
Xốc lại phê bình không chỉ là đội ngũ nhà phê bình giỏi mà còn xốc lại (trang bị) cho công chúng những kỹ năng sàng lọc phim hay, dở được coi là chìa khóa để thị trường điện ảnh phát triển lành mạnh. Theo PGS, TS Hoàng Cẩm Giang, Trưởng bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì “Rộng hơn câu chuyện lý luận, phê bình chính là lan truyền tri thức văn hóa trong cuộc sống. Chỉ khi bản thân mỗi khán giả trong nhà trường đã được tiếp cận những câu chuyện về điện ảnh, nghệ thuật như là kiến thức cơ bản, nền tảng thì chúng ta sẽ có lớp khán giả mới có thị hiếu thẩm mỹ cao và điện ảnh mới có thể tiếp cận được khán giả đại chúng từ gốc”.
Vì vậy, để thu hẹp khoảng chênh trong sản xuất phim như các nước lớn trên thế giới, bên cạnh việc trau dồi sự đầu tư trong mặt chế tác, ta cần phải chú trọng vào công tác lý luận phê bình và đào tạo kỹ năng phê bình trong mỗi công chúng yêu nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Muốn làm được điều này, thiết nghĩ, trước hết, phải “thúc đẩy sự phát triển của phê bình từ xây dựng hệ thống chuẩn giá trị thẩm mỹ đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ viết phê bình đến các chế độ, chính sách đãi ngộ, hệ thống giải thưởng…”.
Những vấn đề này cần có giải pháp hiệu quả và phải đồng bộ. Đồng bộ từ các cấp lãnh đạo đến các trường, viện, hội nghề nghiệp, coi trọng hoạt động phê bình và người làm phê bình. Từ đó, tạo được sự hào hứng và yên tâm cho người viết phê bình, để họ không quá lo lắng mưu sinh, không bị áp lực của sự cô đơn, lẻ loi trước những cơn bão dư luận hoặc những cuộc “đánh hội đồng” khi người viết lên tiếng bảo vệ “chuẩn giá trị”! Chỉ khi người viết phê bình không “bị bỏ quên” thì chúng ta mới có thể đánh thức phê bình điện ảnh khỏi sự “ngủ quên”!
Hiện, mọi vấn đề đều cần phải giải quyết từ cái cốt lõi nhất, lý luận phê bình sẽ giúp cải thiện nhận thức và tư duy làm phim cho các đạo diễn, biên kịch; bên cạnh đó củng cố thêm được thị hiếu của khán giả, giúp cho khoảng cách giữa hai chủ thể này tới gần nhau hơn. Đã đến lúc hành động vì một tương lai ngành công nghiệp phim không còn phải chứng kiến những thất bại phòng vé. Đồng thời, lý luận phê bình không còn là Cuộc đua giữa phim và nhà phê bình.
Nguồn: baovannghe.vn