Bảo tàng Quốc gia Hệ thống chữ viết thế giới (MOW) tại Songdo, Incheon, Hàn Quốc khai trương tháng 6/2023. Ngày 21/4/2024 Bảo tàng kỷ niệm 1 năm ra đời sau 10 năm chuẩn bị tích cực chuẩn bị và xây dựng. Bảo tàng Quốc gia Hệ thống chữ viết thế giới ở Hàn Quốc là Bảo tàng về chữ viết thứ ba trên thế giới, sau Bảo tàng Champollion và Bảo tàng Chữ viết Quốc gia Trung Quốc - 3 Bảo tàng chuyên đề về khám phá lịch sử hệ thống chữ viết, một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người. Thông qua các chương trình triển lãm, nghiên cứu và giáo dục khác nhau, Bảo tàng Quốc gia về hệ thống chữ viết thế giới mong muốn trở thành hiện thân của lịch sử thời gian và không gian - từ phát minh đầu tiên của nhân loại về hệ thống chữ viết từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Câu chuyện truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đến với MOW là một minh chứng sinh động của Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5 sau gần 50 năm được Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM) phát động (1978).
Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5 được tổ chức hằng năm, với một chủ đề cụ thể là thông điệp kêu gọi các bảo tàng trên thế giới cùng nhau hành động, không ngừng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động với phương châm: “Bảo tàng là một phương tiện quan trọng của giao lưu văn hóa, làm giàu nền văn hóa và phát triển hợp tác lẫn nhau, hiểu biết và hòa bình giữa các dân tộc, nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của bảo tàng trong sự phát triển của xã hội”. Với chủ đề Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2024 - “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”, bài viết chỉa sẻ về quá trình hợp tác quốc tế vì mục tiêu giáo dục và nghiên cứu thông qua bảo tàng với đề tài “Trưng bày chữ Nôm từ tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (Trường hợp đại diện chữ viết của Việt Nam) tại Bảo tàng Quốc gia Hệ thống Chữ viết Thế giới, Incheon, Hàn Quốc”.
Bảo tàng Quốc gia về hệ thống chữ viết thế giới (Nguồn: MOW)
Tháng 6/2022, trong chuyến công tác và sang dự Hội thảo Khoa học Quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” TS. Lee Hyeon Jeog – Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc đã chuyển thư mời hợp tác của Bảo tàng Quốc gia về hệ thống chữ viết thế giới của Hàn Quốc đến TS. Phạm Văn Luân – Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Sau quá trình trao đổi, “Đề tài hợp tác quốc tế Trưng bày chữ Nôm từ tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (Trường hợp đại diện chữ viết của Việt Nam) tại Bảo tàng Quốc gia Hệ thống chữ viết thế giới, Incheon, Hàn Quốc” đã được hai bên phối hợp thực hiện. Thông tin này đã được tạp chí Lý luận, phê bình văn học- nghệ thuật số tháng 7/2022 đăng tải như 1 hiệu ứng tích cực của Hội thảo Khoa học Quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” diễn ra ở Bến Tre tháng 6/2022.
|
|
TS. Lee Hyeon Jeong và trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cùng các học giả trong ngày ra mắt Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên song ngữ Việt – Hàn (ảnh trái) TS. Lee Hyeon Jeong (trái) và TS. Phạm Văn Luân trao đổi về phiên bản chữ Nôm Truyện Lục Vân Tiên (ảnh phải) (Nguồn: STT Bến Tre).
Ngay sau đó phiên bản Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu phục chế trên giấy dó, chữ Nôm viết tay thủ công bởi các nghệ nhân thư pháp từ miền Bắc – phiên bản được thực hiện dựa trên bản gốc đang lưu giữ ở Thư viện Quốc gia Việt Nam – đã được hiến tặng và nghiên cứu, xây dựng hồ sơ hiện vật, thiết kế trưng bày tại Bảo tàng tại phòng số 9 - Triển lãm thường trực, Chuyên đề Hệ thống chữ viết để tạo ra văn hóa. Có thể nói đây là lần đầu tiên chữ Nôm Việt Nam được góp mặt trong bộ sưu tập Hệ thống chữ viết thế giới (Xin xem thêm ở link website. http://www.mow.or.kr và https://my.matterport.com/show/?m=SYAD6s2KqdW).
Ngày 23/4/2024, nhà nghiên cứu Lee Ji Hyun, Phòng Quản lý, sưu tầm, Bảo tàng Quốc gia về hệ thống chữ viết thế giới đã có thư gửi TS. Phạm Văn Luân chính thức thông báo Bảo tàng đã hoàn thành góc tbày chữ Nôm từ tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu và đưa vào phục vụ du khách. Qua trao đổi, hai bên đã tiếp tục có những ý tưởng nhằm tìm kiến, phát hiện các chữ viết mới ở Việt Nam lẫn các nước trong khu vực như Campuchia, Lào... để bổ sung vào bộ sưu tập hệ thống chữ viết quý báu của thế giới được tạo ra không chỉ từ nhu cầu về chữ cái và con số để giao tiếp ngôn ngữ mà còn từ những cảm xúc con người: tình yêu, lòng trắc ẩn và khát vọng hạnh phúc, hòa bình, phát triển.
Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên tại Bảo tàng Quốc gia về hệ thống chữ viết thế giới (Nguồn: ).
Những người thực hiện đề tài này hướng tới mục tiêu xây dựng một Bảo tàng Quốc gia về hệ thống chữ viết thế giới với cách tiếp cận mới, không chỉ liệt kê và trưng bày các hiện vật... theo cách làm truyền thống, mà còn biến Bảo tàng trở thành nơi chia sẻ hơi thở về lịch sử phát triển của loài người và vẻ đẹp của tình hữu nghị thể hiện qua hệ thống chữ viết thế giới, nơi mọi người có thể tiếp xúc với các hệ thống chữ viết và nền văn hóa khác nhau đến từ khắp nơi trên thế giới, đúng với tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu đã nêu cao từ 200 năm nay – “Bốn biển âu ca hợp một nhà” (“Ngư tiều vấn đáp y thuật” do Phan Văn Hùm hiệu đính và chú thích, Nhượng Tống tăng bình và bổ chú, NXB Tân Việt, Sài Gòn, 1952) .
Cataloge giới thiệu Bộ sưu tập có phần giới thiệu chữ Nôm (Nguồn: MOW)
Giám đốc Bảo tàng Quốc gia về hệ thống chữ viết thế giới Sunghun Kim cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở các cuộc triển lãm phù hợp với nhu cầu của thời đại chúng ta bằng cách tương tác với các hệ thống chữ viết và nền văn minh của thế giới từ góc độ văn hóa so sánh”.
Gian trưng bày Chữ Nôm với tác phẩm Lục Vân Tiên tại Bảo tàng Quốc gia về hệ thống chữ viết thế giới (Nguồn: Lee Hyeon Jeong).
Những người thực hiện đề tài bộ sưu tập chữ viết cho Bảo tàng Quốc gia về hệ thống chữ viết thế giới ở Việt Nam đang phấn đấu góp phần xây dựng MOW trở thành nơi thể hiện tinh thần giáo dục và nghiên cứu của các thế hệ hôm nay thông qua bảo tàng chuyển tải các thông điệp văn hóa và nghệ thuật, trong đó có khát vọng của Nguyễn Đình Chiểu: “Bao giờ nhựt nguyệt vầy gương sáng / Bốn biển âu ca hợp một nhà”! Đây cũng là một chương trình hành động có ý nghiã hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5 hàng năm./.
PHẠM LUÂN