Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Lễ khai mạc Những ngày phim Việt Nam tại Liên bang Nga. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)
Trong khuôn khổ "Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga năm 2024", ngày 3/7, Cục Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Cơ quan Nội dung nghe nhìn Liên bang Nga Roskino tổ chức "Những ngày Phim Việt Nam tại Liên bang Nga năm 2024."
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, lễ khai mạc sự kiện diễn ra tại rạp Iliusion - một trong những rạp chiếu phim lâu đời nhất ở thủ đô Moskva. Các nhà tổ chức giải thích việc giới thiệu những nội dung mới mẻ trong một không gian cổ điển và thâm trầm thời gian sẽ tạo cho khán giả thủ đô nước Nga một hiệu ứng thú vị và ấn tượng ngoài điện ảnh.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Phương Hòa nêu bật ý nghĩa của sự kiện khi được tổ chức nhằm chào mừng 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga.
Nền điện ảnh của hai nước có sự gần gũi khi người Việt Nam đều biết và yêu mến những tác phẩm kinh điển từ thời Liên Xô, nhiều thế hệ đạo diễn, biên kịch, nhà lý luận phê bình điện ảnh Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vì nhiều lý do khách quan khán giả hai nước ít được tiếp cận với điện ảnh của nhau.
Trong "Những ngày Phim Việt Nam tại Liên bang Nga năm 2024," hai bên đã nhất trí chọn giới thiệu 5 bộ phim truyện “Mắt biếc,” “Thạch Thảo,” “Truyền thuyết về Quán Tiên,” “Đào, Phở và Piano” và “Em và Trịnh.”
Đó là những bộ phim có sự hợp tác sản xuất của cả tư nhân và nhà nước, có hiệu ứng xã hội tốt, có hiệu quả tuyên truyền chính trị tích cực và đã từng được phát hành tại một số quốc gia trên thế giới. Một Việt Nam đa chiều được giới thiệu khi đề tài “muôn thuở” như đề tài chiến tranh được làm mới bằng cái nhìn của các tác giả trẻ.
Bà Nguyễn Phương Hòa cho biết 5 bộ phim được lựa chọn kể một câu chuyện đa sắc màu về Việt Nam qua lịch sử các cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, qua chặng đường xây dựng hoà bình, phát triển các giá trị nhân văn, nuôi dưỡng tình yêu với gia đình, quê hương đất nước và tình yêu nghệ thuật.
Về phần mình, Cục trưởng Cục Điện ảnh và Chuyển đổi số, Bộ Văn hóa Liên bang Nga, Dmitry Davydenko vui mừng được đưa các khán giả đồng hương đến với văn hóa và lịch sử Việt Nam qua lăng kính điện ảnh, một nền văn hóa “đa dạng, rực rỡ và độc đáo.”
Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN và nhiều đại diện báo chí sở tại, ông Davydenko thông báo một tin vui, tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng với Bộ trưởng Văn hóa Nga Olga Liubimova, hai bên đã đề cập đến việc hợp tác sản xuất phim, hướng tới tạo ra những tác phẩm có khả năng thu hút khán giả không chỉ ở Nga và Việt Nam mà cả khán giả quốc tế.
Tổng Giám đốc Cơ quan Nội dung nghe nhìn Nga Roskino Elza Antonova nhận định 5 bộ phim được lựa chọn giới thiệu đều đã gây được tiếng vang tại Việt Nam, có bộ phim được đề cử tranh giải Oscar, vì vậy bà tin rằng 5 bộ phim sẽ gây được ấn tượng với khán giả Nga.
Bà cũng khẳng định Roskino đang nỗ lực tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực điện ảnh, không chỉ hạn chế ở việc chiếu phim của nhau, mà cả trong khâu sản xuất phim bà đánh giá là khả thi và đầy triển vọng.
5 bộ phim nói trên sẽ được chiếu miễn phí tại hai rạp lớn ở Moskva từ ngày 3 đến hết ngày 5/7, phim sẽ giữ nguyên ngôn ngữ gốc, khán giả sẽ xem phim qua phụ đề tiếng Nga.
Văn hóa, trong đó có điện ảnh, luôn là cây cầu kết nối hai nền văn hoá, hai dân tộc, thu hẹp mọi khoảng cách địa lý, làm nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga./.
Nguồn: www.vietnamplus.vn