Những tín hiệu vui
Cuối tháng 5/2023, NXB Kim Đồng tổ chức lễ công bố thành lập Giải thưởng Văn học Kim Đồng và phát động cuộc vận động sáng tác lần thứ nhất từ năm 2023 đến 2025, với tổng giá trị giải thưởng là 360 triệu đồng (riêng 1 giải Nhất có giá trị lên đến 100 triệu đồng). Theo thông tin từ NXB Kim Đồng, gần 300 tác phẩm dự Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất tính đến thời điểm này thuộc nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, tự truyện...
Bên cạnh các tác giả mới, có nhiều nhà văn chuyên nghiệp có tên tuổi tham gia giải thưởng như Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Quang Lập, Y Ban, Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp, Niê Thanh Mai... Trong đó, tác giả lớn tuổi nhất sinh năm 1932 và tác giả nhỏ tuổi nhất sinh năm 2015.
Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức gặp mặt, giao lưu với các tác giả viết cho thiếu nhi tại Đắk Lắk.
Chia sẻ tại buổi sơ kết giai đoạn đầu của Giải thưởng Văn học Kim Đồng, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Kim Đồng nhận định: “Có thể thấy, những cuốn sách dự giải đã tham gia vào đời sống văn học, trở thành những tác phẩm mới dành cho các em ngay trong dịp Tết và dịp hè 2024, được các em đón nhận. Khép lại một chặng đường, Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất đã có được những kết quả khả quan đúng với mục tiêu “phát hiện thêm những cây bút tài năng viết cho thiếu nhi, có thêm các tác phẩm văn học mới, có chất lượng, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về con người, đất nước Việt Nam”.
Sơ kết Giải thưởng Văn học Kim Đồng được tổ chức cùng với buổi gặp gỡ các tác giả viết cho thiếu nhi tại Đà Nẵng và Quảng Nam thêm một lần nữa thể hiện mong mỏi được các tác giả chuyên và không chuyên tại Đà Nẵng, Quảng Nam cũng như cả nước hướng về thiếu nhi, khơi lên từ đây một nguồn cảm hứng dồi dào và hy vọng sẽ gặt hái được nhiều “quả ngọt”...”.
Cũng theo thông báo từ ban tổ chức, Hội đồng Chung khảo của Giải thưởng Văn học Kim Đồng gồm các nhà văn nổi tiếng có nhiều đóng góp cho văn học thiếu nhi Việt Nam, đó là nhà văn Trần Đức Tiến (Chủ tịch Hội đồng) và các thành viên: nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn Lý Lan, nhà thơ - TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh - Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con và bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Tổng Biên tập NXB Kim Đồng.
Tìm kiếm những tên tuổi mới
Theo dõi các hoạt động đồng hành cùng đời sống sáng tác văn chương trên cả nước của NXB Kim Đồng trong một năm phát động vừa qua có thể thấy đơn vị này thực sự có nhiều nỗ lực trong việc quảng bá, thu hút các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên trên địa bàn cả nước đến với giải thưởng. NXB Kim Đồng đã tổ chức các cuộc gặp mặt trực tiếp các tác giả ở các vùng miền khác nhau, thông qua các hội văn học nghệ thuật tại các địa phương để giới thiệu về giải thưởng này và vận động các tác giả tham gia sáng tác cho các em.
Các cuộc vận động sáng tác đã được Kim Đồng tổ chức tại nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, An Giang và Hải Dương. Chọn địa điểm tổ chức sơ kết Giải thưởng Văn học Kim Đồng tại Đà Nẵng và Quảng Nam là cơ hội để NXB thông tin về giải thưởng đến với các tác giả tại khu vực miền Trung.
Ngoài ra, NXB Kim Đồng cũng đã tổ chức các buổi giao lưu tại trường học giữa nhà văn và độc giả giới thiệu về giải thưởng, để cùng các tác giả được lắng nghe sở thích, nhu cầu của độc giả. Các buổi giao lưu đã được tổ chức với sinh viên Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, học sinh Trường THPT Pleiku (TP Pleiku) và học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP Long Xuyên, An Giang). Các cuộc giao lưu vận động sáng tác như thế này là cơ hội để những người làm sách và tác giả - độc giả được giao lưu, chia sẻ chuyên môn cũng như tạo nguồn cảm hứng và không khí sáng tác sôi động hơn.
Gần 20 trong số 300 tác phẩm tham dự Giải thưởng Văn học Kim Đồng đã được in thành sách.
Nhìn lại cả quá trình phát triển có thể thấy, sách của NXB Kim Đồng đã gắn bó với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam, trong đó sách văn học luôn giữ một vai trò quan trọng. Để có được điều này, NXB Kim Đồng luôn nỗ lực đồng hành với các nhà văn, nhà thơ, kết nối, khích lệ, động viên tác giả, trở thành “bà đỡ” của nhiều tác phẩm.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên chia sẻ: “Ngược dòng thời gian về những ngày đầu mới thành lập NXB, phát triển cộng tác viên luôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Từ trại sáng tác đầu tiên tại nơi sơ tán Yên Sở năm 1967-1968, đến những năm tháng khó khăn thời kỳ bao cấp, NXB đã tổ chức được 5 trại sáng tác và 4 cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi. Giai đoạn từ 1988 đến 1992 là những tháng năm “chạm đáy” khó khăn của toàn ngành xuất bản nói chung và của NXB Kim Đồng nói riêng, nhưng vẫn có một cuộc vận động sáng tác được tổ chức cùng với việc mở ra các lớp tập huấn sáng tác cho thiếu nhi, học hỏi kinh nghiệm làm sách của chuyên gia đến từ Nhật Bản, Thái Lan... Từ năm 1992 đến 2002, có 5 cuộc vận động liên tục được tổ chức, thu về hàng nghìn tác phẩm văn xuôi, thơ, kịch cho NXB...”.
Sau đó, giai đoạn từ năm 2005 đến 2015 đã có hàng loạt cuộc vận động sáng tác trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch do NXB Kim Đồng chủ trì. Nhờ thế, đã phát hiện nhiều tác giả trẻ, những người ngày càng khẳng định dấu ấn trong văn học thiếu nhi như Lục Mạnh Cường, Nguyễn Thị Kim Hòa, Ngọc Linh, Võ Diệu Thanh, Chu Thanh Hương, Nguyễn Ngọc Hoài Nam... Những cây bút trẻ dồi dào năng lượng sáng tác này đã có những đóng góp đáng kể cho văn học thiếu nhi nói riêng và văn học nói chung.
Sau 10 năm kể từ cuộc vận động sáng tác mà NXB Kim Đồng tổ chức vào năm 2015, có lẽ đây là khoảng thời gian đủ để một thế hệ tác giả mới có thể xuất hiện ở Giải thưởng Văn học Kim Đồng, đồng thời đây cũng là nỗ lực từ phía NXB trong việc tìm kiếm những tên tuổi, tác giả mới. Điều này cũng giải thích vì sao giải thưởng này ra đời đã thu hút được số lượng đông đảo tác giả và tác phẩm tham gia như vậy và số lượng chắc chắn còn tăng lên vì thời hạn nhận tác phẩm của cuộc thi là đến hết tháng 3/2025.
Nguồn: vnca.cand.com.vn