Toàn cảnh hội thảo khoa học “Văn học Yên Thành những năm đầu thế kỷ XXI
Tham dự hội thảo có PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, ông Võ Văn Dũng – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, PGS,TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, ông Hoàng Danh Truyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cùng các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa trong tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An Hồ Mậu Thanh khẳng định: “Dù chưa đủ điều kiện đánh giá toàn diện văn học Yên Thành từ thời trung đại đến thời hiện đại, Hội thảo “Văn học Yên Thành những năm đầu thế kỷ XXI” là nỗ lực đánh giá, tôn vinh các thành tựu, các sáng tác tiêu biểu của các nhà văn Yên Thành trong hơn hai thập kỷ gần đây, bao gồm cả các hội viên của chi hội VHNT Yên Thành cũng như các nhà văn có quê quán ở Yên Thành hiện đang sinh sống ở các địa bàn trong toàn tỉnh và cả nước vẫn quan tâm và gắn bó với quê hương. Hội thảo là sự kiện mở đầu cho nhiều hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật khác nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2024 và hướng tới tổng kết, đánh giá thành tựu văn học 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (1975 – 2025)”.
Ông Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An phát biểu đề dẫn hội thảo
Ông Hồ Mậu Thanh còn cho biết, khi đặt ra vấn đề hội thảo về văn học Yên Thành, Ban Tổ chức cũng đã lường trước những khó khăn không nhỏ. Cho đến nay khái niệm “văn học vùng” khi áp vào một vùng đất nào đó đều có thể gây nên những tranh cãi. Một số nhà khoa học không thừa nhận có khái niệm này trong nghiên cứu. Có người cho rằng nếu nghiên cứu “văn học vùng” thì chỉ nên dừng lại ở cấp độ tương đương với xứ ngày xưa, chẳng hạn “văn học xứ Thanh”, “văn học xứ Nghệ”, chí ít cũng chỉ nên giới hạn ở cấp tỉnh. Trong khi chờ đợi sự trao đổi, bàn bạc thêm về mặt khoa học, Hội thảo “Văn học Yên Thành những năm đầu thế kỷ XXI” được tổ chức bởi những lý do sau:
Khái niệm “Văn học Yên Thành” được hiểu là toàn bộ các sáng tác văn học của các tác giả quê ở Yên Thành hoặc có quá trình sống, cống hiến, gắn bó chặt chẽ với quê hương Yên Thành (dù hiện tại họ có thể định cư ở những vùng đất khác). Sáng tác của họ có những dấu ấn riêng, gắn với vùng đất mà họ đã sinh ra, lớn lên hoặc tự nguyện gắn bó cuộc đời mình.
Yên Thành là một vùng đất hiếu học, giàu truyền thống văn chương. Văn học dân gian Yên Thành hết sức phong phú, đa dạng, bao gồm nhiều thể loại: truyện kể, truyện trạng, ca dao, dân ca, hò, vè… Từ thời trung đại đến thời hiện đại, Yên Thành là vùng đất sinh ra nhiều nhà khoa bảng, nhiều văn nhân nổi tiếng như Bạch Liêu, Hồ Tông Thốc, Phan Thúc Trực, Trần Đình Phong, Phan Đăng Lưu, Phan Khắc Khoan, Phan Ngọc …
Đoàn chủ trì hội thảo
Truyền thống của một vùng đất văn chương vẫn đang được tiếp nối, kế thừa và phát huy. Kể từ Cách mạng tháng Tám đến nay, nhiều văn nghệ sĩ Yên Thành đã và đang đóng góp tích cực cho văn học nghệ thuật của tỉnh Nghệ An và của cả nước. Trong công trình đồ sộ Thơ – Văn Yên Thành (3 tập, với độ dày hàng ngàn trang in) đã giới thiệu nhiều gương mặt tiêu biểu, về Văn có: Nguyễn Đăng An, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Xuân Phầu, Hoàng Chỉnh, Nguyễn Việt Hòa, Phan Thế Phiệt, Tiến Dũng, Phan Xuân Hậu… Về Thơ có: Ngô Đức Tiến, Phan Văn Từ, Phan Huy Huyền, Nguyễn Đăng Chế, Lăng Hồng Quang, Nguyễn Khắc Thạch, Đặng Hồng Thiệp… Về lý luận phê bình, nghiên cứu văn học dân gian có Phan Đăng Nhật, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Đăng Điệp, Phan Huy Dũng, Hoàng Văn Hân, Nguyễn Tâm Cẩn, Phan Bá Hàm, Lê Xuân Nhương… Theo số liệu thống kê của PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ trong bài viết: “Mấy ý kiến nhân đọc các tập thơ – văn Yên Thành” thì Yên Thành có “gần 200 tác giả thơ, 60 tác giả văn, trong đó có hơn 20 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, 50 hội viên Hội VHNT Nghệ An và các tỉnh”. Chi hội VHNT Yên Thành là một trong những chi hội mạnh, hoạt động sôi nổi nhất trong Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An. Một vùng đất có truyền thống văn chương như thế rất đáng được quan tâm nghiên cứu.
Nhà văn Nguyễn Việt Hòa phát biểu tham luận
Hội thảo đã nhận 18 bài viết có chất lượng của 15 nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ gửi đến Ban Tổ chức. Các bài viết đa dạng phong phú, ngoài một số ít bài nghiên cứu về văn học dân gian, tác gia văn học hiện đại Yên Thành, phần lớn các bài viết tập trung đánh giá thành tựu chung, gương mặt, đóng góp của các nhà văn Yên Thành đầu thế kỷ XXI, bàn bạc, phân tích sâu thành công của các tác giả, các tác phẩm cụ thể.
Nhà nghiên cứu lý luận phê bình Lê Văn Tùng phát biểu tham luận
Tại hội thảo các nhà khoa học, các nhà văn, nhà thơ đã tập trung thảo luận sôi nổi về những vấn đề như: thành tựu, đóng góp của các nhà văn Yên Thành đầu thế kỷ XXI. Các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học Yên Thành đầu thế kỷ XXI. Sự tiếp nối mạch nguồn truyền thống của văn học Yên Thành, từ văn học dân gian đến văn học viết, từ văn học trung đại đến văn học hiện đại và đương đại.
Ảnh: Phan Tất Lành
Nguồn: tapchisonglam.vn