Chân dung cô Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ từng được gõ búa 3,1 triệu đô tại phiên đấu “Beyond Legends: Modern Art Evening Sale” ở Sotheby’s ở Hong Kong
Những cú gõ búa triệu đô trên các sàn danh giá
Lịch sử mỹ thuật Việt Nam luôn đồng hành với xu hướng thay đổi của giá tranh. Thời gian dài tranh trong nước rơi vào quên lãng, nhất là sau khi Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa năm 1945. Tại các triển lãm quốc tế, không có sự xuất hiện của các họa sĩ, tác phẩm Việt nên các nhà sưu tập, giới chuyên môn nước ngoài không biết đến.
Thế nhưng, lịch sử đã đảo chiều trong những năm gần đây, khi các tác phẩm nghệ thuật giai đoạn Đông Dương ngày càng xuất hiện với mật độ dày đặc trong thị trường giao dịch, trên sách báo khảo cứu và truyền thông đại chúng, với nhiều kỷ lục giá được phá vỡ liên tiếp. Các nhà sưu tập trong nước theo đó cũng bắt đầu quan tâm mạnh mẽ đến hội họa Việt Nam một cách nghiêm túc và hứng thú hơn. Những cuộc “xuống tay” hàng triệu USD với mong muốn đưa tranh Việt hồi hương ngày càng nhiều.
Nổi bật nhất trong những cuộc đấu giá này có thể kể đến tác phẩm Chân dung cô Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ được “gõ búa” với mức giá 3,1 triệu USD vào tháng 4/2021, qua đó trở thành tác phẩm có giá công khai cao nhất của làng mỹ thuật Việt Nam. Trước đó, năm 2019, bức tranh Khỏa thân của họa sĩ Lê Phổ đã được giao dịch trong phiên đấu giá 20th Century & Contemporary Art của nhà đấu giá Christie’s tại Hồng Kông với giá lên tới 1,4 triệu USD. Lê Phổ cũng là họa sĩ có nhiều tác phẩm vượt qua “mốc triệu đô” như bức sơn dầu Tự họa - 1,052 triệu USD hay Thiếu nữ choàng khăn - 1,112 triệu USD. Một số danh họa khác cũng có tranh được giao dịch ở mức triệu đô như Tô Ngọc Vân với bức Vỡ mộng - 1,1 triệu USD hay Phạm Hậu là hai tác phẩm Phong cảnh chùa Thầy và Chín con cá chép trong hồ nước.
Có nhiều yếu tố từ thị trường, lượng nhà sưu tập,… để giải thích cho việc tranh Đông Dương liên tục lập kỷ lục qua các phiên đấu giá. Trị giá của các tác phẩm cũng phần nào phản ánh giá trị của nó. Có thể nói, để có được mức giá kỷ lục, chính giá trị sáng tác hài hòa nét đẹp nghệ thuật hội họa Việt Nam cùng với sự ảnh hưởng từ các nền hội họa lớn trên thế giới, đã mang lại sức sống bền vững cho dòng tranh Đông Dương. Thế nhưng, bên cạnh niềm tự hào về giá trị mỹ thuật của Việt Nam, cũng không ít những rắc rối và ngao ngán bắt đầu từ đó.
Bức tranh Portrait of a girl được cho là chép lại của họa sĩ Nguyễn Sáng vừa được lên sàn Christie’s.
Mê trận tranh giả, tranh chép tinh vi khắp nơi muôn ngả
Trong bối cảnh hạ tầng và thượng tầng của thị trường mỹ thuật bất đối xứng về thông tin ở nước ta, nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Cuối tháng 5 vừa qua, công chúng yêu hội họa Việt Nam lại được một phen xôn xao với phiên đấu 20th Century Day Sale lên sàn nhà Christie’s. Tại đây, bức Portrait of a Girl (sơn dầu trên toan, 80 x 60 cm, 1971), lot 224, của Nguyễn Sáng (1923-1988) được cho là làm giả.
Cụ thể, trên fcebook của mình, nhà nghiên cứu Lý Đợi đã chỉ ra 4 lý do về mặt cảm quan, thời gian lịch sử để khẳng định đây không phải tranh do Nguyễn Sáng sáng tác. Đặc biệt hơn, không chỉ có Christie’s đã đấu giá bức này, năm 2022 Sobethy’s - một đơn vị uy tín khác cũng từng cho lên sàn bức tranh tại Singapore.
Đây không phải lần đầu tiên tranh Việt bị nghi ngờ làm giả và đưa lên sàn đấu giá quốc tế. Ngược lại thời gian, năm 2020, giới mỹ thuật từng phát hiện trong phiên đấu giá trực tuyến Art du Vietnam của nhà đấu giá nổi tiếng Drouot (Pháp) có 2 bức tranh đề tên Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tiến Chung bị sao chép, làm giả lộ liễu.
Năm 2019, giới mộ điệu cũng bị chấn động bởi nhà đấu giá danh tiếng Sotheby’s Hong Kong công khai tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng trên website, để các nhà sưu tập tham khảo trước khi đưa lên sàn đấu giá. Ngay sau đó, giới họa sĩ Việt phát hiện ra tranh giả và đã lên tiếng mạnh mẽ buộc sàn đấu giá phải rút toàn bộ xuống. Trước đó chỉ một năm, bức tranh Đời sống gia đình của danh họa Lê Phổ dù bị nghi ngờ nhưng vẫn được nhà đấu giá này bán với giá 1 triệu USD.
Điều đáng nói trong những vụ làm tranh giả gây xôn xao đó là nó thường khởi nguồn từ những nhà đấu giá uy tín trong lĩnh vực này. Ví dụ như Sotheby’s Hong Kong, Trung Quốc từ trước tới nay vẫn được xem là “cửa ngõ” nâng tầm giá tranh của các họa sĩ Việt, bởi danh tiếng của nhà đấu giá này hàng trăm năm qua. Tương tự với Christie’s - nhà đấu giá hàng đầu thế giới được thành lập ở Anh cũng dính không ít nghi vấn về sự minh bạch trong chất lượng tranh.
Đi giữa lằn ranh thật giả - làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Tình trạng tranh giả - tranh nhái hỗn tạp gây bất lợi cho thị trường và niềm tin, đã quá rõ. Nhưng có nhiều câu hỏi được đặt ra hơn là điều hiển nhiên ai cũng thấy, đó là cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của tác giả cũng như uy tín của mỹ thuật Việt Nam? Câu trả lời có cần nhiều hơn từ giới chuyên môn, thế nhưng, đầu tiên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, hội Mỹ thuật Việt Nam cần vào cuộc để bảo vệ tranh Việt.
Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam trong một bài phỏng vấn đã chia sẻ: “Hoạt động mỹ thuật ở Việt Nam hiện nay không có một hành lang pháp lý để bảo vệ quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Các nghệ sĩ đang đơn phương bảo vệ tác phẩm của mình và vì thế, hiện nay, tranh giả rất nhiều. Khuôn mặt của mỹ thuật nước nhà qua các thời kỳ đã bị mờ đi bởi thị trường tranh giả, làm mất cảm hứng của người yêu nghề. Chúng tôi đang kiến nghị một hành lang pháp lý để bảo vệ nền Mỹ thuật Việt Nam.” Hành lang pháp lý này có lẽ cần nhiều thời gian để xây dựng và đưa vào áp dụng trong thực tế. Còn trước đó, chúng ta vẫn cần những động thái rõ ràng và quyết liệt để bảo vệ tranh Việt, sâu xa hơn là bảo vệ nền mỹ thuật Việt vốn đang vẫn mãi tranh tối tranh sáng.
Còn về phía những nhà sưu tập, có một nguyên tắc bất di bất dịch của việc mua bán nghệ thuật là không rõ ràng xuất xứ hoặc đường đi nước bước của tác phẩm thì không mua. Nếu tác phẩm đã in sách báo, hoặc đã qua tay 3 - 4 người sở hữu thì dấu vết lưu giữ phải được mô tả lại. Thường không thể có tác phẩm bậc thầy từ trên trời rơi xuống, còn nếu có, việc đầu tiên phải xác định xem trong lịch sử bậc thầy đó có vẽ một bức như vậy không, và phải xác định hàm lượng carbon-14.
Cuối cùng, nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont - vốn có nhiều cay đắng với mỹ thuật Việt Nam đã cảnh báo trên Facebook của mình: “Không nên dễ dàng mua tranh vì nhà môi giới nổi tiếng, vì chữ ký, vì giấy chứng nhận hay vì được trưng bày, triển lãm đâu đó. Và cũng không nên mua từ sở hữu của ai đó quen biết. Hãy tìm hiểu, học hỏi thật kỹ trước khi mua.”
Nguồn: baovannghe.com.vn