Theo kết quả do Aguttes công bố hôm 23/5, hai tác phẩm có giá cao gấp nhiều lần ước tính ban đầu là 50.000-80.000 euro (khoảng 1,3-2,2 tỷ đồng), trong phiên đấu Họa sĩ châu Á: Nghệ thuật Việt Nam hiện đại.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định kết quả cho thấy tranh Đông Dương vẫn được ưa chuộng, nhất là tác phẩm lụa. "Mức giá hai bức họa tương đối cao giữa thị trường tranh đang bình lặng, hứa hẹn những cú đột phá trở lại với mỹ thuật Việt'', ông Khôi nói.
Bức vẽ "Lý trưởng hỏi thăm đường''. Ảnh: Aguttes
Theo thông tin từ Aguttes, một gia đình sống ở Đông Dương từ đầu những năm 1890 cho đến đầu những năm 1960 từng sở hữu hai bức tranh. Bức Lý trưởng hỏi thăm đường được sáng tác khoảng năm 1934, chất liệu mực và màu trên lụa, tả vị lý trưởng ngồi trên lưng ngựa đang dừng chân hỏi đường đứa trẻ.
Góc dưới bên phải tranh có đóng dấu, chữ ký tác giả cùng hai câu thơ, được nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi dịch: ''Khách cưỡi ngựa lạc đường bụi đỏ/ Trẻ chỉ tay hoa cỏ ven đường". Ông từng nhắc đến tác phẩm trong cuốn Thang Trần Phềnh, do Nhà xuất bản Mỹ thuật phát hành năm 2018.
Tranh Lý trưởng đọc sách cho dân làng ra đời cùng năm, khắc họa cảnh hai phụ nữ và một em nhỏ đứng quanh lý trưởng, tập trung nghe ông đọc sách. Phía trên bên phải bức họa có chữ ký họa sĩ, con dấu cùng câu trích dẫn về nguyên tắc ứng xử tốt.
Tranh ''Lý trưởng đọc sách cho dân làng''. Ảnh: Aguttes
Thang Trần Phềnh (1895-1972) là một trong những họa sĩ nổi tiếng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ông cùng Lê Huy Miến, Nam Sơn là ba nhân vật tiên phong trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam cận - hiện đại.
Ông bộc lộ năng khiếu vẽ từ năm 12-13 tuổi. Khoảng năm 1911-1915, họa sĩ nhiều lần đoạt giải nhất, nhì ở các cuộc đấu xảo (triển lãm, hội chợ cũ ở Hà Nội). Năm 1923, ông giành giải mỹ thuật của Hội khai trí Tiến Đức, được học giả Phạm Quỳnh khen tài vẽ tranh sơn dầu - chất liệu mới mẻ với hội họa Việt khi ấy.
Năm 1926, ông trúng tuyển đợt tuyển sinh khóa hai của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng lứa danh họa Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm. Sinh thời, danh họa Tô Ngọc Vân từng nhận xét: "Ông là họa sĩ mà trước kia chúng tôi rất phục tài, coi như cái đích tuyệt cao khó tới".
Giai đoạn 1931-1933, các sáng tác của danh họa được gửi sang Pháp, Italy tham gia triển lãm thuộc địa Paris, triển lãm thuộc địa Rome, ghi dấu ấn bởi kết hợp hài hòa kỹ thuật vẽ phương Tây và bản sắc văn hóa dân tộc.
.Năm 1931, sau khi tốt nghiệp trường mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ chuyên tâm làm nghệ thuật sân khấu. Ông tổ chức gánh hát, lập Ban hát mỹ thuật Đồng Ấu cho trẻ em, lưu diễn khắp nơi ở Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định, đến năm 1943 mới ngừng. Cuối năm 1946, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, đưa gia đình lên vùng Bắc Giang và làm việc ở Sở Thông tin Tuyên truyền liên khu 10. Năm 1954, ông đưa gia đình về lại Hà Nội, cộng tác với rạp hát Chuông Vàng (Kim Phụng) đến năm 1963.
Nguồn: vnexpress.net