VĂN HÓA ĐỌC PHẢI LÀ NHU CẦU THIẾT YẾU, TỰ THÂN

Tối 17/04, lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tham dự, chỉ đạo và phát biểu tại buổi lễ.

 

Năm 2024, Ban tổ chức lựa chọn các thông điệp về sách hay, hướng đến bạn đọc với tinh thần gốc sự phát triển của sách là văn hóa đọc. Chương trình diễn ra từ ngày 17/04 - 01/05 với nhiều hoạt động, sự kiện phong phú, đa dạng nhằm tôn vinh sách và cổ vũ phát triển văn hóa đọc.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tham dự, chỉ đạo và phát biểu tại buổi lễ: "Tương lai đất nước thuộc về thế hệ trẻ giàu ý chí và khát vọng, văn hóa đọc phải là nhu cầu thiết yếu, tự thân, tự học, tự trau dồi kiến thức, được áp dụng, thấm đẫm trong mỗi con người, mỗi tế bào xã hội".

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024 góp phần phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số trong văn hóa xuất bản, in ấn và phát hành sách. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc

Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày sách điện tử.

Tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, những thông điệp này giản dị nhưng mang ý nghĩa sâu rộng, thể hiện mong muốn ngành xuất bản góp sức mình vào xây dựng hệ tri thức dân tộc.

Chuỗi hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 với các thông điệp: Sách hay cần bạn đọc, Sách quý tặng bạn, Tặng sách hay - Mua sách thật, Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe.

Điểm nhấn của lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay là màn trình diễn 3D mapping về văn hóa đọc gồm hai chương. Chương đầu tiên gắn với câu chuyện truyền thống hiếu học của người Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo. Chương tiếp theo thể hiện sự phát triển của ngành xuất bản để phục vụ nâng cao dân trí, phát triển văn hóa.

Màn trình diễn 3D mapping tại lễ khai mạc. 

Trong khuôn khổ lễ khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra nhiều hoạt động thú vị như hội sách tại Hồ Văn, giới thiệu sách điện tử tại sân nhà Bái đường, chiêm ngưỡng các bộ sách quý về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ảnh và sách về đất nước, con người Việt Nam trên các phiên bản điện tử hiện đại và các ấn bản trực tiếp.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận