Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Bùi Huy Vĩnh đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXII. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Ngày Thơ Việt Nam tại Vĩnh Phúc bắt đầu với nghi lễ rước lửa, thắp lửa truyền thống. Năm nay, ngọn lửa thiêng được rước từ Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phường Trưng Trắc về lễ đài. Ngày Thơ Việt Nam tại Vĩnh Phúc năm 2024 gồm nhiều hoạt động như trao đổi, giao lưu thơ, trình diễn thư pháp, tặng chữ ngày Xuân, ký họa chân dung…
Điểm nhấn của chương trình là nghi lễ thả Thơ, thời khắc đặc biệt nhất trong Ngày Thơ, thời khắc 59 vần Thơ mang theo những khát vọng tươi đẹp về cuộc sống, những giá trị chân - thiện - mỹ mà thơ ca hướng đến.
Trao tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc” cho các nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Ông Bùi Xuân Thanh, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, thơ trước tiên là cuộc đời. Tôn vinh thơ chính là tôn vinh những giá trị tinh tế của văn hóa, nhân lên những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, góp phần xây dựng niềm tin, đạo đức xã hội. Từ khi tái lập tỉnh năm 1997, các hội viên và tác phẩm thơ của Hội Văn học - Nghệ thuật Vĩnh Phúc phát triển về số lượng, chất lượng. Nhiều lĩnh vực, đề tài được các nhà thơ khắc họa đậm nét, thấm đẫm tình người, tình đời, tình yêu quê hương, đất nước. Hội Văn học - Nghệ thuật ngày càng khẳng định vị trí của mình trong xây dựng, phát triển đất nước; khuyến khích văn nghệ sỹ sáng tạo, lan tỏa thơ ca đến mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, góp phần bồi đắp cho con người đời sống tinh thần đầy thi vị.
Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam tại Vĩnh Phúc, công chúng được thưởng thức những tác phẩm thơ nổi tiếng của các tác giả tiêu biểu như bài thơ “Nguyên Tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều bài thơ của các tác giả chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước. Những người yêu thơ còn thưởng thức các tiết mục nghệ thuật, giao lưu với nhà thơ nổi tiếng như, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Hà Đình Cẩn...
Nguồn: baotintuc.vn