Vở Huyền thoại Gò Rồng ấp (Tác giả: PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ; đạo diễn: TS, NSND Triệu Trung Kiên) của Nhà hát Cải lương Việt Nam
Trước tiên phải kể tới sân khấu dành cho thiếu nhi, một đối tượng khán giả quan trọng mà những người làm sân khấu hướng tới phục vụ vào dịp Tết đến, xuân về. Tết Giáp Thìn 2024 đã có nhiều chương trình mới, hấp dẫn phù hợp với nhiều lứa tuổi trẻ em.
Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Nhà hát Múa rối Việt Nam đã có một kịch mục phong phú để đáp ứng khán giả thiếu nhi ở nhiều sân khấu của Thủ đô. Trong đó, chương trình nghệ thuật múa rối đặc biệt mang tên Hoàng thành Thăng Long, một tác phẩm được Bộ VHTTDL đặt hàng. Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật múa rối, các nghệ sĩ múa rối đã giới thiệu khái quát về lịch sử của kinh thành Thăng Long, tái hiện lại những nét văn hóa đặc trưng, những kiến trúc cổ được thể hiện qua hình tượng các linh vật như: rồng, phượng, rùa vàng... Tuy được làm bằng gỗ nhưng với sự thông minh cùng đôi tay khéo léo sáng tạo của người nghệ sĩ, những con rối gỗ trở nên vô cùng ngộ nghĩnh tươi tắn và sinh động, khiến cho chương trình trở nên hấp dẫn hơn, giúp khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi vừa cảm nhận được nét đẹp của sân khấu nghệ thuật truyền thống, vừa giúp các em thêm yêu và có ý thức hơn trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Chương trình biểu diễn Hoàng thành Thăng Long của nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam
Một chương trình không kém phần hấp dẫn khác của Nhà hát Múa rối Việt Nam là vở diễn Giấc mơ của Ếch xanh kết hợp giữa sân khấu múa rối nước và rối cạn cùng hiệu ứng đặc biệt của âm nhạc, ánh sáng, khói và mặt nước... mang đến cho công chúng một vở diễn đầy màu sắc lung linh, rực rỡ của thiên nhiên, nhưng cũng lột tả chân thực về sự "nổi giận" của thiên nhiên khi bị tàn phá. Đây không chỉ là một vở diễn mới lạ, hấp dẫn để mang niềm vui đến cho các em nhỏ, mà còn truyền đạt một thông điệp giáo dục, truyền cảm hứng khuyến khích các em tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời đóng góp vào việc gìn giữ Trái Đất xanh - sạch - đẹp.
Bên cạnh đó, chương trình nghệ thuật Trảy hội Xuân kết hợp giữa rối cạn và rối nước, biểu diễn tại Phú Quốc (Kiên Giang), chương trình rối Ngộ nghĩnh trẻ thơ, Giếng làng… và một số chương trình nghệ thuật khác sẽ được Nhà hát biểu diễn phục vụ công chúng trong những ngày Tết. Các chương trình đa dạng, phong phú cả về thể loại, hình thức đến nội dung, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khán giả, từ trẻ em, thanh niên đến người trưởng thành, khách quốc tế…
Chương trình Tết của Liên Đoàn Xiếc Việt Nam
Liên đoàn Xiếc Việt Nam chào đón Tết Giáp Thìn 2024 với chương trình xiếc đặc biệt mang tên Sen - Rồng chào Xuân Giáp Thìn 2024, bắt đầu từ ngày mùng 3 Tết (12.2.2024). Theo đó, sân khấu Rạp Xiếc Trung ương sẽ phục vụ khán giả chương trình xiếc đặc biệt, quy tụ các nghệ sĩ xiếc tài năng hàng đầu Việt Nam, biểu diễn nhiều tiết mục xiếc thú với vẹt, khỉ, lợn, dê, mèo, chó... Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSNDTống Toàn Thắng cho biết trong chương trình, các con thú ngộ nghĩnh lì xì dành tặng khán giả và các em nhỏ, cùng với những tiết mục xiếc mạo hiểm như: Vòng quay mạo hiểm, Đu bay treo tóc trên cao, Ngày hội Tây Nguyên... hứa hẹn sẽ làm nức lòng khán giả những ngày du Xuân. Bên cạnh đó, những chú hề cùng các trò diễn, ảo thuật hài hước, vui nhộn sẽ biểu diễn phục vụ khán giả, mang đến cho công chúng những màn biểu diễn nghệ thuật thú vị, hấp dẫn trong các buổi diễn dịp Xuân Giáp Thìn 2024.
Vở hài kịch Quan Thanh tra của Nhà hát Kịch Việt Nam mang tới những tiếng cười hài hước và sâu sắc đầu xuân
Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Cải lương Việt Nam lại mang tới một loạt các vở diễn khai thác đề tài đa dạng để đáp ứng yêu cầu của mọi đối tượng khán giả từ người lớn đến trẻ nhỏ. Nhà hát Tuổi trẻ chào Xuân 2024 với chương trình hài kịch - ca nhạc Tiếng gọi mùa Hè sẽ trình diễn trong dịp Tết Giáp Thìn và xuyên suốt trong năm 2024. Các tiểu phẩm với nội dung hài hước, dí dỏm, đầy màu sắc, các tình huống bất ngờ với những câu thoại hóm hỉnh được thể hiện bằng lối diễn xuất duyên dáng, độc đáo của các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ. Xen kẽ giữa các tiểu phẩm, khán giả được thưởng thức những tác phẩm âm nhạc trữ tình, sâu lắng và trẻ trung phù hợp với không khí mùa xuân.
Mùng 8 tết âm lịch (tức 17.2), Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ ra mắt khán giả vở hài kịch Ả cave nhà hàng Maxim của tác giả Georges Faydeau đã từng dàn dựng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới và cả trên sân khấu kịch Thủ đô. Vở diễn được coi là một trong những tác phẩm đáng xem đối với những người yêu sân khấu kịch Việt Nam. Bên cạnh đó là hàng loạt các vở chính kịch, hài kịch như Nguồn sáng trong đời, Nghêu Sò Ốc Hến, Quan thanh tra, Bóng rối... là những tác phẩm nghệ thuật mang nhiều tâm huyết sáng tạo của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ lần lượt diễn kéo dài suốt trong tháng 2 và tháng 3.2024.
Vở cải lương Vì nghĩa nước non (Tác giả: Trần Hồng Vân, đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai) của Nhà hát Cải lương Việt Nam
Các đoàn nghệ thuật của Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam đều đã “sẵn nong, sẵn né” để phục vụ vào dịp đầu xuân, đặc biệt là các lễ hội ở Thủ đô và các địa phương. Nhà hát Cải lương Việt Nam có một “thực đơn” khá phong phú từ đề tài lịch sử tới dân gian như: Huyền thoại Gò Rồng ấp, Bất tử với Thăng Long, Bên ánh sao Khuê, Vì nghĩa nước non, Trọn đời trung hiếu với Thăng Long, Vua Phật, Chương trình nghệ thuật tổng hợp... tại các điểm diễn của Thủ đô và cả ở các tỉnh như: Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên...
Nhà hát Chèo Việt Nam bền bỉ đi diễn tại các đình làng, xã của Thủ đô và các địa phương như: Đình Thọ Trai, Thôn Phúc Hậu Bắc Ninh), Bia Bà, Miêu Nha, Tây Mỗ (Hà Nội), Yên Lạc, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), Lục Nam (Bắc Giang)... và đặc biệt là đỏ đèn liên tục tại Rạp Kim Mã, địa chỉ quen thuộc của khán giả yêu sân khấu chèo của Thủ Đô. Với nhiều vở diễn, chương trình chèo cổ đặc sắc như: Quan Mơ, Lưu Bình trả nghĩa, Ba giá đồng, Hầu đồng, Trương Viên, Lời ru hai người mẹ...
Một vở tuồng truyền thống của Nhà hát Tuồng Việt Nam
Nhà hát Tuồng Việt Nam duy trì điểm diễn tại Phố cổ Hà Nội, Rạp Hồng Hà và các lễ hội thường niên của Thủ đô đầu xuân... chủ yếu là các vở tuồng truyền thống và dân gian nổi tiếng mang thương hiệu của đơn vị.
Có những điểm diễn tại Gò Đống Đa thu hút nhiều nhà hát như: Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam... cùng tham gia biểu diễn phục vụ miễn phí khán giả Thủ đô.
Có thể nói, với nhiều chương trình, vở diễn do ê kíp sáng tạo và nghệ sĩ nổi tiếng, được chuẩn bị công phu kỹ lưỡng, công chúng yêu nghệ thuật sân khấu sẽ có thêm những lựa chọn phù hợp cho nhu cầu giải trí nghệ thuật trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Nguồn: baovanhoa.vn