Dấu ấn Tết trong văn học, nghệ thuật

Tết Nguyên đán-Tết cổ truyền luôn là một khoảng thời gian thiêng liêng trong cảm xúc mỗi người. Cuộc chuyển giao giữa hai năm cũ-mới ấy vừa là khép lại vừa là mở ra, đóng lại những câu chuyện đã qua và mở ra những niềm hy vọng.

 

Tết cũng là khi đoàn tụ sum vầy, đón chờ bao bước chân từ nơi xa trở về mái ấm. Tết lại cũng có thể trở thành thời khắc của thương nhớ rưng rưng, của bao kỷ niệm ùa về. Với mỗi văn nghệ sĩ, Tết luôn là thời khắc thật đặc biệt, tác động mạnh mẽ vào cảm xúc sáng tạo để cho ra đời nhiều tác phẩm đặc sắc.

1. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều họa sĩ đã theo đuổi dòng tranh con giáp trong nhiều thập niên qua. Họa sĩ Lê Trí Dũng (sinh năm 1949) trong gần nửa thế kỷ qua đã mê mải với đề tài 12 con giáp, trong đó, ông nổi tiếng với sở trường vẽ ngựa, gồm trên dưới 3.000 bức đã hoàn thành. Ông cho biết, việc vẽ tranh con giáp của mình chịu ảnh hưởng sâu sắc từ danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Bởi ngày nhỏ, ông thường sang nhà xem họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ tranh con giáp. Cũng theo Lê Trí Dũng, trong 12 con giáp có 4 con khó vẽ nhất là chuột, rắn, khỉ, dê.

Tổ chức bán đấu giá một số tác phẩm gây quỹ từ thiện tại triển lãm nghệ thuật “Nhân Dân-Quý Mão 365” do Báo Nhân Dân tổ chức.
Ảnh: THÀNH ĐẠT 

Khó bởi hình thể chúng không đẹp và những ý nghĩa biểu tượng trong đời sống không tích cực. Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn cũng yêu thích đề tài 12 con giáp, năm nào ông cũng vẽ tới mấy chục bức về con giáp của năm đó. Quan sát triển lãm của các họa sĩ trong vòng 5 năm trở lại đây, năm nào cũng có những triển lãm về tranh các con giáp, tạo được sự chú ý rộng rãi của công chúng cũng như giới mỹ thuật. Chẳng hạn, đầu năm 2018 và 2019 đều có các triển lãm tranh Tết Mậu Tuất và tranh Tết Kỷ Hợi của gallery Đông A, quy tụ được nhiều bức tranh độc đáo, ấn tượng về hai con giáp tuất và hợi của các họa sĩ đương đại. Đầu năm 2020 có triển lãm “Tiễn Hợi đón Tý” của nhóm họa sĩ G39, đầu năm 2021 có triển lãm “Nghiệp” của họa sĩ Ngô Thanh Hùng với các bức tranh về con trâu-con giáp của năm.

Chào đón năm Nhâm Dần có triển lãm “Cọp kẹt Covid” của họa sĩ Đặng Mậu Tựu. Đến mùa xuân 2023 này, triển lãm với chủ đề “Con giáp mùa xuân” lại vừa được họa sĩ Đặng Mậu Tựu và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức với hơn 30 bức tranh về con mèo. Ngoài ra, triển lãm còn thu hút 13 họa sĩ khác tham gia cũng với những bức tranh về hình tượng con mèo.

2. Ngày Tết, ngoài chuyện ăn mặc, nhiều người hẳn sẽ nghĩ đến chuyện đi đâu, xem gì, chơi gì. Những người yêu mỹ thuật có thể tìm đến các triển lãm tranh, người yêu điện ảnh sẽ có thời gian vào rạp xem các bộ phim mà họ yêu thích, một số người thực hiện những chuyến đi chơi xa cùng bạn bè, người thân. Nhiều người Việt đi lễ đền, chùa và chúng ta vẫn thường quen gọi là những chuyến du xuân. Truyền thống này đã đi vào những ca khúc nổi tiếng: Trên đường đi lễ xuân đầu năm/ Qua một năm ruột rối tơ tằm/ Năm mới nhiều ước vọng chờ mong/ May nhiều rủi ít ngóng trông/ Vui cùng pháo đỏ rượu hồng ("Câu chuyện đầu năm", nhạc và lời: Hoài An). Nhiều nhạc sĩ đã viết nên những bài hát thật vui tươi, rộn rã, đầy sức sống về ngày Tết, về mùa xuân. Các bài hát về ngày Tết luôn có giai điệu lôi cuốn, nhịp điệu nhanh và sôi nổi: Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi/ Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi/ Đàn em thơ khoe áo mới/ Chạy tung tăng vui pháo hoa ("Ngày Tết quê em", nhạc và lời: Từ Huy).

Cùng với chữ “Tết”, các tín hiệu ngôn ngữ khác như: “Giao thừa”, “câu chúc” cũng góp phần mang về một không khí năm mới ngập tràn trên khắp quê hương: Xuân xuân ơi xuân đã về/ Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến/ Xuân xuân ơi xuân đã về/ Tiếng chúc Giao thừa mừng đón mùa xuân/.../ Nghe âm vang bao câu chúc yên lành/ Đất nước gấm hoa yên ấm, an vui/ Bao em thơ khoe áo mới tươi cười/ Chào một mùa xuân mới (“Mùa xuân ơi”, nhạc và lời: Nguyễn Ngọc Thiện). Nhiều tình khúc cũng được viết ngay bên thềm năm mới, trong khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ-mới. Quả thực, mùa xuân bao giờ cũng gắn liền với tuổi trẻ và tình yêu: Cầm tay nhau bước trong Giao thừa/ Đón xuân đang về với tình yêu, trái đất này/.../ Bên em, bên em anh say trong hạnh phúc/ Đôi môi em anh ngỡ cánh đào (“Khúc giao mùa”, nhạc và lời: Huy Tuấn); Và chúng ta lại đón Giao thừa/ Phút giây lặng lẽ mong chờ/ Lắng nghe mùa xuân về (“Lắng nghe mùa xuân về”, nhạc và lời: Dương Thụ); Mùa xuân, để ta hái đem trao tặng nhau/ Lòng tin yêu mãi xanh rờn/ Sống trong ta mãi muôn đời/ Kìa mùa xuân về Giao thừa đã qua (“Phút giao thừa lặng lẽ”, nhạc và lời: Anh Quân-Huy Tuấn).

3. Ngược dòng thời gian, thi ca của người Việt cũng từng có những cái Tết thật buồn giai đoạn trước năm 1945. Đó là khi đất nước vẫn chìm đắm trong cảnh nô lệ, con người bị mất quyền làm chủ. Bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên là hoài niệm về một nét đẹp văn hóa dần mai một: Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay. Mở đầu bài thơ “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ bằng nhiều hình ảnh, màu sắc rộn rã là thế mà đến khi khép lại tác phẩm cũng không giấu nổi nỗi u buồn vương vất: Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/ Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ. Nguyễn Bính thì có vô vàn mùa xuân tha hương, ly biệt, ở nơi đất khách quê người mà vọng về quê nhà với bao thương nhớ: Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió/ Xuân này em chị vẫn tha hương/ Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ/ Son sắt say hoài rượu viễn phương/.../ Đêm Ba mươi Tết quê người cũng/ Tiếng pháo Giao thừa dậy tứ phương ("Xuân vẫn tha hương"); Chiều Ba mươi hết năm rồi/ Nhà tôi, riêng một mình tôi vắng nhà/ Tôi còn lận đận phương xa/ Để ăn cái Tết thật là vô duyên ("Xuân về nhớ cố hương"); Rượu chẳng say cho đèn cũng lụi/ Ngày mai xuân nở khắp giang san/ Ngày mai ăn Tết bằng chi nhỉ/Ăn Tết bằng hai cánh cửa quan ("Tết biên thùy").

Bài thơ xuất hiện nhiều từ Tết nhất và khắc khoải, da diết nhất là thi phẩm “Xuân tha hương”, gồm 100 câu được bắt chung một vần. Cái điệp khúc: Tết này chưa chắc em về được/ Em gửi về đây một tấm lòng trở đi trở lại đến 7 lần trong toàn bộ bài thơ. Rải rác trong bài còn có 6 từ Tết khác, nâng tổng tần số xuất hiện của Tết trong thi phẩm lên tới 13 lần. Cái cảm giác bơ vơ, lạc lõng, cô đơn, vô định dễ khiến người ta phải trào nước mắt: Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết/ Một mình em vẫn cứ tay không/ Vườn nhà Tết đến hoa còn nở/ Chị gửi cho em một cánh hồng/ Tha hương chẳng gặp người tri kỷ/ Một cánh hoa tươi đỡ lạnh lòng/.../ Chị ơi, Tết đến em mua rượu/ Em uống cho say đến não lòng/ Uống say cười vỡ ba gian gác/ Ném cái chung tình xuống đáy sông...

4. Cho đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cả đất nước bước vào một kỷ nguyên mới. Từ năm 1946 đến 1969, nhân dân ta thường xuyên được đón nghe những bài thơ chúc Tết của Bác Hồ đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, những bài thơ trở thành nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn để quân và dân ta vượt qua hai cuộc kháng chiến gian khổ cho đến ngày toàn thắng, Bắc-Nam thống nhất: Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn (Thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969).

Và rồi ngày cả dân tộc mong đợi cũng đến. Đại thắng mùa xuân 30-4-1975 đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Biết bao ca khúc chào đón một mùa xuân của hòa bình, thống nhất non sông được ra đời. Dù trong ca từ những bài hát ấy không có một chữ Tết nào nhưng đó là những bài hát được vang lên rộn rã, hân hoan trong cái Tết đầu tiên của kỷ nguyên thống nhất đất nước Xuân Bính Thìn 1976: Mùa xuân này về trên quê ta/ Khắp đất trời biển rộng bao la/ Cây xanh tươi ra lá trổ hoa/ Chào mùa xuân về với mọi nhà ("Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh", nhạc và lời: Xuân Hồng); Em ơi mùa xuân đến rồi đó/ Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời ("Em ơi mùa xuân đến rồi đó", nhạc và lời: Trần Chung). Sau này, ngày Tết còn là thời khắc để các thi sĩ bày tỏ những suy tư của mình về thời gian, về phận người, nhưng vẫn không quên gieo những mầm xanh tươi hy vọng: Thời gian qua kẽ tay/ Làm khô những chiếc lá/ Kỷ niệm trong tôi/ Rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn/ Riêng những câu thơ còn xanh/ Riêng những bài hát còn xanh/ Và đôi mắt em như hai giếng nước ("Thời gian"-Văn Cao, Xuân Đinh Mão 1987).

Có thể nói, dẫu ngày nay đời sống có hiện đại đến đâu, vị trí và ý nghĩa của Tết không thay đổi trong đời sống văn hóa-xã hội nước ta. Chính vì thế, dấu ấn Tết cũng sẽ tiếp tục được các thế hệ văn nghệ sĩ hiện nay đưa vào các tác phẩm văn nghệ xuất sắc, thể hiện niềm tin về những điều tốt đẹp đến với mọi nhà, mọi người trong năm mới.

Nguồn: https://www.qdnd.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận