Họa sĩ Phùng Phẩm - một tài hoa lặng lẽ

Tháng 10/2023, triển lãm cá nhân của họa sĩ Phùng Phẩm diễn ra tại Thăng Long Gallery đã thực sự gây bất ngờ và thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật. Họa sĩ Phùng Phẩm có một cuộc đời hoạt động nghệ thuật độc đáo và truân chuyên đến kỳ lạ. Tài hoa và lặng lẽ, dường như ông đã 'ẩn nấp' trong hội họa, cứ mặc những bức tranh lên tiếng mà chẳng cần nói lời nào...

 

    1. Đầu năm 2023, một sự kiện mỹ thuật được công chúng chú ý, đó là việc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp nhận 2 tác phẩm tranh sơn mài của họa sĩ Phùng Phẩm do bà Ellen Berends trao tặng, là “Những nụ hôn tình yêu” và “Kiêu hãnh”.


Họa sĩ Phùng Phẩm ở tuổi 92

    Bà Ellen Berends nguyên là Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam. Từng là Đại sứ Hà Lan tại nhiều nước, trong thời gian công tác ở Việt Nam, bà rất quan tâm đến hội họa Việt Nam đương đại. Bà Ellen Berends từng chia sẻ kỷ niệm về việc mua 2 tác phẩm hội họa này rằng: “Tôi bị choáng ngợp bởi sự táo bạo, đam mê và độc đáo của tác phẩm. Hóa ra đây lại là tranh của Phùng Phẩm. Như với “Kiêu hãnh”, tôi quyết định dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình để mua bức tranh. Đây thực sự là một tác phẩm nghệ thuật mà tôi muốn thưởng thức mỗi ngày...”.

    Việc bà Ellen Berends trao tặng lại 2 tác phẩm này cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được đánh giá là “hành động cao quý và hào phóng” và sở dĩ bà có quyết định như vậy đơn giản là vì “muốn nhiều người Việt Nam được ngắm nhìn chúng hơn…”. Vậy là hiện nay, họa sĩ Phùng Phẩm đã có 5 tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (trước đó đã có 3 tác phẩm là “Xóm chợ” (in khắc gỗ, 48x65cm), “Chống hạn” (sơn mài, 113x133cm), “Trước vận mệnh Tổ quốc” (in khắc gỗ, 34x55,5cm).

    Thời điểm 2 tác phẩm được bà Ellen Berends hiến tặng bảo tàng, nhiều người vẫn còn đặt câu hỏi “Phùng Phẩm là ai mà có được niềm vinh dự lớn lao này?”. Nhưng đến xem triển lãm cá nhân của Phùng Phẩm tại Thăng Long Gallery, đã phần nào hiểu được tại sao một người am hiểu về hội họa đương đại thế giới như Bà Ellen Berends lại bị “choáng ngợp bởi sự táo bạo, đam mê và độc đáo của tác phẩm”. Ở đó, đã thực sự hiện lên một Phùng Phẩm tài hoa, cá tính mạnh mẽ nhưng lại đầy lòng trắc ẩn. Nói như họa sĩ Đỗ Đức: “Ai đã từng xem tranh Phùng Phẩm chỉ cần một lần thôi thì lần sau đứng từ xa đã nhận ra ông, bất kỳ ông thể hiện trên chất liệu nào, khắc gỗ hay sơn mài. Là bởi họa sĩ đã dùng yếu tố trang trí làm chủ đạo cho toàn bộ tranh của mình, ông cẩn trọng từ nét đến hình, các khoảng trống và lối dùng màu. Ông đã theo đuổi nó, mải mê không chán, như theo đuổi duy nhất một người tình - điều làm nên một Phùng Phẩm độc đáo... Tranh của Phùng Phẩm không phải mỹ thuật dành cho số đông. Như người xưa từng nói: “Quý vật chỉ dành cho quý nhân” là vậy. Bởi nó là những viên đá quý được gọt giũa chỉ tỏa sáng khi gặp ánh sáng tương thích thẩm thấu được qua lớp màu hay sau nét khắc”.

    Còn họa sĩ Phùng Phẩm chia sẻ về công việc làm nghệ thuật mà ông đã đeo đuổi, dấn thân và trải nghiệm suốt cuộc đời mình rằng: “Làm nghệ thuật khó như một người nghèo đi đào vàng. Nay đào chưa thấy, mai cũng chưa thấy. Có khi hết cả cuộc đời cũng chưa chắc đã thấy. Chỉ có lòng quyết tâm, lòng ham muốn, say mê may ra mới có thể tìm thấy nó. Nghệ thuật ấy mới là nghệ thuật đích thực...”.

    Hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm của Phùng Phẩm thường hiện lên với vẻ đẹp khỏe khoắn và quyến rũ ngay cả trong các hoạt động lao động sản xuất như khi tát nước, cấy lúa, đập lúa, trồng trọt... Là người đã sống qua gần trọn một thế kỷ với nhiều thăng trầm, nhưng họa sĩ Phùng Phẩm có một cái nhìn rất “thoáng”, rất mới mẻ và cởi mở về chủ đề tình yêu. Bởi vậy khi chia sẻ về chủ đề tình yêu, Phùng Phẩm có những quan điểm rất thú vị và táo bạo: “Trong các tranh tôi vẽ thì phụ nữ chiếm đa số với những nét sinh hoạt bình thường: chải tóc, soi gương, ngồi đợi người yêu... Việc nam nữ yêu nhau có từ ngàn đời, tình yêu nam nữ ở đâu cũng có và con người biết yêu thương nhau là con người có văn hóa. Tranh sơn mài hay khắc gỗ tôi đều thích đề tài này. Nhưng ở Việt Nam còn bị hạn chế, nhất là yêu nhau trong tranh khỏa thân lại càng bị hạn chế... Có một điều tôi hơi buồn vì trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không có một bức tranh khỏa thân nữ và không có nam nữ khỏa thân yêu nhau”.

    2. Họa sĩ Phùng Phẩm năm nay đã 92 tuổi nhưng còn khá nhanh nhẹn và mẫn tiệp. Ông sinh năm 1932, tại một làng quê vùng trung du Vĩnh Phúc và là em trai của nhà thơ Phùng Cung.

    Do có anh trai là người lãnh đạo dân trong xã nổi dậy cướp chính quyền nên ông tham gia cách mạng từ rất sớm. Khi vừa tròn 20 tuổi, ông được cấp trên cử đi học ở Khu học xá Trung Quốc. Tại đây, nhờ những buổi tiếp xúc và những buổi học vẽ ngắn ngủi với thầy Nguyễn Khang đã khiến niềm đam mê vẽ trong ông được đánh thức.

Họa sĩ Phùng Phẩm tại buổi lễ tiếp nhận 2 tác phẩm của ông được nhà ngoại giao Hà Lan Ellen Berends trao tặng.

    Sau hòa bình lập lại năm 1954, ông được cử đi dạy học ở Sơn Tây, nhưng niềm đam mê vẽ vẫn âm thầm thôi thúc và ông đã thi đậu khóa 1 (hệ trung cấp) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1957 - 1960), cùng với lứa họa sĩ tài năng như Mộng Bích, Hoàng Trầm, Kim Bạch, Đường Ngọc Cảnh, Quách Phong, Thanh Châu, Trương Đình Hào... Các thầy dạy trong trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam khi  đó cũng đều là những tên tuổi lớn, là lớp các họa sĩ thế hệ Mỹ thuật Đông Dương tài năng như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Trọng Hợp, Sỹ Ngọc, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tiến Chung, Phạm Văn Đôn... Khi ra trường, ông được chuyển công tác về Ty Văn hóa tỉnh Hải Dương, nhưng sau đó vì vẫn mong được tiếp tục học hỏi, nâng cao về hội họa nên ông đã thi tiếp vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam và học được 2 năm thì việc học phải dừng lại mà không rõ lý do. Sau “sự cố” này, ông chuyển về công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho tới lúc nghỉ hưu.

    Tại buổi triển lãm mà ông nói rằng có thể là cuộc triển lãm cuối cùng trong cuộc đời mình, họa sĩ Phùng Phẩm chia sẻ: “Lúc bấy giờ gia đình tôi với 1 vợ và 2 con nhỏ, lương có 45 đồng làm sao sống nổi nên buộc phải lao vào vẽ. Cuộc đời tôi trở lại với lao động nghệ thuật cũng bắt đầu từ đấy. Thời tôi công tác ở Ty Văn hóa tỉnh Hải Dương chủ yếu là đi dạy vẽ khẩu hiệu, vẽ tranh tường và làm triển lãm chứ không có thì giờ để vẽ. Thực ra, tranh khắc gỗ với tranh sơn mài hoàn toàn khác nhau. Có thể có những hình ảnh gần như giống nhau nhưng cách làm, cách suy nghĩ là hoàn toàn khác nhau. Tôi làm tranh khắc gỗ đồng thời làm tranh sơn mài, tôi vẽ cả tranh lụa nữa. Lúc bấy giờ bán rẻ lắm, nhưng cuộc sống nó dạy mình như thế nên phải làm. Tranh khắc gỗ tôi chỉ vẽ đen trắng, vì tôi thấy rằng, ngay cả đen trắng cũng gợi nên màu. Những người nào phải hiểu được đen trắng cũng mang màu sắc thì mới làm được tranh khắc gỗ đen trắng. Tôi có xem tranh sơn mài thời mỹ thuật Đông Dương, họ làm rất kỹ, nhiều lớp, lớp nọ chồng lên lớp kia rất cầu kỳ. Tôi nghĩ rằng cái sự cầu kỳ ấy nó có mang vẻ đẹp không mới là quan trọng. Cái đẹp ấy cần được đổi khác và tôi đã và đang làm những đổi khác đó, bằng cách vẽ lập thể nhưng làm sao để nó vẫn phải Việt Nam”.

    Trải qua nhiều công việc khác nhau giữa những thiếu thốn, khó khăn, vất vả của cuộc mưu sinh dường như họa sĩ Phùng Phẩm vẫn chưa bao giờ ngừng vẽ. Ông đã vẽ kiên trì, bền bỉ, say mê và tận lực cho đến những năm chạm tuổi 90. Khi tuổi cao sức yếu không làm việc được nữa, ông vẫn nói rằng nếu còn sức để sáng tạo ông sẽ còn tiếp tục làm việc, tiếp tục đổi mới chứ không bao giờ muốn dừng lại. Trong chiến tranh, khi họa phẩm trở thành món hàng khan hiếm và đắt đỏ, Phùng Phẩm đã tìm đến tranh khắc gỗ và mực tàu vốn ít sự tốn kém nhất để thỏa chí sáng tạo của mình. Lặng lẽ và nhẫn nại, từ những năm 70, họa sĩ Phùng Phẩm đã có những bức tranh khắc gỗ rất ấn tượng.

    Sau năm 1986, các tác phẩm của Phùng Phẩm chuyển hẳn sang trường phái lập thể với những bức tranh sơn mài khổ lớn có hình khối khỏe khoắn, vạm vỡ. Nói như nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương thì: “Trong sáng tác của Phùng Phẩm, có thể thấy bài học từ Fernand Leger hay Picasso, từ đồ họa hiện đại phương Tây, từ khắc gỗ Nhật Bản, từ hoa văn trang phục miền núi, từ trống đồng Đông Sơn..., hay đâu xa nữa cũng có. Muôn thuở vẫn là đường nét và trang trí kỷ hà vậy thôi, vốn là cái nhìn hình thái ban sơ cội nguồn nhất của nghệ thuật loài người. Quan trọng là tự tay Phùng Phẩm đã thấm nhuần và chưng cất nên một thứ rượu mạnh của riêng ông, mang bản sắc cá nhân độc đáo”.

 

(Nguồn: https://cand.com.vn/Nhan-vat/hoa-si-phung-pham-mot-tai-hoa-lang-le-i720539/)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận