1. Việt Nam có thêm các địa danh và danh nhân được UNESCO vinh danh
Đó là Quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; là TP Hội An và TP Đà Lạt được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thủ công - nghệ thuật dân gian và âm nhạc; là đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO ra nghị quyết cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm nhân 300 năm sinh của ông.
Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận Quần thể Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Ảnh: TTXVN
Bên cạnh đó, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới" tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards). Việt Nam cũng có những đóng góp rất tích cực và được bầu làm Phó chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò tại các cơ chế then chốt của UNESCO.
TP Hội An được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo”
2. Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam
Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 có ý nghĩa lịch sử to lớn trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời bản Đề cương đã được tổ chức ở quy mô quốc gia, gồm Hội thảo khoa học quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển; Tuần phim kỷ niệm được tổ chức trên quy mô toàn quốc; Phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam được phát sóng trên các đài truyền hình trung ương và địa phương; Triển lãm ảnh 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật với chủ đề Đề cương Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử…
3. Hội nghị toàn quốc về "Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam"
Đây là hội nghị toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay về công nghiệp văn hóa, diễn ra vào ngày 22/12/2023.
Hội nghị đã đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đã đạt được, cùng những tồn tại, hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa thời gian qua. Từ đó, Hội nghị đề ra mục tiêu đến năm 2030 là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam, trở thành ngành kinh tế quan trọng; trong đó, tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế, hướng đến đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng) cho ngành công nghiệp văn hóa.
4. Bộ phim "Bên trong vỏ kén vàng" giành giải tại LHP Cannes
Phim của đạo diễn Phạm Thiên Ân với tựa tiếng Anh Inside The Yellow Cocoon Shell đã chiến thắng ở hạng mục Camera d'Or (Máy quay Vàng) - giải thưởng vinh danh các tác phẩm đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 2023 (từ 16 - 27/5/2023) tại Pháp. Đây là bộ phim mang quốc tịch Việt Nam đầu tiên và là bộ phim nói tiếng Việt thứ hai giành được giải này sau 30 năm kể từ "Mùi đu đủ xanh" (phim nói tiếng Việt nhưng mang quốc tịch Pháp của đạo diễn Trần Anh Hùng).
Bên cạnh đó, thành công cũng đến với đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng tại LHP Cannes năm nay khi giành giải Đạo diễn xuất sắc với phim The Pot Au Feu (còn có tên La Passion de Dodin Bouffant).
5. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội gây tiếng vang lớn
Được tổ chức thường niên từ 2021, tuy nhiên, lễ hội năm nay đã có ý tưởng và hình thức tiếp cận đặc biệt khi lần đầu tập trung khai thác không gian tại các di sản công nghiệp của Hà Nội như tháp nước Hàng Đậu, ga Long Biên, nhà máy xe lửa Gia Lâm… Với hơn 60 hoạt động văn hóa và sự tham dự của hơn 200 cá nhân, đơn vị nghệ thuật, lễ hội đã đón một lượng khán giả lớn - đặc biệt là giới trẻ - và cho thấy năng lực dồi dào đối với các ngành công nghiệp sáng tạo tại Hà Nội. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để dư luận chú ý tới việc cần gìn giữ và khai thác các di sản công nghiệp vào mục đích sáng tạo văn hóa phục vụ cộng đồng.
Không gian nghệ thuật trên chuyến tàu "Hành trình di sản" tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã thu hút du khách. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
6. Ấn tượng với Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa
Sau 3 năm vắng bóng, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) 2023 với chủ đề "Phố Hàng Nhạc" đã trở lại với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ quốc tế và giới thiệu nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ Việt Nam. Khác với những mùa trước, Monsoon Music Festival 2023 đem tới hình thức tổ chức mới: mô hình lễ hội thành phố với 9 ngày âm nhạc (từ ngày 14 - 22/10/2023); hơn 40 nghệ sĩ/ ban nhạc trong nước và quốc tế tham dự; hơn 70 buổi biểu diễn và gần 4.000 phút đắm chìm trong âm nhạc. Mỗi tối, lễ hội đồng thời diễn ra tại 5 địa điểm trong phố cổ Hà Nội. Đây được xem là sự kiện văn hóa, phát triển thành mô hình lễ hội thành phố lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Năm 2023 có thể nói là được mùa lễ hội âm nhạc tại Việt Nam, bên cạnh Monsoon Music Festival tại Hà Nội là Liên hoan Âm nhạc quốc tế TP.HCM lần 3 - Hò Dô 2023. Đây là những cơ hội để kết nối và phát triển công nghiệp văn hóa, mang lại những lợi ích lâu dài và thiết thực cho cộng đồng.
Tối 14/10/2023, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) chính thức khai mạc Lễ hội âm nhạc Quốc tế Gió Mùa 2023 với chủ đề "Phố Hàng Nhạc". Ảnh: Tuấn Đức – TTXVN
7. Ra mắt Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng
Liên hoan phim (LHP) châu Á - Đà Nẵng lần thứ nhất 2023 (Da Nang Asian Film Festival - DANAFF I) với chủ đề "Nhịp cầu châu Á" diễn ra tháng 5/2023 với gần 800 đại biểu và khách mời tham dự; 46 bộ phim đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 20 phim được tuyển chọn dự thi ở hai hạng mục tranh giải là Phim châu Á và Phim Việt Nam.
Đây là liên hoan phim hoàn toàn mới, được tổ chức hàng năm theo chuẩn quốc tế, bên cạnh LHP Quốc tế Hà Nội (2 năm/lần), và cũng là LHP đầu tiên do một địa phương phối hợp với hội nghề nghiệp tổ chức theo quy định của Luật Điện ảnh năm 2022, nhằm lựa chọn và vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, khích lệ những tài năng mới của điện ảnh Việt Nam và khu vực… LHP có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ điện ảnh quốc tế: diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc Moon So-ri; đạo diễn - biên kịch Kazakhstan Adilkhan Yerzhanov; đạo diễn Hàn Quốc Jang Joon-Hwan; Đồng Chủ tịch NETPAC Bina Paul...
Giải thưởng quan trọng nhất của LHP là Phim châu Á hay nhất (The Best Asian Film) được trao cho phim Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm đem lại hy vọng vào sự bứt phá trong tương lai gần của những nhà làm phim trẻ Việt Nam.
Một cảnh phim trong "Những đứa trẻ trong sương". Ảnh: Beta Cinema
8. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao
Là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, với ca khúc "Tiến quân ca" trở thành "Quốc ca", nhạc sĩ Văn Cao đã để lại một di sản đồ sộ, gồm cả âm nhạc, thi ca và hội họa. Năm 2023, nhân 100 năm ngày sinh của ông (15/11/1923 - 2023), nhiều hoạt động kỷ niệm đã được tổ chức như: chương trình nghệ thuật Đàn chim Việt, đêm nhạc Bến Xuân, ra mắt cuốn sách và hội thảo "Văn Cao - mùa chữ, mùa người", hội thảo "Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao", "Hội thảo về thân thế sự nghiệp Văn Cao và Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao", CD âm nhạc Văn Cao, cùng một bộ tem đặc biệt về Văn Cao cũng được phát hành nhân dịp này.... Trong đó đáng chú ý là chương trình nghệ thuật Đàn chim Việt diễn ra vào tối 20/8, có sự kết hợp công phu ở cả sân khấu ngoài trời và bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên.
9. Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều ngôi sao quốc tế
Nhóm nhạc nữ nổi tiếng Hàn Quốc BlackPink với 4 thành viên: Jisoo, Jennie, Rosé và Lisa đã mang tour lưu diễn vòng quanh thế giới Born Pink đến Hà Nội. Là show diễn cuối cùng ở châu Á trong năm 2023 nên chương trình thu hút không chỉ người hâm mộ trong nước mà cả truyền thông và khán giả quốc tế. Điều này có thể tạo nên cơ hội giới thiệu hình ảnh hội nhập của Việt Nam, đồng thời cũng là cú hích thúc đẩy công nghiệp giải trí nước nhà.
Năm 2023, Việt Nam còn là điểm đến của loạt sao quốc tế như: Kenny G, Westlife, Maroon 5, Charlie Puth, Katy Perry...
10. "Được mùa" các giải thưởng nghệ thuật dành cho thiếu nhi
Năm 2023, NXB Kim Đồng đã chính thức thành lập Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất gắn với cuộc Vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 - 2025 cùng mức giải thưởng khá lớn (giải Nhất lên tới 100 triệu đồng). Tại TP.HCM, Giải thưởng Sách thiếu nhi TP.HCM cũng được công bố. Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành tổng kết, công bố Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi giai đoạn 1 (2021 - 2023), đẩy mạnh giai đoạn 2 của Cuộc vận động (kéo dài đến 2025). Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 năm 2023 do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức đã trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn cho nhà văn Trần Đức Tiến, sau 2 năm vắng bóng hạng mục này. Cùng 4 giải Khát vọng Dế Mèn và 2 Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo, kết quả Giải Dế Mèn năm 2023 được đánh giá là phong phú và toàn diện.
(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/10-su-kien-van-de-van-hoa-viet-nam-noi-bat-nam-2023-2023122907173442.htm)