TIẾP TỤC PHÁT HUY TINH THẦN CHỦ ĐỘNG, ĐỔI MỚI TƯ DUY, TẠO ĐỘT PHÁ TRONG HOẠT ĐỘNG LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT*

Chiều 15/8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ Năm và công bố quyết định nhân sự của Hội đồng. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự và chỉ đạo Kỳ họp. lyluanphebinh.vn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa.

 

   Thưa các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội nghị, lãnh đạo và thành viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và các đại biểu dự Hội nghị,

   Hôm nay, tôi vui mừng đến dự Kỳ họp thứ V của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là hội nghị thường kỳ, nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ từ đầu năm đến nay, triển khai các công việc từ nay đến hết năm 2024; thảo luận những vấn đề cần quan tâm trong thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà và công bố các quyết định về công tác cán bộ của Hội đồng

   Như các đồng chí đã biết, từ tháng 3/2024, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương được Ban Bí thư Trung ương Đảng điều động giữ chức Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, Lãnh đạo Ban quyết định phân công đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham gia, giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Trung ương quyết định kiện toàn, bổ sung đồng chí Nguyễn Xuân Thủy, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn tham gia ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhiệm kỳ 2021-2026, thay đồng chí Lê Xuân Sang, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn chờ nghỉ hưu theo quyết định của Bộ Quốc phòng.

   Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương tôi trân trọng ghi nhận, đánh giá cao, cảm ơn những đóng góp của đồng chí Trần Thanh Lâm và đồng chí Lê Xuân Sang với hoạt động của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; và nồng nhiệt chúc mừng tập thể Hội đồng, cá nhân đồng chí Đinh Thị Mai, đồng chí Nguyễn Xuân Thủy được tín nhiệm phân công thêm nhiệm vụ mới. Tôi mong rằng, hai đồng chí sẽ tiếp tục phát huy sở trường, kinh nghiệm công tác, nhanh chóng tiếp cận công việc, nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu lý luận, nắm bắt thực tiễn, đồng tâm, hiệp lực cùng Thường trực Hội đồng và tập thể Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo chương trình công tác nhiệm kỳ 2021-2026. Tôi trân trọng đề nghị Thường trực Hội đồng, tập thể Hội đồng tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tăng cường phối hợp, hỗ trợ đồng chí Đinh Thị Mai và đồng chí Nguyễn Xuân Thủy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao!

   Thưa các đồng chí!

   Ngày 22/01/2024, tôi đã có cuộc làm việc với Hội đồng về chương trình công tác năm. Tại cuộc làm việc đó, chúng ta đã thống nhất khẳng định, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong nhận thức về văn hóa, văn nghệ của Đảng thì lĩnh vực văn hóa con người ngày càng được quan tâm hơn. Đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà cũng đang rất sôi động, khá phong phú và nhiều vấn đề mới đặt ra, đòi hỏi các cơ quan được giao nhiệm vụ cần tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn một cách căn cơ, toàn diện; tư vấn, tham mưu hiệu quả, giúp Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nhằm thúc đẩy lĩnh vực văn học, nghệ thuật phát triển ngày càng phong phú, lành mạnh; góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

   Trong thời gian từ đầu năm đến nay, Hội đồng đã cố gắng bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ trọng tâm, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tiêu biểu như: tổ chức 02 lớp bồi dưỡng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật với chủ đề: “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: vai trò của sáng tạo, lý luận - phê bình và quảng bá", Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng"; tham gia đóng góp vào quá trình tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; các tiểu ban chuyên môn tổ chức các hoạt động tọa đàm, nghiên cứu khoa học, khảo sát thực tiễn,... Thông qua các hoạt động phong phú, thiết thực, Hội đồng đã có những đóng góp cụ thể, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà.

   Thưa các đồng chí!

   Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo trung tâm của Hội đồng do đồng chí Chủ tịch trình bày tại Kỳ họp đã phân tích một số hạn chế và những vấn đề đặt ra cần khắc phục trong thời gian tới. Trong chương trình Kỳ họp, các thành viên Hội đồng sẽ tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ những kết quả đã đạt được, đồng thời phân tích thấu đáo hơn nữa những bất cập, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân; từ đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và giải pháp thực hiện từ nay đến hết năm 2024, tạo đột phá trong công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tư vấn giúp Đảng và Nhà nước về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Vì vậy, tôi nêu một số nội dung có tính chất gợi mở để các đồng chí tiếp tục trao đổi, thảo luận và thống nhất:

   Thứ nhất, Hội đồng tiếp tục bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò, đóng góp của các thành viên Hội đồng và đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cả nước; chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm còn lại của năm 2024, như đã thống nhất tại phiên làm việc đầu năm. Tập trung xây dựng báo cáo tư vấn chuyên sâu về tình hình đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà và những vấn đề nổi bật từ thực tiễn; tổ chức tốt các hội thảo, tọa đàm khoa học, hội nghị tập huấn, xét và trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, triển khai nghiên cứu, đảm bảo chất lượng, tiến độ các đề tài khoa học,... Việc triển khai nhiệm vụ của Hội đồng cần bảo đảm tính liên thông cao, tập trung hướng đến tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất và tư vấn đóng góp cho văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.

   Thứ hai, từ đầu năm 2024 đến nay, Đảng ta đã ban hành những chủ trương lớn, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Thời gian qua có những cuốn sách quý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được xuất bản. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học,  nghệ thuật Trung ương cần tiếp tục tuyên truyền về di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là những quan điểm về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 84-KL/TW, ngày 21/6/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Tôi đề nghị Hội đồng tập trung nghiên cứu, quán triệt kỹ lưỡng Kết luận của Bộ Chính trị, từ đó cụ thể hóa, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình, kế hoạch công tác. Trong đó, rất nhiều vấn đề có ý nghĩa quan trọng cần sự nghiên cứu, tư vấn của Hội đồng trong quá trình triển khai thực hiện, như: kiên định phát huy vai trò nền tảng, chủ đạo của mĩ học Marxist, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật gắn với giá trị và bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa lý luận, văn học, nghệ thuật của thế giới; xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; cơ chế thực hiện đối thoại, tranh luận dân chủ, xây dựng, nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu, tính thuyết phục của công tác lý luận, phê bình; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh, tài năng văn học, nghệ thuật; chính sách đầu tư, tài trợ, đặt hàng đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật; chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa số; giáo dục, định hướng thẩm mĩ của công chúng văn học, nghệ thuật...

   Thứ ba, Hội đồng tiếp tục xây dựng, củng cố cơ chế phối hợp, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, Liên hiệp và các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, địa phương để làm tốt công tác định hướng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; phát huy vai trò nòng cốt của các thành viên Hội đồng, cộng tác viên của Hội đồng tham gia xây dựng và bảo vệ nền văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc, vì sự phát triển toàn diện của văn hóa, con người Việt Nam, góp phần tích cực triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Quán triệt thực hiện Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.

   Thứ tư, Hội đồng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các vụ, đơn vị tham mưu, giúp việc của Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan, tham gia có hiệu quả vào việc tổng kết 40 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; cũng như các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất và tổ chức tổng kết công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

   Thứ năm, chú trọng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ các nhà lý luận, phê bình trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.

   Thưa các đồng chí!

   Thời gian còn lại không nhiều trong khi khối lượng công việc rất lớn. Tôi mong rằng, tập thể Hội đồng tiếp tục đoàn kết, phát huy những kết quả, bài học kinh nghiệm có được từ đầu nhiệm kỳ đến nay; chủ động, sáng tạo, khắc phục hạn chế, khó khăn, tập trung hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong cả nhiệm kỳ, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn mới.

   Tôi xin chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công! Chúc Kỳ họp của Hội đồng thành công tốt đẹp!

   Trân trọng cảm ơn!

 

 

 

   Chú thích: 
   * Phát biểu của Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Kỳ họp thứ Năm của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
   Tiêu đề do BBT đặt.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận