BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT CHÙA CẤP QUỐC GIA Ở TỈNH NINH BÌNH THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG HÀNH HƯƠNG

Bài viết tìm hiểu thực trạng hoạt động hành hương tại các ngôi chùa được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ở Ninh Bình và làm rõ những vấn đề đặt ra hiện nay. Từ đó đề xuất giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích kiến trúc nghệ thuật chùa cấp quốc gia ở Ninh Bình thông qua hoạt động hành hương.

   Được ví như một kinh đô Phật giáo ở Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nhiều ngôi chùa cổ kính, nổi tiếng, trong đó có những ngôi chùa được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Không chỉ là cơ sở thờ tự, nơi thực hành tôn giáo của tăng ni, Phật tử, những ngôi chùa cấp quốc gia ở Ninh Bình còn mang những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, đặc biệt là kiến trúc nghệ thuật độc đáo, là địa điểm nổi tiếng thu hút đông đảo tín đồ hành hương.

   Từ xa xưa, hành hương đến các ngôi chùa là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, mang lại những giá trị tín ngưỡng, tâm linh. Qua hoạt động hành hương, giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của những ngôi chùa cũng được quảng bá, phát huy trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động hành hương tồn tại một số bất cập, không chỉ làm giảm đi ý nghĩa của hoạt động này mà còn gây ra những hệ lụy đối với các di tích.

   1. Hành hương với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật chùa cấp quốc gia ở Ninh Bình

   Hành hương là hoạt động phổ biến của nhiều tôn giáo trên thế giới và bởi thế có nhiều quan niệm khác nhau về hành hương. Thuật ngữ “hành hương” được đề cập trong tiếng Anh là “pilgrimage”, vừa có nghĩa là “Cuộc hành trình, đặc biệt là chuyến đi dài ngày, đến một địa điểm thiêng liêng nào đó, nhằm mục đích lễ bái”; và cũng có nghĩa “bất kỳ cuộc hành trình dài ngày nào”. Theo nghĩa thứ hai thì hành hương được hiểu là một hoạt động mang tính thế tục. Cũng với cách hiểu này, từ điển Oxford English Reference Dictionary (1996) định nghĩa hành hương là “chuyến đi nhằm mục đích hoài niệm quá khứ hay tình cảm” (Any journey taken for nostalgic or sensimental reasons)1. Hiện nay, nội hàm của “hành hương” mở rộng hơn nhiều, thậm chí hành hương đôi khi được đánh đồng với du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, nhất là tuyến du lịch tham quan các di tích lịch sử tôn giáo - tín ngưỡng. Theo chúng tôi, cuộc hành hương đích thực đòi hỏi phải có ít nhất hai yếu tố cấu thành cơ bản là: gắn với địa điểm thiêng và với mục đích thiêng liêng. Hành hương là một hành trình tâm linh mà nhờ đó, tâm thức trong mỗi người luôn bị đánh động để hình thành niềm tin chân thật về địa điểm hay di tích linh thiêng chứa đầy những biểu tượng và dấu vết lịch sử.

   Theo truyền thống Phật giáo, hành hương là nghi thức thắp hương đi quanh tháp đường và điện Phật cũng như lễ bái trước tượng Phật, Bồ tát... Hiểu theo nghĩa rộng hơn, hành hương là việc tín đồ ở các nơi tìm đến các cơ sở thờ tự/ thánh tích, cụ thể ở đây là các ngôi chùa để thắp hương, lễ Phật, qua đó giúp tăng trưởng tín tâm, gieo trồng thiện nghiệp, thanh tịnh tâm ý. Các tín đồ Phật giáo có thể hành hương về các thánh tích vào bất kỳ thời điểm nào họ thấy thích hợp. Ở đó, họ thực hiện các nghi lễ, ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, trì chú…

   Nằm ở cực Nam của đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa. Vùng đất này còn nhiều dấu tích liên quan trực tiếp đến các nền minh cổ ở Việt Nam như văn hóa Tràng An, văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đa Bút, văn hóa Đông Sơn. Nơi đây có cố đô Hoa Lư từng là kinh đô của ba triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và Hậu Lý. Sau khi đã là kinh đô, Hoa Lư dần trở thành trung tâm Phật giáo, từ đó, nhiều ngôi chùa được xây dựng. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có trên 350 ngôi chùa, trong đó, nhiều ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành; nhiều chùa được xây dựng thời Trần và Hậu Lê2. Trong số trên 350 ngôi chùa ở Ninh Bình, có nhiều ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia như: chùa Bái Đính (xã Gia Sinh - Gia Viễn) bao gồm ngôi chùa cổ có từ thời Đinh và khu chùa mới được xây dựng quy mô lớn; chùa Bích Động (xã Ninh Hải - Hoa Lư) nằm trong hang động trong lòng núi Bích Động, nơi được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động”; chùa Nhất Trụ (xã Trường Yên - Hoa Lư) là ngôi chùa cổ thời Tiền Lê, nơi có bảo vật quốc gia cột kinh bằng đá với nhiều dấu tích minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của Phật giáo Hoa Lư thế kỷ X; chùa Địch Lộng (xã Gia Thanh - Gia Viễn) nằm trong động Địch Lộng, nơi được mệnh danh là “Nam thiên đệ tam động”; chùa Bàn Long (xã Ninh Xuân - Hoa Lư) cũng nằm trong động núi, nơi có bút tích của chúa Trịnh Sâm; chùa Kim Ngân (xã Trường Yên - Hoa Lư) là ngôi chùa cổ từ thời Đinh, đồng thời được xem ngôi chùa “cầu duyên” nổi tiếng ở Việt Nam; chùa Duyên Ninh (xã Trường Yên - Hoa Lư) được xây dựng từ thế kỷ X dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng, cũng được xem là một trong những ngôi chùa “cầu duyên” nổi tiếng nhất ở Việt Nam... Đây là những ngôi chùa cổ kính, nổi tiếng với sự linh thiêng, với những giá trị tôn giáo, lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật độc đáo tiêu biểu trong các giai đoạn phát triển nghệ thuật kiến trúc của dân tộc, thu hút đông đảo thiện nam tín nữ gần xa đến vãn cảnh, hành hương.

   Xét từ góc độ quản lý văn hóa, việc hành hương đến các ngôi chùa được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở Ninh Bình không đơn thuần là hoạt động tâm linh, mà qua đó giúp quảng bá hình ảnh, giá trị của di tích, làm cho di tích được quan tâm và nhiều người biết đến hơn. Bên cạnh đó, hoạt động hành hương cũng mang lại nhiều lợi ích khác cho di tích và cộng đồng địa phương.

   2. Thực trạng hoạt động hành hương tại các di tích kiến trúc nghệ thuật chùa cấp quốc gia ở Ninh Bình và những vấn đề đặt ra

   2.1. Thực trạng hoạt động hành hương tại các di tích kiến trúc nghệ thuật chùa cấp quốc gia ở Ninh Bình

   Thời gian gần đây, đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng cao, đời sống tinh thần ngày càng được chú trọng. Tâm lý của đa số người Việt Nam coi trọng tôn giáo nên nhu cầu đi hành hương ngày càng có xu hướng tăng cao. Những năm gần đây, lượng du khách, Phật tử đến chùa ngày càng đông; các hoạt động tôn giáo trở nên sôi động hơn. Cách đây hơn 10 năm, Bái Đính là một vùng đất ít người biết đến. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng khách hành hương đến với Bái Đính tăng đột biến, chiếm gần một nửa lượng khách đến Ninh Bình. Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, năm 2016, tổng lượng khách đến chùa Bái Đính đạt hơn 3,2 triệu lượt, trong khi tổng lượng khách đến với Quần thể danh thắng Tràng An là hơn 5,7 triệu lượt. Các con số tương ứng của năm 2017 là xấp xỉ 3,2 triệu và hơn 6,1 triệu. Bên cạnh chùa Bái Đính, các ngôi chùa khác được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia như chùa Bích Động, chùa Bàn Long, chùa Duyên Ninh… hàng năm cũng thu hút hàng vạn lượt người đến vãn cảnh, chiêm bái.

   Thành phần khách thập phương bao gồm hai bộ phận: thứ nhất là những người có tín ngưỡng, tức Phật tử; thứ hai là những người không phải Phật tử đi vãn cảnh, du xuân. Đối với những ngôi chùa lớn thu hút đông đảo du khách như chùa Bái Đính, thì bộ phận du khách không phải Phật tử thường cao hơn.

   Về thời gian, hoạt động hành hương đến các ngôi chùa diễn ra quanh năm nhưng tập trung đông nhất vào mùa xuân, sau dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là thời gian diễn ra nhiều hội hè.

   Về các hoạt động trong chuyến hành hương: Xưa kia, hành hương thường gắn liền với việc thực hiện các nghi lễ, ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, trì chú… Ngày nay, bên cạnh các hoạt động thuần túy tôn giáo, các chuyến hành hương thường kết hợp thêm nhiều hoạt động khác như du xuân, vãn cảnh...

   Sự phát triển hoạt động hành hương thời gian gần đây đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các ngôi chùa được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ở Ninh Bình. Thứ nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu hành hương, một số ngôi chùa đã được trùng tu, tôn tạo và mở rộng, tiêu biểu là chùa Bái Đính: từ một ngôi chùa nhỏ đã được mở rộng thành một ngôi chùa đồ sộ, nguy nga. Quần thể chùa Bái Đính hiện nay có diện tích 1.700 ha, bao gồm khu chùa cổ và khu chùa mới xây dựng. Chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự) là một ngôi chùa cổ rất linh thiêng, được xây dựng từ thời Đinh, tọa lạc trên đỉnh núi Bái Đính. Cũng như hầu hết các ngôi chùa cổ khác ở Việt Nam, đặc điểm kiến trúc của chùa Bái Đính cổ không có quy mô lớn, ẩn mình giữa thiên nhiên. Chùa Bái Đính mới được xây dựng vào năm 2003, nằm ở sườn núi bên kia so với chùa cũ. Chùa Bái Đính hiện nay là sự kết hợp giữa sự linh thiêng, trầm mặc của ngôi chùa Bái Đính cổ kính với sự nguy nga, tráng lệ của một công trình kiến trúc Phật giáo mới. Bên cạnh chùa Bái Đính, trong quần thể khu du lịch Tràng An cũng có một số ngôi chùa mới được xây dựng làm điểm dừng chân trên hành trình hành hương. Thứ hai, sự phát triển hoạt động hành hương đã lan tỏa giá trị của các ngôi chùa đối với cộng đồng trong và ngoài nước. Người dân Ninh Bình đã tích cực hơn với chính quyền địa phương trong việc gìn giữ, bảo vệ các giá trị văn hóa tâm linh, các công trình kiến trúc tôn giáo, vừa phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng vừa để phát triển kinh tế du lịch.

   2.2. Vấn đề đặt ra từ hoạt động hành hương tại các di tích kiến trúc nghệ thuật chùa cấp quốc gia ở Ninh Bình hiện nay

   2.2.1. Sự lẫn lộn giữa hành hương và du lịch

   Hành hương và du lịch, tự bản thân hai thuật ngữ đã hàm chứa những nội hàm khác nhau. Mặc dù có thể có chung điểm đến là các di tích hay các công trình tôn giáo nổi tiếng… nhưng người xưa đi hành hương chủ yếu hướng đến mục đích tôn giáo/ tâm linh, còn người đi du lịch thì hướng đến nhiều mục đích: tôn giáo, văn hóa, thư giãn, nghỉ dưỡng… Trong khi hành hương là hoạt động có từ xa xưa thì du lịch là một hiện tượng mới xuất hiện trong thời đại ngày nay.

   Tuy vậy, theo sự vận động và phát triển của xã hội, quan niệm về hành hương hiện nay cũng có nhiều cách hiểu. Và như đã đề cập ở trên, khái niệm hành hương không phải lúc nào cũng bao hàm ý nghĩa tôn giáo. Còn trên thực tế hiện nay, giữa hành hương và du lịch cũng rất khó phân biệt; hoạt động hành hương ngày nay đã ít nhiều có sự thay đổi so với trước đây. Trong thời xưa, hành hương là đi bộ với những hành trình khổ hạnh. Ngày nay, các cuộc hành hương rất ít khi được thực hiện bằng cách đi bộ và tất cả những trung tâm hành hương đều được xây dựng, trang bị hết sức tiện nghi, hiện đại giống như những khách sạn hoặc nhà trọ ở các khu trung tâm du lịch. Không ít người đã đưa ra một cách phân biệt giữa hành hương và du lịch dựa vào mục đích tổ chức chuyến đi: Những cuộc hành hương sẽ được tổ chức với mục đích tôn giáo còn việc đi du lịch có rất nhiều mục đích và được thúc đẩy bởi những nguyên nhân khác nhau. Nhưng trên thực tế lại không hề đơn giản như vậy. Ví dụ, một nhóm người hành hương về chùa Bích Động nhưng trong chuyến hành trình có kết hợp tham quan thắng cảnh Tam Cốc - Bích Động, du thuyền trên sông Ngô Đồng thơ mộng ngắm nhìn những dãy núi trùng điệp và cánh đồng lúa chín vàng óng ánh thì chuyến đi này khó có thể kết luận là hành hương hay du lịch?! Có thể thấy, giữa hành hương và du lịch tâm linh có nhiều điểm chung về mục đích và điểm đến, cho nên ngày nay, hoạt động hành hương có thể bao hàm hoạt động du lịch và ngược lại. Có thể vì điều này rất khó phân biệt nên trong những năm gần đây đã xuất hiện một cụm từ thay cho “hành hương” là “du lịch tâm linh”.

   Theo nghĩa nguyên thủy, hành hương là hoạt động của Phật tử, còn du lịch là hoạt động của quảng đại quần chúng, trong đó có rất nhiều người không phải tín đồ. Việc hành hương, vãn cảnh chùa chiền là nhu cầu của đông đảo người dân, nhất là trong dịp đầu xuân năm mới. Những chuyến đi này thường được tổ chức theo đoàn, do công ty, cơ quan, đơn vị tổ chức và thường kết nối với một đơn vị làm du lịch để đảm bảo chuyến đi an toàn, bài bản, chất lượng dịch vụ tốt. Trong đoàn ấy, liệu rằng có mấy người là Phật tử đi với mục đích hành hương thuần túy, còn đa số đi với mục đích du xuân, vãn cảnh, chụp ảnh “check in”, thưởng thức ẩm thực địa phương, nghỉ dưỡng… Trong dịp đầu xuân, mỗi ngày có hàng vạn khách thập phương đổ về các ngôi chùa ở Ninh Bình, nhưng có bao nhiêu người trong số đó là thực tâm bái Phật! Đành rằng, cửa Phật rộng mở cho tất cả chúng sinh, nhưng phải thừa nhận rằng, khi đến chùa, những người không phải Phật tử sẽ mang tâm thế và cách ứng xử khác so với những Phật tử tín tâm. Sự lầm tưởng giữa hành hương và du lịch tâm linh đã ít nhiều làm cho những chuyến hành hương, bái Phật trong thời đại ngày nay bị giảm đi nhiều ý nghĩa linh thiêng. Xét ở khía cạnh tôn giáo, du lịch tâm linh, hay nói cách khác là tâm linh kết hợp với du lịch không mang lại cho tín đồ nhiều lợi ích tâm linh.

   2.2.2. Hệ lụy từ sự nhầm lẫn giữa hành hương và du lịch

   Nắm bắt được trào lưu xã hội cũng như nhu cầu tâm linh mà nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng và phát triển các khu, điểm du lịch tâm linh với quy mô lớn. Dựa trên xu hướng “di sản hóa” và chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, các di sản văn hóa như đền, đình, chùa được đầu tư trùng tu, tôn tạo, phong tặng danh hiệu di sản. Cùng với sự phát triển của các phương tiện, thông tin, các dịch vụ du lịch thu hút đông đảo du khách tham gia du lịch tâm linh. Người Việt Nam ưa thích những gì hùng vĩ, bình dân nên một khu du lịch được xây dựng to đẹp, bắt mắt thường rất dễ thu hút du khách. Trong quá trình trùng tu, các di tích cổ ở nhiều nơi trên đất nước được “cơi nới” thêm. Việc theo đuổi danh hiệu đã làm biến dạng di sản, cả về vật chất và tinh thần. Các cơ sở thờ tự được mở rộng, các di sản văn hóa tâm linh cũng được tu bổ, nâng cấp, đôi khi làm biến dạng di sản ở nhiều biểu hiện.

   Với danh nghĩa phát triển du lịch tâm linh, nhiều tổ chức, cá nhân đã triển khai, mở rộng hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại khu vực chùa, nhất là tại những ngôi chùa do tư nhân đứng ra xây dựng. Phải khẳng định quan điểm của Giáo hội Phật giáo là: Cửa chùa luôn rộng mở cho tất cả mọi người; chùa là nơi tu tập, hoằng pháp chứ không phải nơi kinh doanh, buôn bán; chùa là cơ sở tôn giáo, chứ không phải cơ sở kinh tế. Cho nên, việc lợi dụng chùa để kinh doanh, kể cả kinh doanh du lịch là không phù hợp với tinh thần Phật giáo. Tiếc rằng sự phát triển ồ ạt của du lịch tâm linh những năm gần đây đã ít nhiều làm mất đi giá trị vốn có của ngôi chùa, không những vậy, còn dẫn đến những nhận thức lệch lạc về Phật giáo.

   Hoạt động hành hương vốn mang trong đó bao nhiêu ý nghĩa tốt đẹp. Nhưng tiếc rằng, ngày nay, một số người đi hành hương chỉ cốt để cầu danh lợi nhiều hơn là để tu rèn. Bên cạnh đó, nhiều khách hành hương vẫn giữ thói quen “rải” tiền lẻ khi đến chùa, thậm chí nhét tiền lẻ vào tay tượng. Cùng với đó là các loại hình dịch vụ chụp ảnh, bán hàng rong, vàng hương, đổi tiền lẻ… vẫn xuất hiện đâu đó trong và ngoài khuôn viên một số chùa vào mùa lễ hội. Điều này không phù hợp tinh thần Phật giáo, ảnh hưởng đến sự trang nghiêm của ngôi chùa.

   3. Một số kiến nghị nhằm phát huy giá trị các di tích kiến trúc nghệ thuật chùa cấp quốc gia ở Ninh Bình thông qua hoạt động hành hương

   3.1. Xem lại cách sử dụng thuật ngữ hành hương và du lịch

   Theo quan điểm của tác giả bài viết, chính vì việc sử dụng thuật ngữ “du lịch” vốn mang tính “đời” để chỉ hoạt động thăm viếng tại các ngôi chùa nên đã dẫn tới những sai lầm về nhận thức và hành vi. Đến cửa đạo mà tâm tính đời, không có chút gì là đạo tâm thì việc đến chùa không mang lại nhiều ý nghĩa. Nếu đạo tâm là phải hành hương, đến để trở về, chứ không phải đi du lịch đem cái tôi đi khám phá, đến để thể hiện. Cho nên, để hạn chế hệ lụy của tâm tính “đời” thì cần phải định hướng lại về cách dùng thuật ngữ du lịch hay hành hương. Với chùa thì không nên dùng thuật ngữ du lịch.

   3.2. Rà soát, chấn chỉnh hoạt động du lịch tâm linh trên địa bàn

   Có thể nói, thời gian gần đây, hoạt động du lịch tâm linh nở rộ và phát triển rất tràn lan mang đến nhiều hệ lụy cho các di tích. Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, những hành vi phản văn hóa trong hoạt động du lịch tại các di tích tín ngưỡng - tôn giáo, nhưng mới chỉ hạn chế chứ chưa khắc phục được những tồn tại này. Bên cạnh đó, một số đơn vị kinh doanh du lịch chủ yếu quan tâm đến doanh số, lợi nhuận mà chưa có ý thức trong việc định hướng hành vi của du khách. Và điều quan trọng là một bộ phận khách thập phương chưa xác định rõ mục đích khi đến các ngôi chùa, chưa có ý thức tuân thủ những quy định (dù là bất thành văn) về trang phục, hành vi, ứng xử tại các cơ sở thờ tự.

   Thực tế trên đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài rõ ràng, mạnh mẽ để chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, những người tổ chức chuyến du lịch, đặc biệt là các công ty lữ hành cần nhận biết đặc tính của cuộc hành hương, phải làm sao cho toàn thể chuyến đi được hướng dẫn bởi các động lực tôn giáo. Để làm được điều đó, tính chất tôn giáo phải thể hiện rõ trong chương trình; điều quan trọng là đơn vị lữ hành phải có những hướng dẫn viên có hiểu biết về các tôn giáo, tối thiểu phải là những người biết tôn trọng niềm tin của khách hành hương.

   3.3. Quan tâm, xúc tiến hoạt động hành hương về nguồn, mang lại giá trị văn hóa tâm linh đích thực

   Hành hương là hoạt động thường xuyên, là nhu cầu chính đáng của tín đồ từ xa xưa. Ngày nay, với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu hành hương ngày càng tăng. Việc đáp ứng nhu cầu hành hương của Phật tử là điều cần thiết. Chính Giáo hội Phật giáo cũng có thể chủ động tham gia vào công việc này. Cùng có mối quan tâm về việc tổ chức hoạt động hành hương về các ngôi chùa theo đúng nghĩa của nó, Tỳ kheo Thích Đức Trường, Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra một số gợi ý sau: Thứ nhất, để đảm bảo tính chuyên môn, cũng như đáp ứng được kỳ vọng của chuyến hành hương, thì người hướng dẫn đoàn phải là vị giảng sư, kiêm người tổ chức các loại hình sinh hoạt tâm linh. Thứ hai, cần đào tạo các vị giảng sư chuyên khoa Du lịch - Hành hương. Trước mắt có thể sử dụng nhân sự từ lớp Giảng sư Cao cấp của Ban Hoằng pháp Trung ương, sau khi kết thúc khóa học Giảng sư, các vị có thể đăng ký lớp chuyên khoa Du lịch - Hành hương đào tạo trong một năm, về các kỹ năng như: cách thức giao tiếp; ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Hoa); lịch sử, địa lý các địa điểm thiêng liêng; hương cách tổ chức khóa tu tập ở các địa điểm Thánh địa. Thứ ba, đẩy mạnh quảng bá rộng rãi lịch trình định kỳ hằng năm các chuyến đi hành hương trên các báo, tờ rơi (trong các dịp lễ hội đông người). Thứ tư, phát động chuyến hành hương tâm linh “Về Nguồn”3. Nếu được sự tổ chức có bài bản từ phía Giáo hội, hoạt động hành hương chắc chắn sẽ đi đúng hướng, giúp con người thực sự trở về với cội nguồn tâm linh.

   3.4. Đưa các ngôi chùa được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật về đúng giá trị và công năng của một ngôi chùa

   Mặc dù làm du lịch không phải là chủ trương của Giáo hội Phật giáo nhưng không thể phủ nhận một thực tế là hiện nay có nhiều ngôi chùa đang được quảng bá, sử dụng vào mục đích kinh doanh du lịch của một số tổ chức, cá nhân. Điều này làm cho một số ngôi chùa tuy tập trung đông người nhưng lại thiếu người tu tập và vắng hoạt động hoằng pháp. Điều này đòi hỏi phải trả về cho ngôi chùa đúng công năng của nó là một cơ sở thờ tự, đồng thời sớm chấm dứt các hoạt động kinh doanh, buôn bán tại khuôn viên chùa; những dịch vụ du lịch cần hết sức hạn chế.

   4. Kết luận

   Là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và tôn giáo, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, là điểm đến nổi tiếng thu hút đông đảo thiện nam tín nữ gần xa đến hành hương. Hành hương là một hoạt động tôn giáo từ xa xưa, là nhu cầu chính đáng của tín đồ. Qua hoạt động hành hương, giá trị của các ngôi chùa được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của loại hình du lịch gắn với tâm linh mặc dù mang đến nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội nhưng đã làm cho hoạt động hành hương ít nhiều mất đi ý nghĩa ban đầu, kéo theo những hệ lụy đối với các di tích. Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích kiến trúc nghệ thuật chùa cấp quốc gia ở Ninh Bình thông qua hoạt động hành hương, về mặt lý luận, cần xem xét lại cách hiểu về hoạt động hành hương hay du lịch tại các di tích này; về thực tiễn, cần rà soát, chấn chỉnh hoạt động du lịch tâm linh trên địa bàn, mặt khác cần quan tâm, xúc tiến hoạt động hành hương về nguồn, mang lại giá trị văn hóa tâm linh đích thực cho người dân. Bên cạnh đó, những ngôi chùa là một bộ phận quan trọng trong đời sống tâm linh - tinh thần xã hội, cho nên cần đưa các ngôi chùa được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật về đúng giá trị và công năng của một ngôi chùa là nơi tu tập, quảng bá Phật pháp, nuôi dưỡng nhân tâm.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2013), Kỷ yếu Hội nghị quốc tế Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững, Ninh Bình.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2014), Báo cáo chuyền đề: Du lịch Việt Nam, thực trạng và giải pháp phát triển, Hà Nội.
3. “Di tích ở Ninh Bình”, https://vi. wikipedia.org.
4. Maciej Ostrowski (2016): “Hành hương và du lịch tôn giáo: thử tìm cách định nghĩa”, nguồn: https://tsthdm.blogspot. com/2020/07/hanh-huong-va-du-lichton-giao-thu-tim.html.
5. Quốc hội (2009), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, số 32/2009/QH12.
6. Tỳ kheo Thích Đức Trường, “Hành hương tâm linh con đường hoằng pháp”, cập nhật ngày 19/9/2017,website Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, https://www.vbu.edu.vn.
7. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (2015), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quản lý hoạt động du lịch tâm linh trong bối cảnh hiện nay, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Viện Nghiên cứu Phật học phối hợp tổ chức tại Bắc Ninh.

Chú thích:
1, 3 Theo Tỳ kheo Thích Đức Trường: “Hành hương tâm linh con đường hoằng pháp”, cập nhật ngày 19/9/2017, website Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, https://www.vbu.edu.vn.
2 “Di tích ở Ninh Bình”, https://vi.wikipedia.org.

Bình luận

    Chưa có bình luận