BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HOÁ ĐÀ NẴNG TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG LỐI SỐNG VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, NHÂN VĂN, GIÀU BẢN SẮC

Bài viết phân tích việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa Đà Nẵng trong quá trình xây dựng lối sống văn minh, hiện đại và nhân văn. Từ đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, xây dựng con người Đà Nẵng với phẩm chất văn minh, nghĩa tình, đồng thời nâng cao đời sống văn hóa đô thị trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội.

   Đối với một cộng đồng người thì bản sắc dân tộc có lẽ là những đặc điểm tính cách, phẩm chất đã định hình, trải qua lịch sử cụ thể được đúc kết và khái quát hóa để khơi dậy hay triệt tiêu đi trước nhu cầu tiến hóa, phát triển của đương thời. Thường những đặc điểm này không hoặc khó được định lượng mà chỉ “chung chung” song lại có giá trị như một “thương hiệu” và rất có hiệu quả khi xây dựng lòng tự hào dân tộc. Nó cũng được các chuyên gia nghiên cứu để ứng dụng trong các chiến lược phát triển nguồn nhân lực (ví dụ như cách nói: người Đức chính xác và kỷ luật, người Hoa thực dụng và khôn khéo, người Nhật đoàn kết và trung thành, người Tây Ban Nha cuồng nhiệt và nghệ sĩ...) Có hai cách thức song song khi nghiên cứu các đặc tính này: một là đề cao các bản tính tốt như nói người Việt thông minh, cần cù, giỏi ứng biến, hiếu hòa, dễ tha thứ...; hai là vạch ra các thói hư tật xấu để “chừa” dần đi như háo danh, thiển cận, hay đố kỵ, không đoàn kết trong kinh doanh, không chịu học đến nơi đến chốn, kém khả năng tư biện trừu tượng hóa... Và cái lý thú là thường một đặc tính “tốt” thường đi liền với một đặc tính “xấu”. Kỷ luật quá thì giáo điều; giỏi ứng biến quá thì thiếu chiều sâu và chiến lược; học lỏm giỏi, học thi giỏi thì dễ tự vừa lòng và thiếu sáng tạo bất ngờ, đột phá; hiếu hòa quá thì dễ xuê xoa... Cá nhân tôi vẫn cho rằng các đặc tính, bản tính của người Việt tùy thuộc và thể hiện ở các mẫu người Việt đã hình thành trong lịch sử cụ thể: người làng - người lính - người mở đất. Các mẫu người này quy tụ cả các đặc tính “tốt” lẫn “xấu” tùy theo thời thế cụ thể (bởi bản thân bản tính không có tốt - xấu). Trong cách mạng có thể phát huy bản tính này mà triệt tiêu bản tính kia, trong chiến tranh có khác đi và nay trong hòa bình xây dựng xã hội công nghiệp, đô thị hóa, toàn cầu hóa thì lại càng phải khác. Cái “tốt” cái “xấu” cũng thay đổi. Cái cần phát huy, cái cần triệt tiêu cũng khác đi. Nếu không tùy thời mà dùng thì sẽ phạm sai lầm như việc từng đưa các tướng tá quân đội, các nhà thơ sang làm kinh tế… Vì vậy nghiên cứu bản sắc, giá trị truyền thống của người Đà Nẵng cần phải gắn liền với bản sắc văn hóa của con người Việt Nam, con người xứ Quảng để thấy được mặt khuyết cần khắc phục và mặt ưu cần phát huy. Từ đó đưa ra các giải pháp nhằm góp phần xây dựng lối sống Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn và giàu bản sắc riêng.

   1. Bản sắc văn hóa gắn với lối sống người Đà Nẵng

   1.1. Khái niệm bản sắc văn hóa

   Đó là tổng thể các giá trị đặc trưng bản chất của văn hóa dân tộc, được hình thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử lâu dài của đất nước, các giá trị đặc trưng ấy ở “tầng nền” mang tính bền vững, trường tồn, trừu tượng và tiềm ẩn. Do vậy, muốn nhận biết nó, phải thông qua vô vàn các sắc thái văn hóa, với tư cách là sự biểu hiện của bản sắc văn hóa ấy. Nếu bản sắc văn hóa là cái gì trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững, thì các sắc thái biểu hiện của nó thường tương đối cụ thể, bộc lộ và khả biến hơn. Từ quan niệm chung như vậy, chúng ta có thể xem xét các sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam như chủ nghĩa yêu nước, tính cộng đồng, tinh thần cởi mở, dễ hòa hợp trong giao lưu văn hóa…, tính duy tình (tình thương) trong các cư xử xã hội, tính thích ứng và hài hòa trong ứng xử với tự nhiên...

   1.2. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam

   Khi nói đến bản sắc văn hóa dân tộc, một mặt, chúng ta không thể quy tất cả về văn hóa dân gian. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò hết sức to lớn của văn hóa dân gian đối với việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Trước nhất, sự ra đời và định hình của văn hóa dân gian gắn với những giai đoạn sớm nhất của lịch sử dân tộc, đó là thời kỳ văn hóa Đông Sơn - Hùng Vương dựng nước, thời kỳ mở đầu của lịch sử dân tộc, lịch sử quốc gia và lịch sử văn hóa Việt Nam, thời kỳ “nhất thành” để sau đó “vạn biến”. Văn hóa dân gian là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ”, tức văn hóa khởi nguồn, sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức phát triển cao sau này, như văn hóa chuyên nghiệp, bác học, cung đình. Văn hóa dân gian còn là văn hóa của quần chúng lao động, mang tính bản địa, tính nội sinh cao. Tất cả các nhân tố kể trên, khiến cho văn hóa dân gian hàm chứa và thể hiện tính bản sắc cao của văn hóa dân tộc. Nếu cho rằng văn hóa dân gian chứa đựng và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, thì trong thực tiễn việc bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước nhất phải từ việc bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân gian.

   1.3. Bản sắc văn hóa xứ Quảng

   Xứ Quảng ở đây bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi và cả Đà Nẵng chứ không như cách phân chia theo địa giới hành chính hiện thời (từ thời Lê vùng này được đặt tên chung là Thừa tuyên Quảng Nam, sau đó là dinh Quảng Nam và tỉnh Quảng Nam).

   Vùng văn hóa xứ Quảng được hình thành trong tổng thể vùng văn hóa Miền Trung, dựa trên nền tảng văn hóa Sa Huỳnh và nền văn hóa Champa rực rỡ, từ xa xưa đã hiện hữu trên mảnh đất Hóa Châu - vùng đất cực Nam của Đại Việt (từ phía Nam Thừa Thiên Huế đến bờ Bắc sông Thu Bồn hiện nay). Vì thế, khi nói đến giá trị văn hóa xứ Quảng, không chỉ những người Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi mà còn bao gồm những con người thuộc các dân tộc sống trên mảnh đất này từ thuở khai hoang, dựng nghiệp cho đến nay đã đồng tâm hiệp lực tạo nên diện mạo đặc trưng của một vùng. Văn hóa xứ Quảng tuy có những nét đặc trưng riêng nhưng vẫn nằm trong loại hình văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Nơi đây chứa đựng một nền văn hóa có giá trị vật chất rực sáng và giá trị tinh thần hào hùng.

   Bên cạnh những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ thông qua quá trình Ấn Độ hóa các tiểu vương Champa, chúng ta cũng không thể không đề cập tới những ảnh hưởng của văn hóa Hán từ khá sớm đối với Miền Trung nói chung và xứ Quảng nói riêng.

   Quá trình Nam tiến của người Việt bắt đầu từ thời Lý đã thực sự tác động tới quá trình lịch sử, bức tranh dân cư và quá trình văn hóa của Miền Trung, trong đó có xứ Quảng. So với những người di dân vào Nam Bộ, phương thức di dân của người Việt vào Miền Trung, trong đó có xứ Quảng, có nhiều nét đặc thù. Thứ nhất, phần lớn cư dân này có gốc từ vùng Thanh Nghệ; thứ hai, họ thường di dân theo cộng đồng làng xã và dòng họ, do vậy, khi vào vùng đất mới ở Trung Bộ, trong quá trình khai hoang, lập ấp, họ vẫn duy trì được một cộng đồng ở mức nhất định, khác với những người di dân vào Nam Bộ thường theo quy mô gia đình nhỏ hay cá nhân. Do vậy, khi đặt tên thôn làng nơi đất mới, không ít trường hợp họ vẫn giữ tên làng cũ, vẫn thờ các vị thần và phong tục nghi lễ nơi chôn nhau cắt rốn.

   Như vậy là Miền Trung Trung Bộ nói chung và xứ Quảng nói riêng trải qua quá trình lịch sử lâu đời hàng mấy nghìn năm, bước vào thế giới văn minh, hình thành nhà nước, hình thành tộc người và tạo nên các truyền thống văn hóa rực rỡ. Nơi đây, đã diễn ra quá trình gặp gỡ và hòa đồng chủng tộc, hòa đồng văn hóa vô cùng sống động, trong đó văn hóa của người Sa Huỳnh – tiền Chăm là nền tảng, sau đó được làm phong phú hơn bởi những giao lưu, ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, Việt, Trung Hoa. Tất cả những gì gọi là bản sắc, sắc thái văn hóa độc đáo của vùng này đều xuất phát từ tính đa văn hóa, đa chủng tộc nói trên.

   1.4. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Quảng trong xây dựng lối sống Đà Nẵng

   Quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ cụ thể được vạch ra trong Nghị quyết số 03-NQ/TW về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Thành ủy Đà Nẵng đã đề ra Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 10/10/1998 gồm 9 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng con người Đà Nẵng theo những đức tính tiêu biểu của con người Việt Nam; Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, nếp sống văn minh đô thị phù hợp với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hoá trên địa bàn thành phố; Từng bước quy hoạch đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm của thành phố; Nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân và chất lượng các hoạt động văn hoá, nghệ thuật; Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình; Phát huy sự nghiệp giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về văn hoá để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hoá; Phát động phong trào thi đua yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

   Từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, trong quá trình xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị văn minh, hiện đại, đi đôi với những chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Đà Nẵng luôn coi vấn đề xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị là nhiệm vụ cấp bách và thường trực. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng con người Đà Nẵng hiền hòa, thân thiện, có bản sắc riêng luôn là mục tiêu hàng đầu.

   Kế thừa và phát huy văn hóa xứ Quảng, đến nay, có thể nói việc hình thành và xây dựng con người Đà Nẵng có bản sắc văn hóa riêng đã có những kết quả nhất định; được sự đánh giá và thừa nhận của người dân và đa phần du khách. Mặt được rõ nét nhất trong những năm qua, đó là đã xây dựng được một mặt bằng văn hóa ứng xử khá cao thể hiện được tính cách cư dân đô thị; cơ bản đã tạo được không khí hòa thuận trong nội bộ cộng đồng dân cư đang sinh sống tại Đà Nẵng và tạo được mối thiện cảm đối với du khách khi đến thành phố này. Đó là nếp sống vừa đón nhận những yếu tố văn minh, hiện đại vừa giữ được những đặc trưng của văn hóa truyền thống. Tinh thần tương thân tương ái, tính cộng đồng được đề cao hơn qua các phong trào và các cuộc vận động lớn. Việc giữ gìn và khôi phục thuần phong mĩ tục, văn hóa ứng xử, phòng và chống các tệ nạn xã hội được thực hiện ngay trong từng thôn xóm, từng tổ dân phố. Đây là nền tảng quan trọng để hình thành nên một đời sống văn hóa lành mạnh mang tính bền vững.

   Kết quả trên có được từ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố với những chủ trương lớn đầy tính nhân văn như Chương trình “Thành phố 5 không, 3 có”, “Thành phố 4 an” và “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Tập trung hàng đầu là công tác tuyên truyền, giáo dục đã được tăng cường thông qua nhiều hình thức và đã tác động sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân về ý thức chấp hành luật pháp; về những hành vi, thói quen, nếp sống mới. Từ đó góp phần gìn giữ, bồi dưỡng những giá trị nền tảng xã hội; phát huy được nét đẹp về lối sống, hành vi của người dân xứ Quảng.

   Nhìn chung, sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn thành phố đã được quan tâm thông qua việc đầu tư tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc trưng, truyền thống địa phương, đồng thời khai thác tốt các giá trị di sản văn hóa để phục vụ phát triển du lịch; phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.

   2. Đề xuất một số giải pháp bảo tồn giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa Đà Nẵng trong thời gian tới

   2.1. Xây dựng gia đình văn hóa gắn liền với con người văn hóa

   - Nâng cao các chuẩn mực văn hóa xã hội, chuẩn mực văn hóa gia đình, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam như: “Kính trên, nhường dưới”, “Hiếu thảo, hòa thuận thủy chung”, “Nuôi dạy con cháu thành đạt, nên người”.

   - Quan tâm đến yếu tố xây dựng con người mang nét đặc trưng của thành phố Đà Nẵng với lối sống văn minh, hiện đại nhân văn và có bản sắc riêng. Cư dân thành phố ý thức tự giác về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; có tác phong công nghiệp với những đặc tính cơ bản: yêu nước, ý thức pháp luật, trung thực, năng động, khoa học, trách nhiệm và chuyên nghiệp; có những giá trị bản sắc văn hóa của đất và người xứ Quảng: sống có lý tưởng, nhân ái, hiếu học, hiếu khách và thấm đẫm văn nghệ xứ Quảng.

   2.2. Xây dựng tiêu chí, phẩm chất đặc trưng công dân Đà Nẵng: Yêu nước - Văn minh - Trách nhiệm - Nghĩa tình

   - Xây dựng và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, bồi đắp niềm tin, lý tưởng, khát vọng cho thế hệ trẻ. Đặc biệt quan tâm giáo dục lòng tự hào về thành phố, ý thức giữ gìn danh hiệu tốt đẹp của Đà Nẵng.

   - Xây dựng tiêu chí công dân thành phố Đà Nẵng, biết ứng xử một cách văn hóa, văn minh, trách nhiệm, nghĩa tình trên các lĩnh vực: Văn hóa gia đình; Văn hóa học đường; Văn hóa ứng xử với mạng xã hội; Văn hóa, văn minh nơi công cộng và ở khu dân cư; Văn hóa công sở; Văn hóa du lịch; Văn hóa giao thông; Văn minh thương mại; Văn hóa trong kinh tế; Văn hóa trong ngành y; Văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Quy định về quản lý vỉa hè; Quy định về quảng cáo, rao vặt, đánh giày, bán sách, báo, vé số dạo và bán hàng rong.

   2.3. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh đô thị phù hợp với đặc trưng phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ và hội nhập quốc tế của thành phố

   - Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở: gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, tiến đến xây dựng phường văn minh đô thị, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

   - Tiếp tục thực hiện tốt chương trình “Thành phố 5 không, 3 có”, Chỉ thị 43-CT/TU về Năm văn hóa, văn minh đô thị, chương trình “Thành phố 4 an”.

   2.4. Xây dựng văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế

   - Xây dựng văn hóa lãnh đạo với phương châm “gần dân, hiểu dân, gắn bó mật thiết với nhân dân”, lấy dân làm gốc trong hoạch định chính sách, kế hoạch và triển khai thực hiện nhiệm vụ của từng đảng viên, từng cán bộ công chức, viên chức, của các ngành các cấp và từng địa phương, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến dân một cách thiết thực nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất.

   - Trong ứng xử với người dân cần xây dựng văn hóa nụ cười, văn hóa xin lỗi, văn hóa từ chức.

   - Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ gìn chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển của doanh nghiệp, vì sự nghiệp phát triển kinh tế của thành phố, góp phần khẳng định văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân của thành phố Đà Nẵng.

   2.5. Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa

   - Hệ thống bảo tàng:

   Nên xây dựng Bảo tàng Hải Dương học để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về cuộc sống văn hóa của cư dân biển Đà Nẵng thông qua các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong tâm thức tín ngưỡng dân gian của cư dân biển.

   Tăng cường công tác sưu tầm cổ vật, hiện vật bảo tàng; tạo điều kiện thuận lợi về tài chính và thủ tục pháp lý để các bảo tàng công lập ở Đà Nẵng có thể tham gia mua cổ vật trong các cuộc bán đấu giá cổ vật ở trong và ngoài nước. Đồng thời, bổ sung thêm nguồn lực, thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm bảo quản hiện vật, phục vụ nghiên cứu, sưu tầm; mở rộng hoạt động giao lưu của các bảo tàng, đồng thời, đa dạng hóa hoạt động để thu hút khách tham quan.

   - Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa:

   Tiến hành số hóa các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Đà Nẵng và xứ Quảng như: lễ hội, các sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng, tuồng xứ Quảng, hò bả trạo trong lễ cầu ngư, ẩm thực xứ Quảng, nghề thủ công truyền thống hiện còn ở Đà Nẵng.

   Duy trì sự tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể trong lòng cộng đồng, trong môi trường nguyên thủy mà di sản đã nảy sinh và phát triển; luôn tạo điều kiện cho cộng đồng bảo vệ, tổ chức khai thác và phát huy di sản văn hóa phi vật thể; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ thực hành và chuyển giao di sản cho cộng đồng và cho thế hệ trẻ.

   2.6. Đẩy mạnh công tác truyền thông văn hóa

   Thay đổi tư duy và phương thức truyền thông, từ phục vụ, thực hiện các nhiệm vụ chính trị sang phục vụ khán giả, khách hàng mục tiêu; từ cung cấp thụ động sang chủ động thông qua việc phát triển các kế hoạch đồng bộ từ nội dung hoạt động đến các dịch vụ chăm sóc khách hàng, kỹ năng phát triển cộng đồng, quan hệ báo chí… nhằm đảm bảo đối tượng tiếp nhận hiểu, bị thuyết phục và tin tưởng vào những thông tin được đưa ra.

   Xây dựng và cập nhật xu hướng truyền thông hiện đại, tích hợp nhiều phương tiện truyền thông, mạng xã hội và di động để bắt kịp xu hướng thời đại và đạt được những kết quả truyền thông mong muốn.

   2.7. Xây dựng và phát triển văn hóa đọc

   - Xây dựng môi trường đọc lành mạnh, thuận lợi, bảo đảm cho học sinh, sinh viên ở mọi địa bàn cư trú, đặc biệt là nông thôn có thể tiếp cận và sử dụng tài liệu, sách bảo đảm thông tin được dễ dàng, phù hợp với nhu cầu đọc đa dạng, luôn thay đổi của người đọc.

   - Nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thư viện như: thường xuyên xây dựng và phát triển vốn tài liệu, đổi mới các dịch vụ, ứng dựng công nghệ thông tin.

   - Xây dựng và phát triển phố sách (đường sách) Đà Nẵng trên địa bàn quận Hải Châu; tăng cường hội sách ở các địa phương trên địa bàn thành phố.

   2.8. Nâng cao chất lượng hoạt động văn học, nghệ thuật

   - Đầu tư mạnh cho phát triển văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác phù hợp với yêu cầu phát triển của văn học, nghệ thuật địa phương và của thành phố. Có các cơ chế khuyến khích hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

   - Đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động văn học, nghệ thuật. Quan tâm đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa cấp thành phố như Nhà hát lớn, Trung tâm Văn hóa thành phố, quy hoạch và xây dựng Trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật đủ điều kiện để hình thành một Trung tâm Đào tạo và Thực nghiệm văn học, nghệ thuật trực thuộc; nâng cấp Nhà hát Trưng Vương. Đầu tư trang thiết bị hiện đại cho Nhà hát Tuồng đảm bảo lưu diễn. Đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cấp quận, huyện để nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, nghệ thuật ở địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân.

   - Khuyến khích và tăng cường hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố về biểu diễn tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào, các khu công nghiệp.

   - Đầu tư xây dựng các tiết mục, chương trình mới với các loại hình phong phú, đa dạng; tăng cường giao lưu và phối hợp biểu diễn với các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ trong nước, nghệ sĩ hải ngoại, các đơn vị nghệ thuật nổi tiếng của các nước trong khu vực và thế giới.

   - Có cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ lớn tuổi, văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa nước nhà, văn nghệ sĩ tài năng; vinh danh văn nghệ sĩ tiêu biểu kịp thời.

   2.9. Phát triển công nghiệp văn hóa 

   Phát triển sản phẩm văn hóa, khai thác, phát huy tiềm năng và giá trị văn hóa đặc sắc của thành phố để góp phần phát triển kinh tế Đà Nẵng. Duy trì và nâng cao chất lượng các sự kiện Lễ hội pháo hoa quốc tế, Lễ hội Quán Thế Âm; hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm tham quan như Bảo tàng Điêu khắc Chăm (xây dựng show diễn độc quyền, đặc sắc), Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, Thành Điện Hải, Khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ, sản phẩm đá mĩ nghệ Non Nước; xây dựng các sự kiện và sản phẩm này thành thương hiệu văn hóa - du lịch đặc sắc của thành phố, quảng bá trong nước và quốc tế.

   2.10. Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

   - Tiếp tục phối hợp triển khai các liên hoan phim nước ngoài, những sự kiện văn hóa lớn của các nước tại thành phố.

   - Xây dựng và phát triển một số liên hoan nghệ thuật quốc tế có thương hiệu tại Đà Nẵng, tạo điều kiện cho công chúng được tiếp cận với các nền văn hóa, nghệ thuật đa dạng của thế giới, khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế của Đà Nẵng, nâng cao vị thế, uy tín Đà Nẵng.

   - Tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật để quảng bá hình ảnh thành phố và văn nghệ sĩ có điều kiện tiếp cận thực tiễn, với văn học, nghệ thuật thế giới.

   3. Kết luận

   Đà Nẵng là thành phố cửa ngõ khu vực và quốc tế, nơi giao lưu của nhiều dòng chảy văn hóa trong nước và thế giới, vì vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gặp không ít khó khăn bởi các quá trình độ thị hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nghiên cứu bản sắc văn hóa Đà Nẵng cần phải gắn liền với bản sắc văn hóa của con người Việt Nam, con người xứ Quảng để thấy được mặt khuyết cần khắc phục và mặt ưu cần phát huy. Từ đó đưa ra các giải pháp nhằm góp phần xây dựng lối sống Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn, giàu bản sắc riêng. Bản sắc văn hoá Quảng Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng không chỉ đậm đà ở tính cách của người đất Quảng, mà còn được kết tinh ở những giá trị văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, nó lắng đọng lại trong các di tích văn hoá - lịch sử, trong lễ hội truyền thống, cũng như phong tục tập quán. Song có thể nói trong các giá trị văn hoá thì truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tính cách, tư chất, sự sáng tạo của người dân Quảng Nam – Đà Nẵng được phát huy cao nhất, ý chí anh hùng và lòng quả cảm, sự trung thành và khí phách hiên ngang được nhân lên gấp bội phần. Đó là những bản sắc cần được phát huy và tiếp thu những yếu tố mới, tinh hoa của nhân loại trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại và hội nhập.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Đức Dương (2013), Biển và người Việt cổ, NXB Văn hóa thông tin.
2. Heiner Geldern, Quê hương và những cuộc thiên di sớm nhất của người Nam Đảo, Bản dịch tiếng Đức, Viện Khảo cổ học.
3. Lê Bá Thảo (1998), Việt Nam, lãnh thổ và các vùng địa lý, NXB Thế giới.
4. Ngô Đức Thịnh (2000), Văn hóa dân gian các làng ven biển, NXB Văn hóa dân tộc.
5. Hoàng Anh Tuấn (2017), Thương mại thế giới và hội nhập của Việt Nam thế kỷ XVI-XVIII, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (1970), Đại Nam nhất thống chí, NXB Khoa học xã hội.
7. Nhiều tác giả (1991), Đô thị cổ Hội An, NXB Khoa học xã hội.
8. Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam (2001), Văn hóa Quảng Nam - Những giá trị đặc trưng, NXB Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam.

Bình luận

    Chưa có bình luận