VÀI SUY NGHĨ VỀ BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT TẠI NHÀ HÁT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG VÀ SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

Bài viết tập trung phân tích hoạt động của Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh trong và sau đại dịch Covid-19, từ việc phải ngừng hoạt động do giãn cách xã hội đến giai đoạn phục hồi sau dịch. Từ đó, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động nghệ thuật tại Nhà hát, bao gồm tổ chức các chương trình biểu diễn mới, tạo điều kiện cho khán giả và hợp tác quốc tế để phục hồi vị thế của Nhà hát.

 

   Ngày 23 tháng 1 năm 2020, virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi có ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam. Như một trận bão dữ, Covid-19 càn quét cuộc sống và sinh mạng người dân Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng với tốc độ lây lan nhanh chóng, khủng khiếp chưa từng thấy. Qua ba đợt dịch kéo dài từ ngày 23 tháng 1 năm 2020 đến ngày 30 tháng 9 năm 2022, cho đến nay Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất cả nước với gần 23.000 người (Theo thông tin của Bộ Y tế về đại dịch Covid-19).

   Giống như một mặt trận không tiếng súng, những tiếng còi hụ của xe cấp cứu vang lên khắp nơi khi di chuyển người lây nhiễm đến bệnh viện và các khu cách ly khiến nỗi sợ hãi của dân chúng càng lúc càng trầm trọng. Nhất là khi số lượng bệnh nhân lây nhiễm và qua đời vì Covid-19 tăng lên từng giờ, từng ngày. Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày tháng ấy mọc lên vô số lô cốt, hàng rào, chốt chặn từ nội thành đến ngoại thành. Nhiều ngôi nhà, nhiều khu phố bị chăng dây đỏ - dấu hiệu của việc cách ly người mắc bệnh, khu vực bị nhiễm với cộng đồng còn lại. Các hàng quán không được kinh doanh ăn uống tại chỗ, chỉ cho bán đem về. Các khu vực giải trí hoàn toàn bị đóng cửa. Căng thẳng nhất là khi lệnh giãn cách xã hội được ban hành, người dân Thành phố Hồ Chí Minh không được di chuyển từ nơi này đến nơi khác nếu chưa được chính quyền cho phép. Để tránh việc lây nhiễm, họ phải mua thực phẩm qua phiếu tại các siêu thị do Nhà nước chỉ định hoặc phải ngồi yên trong nhà chờ việc tiếp tế thực phẩm từ các đơn vị của chính quyền. Đường phố vắng tênh, nhà nhà đóng cửa. Người người chỉ còn biết thông tin liên lạc với nhau qua các kênh truyền thanh, truyền hình và điện thoại. Thành phố trở nên yếu ớt, cả nhân dân lẫn chính quyền đồng tâm hiệp lực để tìm cách chống chọi con virus ác nghiệt SARS-CoV-2.

   1. Hoạt động của Nhà hát Thành phố trong cơn biến động của cả nước

   Cùng với 2 chỉ thị của Thủ tướng gồm Chỉ thị 15/CT-CP vào ngày 27/3/2020 và Chỉ thị 16/CT-CP ngày 31/3/2020 “Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19”, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 19/6/2021 “Về siết chặt và tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”; Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh ra Chỉ thị số 12/CT-TU ngày 22/7/2021 tăng cường biện pháp thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

   Trong 5 tháng kế tiếp (tháng 7/2021 đến tháng 12/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã có thêm 4 quyết định, 24 công văn và 3 kế hoạch về phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố. Trong đó phải kể đến quyết định tạm ngưng biểu diễn tại các đơn vị nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, các nhà hát, vũ trường, karaoke, hát với nhau… để đảm bảo an toàn, không gây lây nhiễm cho cộng đồng. Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số nhà hát ngừng hoạt động, tuân thủ theo quyết định của Uỷ ban nhân dân sớm nhất.

   Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 7 Công trường Lam Sơn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Tuổi đời hơn 120 năm (1900-2022) với kiến trúc độc đáo, Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh đã được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc quốc gia (Quyết định xếp hạng số 1209/QĐ-BVHTTDL ngày 29 tháng 3 năm 2012).

   Trước khi đại dịch Covid-19 được phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, lịch biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Thành phố dày đặc, các đơn vị nghệ thuật muốn biểu diễn phải đăng ký trước từ 3 tháng đến một năm, tiết mục biểu diễn nghệ thuật rất phong phú, lượt người xem và nguồn thu từ Nhà hát luôn ổn định, năm sau cao hơn năm trước, đời sống của cán bộ công nhân viên Nhà hát rất tốt. Tuy nhiên, khi đại dịch xuất hiện, các hoạt động giãn cách xã hội đã tác động rất mạnh và nghiêm trọng đến việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát.

   Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh phải từng bước dừng tất cả các hoạt động theo từng đợt dịch và theo chỉ đạo của Nhà nước. Khi tình trạng lây nhiễm tại Nhà hát báo động, Ban Lãnh đạo Nhà hát phải bảo vệ tính mạng của cán bộ công nhân viên bằng cách cho làm việc tại nhà, chỉ có tổ chức trực bảo vệ, duy trì hệ thống điện nước, phòng cháy chữa cháy. Do Nhà hát là đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động biểu diễn nghệ thuật tự chủ loại 1, trực thuộc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Ngừng hoạt động có nghĩa Nhà hát không có nguồn thu để trang trải các chi phí tổ chức hành chính, trả lương cho cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ… Việc hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự, quản lý sử dụng nhân lực theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP và Nghị định 16/2015/NĐ-CP thực sự là một bài toán nan giải cho Ban Giám đốc Nhà hát trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành.

   Tuy nhiên, vai trò quan trọng của công tác quản lý, trách nhiệm lãnh đạo của người đứng đầu và đặc biệt là những quyết định sống còn trong những tình huống khẩn cấp vừa kể đã giúp tất cả cán bộ công nhân viên nghệ sĩ của Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh kiên gan bền chí, chấp hành tuyệt đối mọi chỉ thị của cấp trên, tạo ra sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động của từng cá nhân đến tập thể, tạo nên sức mạnh đoàn kết, sức mạnh của sự lắng nghe, thấu hiểu; sức mạnh về sự sẻ chia, lòng tin yêu và ý nghĩa sâu sắc của hai từ “đồng bào”, “đồng chí”, từ đó xuất sắc vượt qua cơn đại dịch nói chung và cơn bão cuộc sống nói riêng, chờ một ngày phục hồi mạnh mẽ.

   Ngày 1/10/2021, bước vào thời kỳ bình thường mới, Thành phố Hồ Chí Minh xoá bỏ lệnh giãn cách, phục sinh các hoạt động xã hội, từng bước lấy lại nhịp thở quân bình, từng bước phát triển và lớn mạnh dần lên như cũ.

   Trong 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phục hồi mạnh mẽ, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 9,71% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 350 ngàn tỉ đồng, đạt gần 90% dự toán, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Dự kiến có khoảng 15/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm 2022. Tình hình an ninh trật tự thành phố được đảm bảo. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao đã trở lại bình thường.

   Vào dịp Quốc khánh 2/9/2022, người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều sự lựa chọn đa dạng về thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật phong phú. Hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật gần như phục hồi sau đại dịch Covid-19.

   Quy mô nhất có lẽ là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Tết Độc lập - Bừng sáng khát vọng dân tộc” vào tối 2/9/2022 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Chương trình do Trung tâm nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, có sự tham dự của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng với các tiết mục đặc biệt đã thu hút hàng ngàn người xem. Tối 3/9/2022 tại tiền sảnh Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra chương trình ca múa nhạc truyền thống mang tên “Mùa thu và mãi mãi” với chủ đề “Tình ca đất nước”. Chương trình này do Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

   Cùng trong thời điểm, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam tổ chức nhiều chương trình xiếc đặc biệt mừng Quốc khánh tại nhà bạt Công viên Gia Định với các tiết mục đoạt giải thưởng quốc tế. Ngoài ra, ở Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam biểu diễn nhiều vở rối nước phục vụ cho du khách và thiếu nhi. Sân khấu Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và các sân khấu xã hội hoá như Nhà hát kịch sân khấu nhỏ, Sân khấu kịch IDECAF, Sân khấu kịch Thế giới trẻ… cũng đã có nhiều xuất diễn được khán giả tiếp nhận nồng hậu. Ngoài ra, hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng đã được hoạt động trở lại nhằm phục vụ người dân và thu hút du khách.

   Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh cùng hòa nhịp hồi sinh của Thành phố, bắt đầu sáng đèn trở lại. Các chương trình nghệ thuật có tiếng vang trước đây như À Ố Show, Teh Dar Show, Liên hoan Giai điệu mùa thu… Các sự kiện âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… được tổ chức thường xuyên hơn. Theo dõi thống kê hoạt động của Nhà hát từ năm 2019 đến 2022 cho thấy: Trong ba tháng cuối năm 2022, lịch biểu diễn tại Nhà hát đã được lấp đầy. Tuy chưa thể đạt được hiệu quả so với năm 2019 – trước khi bị dịch Covid-19, nhưng so với năm 2020, các suất diễn tại Nhà hát đã khá ổn định. Lượng khán giả tuy chưa bằng những năm trước dịch nhưng doanh thu lại tăng lên. Điều đó cho thấy hoạt động nghệ thuật là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi người.

   2. Một vài giải pháp để nâng cao hoạt động của Nhà hát Thành phố trong thời kỳ phục sinh

   Thời kỳ đỉnh cao của Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh theo thống kê cho biết có 406 suất biểu diễn đủ các lĩnh vực nghệ thuật (2019). Tính trung bình có 7 đến 8 suất diễn cho mỗi tuần. Một con số bất cứ nhà hát nào trên khắp thế giới đều mong muốn. Đại dịch Covid-19 với vô vàn hệ luỵ cuộc sống xã hội, kéo con số lý tưởng này xuống còn 137 (tháng 1-9/2022) rồi lại giảm xuống 80 trong tháng 10/2022.

   Điều gì khiến Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh không còn là nơi khán giả quan tâm nhiều như trước nữa?


(Nguồn: Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh)

   Một điều phải thừa nhận rằng sau đại dịch Covid-19, mặc dù đời sống xã hội đã trở lại bình thường, mọi người đã chú ý đến nhu cầu giải trí nhưng có vẻ sự lựa chọn của họ đã trở nên khắt khe, có chọn lọc hơn. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé giá cao để được thưởng thức một vở diễn mới lạ (sân khấu Hoàng Thái Thanh) và từ chối đi xem các vở diễn cũ cho dù trong quá khứ các vở diễn này từng được săn đón và chờ đợi (À Ố Show). Mặt khác, các vở diễn từng bám trụ cả năm tại Nhà hát như À Ố Show, Teh Dar Show… chủ yếu trông đợi vào lượng du khách đến từ nước ngoài, khán giả trong nước chỉ có một số ít. Khi ngành du lịch của ta chưa được phục hồi mạnh mẽ như xưa, việc thiếu khán giả nước ngoài là điều dễ hiểu.

   Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh trước năm 2019 còn nổi tiếng với các chương trình ca nhạc được tổ chức định kỳ theo tháng hoặc theo chủ đề và có một lượng khán giả nhất định. Các chương trình ca nhạc, các live show do các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng tổ chức cũng thu hút khán giả mộ điệu rất đông. Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh là địa chỉ vàng để các đoàn ca múa nhạc, vũ kịch, ballet trong nước và ngoài nước tìm đến.

   Muốn trở lại thời hoàng kim như trước 2019, Nhà hát Thành phố phải có kế hoạch tái lập các hợp đồng biểu diễn với điều kiện diễn vở mới hoặc đầu tư các chương trình ca nhạc, kịch nghệ hoành tráng, gây được sự quan tâm của khán giả trong cả nước và nước ngoài.

   Nhà hát Thành phố cũng là địa điểm lý tưởng để tổ chức các chương trình tác giả - tác phẩm. Uỷ ban nhân dân Thành phố có thể đứng ra hỗ trợ các chương trình này nhằm tôn vinh những nhân vật nổi tiếng hiện sinh sống tại nơi đây như một cách tri ân họ. Phối hợp cùng các Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Điện ảnh, Hội Sân khấu, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc và các hội chuyên ngành khác để thực hiện cho chỉn chu, có bài bản. Các chương trình này nhằm nâng tầng kiến thức của người dân thành phố đồng thời cũng giúp cho khách vãng lai, du khách hiểu và trân trọng giá trị của thành phố hơn. Ngoài ra, kết hợp với Tổng lãnh sự quán các nước để tổ chức các chương trình giao lưu văn hoá thế giới, giới thiệu kịch, múa, ballet, ca nhạc do các nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn. Bên cạnh đó, mỗi tháng nên tổ chức một buổi biểu diễn miễn phí dành cho những người thu nhập thấp hoặc không có điều kiện đến xem.

   Mặt khác, giống như nhiều nước trên thế giới xem nhà hát như bộ mặt văn hoá của thành phố, một “thánh đường” cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật, Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh cần tự trân trọng mặt bằng và khu vực chung quanh Nhà hát. Không nên để hàng quán xô bồ, các bãi giữ xe bao vây chung quanh, gây ra cái nhìn mất thiện cảm của mọi người qua lại.

   3. Kết luận

   Khôi phục lại hoạt động mạnh mẽ của Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh sau những biến động của đại dịch Covid-19 không phải dễ dàng. Tuy mọi sinh hoạt xã hội đã trở lại như cũ nhưng cho đến nay, các biến chủng của Covid-19 vẫn là mối hiểm nguy, các ca nhiễm virus vẫn xuất hiện trong cộng đồng. Khá nhiều công ty phải giải thể, nhiều người thất nghiệp phải đi tìm công việc mới một cách khó khăn. Nhu cầu giải trí của người dân được bó gọn lại, nhất là khi các kênh truyền hình trong nước và nước ngoài có vô số chương trình cho họ lựa chọn. Đảm bảo sự an toàn cho khu vực biểu diễn và luôn thay đổi vở diễn, nội dung chương trình là cách tốt nhất để “kêu gọi” khán giả đến với Nhà hát.

   Quan trọng nhất là sự đồng tâm hiệp lực từ các cấp lãnh đạo Thành phố, sự thấu hiểu và quan tâm đến việc thay đổi diện mạo lẫn nội dung hoạt động của Nhà hát, đến việc các cấp lãnh đạo Nhà hát nghiên cứu thực hiện, đầu tư chương trình một cách có tâm huyết, và không quên việc lấy ý kiến công khai của khán giả - những người trực tiếp đem nguồn doanh thu đến cho Nhà hát.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Thông tin của Bộ Y tế về đại dịch Covid-19.
2. Chỉ thị 15/CT-CP ngày 27/3/2020.
3. Chỉ thị 16/CT-CP ngày 31/3/2020.
4. Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 19/6/2021.
5. Chỉ thị số 12/CT-TU ngày 22/7/2021.
6. Quyết định 4161/QĐ-UBND ngày 9/12/2021; Quyết định 3900/QĐ-UBND ngày 16/11/2021; Quyết định 3869/QĐUBND ngày 13/11/2021; Quyết định 3466/QĐ-UBND ngày 4/10/2021.
7. Công văn 10399/SGTVT-KT hướng dẫn tổ chức giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/10/2021.
8. Công văn 3251/UBND-ĐT ngày 1/10/2021 về phối hợp, tổ chức, hỗ trợ người dân lưu thông trong trường hợp cần thiết.
9. Công văn 3239/UBND-ĐT ngày 1/10/2021 về công tác cấp Giấy nhận diện (có mã QR) đối với các phương tiện vận tải hàng hóa do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.
10. Công văn 3232/UBND-ĐT ngày 30/9/2021 về phối hợp vận chuyển người lao động từ các tỉnh, thành phố đến làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
11. Công văn 3120/UBND-ĐT ngày 21/9/2021 về tạo điều kiện thuận lợi công tác xét nghiệm của lực lượng giao hàng (shipper) tiến tới quản lý bằng công nghệ do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.
12. Công văn 3086/UBND-VX ngày 16/9/2021 về thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
13. Công văn 3074/BCĐ-VX ngày 15/9/2021 về tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm tại địa bàn dân cư từ đây đến ngày 30/9/2021.
14. Công văn 3072/UBND-VX ngày 15/9/2021 thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ 16/9 đến 30/9/2021.
15. Công văn 2994/UBND-ĐT ngày 7/9/2021 về tiếp tục tăng cường biện pháp kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
16. Công văn 6312/SYT-NVY ngày 4/9/2021 về tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 từ ngày 1/9/2021 đến 15/9/2021.
17. Công văn 2800/UBND-VX ngày 21/8/2021 về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
18. Công văn 2796/BCĐ-VX ngày 21/8/2021 về tăng cường biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
19. Công văn 2789/BCĐ-VX ngày 20/8/2021 về tăng cường biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
20. Công văn 2718/UBND-VX ngày 15/8/2021 về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn Thành phố Hồ Chí Minh để quyết liệt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.
21. Công văn 2696/UBND-VX ngày 12/8/2021 về thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
22. Công văn 2523/UBND-VX ngày 28/7/2021 về đề nghị thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị nhà nước trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường mạnh mẽ biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố.
23. Công văn 2522/UBND-ĐT ngày 28/7/2021 về kiểm soát việc di chuyển trong thời gian thực hiện dẫn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg.
24. Công văn 2510/UBND-VX ngày 27/7/2021 về phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị nhà nước trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện dẫn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
25. Công văn 2468/UBND-VX ngày 23/7/2021 về tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện dẫn cách xã hội toàn Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg.
26. Công văn 2491/UBND-VX ngày 26/7/2021 về tăng cường quản lý hoạt động xe mô tô ứng dụng công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg.
27. Công văn 2279/UBND-VX năm 2021 về siết chặt và tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
28. Công văn 2292/UBND-VX năm 2021 hướng dẫn triển khai công văn 2279/ UBND-VX.
29. Công văn 5389/BYT-MT năm 2021 về tiếp nhận đối với người từ Thành phố Hồ Chí Minh về địa phương.
30. Công văn 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 về thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương.
31. Kế hoạch 4192/KH-UBND ngày 14/12/2021 về xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron SARS-CoV-2.
32. Kế hoạch 4087/KH-BCĐ ngày 7/12/2021 về tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại.
33. Kế hoạch 2715/KH-BCĐ ngày 15/8/2021 thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị định 86/NQ-CP (Từ ngày 15/8 đến ngày 15/9 năm 2021) do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ban hành.
34. Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. 35. Thư viện Pháp luật.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận