PHÁT HUY DI SẢN TƯ LIỆU THẾ GIỚI 82 BIA TIẾN SĨ TẠI VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM QUA CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC DI SẢN

Từ việc chỉ ra những quan niệm về giáo dục di sản trên thế giới và các văn bản hướng dẫn ở Việt Nam, bài viết phân tích việc xây dựng chương trình giáo dục di sản bia tiến sĩ cho học sinh các cấp học ở Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Qua đó nhấn mạnh mục tiêu đưa di sản đến với công chúng, đồng thời nâng cao năng lực sáng tạo và mở ra một hướng đi mới cho di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong công tác phát huy giá trị di sản của 82 bia tiến sĩ.

   Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có 82 tấm bia đề tên những người thi đỗ trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ dưới triều Lê - Mạc. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử các khoa thi tiến sĩ được tổ chức từ năm 1442 đến năm 1779. Mỗi tấm bia được dựng cho một khoa thi. Có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi được dựng trong khoảng từ năm 1484 đến năm 1780. Mang những giá trị độc đáo, độc bản, quý hiếm, không thể thay thế, năm 2010, 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội được UNESCO đưa vào danh mục Di sản Tư liệu ký ức thế giới khu vực (Memmory of World Register) châu Á - Thái Bình Dương đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và trở thành Di sản Tư liệu ký ức thế giới trên phạm vi toàn cầu từ năm 2011.

    Việc được ghi danh vào Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO cũng đặt ra nhiều yêu cầu và thách thức cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị 82 bia tiến sĩ. Nhằm nâng cao nhận thức về di sản tư liệu thế giới 82 bia đá triều Lê - Mạc, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chú trọng các hoạt động gắn kết di sản với nhà trường, xây dựng các chương trình giáo dục di sản tại di tích. Điều này cũng theo quy định cụ thể trong các văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lồng ghép nội dung giảng dạy di sản văn hóa trong chương trình giáo dục phổ thông.

   1. Quan niệm về giáo dục di sản trên thế giới và các văn bản hướng dẫn ở Việt Nam

   Trên thế giới, quan niệm về giáo dục di sản đã thay đổi trong vài thập kỷ qua. Tại Anh, năm 1987, trong Báo cáo về giáo dục di sản của Đại học Chương trình Bảo tồn Lịch sử Vermont cho Hội đồng Giáo dục Bảo tồn Quốc gia (Anh) tuyên bố rằng: “Các chương trình giáo dục di sản đã đưa môi trường di sản trực tiếp vào quá trình giáo dục ở cấp tiểu học và trung học thông qua các khóa học nghệ thuật, nhân văn, khoa học và dạy nghề”. Di sản được sử dụng như tài nguyên trực quan để giảng dạy kiến thức và các kỹ năng cho học sinh. Các điểm di sản, các thiết chế văn hóa đều có thể trở thành địa điểm học tập mà học sinh của tất cả lứa tuổi có thể tận mắt trải nghiệm, học tập và đánh giá.

   Năm 1994, UNESCO đã thành lập Chương trình Giáo dục di sản thế giới cho thanh thiếu niên (Chương trình WHE) nhằm thúc đẩy vai trò của những người trẻ tuổi trong việc bảo tồn di sản thế giới.

   Tại châu Âu năm 1998, Hội đồng Châu Âu đã định nghĩa giáo dục di sản là “Một phương pháp giảng dạy dựa trên di sản văn hóa, kết hợp các phương pháp giáo dục tích cực, phương pháp tiếp cận đa ngành, sự hợp tác giữa các lĩnh vực giáo dục và văn hóa và sử dụng nhiều phương thức giao tiếp và biểu đạt nhất”. Theo quan điểm này, giáo dục di sản là sự phối hợp liên ngành giữa giáo dục, di sản văn hóa và các chương trình xã hội. Trước đó vào năm 1991, Hội đồng Châu Âu đã đưa ra sáng kiến về Ngày Di sản châu Âu. Ngoài việc đại diện cho các thành tựu và truyền thống văn hóa địa phương, các sự kiện văn hóa này còn đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa công dân ở các nền văn hóa khác nhau đến gần nhau hơn. Kể từ năm 1999, Ngày Di sản châu Âu có khẩu hiệu cố định: “Châu Âu, một di sản chung”. Sáng kiến Ngày Di sản châu Âu nhằm mục đích thúc đẩy sự khoan dung giữa các quốc gia khác nhau của châu Âu và thu hút sự chú ý đến tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản văn hóa. Điều này làm cho người dân châu Âu hiểu được sự phong phú, đa dạng của văn hóa cũng như trân trọng các di sản văn hóa của mình.

   Tác giả Eilean Hooper-Greenhill trong cuốn Sứ mạng của giáo dục bảo tàng (2006) đã xác định những cách thức mà giáo dục di sản, giáo dục bảo tàng khác với giáo dục học đường. Theo quan điểm của Hooper-Greenhill, việc học trong bảo tàng có khả năng kết thúc cởi mở hơn, hơn thế nữa được hướng dẫn riêng, khó đoán hơn và nhận được nhiều phản hồi đa dạng hơn so với các trang web của giáo dục chính quy. Ông khẳng định: “Học tập” tại viện bảo tàng mang tính cởi mở hơn và đa chiều và tập trung hơn vào con người”1.

   Giáo dục di sản có một ý nghĩa đặc biệt ở Hoa Kỳ, tác giả Kathleen Hunter đã nói: “Là một phần của chương trình giảng dạy cốt lõi trong trường học, giáo dục di sản hỗ trợ sự thống nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, là một động lực để gắn kết với một xã hội được đánh dấu bởi chủ nghĩa đa nguyên”2. Trong tác phẩm Giáo dục di sản trong nghiên cứu xã hội (2014), Kathleen Hunter đã đưa ra định nghĩa về giáo dục di sản: “Giáo dục di sản là một cách tiếp cận để dạy và học về lịch sử và văn hóa, trong đó sử dụng những thông tin, tư liệu về các di sản văn hóa trong dạy và học. Phương pháp giáo dục di sản giúp tăng cường hiểu biết của học sinh về các khái niệm và các nguyên tắc về lịch sử và văn hóa, đặc biệt làm phong phú thêm sự đánh giá của họ đối với các thành tựu nghệ thuật, thiên tài công nghệ... và những đóng góp về mặt kinh tế, xã hội của nam giới và phụ nữ từ các nhóm khác nhau. Bằng cách trực tiếp trải nghiệm, kiểm tra và đánh giá các tòa nhà, di tích, nơi làm việc, cảnh quan, di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể giúp người học có được kiến thức, kỹ năng trí tuệ và thái độ nâng cao năng lực của họ để duy trì và cải thiện xã hội và cuộc sống của chúng ta”3.

   Trong cuốn Phương pháp hay nhất của tác giả Marie-Clarté O’Neill và Colette Dufresne-Tassé viết: “Chức năng giáo dục của bảo tàng là sự phát triển và hoàn thiện con người”4. Bảo tàng, di tích thực hiện chức năng này thông qua các chương trình giáo dục và văn hóa. Điều đó giúp bổ sung các giá trị khoa học hoặc nghệ thuật cho trưng bày chuyên đề hoặc trưng bày thường xuyên, điều chỉnh hướng tới công chúng cụ thể và thu hút công chúng mới.

   Bảo tàng, di tích kiến tạo chương trình giáo dục nhằm truyền cảm hứng cho trẻ em, giúp trẻ em tích lũy kinh nghiệm, đưa ra các giả định và rút ra kết luận. Các năng lực có thể thay đổi nhờ các tương tác xã hội, kết nối giữa việc học và sử dụng ngôn ngữ, động cơ và hoạt động trí tuệ được ưu tiên cao trong các chương trình giáo dục tại bảo tàng, di tích. Từ đó có thể thấy, vai trò của giáo dục di sản đã được nhận thức cao hơn, có một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống cộng đồng, giúp giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội, tôn giáo, chính trị, bình đẳng giới...

   Ở Việt Nam trong những năm gần đây, sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên đã quy định cụ thể trong thể chế về việc lồng ghép nội dung giảng dạy học di sản văn hóa vào các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông (nội và ngoại khóa). Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Chương trình giáo dục phổ thông”; “Tài liệu hướng dẫn giáo dục về di sản phi vật thể trong trường phổ thông hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững” do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm Mạng lưới và Thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực Thái Bình Dương (ICHCAP) và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp xuất bản năm 2020.

   Năm 2013, hướng dẫn liên bộ số 73/ HD-BGDĐT-BVHTTDL ngày 16 tháng 01 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về “Hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong giảng dạy ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên”. Theo đó, nhằm hình thành và nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa; rèn luyện tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập và rèn luyện; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng của học sinh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn “Sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên được triển khai thực hiện hàng năm ở tất cả các cấp học giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và các cơ quan liên quan thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên địa bàn”. Bảo tàng, di tích chủ trì, phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo xây dựng tư liệu giới thiệu về di sản để các nhà trường sử dụng trong hoạt động dạy học di sản văn hóa. Lồng ghép nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông (nội khóa hoặc ngoại khóa). Hình thức tổ chức dạy học có thể dạy trên lớp hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại nhà trường, tại nơi có di sản văn hóa, tổ chức tham quan - trải nghiệm di sản văn hóa hoặc thông qua các phương tiện truyền thông, đa phương tiện…

   Mới đây nhất là công văn số 3809/ BVHTTDL-DSVH ngày 14/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo trong hoạt động bảo tàng. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các bảo tàng chủ động và linh hoạt trong việc phối hợp với các trường trên địa bàn để đưa học sinh đến với bảo tàng và đưa di sản văn hóa đến với học đường theo cách tiếp cận mới: Xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa dành riêng cho đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp; Đa dạng hình thức giáo dục tại bảo tàng, như: tổ chức tham quan - trải nghiệm, trình diễn di sản văn hóa, nói chuyện chuyên đề hoặc giới thiệu trực tuyến về di sản văn hóa; Hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ với các trường trong việc lựa chọn, đưa các trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian… vào các chương trình ngoại khóa và kết nối mời nghệ nhân tham gia hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ.

   2. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới 82 bia tiến sĩ qua các chủ đề giáo dục di sản

   Trong bối cảnh những khuyến nghị của UNESCO và các văn bản chính sách của Việt Nam, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã xây dựng các chương trình giáo dục di sản về bia tiến sĩ cho học sinh các cấp học như “Khám phá bia tiến sĩ” dành cho học sinh lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở, “Rung chuông vàng tìm hiểu 82 bia tiến sĩ” dành cho học sinh lớp 4 đến lớp 7, “Tìm hiểu họa tiết trên bia tiến sĩ” cho học sinh trung học cơ sở và chủ đề “Mật mã danh nhân” dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Quá trình xây dựng các chương trình giáo dục di sản được trung tâm chú trọng áp dụng các phương pháp tiếp cận mới giúp các chương trình vừa hấp dẫn với các em học sinh, vừa đáp ứng được quản điểm đổi mới phương pháp dạy và học của ngành giáo dục.

   2.1. Tích hợp chương trình học phổ thông với nội dung di sản

   Khi xây dựng chương trình giáo dục, cán bộ giáo dục tại di tích nghiên cứu chuẩn kiến thức và kỹ năng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định theo từng môn học, khối lớp và cấp học. Việc thiết kế các bài học ở di sản nhất thiết phải bám sát vào mục tiêu và các chuẩn kiến thức, kỹ năng, tâm lý ở từng lớp, từng cấp học. Ví dụ như ở môn Tiếng Việt của học sinh lớp 2 có yêu cầu kiến thức và chuẩn kỹ năng nghe kể chuyện, trả lời nội dung câu chuyện và rút ra bài học cho bản thân. Với chủ đề giáo dục di sản “Danh nhân trên bia tiến sĩ”, học sinh sẽ được nghe kể chuyện về các vị danh nhân như nhà toán học Lương Thế Vinh, nhà sử học Ngô Sĩ Liên, nhà bác học Lê Quý Đôn… Tiếp theo, các em sẽ đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi với cán bộ giáo dục, qua đó giúp các em liên tưởng để rút ra bài học cho bản thân từ những tấm gương học giỏi của các vị danh nhân này.

   Yêu cầu tích hợp các nội dung của di tích với các môn học gắn với yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng của mỗi khối lớp sẽ giúp cho các chủ đề giáo dục di sản tại di tích phù hợp với nhận thức của từng đối tượng học sinh, lượng kiến thức quá khó hay quá dễ đều khiến cho chủ đề giáo dục di sản tại di tích giảm tính hấp dẫn, không thu hút được các em. Mỗi di sản chứa đựng nhiều nội dung khác nhau. Việc xây dựng bảng tích hợp giữa nội dung chương trình học của từng khối lớp với nội dung di sản là rất cần thiết.

   Nhóm cán bộ còn nghiên cứu những kỹ năng theo từng lứa tuổi, cấp học để xây dựng các hoạt động trải nghiệm phù hợp. Nếu ở chủ đề “Tìm hiểu về bia tiến sĩ” cho học sinh đầu cấp tiểu học, các em được thỏa sức sáng tạo vẽ và tô màu bia bia tiến sĩ, thì cùng chủ đề này khi dành cho học sinh lớp 5, 6, 7, hoạt động trải nghiệm đó là thảo luận, các em đưa ra quan điểm riêng của mình về các nguyên nhân gây tác hại đến bia và đề xuất các biện pháp bảo vệ di sản tư liệu quý giá này. Ở một chủ đề khác đó là “Mật mã danh nhân”, cán bộ giáo dục lại chuẩn bị các mật thư trong đó có các câu đố, trả lời đúng các câu hỏi, bí mật trong mật thư sẽ được tiết lộ giúp các nhóm tìm ra được vị danh nhân có tên trên bia. Hoạt động trải nghiệm “Tìm hiểu họa tiết trên bia tiến sĩ” là in họa tiết trên bia tiến sĩ lên giấy dó thì “Rung chuông vàng tìm hiểu về bia tiến sĩ” lại sôi động như một gameshow hấp dẫn các em học sinh tham gia. Nội dung di sản được lồng ghép khéo léo qua hoạt động trải nghiệm phù hợp với kỹ năng của từng đối tượng học sinh sẽ khiến buổi trải nghiệm của các em tại di tích trở nên sôi động và hấp dẫn hơn nhiều.

   2.2. Tiếp cận đa chiều các giá trị của di sản

   Các chủ đề giáo dục di sản được xây dựng giúp học sinh tiếp cận đa chiều các thông tin về di sản tư liệu 82 bia tiến sĩ. Ở chương trình giáo dục “Khám phá bia tiến sĩ”, các em học sinh được hướng dẫn tìm hiểu những thông tin cơ bản: số lượng bia hiện còn, nội dung trên các tấm bia, mục đích dựng bia, các đợt dựng bia, chất liệu tạc bia, phân biệt các bộ phận của một tấm bia: trán bia, thân bia, đế bia… Với chương trình giáo dục “Tìm hiểu hoạ tiết trên bia tiến sĩ”, học sinh được tìm hiểu chuyên sâu về nghệ thuật khắc đá, mĩ thuật trang trí trên bia, nhận diện các họa tiết trang trí trên trán bia, các đồ án trang trí trên diềm bia như: lộ lộ liên hoa, chim hỷ tước đậu cành mai, họa tiết hồi văn, hoa bảo tiên… với những ý nghĩa sâu xa về đạo học. Chủ đề giáo dục di sản “Mật mã danh nhân” giúp học sinh tìm hiểu những thông tin về các danh nhân được khắc tên trên bia, từ quê quán, tiểu sử đến những đóng góp của họ với đất nước trên các lĩnh vực. Các em được khuyến khích tìm hiểu các tấm gương học giỏi, đỗ đạt như nhà toán học Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên khoa thi năm 1463, nhà sử học Ngô Sĩ Liên đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1442, nhà bác học Lê Quý Đôn đỗ bảng nhãn khoa thi năm 1752 hay nhà chính trị ngoại giao Ngô Thì Nhậm đỗ khoa thi năm 1775… cùng với rất nhiều những nhà khoa bảng nổi danh khác được khắc tên trên bia tiến sĩ. Những thông tin về nội dung các bài ký trên bia, lịch sử khoa cử Việt Nam dưới thời quân chủ với các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình là những thông tin thú vị để các em học sinh khám phá thông qua chủ đề giáo dục di sản “Rung chuông vàng tìm hiểu 82 bia tiến sĩ”. Các chương trình giáo dục di sản luôn khuyến khích các em học sinh cùng tham gia vào quá trình khai thác, khám phá các thông tin, các tri thức đa chiều từ hiện vật bia tiến sĩ.

   2.3. Nhìn qua hiện vật

   Đội ngũ cán bộ giáo dục của Văn Miếu luôn chú ý nguyên tắc bảo tàng học quốc tế là ý tưởng “nhìn qua hiện vật”, tạo cho học sinh cơ hội được tiếp xúc chuyên sâu với các hiện vật. Theo TS Susan Bayly (Đại học Cambridge): “Sử dụng hiện vật quý hiếm và hiện vật đời thường, cùng các yếu tố khác của di sản để mở rộng kiến thức cho trẻ em và thổi bùng trí tưởng tượng, là nội dung chủ yếu của quan niệm “nhìn qua hiện vật””. Chính vì vậy mà tất cả các chương trình giáo dục di sản về bia tiến sĩ, học sinh được đặc cách khảo sát bên trong khu vườn bia, dưới sự hướng dẫn của cán bộ giáo dục. 82 bia đá tiến sĩ triều Lê - Mạc có thể coi là những bằng chứng vật chất chứa đựng các thông tin lịch sử, giáo dục, văn hóa, mĩ thuật, khoa học... Được khảo sát trực tiếp các tấm bia có sức truyền cảm mạnh mẽ khiến các em học sinh có ấn tượng sâu sắc, sinh động và cụ thể, giúp tăng cường sự ghi nhớ, thúc đẩy tư duy và nhận thức của các em. Qua 82 bia tiến sĩ, các em sẽ thu nhận được những thông tin, tri thức về trình độ phát triển nghề chạm khắc đá, hình thức nghệ thuật trang trí chạm bia tinh xảo với các đề tài phong phú, mang dấu ấn các giai đoạn phát triển mĩ thuật Việt Nam suốt hơn 300 năm lịch sử. Ngoài ra, các em có thể hiểu biết về kỹ năng dựng bia và vật liệu tạo bia, các kỹ năng chế tác, tạo dáng bia, khắc bia... Quan sát trực tiếp hiện vật còn giúp các em phát triển tư duy so sánh về độ to nhỏ của kích thước các tấm bia, hình dáng tạo tác rùa, từ đó suy ra niên đại của bia. Các em còn có thể thấy được hiện trạng của các tấm bia, tấm bia nào còn tương đối nguyên vẹn, tấm bia nào bị mòn, nứt, vỡ... Đặc biệt, 82 bia tiến sĩ còn cho biết tình hình chính trị, kinh tế lúc bấy giờ - có những bia được dựng to cao hơn vì kinh tế đất nước lúc bấy giờ đang phát triển, có những bia kích thước lại bé nhỏ hơn do triều đình đang gặp phải khó khăn về tài chính. Qua nội dung bài ký trên bia, tên tuổi các vị tiến sĩ được khắc trên đó, các em biết được lịch sử giáo dục khoa cử Việt Nam thời quân chủ. Yếu tố trực quan đã đem lại cho học sinh những thông tin, tri thức tổng hợp đa chiều về không gian và thời gian, về kinh tế và xã hội, về lịch sử và con người. Những tri thức này hầu hết do các em học sinh tự cảm nhận, tự tiếp nhận khi quan sát, tìm hiểu các hiện vật.

   3. Hiểu di sản để bảo vệ di sản tốt hơn

   Chương trình giáo dục di sản giúp học sinh nâng cao ý thức bảo vệ di sản, bảo vệ bia tiến sĩ. Trước đây, du khách, trong đó phần lớn là các em học sinh, sinh viên khi đến Văn Miếu hay có hành động xoa đầu rùa, xoa tay lên bia để cầu may mắn, đỗ đạt trong các kỳ thi. Suốt một thời gian dài với hàng chục triệu lượt khách xoa tay lên bia cộng với tác nhân của khí hậu nóng ẩm khiến nhiều bia tiến sĩ bị mòn, nứt, vỡ và xuống cấp. Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phải cho làm hàng rào bảo vệ bia, đặt biển cấm xoa lên đầu rùa và bia, thậm chí bố trí lực lượng bảo vệ tại khu vườn bia để thường xuyên túc trực nhắc nhở du khách. Tuy nhiên, dù có sử dụng các biện pháp như vậy vẫn có du khách cố tình vi phạm, leo qua cả hàng rào để xoa đầu rùa. Điều này đã được nhiều báo đài nhắc đến.

   Để giúp các em học sinh không chỉ hiểu hơn về di sản tư liệu 82 bia tiến sĩ mà còn biết liên hệ, suy nghĩ sáng tạo về cách giải quyết vấn đề bảo vệ những di sản này, trong các chương trình giáo dục di sản về bia tiến sĩ, học sinh được khuyến khích tự quan sát, tự phân tích đưa ra các đánh giá nhận xét của bản thân về tình trạng bia: bia nào mờ chữ, bia nào nứt vỡ, đầu rùa nào bị mòn, bia nào bị bôi, viết, vẽ lên… Từ đó, cán bộ giáo dục khuyến khích các em đưa ra các phán đoán của mình về nguyên nhân của các hiện tượng trên. Sau khi được tận mắt quan sát cùng với sự hướng dẫn và khích lệ của cán bộ giáo dục, các em đã rất hào hứng đưa ra nhiều giải pháp bảo vệ những tấm bia tiến sĩ. Không ít bạn bày tỏ sự bức xúc với hiện tượng một số khách tham quan và học sinh vượt rào vào xoa đầu bia tiến sĩ hay viết vẽ lên bia. Chương trình giáo dục di sản với những hoạt động trực quan, gợi mở đã tác động mạnh đến nhận thức của các em học sinh về việc bảo vệ di sản. Sau buổi trải nghiệm, các em học sinh không chỉ hiểu được giá trị của di sản tư liệu 82 bia tiến sĩ mà các em còn nâng cao ý thức bảo vệ các di sản nói chung.

   Các chương trình giáo dục di sản nhận đã được sự phản hồi tích cực từ phía các thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh. Học sinh tham gia chương trình luôn thích thú và hào hứng khi tìm hiểu những kiến thức về di sản 82 bia tiến sĩ. Tham gia chương trình còn giúp học sinh có được động cơ và khát khao tìm kiếm những kỹ năng mới, những kỹ năng sẽ hỗ trợ cho các em trong tương lai khi các em trở thành những người thành đạt và đóng góp cho xã hội, cho một nền công nghiệp tri thức toàn cầu nhiều thách thức.

   Xây dựng các chương trình giáo dục di sản giúp đưa di sản đến với công chúng, đồng thời nâng cao năng lực sáng tạo và mở ra một hướng đi mới cho di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong công tác phát huy giá trị di sản của 82 bia tiến sĩ. Những giá trị cho cộng đồng và xã hội mà chương trình mang lại sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn di sản cho hiện tại và tương lai.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Arja van Veldhuizen (2019), PETIT MANUEL DU Méthodes et techniques de médiation à l’usage des médiateurs de musées et du patrimoine, CECA, ICOM.
2. David Anderson (1999), A Common Wealth, Museum in the Learning Age, the Stationery Office, London.
3. Dự án Việt-Bỉ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Dạy và học tích cực. Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, NXB Đại học Sư phạm.
4. Gary Edson - David Dean (2001), Cẩm nang bảo tàng (bản dịch Lê Thị Thuý Hoàn), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam xuất bản.
5. Hein G. E. (2002), Learning in the museum, Routledge, London.
6. Hooper-Greenhill, Eilean (2006), The Power of Museum Pedagogy, Genoways, Hugh H.
7. Hooper-Greenhill, Eilean (2007), Museums and Education, Routledge, New York.
8. Hunter, Kathleen: “Heritage Education in the Social Studies”, nguồn: http://www. cool.conservation-us.org/bytopic/misc/ heritedu.html, truy cập ngày 15/6/2014.
9. Marie-Clarté O’Neill et Colette Dufresne-Tassé (2016), “Best practice” ou projet exemplaire Programmes d’éducation et d’action culturelle Décrire, analyser et apprécier une réalisation, CECA, ICOM.
10. Nguyễn Thị Kim Thành (2014), Bảo tàng, di tích – Nơi khơi nguồn cảm hứng dạy và học lịch sử cho học sinh phổ thông, NXB Giáo dục Việt Nam.
11. Teréz Kleisz and Dezső Kovács (2014), Insights into the Cultural Heritage Landscape, University of Pécs.
12. Susan Bayly: “‘Nhìn qua hiện vật” - một cách tiếp cận giáo dục tiên phong tại các bảo tàng và khu di tích của Việt Nam”, Thế giới Di sản, số 9&10/2012.

Chú thích:
1 Hooper-Greenhill, Eilean (2006), The Power of Museum Pedagogy, Genoways, Hugh H.
2, 3 Hunter, Kathleen: “Heritage Education in the Social Studies”, nguồn: http://www.cool. conservation-us.org/bytopic/misc/heritedu.html, truy cập ngày 15/6/2014.
4 Marie-Clarté O’Neill et Colette DufresneTassé (2016), “Best practice” ou projet exemplaire Programmes d’éducation et d’action culturelle Décrire, analyser et apprécier une réalisation, CECA, ICOM.

Bình luận

    Chưa có bình luận