NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG HÌNH ẢNH ĐỘNG TRONG THIẾT KẾ WEBSITE CHO TRẺ EM

Bài viết phân tích việc sử dụng hình ảnh động trong thiết kế website cho trẻ em qua các yếu tố xây dựng thư viện ảnh động theo chủ đề, lựa chọn màu sắc, sắp xếp bố cục, tích hợp yếu tố đa phương tiện… Qua đó để thấy rằng, yếu tố ảnh động không chỉ đáp ứng về mặt thẩm mĩ mà còn khơi gợi tư duy, tính sáng tạo, trí tưởng tượng và cảm xúc tích cực của trẻ em trong tiếp cận kiến thức.

   Ảnh động hay còn gọi là ảnh GIF trong thuật ngữ chuyên ngành là từ viết tắt của Graphics Interchange Format được hiểu như một sự kết hợp và thể hiện của nhiều ảnh tĩnh trong những khoảng thời gian ngắn.

   Có hai loại hình ảnh động:

   - Hình ảnh động truyền thống là những bức hình được tạo nên từ những chuyển động liên tục bởi nhiều hình ảnh ghép lại bằng các phần mềm chuyên dụng.

   - Hình ảnh động Cinemagraph là một dạng ảnh động mà có thể tùy biến vùng chuyển động hoặc không chuyển động trong bức ảnh. Ví dụ hình ảnh trong một show diễn thời trang, tất cả người mẫu và mọi khách mời đều tĩnh như một ảnh chụp thông thường, riêng chỉ có một vị khách được thể hiện chuyển động đang ghi chép và dõi theo người mẫu, như vậy mọi sự tập trung của người nhìn sẽ đều hướng vào vị khách đang chuyển động trong không gian xung quanh hoàn toàn tĩnh. Như vậy loại ảnh động Cinemagraph này giúp tập trung vào một khoảnh khắc và toát lên ý nghĩa, cảm xúc mà khoảnh khắc đó đem lại trong bối cảnh có nhiều chủ thể khác nhau.

   Hiện nay, hình ảnh động được các nhà thiết kế website sử dụng nhiều, do những đặc tính nổi trội của nó trong việc thu hút sự quan tâm, chú ý của người xem. Đặc biệt, với đối tượng trẻ em (vốn có tư duy hình ảnh nổi trội), hình ảnh động trở nên rất hấp dẫn, giúp cho trẻ dễ nắm bắt và ghi nhớ được nội dung.

   1. Cơ sở hình thành nhu cầu sử dụng hình ảnh động trong thiết kế website cho trẻ em

   1.1. Cơ sở thực tiễn

   Thời kỳ công nghệ số phát triển kéo theo rất nhiều cải tiến trong lĩnh vực và sản phẩm nói chung, trong lĩnh vực internet nói riêng. Mọi thứ đều hướng đến tự động hóa. Nếu như trong đời sống có máy rửa bát, robot hút bụi, tivi điều khiển bằng giọng nói… nhằm tiết kiệm tối đa thời gian và trải nghiệm thì trong mĩ thuật ứng dụng cũng xuất hiện dạng hình ảnh 3D, màn hình trình chiếu ảnh động phục vụ cho nhu cầu khám phá, nhận thức nâng cao của con người.

   Định dạng hình ảnh động ra đời dựa vào nhu cầu trình chiếu nhiều nội dung hơn trên một khung hình với dung lượng hình ảnh cực thấp.

   Dù đã được ra mắt từ rất lâu, lần đầu vào ngày 15 tháng 6 năm 1987 bởi CompuServe - một nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến của Mĩ, nhưng định dạng tệp GIF đã phải qua rất nhiều lần cải tiến, nâng cấp và thay đổi thuật code để đi đến định dạng cuối cùng phổ biến và được sử dụng rộng rãi.

   Ngày nay, ngoài định dạng ảnh GIF, nhà thiết kế còn có thêm một vài lựa chọn khác tương tự, tuy nhiên tính tối ưu về dung lượng, độ nén nội dung của loại tệp GIF vẫn rất được ưa chuộng.

   1.2. Cơ sở văn hóa

  Con người ngày càng có nhiều đòi hỏi, yêu cầu cao hơn trong phong cách sống và trải nghiệm sống của mình, từ đó dẫn tới những tiêu chuẩn khi lựa chọn sử dụng dịch vụ cũng trở nên khắt khe, tinh tế hơn. Nếu trước đây ở vào thời điểm mạng internet khởi phát, với cổng thông tin online nhu cầu của người sử dụng internet chỉ là tra cứu và tham khảo tư liệu phục vụ cho nghiên cứu, học tập thì ngày nay mọi nhu cầu đều có thể tìm kiếm và sử dụng trên internet, bao gồm cả giải trí, trải nghiệm du lịch, họp mặt, trò chuyện, tương tác. Văn hóa sống phong phú và nâng cao trải nghiệm của con người dẫn đến những nhà cung cấp dịch vụ internet cần đầu tư hơn vào giao diện sản phẩm sao cho bắt mắt, thu hút sự chú ý của người sử dụng. Từ đó, các yếu tố hình ảnh, màu sắc, tương tác màn hình được mở rộng và tận dụng tối đa vai trò của nó.

   Xét riêng về yếu tố hình ảnh, những hình ảnh tĩnh dần trở nên không thu hút và lạc hậu, thay vào đó, hình ảnh động tạo cảm giác thú vị, mới lạ và tạo ấn tượng với người sử dụng ngay từ những trải nghiệm đầu tiên. Màu sắc bắt mắt với những chuyển động thu hút trở thành một lựa chọn phù hợp với văn hóa sống thời đại 4.0 của xã hội.

   1.3. Cơ sở thẩm mĩ

   Trong bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào của đời sống đều không thể thiếu vắng yếu tố thẩm mĩ. Cơ bản nhất như trong bài kiểm tra của học sinh, ngoài thang điểm cho những câu trả lời đúng thì cũng có những phần điểm riêng đánh giá cho hình thức trình bày gọn gàng, sạch sẽ. Điều đó cho thấy nhu cầu thẩm mĩ xuất hiện mọi nơi, mọi chỗ, chi phối tâm lý, hành vi của con người. Những ngành nghề liên quan đến mĩ thuật, sáng tạo thì lại càng có những tiêu chuẩn khắt khe hơn về thẩm mĩ.

   Movement (chuyển động) là một trong những nguyên tắc thẩm mĩ được áp dụng trong các lĩnh vực liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật. Nguyên tắc chuyển động là tạo ra sự thống nhất bằng cách sử dụng nhịp điệu, sắp xếp, tận dụng yếu tố tĩnh và động để điều hướng, dẫn dắt thị giác người nhìn sao cho tập trung đúng nội dung mà nhà thiết kế muốn truyền tải. Đây là một nguyên tắc được tận dụng triệt để trong lĩnh vực thiết kế website, đặc biệt với đối tượng là trẻ em, nguyên tắc này góp phần lớn trong việc tạo hứng thú và tập trung cho trẻ em trong quá trình sử dụng những dịch vụ bổ ích trên internet.

   Như vậy có thể thấy, sự ra đời của hình ảnh động hay còn gọi là ảnh GIF là một điều tất yếu nhằm đáp ứng tính tối ưu cần có của một thiết kế website thu hút, chuyên nghiệp phục vụ cho văn hóa sống hiện đại trong thời đại 4.0.

   2. Sử dụng hình ảnh động trong thiết kế website cho trẻ em

   Theo một nghiên cứu trước đó của tác giả về “Hình ảnh trong thiết kế website giáo dục cho trẻ em 5-3 tuổi” thì đặc trưng của hình ảnh khi sử dụng trong thiết kế website cho trẻ gồm:

   - Hình ảnh phải liên quan đến nội dung.

   - Hình ảnh phải thú vị.

   - Hình ảnh phải hấp dẫn.

   Từ đó, đối chiếu với thực tế, việc sử dụng nhiều hơn loại hình ảnh động sẽ đáp ứng và phát huy được tối đa những đặc trưng trên, giúp phát triển hệ thống nội dung đa dạng, phong phú trong nền tảng website.

   2.1. Xây dựng thư viện ảnh động theo chủ đề

   Trẻ em tiếp cận vấn đề theo một cách nhìn trực quan nhất, để đặt vấn đề với trẻ hiệu quả thì cần phân loại hình ảnh theo chủ đề với những đặc trưng nổi bật dễ nhận biết. Ví dụ khi nội dung khám phá liên quan đến những loài động vật trong rừng, hình ảnh xuất hiện ban đầu sẽ là một khu rừng với một vài nhánh lá rung rinh, kết hợp âm thanh của chim chóc, ngay lập tức trẻ có thể nhận thức được mình đang sắp khám phá và trải nghiệm một bài học mới về muông thú trong rừng. Hay chủ đề thiết kế góc học tập của trẻ em sẽ là hình ảnh căn phòng nhiều màu sắc với những dụng cụ học tập nhấp nháy, chuyển động, kích thước tương tác lựa chọn và sắp xếp.

   Việc xây dựng thư viện ảnh động theo chủ đề rất cần thiết cho việc quản lý, phân loại nội dung cho từng đối tượng trẻ, ngoài ra cũng sẽ giúp cho việc học và trải nghiệm của trẻ được tập trung hơn, khai thác được tối đa thông tin cần truyền tải trong cùng một chủ đề. Hơn thế nữa, thư viện hình ảnh theo chủ đề là một việc làm vô cùng cần thiết giúp cho quá trình chuyển giao công nghệ nhanh hơn và tiết kiệm nhân lực phân loại, đánh giá.

   2.2. Lựa chọn màu sắc

   Với đối tượng là trẻ em thì màu sắc đặc biệt quan trọng và được đánh giá là yếu tố ưu tiên. Màu sắc sử dụng trong hình ảnh phục vụ đối tượng trẻ em đa phần phải là những màu sắc rực rỡ, có tính tương phản mạnh, tone màu tươi sáng tạo cảm giác tích cực. Điều này khá phù hợp với giải pháp hình ảnh định dạng GIF. Vì hình ảnh định dạng GIF đáp ứng một tệp tin màu 8-bit và hỗ trợ các loại hình ảnh động, màu trong suốt khá ổn nhờ vào công nghệ 256 màu nén cũng như không hề làm thay đổi chất lượng của hình ảnh. Với những thiết kế ảnh động dung lượng lớn, nhà thiết kế cần nắm được bảng màu 256 điểm màu này để đưa ra một định dạng nén với dung lượng nhỏ mà vẫn đáp ứng được tính thẩm mĩ cũng như độ mượt trong chuyển động của tệp. Nhìn chung bảng màu 256 điểm màu này đáp ứng được cơ bản sắc thái của màu sắc sau khi nén lại mà không làm ảnh hưởng đến tổng quan chung của thiết kế.

   2.3. Tạo dựng chuyển động hợp lý

   Chuyển động đơn giản, ngộ nghĩnh, tốc độ vừa phải được đánh giá là phù hợp với độ tuổi trẻ em.

   Trong thiết kế website những chuyển động từ ảnh hay từ bố cục hầu hết đều dựa trên nguyên lý thị giác đã được nghiên cứu các trải nghiệm mắt nhìn của con người. Theo đó, nguyên lý được áp dụng phổ biến và cơ bản nhất là nguyên lý trái-phải, trên-dưới. Ngoài ra kết hợp linh động những nguyên lý thị giác khác như: nguyên lý phân cấp nội dung, nguyên lý căn lề, nguyên lý tương phản, nguyên lý cân bằng, nguyên lý lặp lại. Ví dụ người Việt Nam có thói quen đọc và viết từ trái sang phải, do đó trong giao diện web, thanh menu – trang chủ luôn xuất hiện ở góc bên trái, những nội dung quan trọng luôn xuất hiện điều hướng từ trái sang phải và được ưu tiên hơn về không gian, vị trí trình bày, tổng quan chung một website luôn được thiết kế trên một khung lưới quy chuẩn để việc hiển thị và trình bày được tối ưu. Với đối tượng trẻ em, cần điều phối những nguyên lý này một cách hài hòa, phải để tránh những chuyển động quá nhanh hoặc quá bất ngờ, gây giật mình, cảnh giác.

   2.4. Sắp xếp bố cục linh hoạt, sáng tạo

    Tham khảo các website đẹp dành cho trẻ em trên thế giới có thể thấy bố cục được xây dựng vô cùng sáng tạo và uyển chuyển. Một vài trang tham khảo như: h tt p s : / / w w w . a d a p t e d m i n d . c o m / , https://pbskids.org/, TIMEforKids.com, https://kids.nationalgeographic.com/. Có thể thấy các website thường tận dụng screen đầu tiên dưới dạng hiển thị full screen để show ra nội dung, video, ảnh động bắt mắt và thực sự thu hút sự chú ý. Điều này gây thích thú cho trẻ em mỗi khi click vào đường link, từ đó tạo ra cảm giác vui vẻ, tích cực, kích thích trí tò mò và nhu cầu ham học hỏi, khám phá của trẻ.

   Bên cạnh đó cũng có một số bố cục khác ít gặp hơn vì đòi hỏi ngôn ngữ code riêng để đáp ứng, ví dụ như bố cục chuyển động theo hình tròn hoặc theo chiều không gian được xây dựng từ hình ảnh dẫn dắt.

   2.5. Tích hợp các yếu tố đa phương tiện khác

   - Âm thanh: ảnh động thường đi đôi với âm thanh tương ứng với chuyển động trong ảnh, tuy nhiên khi kết hợp âm thanh thì định dạng tệp sẽ chuyển sang video, vậy nên sẽ thường thấy âm thanh xuất hiện cùng video ở đầu trang. Trong những trường hợp ảnh thumbnail cho những nội dung phân cấp nhỏ hơn thì hình ảnh GIF dạng đơn thuần sẽ phù hợp. Âm thanh được sử dụng cho video, ảnh động trong thiết kế website cho trẻ em thường là những âm thanh nhẹ nhàng, vui nhộn kích thích trí não ở mức độ ổn định và tập trung để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ khi trải nghiệm web.

   - Không gian đa chiều: môi trường không gian đa chiều trong website có thể kết hợp kịch bản di chuyển trong không gian ảo, thêm thông tin, hình ảnh, video clip minh họa 3 chiều trong không gian. Tích hợp dạng không gian này giúp cho mọi hình ảnh trong nội dung website được hiển thị một cách sống động như thật, đem đến trải nghiệm thật nhất cho trẻ em về sự vật, hiện tượng được mô phỏng. Hình ảnh dạng 3D hiển thị ảo có thể dễ thấy nhất trong các thẻ học thông minh của trẻ, trên website thì yếu tố này thường được áp dụng cho hướng chuyển động, tương tác tạo cảm giác thật nhất trong việc di chuyển và click chuột.

   Các loại hình website cho trẻ em sử dụng hiệu quả yếu tố ảnh động mà ta có thể thấy như:

   • Website rèn luyện tư duy IQ: là loại hình website rèn luyện trí thông minh và tư duy logic, giao diện website thường thể hiện nhận thức về ngôn ngữ, chiến thuật nhằm nâng cao khả năng tư duy IQ của trẻ. Loại website này có thể kết hợp hoạt động chơi cờ, giải mã sử dụng tương tác chuột.

   • Website rèn luyện tư duy EQ: chỉ số EQ thể hiện khả năng nhận biết, kiểm soát cảm xúc của trẻ. Những website nâng cao chỉ số EQ thường dùng những câu chuyện, bài học về kỹ năng sống cho trẻ, sử dụng hình ảnh hoạt họa, ảnh động và những video ngắn khuyến khích trẻ tự nói về bản thân, bộc lộ cảm xúc, thể hiện tình cảm. Việc nuôi dưỡng chỉ số EQ cũng là cách giúp trẻ có đủ nhận thức để sử dụng chỉ số IQ của mình. Những website này cũng sẽ giúp trẻ gần gũi, tâm sự với bố mẹ nhiều hơn.

   • Website giải trí và kiến thức chung về xã hội: ngoài hai loại hình trên phục vụ cho chỉ số tư duy và cảm xúc thì loại hình website giải trí và trải nghiệm này sẽ hướng tới nhiều trò chơi hơn, hướng tới những kiến thức mang tính môi trường và bao quát hơn với những chủ đề tương ứng như kiến thức về hệ mặt trời, về nguồn gốc xuất xứ của những sự vật, hiện tượng xung quanh trẻ, cung cấp cho trẻ kiến thức tổng quát về môi trường và xã hội. Hình ảnh động được sử dụng trong loại hình website này sẽ được xây dựng dựa trên những đề tài mang tính kiến thức bách khoa và cũng vẫn sẽ được hiển thị theo từng nội dung liên đới.

   3. Giá trị của hình ảnh động trong thiết kế website cho trẻ em

   3.1. Hình ảnh động làm tăng giá trị thẩm mĩ của website

   Rõ ràng, những hình ảnh động khiến giao diện trang web luôn biến đổi linh hoạt, sống động. Màu sắc, hình ảnh của hình ảnh động biến chuyển liên tục tạo cho trang web cũng có sự biến chuyển theo. Việc sử dụng hình ảnh động để trang trí, làm đẹp cho trang web được coi là mục đích cơ bản, đầu tiên của nhà thiết kế website. Với các trang web dành cho lứa tuổi thiếu nhi, mục đích này lại càng quan trọng. Hình ảnh trực quan đẹp, sống động luôn là yếu tố dành được sự thích thú, quan tâm của trẻ em.

   Đến nay, đây vẫn là mục đích quan trọng, song trong quá trình thực hiện, cũng cần lưu ý những yếu tố kỹ thuật để tránh ảnh hưởng đến vận hành web. Nếu để hình ảnh động dung lượng quá lớn sẽ dẫn đến tốc độ tải trang bị chậm.

   3.2. Hình ảnh động làm tăng sự hấp dẫn, cuốn hút của website với người dùng

   Việc lựa chọn cách sắp xếp hình ảnh động, đặc biệt với kỹ thuật ngày càng tiên tiến, có thể làm tăng sự cuốn hút, hấp dẫn với người truy cập. Việc sắp xếp hình ảnh cũng có những chủ đích nhất định, nhằm thu hút sự chú ý của người dùng vào nội dung trọng tâm mà trang web muốn hướng đến. “Điều đó được giải thích một cách cụ thể, nó được sử dụng để điều hướng các danh mục lớn, thu hút sự chú ý của khách hàng đến các chi tiết quan trọng, từ đó giúp họ đưa ra quyết định lựa chọn các yếu tố cần thiết”1. Hình ảnh động thường thu hút sự chú ý của trẻ em hơn so với hình ảnh tĩnh. Sự chuyển động và hoạt động có thể làm cho trang web trở nên sống động và hấp dẫn hơn, thu hút sự quan tâm của trẻ em ngay từ lần đầu truy cập.

   - Tạo ra trải nghiệm thú vị: hình ảnh động có thể tạo ra một trải nghiệm trực quan và thú vị cho trẻ em khi sử dụng website. Chúng có thể giúp tạo ra một không gian trực tuyến đầy màu sắc và sinh động, thúc đẩy sự tương tác và tạo ra kinh nghiệm trải nghiệm tích cực.

   - Tăng tính tương tác: hình ảnh động kích thích sự tương tác của trẻ em với trang web. Chúng có thể được sử dụng để tạo ra trò chơi, hoạt động tương tác để khuyến khích trẻ em tham gia vào trang web.

   Hình ảnh động làm tăng hiệu quả truyền tải, định hướng nội dung đến người đọc. Hình ảnh động có thể được sử dụng để minh họa các khái niệm, ý tưởng hoặc kỹ năng một cách sinh động và dễ hiểu đối với trẻ em. Chúng giúp trẻ em học hỏi và hiểu biết thông qua các hoạt động tương tác trên trang web.

   - Tạo cảm giác an toàn và thoải mái: hình ảnh động có thể tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn và thoải mái cho trẻ em. Chúng có thể giúp tạo ra một không gian thân thiện, giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi sử dụng trang web.

   Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng cần lưu ý những điểm hạn chế của việc lạm dụng hình ảnh động trong thiết kế website. Cần căn cứ lĩnh vực của web, nội dung cần truyền tải, đối tượng tiếp nhận để lựa chọn hình ảnh động cho hợp lý. Tránh việc sa đà vào hình ảnh động khiến cho tốc độ truy cập web bị chậm, hình ảnh bị phân tán, nội dung thiếu điểm nhấn, gây mất tập trung, “ảnh động quá dài cũng gây khó chịu cho người dùng, hoặc làm họ mất tập trung vào mục đích chính là mua sắm hay tìm kiếm thông tin”2. Đối với một số web cần tạo ra sự tươi vui, mới mẻ thì có thể cân nhắc lựa chọn nhưng đối với những website cần tạo ra sự nghiêm túc, chín chắn thì không nên lạm dụng việc sử dụng ảnh động. Bất cứ nhân tố nào sử dụng khi thiết kế website cũng cần cân nhắc kỹ. Khách hàng thường chỉ dựa vào yếu tố đẹp mắt để yêu cầu. Tuy nhiên, đơn vị thiết kế website cần có những tư vấn hữu ích để tốt nhất cho sự hoạt động của website3.

   4. Kết luận

   Hình ảnh động là một phương tiện không thể thiếu trong việc xây dựng một thiết kế website cho trẻ em dù thuộc bất kỳ loại hình kiến thức nào. Yếu tố ảnh động về mặt thẩm mĩ đáp ứng được tính hấp dẫn, thu hút, kích thích trí tò mò; về mặt tư duy khơi gợi được tính sáng tạo, trí tưởng tượng và cảm xúc tích cực; về mặt văn hóa, giáo dục đáp ứng được tính đa chiều trong cách tiếp cận tâm lý, kiến thức của trẻ. Đã có rất nhiều website bổ ích cho trẻ em trên toàn thế giới với giao diện áp dụng hình ảnh chuyển động và video vô cùng bắt mắt theo chủ đề, tạo hứng thú cho trẻ trong quá trình tư duy và khám phá kiến thức xung quanh, tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Các website cho trẻ em tại Việt Nam chưa có nhiều, hiện tại kênh kiến thức và thông tin chủ yếu cho trẻ em Việt Nam đang được ghi nhận chủ yếu là kênh Youtube, tuy nhiên nền tảng này cần sự giám sát chặt chẽ từ các bậc phụ huynh và chế độ cài đặt giới hạn độ tuổi của kênh. Các đơn vị giáo dục và đào tạo cần có những sản phẩm website chất lượng, mang tính tiên phong hơn nữa dành cho đối tượng trẻ em. Để làm được điều này đòi hỏi sự liên kết giữa các tổ chức cho trẻ em, ngành giáo dục và các đơn vị truyền thông uy tín để đưa ra giải pháp về thiết kế, về định hướng và mục đích phục vụ đúng, đủ cho nhu cầu phát triển toàn diện của trẻ. Trong thời đại 4.0, mỗi người đều sở hữu nhiều phương tiện truy cập internet, muốn bắt kịp xu hướng hiện đại hóa thì xây dựng nền tảng website chất lượng cho mọi lứa tuổi là điều mọi xã hội phát triển đều nên thúc đẩy và thực hiện. Ưu tiên cho đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên để thiết lập một thế hệ mới thông minh, uyên bác và năng động.

 

 

 

Chú thích:
1 Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 433, tháng 7/2020.
2 https://bigweb.com.vn/anh-dong-trong-thietke-website-nhung-dieu-co-the-ban-chuabiet-a512.html.
3 https://thietkewebso.com/blog-cong-nghe/baiviet/anh-dong-trong-thiet-ke-website-nen-haykhong-nen-60/.

Bình luận

    Chưa có bình luận