SƠN MÀI MĨ THUẬT ỨNG DỤNG THEO ĐỊNH HƯỚNG BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN

Bài viết bàn về việc phát triển các sản phẩm sơn mài ứng dụng theo định hướng bảo tồn, cải tạo và phát triển nhằm lưu giữ, khẳng định bản sắc, giá trị độc đáo của nghề sơn mài truyền thống Việt Nam, hướng đến phát triển thương hiệu quốc gia và thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa vật thể giữa các nước trong khu vực.

   1. Định hướng bảo tồn và phát triển từ góc độ liên ngành văn hóa học với mĩ thuật ứng dụng

   Theo nghiên cứu của Giáo sư Trần Quốc Vượng trong cuốn Văn hóa Việt Nam, những hướng tiếp cận liên ngành có nhấn mạnh bảo tồn, cải tạo và phát triển chính là ba chiến lược và cả ba mặt bảo tồn, cải tạo, phát triển ở bất cứ lĩnh vực nào, từ cấp độ nhận thức, tư duy, cảm nhận tâm lý, ứng xử, ngôn từ và hành vi đều quyện bện vào nhau, khó có một lĩnh vực nào, vấn đề nào là thuần bảo tồn, thuần cải tạo và thuần đổi mới, xây dựng mới, phát triển mới1.

   Quan điểm về phát triển hiện nay có nhiều sự khác biệt, tuy nhiên, phát triển có thể hiểu là sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng; phát triển gắn với tăng trưởng về kinh tế; phát triển gắn với văn minh hiện đại, phương Tây hóa; phát triển gắn với biến đổi xã hội, bao gồm cả những tích cực và tiêu cực.

   “Truyền thống, sự đan xen văn hóa, sự đổi mới, ba khái niệm cơ bản, ba quy mô khác nhau, đối lập nhau, nối tiếp nhau, xoắn xuýt vào nhau để khiến nảy sinh và phát triển những nền văn hóa Việt Nam”2. Truyền thống không phải là một cái gì đó đứng im, cố định. Truyền thống là ổn định mà cũng là năng động phát triển vì truyền thống như một quá trình biện chứng, một nguyên lý của tiến hóa. Định hướng bảo tồn và phát triển sản phẩm sơn mài ứng dụng được dựa trên cơ sở nghiên cứu văn hóa học, trong sự bảo tồn và phát triển cần dựa theo các yếu tố cơ bản là nội sinh và ngoại sinh.

   Nhìn từ góc độ văn hóa, theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, những nhân tố văn hóa “bản địa” hay có nguồn gốc nội sinh, những nhân tố văn hóa “nhập nội” hay có nguồn gốc ngoại sinh. Trong khái niệm “truyền thống” là đổi mới, cách tân, bao gồm cả những đổi mới không theo truyền thống, đứt đoạn truyền thống, tạo mới rồi tạo nên truyền thống mới. Đó chính là yếu tố nội sinh. Bên cạnh đó, tác động của những yếu tố ngoại sinh có ảnh hưởng ít nhiều đến các cấu trúc đã có, tuy nhiên, chính điều đó cũng tạo nên những sự xê dịch và tạo nên những cấu trúc mới. Do những yếu tố nội sinh, bao gồm cả những đổi mới, nghĩa là không theo truyền thống, đứt đoạn truyền thống, tạo mới rồi tạo nên truyền thống mới. Nếu là do tác động của những yếu tố ngoại sinh thì đứng trước một sự đứt gãy truyền thống, sự giải thể cấu trúc cổ truyền và sự đan xen, hỗn dung văn hóa cũng tạo nên sự đổi mới.

   Song hành với bảo tồn, cải tạo và phát triển chính là yếu tố truyền thống - đan xen - đổi mới để làm nên sự phát triển sản phẩm sơn mài hiện tại và trong tương lai mà chúng tôi thấy là vấn đề cần thiết cần bàn luận. Cũng có thể nhìn sang lĩnh vực sơn mài, trong tam giác giữa truyền thống - đan xen - đổi mới, cần sự cân bằng cả ba yếu tố đó như một hình tam giác cân, nếu không sẽ là hiện đại hóa mà thiếu hụt truyền thống hay không có bản sắc, hoặc truyền thống đã là lối mòn mà vẫn không đổi mới. Sự đan xen là cần thiết ở đây, có nghĩa hoàn toàn không theo lối mòn truyền thống nhưng cũng không hiện đại hóa mà đứt gãy truyền thống và làm mất bản sắc. Ở đây chính là cần giữ các kỹ thuật truyền thống áp dụng trong các cách làm sơn mới, nguyên liệu mới. Nhìn sang nghề sơn mài truyền thống với sơn ta Phú Thọ cùng các kỹ thuật vẽ nét, gắn trai, trứng, dán bạc… chính là có yếu tố nội sinh, còn yếu tố ngoại sinh là khi có sự ảnh hưởng hay tương tác với các nguyên liệu khác vào Việt Nam như sơn Nhật, hay sơn công nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản tạo nên những kỹ thuật, hiệu quả nghệ thuật mới trên nền tảng kỹ thuật truyền thống.

   2. Hiện trạng và giải pháp phát triển sản phẩm sơn mài ứng dụng theo định hướng bảo tồn và phát triển

   Ngày nay, do nhu cầu thị trường cần cung cấp nhiều mặt hàng sơn sang nước ngoài, đồ sơn bình dân cũng tiêu thụ được trên thị trường, do vậy sức sản xuất cũng ồ ạt hơn trước, nhất là đối với các làng nghề sơn truyền thống như Nhị Khê, Hạ Thái, Duyên Thái. Hệ thống xuất khẩu hàng mĩ nghệ của nhà nước, sau khi nền kinh tế bao cấp đã hoàn toàn chấm dứt, chuyển sang kinh tế thị trường đã thay đổi hoàn toàn. Các sản phẩm theo mẫu đặt hàng từ nước ngoài sang hoặc mẫu mã có sẵn phải làm theo đúng tiến độ của hợp đồng hoặc giá thành kinh tế không ổn định nên người ta ít hoặc không sử dụng kỹ thuật truyền thống, thay vào đó là sử dụng phun sơn công nghiệp lên cốt hoặc vẽ sơn điều cho hạ giá thành, tiết kiệm kinh tế hoặc dùng sơn Nhật để đảm bảo khô nhanh, không phụ thuộc vào yếu tố khí hậu, không phải ủ sơn như sơn ta.

   Một sự thực đáng tiếc xảy ra là sản phẩm sơn mài ứng dụng nói chung đã dần mai một kỹ thuật truyền thống, cũng làm giảm đi những giá trị đẹp đẽ của sắc màu quý giá. Có thể chấp nhận truyền thống có sự đổi thay nhưng mong muốn đó là sự đổi mới để có nhiều phần tích cực hơn. Muốn phát triển, hiện tại cái thiếu là vẫn chưa có sự phân định rõ ràng về mặt kỹ thuật và chức năng của hai dòng sản phẩm làng nghề và các sản phẩm được họa sĩ sáng tác. Do vậy, ý kiến của chúng tôi là không nên lạm dụng một cách đại trà sơn Nhật hay sơn điều để sáng tạo, cần chú trọng phân loại hạng mục sản phẩm để đưa chất liệu nào cho phù hợp. Những sản phẩm mang tính độc bản, vừa có tính ứng dụng vừa là tác phẩm nghệ thuật để trình diễn trước công chúng rất cần sự đầu tư về nguồn sơn, đặc biệt là kỹ thuật thể hiện với một tầm cao khác so với các đồ bày đại trà.

   Theo nghiên cứu của chúng tôi, “sơn mài mới” phải là thuật ngữ được dùng để phân biệt với “sơn mài truyền thống” hoặc “sơn ta” và để đặt tên cho sơn mài mĩ nghệ hoặc hàng xuất khẩu. Phải lựa chọn tên gọi cho chính xác của sơn truyền thống, sơn Nhật, sơn điều để xác định độ bền vật liệu và giá trị thẩm mĩ. Đồng thời, việc giao thoa giữa thiết kế mĩ thuật công nghiệp và làng nghề là cần thiết trong thời gian này để đảm bảo công năng thực tế hơn, họa sĩ mĩ thuật công nghiệp tạo mẫu mã cho các làng nghề. Ngược lại, làng nghề được hỗ trợ mẫu mã sẽ thuận lợi hơn trong điều kiện thị trường xuất khẩu hiện nay đang cần khôi phục vì mẫu mã đại trà, ít sáng tạo, chủ yếu lấy mẫu của nước ngoài. Ngược lại, làng nghề cần sự hỗ trợ về kiểu dáng, mẫu mã cho sản phẩm xuất khẩu để tạo được những mẫu mã phong phú và đa dạng, không bị lệ thuộc. Làng nghề cần sự tinh tế, hài hòa, phong phú của các kỹ thuật sơn mài truyền thống để tạo độ sâu, độ trong hay bề mặt biểu cảm của chất liệu. Cần phải thay đổi lối mòn, sự nhàm chán của màu công nghiệp trên sản phẩm. Cần sự kết nối giữa làng nghề và cơ sở đào tạo, đặc biệt là giữa Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp với việc thiết kế mẫu sản phẩm trong các chương trình đào tạo nghề cho các làng sơn mài truyền thống để nâng cao không chỉ trong nhận thức mà còn thực sự nâng cao về ý tưởng sáng tạo của các nghệ nhân, nhất là các nghệ nhân trẻ.

   Các sản phẩm đạt tới độ tinh xảo sẽ mang tầm cỡ quốc gia, xứng đáng là biểu tượng cho các giá trị văn hóa truyền thống và để thế giới biết đến. Truyền thống và biến đổi từ truyền thống có thể được chấp nhận để tạo nên những cái mới, hiện đại. Để tạo nên một sản phẩm đưa vào sản xuất, cần phù hợp với các công nghệ mới. Để sáng tạo nên một sản phẩm sơn mài giá trị nghệ thuật, đòi hỏi phải có tính thẩm mĩ cao. Mặt khác, khi chúng ta không lưu giữ được kỹ thuật sơn mài truyền thống một cách đích thực hoặc không tạo nên độ tinh xảo từ các yếu tố truyền thống, chúng ta sẽ mất đi kỹ nghệ và các giá trị thẩm mĩ vốn đã được đánh giá và nâng niu. Cụ thể hơn, để tạo nên các giá trị truyền thống, cần gìn giữ mặt phẳng nhẵn, bóng của sản phẩm sơn mài với các màu sắc đẹp của sơn ta truyền thống, sáng tạo độc bản mang tính đặc sắc, tinh xảo cao.

   Sơn mài Việt Nam vẫn còn những khó khăn trước mắt, vì điều kiện giá thành vật liệu cao, nguồn nguyên vật liệu ít, không dồi dào. Làm sơn mài cũng mất nhiều thời gian và công sức, trong khi đó, lực lượng hiện nay lại không nhiều. Như vậy, sơn mài truyền thống có lúc cũng chao đảo trước những đổi thay của xã hội. Cần có một sự quan tâm hơn nữa của chính phủ và nhà nước để có những kế hoạch giữ gìn, phát triển nghề sơn truyền thống như có những dự án lâu dài cho việc trồng và bảo quản cây sơn ở vùng trung du Miền Bắc Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy đầu tư cho công nghệ sản xuất sơn mài bằng những máy hiện đại, đảm bảo độ chuẩn xác, khoa học. Đặc biệt, có những dự án nghiên cứu lớn được nhà nước đầu tư để lập thành những công trình nghiên cứu xuyên suốt về nghệ thuật sơn ta từ truyền thống đến hiện đại. Ngoài ra, cần tiếp cận vấn đề ở chiều sâu và chiều rộng, nhìn ra thế giới và rút ra những bài học cho riêng mình.

   3. Xây dựng thương hiệu sơn mài Việt Nam

   Hội nhập quốc tế để hợp tác và phát triển là hướng đi cần thiết trong xu thế toàn cầu. Tuy vậy, hội nhập mang lại lợi ích kinh tế mà không chú ý lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc là sự phát triển không bền vững.

   Các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc lưu giữ kỹ thuật sơn truyền thống và xem đó là một yếu tố văn hóa để phát triển, quảng bá về đất nước. Họ vẫn lưu giữ hoàn toàn những kỹ thuật truyền thống từ khâu tạo cốt, kỹ thuật làm vóc và đẩy kỹ thuật rắc vàng (makie) thành những kỹ nghệ trong sơn trang trí sơn mài. Đến với các bảo tàng hay các trường đại học ngay tại trung tâm Tokyo, họ luôn giảng dạy nền tảng kỹ thuật sơn truyền thống. Có những kỹ thuật, họ không giấu mà quảng cáo rộng rãi hình ảnh nghệ nhân đang làm việc. Họ tôn vinh những giáo sư nghiên cứu về sơn mài như Giáo sư Arisumi Mitamura - một giáo sư của Trường Đại học Nghệ thuật Tokyo, ông là một trong những nghệ sĩ sơn mài hàng đầu tại Nhật Bản và có rất nhiều tác phẩm ứng dụng được lưu tại Bảo tàng Quốc gia Nhật Bản. Những tác phẩm của Giáo sư Arisumi Mitamura không chỉ là sự sáng tạo độc đáo của cá nhân mà mang tầm cỡ quốc gia, tính thẩm mĩ đã được đánh giá cao.

   Còn đối với một quốc gia khác cũng có sự phát triển của nghề sơn là Hàn Quốc, họ cũng như Nhật Bản song hành hai dòng sản phẩm sơn mài ứng dụng dưới hình thức nghệ thuật độc bản và dòng sản phẩm phục vụ đại trà. Hàn Quốc cũng có nhiều nghệ nhân và sản phẩm của họ cũng rất tinh xảo. Nhìn sang Nhật Bản hay Hàn Quốc, họ bảo tồn tác phẩm sơn mài truyền thống và tạo thành những bảo vật quốc gia là cách chúng ta cần học tập. Tiếp thu tinh hoa nghệ thuật sơn mài của họ ở các kỹ thuật khảm và nét thật đỉnh cao, nhất là kỹ thuật khảm trai với những giá trị truyền thống vẫn được bảo tồn.

   Tại Việt Nam, năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tham gia xây dựng Đề án Nghệ thuật sơn mài Việt Nam thành Thương hiệu Quốc gia. Đề án phát triển thương hiệu quốc gia sơn mài truyền thống Việt Nam nêu trên nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị độc đáo của nghề sơn mài truyền thống Việt Nam và thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa vật thể giữa các nước trong khu vực.

   Ông Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, đã nhận định rằng sơn mài Việt Nam có nhiều điều kiện trở thành một tác phẩm ứng dụng khác biệt trong phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần đẩy mạnh du lịch, kinh tế, xã hội của đất nước. Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” sẽ xây dựng logo, bộ nhận diện thương hiệu, tiêu chuẩn về nguyên liệu... Theo đó, sơn phải được chiết xuất từ cây sơn ta trồng ở Phú Thọ. Cốt (vóc) phải sử dụng gỗ, vải màn, mùn cưa, đất phù sa, sơn sống chế từ nhựa cây sơn Phú Thọ. Cũng theo Đề án, từ năm 2020 đến năm 2030 sẽ có rất nhiều hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong nước và nước ngoài: triển lãm, work shop, hội thảo, toạ đàm, trình diễn, tour du lịch khám phá, trải nghiệm, thực hành sáng tạo nghề sơn mài truyền thống Việt Nam, các hội chợ thương mại phát triển sơn mài Việt Nam.

   Nếu được cho phép, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tham gia, hợp tác với Hàn Quốc và các nước có di sản nghề sơn mài truyền thống để xây dựng hồ sơ đa quốc gia. Trước đó, vào ngày 16/9/2015, Tổng cục Di sản văn hóa Hàn Quốc có thư gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước ta đề nghị cùng xây dựng hồ sơ đa quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh nghệ thuật sơn mài vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phía Hàn Quốc cho biết khả năng sẽ có sự tham gia của cả Trung Quốc và Nhật Bản. Trong văn bản trình Thủ tướng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ nghề sơn mài truyền thống có ở một số nước Đông Á, Đông Nam Á (tiêu biểu là Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc). Ở Việt Nam, sơn mài có lịch sử lâu đời và đã được phát triển từ nghề thủ công truyền thống sang nghề thủ công mĩ nghệ và cao hơn là nghệ thuật tạo hình hiện đại (cụ thể là tranh sơn mài) với các giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và khoa học.

   Sơn mài có nhiều chất liệu độc đáo mang đậm hồn dân tộc, dung dị mà thuần khiết chất Á Đông. Việc hợp tác xây dựng hồ sơ đa quốc gia nêu trên nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị độc đáo của nghề sơn mài truyền thống Việt Nam trên phạm vi quốc tế và thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể giữa các nước trong khu vực, đồng thời cho thấy sự liên kết ngày càng sâu rộng của nghề sơn Việt Nam với thế giới và khu vực.

   Như cách đặt vấn đề ban đầu dựa trên luận điểm của Giáo sư Trần Quốc Vượng, chúng tôi thấy có thể áp dụng ba chiến lược: bảo tồn, cải tạo và phát triển đối với sơn mài mĩ thuật ứng dụng một cách cụ thể như sau:

   (1) Chiến lược bảo tồn là cần thiết để giữ gìn và bảo lưu truyền thống, kỹ thuật của sơn ta truyền thống, sơn Phú Thọ đã dần mai một, sản phẩm công nghiệp rẻ và ít đạt chất lượng cao, cần nâng cao về thẩm mĩ để có thể làm những bảo vật trưng bày hoặc những mặt hàng quà tặng cao cấp.

   (2) Chiến lược cải tạo là cần thiết để có thể có những công nghệ cao với máy móc và có những dây chuyền sản xuất công nghiệp hoặc bán công nghiệp, cần có sự nghiên cứu một cách khoa học, cần các nhà khoa học chung tay để nghiên cứu ra các công nghệ bảo quản chất sơn như ở các nước bạn là Hàn Quốc, Nhật Bản thể phát triển các sản phẩm dòng sơn mài truyền thống có giá trị cao.

   (3) Chiến lược phát triển đổi mới là cần thay đổi và phát triển cách trồng, thu hoạch nguồn sơn, nghiên cứu đổi mới các màu sắc và nâng cao kỹ thuật thể hiện với công nghệ cao và máy móc hiện đại.

   Các họa sĩ được đào tạo trong môi trường thiết kế ứng dụng sơn mài hiện nay ở Hà Nội, đặc biệt là từ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, là những người đang làm được điều này, họ lưu giữ kỹ thuật truyền thống khi vận dụng trong các bước thể nghiệm các thể loại sơn mới. Các ứng dụng thiết kế sơn mài cao cấp, có giá trị kinh tế cũng đang được thể nghiệm một cách nghiêm túc.

   Truyền thống, sự đan xen, đổi mới, nối tiếp nhau, đối lập nhau để nảy sinh và phát triển như một dòng chảy có mạch nguồn đi qua nhiều những khúc ngoặt và hợp lại chung với nhau để tạo nên một diện mạo toàn cảnh của mĩ thuật công nghiệp ở Việt Nam nói chung và sơn mài mĩ thuật ứng dụng nói riêng.

 

 

 

Chú thích:
1, 2 Trần Quốc Vượng, Trần Quốc Khánh, Trần Thúy Anh, Trần Phương Anh, Phan Quang Anh (2015), Văn hóa Việt Nam những hướng tiếp cận liên ngành, NXB Văn học, tr. 445, 511.

Bình luận

    Chưa có bình luận