Mĩ thuật triều Nguyễn thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đã để lại một kho tàng đồ sộ về thành tựu kiến trúc, điêu khắc, trang trí, phản ánh diện mạo của thời đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam từ 1802-1945. Trong đó, thành tựu về nghệ thuật trang trí kiến trúc đã trở thành một thành tố cơ bản, quan trọng, mang dấu ấn thẩm mĩ rất riêng góp phần thành công cho mĩ thuật triều Nguyễn. Bên cạnh các linh vật khác thì hình tượng con cá xuất hiện khá nhiều với những motif cá hóa rồng, long ngư trang trí trên kiến trúc như ô, hộc, cổng, cửa, nóc mái, đỉnh mái của kiến trúc cung đình Huế. Căn cứ vào những lần khảo sát, điền dã các di tích kiến trúc cung đình Huế cho thấy, hình tượng cá trang trí máng thừa lưu hay còn gọi là máng xối (ống nước) trên mái của các công trình kiến trúc trùng thiềm điệp ốc trở nên phổ biến. Chúng mang lại những giá trị thẩm mĩ tạo hình cao và gắn liền với công năng của máng nước. Điển hình trong cụm kiến trúc Đại Nội như: kiến trúc cung Trường Sanh, cung Diên Thọ, Thế Miếu, Hưng Miếu và các lăng tẩm như lăng Gia Long, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh… Qua đó, có thể góp phần kiến giải nhiều điều về mĩ thuật truyền thống, văn hóa thẩm mĩ tạo hình của hình tượng cá trên máng xối kiến trúc cung đình triều Nguyễn.
1. Ý nghĩa hình tượng cá
Cá là linh vật có thật, gắn với nguồn nước, hết sức gần gũi, đi vào tâm thức của văn hóa Việt Nam với mong ước giản dị về sự no đủ, sum vầy và may mắn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho rằng: “Trong tiếng Hán chữ “ngư” là cá với chữ “dư” là dư thừa, có cách phát âm là “Yu” rất giống nhau, cho nên cá còn mang biểu tượng của sự giàu có, sung túc”1. Ngoài ra, nghệ thuật làm lồng đèn hoặc bánh trung thu hình cá chép mang tính tạo hình cao đều gắn liền với tuổi thơ của mỗi người. Đồng thời, trong phong thủy, cá chép cũng được xem là linh vật luôn mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ với hình ảnh cá chép ngậm ngọc. Từ một con vật có thật, cá chép được linh thần hóa, trở thành sứ giả luôn làm nhiệm vụ liên lạc, mang theo những thông điệp của trần gian khi Táo Quân cưỡi cá chép về trời vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm.
Sự tích dân gian Cá chép vượt Vũ Môn hóa rồng được thể hiện trong nhiều hình thức nghệ thuật. Nó mang ý nghĩa rằng, để vượt qua Vũ Môn là cả một chặng đường gian nan thử thách, chỉ con cá mới có phẩm chất kiên định, nỗ lực vươn lên không ngừng, không từ bỏ những khó khăn. Nó tượng trưng cho sức mạnh, lòng dũng cảm khi bơi ngược dòng nước vượt qua Vũ Môn để hóa thành rồng. Từ câu chuyện dân gian trên mà Nho giáo lấy tinh thần vượt khó của cá chép hóa rồng để khuyến khích, giáo dục con người về sự chăm chỉ học hành, thi cử, luôn nỗ lực vươn lên, vượt qua những gian nan thử thách để đạt được thành công trong cuộc sống, nhằm thay đổi số phận. Cá chép hóa rồng biểu trưng cho tinh thần vượt khó, sự nhẫn nại, can đảm, kiên trì và đi đến thành công.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông từng nhận định: “lớp vảy cá chép như chiếc áo giáp của những chiến binh nơi sa trường. Hình ảnh ấy, tiêu biểu cho phẩm chất dũng cảm, can trường. Cá chép trong truyền thuyết là sự nỗ lực chống lại dòng nước cuốn để vươn lên phía trước, biểu lộ sự bền chí và lòng kiên trì”2. Qua đó, cá chép tượng trưng cho sự can đảm, may mắn, niềm hi vọng làm nên những kỳ tích vượt khỏi thân phận nhỏ bé của mình để biến thành linh vật rồng. Là biểu tượng của tinh thần và khát vọng vượt qua các kỳ thi, chinh phục tri thức, nhằm đạt được thành tựu trên đường đời của Nho sĩ, qua đó ca ngợi lý tưởng của học vấn, của Nho giáo. Bằng tri thức của mình, con người có thể thay đổi được thân phận, vị trí. Đây cũng chính là lý tưởng và khát vọng mà con người vươn tới.
Như vậy, từ một con vật có thật, hiền lành, xuất hiện trong tâm thức của người Việt với nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Cá chép hóa rồng xuất hiện trong nhiều hình thức biểu đạt của các loại hình nghệ thuật như: chạm khắc, đắp nổi (phù điêu), tượng tròn ở nhiều di tích tâm linh như đình, đền, chùa, lăng tẩm… Đối với mĩ thuật triều Nguyễn, hình tượng cá xuất hiện trang trí phong phú trên bờ mái các cung điện hoặc cổng và ô, hộc của cửa các công trình kiến trúc cung đình Huế. Tiêu biểu đó là hình tượng cá trang trí trên máng xối (ống nước) của mái trùng thiềm điệp ốc kiến trúc cung đình Huế.
2. Đặc điểm và chức năng của máng xối (máng thừa lưu) trong một số các công trình kiến trúc cung đình Huế
Kiến trúc trùng thiềm điệp ốc hay còn gọi là trùng lương trùng thiềm là một kiểu kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Thuật ngữ “trùng” chỉ sự trùng lắp, chồng lớp, liên hoàn, lặp lại và thuật ngữ “thiềm” với nghĩa là cái mái nhà chồng lớp với nhau, lớp trên chồng lớp dưới. Đây là một kiểu kiến trúc nhà kép hai mái trên một nền. Nhà trước và nhà sau của điện được nối với nhau bằng một hệ thống trần vòm mai cua dưới máng nước nối của hai mái nhà. Thuật ngữ chuyên ngành kiến trúc gọi là máng thừa lưu. Chính trần mai cua này nối với nửa trong tạo ra một không gian nội thất liên tục, thống nhất, rộng rãi, không còn cảm giác ghép nối hai tòa nhà nữa.
Hình 1: Trang trí cá trên máng xối Dũ Khiêm Tạ (lăng Tự Đức). (Nguồn: Tác giả, 2015)
Máng xối là một bộ phận quan trọng trong kết cấu kiến trúc của hầu hết ngôi nhà truyền thống có bố cục gồm từ hai nếp nhà trở lên nằm liền kề nhau. Máng xối không những có chức năng làm điểm kết nối của hai mái nhà khít vào nhau mà còn có nhiệm vụ hứng và dẫn nước mưa chảy xuống từ mái của công trình kiến trúc để thoát ra ngoài. Một trong những nét đặc trưng của trang trí máng xối kiến trúc trùng thiềm điệp ốc ở Huế là những ngôi nhà cổ hoặc các công trình kiến trúc cung đình và kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng thường biểu hiện hình đầu rồng đang há miệng, hoặc đầu cá chép hoặc cá hóa rồng trong motif (long ngư). Làm chức năng thành cái máng xối dẫn nước mưa chảy xuống. Điều đó cho thấy, máng xối không chỉ là cái ống nước trơn tuột, thô cứng với chức năng làm nhiệm vụ dẫn nước mưa trên mái nhà mà lại xuất hiện tính thẩm mĩ trong tạo hình khi hình đầu cá chép há miệng cho nước chảy. Bởi vì cá luôn gắn với nước. Nó còn là một thành tố kiến tạo nên nét nghệ thuật trong tổng thể kiến trúc cung đình Huế. Điều này thể hiện tư duy sáng tạo của nghệ nhân khi biểu đạt mềm mại hình đầu cá chép được lồng ghép vào cái ống nước. Nó không những che kín được sự lõm xuống của nơi nối hai mái nhà mà còn tạo nên tính nhịp điệu và là điểm nhấn của hệ thống trang trí kiến trúc. Đây cũng là một chủ ý của người thiết kế xây dựng, nằm trong module và ý tưởng chủ nhân của công trình.
Hình 2: Trang trí chi tiết cá trên máng xối Dũ Khiêm Tạ (lăng Tự Đức). (Nguồn: https://afamily.vn/nghe-thuat-trang-trimang-xoi)
3. Nghệ thuật trang trí hình tượng cá trên máng xối của mái ở một số công trình kiến trúc cung đình Huế
Nếu nhìn từ phía đầu hồi thì máng xối (máng thừa lưu) đặt giữa hai mái nhà trùng thiềm điệp ốc được thể hiện trong cấu trúc hình con cá đắp nổi, đang há miệng, chúc đầu xuống để làm chức năng cho nước thoát ra. Nhằm tạo cho nước mưa chảy thông thoáng trên hai mái nhà. Đối với công trình kiến trúc Dũ Khiêm Tạ (lăng Tự Đức), máng xối (ống nước) được nghệ nhân đắp thành tượng tròn bằng nề vữa kết hợp với khảm sành sứ bên ngoài đã tạo ra một bố cục đặc sắc riêng (Hình 3). Hình cá chép dài khoảng một mét trong bố cục há miệng trườn xuống hồ nước phía dưới (hồ Lưu Khiêm). Nghệ nhân tạo ra bố cục động của khối căng tròn, lưng cá cong xuống, vừa phù hợp với tiết diện kiến trúc lại vừa diễn tả được sự sống động tự nhiên. Toát lên tinh thần tự do của bố cục, vừa tạo được chức năng làm máng xối (ống nước) mà vẫn phù hợp với không gian hồ nước phía dưới. Cách thể hiện cá không quá cầu kỳ nhưng hình tượng cá hiện lên với mong ước giản dị, của con người về cuộc sống ấm no, đầy đủ và dư thừa. Sự tinh tế và tỉ mỉ thể hiện ngay ở những họa tiết tạo tác phần đầu máng xối cá. Những họa tiết này mang tính biểu tượng cho văn hóa, cho tín ngưỡng và gửi gắm điềm lành. Khi trời mưa lớn, nước dồn từ trên nóc của hai mái nhà, chảy qua miệng máng xối hình cá tạo nên nét đẹp vô cùng thú vị.
Hình 3: Cá trên máng xối. (Nguồn: Cadiere, Mỹ thuật ở Huế, tập VI, 1919)
Đối với con cá bằng chất liệu đất nung (đắp nổi) tại máng xối điện Ngưng Hy (lăng Đồng Khánh) đã tạo ra khối no căng, mềm mại (Hình 4). Với bố cục uốn cong, đối lập với gờ mái chéo trên mái điện, tạo hình cá đang lao xuống phía dưới hết sức gần gũi và giàu tính chân thực, tự nhiên, gợi nên ý nghĩa tâm linh về cá luôn gắn với nguồn nước mang lại sự may mắn và trường thọ.
Hình 4: Cá máng xối (đất nung) Điện Ngưng Hy, lăng Đồng Khánh khi chưa trùng tu. (Nguồn: PGS, TS Phan Thanh Bình cung cấp)
Tại máng xối (ống nước) ở Thế Miếu (Hình 6) và cung Diên Thọ, Đại Nội Huế (Hình 5), kiểu thức long ngư (cá hóa rồng) được đắp thành khối của chất liệu nề vữa (khảm sành sứ bên ngoài) theo tinh thần tả thực của hình con cá với đầy đủ chi tiết. Tuy nhiên, lại mang đặc điểm dấu ấn của rồng như: miệng cá há rộng, phần râu sắc nhọn và mũi rồng. Hai mắt cá gắn màu xanh của thủy tinh khiến cho tổng thể bố cục từ một con cá chuẩn bị hóa thành đầu rồng. Khi chúng được đặt cân đối ở giữa điểm phân cắt của hai mái nhà trùng thiềm điệp ốc sẽ tạo điểm nhấn giữa hai mái nhà, hút mắt người xem, gợi sự mềm mại, giảm bớt đi phần khô cứng, nặng nề của mái kiến trúc.
Từ motif long ngư cá hóa rồng trên máng xối được nghệ nhân linh động, sáng tạo bắt nguồn từ dân gian đã được vận dụng vào mĩ thuật triều Nguyễn như một sự âm thầm chuyên chở thế giới tâm linh của những ước vọng, hoài bão một cách tự nhiên. Đó là sự nỗ lực, thăng hoa, biểu tượng cho tinh thần vượt khó, sự nhẫn nại, kiên trì, vượt lên thân phận cá bé nhỏ của mình để hóa rồng. Nó là biểu tượng của lý tưởng Nho giáo, biểu dương của việc học hành thi cử, đỗ đạt công danh và may mắn của người quân tử. Qua đó, là khát vọng của con người luôn muốn vươn lên đến tầm cao mới. Hình tượng cá chép hóa rồng như một lời nhắc nhở mọi người phải luôn trau dồi, mài giũa những phẩm chất cao đẹp bên trong chính bản thân mình.
Hình 5: Long ngư (máng xối) cung Diên Thọ (Hoàng thành Huế). (Nguồn: Tác giả)
Riêng máng xối (ống nước) ở điện Minh Thành (lăng Gia Long) thì hình đầu cá được đắp thành một khối căng tròn qua chất liệu khảm nề vữa với đặc điểm: miệng cá há ngoác ra một khoang rất rộng như hình tam giác, hai mắt cá lồi lên, hai chiếc tai xòe ra như hai chiếc lá cách điệu. Phần râu cá giống như những đường cong xếp đều đặn vươn ra như hai miệng cá khiến cho tổng thể của đầu cá mềm mại và sống động hơn. Tất cả những chi tiết trên tạo cho tổng thể hình đầu cá một khối tròn căng và nếu nhìn ở góc chính diện thì mang đặc điểm tả thực của hình chú cá gáy. Điều dễ nhận thấy đó là nếu nhìn từ phía đầu hồi thì đầu con cá được xếp đặt trọng sự trật tự, cân đối giữa hai mái kiến trúc trùng thiềm điệp ốc. Hình đầu cá được đặt ngay ngay ngắn ở giữa là điểm phân cắt giữa hai mái nhà và là điểm hút mắt người xem nhằm phá vỡ những đường chéo của hai phần gờ mái. Đồng thời, con cá làm máng xối ở điện Minh Thành (lăng Gia Long) mặc dù được đắp bằng nề vữa và được nhấn nhá thêm sành sứ màu như nổi bật bên cạnh màu vàng óng của ngói Hoàng lưu ly trong ánh nắng chan hòa tạo ra sự sống động, chân thực cũng như là điểm nhấn cho mái kiến trúc thêm phần mềm mại hơn.
Hình 6: Long ngư (máng xối) Thế Tổ miếu (Hoàng thành Huế). (Nguồn: Tác giả, 2022)
Máng xối (ống nước) chùa Từ Hiếu cũng mang một đặc trưng riêng theo tinh thần tả thực hết sức sống động. Chúng có kích thước khoảng một mét, tạo thành thân hình cá chép đang bơi và trườn xuống nước, đuôi vắt về phía trên. Cặp tượng cá gắn liền với hai đầu mái làm máng xối ống nước chảy trên mái chùa. Với đầy đủ cặp vây đang bơi, thân hình uốn lượn cùng những lớp vảy được xếp đều đặn. Gam màu xanh - trắng của chất liệu gốm sứ tạo nên sự nổi bật trên nền mái chùa mà vẫn hòa nhập với không gian, thiên nhiên rừng thông xung quanh. Tạo nên tổng thể hài hòa để phù hợp với máng xối (ống nước) hình cá bên cạnh các linh vật khác. Cách tạo hình rất thoải mái với khối căng tròn, lưng cá cong xuống vừa phù hợp với tiết diện kiến trúc lại vừa diễn tả được sự sống động, tự nhiên như hiện thực và hoàn toàn phù hợp với không gian hồ nước phía dưới. Cách thể hiện không quá cầu kỳ nhưng hình tượng cá hiện lên với mong ước giản dị, dân dã của mọi người về một cuộc sống ấm no, đầy đủ, dư thừa.
Nhìn chung, việc lồng ghép cấu trúc hình cá thành máng xối (ống nước) làm chức năng cho nước mưa chảy thông thoáng giữa hai tòa nhà trùng thiềm điệp ốc bằng một hệ thống vòm trần mai cua là sự sáng tạo của nghệ nhân. Chúng không những phản ánh chức năng làm máng xối ống nước để thoát nước mưa, tạo sự mềm mại trong kiến trúc mà còn phản ánh thẩm mĩ tạo hình cao trong trang trí trên mái kiến trúc. Trong tập san Những người bạn Cố đô Huế, tập VI, 1919 - Mỹ thuật ở Huế, L. Cadière nhận xét: “Cách dùng con cá như miệng ống xối là cách tự nhiên: nước là một yếu tố sống của cá…”3. Do vậy, con cá chép ngoài biểu trưng cho sự dư thừa, no đủ còn mang ý nghĩa, may mắn, hạnh phúc và trường thọ. Khi trang trí trên máng xối ở mái các công trình kiến trúc triều Nguyễn với khát vọng mong cho mỗi công trình được bền vững, trường tồn mãi với thời gian.
Mặc dù hình tượng cá trang trí máng xối (ống nước) có kích thước nhỏ và xuất hiện khiêm tốn nhưng chúng khá nổi bật bên phía đầu hồi của mái kiến trúc triều Nguyễn. Chúng góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc riêng của mĩ thuật triều Nguyễn. Ngoài những linh vật khác, cá được nghệ nhân xưa bám sát vào hiện thực nhằm diễn đạt ý nghĩa chung cho ước vọng về sự no đủ, sum vầy và sung túc. Cá trên máng xối (ống nước) kiến trúc vừa tạo được tính thẩm mĩ riêng vừa tạo sự hài hòa, cân bằng chung cho tổng thể mái các công trình kiến trúc.
Hình 7: Cá máng xối (ống nước) chùa Từ Hviếu. (Nguồn: Tác giả, 2022)
4. Kết luận
Triều Nguyễn tồn tại trong suốt thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã để lại trên đất Huế một hệ thống trang trí trên mái các công trình kiến trúc cung đình đa dạng, mang tính nghệ thuật cao bởi một hệ thống trang trí dày đặc hoa văn thông qua các hình tượng. Trong đó, biểu tượng cá luôn nở rộ, phong phú, mặc dù chúng chiếm một kích thước khiêm tốn trước các đề tài, hoa văn khác nhưng lại luôn nổi bật nhờ sự sáng tạo và linh động của nghệ nhân khi thể hiện. Với cấu trúc tối giản và cô đọng về hình đã tạo điểm nhấn trong tổng thể bố cục kiến trúc giữa sự phong phú về các đề tài và kiểu thức trang trí khác.
Có thể nói, hình tượng cá trong máng xối (ống nước) của kiến trúc triều Nguyễn có dấu ấn nổi bật. Từ một đề tài dân gian nhưng đã được vận dụng, sáng tạo trong mĩ thuật cung đình, qua đó thấy được trình độ sáng tạo, bứt phá và khả năng xử lý uyển chuyển ở chất liệu đất nung, nề vữa, khảm sành sứ của nghệ nhân đã tạo nên những thành quả rực rỡ. Hình tượng cá trang trí trên máng xối của mái các công trình kiến trúc cung đình Huế đã góp phần đề cao giá trị lịch sử, công năng trong kiến trúc, giá trị tạo hình và giá trị văn hóa thông qua nghệ thuật tạo khối. Nó được xây dựng, kiến tạo trên cơ sở nhân văn mang ước vọng về cuộc sống sung túc, sum vầy và no đủ. Đó cũng là ước vọng của một triều đại vững bền mà nhà Nguyễn hướng tới.
Tài liệu tham khảo:
1. Phan Thuận An (2006), Kiến trúc Cố đô Huế, NXB Đà Nẵng.
2. Phan Thanh Bình (2010), Nghiên cứu nghệ thuật khảm sành sứ trong mỹ thuật cung đình thời Nguyễn, Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
3. Trần Lâm Biền (2007), Giáo trình Mỹ thuật cổ truyền Việt, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
4. Nguyễn Hữu Thông (1992), Mỹ thuật thời Nguyễn trên Đất Huế, NXB Hội Nhà văn.
5. Dương Phước Thu (2011), Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh, NXB Tri thức.
6. Chu Quang Trứ (2000), Văn hóa mỹ thuật Huế, NXB Mỹ thuật.
Chú thích:
* Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
1, 2 Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, NXB Thuận Hóa, tr. 88.
3 Cadiere (1919), Mỹ thuật ở Huế (Hà Xuân Liêm, Phan Xuân Sanh dịch, 1998), Tập san Những người bạn Cố đô Huế, tập 6, NXB Thuận Hóa, tr. 307.