HÌNH TƯỢNG ĐIÊU KHẮC TRANG TRÍ TRÊN KIẾN TRÚC CẦU CỔ KHU VỰC CHÂU THỔ BẮC BỘ

Bài viết phân tích nghệ thuật trang trí trong kiến trúc và các hoa văn điêu khắc cầu cổ vùng châu thổ Bắc Bộ qua các hình tượng vật linh như rồng, lân, rùa; hình tượng hoa, lá, mây, sóng nước. Có thể thấy rằng, điêu khắc trang trí trên cầu cổ không chỉ mang đến những giá trị đặc sắc về nghệ thuật mà còn thể hiện niềm tự hào của người dân về những di sản văn hóa, nghệ thuật của quê hương.

   Trong đời sống của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, dường như ở hầu khắp mọi miền, mọi vùng của đất nước, sự hiện diện của các nhịp cầu, cây cầu như một tất yếu, đảm nhiệm các chức năng đời thường, giúp con người đi lại, nối kết về không gian, phục vụ nhu cầu sinh kế, sinh hoạt thường ngày, tùy theo địa hình mỗi làng quê cư trú khác nhau. Tuy nhiên, sự hiện hữu của những nhịp cầu, cây cầu đó ở mỗi làng quê không chỉ đơn thuần mang tính cơ học mà tùy theo những phạm vi, cấp độ và mức độ khác nhau, những nhịp cầu, cây cầu đó còn luôn gắn liền với đời sống tinh thần, với môi trường sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân, nhiều khi trở thành biểu tượng văn hóa, bên cạnh những “cây đa, bến nước, sân đình” và cũng nhiều khi, hiện hữu trên mỗi thân cầu còn là những dấu ấn/ dấu tích lịch sử - văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của từng vùng miền - làng quê, trở thành những di sản văn hóa vật thể đầy tự hào của người dân. Mỗi cây cầu dù ít hay nhiều đều liên quan đến đời người bởi cây cầu, trước hết là không gian quê hương, đất nước, là cảnh vật quen thuộc nơi làng xã, thôn xóm. Không gian này đã tác động trực tiếp đến con người, được phản ánh vào trong đời sống thông qua nhiều phương diện sinh hoạt tinh thần như thần thoại, truyền thuyết, ca dao, dân ca, tục ngữ, câu đố, lễ hội, trò chơi...

   Trong mỗi chúng ta, chắc hẳn bước chân đã từng qua hàng trăm ngàn cây cầu, từ cầu tre, cầu gỗ đến cầu đá, cầu gạch, cầu xi măng; từ chiếc cầu vượt qua con suối, dòng sông đến những nhịp cầu bắc qua ao hồ và những địa hình vốn bị chia cắt… ở hầu khắp các làng quê. Trong số hàng trăm ngàn những nhịp cầu, cây cầu đã và đang hiện diện đó, đa phần thường chỉ là những phương tiện được người dân làm ra để đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ sinh kế và giao lưu văn hóa xã hội, phù hợp với những điều kiện địa hình, sinh thái nhất định. Nhưng cũng có những nhịp cầu, cây cầu được sáng tạo ra xuất phát từ những nguyên nhân lịch sử - văn hóa, không ít trường hợp lại nảy sinh từ những điều huyền bí, linh thiêng, mang dấu ấn đặc biệt, trở thành nơi ký thác tâm tư, nỗi niềm, nơi ghi dấu những quan niệm về cái hay, cái đẹp cùng lòng tự hào của người dân, dần dần hình thành nên những biểu tượng văn hóa nghệ thuật độc đáo. Đặc biệt với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc mang đậm chất dân gian qua những hình tượng, hoa văn, họa tiết được trang trí trên các cây cầu cổ từ cầu ngói, cầu đá, cầu gạch được chạm khắc đơn giản nhưng tinh tế và mang nhiều ý nghĩa trong đời sống của người dân và được coi như di sản văn hóa, nghệ thuật chung “bất khả xâm phạm” của quê hương. Do nhu cầu thực hiện các chuyến điền dã phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, tại hàng loạt làng quê thuộc địa bàn các tỉnh vùng châu thổ Bắc Bộ, chúng tôi nhận thấy và so sánh để quan chiêm hệ thống không nhiều những chiếc cầu ngói, cầu đá, cầu gỗ đã và đang hiện hữu, phần lớn có tuổi đời hàng trăm năm, với những hoa văn, họa tiết, hình tượng nghệ thuật điêu khắc trang trí trên kiến trúc cầu cổ mang những hàm lượng văn hóa độc đáo, cần được quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu. Nhận diện một cách tổng quan, mặc dù điêu khắc trên những cây cầu cổ không nhiều nhưng khả dĩ vẫn đủ trữ lượng để có thể tiếp cận bước đầu về các giá trị nghệ thuật tạo hình. Di sản văn hóa, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của hệ thống cầu cổ tại các địa bàn khu vực châu thổ Bắc Bộ nói chung đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa đương đại, trong đó nghệ thuật trang trí kiến trúc độc đáo với những hình tượng điêu khắc mộc mạc đậm chất văn hóa dân gian (một trong những thành tựu nổi bật của nghệ thuật tạo hình thế kỷ XVI-XVIII) vẫn còn nguyên giá trị và được bảo tồn đến ngày nay.

   Trong kiến trúc cổ nói chung và kiến trúc cầu cổ nói riêng, nghệ thuật trang trí đóng một vai trò hết sức quan trọng. Không chỉ có giá trị thẩm mĩ mà bản thân mỗi một motif nghệ thuật đều mang giá trị biểu trưng sâu sắc. Điêu khắc trên cầu cổ không nhiều, chủ yếu là các đường soi gờ chỉ, họa tiết hình lá đề ở lan can, ngoài ra còn các hoa văn trang trí trên yếm kèo. Yếm kèo được trang trí theo hai họa tiết khác nhau là hoa văn lá đề và hoa văn phượng múa. Phần mái cầu ngói là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc. Trên những đường cong mềm mại của mái cầu là đầu rồng được đắp thành khối nổi hai bên đầu cầu với dáng thanh thoát như rồng đang bay lên. Bởi vậy sự xuất hiện của từng biểu tượng trong từng vị trí, sự kết hợp của nó với tổng thể trên hiện vật sẽ có giá trị chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc, đặc biệt là với những công trình kiến trúc cầu cổ như cầu ngói chùa Lương, cầu ngói Chợ Thượng, cầu Nhật Tiên, Nguyệt Tiên, cầu ngói Phát Diệm, cầu ngói Bình Vọng, cầu Khum, cầu đá Làng Nôm, cầu đá trong Thành cổ Luy Lâu... Các motif hoa văn, họa tiết trang trí trên những cây cầu này cũng sẽ được nhìn nhận trong sự biến đổi về phong cách, sự sáng tạo của nó trên từng hiện vật mĩ thuật cũng như từng giai đoạn lịch sử với đặc điểm, phong cách nổi bật. Nghệ thuật trang trí trong kiến trúc và các hoa văn điêu khắc cầu cổ vùng châu thổ Bắc Bộ có thể chia thành các mảng đề tài sau:

   1. Hình tượng vật linh

   1.1. Hình tượng rồng

   Trong nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc và điêu khắc cầu cổ, rồng là một motif xuất hiện với nhiều dạng, nhiều biểu đồ mang đặc trưng của rồng thế kỷ XVII, XVIII cho đến rồng thời Nguyễn thế kỷ XIX. Trên các đầu cầu, mái cầu, hình tượng rồng không chỉ có vai trò làm đẹp bố cục cho tác phẩm mà còn mang nhiều ý nghĩa biểu trưng gắn với Phật giáo, ước nguyện của con người. Như hình tượng rồng ở cầu ngói chùa Lương bố cục rồng chầu cánh cửa khám tam Thánh, rồng chầu lá đề trên nhang án điện Phật, ngư long hý thuỷ trên vì nách, rồng hoá trên cửa võng điện Phật. Song ấn tượng nhất vẫn là đồ án rồng được chạm trổ tinh xảo, thoáng hoạt trên kiến trúc như rồng chầu mặt nguyệt trên cửa võng điện Phật. Đẹp hơn cả là mảng chạm rồng quần tụ cùng nghê, phượng hóa và rồng ẩn mây trên kiến trúc tiền đường.

   - Hình tượng rồng chầu mặt nguyệt: motif rồng chầu mặt nguyệt lớn ở giữa mang phong cách thế kỷ XVIII được sử dụng nhiều trong nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc chùa Lương. Đó là đôi rồng chầu mặt nguyệt ở tầng trên của cửa võng gian thượng điện. Tất cả những đôi rồng này đều trong tư thế bay ngang chầu vào mặt nguyệt tròn nổi khối với những mây mác bay ngang sang hai bên. Rồng có đặc điểm thân mập, nhiều vảy, đầu mắt dài bay ngược về phía sau. Cách thể hiện rồng mang phong cách dân gian như chạm khắc đình làng, rồng bay ngang nhưng mặt lại nhìn từ trên xuống thấy rõ cả trán, hai mắt với đao trên mắt chạy ngang. Trên mình rồng xuất hiện rất nhiều mây đầu xoắn, đuôi đao mác dài đè chéo lên thân. Chân rồng xoè rộng, có ba móng. Với hình tượng này, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là hình ảnh rồng như một biểu tượng của tín ngưỡng cầu mưa. Rồng hiện hình trên một nền vân xoắn, gốc đao mác như hình ảnh của tia chớp, ánh sáng và bầu trời đầy mây. Cũng với cách tạo hình bố cục như trên của rồng đao mác nhưng đôi rồng chạm trên cầu đầu tiền đường lại chầu vào một viên ngọc. Viên ngọc đã được đôi rồng dâng lên cao thể hiện một sự tôn kính với Phật giáo.

   1.2. Hình tượng lân (nghê)

   Trong nghệ thuật trang trí ở cầu ngói chùa Lương, lân được thể hiện dưới những đồ án sau: lân chạy, lân đứng, lân chầu hoa. Hình tượng lân chạy trong tư thế từ trên xuống với hình thức gần như tượng tròn thường được thể hiện ở cửa võng, mi cửa, trên mái đầu guột, chỗ con xô. Lân trên mái kiến trúc được thể hiện khá sinh động, trong tư thế đối nhau một con ở khúc ngoặt đang lao xuống, một con ở đầu guột lại lao lên. Tất cả có ý nghĩa tạo chiều hướng chuyển động của đường nét tạo hình, làm sinh động thêm cho bộ mái kiến trúc, vừa có ý nghĩa canh gác, trấn trừ.

   Tại mái cầu ngói, phía hai đầu cầu là hai con nghê trong tư thế hai chân sau đứng trên quả cầu, hai chân trước nâng bức cuốn thư với biểu trưng “bốn nghê chầu về tứ Tổ”. Phía ngoài bên góc cầu, phần tiếp giáp của mái đã khéo léo được biến thành một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh. Đó là một con nghê nhìn nghiêng đang lao xuống, miệng ngậm một đám mây với tư thế lao xuống nó làm cho mảng kiến trúc như được kéo dài hơn đầy nghệ thuật cũng như tính tâm linh. Với hình tượng lân (nghê) này có thể ứng dụng trong các trang trí một số góc cảnh quan sân vườn như các khu vực như lối vào, cổng…

   1.3. Hình tượng rùa

   Rùa là con vật duy nhất trong bộ tứ linh mang tính hiện thực. Nó là con vật có thực trong cuộc sống, không theo phương thức tạo hình lắp ghép, tưởng tượng để tạo ý nghĩa. Trong nghệ thuật tạo hình, rùa được thể hiện dưới nhiều đồ án như rùa cuốn thủy, rùa mang lạc thư, rùa đội văn bia, rùa đội hạc với ý nghĩa của sự thanh cao, trường thọ, rùa hoá sen mang biểu tượng cho vẻ thanh nhã, sang trọng, vĩnh hằng. Trên các kiến trúc, điêu khắc cầu ngói, rùa được thể hiện không nhiều, chủ yếu trên các cây cầu đá, trong đó rùa bao giờ cũng được trang trí ở phần dưới dầm cầu như rùa hóa sen, rùa cuốn thủy.

   2. Hình tượng hoa, lá, mây, sóng nước

   Hình tượng hoa, lá, mây, sóng nước là đề tài không thể thiếu trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Sự hiện diện của cỏ, cây, hoa, lá đã làm cho các công trình kiến trúc cổ nói chung và cầu cổ nói riêng mang một hình thức ấm áp, hợp với tâm lý người Việt hơn. Trong điêu khắc, hình tượng hoa, lá, cỏ, cây đã được các nghệ nhân khéo léo thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau, khi là hoa, lá cách điệu, khi là hoa, lá thật để mang thiên nhiên vào trong kiến trúc và điêu khắc cầu cổ.

   2.1. Lá đề

  Lá đề được biểu hiện là lá thiêng, một trong những ý nghĩa phổ biến mà lá đề tượng trưng là giác ngộ Phật pháp. Lá đề được trang trí dưới nhiều hình thức và rộng khắp, khi là đường diềm trang trí, khi lá đề được đôi rồng, đôi phượng chầu vào, cũng có khi là những lá đề chạm thủng liên kết vào nhau để tạo thành những vòng hoa văn lớn. Trong trang trí kiến trúc cầu ngói, lá đề thường được tạo hình trên các thanh gỗ của lan can cầu ngói cũng như trên yếm kèo của cầu.

   2.2. Hoa sen

   Hình tượng hoa sen được thể hiện phổ biến trong kiến trúc, điêu khắc, hoa sen thường gặp dưới nhiều dạng khác nhau. Khi bước chân vào chùa, ta bắt gặp những đài sen trên Phật điện, những cánh sen đan xen vào nhau, xếp theo tầng lớp như một bông hoa đang nở để nâng đức Phật. Hoa sen trên các vì kèo kiến trúc cầu cổ là những đấu sen với các cánh sen cách điệu xếp đều nhau nở ra các phía. Hoa sen còn gặp trong các phù điêu trang trí, hoa sen có thể nhìn theo chiều chính diện với đài sen ở giữa, các cánh sen mở đều xung quanh, hoặc cũng có thể nhìn theo chiều nghiêng với những cánh sen lớn tầng ngoài, tầng trong là những cánh sen nhỏ lấp ló, tạo cho bông sen có không gian chiều sâu.

   2.3. Hoa cúc

   Trong nghệ thuật hoa cúc được chạm nhiều và phổ biến không kém gì hoa sen trong điêu khắc, kiến trúc cổ Việt Nam. Hoa cúc là một trong bốn loài nằm trong bộ tứ quý. Hoa cúc được trang trí trên cửa võng, diềm bia, chân cột, nhang án... Hoa cúc trong nghệ thuật điêu khắc thường được chạm nổi nhẹ cùng với thân cúc lượn hình sin.

   2.4. Hình tượng mây, sóng nước

   Trong nghệ thuật điêu khắc cầu ngói, những tác phẩm điêu khắc được thể hiện qua những mốc thời gian khác nhau (từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX) do vậy sự thể hiện của các họa tiết mây, sóng nước cũng rất đa dạng, sinh động. Trên các bức cửa võng, đôi rồng uốn lượn trong mây, khúc ẩn, khúc hiện, các tay rồng bám vào mây như đang bay vào điểm tụ giữa là hình mặt nguyệt với những mây đao mác bốc cao, hai bên phía ngoài của cửa võng là hình phượng đang dang cánh bay trên bầu trời với những áng mây cách điệu hình xoắn vần vũ xung quanh, đuôi phượng cùng mây quấn quýt vào nhau. Mảng dưới của cửa võng là cụ rùa trong sóng nước với những ngọn sóng lượn cong đều, dâng cao tạo thành từng lớp sóng, tất cả như đang cuộn lên để hòa nhập âm dương trời đất. Hình tượng mây, sóng nước còn được thể hiện rõ nét trong bức chạm long cuốn thủy, ở giữa trung tâm của bức chạm là đầu rồng đang lao xuống để cuốn nước lên, những cột nước được tạo thành những xoáy cong đều, xếp so le rất sinh động, mảng trên của bức chạm là thân rồng uốn lượn thoắt ẩn, thoắt hiện dưới những đám mây mang đầy ý nghĩa linh thiêng. Với những tạo hình cách điệu duyên dáng và ý nghĩa của các họa tiết hoa lá, mây và sóng nước trên trang trí cho không gian kiến trúc của mỗi cây cầu thêm sinh động ở các vị trí, đường diềm, phù điêu, các đầu cột, vì kèo… trang trí cho các yếu tố kiến trúc trên cầu cho cảm giác không còn cảm giác khô cứng và đầy nghệ thuật.

   3. Kết luận

   Như vậy, ở vùng châu thổ Bắc Bộ, hệ thống các hoa văn, họa tiết, hình tượng được điêu khắc trang trí trên cầu cổ đặc biệt là cầu theo lối kiến trúc “Thượng gia hạ kiều” có những nét tương đồng và những đặc điểm riêng biệt. Nằm trong tổng thể cụm di tích cầu cổ từ thế kỷ XVI đến nay, di tích cầu ngói, cầu đá vùng châu thổ Bắc Bộ thực sự có những giá trị đặc sắc về nghệ thuật điêu khắc với các hình tượng nghệ thuật đặc trưng. Tuy có đặc điểm khá đơn giản so với điêu khắc cầu cổ khu vực miền Trung, song là sự kết hợp tinh tế hài hoà với những hình tượng nghệ thuật mộc mạc đậm chất dân gian như nghê chầu cuốn thư, hai đầu rồng bờ nóc, họa tiết lá đề, vân mây, sóng nước… tạo cho cầu cổ vùng châu thổ Bắc Bộ có dáng uyển chuyển, thanh thoát trong không gian và có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh nơi cây cầu án ngữ. Giá trị đặc sắc của cụm di tích thể hiện ở các hình tượng trang trí mang bản sắc văn hóa Việt Nam và nhiều thành tố trong chất liệu xây dựng bền vững như đá, gỗ; thể hiện ở sự công phu, khéo léo của bàn tay nghệ nhân nghề mộc, nghề nề, ngõa; thể hiện ở cách bố cục sắp xếp không gian cầu kết hợp với cảnh quan, với dấu ấn thời gian còn lưu trong văn bia. Cầu cổ khu vực châu thổ Bắc Bộ xứng đáng là những công trình kiến trúc, điêu khắc dân gian có giá trị nghệ thuật tạo hình cao, là nơi thắng cảnh, danh lam tiêu biểu và niềm tự hào của quê hương.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Trần Văn Anh (2015), Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cầu Ngói, chùa Lương - Nam Định, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
2. Nguyễn Du Chi (2000), Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông, NXB Mỹ thuật.
3. Trần Lâm Biền (2001), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, NXB Văn hóa dân tộc.
4. Chu Quang Trứ: “Cây cầu trong văn hóa Việt cổ”, trong Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, tập I, NXB Mỹ thuật, 2002.
5. Bùi Văn Long: “Độc đáo Cầu ngói xứ Nam”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 397, tháng 7/2017.
6. Bùi Văn Long: “Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc cầu ngói khu vực châu thổ sông Hồng”, Tạp chí Mỹ thuật, số 2017-2018.
7. Bùi Văn Long: “Giá trị văn hóa nghệ thuật cầu ngói khu vực châu thổ Bắc Bộ trong cuộc sống đương đại”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở Hà Nội, số 79, tháng 5/2021.

Bình luận

    Chưa có bình luận