KHUYNH HƯỚNG SÁNG TẠO GỐM NGHỆ THUẬT NHẰM KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ GỐM TRUYỀN THỐNG Ở BIÊN HÒA, ĐỒNG NAI

Bài viết phân tích đặc điểm làm nên thương hiệu gốm Biên Hòa - Đồng Nai. Đồng thời, phân tích vị trí của nghề gốm trong ngành nghệ thuật tạo hình, thực trạng phát triển dòng gốm này. Từ đó đề xuất giải pháp để bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề gốm truyền thống ở Biên Hòa - Đồng Nai.

 

   1. Thương hiệu gốm Biên Hòa - Đồng Nai theo dòng lịch sử

   Biên Hòa - Đồng Nai là một vùng đất gắn liền với những biến thiên của lịch sử cùng những thăng trầm theo bước chân của những đoàn người đi mở cõi, gắn với bao làng nghề truyền thống lúc thịnh lúc suy đã làm nên thương hiệu của một địa danh không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Cùng với những tên gốm như Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng… thì gốm Biên Hòa đã trở thành một tên tuổi và mang những đặc điểm khu biệt riêng với những sản phẩm độc đáo không thể nhầm lẫn với các mặt hàng của làng nghề gốm khác.

   Xuôi theo dòng lịch sử, sản phẩm gốm đã xuất hiện ở Biên Hòa từ rất sớm. Theo kết quả khảo cổ học tại di chỉ Bình Đa, người ta đã tìm thấy những mảnh gốm có niên đại khoảng 2000 năm trước. Trên cơ sở những hiện vật tìm được cho phép ta hình dung các sản phẩm gốm xưa có đủ mọi kích cỡ và kiểu dáng. Các lớp văn hóa được bồi đắp thêm khi những đoàn người di dân từ Thuận Quảng (Thừa Thiên Huế) và Quảng Đông (Trung Quốc) vào lập nghiệp mang theo nghề gốm của quê hương mình, góp phần làm phong phú thêm kỹ thuật gốm cho vùng đất Cù Lao Phố (tên gọi xưa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai). Nhìn lại quá khứ, khi bắt đầu xây dựng kinh thành Huế (1805), chính các vua Nguyễn đã mời thợ gốm Trung Hoa sang dạy nghề làm ngói Hoàng Lưu Ly (ngói phủ men vàng) và Thanh Lưu Ly (ngói phủ men xanh), sau đó các nghệ nhân xưa xây dựng lò nung hai loại gạch này ở Long Thọ - Huế. Chúng ta mặc nhiên chấp nhận không thiên kiến việc tiếp nhận học hỏi kỹ thuật làm gốm từ các nước có công nghệ phát triển để “đứng trên vai người khổng lồ” cũng là cách để lớn mạnh vượt thời gian. Triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng nối liền thời đại của chúng ta. Sản phẩm mĩ nghệ, nghệ thuật thời Nguyễn do những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân trong cả nước làm nên và lan tỏa khắp mọi miền đất nước, theo bước chân của những người đi mở cõi xuống tận miền biên viễn xa xôi phía Nam. Cho đến tận ngày nay, ảnh hưởng của nghệ thuật Nguyễn đến đất phương Nam không hề nhỏ, trong đó có tác động của sản phẩm gốm đối với văn hóa, nghệ thuật, tâm linh và cả đời sống sinh hoạt. Điều này thể hiện rất rõ trong các mảng đề tài gốm trang trí tại Biên Hòa. Có thể nói rằng nghệ thuật gốm Biên Hòa vẫn được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mĩ thuật truyền thống dân tộc, sản phẩm gốm Biên Hòa vẫn thấm đẫm hơi thở và cảm hứng sáng tạo của người thợ Việt Nam. Sau những thăng trầm của lịch sử, đao binh, loạn lạc, nhiều thợ gốm về Chợ Lớn mở lò và sản xuất ra sản phẩm gốm Cây Mai nổi tiếng, một số chạy về Tân Vạn lập nghiệp. Một sự kiện lịch sử gắn liền với thương hiệu gốm Biên Hòa đó là sự ra đời của Trường Dạy nghề Biên Hòa năm 1903. Đặc biệt, với sự đóng góp về kỹ thuật gốm phương Tây của bà Balick Mariette (Tốt nghiệp Trường Gốm Limoges, Pháp) đã góp phần đem lại sự phong phú của sản phẩm gốm với nhiều màu sắc lạ mắt. Như vậy, gốm Biên Hòa đã có một bề dày lịch sử phát triển đầy sôi động. Sản phẩm gốm Biên Hòa do đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của cư dân bản địa được bồi đắp thêm bởi tinh hoa của các nghệ nhân gốm từ nơi khác đến sinh sống. Đây là một quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa suốt theo tiến trình hình thành nên vùng đất trù phú như ngày nay. Gốm Biên Hòa đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng không những ở trong nước mà còn trên thế giới. Ngay từ năm 1925, khi gốm Biên Hòa được đem đi triển lãm quốc tế ở Paris (Pháp) với nhiều giải thưởng được trao là minh chứng sống động cho danh tiếng của gốm Biên Hòa. Đã có một thời hoàng kim khi thương cảng Nông Nại, Đại Phố (cách gọi của Biên Hòa xưa) sầm uất, tấp nập tàu buôn nước ngoài đem hàng hóa đến và chở sản phẩm gốm Biên Hòa đi buôn bán khắp nơi. Cho đến ngày nay, sản phẩm gốm Biên Hòa vẫn còn được lưu giữ trong các bộ sưu tập của tư nhân hay các bảo tàng bởi sự độc đáo từ màu men cho đến kỹ thuật tạo tác. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là nghề gốm đang có nguy cơ bị mai một. Nhiều nghệ nhân bỏ nghề, xoay sở chuyển qua các nghề khác để kiếm sống. Phần lớn các thế hệ trẻ quay lưng lại với tình yêu “lửa và đất”. Đây là vấn đề lớn của nghề làm gốm Biên Hòa nhưng cũng là thực trạng chung của các làng nghề truyền thống trên cả nước. Gốm Biên Hòa là một phần không thể thiếu của lịch sử khai khẩn, mở mang và phát triển vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai. Làm sao để gốm Biên Hòa hồi sinh lại thời vàng son cũng như các làng nghề, xưởng gốm lại tấp nập, rộn ràng đón những đơn hàng từ khắp nơi trên thế giới? Đó là trách nhiệm không chỉ của các ban, ngành liên quan, các hiệp hội, làng nghề gốm, mà còn là nỗi trăn trở của những người yêu vẻ đẹp của gốm Biên Hòa.

   Trải qua 300 năm lịch sử, gốm Biên Hòa có bề dày kinh nghiệm được tích lũy truyền đời của các nghệ nhân gốm xưa cùng với sự tiếp nhận những tinh hoa kỹ thuật gốm từ nhiều nguồn khác nhau. Đó là quá trình nung gốm không sử dụng một thiết bị công nghệ nào, tuy nhiệt độ nung khoảng 12000 C nhưng hoàn toàn dựa vào “con mắt nghề” của người thợ lửa. Gốm Biên Hòa trở thành một thương hiệu với những đặc điểm khu biệt và sự độc đáo riêng. Đó là màu men tươi thắm nhưng rất thanh thoát nhờ kỹ thuật sử dụng men lửa nhẹ. Cùng với những nét khắc chìm làm nổi bật những họa tiết, hoa văn tạo cho các sản phẩm gốm toát lên vẻ đẹp hài hòa, tinh tế nhưng giàu tính trang trí. Kỹ thuật khắc nét và tô màu vào mảng trang trí hoa văn bởi những đường viền làm cho gốm Biên Hòa có “đồ họa tính” hơn. Ngoài ra, sử dụng kỹ thuật chạm lộng, chạm bong đã đem lại những hiệu quả về mặt thị giác, làm tăng thêm sự phong phú và đa dạng cho các sản phẩm gốm. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường cũng như sự bùng nổ của cách mạng khoa học công nghệ, kỹ thuật vật liệu đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành gốm nói chung và gốm Biên Hòa nói riêng. Tình trạng nhiều cơ sở làm gốm thiếu đơn hàng hoặc sản xuất cầm chừng, nhiều nghệ nhân gốm hoặc do già yếu hoặc bỏ nghề, thế hệ trẻ không mặn mà với nghề làm gốm nữa đã dẫn đến việc nghề gốm có nguy cơ bị mai một. Những cơ sở gốm còn hoạt động do yêu nghề, muốn giữ truyền thống của cha ông hoặc làm những mặt hàng dân dụng không đòi hỏi kỹ thuật, nghệ thuật cao như lu, chậu… để tồn tại và đáp ứng nhu cầu tồn tại.

   Trước bối cảnh nghề gốm thủ công ở Biên Hòa đang đứng trước sự sống còn, mất dần thương hiệu. Hiệp hội Gốm mĩ nghệ Đồng Nai đã tổ chức hội thảo vào tháng 9/2023 với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành liên quan. Một trong những vấn đề hiện nay của ngành gốm là cần thiết đầu tư cơ sở hạ tầng, cần có cơ chế hỗ trợ phát triển, quảng bá và giới thiệu sản phẩm gốm kết hợp bảo tồn, phát triển làng nghề với du lịch… Tuy nhiên, vấn đề sống còn để giữ gìn và phát triển nghề gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai chính là chất lượng sản phẩm, giá trị nghệ thuật đặc thù đã tạo nên danh tiếng của thương hiệu. Cái làm nên giá trị thương hiệu này chính là màu men đặc sắc, tươi vui cùng với kỹ thuật khắc nét và trổ thủng được truyền nghề của các nghệ nhân xưa. Đây là giá trị nghệ thuật đã được khẳng định và làm nên đặc điểm riêng biệt của gốm truyền thống Biên Hòa. Song nếu chỉ thỏa mãn với những gì đã đạt được thì việc phát triển ngành gốm truyền thống hiện nay có phù hợp chung với sự phát triển mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội… nữa không? Cho nên ngoài những thành tựu mà gốm Biên Hòa đã đạt được, việc cải tiến công nghệ kỹ thuật và nhất là mẫu mã sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao hiện nay. Chính vì thế, việc đáp ứng nguồn nhân lực trước những đòi hỏi của việc phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước trong bối cảnh của sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới là vấn đề then chốt để bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống ở Biên Hòa - Đồng Nai.

   2. Nhận diện vị trí của nghề gốm trong ngành nghệ thuật tạo hình

   Ngay từ thuở xa xưa, gốm, sứ đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của con người, trong suốt cả tiến trình phát triển của văn minh nhân loại. Với công năng đầu tiên là nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, dần dần chúng xuất hiện trong mọi mặt của cuộc sống như tín ngưỡng, văn hóa, ngoại giao, trang trí kiến trúc...

   Gốm có “nghệ thuật tính” bởi lẽ nó là sản phẩm từ đôi bàn tay khéo léo và đầu óc sáng tạo của con người. Nhiều sản phẩm gốm trở thành kiệt tác nghệ thuật được các nhà sưu tầm nghệ thuật săn lùng và có mặt trong các bộ sưu tập tư nhân hay của quốc gia. Thậm chí nhiều sản phẩm gốm mĩ nghệ được định giá rất cao trong các phiên đấu giá của các nhà đấu giá tên tuổi trên thế giới. 

   Hiện nay, nghề làm gốm nằm trong nhóm mĩ thuật ứng dụng. Gốm nằm trong nhóm “nghệ thuật hai chức năng” theo cách gọi của Cagan, hay “nghệ thuật lưỡng tính”1 theo cách gọi của Hegel. Suy cho cùng, nghề làm gốm là một ngành mang tính nhân văn vì con người, với mục đích là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, các hoạt động lao động, thư giãn như: các đồ gia dụng, trang trí... Gốm gắn liền với văn minh vật chất cũng như đem đến những giá trị tinh thần cho con người. Không ai phủ nhận rằng ngành sản xuất gốm gia dụng đang được công nghiệp hóa ở nước ta. Đây cũng là nhu cầu đòi hỏi tất yếu của nền kinh tế đang phát triển cũng như xu thế toàn cầu hóa. Làm gốm là một ngành nghề sáng tạo trong việc thiết kế sản phẩm để sản xuất công nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cao.

   Để làm ra các sản phẩm công nghiệp thì việc tìm kiếm và xác định các tính năng của chúng sẽ góp phần đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng loạt một cách công nghiệp. Nó không chỉ là các đặc điểm bên ngoài của các đối tượng mà còn về mối quan hệ với cấu trúc và chức năng nhằm đạt được sự thống nhất. Một tính năng cụ thể của nó là sự thống nhất của nguyên tắc thực tiễn và thẩm mĩ. Chúng phải đáp ứng tính chất tiện ích, tính công năng, tính khả dụng, tính thẩm mĩ, khả năng sản xuất và hiệu quả kinh tế. Dưới góc độ thẩm mĩ, đó là vẻ đẹp và sang trọng của sản phẩm. Cả hai khái niệm này đều có mối quan hệ với nhau, hầu hết các trường hợp vẫn có tính quyết định và chi phối lẫn nhau. Chính vì thế, sản phẩm gốm phải được nhìn nhận là sản phẩm mĩ thuật ứng dụng, mang trên mình những giá trị thẩm mĩ.


H.1: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Tác giả: Mai Văn Nhơn, Ảnh: Minh Châu).

      3. Gốm nghệ thuật và sự lựa chọn của các nghệ sĩ tạo hình trẻ

   Ngày nay, nhiều nghệ sĩ tạo hình chọn gốm làm phương tiện sáng tạo nghệ thuật. Họ cảm nhận vẻ đẹp của men gốm và tính ngẫu hứng của màu men khi nung trong lò truyền thống. Chính yếu tố này đem lại cho sản phẩm những sự mới mẻ, kích thích tư duy sáng tạo. Nhiều họa sĩ, điêu khắc đã tìm tòi cách thể hiện hình khối, dáng vẻ mới lạ kết hợp với việc phủ men đem lại hiệu quả thẩm mĩ cao cho tác phẩm gốm. Sản phẩm gốm không chỉ còn là đồ gia dụng phục vụ sinh hoạt mà còn là phương tiện truyền tải cảm xúc của người nghệ sĩ hướng đến những giá trị tinh thần.

   Họa sĩ Mai Văn Nhơn sử dụng gốm để làm tranh đã kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và phương pháp tạo hình hiện đại. Đặc biệt là mảng tranh chân dung các lãnh đạo, nhờ đôi bàn tay khéo léo cắt tỉa các mảng gốm và kỹ thuật phối màu điêu luyện, tác giả đã tạo nên những bức chân dung vô cùng sống động. Kỹ thuật ghép sành, sứ đã phát triển thời các chúa Nguyễn và đạt đến đỉnh cao thời vua Khải Định. Tuy nhiên, triều Nguyễn chỉ sử dụng khảm sành, sứ để trang trí kiến trúc cung điện. Họa sĩ Mai Văn Nhơn đã làm bức tranh chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng chất liệu khảm sành sứ. Có lẽ đây là bức tranh chân dung đầu tiên sử dụng kỹ thuật khảm sành sứ. Như vậy, họa sĩ Mai Văn Nhơn đã tạo hình trên các mảnh gốm, tô màu rồi đem nung, ghép thành các bức tranh chân dung. Đây cũng là cách tiếp nối truyền thống cùng với sự học hỏi từ nghệ thuật mosaic phương Tây, cũng là cách làm đầy sáng tạo, đem lại sự phong phú và đa dạng cho gốm Biên Hòa.

   Hoàng Ngọc Hiến, một cái tên không còn xa lạ với những ai quan tâm đến việc phục dựng, tái thiết những công trình kiến trúc cổ khu vực Đông Nam Bộ. Sau khi tốt nghiệp ngành gốm ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, anh có sự đam mê về gốm truyền thống nhưng vẫn mong muốn những trải nghiệm về tạo hình hiện đại cho sản phẩm gốm. Nhiều tác phẩm gốm của anh được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật và được các nhà sưu tập trả giá cao để sở hữu. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào anh cũng đem bán mà giữ lại cho mình như những dấu ấn trong hành trình sáng tạo và cho những người yêu gốm đến chiêm ngưỡng. Hoàng Ngọc Hiến đã chọn cho mình một con đường riêng, đó là vừa giữ nghề truyền thống bằng những mặt hàng thông dụng và cũng để sống được với nghề vừa tìm tòi những phương thức tạo hình, kỹ thuật thể hiện mới để thỏa mãn đam mê sáng tạo của mình. Trên con đường tìm tòi, khám phá và sáng tạo gốm nghệ thuật, có một đôi vợ chồng trẻ dấn thân và cùng nuôi dưỡng chung đam mê ấy. Đó là Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng. Họ cùng đam mê với gốm, cùng tham gia trại sáng tác, cùng làm chung tác phẩm. Bên cạnh nhiều cái “cùng” là sự đồng cảm và tình yêu mới gắn kết họ vượt qua những giai đoạn chông gai và đạt được những thành quả như hôm nay. Để có được những tác phẩm là “đứa con chung”, họ phải thật sự hiểu nhau: từ khâu tìm ý tưởng, bố cục, tạo hình, làm chi tiết, chấm men… nhưng quan trọng hơn hết là “câu chuyện” họ muốn kể lại. Có lẽ sự kết hợp giữa chất nữ tính và sự kiên trì, nắm vững kỹ thuật chất liệu chính là chìa khóa đi đến thành công của cặp vợ chồng này. Có những tác phẩm gốm phải mất đến 6 tháng họ mới hoàn thành, chứng tỏ là tình yêu gốm vẫn bền bỉ và vẫn được nuôi dưỡng bởi những nghệ sĩ gốm tuổi đời còn rất trẻ.


H.2: Tác phẩm Nguyệt dạ 8 (Tác giả: Ngô Trọng Văn, Ảnh: Hòa Bình).

   Như vậy, mảng gốm nghệ thuật đang được nhiều nghệ sĩ tạo hình trẻ chọn trên con đường sáng tạo của mình. Họ được đào tạo bài bản hoặc với năng khiếu bẩm sinh nhưng trên hết là lòng đam mê gốm với hoài bão về sự “phục hưng” gốm Biên Hòa - Đồng Nai. Hầu hết những người làm gốm nghệ thuật đều là hội viên Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật tại địa phương hoặc là hội viên Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Những trại sáng tác và triển lãm gốm do các hội tổ chức chính là cơ hội để họ trao đổi kinh nghiệm và giới thiệu tác phẩm của mình. Hiện nay, Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có Câu lạc bộ Gốm hoạt động rất sôi nổi và hiệu quả. Sinh hoạt trong câu lạc bộ cũng là cách để nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề gốm và cũng là nơi để truyền cảm hứng sáng tạo. Các cuộc triển lãm do các hội tổ chức là hình thức quảng bá, giới thiệu tác phẩm gốm đến với công chúng thưởng ngoạn. Những hoạt động thiết thực như vậy cũng góp phần tìm lại danh tiếng xưa của gốm Biên Hòa - Đồng Nai.

   4. Đề xuất một số giải pháp

   Sản xuất gốm công nghiệp là làm tăng giá trị kinh tế cho các sản phẩm. Sản xuất công nghiệp hướng đến sự thỏa mãn những nhu cầu ngày càng cao tính thẩm mĩ, tiện dụng và giá thành thấp. Trước những đòi hỏi cấp bách đó, gốm công nghiệp nói chung và gốm mĩ thuật nói riêng phải có những chuyển biến cơ bản để đáp ứng được những yêu cầu mang tính thời đại, phù hợp với quy luật phát triển. Chính vì thế, việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất gốm nhưng vẫn phải giữ được những đặc trưng riêng của gốm Biên Hòa, đồng thời tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm… là những việc làm tiên quyết để phát triển dòng gốm thương mại. Hướng đến môi trường phát triển bền vững, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, do đó, “khuyến khích sự liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành thiết kế, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo với các làng nghề, cơ sở sản xuất để thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường”2 là những việc cần làm ngay. Đối với sản phẩm gốm truyền thống, các nghệ nhân xưa với sự rung cảm của tâm hồn Việt đã “cài mã” ý nghĩa biểu tượng, thổi hồn vào các sản phẩm gốm trang trí, làm cho chúng có một “đời sống riêng”, thách đố trí tưởng tượng và tư duy của người thưởng ngoạn. Chính vì vậy, nếu không có những ý tưởng và nội dung ẩn chứa trên các hoa văn, đồ án trang trí thì những bình, chậu, bát, lư… những sản phẩm gốm liệu có đạt được những giá trị nghệ thuật, hay chỉ thỏa mãn nhu cầu thị giác và tính thực dụng, giống như cái chuông được chế tác và trang trí rất đẹp nhưng âm thanh bị rè, không đáp ứng được chức năng chính của nó? Nghệ thuật phải là phương tiện chuyển tải những cảm xúc làm rung động lòng người. Điều này lý giải một phần tại sao có những sản phẩm gốm không phù hợp với tâm lý thụ cảm nghệ thuật của người Việt, thiếu cái “hồn” của sản phẩm và trở nên xa lạ với đại đa số quần chúng nhân dân. Trong bất kỳ một hình thức tạo hình nào mà không đáp ứng được ba thành tố cơ bản là “hiển, mật và dụng” thì chúng không bao giờ trở thành tác phẩm nghệ thuật được. Hiển là hình thức, mẫu mã sản phẩm; mật là ý nghĩa ẩn chứa; dụng là công năng, tính hữu dụng. Do vậy, hiểu và trân trọng ý nghĩa biểu tượng trên các đồ án trang trí của các nghệ nhân xưa cũng là cách để giữ gìn, bảo tồn mĩ thuật truyền thống dân tộc trên sản phẩm gốm.

   Giá trị nghệ thuật luôn là điều kiện tiên quyết khẳng định thương hiệu cho sản phẩm gốm. Tìm tòi, khám phá và sáng tạo cái mới là bản chất của nghệ thuật. Do đó, ngoài những giá trị thẩm mĩ đã đạt được thì việc tìm những hình thức, mẫu mã và kiểu thức trang trí mới cũng là cách khẳng định và đem lại luồng sinh khí mới cho các sản phẩm gốm. Các nghệ sĩ tạo hình trẻ đã chọn gốm làm chất liệu sáng tạo để thỏa chí thể hiện cảm xúc, ý tưởng và tư duy tạo hình của mình. Sự kết hợp của hình khối, đường nét và màu sắc với những ý tưởng độc đáo đã tạo ra những tác phẩm gốm có giá trị văn hóa, mĩ thuật cao. Suy cho cùng, sản phẩm gốm phải thể hiện được sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính mĩ thuật và tính ứng dụng. Tuy nhiên, nhiều khi công năng sử dụng lại nhường chỗ cho giá trị thẩm mĩ. Học hỏi, kế thừa tinh hoa của các dòng gốm tên tuổi khác luôn là động lực phát triển và tự làm mới mình, đây cũng là quy luật phát triển của cái đẹp. Song, thông qua nhãn quan thẩm mĩ, những tìm tòi, hình thức biểu hiện mới đó phải từ sự rung cảm của tâm hồn Việt. Tất nhiên không thể phủ nhận bản chất nghệ thuật là sự tìm tòi sáng tạo, song các sản phẩm gốm Biên Hòa sẽ thiếu sức sống nếu không được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa mĩ thuật cổ truyền của dân tộc. Do đó, công tác bồi dưỡng và đào tạo cho thế hệ trẻ là việc làm cần thiết hôm nay để chuẩn bị một đội ngũ những người làm gốm có tri thức, kỹ năng và nhất là tư duy sáng tạo để tạo nên những tác phẩm mới có giá trị như Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã nhấn mạnh: “Duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ; bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị”3.


H.3: Kiểm tra bài thực hành gốm của sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Trần Thanh Nam).

   Các trường đào tạo mĩ thuật ứng dụng hiện nay nên đưa môn học Nghiên cứu mĩ thuật truyền thống vào giảng dạy. Ngoài việc học tập, nuôi dưỡng tình yêu đối nghệ thuật cổ truyền thì việc học và thực hành những nghề truyền thống nói chung, nghề làm gốm nói riêng, cũng là cách để kế thừa và phát huy các làng nghề truyền thống.

   Vậy để những truyền thống mĩ thuật cổ của ông cha không bị mai một, trong chương trình đào tạo phải có sự hướng dẫn, giảng dạy của các nhà nghiên cứu mĩ thuật cổ, các nhà nghiên cứu văn hóa đối với sinh viên ở các trường, khoa có liên quan đến nghệ thuật tạo hình. Ngoài ra, nên mời các nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống hướng dẫn về các phương pháp tạo tác, kỹ thuật trên chất liệu gốm, sứ cho sinh viên. Thay môn học chép vốn cổ của sinh viên các ngành thuộc nghệ thuật ứng dụng, trong đó có thiết kế, tạo dáng sản phẩm, thành môn nghiên cứu vốn cổ. Thông qua đó, các buổi học không chỉ đơn thuần là sự sao chép lại các phiên bản hoa văn, họa tiết hay là thuần túy rèn luyện kỹ năng vẽ chép mà còn là dịp để sinh viên được trau dồi kiến thức mĩ thuật cổ, ý nghĩa biểu tượng của các motif trang trí. Điều này sẽ góp phần không nhỏ trong những đóng sau này vào sự hình thành nền tảng lý luận và nhãn quan thẩm mĩ cho những nhà thiết kế và tạo dáng trong tương lai. Phải chăng “sự kế thừa truyền thống tiềm ẩn trong những giá trị tinh thần, còn hình thức biểu đạt lại mang đến sinh khí mới để nghệ thuật phát triển bằng những sáng tạo đột khởi và ngôn ngữ tạo hình độc đáo”4? Suy cho cùng, để gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống thì phải chú trọng đến việc phát huy các giá trị nghệ thuật của sản phẩm gốm.

   5. Kết luận

   Nghệ thuật làm gốm hiện đại với sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ mới vẫn không làm giảm đi sức sống của mĩ thuật truyền thống. Những giá trị nghệ thuật cổ truyền vẫn luôn là bài học quý báu cho những nhà thiết kế, tạo hình Việt Nam cho đến tận hôm nay và mai sau, trong đó có những nhà làm gốm tương lai. Gốm truyền thống đã làm nên một thương hiệu cho đất Biên Hòa - Đồng Nai với những sản phẩm tinh xảo và màu men tươi sáng, vui mắt.

   Việc giữ gìn truyền thống là điều cần phải làm ngay và cũng là nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Bởi lẽ vẻ đẹp của sản phẩm gốm Biên Hòa đã khắc sâu trong tâm trí của những người yêu gốm xưa và ngày nay vẫn luôn được đón nhận với những ý nghĩa to lớn về giá trị tinh thần. Tìm tòi, và sáng tạo để nâng cao giá trị nghệ thuật cũng là cách nâng tầm vị thế cho gốm Biên Hòa. Vấn đề đặt ra là làm sao phát huy được những giá trị của gốm trang trí truyền thống, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và giải quyết những vấn đề của nghệ thuật hiện đại nói chung và ngành làm gốm nói riêng? Nhiều khi những nghệ sĩ tạo hình gốm trẻ chỉ chú trọng vào việc tìm tòi hình thức thể hiện mới của chất liệu gốm mà quên đi những giá trị truyền thống cần phải có để làm nên thương hiệu của sản phẩm gốm.

   Việc nghiên cứu để phát huy, kế thừa nghề làm gốm xưa trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay nhằm tìm thấy sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại là vấn đề đặt ra của việc bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống ở Biên Hòa - Đồng Nai.

 

 

 

Chú thích:
* Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.
1 M. Cagan (Phan Ngọc dịch, 2004), Hình thái học của nghệ thuật, NXB Hội Nhà văn.
2, 3 Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
4 Trần Thanh Nam (2020), Điêu khắc trang trí trên kiến trúc – Dẫn liệu từ di sản cung đình Huế, NXB Mỹ thuật.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận