KHAI THÁC HÌNH ẢNH TRONG DẠY HỌC LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ MĨ THUẬT Ở CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG*

Bài viết khái quát nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hình ảnh và tiêu chí lựa chọn hình ảnh trong nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật. Từ đó đưa ra cách thức khai thác hình ảnh trong dạy nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật trong nhà trường ở cấp Trung học phổ thông một cách hiệu quả.

   Trong lĩnh vực mĩ thuật, để biết, hiểu và thưởng thức một tác phẩm cần nhiều thông tin liên quan như yếu tố/ nguyên lý/ chất liệu tạo hình, phong cách, khuynh hướng, bối cảnh sáng tác, quan điểm nghệ thuật… nên có một thực tế rằng trong nhiều trường hợp, không ít những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này cũng đôi khi thấy bế tắc trong việc tiếp cận và hiểu về một số tác phẩm. Do đó, lý luận và lịch sử mĩ thuật là một nội dung không thể thiếu trong Chương trình giáo dục môn Mĩ thuật bởi đây là nội dung không chỉ giúp học sinh có thể hiểu được tác phẩm mĩ thuật ở mức độ cơ bản mà còn góp phần không nhỏ trong việc hình thành một thế hệ công chúng mĩ thuật. Tuy nhiên trong thực tiễn dạy học, việc dạy học nội dung này chưa được chú trọng nhiều, cách tổ chức các hoạt động trong nội dung này thường chưa hiệu quả và không ít học sinh có thái độ thờ ơ với giờ học này.

   1. Nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông

   1.1. Nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở

   Trước đây, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006, nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật trong nhà trường tương ứng với phân môn Thường thức mĩ thuật ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Mục tiêu của nội dung này cung cấp cho học sinh một số hiểu biết về nghệ thuật tạo hình thông qua kiến thức sơ lược lịch sử mĩ thuật Việt Nam và thế giới, như giới thiệu một số công trình, tác phẩm mĩ thuật cho học sinh, qua đó giúp học sinh tìm hiểu được một số kiến thức về sự phát triển mĩ thuật của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Thông qua phân môn này, học sinh thêm yêu mến và tự hào về nền nghệ thuật của dân tộc và thế giới. Trên cơ sở đó, học sinh thấy được trách nhiệm của mình về việc trân trọng, yêu quý và giữ gìn những giá trị của cha ông để lại. Hiện nay, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật xuất hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, từ lớp 1 đến lớp 9, không xây dựng thành một phân môn độc lập mà được tích hợp, lồng ghép trong thực hành, thảo luận mĩ thuật ở các chủ đề/ bài học hướng đến việc giúp học sinh nhận thức được mối quan hệ giữa mĩ thuật với đời sống, xã hội và các loại hình nghệ thuật khác; có ý thức trân trọng di sản văn hoá, nghệ thuật và khả năng ứng dụng kiến thức, kỹ năng mĩ thuật vào đời sống; có hiểu biết tổng quát về ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác và khả năng định hướng được nghề nghiệp cho bản thân…

  Lớp 10  Lớp 11 Lớp 12
   Nội dung    Lịch sử mĩ thuật.    Lý luận mĩ thuật.    Giới thiệu và trưng bày sản phẩm, tác phẩm.
 Định hướng chủ đề

   - Lịch sử mĩ thuật Việt Nam.
   - Lịch sử mĩ thuật thế giới.

   Tác giả, tác phẩm tiêu biểu của mĩ thuật Việt Nam, thế giới.    Triển lãm sản phẩm thực hành, sáng tạo của học sinh.
   Yêu cầu cần đạt

   Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

   Biết được một số nét tiêu biểu về lịch sử mĩ thuật Việt Nam và thế giới.

   Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

   - Lập được danh mục tư liệu liên quan đến lịch sử mĩ thuật Việt Nam và thế giới.

   - Tóm tắt được đặc điểm một số nền mĩ thuật của Việt Nam và thế giới.

   Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

   - Trao đổi được thông tin, tư liệu, kiến thức đã thu thập.

   - Biết được mối quan hệ liên ngành giữa Lịch sử mĩ thuật và Khảo cổ học.

   Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

   - Biết được một số đặc điểm về lý luận mĩ thuật.

   - Chọn lọc được một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu để phân tích.

   Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

   - Lập được dàn ý bài viết về tác giả, tác phẩm.

   - Viết được một bài luận ngắn về tác giả, tác phẩm.

   - Thể hiện được khả năng vận dụng phương tiện công nghệ trong nội dung bài luận.

   Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

   - Nhận xét, trao đổi và đánh giá được bài luận.

  - Phân tích được mối liên hệ giữa tác giả, tác phẩm và đời sống xã hội.

   Quan sát và nhận thức thẩm mĩ:

   - Xác định được nội dung, hình thức trưng bày và giới thiệu sản phẩm, tác phẩm.

   - Nhận thức được vai trò của hoạt động tổ chức trưng bày và giới thiệu sản phẩm, tác phẩm.

   Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ:

   - Xác định được không gian trưng bày sản phẩm.

   - Xây dựng và thực hiện được kế hoạch trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tác phẩm.

   - Vận dụng được kiến thức mĩ thuật trong thuyết trình, giới thiệu sản phẩm, tác phẩm.

   Phân tích và đánh giá thẩm mĩ:

   - Đánh giá được hiệu quả thẩm mĩ của trưng bày sản phẩm, tác phẩm.

   - Nhận xét, đánh giá được kỹ năng thuyết trình trong giới thiệu sản phẩm, tác phẩm.

Nội dung và yêu cầu cần đạt trong Chương trình môn Mĩ thuật: Lý luận và lịch sử mĩ thuật cấp Trung học phổ thông1

   Về cơ bản, nội dung lịch sử mĩ thuật giúp học sinh có hiểu biết về dòng chảy mĩ thuật của Việt Nam và thế giới theo tiến trình từ thời kỳ tiền sử cho đến thời kỳ đương đại, tạo nên nhiều sự hấp dẫn thông qua các di sản, câu chuyện mĩ thuật. Nội dung lý luận mĩ thuật liên quan nhiều đến các quan niệm, khái niệm để giúp học sinh thưởng thức mĩ thuật nên rất cần có sự điều chỉnh, đổi mới về phương pháp dạy học phù hợp với thay đổi về nội dung để hiệu quả hơn trong triển khai ở nhà trường, đặc biệt là việc khai thác hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa và qua các kênh khác (internet, sách chuyên ngành, tạp chí…) cần được chú trọng để tạo sự hấp dẫn, hứng thú với người học.

   2. Hình ảnh và tiêu chí lựa chọn hình ảnh trong nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật

   2.1. Hình ảnh trong nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật

   Hiện nay, các hình ảnh di sản/ tác phẩm mĩ thuật đã được tạo một bản sao của bản gốc vật lý. Những hình ảnh đã được số hóa này được lưu trữ dưới dạng file, được in trong sách giáo khoa và thuận tiện trong việc sử dụng trên nhiều phương tiện trình chiếu, tăng hiệu quả và nâng cao khả năng tiếp cận. Hình ảnh minh họa trong nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật thường là những di sản/ tác phẩm mĩ thuật tiêu biểu qua các thời kỳ, đại diện một số phong cách, trường phái mĩ thuật… cũng như hình ảnh tái hiện, mô phỏng sản phẩm mĩ thuật nhằm hỗ trợ người đọc hiểu các khái niệm liên quan hoặc nâng cao sự thích thú của họ đối với các từ ngữ đi kèm với hình ảnh. Những hình ảnh minh họa này có vai trò chính làm cho các bài học trở nên sống động, cùng với phần chữ đóng vai trò định hướng giúp việc tổ chức các hoạt động thưởng thức, phân tích… phù hợp với nội dung bài học. Khi tìm hiểu về lịch sử mĩ thuật, hình ảnh minh họa còn có thể giúp học sinh hình dung ra con người, địa điểm hay sự kiện được tái hiện trong di sản. Trong nhiều trường hợp, các hình minh họa không chỉ giúp học sinh thấy được những gì từ ngữ mô tả mà còn có thể giúp người đọc tự hiểu được nội dung đó.

   Trong nội dung lý luận mĩ thuật, hình minh họa giúp học sinh phát triển toàn diện bằng cách kích thích trí tưởng tượng, nâng cao nhận thức về nội dung giáo dục và tăng khả năng quan sát bởi hình ảnh có xu hướng thu hút cả hai bên não của người học, giúp họ dễ dàng ghi nhớ và nhớ lại những kích thích thị giác được cung cấp. Các hình ảnh minh họa thường không chỉ thu hút học sinh vào nội dung bài học mà còn giúp các em có thể hiểu rõ hơn cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập sâu hơn. Nếu được sử dụng một cách thích hợp và logic, hình ảnh không chỉ có thể minh họa cho một nội dung lý luận mang tính “khô cứng” của một bài học mà còn có thể cung cấp những trải nghiệm cơ bản mà học sinh có được những trải nghiệm liên quan đến ngôn ngữ tạo hình, khuynh hướng, quan điểm sáng tạo, một trong những nội dung khó lý giải bằng văn bản một cách tường minh.

   Trong nhiều bài học, hình ảnh còn là gợi ý, hướng dẫn học sinh thực hành theo mục tiêu đặt ra của bài học. Những hình ảnh gợi mở cách tổ chức các hoạt động, phát huy khả năng, năng lực tự học của học sinh. Điều này rất quan trọng bởi đây là một trong những năng lực rất cần thiết, hướng đến việc học tập suốt đời.

   2.2. Tiêu chí lựa chọn hình ảnh trong nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật

   Những kiến thức cơ bản trong nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật được truyền tải đến với học sinh, qua đó hình thành năng lực thưởng thức di sản/ tác phẩm mĩ thuật một cách đúng nghĩa chính là giúp học sinh hiểu được ngôn ngữ mĩ thuật. Thông qua hình ảnh minh họa, học sinh có thể chuyển thể từ ngôn ngữ tạo hình sang ngôn ngữ viết hoặc lời nói để người xem có thể hiểu được. Chính vì thế, việc lựa chọn và sử dụng hình ảnh minh họa ở nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật cần phải tường minh, dễ hiểu và không chỉ giải thích cho nội dung văn bản mà còn mở rộng, bổ sung cho văn bản, giúp học sinh xây dựng khả năng hiểu và các kỹ năng trình bày, cảm nhận... Căn cứ theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT về quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa cũng như đặc thù của nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật thì có một số tiêu chí trong lựa chọn hình ảnh, đó là:

   - Hình ảnh sử dụng không trái với quy định của pháp luật Việt Nam;

   - Hình ảnh sử dụng phải đáp ứng được tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm khi in ấn;

   - Hình ảnh không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội;

   - Hình ảnh liên quan đến sự kiện, thời kỳ phải bảo đảm chính xác, khách quan, nhất quán và phù hợp với trình độ học sinh; các số liệu, sự kiện, hình ảnh có nguồn gốc rõ ràng;

   - Tranh, ảnh, hình vẽ trong sách giáo khoa rõ ràng, chính xác, cập nhật, có tính thẩm mĩ, phù hợp với nội dung bài học, lứa tuổi học sinh và chỉ rõ nguồn trích dẫn;

   - Hình ảnh là tác phẩm mĩ thuật cần được sự thừa nhận của cộng đồng, mang giá trị thẩm mĩ và nhân văn;

   - Không sử dụng những hình ảnh tác phẩm mĩ thuật còn tranh cãi về nội dung, hình thức nghệ thuật.

   Như vậy, với những tiêu chí này đã góp phần quan trọng trong việc lựa chọn hình ảnh minh họa trong nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật hiệu quả ở các bộ sách giáo khoa Mĩ thuật, góp phần giúp học sinh có bức tranh tổng thể về các nội dung liên quan bởi về cơ bản, trong lĩnh vực mĩ thuật, các di sản/ tác phẩm mĩ thuật không sử dụng ngôn ngữ viết, lời nói để chuyển tải hết ý tưởng tác phẩm, mà thông qua yếu tố tạo hình như chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian… hay nguyên lý tạo hình là cân bằng, tương phản, lặp lại, nhịp điệu, nhấn mạnh, chuyển động, tỉ lệ, hài hoà... mà chúng ta được biết đến với tên gọi ngôn ngữ tạo hình.

   3. Khai thác hình ảnh trong dạy nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật trong nhà trường

   Khai thác hình ảnh trong giảng dạy có một số ưu điểm như có thể giúp nâng cao kiến thức và hiệu quả học tập của học sinh thông qua quan sát và phân tích cụ thể trực tiếp. Việc sử dụng các tài liệu trực quan, như hình ảnh, có thể làm mới cách dạy của giáo viên và làm phong phú thêm việc giảng dạy ở nội dung “nặng” về lý thuyết. Trong 6 năng lực đặc thù trong môn Mĩ thuật ở cấp Trung học phổ thông, như: quan sát và nhận thức thẩm mĩ, sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ, phân tích và đánh giá thẩm mĩ, thì các kỹ năng quan sát, phân tích, cảm nhận, đánh giá trên hình ảnh ở mỗi bài học rất cần thiết bởi đó là cách hữu hiệu để nhận biết được giá trị thẩm mĩ của di sản, tác phẩm mĩ thuật liên quan đến nghệ thuật thị giác. Qua đó, học sinh mới thuận tiện hình dung để có thể lựa chọn được hình thức thực hành, sáng tạo thể hiện yếu tố thẩm mĩ đặc trưng theo yêu cầu của bài học, từ hình thức làm sản phẩm mĩ thuật 2D, 3D mô phỏng theo di sản, phong cách, trường phái hay viết bài luận, sơ đồ tư duy, thuyết trình... để truyền thông về nội dung bài học. Do đó, căn cứ vào nội dung biên soạn trong sách giáo khoa Mĩ thuật ở mỗi lớp, giáo viên lựa chọn/ kết hợp các biện pháp như:

   - Trước tiết dạy:

   Chuẩn bị nội dung liên quan (tương ứng với phần đồ dùng dạy học/ thiết bị dạy học), giáo viên sưu tầm hình ảnh từ tranh/ ảnh, video clip liên quan đến nội dung của chủ đề/ bài học để làm minh chứng và tăng sự hấp dẫn, tính trực quan khi học sinh phân tích di sản/ tác phẩm mĩ thuật. Qua đó giúp học sinh nhận biết về ngôn ngữ tạo hình một cách tường minh. Cùng với đó, giáo viên có thể sưu tầm những hình ảnh minh họa liên quan đến bối cảnh lịch sử, bài viết về ý nghĩa của di sản/ tác phẩm mĩ thuật; quan điểm, sự nghiệp sáng tác của tác giả để có thể cung cấp những nguồn tư liệu xác đáng cho học sinh tham khảo, viết bài giới thiệu về tác giả, tác phẩm (nếu cần).

   - Trong tiết dạy:

   + Sắp xếp hình ảnh để tổ chức trò chơi nhằm định hướng, dẫn dắt vào chủ đề/ bài học và tạo bầu không khí học nghệ thuật tích cực, thoải mái đối với học sinh. Những trò chơi này được xây dựng theo tiêu chí: thu hút nhiều học sinh tham gia và dễ chơi, thời gian tổ chức ngắn, có hình ảnh gần gũi đến nội dung của chủ đề/ bài học.

   + Tổ chức các hoạt động:

   ♦ Giao nhiệm vụ học tập cho học sinh nhằm giúp cá nhân/ nhóm học sinh tự giác sưu tầm các tài liệu, hình ảnh có liên quan đến chủ đề/ bài học từ các nguồn khác nhau. Trong đó, giáo viên cần lưu ý học sinh tìm ở những địa chỉ website uy tín như của Bảo tàng Mĩ thuật, các bộ sưu tập nghệ thuật trong nước và thế giới… Học sinh cần tìm hiểu nội dung trong sách giáo khoa, xem các hình minh họa trước để nắm sơ bộ nội dung bài và định hướng trong việc tìm hình ảnh. Trong quá trình sưu tầm hình ảnh, học sinh cần chuẩn bị những ý kiến cá nhân về nội dung cần trao đổi, thảo luận. Ở phần này, học sinh thuyết trình bằng hình thức viết trên bảng, giấy A1 hay PowerPoint… trên cơ sở phần chuẩn bị của cá nhân/ nhóm.

   ♦ Tổ chức cho học sinh/ nhóm học sinh trao đổi, thảo luận theo các hình ảnh trong sách giáo khoa, hay tư liệu hình ảnh đã chuẩn bị, để phân giải các yếu tố/ nguyên lý tạo hình trong tác phẩm mĩ thuật.

   ♦ Tìm hiểu về những thông tin, hình ảnh ảnh liên quan khác như bối cảnh xã hội, quan điểm sáng tác, phong cách/ khuynh hướng, thân thế/ sự nghiệp tác giả… để làm sinh động, phong phú hơn tiết dạy.

   ♦ Trên cơ sở phân tích, đánh giá, nhận định về hình ảnh liên quan, giáo viên tổ chức cho học sinh thực hành theo câu lệnh trong sách giáo khoa để chuyển hóa kiến thức mĩ thuật vào trí óc người học, cũng như qua sản phẩm mĩ thuật của học sinh để kiểm soát quá trình lĩnh hội của người học đã hiệu quả chưa (nếu học sinh không thực hiện sản phẩm mĩ thuật theo mục tiêu đặt ra của chủ đề/ bài học thì giáo viên biết được nguyên nhân để đưa ra giải pháp khắc phục hiệu quả).

   ♦ Tổ chức cho học sinh trưng bày, nhận xét sản phẩm mĩ thuật đã thực hiện theo câu hỏi gợi ý trong sách giáo khoa nhằm củng cố lại kiến thức về mĩ thuật đã hình thành trong hoạt động thực hành cũng như kiểm tra quá trình nhận thức của học sinh về khái niệm, đối tượng của chủ đề/ bài học có chắc chắn không hay việc nhận biết chỉ là may rủi. Những câu hỏi ở phần này mang tính tổng hợp lại những kiến thức, kỹ năng mà học sinh đã hình thành ở các hoạt động trước (Mở đầu, Hình thành kiến thức mới). Trong phần này, ngôn ngữ tạo hình trong sản phẩm mĩ thuật mà học sinh vừa làm ra được cụ thể hóa thành ngôn ngữ viết (thông qua viết bài giới thiệu về sản phẩm mĩ thuật với người thân trong gia đình) hoặc nói (thông qua hoạt động trình bày, giới thiệu với bạn bè, thầy cô).

   4. Kết luận

   Như vậy, việc khai thác hình ảnh trong dạy nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật chỉ thực sự hiệu quả khi đảm bảo tính đồng bộ, cụ thể, đa dạng, rõ ràng và phù hợp với đối tượng học sinh trong lớp cũng như điều kiện tổ chức trên lớp. Bên cạnh những hình ảnh đã có trong sách giáo khoa, tài liệu bổ trợ thì giáo viên, học sinh cần khai thác những hình ảnh liên quan trên internet, tranh/ ảnh trong những tài liệu liên quan. Điều này làm cho bài học trở nên đa dạng, hấp dẫn, không bị nhàm chán. Việc sử dụng hình ảnh trong dạy học nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật tác động trực quan nhất, giúp các ngôn ngữ tạo hình, quan điểm/ khuynh hướng sáng tác được phân giải, cụ thể, giúp học sinh hiểu rõ và hình thành năng lực mĩ thuật theo từng mức độ tương ứng với mỗi lớp. Điều này góp phần dạy hiệu quả nội dung lý luận và lịch sử mĩ thuật ở cấp Trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa, Ban hành theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 12 năm 2017.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Ban hành theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5 tháng 5 năm 2006.

Chú thích:
* Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
1 Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (môn Mĩ thuật), Ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018.

Bình luận

    Chưa có bình luận