Cơn sốt phòng vé đối với một bộ phim điện ảnh Việt Nam thường mang theo không khí hưởng thụ nghệ thuật đặc biệt, là sự kết hợp của sự háo hức, lòng tự hào dân tộc và sự mong đợi vào tác phẩm nghệ thuật. Khi một bộ phim có chất lượng được tung ra, người hâm mộ thường xuyên tạo nên cảnh đua nhau để sở hữu những tấm vé, cơn sốt không chỉ trong cộng đồng điện ảnh mà còn lan tỏa ra nhiều tầng lớp khác trong xã hội. Cảm giác đặc biệt này xuất phát từ sự hào hứng với nội dung của bộ phim và sự tự hào về việc ủng hộ, chia sẻ với người sáng tạo nghệ thuật Việt Nam. Sau mỗi suất chiếu, người hâm mộ thường thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu đối với bộ phim thông qua những chia sẻ của họ. Điều này vô tình tạo ra những cuộc trao đổi, thảo luận sôi nổi về bộ phim, từ đó bộ phim sẽ được quảng bá một cách tự nhiên và chân thật nhất.
Phim Mai của đạo diễn Trấn Thành và phim Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn ra rạp thời gian qua đã tạo nên cơn sốt phòng vé như vậy. Từ các buổi công chiếu đầu tiên, cơn sốt phòng vé thường đi kèm với những phản ứng tích cực từ khán giả và giới chuyên môn, góp phần tạo nên một đợt sóng tích cực cho làn sóng phim Việt Nam. Đây không chỉ là niềm vui của đội ngũ làm phim mà còn là niềm vui chung của cả cộng đồng người hâm mộ điện ảnh, nơi mà nghệ thuật và văn hóa được thể hiện qua tác phẩm điện ảnh. Những thành công của hai bộ phim này cũng đồng thời mở ra triển vọng cho điện ảnh Việt Nam phát triển cùng công nghiệp văn hoá trong giai đoạn mới.
1. Những thành công của phim Mai và phim Đào, phở và piano
Một số yếu tố có thể đóng góp vào thành công của phim bao gồm chất lượng kịch bản, nội dung, diễn xuất, kỹ thuật làm phim, âm nhạc và âm thanh, khả năng kết nối và phản hồi của khán giả, quảng bá, giải thưởng... Những thành công này thường là kết quả của sự cố gắng đầu tư vào nghệ thuật và sản xuất, sự đổi mới trong biểu đồ nội dung cũng như sự hỗ trợ từ cộng đồng người hâm mộ và giới chuyên môn. Từ góc độ lý luận, phê bình và thực tiễn (kết quả doanh thu phòng vé, hiệu ứng khán giả...), có thể thấy thành công của phim Mai và phim Đào, phở và piano ở một số khía cạnh cụ thể như sau:
Thứ nhất, về chất lượng kịch bản. Chất lượng của một kịch bản là một yếu tố quyết định đối với thành công của một bộ phim điện ảnh. Đạo diễn người Nhật Bản Akira Kurosawa đã từng cho rằng “Kịch bản là cái gốc để làm nên cái cây. Công việc của đạo diễn là làm cho cây đơm hoa kết trái”1. Còn đạo diễn người Pháp Mathieu Kassovitz thì cho rằng “Kịch bản chính là cơ sở. Nếu như không có kịch bản chặt chẽ, đạo diễn chẳng tiến xa được”2. Một số tiêu chuẩn quan trọng mà một kịch bản phải đáp ứng để được coi là chất lượng gồm: (1) Cốt truyện sáng tạo và hấp dẫn; (2) Tư tưởng chủ đề sâu sắc và ý nghĩa; (3) Nhân vật phát triển và hấp dẫn; (4) Cấu trúc kịch bản duy trì sự chú ý của khán giả; (5) Ngôn ngữ sắc sảo; (6) Thống nhất phong cách và ý tưởng; (7) Khả năng chuyển đổi từ ý tưởng sang hình ảnh; (8) Chăm sóc các chi tiết trong kịch bản.
Phim Mai và phim Đào, phở và piano thể hiện kịch bản được viết tốt, đảm bảo những yêu cầu của một kịch bản để làm phim điện ảnh ăn khách. Với phim Mai, qua số phận đặc biệt của Mai, kịch bản đã khắc họa khát khao, hi vọng vào tình yêu của một người phụ nữ với những bi kịch lộn xộn của hiện tại và quá khứ tăm tối. Cấu trúc kịch bản phim dẫn dắt khán giả với chất kịch tính, hồi hộp, lãng mạn, ngọt ngào, đầy sâu lắng như một bản tình ca đã tạo nên sự đồng cảm và kết nối với nhân vật. Không dừng lại ở đó, kịch bản còn lồng ghép vào đó sự phản tư đối với các vấn đề xã hội, gia đình, đồng nghiệp… Từ những chi tiết nhỏ trong kịch bản như yếu tố tâm linh, tôn giáo (những nén nhang của người bán hàng cúng vào buổi sáng, bối cảnh nhà thờ…) cho thấy chiều sâu của kịch bản.
Thoại trong kịch bản vừa mang tính tự nhiên nhưng cũng mang đầy thông điệp, tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ và truyền cảm hứng sâu sắc, như khi nhân vật Mai nói: “Cái mền sạch nhất cũng có bụi”, “Thấy không? Đâu có ai sống thiếu ai mà chết đâu”, “Thế giới rất đông người, đã gặp được em, nếu có thể hãy ở lại nhé”, hay nhân vật Dương nói: “Nếu yêu lần nữa thất bại anh sẽ là quá khứ mới của em, nếu thành công chúng ta sẽ là tương lai của nhau”. Có thể nói, Mai sở hữu một kịch bản hấp dẫn người xem với nhiều tầng nghĩa, dẫn khán giả đi từ câu chuyện ngôn tình đến tổn thương và chấp nhận hiện thực nghiệt ngã.
Phim Đào, phở và piano khai thác lịch sử ở góc nhìn ba ngày cuối cùng của trận Hà Nội 1946, trước khi quân Việt Minh rút lên Việt Bắc chuẩn bị cho giai đoạn trường kỳ kháng chiến. Phim thể hiện "nét chấm phá lãng mạn giữa hiện thực chiến tranh tàn khốc". Kịch bản đã đi sâu vào tâm lý các nhân vật bám trụ lại Hà Nội tới những giây phút trước cái chết. Yếu tố văn hoá bản địa được đưa vào phim như những biểu tượng quen thuộc với hoa đào tượng trưng cho Tết tại Miền Bắc bởi thời điểm chuyện phim diễn ra vào các ngày cận Tết, phở là món ăn thân thuộc của người Hà Nội còn piano là âm điệu sử thi vang lên trong các khu phố tĩnh lặng của Hà Nội. Chiều sâu của câu chuyện kịch bản ẩn chứa tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc của các nhân vật trong phim với nhiều giai tầng khác nhau: từ cậu bé đánh giày, ông bà bán phở đến tầng lớp trí thức gồm vị cha xứ, ông họa sĩ... Họ đều tham gia hay ít nhiều ủng hộ Việt Minh, chống lại Pháp. Những nhân vật này đa phần không có tên nhưng đã khắc họa tinh thần yêu nước bất khuất của họ trước chiến tranh. Hà Nội hiện lên đầy hào hoa với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hiện tượng cháy phòng vé với đề tài lịch sử cho thấy kịch bản lịch sử vẫn luôn thu hút người trẻ khi nó được khai thác một cách mới mẻ, hấp dẫn.
Như vậy, có thể nói các yếu tố cấu thành cấu trúc của kịch bản, bao gồm giới thiệu, phát triển, cao điểm và hạ điểm, cũng như đồng thời các yếu tố xoắn ốc để duy trì sự chú ý của khán giả… đã làm tăng tính thú vị cho phim. Từ đó cũng đã làm cho kịch bản có khả năng chuyển đổi thành hình ảnh, âm thanh và các yếu tố trực quan khác một cách hiệu quả trong thực hiện ý tưởng kịch bản của cả hai bộ phim.
Thứ hai, công tác đạo diễn và kỹ thuật làm phim. Cách mà đạo diễn hướng dẫn diễn viên, lựa chọn, trau chuốt bối cảnh, góc quay, sử dụng ánh sáng và các yếu tố kỹ thuật khác cùng với sáng tạo trong kỹ thuật làm phim có thể làm nổi bật bộ phim và tạo ra ấn tượng sâu sắc, thành công.
Đối với phim Mai, cảnh nóng trong phim rất tinh tế và không gợi dục, thể hiện rất rõ vai trò của đạo diễn và kỹ thuật quay phim. Trả lời phỏng vấn với Tạp chí Tri thức, diễn viên Tuấn Trần - Vai Dương, đã cho rằng: “Trong 2 cảnh, khó khăn nhất là khi quay với Mai. Nó thể hiện bước ngoặt của hai nhân vật, cho thấy họ đã đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm hay chưa. Cảnh đó được quay trong 4 ngày. Nhờ thế, tôi rất nể anh Trấn Thành và anh Diệp Thế Vinh. Hai người theo chủ nghĩa duy mĩ nên chỉ cần xấu hay sai ánh sáng là cắt hết”3. Điều này cho thấy đạo diễn hình ảnh tinh tế trong từng khung hình và có sự tôn trọng diễn viên trong quá trình quay cảnh nóng để đảm bảo khả năng hoàn hảo từ sự rung động thị giác nhưng vẫn đảm bảo lý tưởng thẩm mĩ của nghệ thuật.
Bối cảnh chính phim Mai là chung cư 122 An Bình, Thành phố Hồ Chí Minh được đưa lên phim với kỹ thuật quay phim tốt, chọn nhiều góc đẹp, tinh tế từ giếng trời, cầu thang cũ đã làm cho bộ phim vừa gần gũi với người Việt vừa tạo ra không gian bối cảnh có nhiều chất điện ảnh. Cụ thể như ở cảnh quay “one-shot”, sau khi nhân vật Dương và Mai đi hẹn hò và trở về nhà, cú máy đi từ tầng trệt của chung cư lên đến tầng 3, rồi đi vào tận nhà Mai. Đây là một cú “one-shot” rất kỳ công, đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố như máy móc, cần cẩu, mưa và cảm xúc của diễn viên. Hay cú “one-shot” khác trong cảnh Mai đánh lại Diễm - đồng nghiệp ở tiệm spa thể hiện Mai vùng lên một cách mạnh mẽ trong sự kết hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc và hình ảnh, tạo cảm giác thỏa mãn cho người xem. Một phân cảnh khác cũng cho thấy kỹ thuật quay hiệu quả của phim là cú máy bắt chính xác từng nhịp di chuyển và câu thoại của diễn viên khi Mai nắm tay Dương đi từ nhà xuống dưới tầng trệt của chung cư và dám lần đầu tiên lớn tiếng nói lại những người hàng xóm đã “bắt nạt” mình. Ngoài ra, các góc máy toàn, trung và khuất mặt nhân vật tạo nên sự bí ẩn, phong cách dựng đối sánh liên tiếp hành động ở một số cảnh cũng được đạo diễn sử dụng hiệu quả tạo cho khung hình chuyển động liên tục, kích thích thị giác người xem.
Đối với Đào, phở và piano, cảnh nóng ngọt ngào trong phim cũng được đạo diễn Phi Tiến Sơn thực hiện đầy tinh tế và lãng mạn. Điều này cũng cho thấy đạo diễn đã thực hiện công tác diễn viên rất tốt. Cao Thị Thùy Linh cho rằng: "Vai diễn là thử thách lớn với tôi vì chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào, chưa từng đóng phim nào cả nên rất khó khăn. Ngay từ đầu tôi cũng đã nói chuyện với chú đạo diễn là sợ không làm được nhưng cũng được các cô chú động viên rất nhiều"4. Về dàn dựng bối cảnh và kỹ xảo như hình ảnh cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn… có cả xe tăng, toa tàu điện... hiện lên đều rất Hà Nội. NSND Trần Lực cho rằng: “Một trong những điều anh tâm đắc, cảm thấy bất ngờ nhất chính là bối cảnh phim được đầu tư rất lớn và hoành tráng. Đây là trường quay về đề tài phim lịch sử có thể nói là lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Bối cảnh phim được phục dựng công phu ở không gian rộng, không vướng nhà cao tầng hay cột điện nên có thể quay được góc máy 360 độ, không phải cắt góc máy liên tục, góc quay không bị bó lại như trước đây"5. Có thể nói, với kinh phí 20 tỉ đồng để tái hiện bối cảnh một phim đề tài chiến tranh như Đào, phở và piano là rất khiêm tốn nhưng đạo diễn đã tạo ra được những hình ảnh và kỹ xảo như vậy là rất đáng khen ngợi. Bởi lẽ trước đây một số phim Việt về đề tài lịch sử, chiến tranh từng nhận nhiều phản hồi kém tích cực vì bối cảnh sơ sài, thiếu thuyết phục. Một ưu điểm khác là đạo diễn Phi Tiến Sơn đã tạo hiệu ứng chuyển thời gian, sử dụng 2 gam màu tối, xám để tái hiện đúng với 2 thời kỳ chiến tranh và hoà bình, do đó đã mang tính điện ảnh cao. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng: “Những chi tiết, tình huống... cho phép các nhân vật đều thể hiện được cái chất Hà Nội không thể trộn lẫn. Bối cảnh dựng đặc biệt chân thực, gây cảm xúc mạnh mẽ. Lấy cái hiện tại là một đôi trai gái tưởng đã bị chia lìa bởi chiến tranh hóa ra lại tìm thấy nhau và gắn kết vĩnh viễn… Không chỉ vậy, đạo diễn đã chọn một cách kể phi tuyến tính, nhưng câu chuyện vẫn mạch lạc, với mọi nhân vật đều đi đến cùng số phận. Đan xen cái hiện tại với một quá khứ tính bằng giờ là không dễ dàng. Nhưng tác giả kịch bản đã làm được khiến cảm xúc của người xem không bị đứt rời. Và những góc máy đầy mĩ cảm là điều mà nhiều bộ phim Việt gần đây không làm được”6. Trong các góc máy quay, dù bối cảnh không được đầu tư như các phim bom tấn nhưng đạo diễn Phi Tiến Sơn đã tái hiện được không khí của những năm chiến tranh. Đặc biệt, góc máy tạo nên tính ẩn dụ cao và sâu sắc thể hiện ở cảnh quay những giọt máu nhỏ xuống để làm màu vẽ.
Thứ ba, vai trò của diễn viên trong phim. Chất lượng của diễn xuất từ phía diễn viên có vai trò quan trọng trong việc làm cho một bộ phim trở nên thành công và ghi điểm với khán giả. Sự hòa quyện giữa kịch bản tinh tế và sự biểu diễn tài năng đã tạo nên một trải nghiệm độc đáo, khó quên.
Đối với Mai, diễn viên Phương Anh Đào có lối diễn xuất nội tâm tuyệt vời, làm tròn vai nữ chính, đã giúp tạo nên nhân vật sâu sắc, độc đáo và thú vị. Khả năng diễn xuất của nhân vật Mai có sự tiết chế, dồn nén và dâng cao trào trong nhiều trường đoạn làm vỡ oà cảm xúc của khán giả, cùng với sự tương tác tốt với bạn diễn đã làm cho khán giả cảm nhận được số phận nhân vật và chìm đắm vào tình huống kịch tính của nhân vật. Điều này cho thấy đạo diễn đã chọn đúng diễn viên với sự hiểu biết và thể hiện đầy đủ đối với số phận nhân vật mình hoá thân. Diễn viên Hồng Đào (mẹ Dương) trong phim Mai cũng đã tạo nhiều điểm nhấn cho phim với cách nuôi cảm xúc và nhấn nhả thoại ấn tượng. Ở nhiều phân đoạn, khi tương tác với Dương, Mai - Hồng Đào đã lột tả hết sự khôn khéo, sắc sảo, tính đa diện và chiều sâu của nhân vật.
Đối với Đào, phở và piano, cái khó về mặt diễn xuất của các diễn viên là phim diễn tả nội dung theo hướng đồng hiện, thời gian trong phim chỉ diễn ra đúng một ngày đêm. Khi đạo diễn đã phải đồng hiện tất cả lát cắt, các nhân vật trong phim sao cho hợp lý thì diễn viên cũng đã thể hiện được việc nhập vai của mình theo thời gian trong phim. Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thu Hà - Cục phó Cục Điện ảnh: “Các diễn viên đã rất "tròn" vai, tạo được những tình huống bất ngờ cho người xem. Trong phim có cả những gương mặt diễn viên mới và những diễn viên đã từng đóng nhiều vai như: NSƯT Trần Lực, Anh Tuấn, Thiện Hùng, ca sĩ Tuấn Hưng, Doãn Quốc Đam, Thùy Linh, NSND Trung Hiếu…”7. Trong đó, có thể nói nữ diễn viên Cao Thị Thùy Linh chiếm được thiện cảm của khán giả nhờ vẻ đẹp thanh lịch, dung dị nhưng cũng có tính cách đài các của tiểu thư Hà thành ngày xưa. Còn diễn viên Doãn Quốc Đam - vai Văn Dân cũng đã có nhiều cảnh diễn ấn tượng, nhất là ở phân đoạn cuối phim đã đẩy cảm xúc người xem lên cao trào.
Thứ tư, âm nhạc trong phim. Âm nhạc trong phim có vai trò hết sức to lớn, nó biểu thị cảm xúc, tính liên tục, tính dẫn chuyện và tính thống nhất. Khi chất liệu âm nhạc được thể hiện phù hợp sẽ thôi miên chúng ta trong thế giới của phim. Phim Mai của Trấn Thành ấn tượng với 5 ca khúc bao gồm: Sau lời từ khước của Phan Mạnh Quỳnh; Đen đá không đường của Amee; Những con sông ngón tay của Trần Thu Hà; Bartender của Ngọt và Mùa thu mây ngàn của Từ Công Phụng. Sự thành công của phim có sự góp mặt của các ca khúc này là rất lớn, đặc biệt “Ca khúc Sau lời từ khước - do Phan Mạnh Quỳnh sáng tác và thể hiện đã giành top 1 Trending Music của YouTube Việt Nam. Đồng thời, bài hát này cũng đạt vị trí số 1 trên các nền tảng nhạc số như iTunes, Apple Music, NCT Realtime, Zing MP3”8. Đối với Đào, phở và piano, âm nhạc của phim là sự được kết hợp thú vị giữa di sản văn hoá dân tộc với bản ca trù Chí làm trai, Đời đáng chán, Hồn tử sĩ, Du kích ca, Suối mơ kết hợp với âm nhạc phương Tây - Lavie En Rose, Liebestraum, Bridal Chorus. Tất cả các bản nhạc trong phim hiện lên giữa bối cảnh chiến tranh đều đẩy cảm xúc, nó không chỉ thể hiện đúng với những phân cảnh nội tâm của nhân vật mà còn phù hợp với bối cảnh thời gian.
Như vậy, có thể nói âm nhạc của cả hai bộ phim không chỉ hỗ trợ hình ảnh mà còn cho phép khán giả cảm giác được cái vô hình, các quá trình cảm xúc và tinh thần của các nhân vật trong phim. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong âm nhạc của Đào, phở và piano cũng là một trong những phương thức đưa các giá trị văn hoá dân tộc vào trong nghệ thuật một cách tinh tế, riêng biệt.
Thứ năm, phản hồi tích cực từ khán giả, chuyên gia và sự tham gia quảng bá phim của mạng xã hội. Đánh giá về các tác phẩm điện ảnh của Trấn Thành, bà Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng: “Tuy có ý kiến trái chiều, khen hết lời hoặc chê thậm tệ nhưng phải công nhận rằng các tác phẩm của Trấn Thành là những bộ phim vừa có tính giải trí hấp dẫn, vừa có thông điệp xã hội tích cực, vừa xác lập được kỷ lục doanh thu Việt, lại vừa dần khẳng định một phong cách Trấn Thành trong điện ảnh Việt Nam”9. Còn nhà báo Thuận Minh thì đánh giá: “Ở Mai, Trấn Thành đã học được cách đan cài nhịp nhàng nhiều ngôn ngữ điện ảnh khác. Nổi bật nhất là thủ pháp kể chuyện bằng hình ảnh, thứ đã phủ lên tác phẩm của anh lớp chất liệu nghệ thuật ấn tượng”10. Cùng với đó là sự hưởng ứng tích cực của khán giả trên nền tảng TikTok: “Mai thu hút hơn 48.000 lượt video đăng tải và có hơn 1,1 tỉ lượt xem các nội dung chia sẻ xoay quanh bộ phim. Tác phẩm của Trấn Thành còn được đánh giá cao nhờ những nội dung quảng bá thú vị và nhiều tiết lộ về hậu trường phim”11. Với sự góp mặt của phim Mai, nhà báo Ấn Độ Liz Shackleton cho rằng điện ảnh Việt Nam với “Lịch phát hành dày đặc phản ánh một thị trường sôi động đã chứng kiến sự phục hồi xuất sắc sau đại dịch - theo một số người, đây là sự phục hồi nhanh thứ hai ở châu Á sau Ấn Độ - cùng với ngành công nghiệp địa phương trẻ nhưng năng động”12.
Trong khi đó, khác với Mai của Trấn Thành phát hành cùng với một chiến dịch truyền thông bài bản thì Đào, phở và piano gần như hoàn toàn được khán giả biết đến qua kênh mạng xã hội lan truyền. Tuy nhiên, chính giới trẻ lại là những người có phản hồi tích cực và lan tỏa mạnh mẽ về phim. Việc liên tục tạo cơn sốt săn vé Đào, phở và piano dường như đã đẩy sức nóng của bộ phim vượt qua cả Mai, các rạp chiếu được mở thêm, cảnh xếp hàng đợi mua vé vì web đặt vé sập… thậm chí nhiều khán giả cảm thấy mình hạnh phúc và tự hào khi được cầm tấm vé xem bộ phim. Chính phản hồi từ khán giả có thể cung cấp cái nhìn đa chiều về chất lượng của bộ phim.
Thứ sáu, doanh thu phòng vé và giải thưởng. Doanh thu tại rạp chiếu phim và giải thưởng là một trong những chỉ số rõ ràng nhất về chất lượng và thành công của một bộ phim. Phim Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn đạt Giải Bông sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23. Giải thưởng dành cho bộ phim là sự công nhận của hội đồng đánh giá chuyên môn về chất lượng nghệ thuật mà phim mang lại. Phim Mai chưa tham dự liên hoan phim nào, tuy nhiên có thể dự báo sẽ đạt được các giải thưởng trong thời gian tới.
Với bộ phim Mai, tính đến chiều 8/3/2024, là tác phẩm ăn khách nhất phòng vé Việt với tổng doanh thu hơn 530 tỉ đồng (số liệu của Box Office Vietnam)13. Còn doanh thu phim Đào, phở và piano mặc dù chỉ mới được chiếu ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia (từ 10/2/2024) và 2 hệ thống Cinestar và Beta Media (22/2/2024) nhưng cũng đã đạt doanh thu 11,8 tỉ đồng tính đến sáng 5/3/2024 (theo công bố doanh thu từ trang web thống kê doanh thu vé rạp Box Office Việt Nam)14 đã tạo nên một kỳ tích chưa từng có đối với một phim đề tài lịch sử được Nhà nước đặt hàng sản xuất. Kết quả doanh thu của bộ phim đã chứng tỏ được những tiềm ẩn khả năng mang lại giá trị thương mại cao với tư cách là một phim được Nhà nước đặt hàng.
2. Một số trao đổi, gợi mở
Thứ nhất, về phía nhà làm phim. Đối với nhà làm phim Mai, phim thành công về mặt doanh thu cho thấy yếu tố thị trường đã đạt được. Tuy nhiên, để thành công hơn nữa về tính nghệ thuật thì đòi hỏi kịch bản phải được gọt giũa chỉn chu hơn. Trong phim, càng về cuối thì càng bị ''kịch hoá'' thiếu sâu sắc, cụ thể như cảnh Mai bị “làm nhục” tại nhà Dương không thể hiện được ngôn ngữ điện ảnh.
Tình tiết xử lý nhân vật cuối cùng ở kết phim cũng trở nên bất hợp lý khi Trấn Thành để khoảng thời gian 4 năm xa cách, Sâu không đi tìm Mai, Mai cũng chả mảy may liên lạc lại với Sâu khi đã thành đạt cho đến khi gặp lại và nói: “Cảm ơn vì đã không đợi em”. Hơn nữa, nếu chỉ dừng lại ở đó thì câu nói trên để kết phim vẫn còn ý nghĩa rất đắc nhưng khi lên xe, Mai lại không ngăn nổi những giọt nước mắt đau khổ và tiếc nuối. Điều này cho thấy bàn tay sắp đặt của đạo diễn với kết chuyện gượng ép. Có lẽ Mai muốn trở thành bướm nhưng cô ấy lại bị mắc kẹt đáng tiếc từ sự sắp đặt chứ không phải sự chấp nhận tự nhiên như kịch bản phải cần. Với thể loại tâm lý tình cảm thì phim Mai vẫn quen thuộc, dễ đoán, dù có những cú “bẻ lái” của kịch bản.
Đối với nhà làm phim Đào, phở và piano, hệ thống nhân vật dày đặc nhưng thời lượng chuyển tải còn hạn chế nên không giải quyết triệt để sâu sắc và mất sự kết nối. Bên cạnh đó, phần cảnh trí, kỹ xảo của phim cũng chưa tương xứng với một đề tài phim chiến tranh. Trong khi những cảnh về khu phố Hà Nội rất đẹp thì cảnh khu chiến lũy lại hơi giả, tạo cảm giác giống cảnh trí dàn dựng sân khấu kịch. Khán giả chưa thấy được sự hoành tráng, mãn nhãn của bối cảnh phim trường mà tạm chấp nhận trong sự đánh giá tiến bộ so với các phim trước trong nước về đề tài lịch sử. Phần diễn xuất của nữ chính Thùy Linh và em bé đánh giày của Thiện Hùng trong nhiều phân cảnh gặp khó khăn khi thể hiện tâm lý nhân vật. Ngoài ra, trong phim, nhiều câu thoại bằng tiếng Pháp không có dịch phụ đề, gây khó hiểu.
Điểm khó chịu lớn nhất là hình ảnh bát phở bò xuất hiện 4-5 lần với việc xử lý ánh sáng và âm thanh không phù hợp đưa đến cho người xem cảm giác đang xem quảng cáo phở Hà Nội. Đạo diễn Martin Scorsese đã từng lưu ý rằng: “Điều đầu tiên phải tránh của một đạo diễn là sự lặp lại. Do e sợ hay thiếu tự tin, chúng ta dễ có xu hướng nhấn mạnh ý nghĩa của bộ phim hay cảm xúc của cảnh, lặp lại nhiều lần một thông điệp hay tái diễn nhiều lần một cảm xúc. Người làm phim thường muốn có một đoạn then chốt để làm trụ cho phim nhưng khi ta lặp lại hoặc làm rõ quá ý đồ thì theo tôi, có nghĩa là bộ phim đã hỏng”15.Vì vậy, đây cũng là điểm mà đạo diễn cần phải lưu ý khi thực hiện ý đồ này.
Thứ hai, về phía chính sách của Nhà nước. Việc Đào, phở và piano trở thành một hiện tượng được đón nhận bởi đông đảo khán giả đã cho thấy hoạt động phát hành phim do Nhà nước đặt hàng có ý nghĩa to lớn và triển vọng. Khi Nhà nước tham gia vào thị trường sẽ là cơ hội đa dạng hoá thị trường, khán giả cũng có nhiều sự lựa chọn hơn. Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng căn cứ pháp lý và có chính sách, quy định rõ ràng để các đơn vị phát hành tư nhân tham gia vào việc phổ biến phim đến khán giả. Đó cũng là cách mà Nhà nước đầu tư cho nghệ thuật hiệu quả, đảm bảo tác phẩm không bị lãng phí và cũng không bị lãng quên. Không dừng lại ở đó, khi điện ảnh được định hướng trở thành một trong những ngành thuộc công nghiệp văn hóa thì nó có sự đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với cộng đồng thế giới.
3. Kết luận
Việc tạo ra những bộ phim chất lượng không chỉ giúp thúc đẩy nghệ thuật và văn hóa phát triển mà là động lực để điện ảnh Việt Nam vươn đến tầm vóc quốc tế của ngành công nghiệp điện ảnh. Thành công của một bộ phim không chỉ thể hiện qua doanh thu mà còn là sức lan tỏa của nó trong cộng đồng điện ảnh và tầm ảnh hưởng lâu dài, vì vậy chế tác tác phẩm điện ảnh cần phải đảm bảo cả yếu tố thị trường và yếu tố nghệ thuật. Bằng cách tạo ra những trải nghiệm độc đáo và sâu sắc, bộ phim không chỉ là sản phẩm giải trí mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, làm dậy lên những cảm xúc và tư duy của khán giả, điều mà ít phương tiện truyền thông nào có thể đạt đến. Điện ảnh Việt Nam đang bước thêm những bước tiến mới với các tác phẩm ngày càng có chất lượng hơn, Mai của Trấn Thành và Đào, phở và piano của Phi Tiến Sơn đặt dấu mốc cho những hành trình tiếp tục lớn mạnh của điện ảnh Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Minh (2009), Khi đạo diễn trẻ già dặn, NXB Văn hoá Sài Gòn.
2. Laurent Tirard (2013), Những bài học đạo diễn 2, NXB Hồng Đức.
3. https://znews.vn/tuan-tran-canh-nongcua-toi-va-phuong-anh-dao-quay-trong4-ngay-post1459946.html
4. https://thanhnien.vn/nu-chinh-dao-phova-piano-tiet-lo-canh-quay-hai-nhatphim-185240301122140572.htm
5. https://dantri.com.vn/van-hoa/hinh-anhhau-truong-hiem-hoi-cua-phim-daopho-va-piano-20240223095542831.htm
6. https://giaoducthoidai.vn/giai-ma-consot-dao-pho-va-piano-post672637.html
7. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/ thay-gi-tu-hien-tuong-dao-pho-va-piano119240224111432982.htm
8. https://thanhnien.vn/phim-mai-cua-tranthanh-bat-ngo-tung-poster-lam-nongmang-xa-hoi-185240220163121396.htm
9. https://vtcnews.vn/phim-cua-tran-thanhtranh-cai-kich-liet-bung-no-phong-vear854615.html
10. https://deadline.com/2024/02/vietnamfilm-business-pandemic-multiplexgrowth-audiences-1235834973/
11.https://tienphong.vn/mai-cua-tran-thanh-tiep-tuc-bi-vuot-matpost1618521.tpo#:~:text=Sau%20một%20tháng%20ra% 20rạp%2C%20Mai%20doanh%20thu%20 của20Mai,liệu%20của%20Box%20 Office%20Vietnam).
Chú thích:
1, 15 Lê Minh (2009), Khi đạo diễn trẻ già dặn, NXB Văn hoá Sài Gòn, tr. 213, 223.
2 Laurent Tirard (2013), Những bài học đạo diễn 2, NXB Hồng Đức, tr. 52.
3 https://znews.vn/tuan-tran-canh-nong-cua-toiva -phuong- anh-dao-quay-trong- 4 -ngaypost1459946.html
4 https://thanhnien.vn/nu-chinh-dao-pho-vapi ano-ti e t-lo- c anh-quay-ha i-nha t-phim185240301122140572.htm
5 https://dantri.com.vn/van-hoa/hinh-anh-hautruong-hiem-hoi-cua-phim-dao-pho-va-piano20240223095542831.htm
6 https://giaoducthoidai.vn/giai-ma-con-sot-daopho-va-piano-post672637.html
7 https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thayg i - t u - h i e n - t u o n g - d a o - p h o - v a - p i a n o 119240224111432982.htm
8 https://thanhnien.vn/phim-mai-cua-tran-thanhbat-ngo-tung-poster-lam-nong-mang-xa-hoi185240220163121396.htm
9 https://vtcnews.vn/phim-cua-tran-thanh-tranhcai-kich-liet-bung-no-phong-ve-ar854615.html
10 https://znews.vn/tran-thanh-len-tay-nhung-vancon-nhung-vung-ve-dang-tiec-post1460497.html
11 https://thanhnien.vn/mai-cua-tran-thanh-gaysot-ra-sao-tren-tiktok-185240301080455743.htm
12 https://deadline.com/2024/02/vietnam-filmbusiness-pandemic-multiplex-growth-audiences1235834973/
13https://tienphong.vn/mai-cua-tran-thanh-tieptuc-bi-vuotmatpost1618521.tpo#:~:text=Sau%20một %20tháng%20ra%20rạp%2C%20Mai%20doanh%20 thu%20của%20Mai,liệu%20của%20Box%20Office %20Vietnam).
14https://nhandan.vn/dao-pho-va-piano-vuotmoc-doanh-thu-11-ty-dongpost798674.html#:~:text= NDO%20%2D%20Lần%20đầu%20tiên%2C%20một, ngờ%20trong%20đầu%20năm%20nay.