Phú Thọ là cái nôi cội nguồn dân tộc Việt Nam, là khởi nguồn của 18 đời Vua Hùng dựng nước. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dựng nước và giữ nước, đây là nơi lưu giữ và bảo tồn khối lượng lớn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng quý báu được các tổ chức vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, như: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Hát xoan Phú Thọ…
Vùng văn hóa Phú Thọ phản ánh chặng đường của quá trình phát triển văn hóa Việt Nam theo suốt chiều dài lịch sử, đã góp phần tạo nên kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian độc đáo, nhiều màu sắc của các dân tộc anh em, trong đó có dân tộc Mường. Theo số liệu thống kê năm 2018 của Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ về dân số thì hiện có hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống với 1,4 triệu người, riêng số lượng dân tộc thiểu số là 232.689 người. Dân tộc Mường có trên 200.000 người, chiếm 14,28% dân số trong toàn tỉnh và chiếm khoảng 87% trên tổng số dân là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Thọ
Là dân tộc có số lượng dân cư đông thứ hai trong toàn tỉnh (sau người Kinh), người Mường ở Phú Thọ lưu giữ nhiều loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật độc đáo. “Bà con trong các chòm bản có thể ngồi suốt đêm này đêm khác nghe ông “Rang” kể các truyện thơ dài như Nàng Nga - Hai Mối - Nàng Út Lót… hay nghe hát xường, hát ví, hát rang, hát mo, hát mỡi… hoặc nghe kể các truyện cổ xưa về nguồn gốc loài người, về cái thiện cái ác, về dân tộc mình mà tiêu biểu nhất là bài mo dài Đẻ đất - đẻ nước1.
Tuy nhiên, do những tác động của kinh tế thị trường, “sự xáo trộn trong dân cư, sự giao lưu của các nền văn hóa, sự phát triển những phương tiện truyền thông mới, sự thay đổi lối sống, sự xâm nhập của các thế lực mới về âm nhạc và khiêu vũ từ phương Tây, lại có các phương tiện kỹ thuật và tài chính quan trọng đã làm cho các truyền thống dân tộc và các di sản văn hóa của các khu dân cư Việt Nam là dân tộc Kinh (hay Việt) và cả các dân tộc thiểu số bị một cú sốc mạnh kéo theo sự chùn bước, suy yếu, có lúc mất hẳn những bản nhạc và điệu múa cổ truyền”2. Vì vậy, việc bảo lưu, duy trì và gìn giữ, phát triển văn hóa, văn nghệ tỉnh Phú Thọ nói chung, dân ca người Mường ở Phú Thọ trong cộng đồng xã hội hiện nay nói riêng là việc làm thiết thực và cấp bách.
Gìn giữ và phát triển các di sản văn hóa, đặc biệt là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể dân tộc trong bối cảnh hội nhập xã hội hiện nay, không chỉ là lưu giữ những giá trị văn hóa nói chung, văn hóa tinh thần nói riêng của ông cha ta từ ngàn xưa để lại, còn là việc khẳng định những giá trị tinh thần đặc trưng, đa dạng của đất nước và con người Việt Nam với các bạn bè năm châu.
Nói đến Di sản văn hóa phi vật thể, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của tổ chức UNESCO đã khẳng định: “Di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục…”3. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nói chung, dân ca Mường nói riêng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là một việc làm có ý nghĩa thiết thực đối với tất cả các thế hệ người dân. Để có thể lưu giữ vốn văn hóa dân gian cổ truyền mà không bị mai một, đối tượng chúng ta phải quan tâm, hướng đến chính là những chủ thể sáng tạo – các thế hệ người dân đã tạo nên hệ thống bài bản các loại hình sinh hoạt văn hóa thơ ca, dân gian. Bài viết “Di sản văn hóa phi vật thể, từ sưu tầm, nghiên cứu đến bảo tồn và phát huy” in trong tập sách Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Bền đã khẳng định: “Nói đến di sản văn hóa dù là vật thể hay phi vật thể là nói đến vấn đề chủ thể sáng tạo, khách thể tiếp nhận của những di sản văn hóa này. Lâu nay, mỗi khi nói đến những sáng tác văn hóa dân gian, những di sản văn hóa phi vật thể, câu nói quen thuộc của chúng ta: đó là những sáng tác của nhân dân lao động”4. Đồng thời, tác giả cũng viện dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu văn học dân gian nổi tiếng V. Guxep thuộc Liên Xô (cũ) về vai trò của nhân dân lao động trong cộng đồng xã hội nói chung đối với việc “quyết định nội dung và hình thức cụ thể của văn hóa dân gian mỗi thời đại”5.
Nói đến âm nhạc dân gian của người Mường nói chung, có thể thấy rằng, người Mường ở Phú Thọ cũng có một hệ thống các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, đó là những lời ca, bài bản do những người dân lao động sáng tạo ra trong quá trình lao động, sinh hoạt, phản ánh những niềm vui, nỗi buồn, suy tư trăn trở trong cuộc sống hàng ngày. Đó là những lời tâm tình, thủ thỉ trong tình yêu đôi lứa, những câu ca hò vè trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất… tất cả đều được cất lên bằng những giai điệu mượt mà, sâu lắng mang đặc trưng của loại hình nghệ thuật dân ca nhằm phục vụ cho chính những nhu cầu trong đời sống của con người. Dân ca được “bắt nguồn từ lao động”6, do đó, nó được coi là thứ ngôn ngữ thay cho tiếng nói trong giao tiếp, là lời thỉnh cầu để trao đổi với đấng thần linh, là những chất chứa, những ước mơ về một ngày mai tươi đẹp... Sự phong phú, đa dạng của các thể loại dân ca dân gian Mường đã đóng góp to lớn cho không gian nghệ thuật dân ca của tỉnh Phú Thọ nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Không gian văn hóa, nghệ thuật dân gian Mường ở Phú Thọ nổi bật với nhiều loại hình, nhiều hình thức biểu diễn đa dạng, phong phú, chúng được lưu giữ theo từng vùng, từng địa phương nhỏ với từng thể loại mang tính nổi bật, độc đáo, điển hình như: người Mường vùng Thanh Sơn được nhắc đến với thể loại múa trống đu, múa sênh tiền, đâm đuống; người Mường vùng đất Tân Sơn lại nổi bật với các làn điệu dân ca, trong đó đặc sắc nhất là thể loại hát rang – một hình thức ca hát đời thường gắn với nếp sinh hoạt của cuộc sống con người; hoặc khi nghe nhắc đến thể loại múa tiên đồng ngọc nữ, múa hát trống đu hay thể loại ca hát hò đu chơi xuân… chính là nói đến vùng người Mường thuộc huyện Yên Lập. Những loại hình sinh hoạt nghệ thuật dân gian này luôn có sự sáng tạo, lôi cuốn đặc biệt, tạo nên sức sống mạnh mẽ giúp cho người Mường có tiếng nói riêng trong đời sống tinh thần và cả sự gắn kết cộng đồng chặt chẽ cũng như tạo nên nét khác biệt mà không phải tộc người nào cũng có.
Văn hóa Việt Nam rất đa dạng và phong phú, điều này luôn luôn được khẳng định bởi sự đa dạng trong sắc màu các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian. Là một quốc gia đa dân tộc, trong đó mỗi thành phần tộc người lại đều có riêng những đặc trưng văn hóa dân gian độc đáo tạo nên sự đa dạng, phong phú. Mỗi cộng đồng dân cư trong hệ thống các dân tộc ở Việt Nam luôn tự hào về truyền thống văn hóa dân gian nói chung, dân ca nói riêng của dân tộc mình. Những tâm tư tình cảm, vốn kinh nghiệm trong cuộc sống, những lề thói, tập quán, phong tục… luôn được thể hiện, bộc lộ thông qua giai điệu của dân ca. Dân ca được cất lên trong hầu hết mọi hoạt động sinh hoạt của cộng đồng người dân. Từ quá trình lao động tay chân vất vả đến những lúc nông nhàn, khi suy tư, tâm sự rồi còn thấm đượm cả trong giấc ngủ êm đềm của trẻ thơ, “mỗi loại dân ca từ khi ra đời và trong quá trình tồn tại, nó đều có mục đích và đối tượng rõ ràng, đều gắn bó với môi trường và quy cách nhất định, phù hợp với những suy nghĩ, tình cảm và thẩm mĩ của xã hội đương thời”7. Dân ca người Mường cũng vậy, đó là những nỗi niềm, những suy nghĩ trăn trở của con người trước cuộc sống mưu sinh; đó cũng là những tâm sự, những khúc mắc trong các mối quan hệ cộng đồng; hay là những lời tâm tình thủ thỉ trong tình yêu đôi lứa…
Quá trình điền dã, thu thập, nghiên cứu thông tin liên quan tại các vùng Mường ở tỉnh Phú Thọ, chúng tôi nhận thấy đời sống văn hóa nói chung của người Mường hiện nay luôn được đáp ứng đầy đủ mức độ “hiện đại” theo nhu cầu phát triển chung của xã hội; bên cạnh đó, những giá trị bản sắc văn hóa được coi là hồn cốt dân tộc thì vẫn được các thế hệ truyền nối gìn giữ và bảo tồn cùng thời gian. Minh chứng cho mức độ gìn giữ nét văn hóa dân tộc được thể hiện rất rõ trong cách giao tiếp hàng ngày đó là khi họ nói chuyện, trao đổi luôn sử dụng tiếng dân tộc; các mức độ quan hệ và lề thói sinh hoạt cũng luôn đề cao đặc trưng dân tộc, có xen kẽ với những hoạt động mang tính phổ cập cộng đồng chung.
Dân ca Mường trong các nếp sinh hoạt cộng đồng được ca hát hoàn toàn bằng tiếng Mường. Người dân Mường thực hành dân ca chính là việc lưu giữ vốn ngôn ngữ dân tộc, lưu giữ giá trị văn hóa mà chỉ người Mường mới có được. Hiện nay, dân ca Mường vẫn được ca hát chủ yếu bằng tiếng Mường là chính. Thế hệ trẻ người Mường với mong muốn mở rộng, truyền bá nét văn hóa cổ truyền dân tộc ra rộng khắp để có thể nhiều đối tượng, nhiều dân tộc khác sinh sống đan xen trong cụm dân cư cùng hiểu được văn hóa của dân tộc mình. Do đó, họ đã dịch nghĩa ra tiếng phổ thông (tiếng Kinh) đồng thời hát cả lời tiếng Mường và lời tiếng phổ thông trong quá trình biểu diễn.
Đời sống xã hội con người ngày càng nâng cao, phát triển. Các dân tộc anh em cùng sống đan xen, cùng trao đổi, học hỏi để mở rộng các mối quan hệ cộng đồng. Người Mường cũng vậy, họ sống xen kẽ cùng với các dân tộc khác nhưng không phải vì thế mà bản sắc dân tộc, những đặc trưng văn hóa riêng sẽ bị mất dần đi. Họ vẫn lưu giữ, trao truyền, cố gắng giữ gìn những tiếng ru, lời thường, câu rang, những bài cúng mo, những điệu múa mỡi… các thế hệ người già Mường vẫn đang truyền lửa lại cho thế hệ trẻ tiếp nối những giá trị văn hóa dân gian từ ngàn xưa cha ông còn lưu giữ. Ở Phú Thọ, được sự nhất trí của chính quyền các cấp, sự giúp đỡ của các phòng văn hóa, một số vùng Mường thuộc các huyện như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập đã thành lập các câu lạc bộ biểu diễn dân ca thu hút được nhiều sự quan tâm của các thế hệ người dân cùng tham gia sinh hoạt nhằm trao đổi, học hỏi về văn hóa, văn nghệ đồng thời tạo điều kiện để các câu lạc bộ phát triển, phục vụ cho nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ của người dân ở địa phương. Các ban văn hóa xã phối kết hợp với các đơn vị trường học đóng trên địa bàn xã tạo điều kiện để các thành viên trong câu lạc bộ dân ca được gặp gỡ, trao đổi và truyền dạy dân ca nói chung, dân ca Mường nói riêng cho các em học sinh nhằm phát huy truyền thống yêu ca hát dân ca dân tộc cho các thế hệ thanh thiếu nhi.
Trong những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu khai thác vốn dân ca truyền thống cổ truyền của các dân tộc và thúc đẩy nguồn dân ca địa phương phát triển; nhằm quảng bá, giới thiệu đến với mọi người dân trên khắp cả nước về các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc vùng quê đất Tổ, trong Lễ hội đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương (ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch) hàng năm, các huyện thị trong toàn tỉnh tổ chức thành các đoàn biểu diễn, đem đến trong không gian hội trại văn hóa của những ngày diễn ra lễ hội đền Hùng những phần thực hành nghi lễ, những phần biểu diễn ca hát dân ca đặc sắc và điển hình của người dân địa phương. Các phần biểu diễn ca hát dân gian độc đáo của người Mường cũng có dịp được biểu diễn, quảng bá rộng rãi tới toàn thể đồng bào tham gia lễ hội như: múa sênh tiền, hát đối giao duyên, hát ví, hát đu, múa trống đu…
Những “sản vật” dân gian của người Mường ở Phú Thọ không chỉ tạo nên giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian độc đáo mà nó còn góp phần làm phong phú đời sống tinh thần người Mường nói riêng, làm dày thêm các giá trị văn hóa cổ truyền của vùng đất Tổ, bổ sung màu sắc cho kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam. Những giá trị sáng tạo tinh thần ấy sẽ được truyền lại cho các thế hệ người Mường mai sau nhằm phát huy hơn nữa sức sống nghệ thuật dân tộc, hòa quyện cùng nhịp điệu mới trong quá trình đổi thay, phát triển hiện đại muôn mặt của cuộc sống hiện nay.
Trong không gian văn hóa của vùng đất “Kinh đô Văn Lang” xưa, các dân tộc anh em cùng đan xen, sinh sống đoàn kết, cùng trải qua quá trình hình thành, phát triển và biến hóa của lịch sử nhưng ở mỗi tộc người luôn có riêng cho mình những sáng tạo, những giá trị mang sắc thái riêng biệt độc đáo, đặc biệt là những giá trị trong hoạt động đời sống tinh thần con người.
Là một dân tộc với nhiều thể loại dân ca phong phú, đa dạng, người Mường ở Phú Thọ vẫn luôn không ngừng phát huy truyền thống, gây dựng và giữ gìn sắc màu dân tộc mà cha ông họ đã dày công tạo dựng, vun đắp nên. Trước sự biến đổi mạnh mẽ của thời đại, sự giao thoa của nhiều loại hình văn hóa theo nhu cầu đời sống con người, các thế hệ người Mường vẫn giữ vững niềm tin vào quá khứ và tương lai, họ luôn ý thức được việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc là cần thiết, đúng như nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu từng nhắc nhở “chúng ta đến hiện đại từ truyền thống”. Đồng thời, không ngừng trau dồi học hỏi thêm những điều mới mẻ, phù hợp, bổ sung thêm cho truyền thống của dân tộc trong bối cảnh hội nhập - giao lưu văn hóa khu vực thế giới hiện nay, như tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ VIII đã khẳng định: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên cơ sở kế thừa và chắt lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa Việt Nam. Cùng với những kết quả đã đạt được, sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo, các ban ngành, người dân trong toàn tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là các thế hệ người Mường đối với loại hình dân ca đặc trưng độc đáo, chúng tôi tin tưởng rằng di sản dân ca Mường sẽ được chắp cánh, được hòa nhịp, được vang lên cùng với các thể loại dân ca của các dân tộc khác trong bản hòa tấu muôn sắc màu của dân ca Việt Nam nói chung.
Chú thích:
1 Dương Huy Thiện (Chủ biên, 2015), Văn hóa dân gian Mường Phú Thọ, NXB Khoa học xã hội.
2 Nhóm tác giả Dương Huy Thiện, Đoàn Hải Hưng, Trần Quang Minh (2010), Văn hóa dân gian một số dân tộc thiểu số huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, NXB Khoa học xã hội.
3, 4, 5 Nhiều tác giả (2009), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
6, 7 Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, NXB Âm nhạc.