SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MỚI NĂM 2018 VỚI ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG

Bài viết tổng hợp, đánh giá các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng trong ba bộ sách giáo khoa Ngữ văn biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Qua đó khẳng định giá trị của bộ sách giáo khoa mới góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương đất nước cùng niềm tự hào dân tộc.

 

   Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, cụ thể là với môn Ngữ văn nói riêng là một bước tiến về cải cách giáo dục ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhằm đổi mới giáo dục phổ thông và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, làm thay đổi tích cực nhiều hạn chế trong việc dạy và học Ngữ văn ở phổ thông trong thời gian qua.

   Sự mới mẻ, cách tân của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được thể hiện cụ thể hóa qua việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn các cấp học Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT). Bài viết của chúng tôi dựa trên cơ sở dữ liệu là ba bộ SGK Ngữ văn đang được đưa vào giảng dạy hiện nay (Bộ Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo) trong phạm vi THCS và THPT.

   Ngữ liệu được lựa chọn đưa vào ba bộ SGK Ngữ văn mới là khá cơ bản, tinh tế, đã giới thiệu được các tác phẩm văn học tinh hoa của nhân loại và Việt Nam. Trong chúng chứa đựng những giá trị nhân văn và giá trị thẩm mĩ lớn lao và sâu sắc. Đề tài chiến tranh cách mạng luôn là đề tài chính trong các bộ SGK từ trước đến nay ở Việt Nam và một số nước trên thế giới. Đến các bộ SGK Ngữ văn biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thì đề tài này vẫn tiếp tục được khai thác và là một trong những đề tài chính, chiếm một số lượng lớn tác giả, tác phẩm trong SGK. Đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, văn học viết về chiến tranh và chiến tranh cách mạng (tính từ năm 1946 đến nay) luôn là đề tài lớn nhất, nóng hổi của đời sống văn học, chiếm một số lượng lớn và có rất nhiều các tác phẩm tiêu biểu. Vì vậy, việc lựa chọn các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng luôn chiếm vị trí hàng đầu trong các bộ SGK để giảng dạy cho học sinh các cấp học phổ thông là điều hợp lý.

   Là một người tham gia viết SGK Ngữ văn, tôi thấy các Tổng Chủ biên, Chủ biên, các tác giả biên soạn đã rất chú trọng trong việc tìm kiếm ngữ liệu cần thiết, phù hợp cho từng bộ sách, việc tìm kiếm các tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng ở cấp THCS khác nhiều so với cấp THPT. Làm sao để có thể tìm được tác phẩm hay nhất, tiêu biểu nhất, có giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc nhưng vẫn phải phù hợp với thời đại, với tâm lý người học là công việc không hề dễ dàng. Điều này vừa xuất phát từ đặc điểm tâm lý, thẩm mĩ và nhận thức của học sinh, vừa xuất phát từ những mục tiêu giáo dục cụ thể ở mỗi cấp học theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong khi đó nguồn ngữ liệu là khá phong phú và đa dạng. Ở cấp học THCS chưa thể đưa vào SGK những tác phẩm lớn, những tác phẩm đặt ra những vấn đề xã hội sâu sắc về số phận con người, những xung đột mang tính bi kịch trong chiến tranh. Nhưng điều này lại có thể thực hiện được ít nhiều trong SGK Ngữ văn THPT, nhất là với lớp 11, 12. Đây là vấn đề khiến các tác giả SGK rất cân nhắc khi lựa chọn ngữ liệu cho các bài học. Mặc dù tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng khá nhiều và nhiều tác phẩm hay nhưng việc lựa chọn vẫn diễn ra khá vất vả, do yêu cầu phải tìm kiếm được những tác phẩm hay nhất, có giá trị nội dung và nghệ thuật tiêu biểu mà lại phải mới mẻ, phù hợp với thời đại, với lứa tuổi học trò ở từng cấp học.

   Cần phải xây dựng được hệ thống câu hỏi đọc hiểu sau mỗi văn bản được lựa chọn sao cho phù hợp, mới mẻ, sâu sắc và đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục. Dù có lựa chọn lại các văn bản mà các SGK trước đây đã sử dụng thì hệ thống các câu hỏi đọc hiểu mới vẫn phải thay đổi cho phù hợp với cách dạy và cách học của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là phát huy năng lực của người học, khơi gợi ở họ sự sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ, giúp học sinh có kỹ năng tự đọc các văn bản nghệ thuật khác tương tự. Hệ thống câu hỏi trong SGK Ngữ văn bộ Cánh Diều được sắp xếp theo các cấp độ (thường sau mỗi văn bản là 6 câu hỏi chia làm 3 cấp độ): a) Nhận biết, tìm hiểu; b) Các câu hỏi đòi hỏi sự phân tích, phát hiện; c) Các câu hỏi yêu cầu sự suy luận và vận dụng vào thực tế cuộc sống. Hệ thống câu hỏi này phân loại được các kiểu học sinh có năng lực khác nhau từ trung bình đến giỏi. Việc này giúp cho các nhà soạn sách lập ra được hệ thống các câu hỏi khai thác được chiều sâu của tác phẩm văn học được lựa chọn, đặc biệt là những yêu cầu về sự cảm thụ tác phẩm. Cần khơi gợi được ở người học những tình cảm lớn với đất nước, với con người, với bao thế hệ đi trước đã hi sinh cho độc lập, tự do của dân tộc - đây là một trong những phẩm chất, yêu cầu mang tính đặc trưng, sống còn của bộ môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

   Ngoài một số văn bản bắt buộc phải có đối với bất kỳ cuốn SGK Ngữ văn nào được soạn theo Chương trình mới, như: Nam quốc sơn hà - Khuyết danh, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, trong đó các tác phẩm viết trong bối cảnh chiến tranh bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, chiến tranh giải phóng đất nước chiếm đa số, thì các văn bản còn lại, những người làm SGK có thể lựa chọn các văn bản bất kỳ, miễn là phục vụ được mục đích giáo dục có chất lượng nhất, thu hút được người dạy và người học. Ở các giai đoạn trước, sách giáo khoa được coi là pháp lệnh thì hiện nay chỉ được xem là ngữ liệu, là công cụ dạy học. Giáo viên có nhiều tự do hơn để sáng tạo: dạy bộ sách này có thể tham khảo thêm các bộ sách khác; không phải soạn giáo án cho từng tiết cứng nhắc mà có thể đảo lộn trật tự, dạy tích hợp theo cụm bài, theo chuyên đề. Giáo viên cũng có thể lựa chọn, đưa thêm các ngữ liệu tương đương ngoài sách giáo khoa để học sinh tham khảo… Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng có thể linh hoạt trong lựa chọn ngữ liệu mới, tổ chức lên lớp theo một kế hoạch dạy học cụ thể đã được xây dựng, được lựa chọn SGK cũng như ngữ liệu phù hợp cho bài học. SGK chỉ là học liệu, việc thi cử sẽ không lấy ngữ liệu từ SGK nhưng những văn bản được lựa chọn vào trong SGK vẫn hết sức quan trọng, mang tính tiêu biểu, mẫu mực. Đó là những ngữ liệu ấn tượng nhất, đầu tiên, tác động mạnh mẽ đến việc học, xây dựng phẩm chất cho người học.



   Ở phần dưới đây, chúng tôi có thống kê số lượng các tác phẩm (hoặc đoạn trích các tác phẩm) viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Tuy nhiên, trong một hai trường hợp, việc xác định thế nào là một tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng chỉ mang tính tương đối. Ví dụ hai bài thơ của Trần Đăng Khoa (Lính đảo hát tình ca trên đảoĐợi mưa trên đảo Sinh Tồn) viết về những người lính trên đảo Trường Sa sau những sự kiện ở biên giới phía Bắc năm 1979 và các cuộc chiến đấu bảo vệ biển đảo của quân và dân ta cũng được chúng tôi xếp vào các tác phẩm được khảo sát.

   Nhìn vào Bảng thống kê trên chúng ta có thể rút ra những nhận xét sau:

   - Đề tài chiến tranh cách mạng được lựa chọn vào cả ba bộ sách nhưng ở những mức độ khác nhau, ở cấp THPT nhiều hơn THCS. Ở lớp 6 chỉ có bộ Cánh Diều là lựa chọn hai bài thơ nổi tiếng của Minh Huệ Đêm nay Bác không ngủ và bài Lượm của Tố Hữu. Ở các lớp sau sự lựa chọn phong phú hơn rất nhiều ở cả ba bộ sách. Tuy nhiên số lượng các văn bản khó sẽ tiến dần lên ở các lớp trên, đòi hỏi cao ở người học sự suy tư, suy ngẫm trước những vấn đề được đặt ra từ các tác phẩm, đặc biệt là ở lớp 12.

   Các tác phẩm được lựa chọn đều là những tác phẩm tiêu biểu cho các cuộc kháng chiến, chiến tranh cách mạng của dân tộc, với các tác giả nổi tiếng như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Bảo Ninh, Trần Đăng Khoa… Các tác phẩm được đưa vào giảng dạy đều có giá trị nghệ thuật cao, tạo hứng thú cho người dạy và người học. Những tác phẩm này đều đảm bảo mục đích bồi dưỡng cho người học những phẩm chất như yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, anh hùng, nhân ái, trách nhiệm…

   Việc lựa chọn được các tác phẩm hay, hấp dẫn là rất quan trọng, giúp người học có động lực khám phá giá trị thẩm mĩ của các văn bản được lựa chọn, phục vụ cho những nhiệm vụ quan trọng mà SGK Ngữ văn phải đảm nhiệm. Mỗi thế hệ sẽ có những khám phá mới, sẽ thấy được bản thân mình và thời đại mình trong những điều đang được học. Văn bản văn học trở thành đối tượng thẩm mĩ cần được khám phá, tìm hiểu để tìm kiếm những giá trị tiềm ẩn của chúng. Chiến tranh cách mạng đã lùi xa vào quá khứ nhưng sẽ được tái hiện một cách rõ nét qua các tác phẩm văn học mà các em được học. Ở đó vẻ đẹp của lãnh tụ, vẻ đẹp của người chiến sĩ, của người phụ nữ, cũng như cả dân tộc sẽ lưu lại mãi trong ký ức của các thế hệ học sinh.

   - Các tác phẩm được lựa chọn có những tác phẩm được viết trong chiến tranh, phản ánh sự khốc liệt của chiến trường như Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Mãi mãi tuổi hai mươi (Nguyễn Văn Thạc), Nhật ký Đặng Thùy Trâm (Đặng Thùy Trâm), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)… miêu tả cảnh vật và cuộc sống con người trong chiến tranh ở những nơi nguy hiểm nhất, khốc liệt nhất, cái chết luôn kề bên. Chiến tranh đã khiến Lượm (trong bài thơ cùng tên của Tố Hữu) hi sinh; bom đạn khiến người lính trong Đồng dao mùa xuân của Nguyễn Khoa Điềm “không về nữa” mà đã hoá thành ngọn lửa… Tuy nhiên, cảm thức của người viết trong những bài thơ này không nhấn vào sự đau đớn, bi luỵ mà hướng tới khẳng định sự bất tử của con người trong chiến tranh cách mạng.

   Ở rất nhiều bộ sách, rải đều trong SGK của nhiều cấp học là những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong những tháng năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, bằng cả chữ Hán và chữ quốc ngữ. Các tác giả SGK chọn thơ Bác trước hết vì đó là những bài thơ rất hay, có giá trị nghệ thuật cao, khắc họa sâu sắc con người lãnh tụ, người chiến sĩ bên cạnh con người nghệ sĩ trong Bác. Hình ảnh của vị lãnh tụ hiện lên qua các bài thơ này rất đẹp, giản dị, gần gũi mà cũng rất cao siêu. Bên cạnh đó là hình tượng lãnh tụ trong những bài thơ viết về Bác như Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ. Những bài thơ do Bác viết và các nhà thơ viết về Bác được chọn lọc trong các bộ SGK đều là những tác phẩm được người dạy và người học yêu thích, tự hào.

   Hình tượng người lính, chú bé liên lạc, hình tượng các nữ thanh niên xung phong cũng được khắc họa rất ấn tượng qua các bài thơ, truyện ngắn được chọn. Các tác phẩm viết về chiến tranh được trích dạy ở cả hai bậc học đều tập trung khắc hoạ vẻ đẹp của những người lính bình thường mà anh hùng ấy. Vẻ đẹp người lính trong mỗi tác phẩm lại khác nhau, khắc họa những góc độ khác nhau ở họ: Đồng chí (Chính Hữu), Tây Tiến (Quang Dũng), Chiều biên giới (Lò Ngân Sủn), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), Lính đảo hát tình ca trên đảo (Trần Đăng Khoa)…

   Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh), Ngày cuối cùng của chiến tranh (Vũ Cao Phan), Vào chùa gặp lại (Minh Chuyên), Người ngồi đợi trước hiên nhà (Huỳnh Như Phương) là những tác phẩm mới được lựa chọn viết về chiến tranh nhưng không tập trung miêu tả trực tiếp cảnh chiến tranh khốc liệt, mà chú tâm vào những mất mát, bi kịch của con người, đặc biệt là người phụ nữ và trẻ em sau chiến tranh. Đây là những câu chuyện được kể lại rất xúc động. Vào chùa gặp lại của Minh Chuyên và Người ngồi đợi trước hiên nhà của Huỳnh Như Phương là những tác phẩm ký viết về các nhân vật có thật ngoài đời. Cách viết của các tác giả cũng cố gắng tôn trọng sự thật, tránh việc “làm văn”, đem lại cho người đọc những cảm xúc chân thật và bất ngờ. Chiến tranh không chỉ diễn ra ngoài mặt trận, với người lính trực tiếp cầm súng, mà chiến tranh còn diễn ra ở những nơi không có tiếng súng, trong những hoàn cảnh khác nhau, tác động một cách mạnh mẽ đến cuộc sống con người ngay cả khi chiến tranh đã chấm dứt, tiếng súng đã lùi xa. Đây là điều mà các bộ SGK trước đây còn chưa có, khi độ lùi của chiến tranh còn chưa cho phép có được những tác phẩm có tầm nhìn mới như vậy.

   Khác với bậc THCS, ở bậc THPT, các tác giả SGK đã lựa chọn các tác phẩm viết về hiện thực chiến tranh và số phận con người, đôi khi là những số phận có nhiều nét bi kịch. Ở các thể loại ký, truyện ngắn và tiểu thuyết, các tác phẩm vừa phản ánh được sự khốc liệt của chiến tranh, vừa nêu được những phẩm chất cao đẹp và sự hi sinh thầm lặng của những người lính, những người từ chiến trường trở về. Các tác phẩm đi sâu khám phá những ám ảnh, bi kịch của người lính và người phụ nữ với những chấn thương tâm lý do chiến tranh mang lại, những dày vò dai dẳng, đau đớn của người phụ nữ trên con đường tìm kiếm hạnh phúc… Đây là một sự lựa chọn có dụng ý bởi độ khó, sự nhạy cảm, xu hướng mở của các văn bản được được đưa vào SGK là rất lớn. Tuy nhiên, đây đều là những tác phẩm có giá trị làm sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân đạo, lòng nhân ái, bao dung và sự hi sinh thầm lặng của con người trong và sau chiến tranh. Nhiều tác phẩm thể hiện những triết lý sâu sắc về số phận con người, về cuộc đời. Đây cũng là mong muốn của các tác giả SGK trước một đối tượng học sinh lớp 12 đã trưởng thành hơn, đã có suy nghĩ độc lập và bắt đầu bước chân vào cuộc sống với nhiều thử thách và sự lựa chọn.

   - Khảo sát trên SGK Ngữ văn chương trình mới, với đề tài chiến tranh cách mạng, chúng tôi thấy các tác giả đã đưa vào SGK nhiều tác phẩm ở các thể loại khác nhau, vừa đảm bảo bao quát được các thể loại (thơ, truyện, ký, tiểu thuyết), vừa chú ý lựa chọn được các tác phẩm sâu sắc về nội dung và giàu tính nghệ thuật. Việc đề tài chiến tranh cách mạng xuất hiện ở tất cả các thể loại trong khuôn khổ rất có hạn của SGK phổ thông cho thấy tầm quan trọng, sự phong phú, sinh động của đề tài chiến tranh cách mạng đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, những người không trải qua chiến tranh nhưng chuẩn bị phải gánh vác những nhiệm vụ nặng nề mà Tổ quốc giao phó. Số lượng thơ chiếm nhiều hơn cả, có lẽ do độ dài của các văn bản thơ phù hợp hơn với việc sắp xếp giờ học, cũng do thơ là thể loại có nhiều thành tựu hơn cả trong đề tài này. Một số bài thơ, truyện được sử dụng ở tất cả ba bộ sách cho thấy giá trị của các tác phẩm này là rất lớn.

   SGK Ngữ văn Cánh Diều lớp 12 lại khá mạnh dạn khi chọn trích đoạn cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, một tác phẩm tiêu biểu cho cách viết mới, viết khác về chiến tranh, rất cần cho các bạn học sinh sắp bước vào đời được học những tác phẩm đòi hỏi sự suy tư sâu như vậy. Điều đó rất tốt cho nhận thức, cũng như tư duy độc lập của học sinh, giúp các em có được những cách nhìn khác nhau về cuộc sống, sẵn sàng giáp mặt với các thử thách trong cuộc đời; ở đó rất cần bản lĩnh, lòng nhân ái và sự cảm thông sâu sắc với con người.

   Có thể thấy, số lượng các văn bản viết về chiến tranh trong sách Ngữ văn bậc THCS và THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là khá lớn và ở nhiều thể loại khác nhau. Các tác phẩm được lựa chọn đều khẳng định tính chất chính nghĩa của các cuộc chiến tranh nhân dân, ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi chiến thắng và khắc sâu trong lòng người đọc những mất mát, hi sinh không gì bù đắp được của những người lính, đặc biệt là những người mẹ, người vợ trước sự hi sinh của chồng, con, đồng đội. Các tác giả SGK rất chú ý chọn những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh chiến tranh qua nỗi đau của con người, những mất mát không chỉ trên chiến trường mà cả sau chiến tranh khi người lính từ tiền tuyến trở về với cuộc sống đời thường. Qua đây, các em học sinh sẽ có một cái nhìn đa diện và đầy đủ về chiến tranh cách mạng, về sự gian khổ hi sinh của cha ông để có được độc lập, tự do cho đất nước, cuộc sống thanh bình cho các thế hệ kế tiếp, giúp các em thêm yêu đất nước, con người Việt Nam, thêm yêu hoà bình và có trách nhiệm gìn giữ những gì mà chúng ta đang có được. 

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017): Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ban hành ngày 28 tháng 7 năm 2017.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018): Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018): Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn, ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TTBGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2022): Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Các bộ sách giáo khoa THCS, THPT soạn thảo theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 sách Cánh Diều, Kết nối tri thức và cuộc sống, Chân trời sáng tạo.
6. 11. V.I. Tiupa, Cần chuyển lối dạy học “nghiên cứu văn học” sang lối dạy “phát hiện thẩm mĩ”, Trang chủ của Đại học Quốc gia Novosibirsk, ngày 8 tháng 7 năm 2001, Trần Đình Sử dịch sang tiếng Việt.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận