KHÁNH HÒA: XÂY DỰNG CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA THEO HƯỚNG PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG

Sáng 3/4, tại Nha Trang, Khánh Hòa đã diễn ra Lễ Khai mạc Lớp Bồi dưỡng lý luận, phê bình trẻ 2024, chủ đề ''Văn học nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận – phê bình và quảng bá'' do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức. Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đến dự và phát biểu chào mừng. lyluanphebinh.vn trân trọng giới thiệu nội dung.

 

Hòa trong không khí hào hùng hướng tới những ngày Tháng Tư lịch sử của dân tộc và niềm hân hoan mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng và 100 năm xây dựng, phát triển thành phố Nha Trang - Khánh Hòa vô cùng vinh dự được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chọn là nơi tổ chức Lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận - phê bình và quảng bá”.

Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại lễ khai mạc.

Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo của Tổ quốc; có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có huyện Trường Sa là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc; có mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc; có Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và giàu truyền thống cách mạng.

Chính những điều kiện tự nhiên và truyền thống đó đã mang đến cho Khánh Hòa một hệ văn hóa rất đa dạng về vật thể, phi vật thể tiêu biểu và đặc sắc. Nếu ở miền núi, chúng ta đã biết đến đàn đá Khánh Sơn nổi tiếng tìm được tại di chỉ Dốc Gạo, nơi được xác định là “công xưởng chế tác đàn đá thời tiền sử khổng lồ nhất ở Việt Nam”. Thì ở miền xuôi, văn hóa đình làng, chùa chiền, miếu mạo… lại cực kỳ phát triển, được biểu hiện qua các lễ hội Am Chúa, lễ hội Tháp Bà, lễ hội cúng đình, cúng tổ nghề,… cùng nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo như: Hô hát bài chòi, hát văn múa bóng, hát bội, đờn ca tài tử... Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn được biết đến với nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời như Khu Di tích Tháp Bà Ponagar, Thành cổ Diên Khánh... Tất cả những yếu tố trên đã tạo cho Khánh Hòa tiềm năng rất lớn để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực: Nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa; điện ảnh…

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đặc biệt là Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực phấn đấu, quyết tâm triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ nhiều nhiệm vụ quan trọng, tạo bứt phá mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030; “trở thành một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch”.

Bên cạnh những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Khánh Hòa luôn quán triệt sâu sắc rằng “văn hóa, con người chính là nền tảng, sức mạnh nội sinh, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã tập trung phát triển văn hóa theo hướng bền vững, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với giáo dục truyền thống; chú trọng phát triển tài nguyên văn hóa, lịch sử. Phát triển các sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng cao, đa dạng, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc gắn với du lịch biển, đảo, du lịch núi rừng, sinh thái cộng đồng, du lịch di sản văn hóa, tâm linh”. Vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 34-NQ/TU, ngày 22/12/2023 về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết này một lần nữa khẳng định sâu sắc mục tiêu “Xây dựng, gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh nhằm tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, vì lợi ích của toàn xã hội; sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới, làm giàu văn hóa truyền thống Việt Nam”.

Để triển khai những nhiệm vụ, mục tiêu trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan núi, rừng, tham quan cảnh làng quê, làng nghề truyền thống; sản phẩm du lịch gắn với các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian mang đầy tính đặc trưng như: Lễ hội Cồng chiêng, Hô hát Bài Chòi, biểu diễn Nghệ thuật đường phố, các chương trình nghệ thuật truyền thống, nhạc cụ dân tộc… Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng tích cực sáng tạo các sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo như Khu du lịch Vin-Wonder với show diễn Ta Ta ở xứ sở thần tiên và đưa nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách, Công ty Cổ phần Vega City với chương trình cách tân nghệ thuật múa rối Life Puppets - Rối Mơ tại Nhà hát Đó; Làng nghề Trường Sơn với hàng loạt sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo… Ngoài ra, hoạt động của đội ngũ văn nghệ sỹ trong tỉnh luôn được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật giàu giá trị tư tưởng, nhân văn đã ra đời, khẳng định chất lượng nghệ thuật mang bản sắc văn hóa quê hương Xứ trầm biển yến, góp phần đưa văn học nghệ thuật Khánh Hòa gắn bó và làm phong phú thêm dòng chảy của nền văn học nghệ thuật cả nước.

Trong năm 2023, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nổi bật như: Kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653-2023) và Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa lần thứ 10 năm 2023; phối hợp Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng điện ảnh Cánh diều năm 2022; phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chuỗi sự kiên liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023… Đặc biệt, Festival biển Nha Trang - Khánh Hòa đã trở thành thương hiệu, dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của địa phương, góp phần thu hút du khách và thúc đẩy du lịch Khánh Hòa phát triển.

Tỉnh Khánh Hòa trân trọng cảm ơn Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chọn là nơi tổ chức Lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận - phê bình và quảng bá”. Đây là cơ hội quý báu để đội ngũ chuyên gia, cán bộ, nhất là đội ngũ những người trẻ công tác trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được gặp gỡ, học hỏi, trau dồi kiến thức. Những chuyên đề được các chuyên gia, nhà khoa học trình bày tại Lớp bồi dưỡng này sẽ là những kinh nghiệm quý giá để đội ngũ những người làm công tác trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tại tỉnh Khánh Hòa nói riêng và các đồng chí tham gia hội nghị hôm nay có những đúc kết sâu sắc; qua đó, cùng nhau làm rõ những nội dung quan trọng, cốt lõi về vai trò của sáng tạo, lý luận - phê bình và quảng bá văn học, nghệ thuật, đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận