Hiện nay gốm Bát Tràng cũng như gốm hoa lam truyền thống nói chung đang dần dần mất đi vẻ đẹp mộc mạc, nguyên sơ của nó bởi nền sản xuất công nghiệp hiện đại. Được mệnh danh là một làng nghề truyền thống lâu năm, gốm Bát Tràng được lưu truyền qua nhiều thế hệ, sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ qua tài năng sáng tạo của người thợ. Bát Tràng không chỉ đơn thuần là một làng nghề mà còn là một làng văn hóa. Gốm Bát Tràng mang nét đẹp của chất men và dáng gốm, quan trọng hơn, nó mang trong mình hồn quê của dân tộc, những nét đẹp dung dị của quê hương, đất nước vươn lên từng dáng, từng hình của những sản phẩm. Gốm làm mê say biết bao tâm hồn người Việt Nam và vươn ra quốc tế như một nét văn hóa đẹp của dân tộc. Đóng góp về đề tài của gốm là khơi lên nét đẹp văn hóa truyền thống đang bị dần lãng quên trong cuộc sống hiện đại. Nhu cầu ăn mặc của con người được hình thành từ rất lâu. Theo thời gian, con người hình thành nên trang phục hiện đại ngày nay. Như mọi đề tài khác về thời trang, tầm quan trọng đầu tiên là làm cho con người đẹp hơn, khắc phục những điểm yếu và thiếu sót mà đối tượng hướng đến. Và tầm quan trọng thứ hai của đề tài chính là ý thức về những nét đẹp truyền thống cổ xưa của dân tộc, mang đến cái đẹp gần gũi với đời sống như gốm hoa lam thời Lê (thế kỷ XV) từ những chén, đĩa, chậu cho đến bình hoa…
Sau khi kham khảo và tìm hiểu những thiết kế, dự án thời trang của các nhà thiết kế khác về gốm hoa lam – gốm Bát Tràng trước đây, chúng tôi rút ra được những bất cập và hạn chế sau: Thứ nhất, ngày nay gốm hoa lam không còn giữ nguyên được những nét thuần túy như xưa; thủ thuật, công đoạn chế tác cũng đã trở nên hiện đại, công nghiệp hóa, chủ yếu được chế tác bằng máy móc, họa tiết được in qua máy, hiếm sản phẩm còn được vẽ tay thông qua các nghệ nhân chính gốc am hiểu về gốm hoa lam thời Lê. Vì vậy, việc tiếp cận đề tài gặp khó khăn, nếu chỉ tìm hiểu thông tin qua mạng, dễ bị nhầm lẫn thông tin, hoạ tiết xưa và hiện đại. Thứ hai, các nhà thiết kế trước đây chỉ tập trung vào khai thác các hoa văn, họa tiết trên gốm để đưa vào trang phục ứng dụng. Họ đã bỏ qua form dáng, kết cấu đặc sắc của gốm hoa lam thời Lê là điều vô cùng đáng tiếc.
1. Gốm hoa lam thời Lê
1.1. Lịch sử và nguồn gốc ra đời của gốm hoa lam thời Lê
Từ cuối thế kỷ thứ XIV, gốm hoa nâu và gốm men ngọc đã mất dần vị trí độc tôn và bắt đầu nhường chỗ cho gốm hoa lam với chất liệu và phong cách nghệ thuật mới. Có thể nói gốm hoa lam là mốc thứ ba trên tiến trình lịch sử phát triển của gốm cổ Việt Nam cả về phương diện kỹ thuật và nghệ thuật trang trí, sau hai dòng gốm nổi tiếng là gốm men ngọc và gốm hoa nâu. Những chính sách buổi đầu của nhà Lê sơ sau khi giải phóng khỏi ách đô hộ của nhà Minh đã thúc đẩy sản xuất phát triển, trong đó công-thương nghiệp có bước tiến nhanh chóng. Những phường thủ công tập trung nhiều thợ cùng nghề, chuyên sản xuất một vài sản phẩm nhất định phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày của nhân dân và tầng lớp quý tộc phong kiến.
Theo những kết quả nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam và dựa trên một số sưu tập hiện vật đang được lưu giữ tại một số bảo tàng nước ngoài, ta biết rằng gốm hoa lam không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong giai đoạn này, hàng vạn sản phẩm đã được xuất đến vùng hải đảo Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, hay một số hiện vật hiện vẫn có mặt tại một số bảo tàng trên thế giới như Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản… Năm 1997, việc phát hiện và khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm đã thu được khoảng hơn 240.000 hiện vật gốm sứ, trong đó phần lớn được xác định có niên đại thế kỷ XV (thời Lê sơ), được sản xuất ở vùng Hải Dương và Thăng Long, phía Bắc Việt Nam. Điều này cho thấy đây là thời kỳ thịnh vượng của gốm sứ Việt Nam.
Ấm hình rồng, gốm hoa lam (nguồn: baotanglichsu.vn)
1.2. Đặc điểm nhận dạng và quy trình chế tác gốm hoa lam thời Lê
Gốm hoa lam là tên gọi một loại sản phẩm gốm có trang trí bằng màu xanh lam. Chất liệu tạo màu chủ yếu là oxit coban màu xanh lam, hay còn gọi màu chàm. Phần lớn gốm hoa lam được làm từ loại đất sét trắng, được tinh luyện khá kỹ, nung ở nhiệt độ 13000 C. Trang trí hoa lam trên gốm bằng bút lông và màu lam (hay xanh chàm). Nếu kỹ thuật trang trí gốm hoa nâu thời Trần trước đó, người thợ gốm dùng bút lông chấm men màu để tô lên từng mảng đồ án văn khắc trên cốt xương đất mộc, thì giờ đây, trên gốm hoa lam, người thợ đã vẽ thực sự. Lối vẽ trang trí trên gốm hoa lam có 3 loại: vẽ dưới men, vẽ giữa men và vẽ trên men.
Đĩa lớn, gốm hoa lam trong lòng vẽ chim cò (nguồn: baotanglichsu.vn)
Đặc biệt với phương pháp vẽ trang trí dưới men và giữa men của sản phẩm gốm hoa lam tạo nên một hiệu quả kỳ diệu. Khi sản phẩm đã được qua lò nung, hoa văn trang trí thêm phần lung linh sống động. Ngoài lối vẽ bằng màu xanh lam trực tiếp lên sản phẩm, sau này người ta còn sử dụng cả lối trang trí đắp nổi, hoa lam kết hợp với men nâu, hoa lam cùng với vẽ nhiều màu. Hay một số sản phẩm phục vụ nhu cầu đặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài còn được dát vàng kim thực sự là một trong những kỹ thuật trang trí mang tính đột phá với chất liệu quý hiếm, tạo cho sản phẩm có vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng.
Loại hình sản phẩm của gốm hoa lam vô cùng phong phú bởi giai đoạn này, sản phẩm không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà đã được các quốc gia láng giềng đặt hàng theo yêu cầu của họ. Ngoài các loại hình gia dụng như bát, đĩa, ấm, chén, bình, lọ… thì còn có một số những đồ gốm đặc biệt như ấm hình quả bầu, ấm trà hình tượng chim, lọ hai bầu, lọ ba bầu, ấm hình phượng, ấm tì bà, bình kendy, nậm rượu, tước rượu, hộp có nắp đựng gia vị, đựng hương liệu hay hộp đựng phấn trang điểm… Một số để sử dụng trong nghi lễ như bát hương, lư hương, đài thờ, chân đèn… Các loại tượng nghệ thuật như tượng phụ nữ quý tộc, tượng vẹt ôm quả đào, tượng quan…
Người thợ gốm thời Lê sơ đã sáng tạo ra hàng loạt sản phẩm đủ các loại hình, kiểu dáng và phong cách phong phú. Bút pháp và nội dung trang trí thì vô cùng sinh động và đậm nét dân gian. Theo các chuyên gia phân tích, gốm hoa lam giai đoạn này có hai phong cách thể hiện. Với lối vẽ thoáng đậm và phóng bút của các nghệ nhân thời Lê sơ thì những hình rồng, chim, phượng, ngựa, cá, sen vịt… như thật, rất gần gũi với đời sống yên bình của người dân làng quê Việt Nam thời ấy.
Thời kỳ này, những làng gốm thủ công mang tính chất chuyên môn hóa. Vai trò của người thợ gốm được đề cao, bằng chứng là người thợ gốm được ghi tên mình và niên đại tạo tác lên sản phẩm. Dựa trên chiếc lọ hoa lam được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), chúng ta biết được có một người thợ gốm họ Bùi tài hoa ở Hải Dương vì trên bình có ghi dòng chữ Hán: “Đại Hòa bát niên, tượng nhân Nam Sách châu Bùi Thị hí bút” (dịch nghĩa: Niên hiệu Đại Hòa năm thứ 8 (triều vua Lê Nhân Tông, năm 1450), người thợ thủ công họ Bùi ở châu Nam Sách vẽ chơi)1. Từ đây, chiếc lọ hoa lam này được coi là căn cứ để xác định các đồ gốm hoa lam khác không ghi niên đại. Chiếc lọ này cũng trở thành một tư liệu vô giá đối với giới nghiên cứu khảo cổ học, giới mĩ thuật khi tìm hiểu về một trung tâm sản xuất gốm cổ Việt Nam.
Căn cứ theo những tư liệu khảo cổ thì gốm hoa lam thờ Lê sơ được sản xuất từ hai trung tâm gốm lớn là Bát Tràng (Hà Nội) và Nam Sách (Hải Dương). Trong đó, gốm hoa lam Bát Tràng ra đời sớm hơn và phát triển qua nhiều thế kỷ, tuy có lúc thăng trầm nhưng vẫn còn được phát triển cho đến ngày nay. Đồ gốm hoa lam Nam Sách (Hải Dương) chỉ sản xuất để phục vụ xuất khẩu trong suốt giai đoạn triều Lê, đã đánh một dấu đậm trên bản đồ giao thương trên vùng biển Việt Nam thời Lê sơ.
1.3. Các đề tài và họa tiết trang trí trên gốm hoa lam thời Lê
Trang trí trên đồ gốm hoa lam trong tàu cổ Cù Lao Chàm (gốm Cù Lao Chàm) cũng gây ấn tượng nhất. Dòng gốm hoa lam này mang đặc trưng tiêu biểu của Việt Nam ở thế kỷ XV, đặc biệt mới lạ với 2 phong cách thể hiện: vẽ chi tiết với nét mảnh, vẽ thoáng với nét đậm.
Tùy theo dáng vóc và kích thước từng chủng loại mà ta thấy tài khéo trang trí của người thợ gốm. Trang trí trên đồ gốm Cù Lao Chàm được thể hiện rất phong phú các chủ đề kết hợp kỹ thuật trang trí nổi với vẽ lam hay vẽ nhiều màu trên men. Mỗi loại hoa văn lại có nhiều bố cục, nhiều cách thể hiện, tạo nên sự đa dạng chưa từng có. Đồ gốm hoa lam với kỹ thuật thể hiện bằng bút lông đã cho thấy tài khéo vô cùng của người thợ gốm đương thời. Đó là một bút pháp điêu luyện tuyệt vời: khi thì tỉa vẽ thật chi tiết, khi thì phóng bút nhanh và thoáng. Lối thể hiện không gian ba chiều, luật viễn cận trong hội hoạ đều như được sử dụng rất nhuần nhuyễn. Chỉ đôi ba nét bút chấm phá đã vẽ nên cảnh non sông gấm vóc. Rõ ràng phải có sự quan sát thần tình thế giới tự nhiên mới có thể vẽ nên cảnh gà chọi nhau, khỉ mẹ bồng con sinh động đến thế. Lạ kỳ thay, chủ đề thế giới chim muông, tôm cá, côn trùng, ong bướm, chuồn chuồn của miền nhiệt đới lại được phô bày sinh động và đa dạng đến như vậy trên gốm hoa lam Cù Lao Chàm.
Nghiên cứu các đề tài trang trí trên gốm hoa lam Cù Lao Chàm còn cho chúng ta cảm nhận những nét mới lạ của mĩ thuật dân gian giàu chất liệu tươi mát và sáng tạo, bên cạnh tính chất cung đình, kinh viện của nền mĩ thuật Đại Việt ở thế kỷ XV.
Hình minh họa một số gốm hoa lam thời nhà Lê: hũ, đĩa và lọ gốm hoa lam, tìm được trong tàu cổ Cù Lao Chàm, thế kỷ XV (nguồn: baotanglichsu.vn)
Thống kê một số chủ đề trang trí chính như sau:
- Hình tượng con người xuất hiện với tiên ông, tiên bà, những quý tộc trong lầu son gác tía, cụ già thả câu, trai gái chèo thuyền, một chiếc ô xoè rộng chở che cho đôi uyên ương quá giang như diễn tả một đám cưới trên sông. Đây là cảnh chiến binh trên lưng ngựa, kia là cảnh trẻ nhỏ đùa vui, cưỡi trâu thổi sáo.
Tượng nữ quý tộc gốm hoa lam vẽ nhiều màu và vàng kim trên men, tìm được trong tàu cổ Cù Lao Chàm, thế kỷ XV (nguồn: baotanglichsu.vn)
Ấm và đĩa gốm hoa lam vẽ nhiều màu, tìm được trong tàu cổ Cù Lao Chàm, thế kỷ XV (nguồn: baotanglichsu.vn)
Hình tượng động vật có từ loài linh vật: long, lân, quy, phượng, cho đến các loài thú vùng nhiệt đới: sư tử, voi, ngựa, trâu, bò, khỉ, hươu, chim đại bàng, vẹt, chích choè, chào mào, sáo, bói cá, vịt, thiên nga, chim sâu, dơi. Trong số này, hình tượng con ngựa được thể hiện rất tuyệt vời trên nhiều loại hình như kendy, bình tì bà, đĩa cỡ lớn, với nhiều tư thế khác nhau như phi nước đại, bay trong mây, cùng ông quan đội mũ cánh chuồn, người cưỡi ngựa sau có người hầu. Ngựa có cánh diễn tả như trong tư thế đang bay, phải chăng đã hoá thân từ huyền thoại Thánh Gióng đánh giặc Ân của dân tộc Việt. Hơn nữa, hình tượng ngựa trên gốm Cù Lao Chàm còn ít nhiều mang màu sắc tôn giáo như con ngựa trong văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc.
Đĩa, tước gốm hoa lam, tìm được trong tàu cổ Cù Lao Chàm, thế kỷ XV (nguồn: baotanglichsu.vn)
Đề tài côn trùng cũng được mô tả sinh động như các loài ong, bướm, chuồn chuồn. Các loài thuỷ tộc có rắn, cá chép, cá măng, cá trê, tôm, cua, ếch, nhái… đều được bố cục trong bối cảnh sinh thái. Phong cảnh sơn thuỷ, nhà cửa, chùa tháp, cung điện như ghi lại những hình ảnh kiến trúc đương thời. Đặc biệt, trên một âu hũ tròn có vẽ cảnh một phụ nữ đang tắm, khuất lấp sau một khóm cây có một chú nhỏ trèo lên ngó trộm, một người đàn ông ngoảnh mặt đưa quần áo cho người phụ nữ với vẻ ngượng ngùng. Đây là một cảnh sinh hoạt dân gian còn thấy xuất hiện trên nhiều chất liệu khác trong nghệ thuật cổ Việt Nam. Đáng chú ý hơn, lần đầu tiên chúng ta thấy xuất hiện cảnh trai gái làm tình vẽ trên một chiếc đĩa hoa lam. Chỉ trong một diện tích hẹp của loại đĩa nhỏ, đường kính 12,5cm, nghệ nhân đã thể hiện rất tài tình một cặp trai gái, một khuôn mặt nhìn nghiêng và một khóm lá tre.
Âu hũ tròn gốm hoa lam (nguồn: baotanglichsu.vn)
Hoa lá, cây cối là đề tài phổ biến với các lọai hoa sen, hoa cúc, mẫu đơn, tùng, mai, trúc… cho đến cả tàu chuối, nhánh rong, cọng rau muống. ảnh hưởng trang trí trên gốm sứ thời Minh nhưng không hề thấy một nguyên mẫu tích cổ Trung Hoa, càng tỏ rõ truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.
Đĩa gốm hoa lam, tìm được trong khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, thế kỷ XV (nguồn: baotanglichsu.vn)
Đồ gốm hoa lam kết hợp với vẽ nhiều màu trên men qua lần nung thứ 2 như trên đĩa, bát, kendy, lọ tì bà (yuhuchun), chén quả đào, tượng người, hộp... Trong số này, đĩa có rất nhiều kích thước khác nhau, đường kính có chiếc tới 50cm, nhưng phổ biến trên dưới 25cm. Trang trí vành đĩa vẽ cành rau, nhánh lá, lòng đĩa vẽ nhiều động vật như chim công, vạc, nghê, cá chép vượt Vũ Môn, cá hoá rồng, hươu trên đồng cỏ, đôi chích choè bên khóm trúc, đàn vịt bơi trong hồ sen… Đặc biệt hơn, gốm hoa lam còn kết hợp với trang trí vàng kim. Thí dụ loại tì bà cao 26cm, ngoài các đề tài hồi văn, mây và sóng nước còn có 3 lớp trang trí nổi ô hình lá đề, bên trong là chim vẹt và cành lá, kỳ lân… Một trường hợp rất đáng chú ý như bức tượng người phụ nữ quý tộc, cao 37,6cm, là tượng nghệ thuật thuộc loại hiếm và quý. Tượng ở tư thế đứng, mặt nhìn thẳng, tóc búi cao, trang trí nhiều bông hoa mai tròn nổi, khuôn mặt thanh tú, mi cong, mũi thẳng, tai dài, hai tay nâng một chiếc bình trước bụng, xiêm áo nhiều lớp, bao lưng có dải tua dài. Trang trí trên tượng vẽ lam kết hợp vẽ nhiều màu và vàng kim trên men. Đề tài vẽ lam và nhiều màu là chim phượng, hoa cúc, hoa sen, mây cuộn… Tuy phần vẽ nhiều màu đã bay, chỉ còn lại dấu vết, nhưng dấu tích vẽ vàng kim còn lại nhiều chỗ trên thân tượng.
Một số gốm hoa lam thời nhà Lê được tìm thấy trong tàu cổ Cù Lao Chàm (nguồn: baotanglichsu.vn)
2. Các trang phục được phát triển dựa trên cảm hứng từ gốm hoa lam
2.1. Những trang phục lấy cảm hứng từ hoa văn trên gốm hoa lam
Valentino lấy cảm hứng từ tác phẩm hội họa của bậc thầy hội họa Johannes Vermeer. Bộ sưu tập Valentino Thu - Đông 2013 được xem như một bài thơ ca ngợi những đóng góp của “phù thủy ánh sáng” Vermeer trong việc tạo dựng nên thời hoàng kim của hội họa Hà Lan thế kỷ XVII.
Valentino Fall 2013 collection2
Roberto Cavalli tại trình diễn thời trang Xuân Hè 2005 đã giới thiệu “Bộ sưu tập sứ”- “Porcelain collection” từ rất sớm.
Delftware at Roberto Cavalli & Blue dragon print dress by Roberto Cavalli (2005)3
fv trend x color | procelain blue - ss 20214
Thiết kế thời trang sáng tạo của Guo Pei lấy cảm hứng từ ấm trà tạo nên phong cách độc đáo:
World-famous couture designer Guo Pei brings exquisite creations to Canada for the first time5
Thiết kế lấy cảm hứng từ hoa văn trên gốm sứ của Moschino được trình diễn tại Milan Fashion Week 2020:
MFW AW20: Moschino6
Bộ sưu tập thời trang Xuân Hè 2009 của John Galliano’s Christian Dior lấy cảm hứng từ sứ xanh trắng (John Galliano’s Christian Dior Spring/Summer 2009 Haute Couture collection):
Christian Dior Spring 20097
2.2. Ứng dụng gốm hoa lam vào trang phục ấn tượng, trưng bày
Những mảnh gốm sứ được liên kết với nhau trên lớp lót da đặc biệt, nếu không thì không thể mặc một chiếc váy như vậy. Trang phục gốm được giải nén từ phía sau hoặc ở bên hông và có thể mặc chúng như bất kỳ quần áo nào khác.
Thiết kế làm trực tiếp bằng gốm hoa của Nhà thiết kế LI XIAOFENG8
2.3. Các nhà thiết kế trong nước
Từ những họa tiết và hình dạng của bình gốm sứ Chu Đậu, Đoàn Thu Uyên đã thổi hồn sông nước vào trang phục đẹp lãng mạn, nên thơ. Sử dụng gam trắng chủ đạo trên nền lụa sang trọng làm nổi bật họa tiết xanh lam uyển chuyển, bộ sưu tập Hương sắc Việt Nam của nhà thiết kế trẻ này đã thực sự hấp dẫn người xem ngay từ góc triển lãm.
Vietnamese Quintessence của Đoàn Thu Uyên9
Trong đêm mở màn Vietnam Fashion Week (25/9), Ngọc Hân đã cho ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè 2016 lấy ý tưởng từ họa tiết gốm men lam và hoa phù dung, ứng dụng công nghệ in kỹ thuật số hiện đại. Hoa hậu đưa những hình in nổi bật lên nhiều chất liệu khác nhau như voan, lưới, organza, lụa, đồng thời dùng những đường cắt cúp 3D tạo nên sắc thái đa dạng cho loạt thiết kế mùa mới.
Thiết kế lấy cảm hứng gốm sứ thanh lịch của Ngọc Hân10
Những chiếc áo dài mang những hoa văn uyển chuyển được lấy cảm hứng từ những họa tiết trên bình gốm mang đến điểm nhấn kiêu sa cho tà áo dài cưới. Nhà thiết kế Minh Châu nổi tiếng và được đông đảo cô dâu yêu mến lựa chọn nhờ tài năng sáng tạo được thể hiện qua những mẫu sản phẩm áo dài cưới sang trọng, khác biệt của anh. Áo dài cưới của anh luôn thu hút ánh nhìn của người đối diện ngay từ lần đầu không chỉ bằng kiểu dáng cách tân lộng lẫy mà còn khiến người nhìn trầm trồ bởi bàn tay nghệ thuật sáng tạo được thể hiện qua cách phối họa tiết, hoa văn sang trọng. Và để chứng minh cho nghệ thuật sáng tạo của mình, vừa qua, nhà thiết kế Minh Châu cho ra mắt công chúng bộ sưu tập áo dài hoa văn gốm sứ lộng lẫy. Bộ sưu tập áo dài hoa văn gốm sứ được mang chất liệu chính là lụa chiffon thanh thoát. Tất cả mẫu áo dài đều được thực hiện trên nền vải lụa chiffon màu trắng tinh khôi kết hợp với các hoa văn được thực hiện bằng nghệ thuật vẽ thủ công tỉ mỉ, tinh xảo. Trong bộ sưu tập lần này, nhà thiết kế đã lấy cảm hứng từ hình ảnh những hoa văn uyển chuyển trên bình gốm Việt, mang đến cho chiếc áo dài cưới một sức sống mới vừa hiện đại vừa toát lên nét đẹp rất truyền thống. Trong hình là chiếc áo dài cưới với những họa tiết hoa sen, cánh cò được vẽ thủ công dựa trên hình ảnh hoa văn trên sứ Bát Tràng, gốm sứ Bình Dương. Trên chất vải trắng thanh thoát, những họa tiết màu xanh uyển chuyển được thực hiện thủ công tinh xảo mang đến điểm nhấn ấn tượng cho tà áo dài của cô dâu. Hình ảnh chim hạc, hoa mẫu đơn tinh tế cũng là những hình ảnh rất đặc trưng trên bình gốm sứ được nhà thiết kế ứng dụng vào thiết kế áo dài cưới, giúp cho trang phục ngày cưới của của cô dâu thêm kiêu sa.
Bộ sưu tập lạ với chủ đề Gốm Sứ11
3. Kết luận
Vẫn có một mạch nguồn mĩ học dân tộc chảy từ quá khứ đến hiện tại trong nghệ thuật gốm Việt Nam. Nghệ thuật gốm Việt Nam truyền thống là biểu hiện tập trung nhất của mĩ học dân gian truyền thống. Đời sống thẩm mĩ ở mọi thời đại, giữa truyền thống và hiện đại luôn tồn tại mối quan hệ có tính tương tác, nó là những nhân tố quan trọng tác động tới cả chủ thể thẩm mĩ và đối tượng thẩm mĩ, tạo nên giá trị thẩm mĩ cho hình tượng con người trong nghệ thuật nói chung, nghệ thuật gốm nói riêng. Bên cạnh đó là niềm cảm hứng vô tận vào thời trang thời hiện đại cho con người.
Gốm hoa lam thời nhà Lê thật sự đã góp phần tạo nên bản sắc dân tộc, đây cũng là nền tảng cho sự tồn tại, động lực và mục tiêu phát triển bền vững lâu dài của nước ta. Chúng ta có nhiệm vụ giữ gìn và phát huy nó vươn xa hơn trên con đường hội nhập, “hội nhập mà không hòa tan”.
Trong công cuộc đổi mới đất nước với nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các sản phẩm thủ công truyền thống có tính độc đáo và tinh xảo vẫn rất cần cho con người trong xu thế chung của nhu cầu cân bằng đời sống.
Các làng nghề với những nghệ nhân đang được tập hợp để truyền lại kinh nghiệm, bảo lưu, vận dụng và phát triển theo hướng dân tộc – đậm đà bản sắc riêng. Gốm sứ Việt với ưu thế và tính đặc thù của mình đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về mặt văn hóa, nghệ thuật, hiệu quả kinh tế khi được nhìn nhận đúng mức. Mức sống cao kéo theo nhu cầu ăn mặc của con người ngày một nâng cao tính thẩm mĩ cũng được đặt nặng hơn.
Mặt khác, chúng ta vẫn đảm bảo được những giá trị đặc trưng bản sắc của nghệ thuật dân tộc, bởi nếu mất đi bản sắc nghệ thuật dân tộc sẽ mất đi tất cả. Đây là một thực tế không chỉ ở bối cảnh Việt Nam mà là mối quan tâm của tất cả các quốc gia có chủ quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định trong Thư gửi các họa sĩ trong cuộc triển lãm mĩ thuật năm 1951, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1986,ra ngày 5/1/1952, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận đó”.
Tài liệu tham khảo:
1. “Đồ gốm hoa lam Việt Nam thế kỷ 15-16”, baotanglichsu.vn.
2. “Bộ sưu tập áo dài hoa văn gốm sứ lộng lẫy cho cô dâu Việt”, cuoihoivietnam.com.
3. “Váy áo cảm hứng gốm sứ thanh lịch của Ngọc Hân”, ngoisao.net.
Chú thích:
1 gomsu.divashop.vn.
2 Valention lấy cảm hứng từ tác phẩm hội họa của bậc thầy hội họa Johannes Vermeer, nguồn: Pinterest.
3 Roberto Cavalli tại trình diễn thời trang xuân hè 2005 đã giới thiệu “Bộ sưu tập sứ” - “Porcelain collection” nguồn: Pinterest.
4 Nguồn: Pinterest.
5 Thiết kế nổi tiếng lấy cảm hứng từ gốm hoa của Nhà thiết kế Gou Pie - người Trung Quốc.
6 Moschino at Milan Fashion Week Spring 2020, nguồn: Pinterest.
7 Bộ sưu tập Christian Dior Spring 2009, nguồn: Pinterest.
8 Váy gốm sứ - tác phẩm của Nhà thiết kế Li Xiaofeng, chiếc váy này được “may” hoàn toàn từ gốm sứ.
9 Vietnamese Quintessence của Đoàn Thu Uyên, nguồn: internet.
10 Vietnam Fashion Week 2016 – Bộ sưu tập lấy ý tưởng từ gốm sứ của Ngọc Hân, nguồn: ngoisao.net.
11 Bộ sưu tập “Gốm sứ” của Nhà thiết kế Minh Châu.