Với những năm tháng rèn giũa, tôi luyện ở Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp và những chuyến lưu trú, vẽ tranh, triển lãm, học tập… ở nước ngoài, Đỗ Chung đã tiếp thu tinh hoa hội họa của các nước, hòa trộn cùng hồn cốt Việt Nam, làm nên bản sắc riêng mang hơi ấm Đỗ Chung. Đó là điều làm tôi rất trân quý ở ông, nó mang nội hàm rộng, phản ánh yếu tố năng lực và năng lượng chinh phục: chinh phục bản thân, chinh phục khán giả và chinh phục vũ trụ.
1. Chinh phục chính mình
Hoạ sĩ Đỗ Chung
Hội hoạ là một loại hình mà ở đó hiện thực và trí tưởng tượng chan hòa vào nhau hướng tới cái đẹp mĩ cảm; sự kỹ càng về việc chọn chất liệu cũng giúp tôn thêm đời sống của hiện thực. Làm sao để có nét riêng phân biệt được giữa hoạ sĩ này với hoạ sĩ kia, đó chính là điều người hoạ sĩ họ luôn muốn hướng tới. Đỗ Chung, những năm gần đây, đã chọn được cho mình một hướng đi tuy không mới nhưng lại giúp ông thả sức sáng tạo, đó là bè bạn với trường phái trừu tượng thông qua chất liệu sơn dầu. Việc ông chọn trường phái có xuất xứ phương Tây những năm từ 1910 đến 1914 có nghĩa là ông đã chọn lối vẽ sử dụng ngôn ngữ thị giác từ những hình dạng, khuôn mẫu, màu sắc và đường nét để tạo nên một sáng tác có thể tồn tại độc lập ở một mức nào đó, với những tham khảo có thực từ thế giới. Cho đến ngày nay, để bắt kịp với công nghệ, khoa học và triết học trong thời đại mới, người họa sĩ cũng phải thay đổi tư duy thị giác, cách nhìn… cho phù hợp và trải nghiệm bản thân. Nhất là với thế giới của công nghệ số, truyền thông số buộc họ có cái nhìn mới và cách ứng xử trong tranh, với tranh, cho tranh cũng phải mới. Ở cái tuổi ngoại bát tuần, người họa sĩ quê gốc Thọ Xuân - Thanh Hóa này còn mắc căn bệnh hiểm nghèo, nhưng chúng ta vẫn thấy một Đỗ Chung ngang tàng, mạnh mẽ, quyết liệt với nghề và vì nghề. Khí chất hào hùng của “người sông Mã” trong ông khá rõ. Ông bước đi đến đâu, tôi cảm giác vũ trụ nâng cánh cho ông nên phi thường và can trường đến vậy! Hiếm có một họa sĩ nào ở tuổi như ông có thể khăn gói đi hàng chục tỉnh trong vòng một vài tháng, chỉ tính đồ nghề và thay đổi môi trường sống đã vất vả lắm. Ông đi một mình, mỗi một vùng đất và con người nơi ông đến là nhà, là người thân. Nể phục sự dũng cảm của ông mà đôi khi tôi vẫn không thể không lo lắng về cách ông liều lĩnh hi sinh vì nghề. Có một chi tiết rất tiểu thuyết là: ông bỏ một mảnh giấy ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên hệ của vợ trong người để phòng khi “nằm xuống” thì gọi để báo tin người thân đưa ông về. Giản dị trong cách sống là vậy nhưng ông không hề giản đơn. Lúc nào, ở đâu tôi vẫn thấy ông lịch lãm, trang trọng, hào hoa trước mọi người. Ông thực sự là tấm gương mà tôi tự cảm thấy khi soi vào sức làm việc của mình chỉ là nhỏ bé. Ông vẽ những bức tranh khổ lớn, để liền mạch cảm xúc, ông đứng vẽ cả đêm ngày, có khi hơn chục tiếng đồng hồ. Sự thật ít ai biết là ông có những ngón chân bị hoại tử phải cưa đi do đứng quá lâu trong những ngày tháng liên tiếp vẽ. Nhưng như thế vẫn không làm ông nhụt chí. Ông luôn dành nụ cười chào đón mọi người trong những lần giao lưu, gặp gỡ hay triển lãm. Tôi nhìn thấy gương mặt ông rạng ngời mỗi lần công bố tác phẩm. Ấy là mỗi lần ông đã chinh phục thành công chính bản thân mình để hoàn thành sứ mệnh: chinh phục bản thân - chinh phục cái đẹp.
2. Chinh phục khán giả
Đỗ Chung vẽ tranh như cố ý đẩy mình vào một trạng thái mà ở đó có một thế giới huyền diệu với bao điều thiện mĩ cảm hóa ông. Lòng ông nguyên vẹn tinh khôi rước linh khí và hương sắc của đất trời vào tranh. Ông vẽ như sự thúc bách khiến đôi lúc tôi cảm giác nếu không vẽ thì ông sẽ chết. Nhắm mắt lại, tôi cứ như thấy ông lừng lững giữa vũ trụ chuyển động không ngừng kéo ông đi. Và kỳ diệu thay, mở mắtra, tôi lại thấy vũ trụ hiện ra từ trong tranh ông. Hãy xem những bức tranh cụ thể, mỗi bức đều như cựa quậy, sống động, giao cảm... Ông từng nói: “Khi tôi vẽ thì bỏ hết cái xanh xanh đỏ đỏ trên đầu”. Tự do cứ thế mà hoài cảm, cứ thế mà tôn vinh. Tôi không có nhiều kiến thức về hội hoạ nhưng linh cảm cứ cuốn tôi đi mỗi khi có dịp lặng ngắm tranh của ông, nó vừa bao la mà cũng rất hữu hạn, đâu đó xung quanh, đâu đó thường nhật… Xem tranh Đỗ Chung như lạc vào thế giới mộng mị, mông lung với nghìn sắc thái lung linh, chìm khuất. Người xem cảm nhận như đang tiếp cận nghệ thuật “tảng băng trôi” bảy phần chìm, ba phần nổi, vừa rõ ràng vừa khuất lấp. Tranh Đỗ Chung là của ông, không lẫn với ai, từ màu sắc đến hình khối, đường nét đều sắc lẹm, khơi gợi… Những đường gân nổi lên trong tranh ông được hiển lộ có lớp lang, có sự gọi nhau giữa sự vật này với sự vật kia. Bố cục trong tranh ông thường uyển chuyển, không gò bó, thường tạo được độ sâu và rộng hơn ngàn lần so với kích cỡ, biên độ thật của tranh. Tôi còn cảm nhận có sự di chuyển của mây, hoa, tuyết, nguyệt, sự vẫy vùng của sóng, sự vào ra của con nước, sự nóng lên của mặt trời, sự hân hoan hay bất ổn của núi đồi, biển cả, sự dịch chuyển của con người, sự đổi thay của tâm trạng, sự biến thiên của tạo vật, sự vi diệu trong thay đổi màu sắc… mà tranh ông trở nên sinh động, hấp dẫn như cuộc đời ông. Những bức tranh như trừu tượng như: 7128, 43228, 420149, 61839, 80217, 40626, 42138, 41337, 7128, 6417, 8235, 80046, 52146, 5319, 21465, 3528, 30429, 19, 20, 17, 18, 15, 10, 47, 9, 5.3, 1, 413226… Và còn nhiều bức khác với khổ tranh đều có kích thước lớn dưới hoặc trên 1m nhân với 1,5m đến 1,6m hấp dẫn người xem. Tranh của ông không bị chi phối bởi thị trường, không thương mại hóa nên người xem cảm nhận được tranh của ông là thuộc về số đông, về khán giả yêu tranh ông.
3. Chinh phục vũ trụ
Nói đến trường phái trừu tượng trong nghệ thuật hội họa là nói đến những bức họa của cảm xúc, tâm hồn mà không đơn thuần là mô tả thế giới tự nhiên. Tranh Đỗ Chung thể hiện một cách tự do, phóng khoáng theo cảm nhận và tư duy riêng, kết hợp độc đáo của nhiều hình khối. Đỗ Chung đã tiếp cận và đam mê với một loại hình có cá tính riêng biệt, thuộc về thế giới tiềm thức muôn màu, lối vẽ nay tự do đến mức cho phép họ nhạy cảm sâu sắc với sự phiêu lãng, mơ mộng, xê dịch… của mình để thể hiện bản thân. Những bức tranh của ông cho người ta nhìn thấy trong tâm trí mình những thứ không thấy bằng mắt thường. Tranh trừu tượng của Đỗ Chung kết hợp giữa hình học và trữ tình. Đó là điều làm cho tranh của ông rất Việt Nam. Với hiểu biết sâu sắc về thế giới vũ trụ mà ông đang sống thì tranh của ông vẫn ẩn sâu vẻ đẹp của rừng vàng biển bạc, vẻ đẹp của tâm linh, truyền thống văn hóa, lịch sử. Mà như thế ông đã mang văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các triễn lãm quốc tế, đồng thời mang văn minh của hội họa phương Tây về Việt Nam. Đối với ba miền Bắc - Trung - Nam của Việt Nam hiện nay, tranh trừu tượng của ông đã trở nên gần gũi, lay thức và hấp dẫn. Công lớn nhất mà ông đã làm được cho nền hội họa Việt Nam là kéo đọc giả lại gần với tranh trừu tượng. Ở Việt Nam, ông là một trong số những người đi tiên phong; còn ở Thanh Hóa, ông là người duy nhất chọn tranh trừu tượng làm lối đi riêng. Những năm gần đây, năm nào tranh của ông cũng được chọn treo tại các triển lãm Bắc Trung Bộ. Điều này chứng tỏ tranh trừu tượng hiện nay có chỗ đứng trong lòng giới chuyên nghiệp và công chúng yêu hội họa Việt Nam. Tại các cuộc triển lãm cá nhân của ông ở Thanh Hóa, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, những bức tranh của ông có cái tên được đặt cũng rất Đỗ Chung: Thời gian, Mưa nguồn, Người đàn bà trên sông Hằng, Người đàn bà đi tới mặt trời… Các cuộc triển lãm này đều quy mô lớn, đều rất đông khách thưởng lãm, có nhiều quan chức lãnh đạo, quản lý, có đông đảo khán giả quen và nhiều khán giả lần đầu quan tâm tranh của ông.
Một điều sau cùng trong bai viết nhỏ này tôi muốn nói đến là tranh của ông luôn dành cho người phụ nữ sự ưu ái. Ông quan niệm họ như là mẹ vũ trụ, họ vĩ đại bởi thiên chức làm mẹ phát triển thế giới loài người và còn đại diện cho cái đẹp vĩnh cửu với các bức trừu tượng: 23418, 70089, 41256, 80046, 513216, 29, 431235… Người đàn bà dù đi về phía mặt trời, hay người đàn bà trên sông Hằng, hay người đàn bà bước ra từ vũ trụ thì xem tranh ông vẽ, ta cũng cảm nhận thấy sự kiêu hãnh, can trường, rực rỡ… át đi mọi bóng tối và cạm bẫy. Đôi khi chỉ là sự chấm phá nhưng ta luôn cảm nhận được khát vọng vươn tới, vẻ đẹp nhân ái, tự tin của họ trong tranh Đỗ Chung. Họ bước ra ngoài đời tự nhiên như chính lúc đi vào tranh của ông vậy!
Có thể khẳng định tranh của Đỗ Chung là tranh trừu tượng mà không xa rời cuộc đời, có chất phương Tây mà vẫn rất Việt Nam. Phải chăng đó cũng là cách mà Đỗ Chung đã đến gần và chạm được trái tim của khán giả khi dấn thân với một trường phái tranh khó cảm nhận. Bằng tài năng và sự công phu, ông đã đem vũ trụ hiện ra ngay trước mắt chúng ta hư-thực đầy quyến rũ; hay nói cách khác, mỗi lần thưởng lãm tranh của ông, ta như đắm chìm với những “bữa tiệc” của thị giác. Cầu mong ông “chân cứng đá mềm” để tiếp tục hành trình chinh phục vũ trụ và cái đẹp!