TIẾNG NÓI CỦA SUBALTERN VIỆC VIẾT SỬ TỪ DƯỚI LÊN Ở ẤN ĐỘ VÀ VAI TRÒ CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Bài viết phân tích các quan niệm về thuật ngữ subaltern trong phê bình hậu thuộc địa; nỗ lực của các nhà phê bình trong việc làm cho tiếng nói của người subaltern được hiển lộ trong lịch sử Ấn Độ và khẳng định vai trò quan trọng của các nhà phê bình trong việc diễn giải, tập hợp sự miêu tả giả xác thực, ''đọc'' được tiếng nói subaltern trong tác phẩm văn học.

   Tìm kiếm, diễn giải tiếng nói của subaltern – nhóm quần chúng yếu thế, phụ thuộc, cấp dưới – trong văn học là chủ đề trung tâm của phê bình hậu thuộc địa, một hướng nghiên cứu mà theo nhận định của Rob Nixon, Giáo sư văn học Anh ngữ, Đại học Wisconsin-Madison, nằm “trong số những khu vực năng động nhất trong nghiên cứu văn học hiện nay”1. Mặc dù vấn đề subaltern của phê bình hậu thuộc địa được hình thành trong bối cảnh Ấn Độ hậu thuộc địa nhưng những cách thức đọc ra diện mạo, thái độ, phản ứng của người vắng mặt, người yếu thế trong các văn bản lịch sử và văn bản văn học Ấn Độ là một gợi ý cho cách đọc tương tự ở các nền văn học khác.

   1. Tiếng nói của subaltern

   Khái niệm “subaltern” có nhiều cách diễn giải khác nhau: hoặc là liên quan đến một giai cấp cụ thể (giai cấp nông dân, tầng lớp lao động) trong một hệ thống xã hội cụ thể, nhất là ở Ấn Độ hoặc là theo một nghĩa chung, khái quát chỉ mọi tầng lớp thấp trong một tổ chức xã hội. Đó là: “Subaltern là chỉ bất kỳ cá nhân hay nhóm người thuộc vị trí thấp (low rank) trong một xã hội cụ thể trên hầu hết các phương diện giới, kinh tế, xã hội, vùng miền; vị trí này đã tước đi ở họ vị trí, tiếng nói trong sự kiến tạo lịch sử và văn hóa của cộng đồng”2 (người viết nhấn mạnh). Nói cách khác, có thể hiểu subaltern chỉ những nhóm thấp kém, phục tùng, bị thống trị, bị tước đoạt về kinh tế và bị đẩy ra bên lề, không có chủ thể, dù là ở phương diện giới, giai cấp, vị trí tuổi tác, chức vụ, đẳng cấp hay bất cứ phương diện nào khác nữa. Quan điểm, cái nhìn, tiếng nói của nhóm người subaltern thường không được tính đến trong lịch sử một quốc gia vốn thường được chi phối bởi quan điểm, cái nhìn và tiếng nói của nhóm thống trị – thường là giới trí thức tinh hoa, đặc tuyển3.

   “Tiếng nói” (voices) ở đây có thể hiểu theo các nghĩa có thể thay thế cho nhau là tính chủ thể, quyền tự quyết, sự chủ động hay ý thức. Guha đưa ra ý tưởng về việc lắng nghe tiếng nói của những người subaltern – tiếng nói của những người yếu thế, nhỏ bé (small voices). Trong một bài luận năm 1996 The Small Voice of History (Tiếng nói nhỏ của lịch sử), Guha đặt câu hỏi về ý nghĩa lịch sử của việc thừa nhận, ghi nhận tiếng nói subaltern. Bài viết nói đến bằng chứng về mối quan hệ giữa nông dân và thầy tu ở Bengal vào thế kỷ XIX.Panchanan Manna, người nông dân với “cơ thể bị căn bệnh ung thư hậu môn hành hạ”, cầu xin sự tha thứ và xá tội từ thầy tu: “Con rất nghèo; tất nhiên là con sẽ tuân theo các nghi thức thanh lọc; xin hãy kê cho con thứ gì đó phù hợp cho người nghèo”; Guha tự hỏi: “Liệu chúng ta có đang cho phép những tiếng nói ai oán này chìm nghỉm giữa tiếng ồn ào của lịch sử thống kê? Loại lịch sử nào mà dân tộc chúng ta đã tạo ra, liệu có phải là chúng ta đã làm ngơ trước những câu chuyện này, những câu chuyện vốn đã từng cấu thành… sự cố kết của quan hệ quyền lực trong một xã hội dân sự ở thời điểm mà quyền lực thực dân vẫn chưa được thiết lập”4. Theo Guha, một cách thức để ghi nhận tiếng nói subaltern – những quan điểm, những trạng thái vốn thường vọng lại và tương tác với “những người chống lại sự nổi dậy” – là dựa trên cơ sở khảo sát các diễn ngôn chính thống; những diễn ngôn này không bao giờ là một lời nguyên khối mà là sự đối thoại, phản ứng với những nhóm người đối lập với chính thống, trong đó có nhóm người subaltern5. Prakash cho rằng viết lịch sử subaltern, từ quan điểm này, trở thành một hoạt động dễ gây phản ứng trái chiều vì các cách đọc nổi loạn của nó6.

   Những nỗ lực trong việc phê bình sự bóp nghẹt những tiếng nói subaltern cũng được được Partha Chatterjee chú ý khi ông kể lại chuyện các phong trào dân tộc Ấn Độ trong cuốn Nationalist Thought and the Colonial World (Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và thế giới thuộc địa, 1986). Trong câu chuyện về tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của mình, Chatterjee xác định sự vận hành của khái niệm “cách mạng thụ động” của Gramsci là diễn ra trong một “trật tự chính trị quốc gia mới”, trong đó giai cấp tư sản sử dụng những chiến thuật nhất định để đạt được quyền bá chủ. Giai cấp tư sản không tiến hành một chiến tranh bạo lực như đã làm trong Cách mạng Pháp mà vận dụng một “cuộc chiến quan điểm” nhằm “chiếm được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân” nhưng lại loại trừ các nhóm quần chúng này khỏi “tất cả các hình thức tham gia trực tiếp vào quá trình quản trị”7. Vận dụng khái niệm của Gramsci để soi chiếu vào các giai đoạn khác nhau của (các) phong trào dân tộc Ấn Độ, Chatterjee chỉ ra cách thức Gandhi và Nehru đã chiếm được sự ủng hộ của quần chúng, đặc biệt là nông dân, nhằm mang lại độc lập và sau đó, khi Ấn Độ đã giành được tự do, người nông dân lại không còn nằm trong “chương trình chính trị quốc gia” Ấn Độ8. “Và chỉ những phong trào nông dân nổi dậy nào được các các lãnh tụ dân tộc chấp thuận thì mới được những người kể chuyện về chủ nghĩa dân tộc công nhận và ca ngợi; còn các hành động phản kháng khác mà hoạt động ở những đường biên, những ranh giới – cái không gian “ở giữa” Đế quốc và (các) Chủ nghĩa Dân tộc thì bị lãng quên hoặc là bị lên án hay là bị xóa bỏ hoàn toàn”9. Những hành động bất phục tùng mang tính lật đổ vốn thường bùng phát ở các vùng bên lề này đã được các nhà sử học/ người kể chuyện ghi nhận như là những “sự bổ sung” để “thêm vào” cho câu chuyện gốc về Đế chế/ Chủ nghĩa dân tộc; nếu những “chất bổ sung” này bị tầm thường hóa và do đó bị mất đi hiệu lực thì chúng sẽ có thể phá vỡ các ranh giới gọn gàng cắt tỉa sắp đặt của lịch sử truyền thống.

   2. Viết sử Ấn Độ “từ bên dưới” (from the below)

   Các nhà phê bình hậu thuộc địa đã nỗ lực làm cho tiếng nói của người subaltern được hiển lộ hay có thể được nghe thấy được trong lịch sử một quốc gia. Thông thường lịch sử được hiểu là những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và nó đã đi vào ý thức cộng đồng; các nguồn cho tri thức lịch sử thường là các tài liệu được lưu trữ, tài liệu được ghi chép và một số thực hành lịch sử-dân tộc học khác. Phong cách viết lịch sử này chiếm ưu thế ở Nam Á và cũng khá thịnh hành ở phương Tây (Sajad). Ranajit Guha, nhà lịch sử Ấn Độ và nhóm nghiên cứu subaltern nỗ lực xây dựng một ý thức lịch sử có thể đại diện cho dân thường (the common) hay các nhóm dân chúng yếu thế. Lịch sử mới này được gọi là “lịch sử subaltern”; nó chú trọng việc làm cho tiếng nói của subaltern được biểu đạt và được nghe thấy.

   Nếu như lịch sử theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa và chủ nghĩa tinh hoa chính thống không có hoặc có rất ít các miêu tả về tính chủ động, chủ thể của subaltern (subaltern agency) thì lịch sử subaltern đòi hỏi sự cần thiết của một “lịch sử từ bên dưới”. Lịch sử này nhấn mạnh tính chủ thể, sự chủ động mang tính tập thể chứ không dựa vào cách nguyên tử hóa các sự kiện lịch sử. Ý thức nổi dậy được nhấn mạnh ở tính chất tập thể, mục tiêu của lịch sử subaltern là lịch sử của ý thức tập thể của các chủ thể lịch sử như nông dân. Đó là lịch sử ghi lại lịch sử của những người bên lề, bị ruồng bỏ, bị lưu đày – thách thức lại các lý thuyết về lịch sử thống trị.

   Phê bình các nhà lịch sử Cambridge đương đại là “đang giả vờ viết lịch sử Ấn Độ trong khi trên thực tế họ đang viết lịch sử nước Anh trong sự nghiệp (chinh phục) Nam Á”10, Ranajit Guha tập trung vào “những điểm trừ” trong lịch sử chủ nghĩa thực dân mới. Guha làm rõ những lý do đằng sau việc các nhà sử học Cambridge phủ nhận “các cuộc nổi dậy của nông dân” và “các cuộc kích động nông nghiệp” và coi chúng là những hành động “lỗi thời” hay là những “cuộc đấu tranh” không ý nghĩa bằng cách chỉ ra rằng các nhà sử học Anh quốc đã đặt sự phản kháng của quần chúng ra bên ngoài chính trị để người Ấn Độ có thể được miêu tả như là những người cộng tác với người Anh chứ không phải là những người tham gia vào (các) hành động kháng chiến chống lại đế quốc Anh11. Cách viết sử mới này thách thức lịch sử chính thống kiểu phương Tây vốn được xây dựng từ những câu chuyện đơn tuyến, đồng nhất hóa, phổ quát về chủ nghĩa tư bản đang lên và về nhà nước hiện đại – lịch sử này nhìn thế giới còn lại theo mường tượng và tri thức của phương Tây mình, gán cho tất cả các dân tộc và các lịch sử của thế giới theo trật tự của nấc thang tiến bộ từ lạc hậu và cổ xưa đến cái hiện đại “được khai sáng”.

   Cụ thể hơn, Guha tập trung tìm hiểu cuộc nổi dậy của nông dân dưới thời thực dân trong nhiều công trình, trong đó nổi bật nhất là công trình Elementary Aspects đã được đề cập ở trên. Ông đặc biệt nỗ lực phân tích ý thức subaltern trong trạng thái mà ông gọi là thuần khiết nhất, một trạng thái trước khi chính trị của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa khoa học xã hội bắt đầu thâm nhập vùng nông thôn. Và khi nhấn mạnh “trạng thái thuần khiết” này, Guha tách biệt ra cái “hình thức khái quát” trong loại “ý thức lý thuyết” của người yếu thế, một ý thức mà trong đó các xu hướng bảo thủ và cấp tiến đấu tranh với nhau để đi đến giai đoạn tìm ra được khái niệm của riêng mình về hiện thực, về tự do và độc lập. Guha nhận ra rằng ý thức ở “trạng thái thuần khiết” này luôn đấu tranh chống lại chính nó để khẳng định mặt cấp tiến của nó và cuộc đấu tranh này hầu hết thành công khi nó được thực hiện trong các cuộc nổi dậy. Cuộc nổi dậy biểu thị thiên chức thực sự của người nông dân là chấm dứt sự áp bức và khẳng định sự độc lập của mình bằng cách đảo lộn mọi thứ. Điều này không nhất thiết có nghĩa là cuộc nổi dậy của nông dân cần phải thể hiện một cách có hệ thống, lâu dài hoặc theo chiều mở rộng thì mới có thể nhận thức được các thế lực đã phủ nhận quyền tự do của họ; nhưng cuộc nổi dậy đã cho thấy một “phẩm chất chính trị” cơ bản tồn tại bản sắc subaltern.

   Cụ thể hơn, trong bài luận này, Guha đã khôi phục lại lịch sử hồ sơ về 110 cuộc nổi dậy của nông dân trong suốt 117 năm bị người Anh chiếm đóng. Lịch sử này phản bác lại những khẳng định của người Anh rằng họ cai trị tiểu lục địa Ấn Độ bằng sự đồng thuận; lịch sử này cũng phản bác lại cái nhìn của các nhà Đông phương luận coi Ấn Độ là nơi yên bình. Bản sắc subaltern, như Guha chỉ ra, là “mang tính chính trị” vì nó đặt ra yêu cầu là cần phải đảo ngược mối quan hệ quyền lực đang tồn tại thì mới giải quyết được những sự bất bình. Guha dựng được một bức tranh rằng các cuộc nổi dậy dịch chuyển lại bất kỳ sự sắp xếp xã hội nào đã cho phép chính quyền British được coi như là có vai trò quyết định; sự dịch chuyển trở lại này là cần thiết vì quyền lực thực dân Anh đã thâm nhập vào mọi cấp độ trong cấu trúc nông thôn, nơi sinh kế của nông dân. Theo đó, mối liên hệ giữa cuộc nổi dậy của nông dân với quyền lực thuộc địa, như Guha giải thích, được định vị là ngược so với cuộc đấu tranh tự do theo chủ nghĩa dân tộc vốn đã được nhiều trí thức trung lưu giải thích rất cặn kẽ về sự thất bại của chúng. Có lẽ do bị loại trừ khỏi nền chính trị đặc tuyển, các tầng lớp subaltern cũng trở nên nhạt nhòa trong lịch sử của cuộc đấu tranh này vốn do tầng lớp trung lưu viết. Guha đã nỗ lực thách thức xu hướng viết sử chính thống này, một xu hướng luôn biện minh cho việc tầng lớp trung lưu là đại diện cho dân tộc Ấn Độ. Ông khẳng định: “Chúng ta cần nhấn mạnh bá quyền của ý thức subaltern, cụ thể là tính nhất quán và sự logic của nó, để bù đắp cho sự vắng mặt của nó trong tài liệu về chủ đề này”12. Chỉ ra việc những trải nghiệm về sự bóc lột và khổ sai của người nông dân, Guha cho rằng ý thức của họ chưa bao giờ được tích hợp vào chính trị tinh hoa, do đó, một lịch sử thực sự có thể được viết dựa vào trải nghiệm về sự sinh tồn của người yếu thế mà không dựa vào đặc trưng về sự tồn tại đó do nhà nước thuộc địa hoặc nhà nước quốc gia hậu thuộc địa mô tả.

   Đặc biệt, Guha nhấn mạnh ý thức subaltern mang tính chất là không đoán định được, cấp bách; nó có đặc trưng khác với chủ nghĩa dân tộc tư sản với xu hướng nhanh chóng phát triển thành cuộc nổi dậy và do đó mà không thể biểu đạt được một cách chính xác trong các biên niên sử đầy lý tính của các văn bản lịch sử đáng kính. Ý thức subaltern có khả năng biến đổi linh động và bất thình lình đến mức một khi đã thức dậy thì nó khiến ngay cả những nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa cũng e dè và lo sợ về khả năng trước mắt của một mối đe dọa “vượt khỏi tầm kiểm soát”. Như vậy, ý thức subaltern “thuần túy” vẫn nằm ngoài khả năng được miêu tả chính xác trong lịch sử chính thống hay còn gọi là “lịch sử nhà nước”. Trong khi đó, lịch sử tinh hoa có nhiệm vụ ghi lại việc đàn áp các cuộc nổi dậy của nông dân, loại bỏ những kẻ dưới quyền và yếu thế ra khỏi lịch sử này. Chủ nghĩa dân tộc tinh hoa và lịch sử về chủ nghĩa dân tộc này được đặc trưng hóa là phụ thuộc tương đối vào sự điều chỉnh theo hướng thực dân của các thể chế nghị viện Anh, chúng trông “có tính pháp lý và hợp hiến hơn”, chúng cũng “khá cẩn trọng và được kiểm soát”. Bằng cách tách tính tự phát và tính biến động trong hoạt động chính trị của subaltern ra khỏi sự trang trọng của nghị viện trong cả cuộc đấu tranh tự do dân tộc và trong lịch sử về cuộc đấu tranh đó, Guha ngầm bác bỏ những tuyên bố về tính hợp pháp của cả nhà nước Ấn Độ độc lập lẫn lịch sử học thuật chính thống của nhà nước này13.

   3. Tiếng nói subaltern trong lịch sử và vai trò của phê bình văn học

   Tiếng nói subaltern ban đầu là vấn đề của bộ môn sử học nhưng nhiều nhà nghiên cứu thuộc chuyên ngành văn học đã khẳng định văn học là phương tiện trung gian hữu hiệu trong việc lắng nghe tiếng nói subaltern. Nếu như một nhà sử học đối mặt với một văn bản về phản nổi dậy hay một văn bản có sự phân biệt giới tính, trong đó subaltern được tái biểu đạt, phân tích văn bản để hướng tới mục đích là gán một vị trí - chủ đề mới cho subaltern, theo giới tính hoặc cách phân loại khác thì người đọc và dạy văn học đối mặt với văn bản đầy tính đồng cảm mà ở đó subaltern được biểu đạt theo giới tính, bóc tách văn bản để làm hiển lộ quá trình tạo ra các vị trí - chủ thể đó14. Tuy nhiên, đã có nhiều công trình nỗ lực tìm hiểu vấn đề tiếng nói subaltern trong văn học, khẳng định hơn nữa vai trò của văn học như là một phương tiện trung gian (bên cạnh lịch sử) để tìm hiểu tiếng nói subaltern. Nói cụ thể hơn, tác phẩm văn học được đặc trưng chính xác bởi khả năng làm những quá trình biểu đạt không được thừa nhận về tính subaltern trong tác phẩm lịch sử trở nên hữu hình. Khả năng này dựa trên cảm giác đồng cảm giữa văn bản và người dạy, người đọc văn bản. Cảm giác này góp phần đem lại một cách diễn giải mang tính đồng cảm về văn bản15.

   Cụ thể, một số nhà phê bình subaltern nhấn mạnh vai trò của phê bình văn học, việc đọc văn bản tác phẩm văn học, như là cách thức “để làm sáng tỏ những khẳng định về sự thật trong diễn ngôn lịch sử và khôi phục tiếng nói người yếu thế như là những tác nhân, những chủ thể của lịch sử về chính mình và của chính mình” (người viết nhấn mạnh). Nghiên cứu subaltern khác với các cách tiếp cận trước đây của chủ nghĩa Marxist đối với lịch sử Ấn Độ (ngay cả khi việc viết sử đó hướng tới “dân tộc”) ở các khái niệm trung gian gắn liền với chính hoạt động lịch sử. Điều khiến nghiên cứu subaltern khác biệt với xu hướng dân túy tự xưng và thường được lý tưởng hóa của chủ nghĩa Marxist Ấn Độ sơ kỳ là sự thẩm vấn bộ máy trung gian phức tạp giữa người ghi lại một sự kiện, người mà theo định nghĩa là thành viên của nhóm tinh hoa, và đối tượng được ghi chép – cuộc nổi dậy vốn mang tính “tự trị” ngầm, “không đồng nhất” và “tự phát”. Trên cơ sở của giả thuyết coi subaltern không phải là khách thể lịch sử rõ ràng hoặc khó có thể biết rõ ràng để mà được sử gia ghi lại một cách khách quan, nghiên cứu subaltern cho rằng mọi hoạt động làm lịch sử đều là một vấn đề/ một sự kiện. Phương pháp của nghiên cứu subaltern hướng đến việc phân tích để từ đó làm phát lộ ra những tuyên bố về sự thật không chính xác, phương pháp đó được thiết kế để tạo ra những câu chuyện mới về “những điều đã xảy ra trong quá khứ”.

   Ở đây có một sự kết hợp tinh tế giữa việc phê bình văn học và việc lấy văn bản lịch sử làm đối tượng khảo sát (người viết nhấn mạnh). Hay đây cũng là cách tiếp cận một ghi chép nhân học văn hóa hay chi chép nhân học kiểu diễn giải các ghi chép này nói về các cấu trúc và nghi lễ thân tộc để diễn giải theo một cách mới đối với một sự kiện cụ thể đã từng được ghi lại trong các nguồn lịch sử chính thức. Nghiên cứu của Guha không ngừng tái hiện các sự kiện trong một mô tả dày đặc nhằm khôi phục tính tức thời theo ngữ cảnh của chúng dựa vào nguồn lịch sử chính thức trên như hồ sơ tòa án hoặc nhật ký của quản trị viên16.

   Nhưng như Henry Schwarz chỉ ra việc đặt sự ghi chép các sự kiện trong quá khứ đó vào một “bối cảnh mới” thì diễn giải mới không “chân thực” hơn bất kỳ lựa chọn tự sự nào khác, tuyên bố mang tính phương pháp luận cao mà nhóm của Guha thực hiện thường cho rằng bằng cách tháo dỡ và tập hợp lại các phương pháp và tài liệu có tính thiên kiến trong các ghi chép của thực dân về một sự kiện cụ thể thì nhà sử học đương đại có thể “đòi lại tài liệu hay dữ liệu cho lịch sử”. Nhưng lịch sử ở đây phải đối lập với nó và đối lập với các quá trình của pháp luật. Việc tách một trải nghiệm ra khỏi bối cảnh sống động của nó và thiết lập sự kiện đó như một sự tích cực trống rỗng bên ngoài lịch sử khiến cho lịch sử này có nguy cơ loại bỏ ra bên ngoài những gì tượng trưng cho sự đồng cảm và thương hại và không còn lại gì ngoài những sự chỉ dẫn khô khan, không có sức sống. Ngược lại, công việc của lịch sử nên là khôi phục “sự đồng cảm và thương hại” của những ghi chép (tòa án – ví dụ) vốn vẫn “khô khan”, bối cảnh hóa câu chuyện trong những biên giới mới khiến nó có thể trở thành một “bi kịch”. Theo Guha, tái tạo không phải là một câu chuyện “có thật” mà là một bối cảnh cho số phận nghiệt ngã đầy kịch tính để khôi phục lại sự cảm thương đối với sự kiện. Bằng cách chỉ ra một cách cụ thể quá trình mà các câu chuyện lịch sử được thiết lập, các tác phẩm lịch sử trước đó được thể hiện như là sự kết hợp giữa dữ liệu và bối cảnh để tạo ra hiệu ứng xác thực. Nếu như Chatterjee nhận định và phê bình là việc viết sử như vậy hướng tới “đòi lại cho chúng ta, những người từng là thuộc địa, quyền tự do tưởng tượng của chúng ta”17 thì Guha đem lại các công cụ để giải phóng trí tưởng tượng khỏi sự chiếm đoạt thực dân và để bắt đầu diễn giải quyền tự do này khi giành được nó18.

   Nhà phê bình subaltern Henry Schwarz19, người đã được đề cập ở trên, trên cơ sở phân tích kỹ quan điểm của nhóm nghiên cứu subaltern, đã cho rằng tiếng nói của subaltern không chỉ được thu thập thông qua các tài liệu như Guha đã chỉ ra mà còn ở trong “hình ảnh phản chiếu” của các tài liệu chống quân nổi dậy vốn được các chính quyền dùng để trấn áp nhóm subaltern. Như Schwarz phân tích, nhóm nghiên cứu subaltern nỗ lực chứng tỏ “sự có thể của cái không thể” trong việc khôi phục ý thức subaltern như là nơi chốn của một sự tưởng tượng đích thực dựa trên cơ sở giả thiết rằng “tất cả các định danh đều mang tính tưởng tượng và không thể quay trở lại cái điểm đáng hoài cổ nào đó về các nguồn gốc, không có sự ổn định tiền ngôn ngữ nào trước cái biểu đạt, không có “subaltern” trước khi có sự khắc họa về nó trong các văn bản về sự chống đối - nổi dậy. Điều này hoàn toàn khác với việc khẳng định rằng subaltern như vậy không tồn tại trên thực tế về mặt thực nghiệm (có thể không tồn tại trong văn bản nhưng đã tồn tại trong thực tế mà chưa được hay không được tính trong lịch sử chính thống”20. Nhóm nghiên cứu subaltern nhận ra rằng tồn tại trên thực tế này đã thoát khỏi các tự sự lịch sử và điều này vừa đảm bảo sự tồn tại lâu dài của lịch sử với các thủ tục có nguyên tắc bộ môn cũng như làm mất đi thẩm quyền của bộ môn này (bởi vì một người ghi chép khách quan đơn thuần, nhà sử học đồng thời đóng vai trò là người ghi âm, người ghi chép lại, người diễn dịch và người sáng tạo).

   Về cách thức khôi phục ý thức subaltern, trên cơ sở một sự thực rằng không có ý thức subaltern trước khi nó được diễn đạt trong văn bản và bởi vì những người nổi dậy lưu giữ rất ít hồ sơ về các hoạt động của họ, Schwarz cho rằng việc tìm kiếm ý thức subaltern chỉ có thể được tiếp tục bằng cách suy nghĩ lại về những gì cấu tạo nên một văn bản. Ông nêu cách mà một số nhà phê bình subaltern đề xuất, như Veena Das đưa ra một chương trình thực tế rõ ràng khi bà viết rằng vấn đề không phải là việc không có nhiều các nguồn không chính thức hay là việc không tiếp cận được những tài liệu này mà là vấn đề về “tính hợp pháp của những người tạo ra những tài liệu này cần phải được lịch sử chính thống công nhận”21. Cách thức tái định nghĩa các nguồn tài liệu hợp pháp, như Schwarz nhận định, thách thức cả sự phụ thuộc từ trước tới nay vào các tài liệu viết (chủ yếu là tài liệu của người Anh) về hoạt động của subaltern và các quy tắc và chuẩn mực của học thuật về lịch sử như một môn học. Theo Schwarz, nếu subaltern được nói thì đó là đã đến lúc các chủ đề nói đó lại được giới thiệu như là một bằng chứng và không phải chỉ duy nhất trong những hình thức bắt buộc mà ở đó “các tuyên bố” của họ xuất hiện ở vùng bên lề của các bài luận22. Việc mở ra các đường biên thuộc nguyên tắc của bộ môn lịch sử trong mối quan hệ với các hình thức sản xuất văn bản khác mà qua đó “hiệu ứng subaltern” có thể đọc được cần thiết phải phối hợp với cái vẫn được gọi là “nghiên cứu văn hóa” ở Hoa Kỳ, đó là sự kết hợp không ổn định của phân tích văn học, mô tả nhân học, đánh dấu giới tính, điều kiện xã hội học của sản xuất và tiếp nhận, và hình thức trung gian của tất cả các hình thức này.

   Luận điểm tiếp theo liên quan đến ý thức subaltern, theo Schwarz, là vấn đề quyền lực. Nếu như nhóm của Guha tin rằng ý thức subaltern, dưới bất kỳ hình thức nào, có thể được khôi phục từ hồ sơ lịch sử nhưng người viết lịch sử – ngay cả lịch sử đi ngược lại lịch sử phi chính thống – vẫn có xu hướng nói thay cho người được nói tới; việc tái diễn giải ý nghĩa lịch sử này luôn luôn từ vị trí đã được chiếm lĩnh của một người chủ; việc subaltern có thể chính xác viết lịch sử của riêng mình bên ngoài các quy ước của phong cách viết sử được thừa nhận thì cũng là trong cái xu hướng làm hài lòng người viết sử tinh hoa, những người cũng đang nỗ lực viết sử subaltern. Đúng là bằng cách thay thế các phạm trù giai cấp trong lịch sử Marxist phân tích không gian tự trị của cuộc nổi dậy subaltern, từ đó Guha hướng tới một lịch sử sẽ cho phép người subaltern lên tiếng với sự tự chủ hoàn toàn về lời nói của mình. Nhưng như chính Schwarz khẳng định, người được nói tới – subaltern – không thể sở hữu hoàn toàn ý thức của mình dù là cho chính mình hay là cho người khác, và người viết sử không có tư cách để tiến hành bất cứ điều gì trong thực tế cho ý thức được phát lộ.

   Điểm mấu chốt, như Schwarz viết, là sức mạnh của bất kỳ tác phẩm lịch sử tưởng tượng nào trong việc tạo ra sự thay đổi xã hội. Ông tin rằng một lịch sử như vậy là có thể thực hiện được. Nó “tạo ra không chỉ một lịch sử đại chúng mà còn là một lịch sử Ấn Độ, một lịch sử thích ứng tốt hơn với tổng thể đời sống chính trị và xã hội Ấn Độ, nghĩa là không chỉ có khoảng hai phần trăm giới tinh hoa cầm quyền đã làm nên lịch sử như truyền thống vẫn tạo dựng mà còn có nghĩa là vô số người chưa được khám phá, những người sở hữu khả năng, nếu được nghe thấy, trong việc giải phóng Ấn Độ khỏi những tàn tích ý thức hệ của chế độ thuộc địa và nạn tham nhũng thời hậu thuộc địa bằng cách phơi bày phạm vi rộng lớn của những điều “không thể nói ra: trong cuộc sống hàng ngày”. Theo Guha, lời kêu gọi xây dựng “một cuốn sử của người Ấn Độ về Ấn Độ” là một sự thách thức đối với quyền cai trị Ấn Độ của người Anh. “Không có lịch sử nào về Ấn Độ thuộc địa sẽ thực sự là Ấn Độ ngoại trừ việc phê phán những nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ quyền lực cấu thành bản thân chính chủ nghĩa thực dân”23.

   Cùng với văn học, lịch sử là một trong hai công cụ chính được sử dụng trong việc “lấy lại” quá khứ của Ấn Độ. Theo Schwarz, việc nhấn mạnh vào ý nghĩa thực tiễn này phần lớn là bảo vệ dự án lịch sử đó khỏi các loại chỉ trích buộc tội nó như là sự lý tưởng hóa triết học về subaltern như là dạng bản thể tự nhiên kiểu Rousseau hoặc với những âm điệu của chủ nghĩa hậu cấu trúc nhằm thẩm tra thẩm quyền của lý trí phương Tây nói chung. Theo quan sát của Schwarz, Gayatri Spivak cho rằng công việc viết sử trên là mang tính siêu hình một cách tự ý thức, vận hành một “chủ nghĩa bản chất chiến lược”, theo đó, phong trào “truy xuất ý thức subaltern phá vỡ phép tu từ vượt cấp trong việc viết sử” và đặt tác động của chủ thể subaltern trong một mối quan tâm chính trị hiển thị nhất. Schwarz cho rằng cái thời điểm mà ở đó lịch sử subaltern xuất hiện thì nó nên có tư cách như là một ví dụ về cái mà Spivak gọi là “giải cấu trúc mang tính xác quyết” trong khi những người thực hành nó có thể chống lại việc bị diễn đạt lại bằng ngôn ngữ của chủ nghĩa hậu hiện đại: sử dụng “sức mạnh phản nhân văn… ngay cả khi họ chia sẻ nghịch lý cấu thành của nó: rằng thời điểm bản chất hóa, đối tượng phê phán của họ, là không thể rút gọn được”24.

   Tuyên bố về tính hư cấu này – sự bóp méo tham số, chủ nghĩa bản chất luận mang tính chiến lược – không hẳn là một phương pháp để tuyên bố giá trị quy chiếu của lịch sử đó là sự sai lầm có ý thức, vì thế nó thuộc lĩnh vực không phải chịu trách nhiệm. Schwarz cho rằng, “trong khuôn khổ thể chế rộng lớn hơn của lịch sử học thuật Ấn Độ, một bộ môn đã đấu tranh mạnh mẽ suốt 50 năm qua chỉ chuyển sự kiện độc lập của Ấn Độ về tay giới tinh hoa theo chủ nghĩa dân tộc, thì sự bùng nổ của tầng lớp nông dân nổi loạn với tư cách là tác nhân bí mật của nền độc lập đại diện cho cái điều không thể định nghĩa được”25. Và để hình dung được những gì cụ thể trong “hình ảnh phản chiếu” của lịch sử chính thống như là cách đọc ra ý thức subaltern thì cần đọc “lịch sử chính thống theo những cách mới, tìm kiếm những khoảnh khắc đối lập từ bản ghi văn bản và giải thích chúng theo cách mới”26. Schwarz đề cập đến sự tồn tại chung của các tiếng nói khác nhau của các nhóm đến từ các nền tảng xã hội, địa lý, lịch sử và nghề nghiệp khác nhau, có thể giúp hồi sinh diễn ngôn chính thống chú ý đến tiếng nói của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

   Trong bài viết gây tiếng vang Liệu người Subaltern có thể nói được không? (Can the Subaltern Speak?), Gayatri Spivak “đã xem xét lại các vấn đề về cái subalternity trong các diễn biến lịch sử mới do chính trị tư bản của việc làm suy yếu tiếng nói cách mạng và phân công lao động trong một thế giới toàn cầu hóa đem lại”27. Spivak không tán thành quan điểm của nhóm nghiên cứu subaltern về việc có thể xác định được các nhóm subaltern bằng cách định vị và tái thiết lập một “tiếng nói” (voice) hay là vị trí có tính tập thể của chủ thể trong lịch sử hậu thuộc địa Ấn Độ. Bà đồng ý với nhóm nghiên cứu subaltern về luận điểm “bạo lực nhận thức” như là một yếu tố cấu thành điều kiện của cái subalternity và điều này hiếm khi được các trí thức châu Âu (hậu cấu trúc), kể cả những người đưa ra những phân tích tỉ mỉ các câu hỏi về quyền lực thừa nhận. Tuy nhiên, bà phản bác lại rằng thứ bạo lực nhận thức này không thể chỉ được chữa lành bằng cách đứng từ bên ngoài cố gắng cải thiện tình trạng của những người subaltern trên cơ sở cung cấp cho họ tiếng nói tập thể; và như thế, người subaltern sẽ phải phụ thuộc vào các học giả phương Tây, những người có thể “nói thay cho họ” chứ họ không được tự nói cho bản thân họ; và việc nhóm nghiên cứu subaltern tuyên bố lại một bản sắc tập thể của người subaltern thì điều này lại ghi khắc lại vị trí cấp dưới, phụ thuộc của họ trong xã hội. Với Spivak, giả thiết mang tính thuần học thuật của nhóm nghiên cứu subaltern về cái tập thể này liên quan đến một sự mở rộng mang tính định hướng vị chủng của biểu tượng phương Tây như là một huyền thoại mang tính tổng thể và điều này lại không tính đến tính không đồng nhất trong chính trị cơ thể bị thuộc địa. Spivak giải thích: “Đối với nhóm subaltern “thực sự”, nhóm mà bản sắc của họ là “sự khác biệt”, thì không có chủ thể subaltern vốn không có điều kiện biểu đạt lại có thể biết và tự mình nói ra”28. Bà nói thêm: “Khi chúng ta đi đến câu hỏi đồng thời về ý thức của người subaltern, thì khái niệm về những gì công việc (của chúng ta) không thể nói, trở nên quan trọng”29.

   Spivak bảo vệ quan điểm rằng tính chất subaltern là một không gian mang tính tu từ, nó “bí mật”, nó mang “tính không thể”. Người yếu thế subaltern không bao giờ nói vì anh ta không có cơ hội để nói và ngay cả khi anh ta được trao cơ hội này thì luôn có một cá nhân “toàn năng” nào đó lên tiếng thay cho anh ta vì nghĩ rằng anh ta không có năng khiếu nói chuyện và thể hiện bản thân. Subaltern đứng ở đó, ngay đường biên chông chênh, dao động giữa việc có thể biểu đạt, việc biểu đạt sai và sự không được biểu đạt. Do đó, cái subaltern, theo Spivak, là một không gian bất khả thi, trong đó các học giả cố gắng lắng nghe âm thanh của sự im lặng. Việc lắng nghe sự im lặng này cũng được Edward Said khẳng định trong cuốn sách Văn hóa và Chủ nghĩa đế quốc (Culture and Imperialism) của mình. Ông phê bình tương tự với Spivak khi cho rằng chính việc biểu đạt đại diện cho các nhóm lại chủ yếu là để hoàn thành chức năng mang tính tư tưởng là duy trì các nhóm cấp dưới và phụ thuộc này (subordinate) ở vị trí cấp dưới và bị phụ thuộc, duy trì các nhóm thấp kém ở vị trí thấp kém30. Do đó, theo Said, các nhà phê bình và các học giả cần diễn giải những thứ không được nói ra và phải đọc giữa các dòng để tập hợp một sự miêu tả giả xác thực (có vẻ như-authentic) của người subaltern.

   Như vậy, chủ động và nhạy cảm của chủ thể người đọc là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong việc đọc ra tiếng nói subaltern trong tác phẩm văn học. Người đọc cần lắng nghe tiếng nói bên trong, tiếng nói không thành lời, không được viết ra của nhân vật; tiếng nói ấy chỉ có thể được cảm nhận khi người đọc kết nối nhân vật đó với hệ thống nhân vật cùng loại trong các tác phẩm văn học hay dữ liệu lịch sử, báo chí khác hoặc là dựa vào tính phản ứng, tính tương tác trong các hành vi, cử chỉ của nhân vật có tiếng nói khác để đọc ra thái độ, hành vi của nhân vật subaltern, nhân vật ít lời, nhân vật kiệm lời và cả nhân vật phi con người có lời nói trong tác phẩm văn học. Điều này cũng phần khẳng định luận điểm của Spivak về sự khác biệt giữa chủ thể yếu thế (subaltern subject) và “chủ thể bên lề” (marginal subject). Theo đó, hai thuật ngữ có thể có những trùng lặp và đều có sự quan tâm đến vấn đề lời nói (speech) và sự thể hiện (representation) nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ: chủ thể bên lề trong bối cảnh buộc phải nói ngôn ngữ thống trị nhưng có thể chủ động giữ lại tiếng nói (ngôn ngữ) của mình như một hành động phản kháng. Chủ thể yếu thế không được phép nói nhưng một cách nghịch lý, đã tham gia vào nỗ lực tự kể lại và chủ quan hóa thông qua phương tiện trung gian là văn học, mặc dù cuối cùng thì giọng nói của họ là không thể tiếp cận được31.

 

 

 

Chú thích:
1 Rob Nixon (2005), “Environmentalism and Postcolonialism”, Postcolonial Studies and Beyond, Eds. Ania Loomba, Suvir Kaul, Matti Bunzl, Antoinette Burton, and Jed Esty, NC: Duke University Press, p. 233.
2 Đọc: E. H. Louai (2012), “Retracing the Concept of Subaltern from Gramsci to Spivak: Historical Developments and New Applications”, African Journal of Historical Culture, 14, No.1, p. 5.
3 David Arnold (2000), “Gramsci and Peasant Subalternity in India” , In: Chaturv, V, (ed.), Mapping Subaltern Studies and the Postcolonial, Verso, p. 28.
4, 12 Ranajit Guha (1996), “The Small Voice of History” in Shahid Amin and Dipesh Chakrabarty (eds), Subaltern Studies IX: Writings on South Asian History and Society, Oxford University Press, p. 6, 3.
5 Ranajit Guha (1994), “The Prose of CounterInsurgency”, Culture/Power/History: A Reader in Contemporary Social Theory, edited by Nicholas B. Dirks, Geoff Eley and Sherry B. Ortner, Princeton University Press, p. 45-84.
6 Gyan Prakash (2000), “The Impossibility of Subaltern History”, Nepantla: Views from South 1.2: 287-294.
7, 8 Partha Chatterjee (1986), Nationalist Thought and the Colonial World, London: Zed Books, Ltd, p. 45, 45.
9 Homi Bhabha (1990), “Dissemination: Time, Narrative, and the Margins of the Modern Nation”, Nation and Narration, Publisher London Rutledge, p. 151, 157.
10, 11 Ranajit Guha (1989), “Dominance without Hegemony and Its Historiography”, in Subaltern Studies VI: Writings on South Asian History and Society, Oxford University Press, p. 290, 290-300.
13, 16, 17, 18, 20, 23, 25, 26 Henry Schwarz (2002), “Subaltern Studies: Radical History in the Metaphoric Mode”, Reading Subaltern Studies: Critical History, Contested Meaning and the Globalization of South Asia, Ed. David Ludden, London: Anthem, p. 304-330, 304-342, 322, 304-342, 327, 327, 341, 316.
14, 28, 29 Gayatri C. Spivak (1987), “Can the Subaltern Speak?” in Marxism and the Interpretation of Culture, eds, Cary Nelson and Lawrence Grossberg, Basingstoke: Macmillan, p. 332, 285, 287.
15 Gayatri Chakravorty Spivak (1996), “Three Womens Texts and a Critique of Imperialism.” In Peter Brooker and Peter Widdowson, eds., A Practical Reader in Contemporary Literary Theory, London & New York: Prentice Hall/Harvester Wheatsheaf, p. 132-143.
19 Đọc: Henry Schwarz (1997), “Subaltern Studies: Radical History in the Metaphoric Mode”, In Writing Cultural History in Colonial and Postcolonial India, University of Pennsylvania Press, p. 128-161.
21 Veena Das (1994), “Subaltern as perspective”, In Subaltern Studies 6: Writings on South Asian History and Society / ed. by Ranajit Guha, New Delhi: Oxford University Press, p. 310.
22 Upendra Baxi (1993), “The state’s emissary: The place of law in Subaltern Studies”, in Subaltern Studies VII, ed. Ranajit Guha, p. 247-264.
24 Gayatri C. Spivak (1988), “Can the Subaltern Speak?” in Marxism and the Interpretation of Culture, eds. Cary Nelson and Lawrence Grossberg. Basingstoke: Macmillan, p. 342.
27 E. H. Louai (2012), “Retracing the Concept of Subaltern from Gramsci to Spivak: Historical Developments and New Applications”, African Journal of Historical Culture, 14, No. 1, p. 6.
30 Edward Said (1993), Culture and Imperialism, Knopf, p. 80.
31 Gayatri C. Spivak (1990), “Theory in the Margin: Coetzee’s Foe Reading Defoe’s “Crusoe/ Roxana””, English in Africa, 17(2), p. 1-23, http://www.jstor.org/stable/40238659; Gayatri Chakravorty Spivak (1996), “Three Womens Texts and a Critique of Imperialism.” In Peter Brooker and Peter Widdowson, eds., A Practical Reader in Contemporary Literary Theory, London & New York: Prentice Hall/Harvester Wheatsheaf, p. 132-143; Isabella D’Angelo (2000), Subaltern and Marginal Figures in Literature: Spivak’s Reading of Postcolonial Novels, Junctions: Graduate Journal of the Humanities, 5/1/2000.

Bình luận

    Chưa có bình luận