HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG: NƠI KHỞI NGUỒN CỦA ĐỘNG LỰC SÁNG TẠO

Bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Nhà văn Niê Thanh Mai, Ủy viên Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chủ tịch Hội văn nghệ Đắk Lắk.

     Tôi vô cùng xúc động và tự hào khi được trao cho cơ hội đứng ở vị trí trang trọng này, thay mặt cho các cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật trẻ - những người đang và sẽ tiếp nối thế hệ các bác, các chú để phát huy vai trò của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.  

     Xin được kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, quý vị đại biểu, các nhà lý luận, phê bình lão thành và toàn thể quý vị lời kính chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thêm nhiều sáng tạo.

     Là một nhà văn dân tộc Ê Đê; sống và làm việc tại tỉnh Đắk Lắk - một vùng đất của Tây Nguyên hùng vĩ, tôi may mắn có cơ hội được dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật từ nhiều năm trước. Đối với mỗi chúng tôi - trong vai trò là học viên - các kỳ Hội nghị tập huấn do Hội đồng tổ chức mang đến quá nhiều điều thú vị. Những bài giảng của báo cáo viên là các nhà nghiên cứu lý luận phê bình xuất sắc, nhiều kinh nghiệm trong lý luận và thực tiễn đã giúp chúng tôi hiểu hơn về những vấn đề lớn, có tính thời sự, cấp thiết trong đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà.

     Song song đó, các lớp bồi dưỡng, các cuộ tọa đàm, hội thảo do Hội đồng tổ chức đều đặn hàng năm không chỉ nhân rộng các nhân tố mới trong hoạt động lý luận, phê bình mà còn kết nối, trao niềm tin cho những người trẻ, còn non trẻ và ít kinh nghiệm trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Từ mọi miền đất nước, từ Tây Nguyên đến vùng đồng bằng, trung du hay miền núi phía Bắc, chúng tôi có nhiều cơ hội được trao đổi chuyên môn, hỗ trợ nhau trong nghề nghiệp và cuộc sống. Đặc biệt, từ những kỳ Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng ấy đã giúp các Hội văn học, nghệ thuật địa phương phát hiện nhân tố mới để bồi dưỡng, kết nạp và phát triển mảng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tại đơn vị mình.

     Gần đây nhất, Hội nghị tập huấn được tổ chức vào trung tuần tháng 8/2023 tại Đắk Lắk  – vùng đất hội tụ của 49 dân tộc anh em; vùng đất có đời sống văn hoá, tinh thần các dân tộc vô cùng phong phú – đã chào đón các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà lý luận, phê bình, các biên tập viên ở các cơ quan báo, đài, các văn nghệ sĩ... ở 37 tỉnh thành về tham dự. Cuộc hội ngộ ý nghĩa này đã góp phần tạo nên sự rộn ràng, náo nhiệt của tỉnh lỵ Tây nguyên đang từng ngày vực dậy sau những khó khăn vừa qua. Đó cũng là một trong những điều rất giá trị của các kỳ Hội nghị tập huấn do Hội đồng tổ chức tại các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là Tây Nguyên.

     Trong bối cảnh như hiện nay, ở lĩnh vực lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, lớp trẻ còn đó những hạn chế nhất định về đội ngũ, kinh nghiệm và chuyên môn, chúng tôi rất mong muốn Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tiếp tục quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng các cây bút trẻ. Những người trẻ ấy tràn đầy niềm đam mê và nhiệt huyết, dám dấn thân vào thử thách để khẳng định mình; phấn đấu và nỗ lực hết mình. Họ cần những cú hích để có được động lực để bứt phá.

     Chúng tôi rất kỳ vọng vào những diễn đàn, hội thảo, toạ đàm thật sự có chất lượng và chiều sâu với các đề tài thiết thực, mới mẻ để các cây bút lý luận, phê bình nhiều lứa tuổi, đặc biệt là những cây bút trẻ, có thêm cơ hội để công bố kết quả nghiên cứu, trao đổi chuyên môn và học hỏi được kinh nghiệm về chuyên môn cũng như các khía cạnh khác trong đời sống.

     Với tư cách một người cầm bút ở Tây Nguyên, vùng đất của sử thi, truyện cổ từ xa xưa nhưng trong thời gian qua và hiện nay, Tây Nguyên lại là nơi mà các hoạt động nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn thiếu và yếu; chúng tôi - những người hoạt động văn học, nghệ thuật tha thiết trông đợi có thêm nhiều chương trình của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương được tổ chức tại đây, đặc biệt dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để những người cầm bút trẻ thêm tự tin để đi dài với lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

     Mong muốn rất nhiều. Nhưng trước hết chúng tôi sẽ phải nỗ lực không ngừng. Phải vận động từ chính bản thân và từ cả thế hệ của mình. Tin tưởng rằng với sự quan tâm từ suốt hai mươi năm và trong thời gian đến, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cùng với các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương sẽ dành nhiều cơ hội hơn nữa để người trẻ ở Tây Nguyên nói riêng, khắp cả nước nói chung phát triển, cống hiến.

    Một lần nữa, tôi xin gửi lời cảm ơn đến toàn thể quý lãnh đạo Đảng, nhà nước cùng quý vị đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm nhiều sức khỏe, bình an và thêm nhiều sáng tạo mới. Xin chúc Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tuổi 20 nhiều thành công hơn nữa.

     Xin trân trọng cảm ơn !

Bình luận

    Chưa có bình luận