PHÁT HUY SỨC TRẺ TUỔI 20, TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT NƯỚC NHÀ*

Nội dung chính diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương của PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

   Kính thưa đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương !
   Kính thưa đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương !
   Kính thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành, các cơ quan, đơn vị trong cả nước tham dự buổi Lễ !
   Kính thưa các đồng chí và quý vị !

   Đầu thập niên chín mươi của thế kỷ XX, sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội  hiện thực ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại và phong trào cộng sản, cánh tả trên thế giới rơi vào tình thế hết sức khó khăn, tư tưởng chính trị giao động, trật tự xã hội có nhiều biến động phức tạp, sâu sắc. Ở nước ta, sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo (từ Đại hội VI, năm 1986) mới đi qua một chặng đường chưa đủ dài, vừa tìm tòi, vượt thác ghềnh, vừa bảo đảm sự ổn định chính trị và mở lối phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với một số thành tựu và bài học bước đầu, quá trình đổi mới của ta cũng bộc lộ không ít lúng túng, bất cập cần được nhìn nhận đầy đủ và điều chỉnh đúng đắn. Bối cảnh đó tác động mạnh mẽ, nhiều chiều đến các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức, văn nghệ. Trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, một số nhà nghiên cứu lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ có biểu hiện hoang mang, dao động; một số người đòi xem xét lại hệ thống lý luận văn nghệ mác-xít, chạy theo một cách thái quá các khuynh hướng lý luận văn nghệ bên ngoài, cổ súy cho việc “hạ bệ”, “giải thiêng” danh nhân lịch sử, văn hóa, văn nghệ; chia rẽ nội bộ giới văn nghệ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

   Trước tình hình đó, để bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ; đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Quyết định số 81-QĐ/TW, ngày 10/9/2003 về việc thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Đây là quyết định kịp thời, đúng đắn, thể hiện sự nhạy bén, chủ động và sáng suốt của Đảng ta đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật được Đảng khẳng định là “bộ phận rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa”.

   Tính đến nay, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trải qua 20 năm xây dựng, trưởng thành với gần 5 nhiệm kỳ hoạt động. Việc ra đời của Hội đồng mở ra giai đoạn phát triển mới của nền văn học, nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

   Bộ máy tổ chức và nhân sự của Hội đồng qua từng nhiệm kỳ bao gồm một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (sau này là Ban Tuyên giáo Trung ương); đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thông tin (sau này là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐNDVN); Cục Công tác đảng, Công tác chính trị (Bộ Công an); Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành Trung ương; các cơ quan văn nghệ, báo chí, xuất bản quan trọng; các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của cả nước.

   Theo Quyết định số 210-QĐ/TW của Ban Bí thư, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương có chức năng là:“Cơ quan tư vấn cho Đảng và Nhà nước về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật”,... “Chịu sự chỉ đạo của Ban Bí thư, thường xuyên và trực tiếp là đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương''. Hội đồng được giao 06 nhiệm vụ cơ bản: Đánh giá tình hình lý luận, phê bình, sáng tác, xuất bản, quảng bá văn học, nghệ thuật. Tham gia tổ chức nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, tổng kết thực tiễn, góp phần bổ sung, hoàn thiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới. Tư vấn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Xét tặng thưởng và hỗ trợ các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng cao. Phát hiện, biểu dương, nhân rộng các nhân tố mới trong hoạt động lý luận, phê bình, góp phần xây dựng đời sống văn học, nghệ thuật phong phú, lành mạnh, coi trọng xây dựng nhân cách, đạo đức con người Việt Nam; đấu tranh chống quan điểm sai trái, lệch lạc, phản động trong văn học, nghệ thuật, bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng. Mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; khuyến khích sáng tạo, trao đổi khoa học, góp phần từng bước xây dựng cơ sở lý luận cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ mới; định hướng, khích lệ giới lý luận, phê bình thực hiện chức năng thẩm định, hướng dẫn các hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn học, nghệ thuật. Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tư vấn, định hướng hoạt động lựa chọn và tiếp nhận lý luận văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

   Hai mươi năm qua, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước xây dựng và lãnh đạo thực thiện nhiều nghị quyết, chính sách ở tầm chiến lược, vĩ mô về văn hóa, văn nghệ; tư vấn và hỗ trợ nhiều ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu khoa học; hoàn thành các đề án, đề tài khoa học cấp nhà nước và cấp ban đảng. Đó là các đề tài lớn như: “Văn học, nghệ thuật Việt Nam trong quá trình thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội”; “Văn hóa trong chủ thuyết phát triển của Việt Nam”; “Tư tưởng lý luận văn nghệ trung cận đại ở Việt Nam”; “Quá trình tiếp thu các tư tưởng lý luận văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX”; “Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam”; “Văn học, nghệ thuật Việt Nam qua 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, hội nhập và phát triển”…Nhiều đề tài thiết thực cấp ban đảng như: “Mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ từ thời kỳ Đổi mới đến nay”; “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật”; “Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”; “Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật”; “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”; “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao”; “Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ 80 năm qua”...

   Hội đồng đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát thực tiễn, nghiên cứu lý luận ở trong và ngoài nước, tư vấn giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết về văn hóa, văn nghệ như “Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn học, nghệ thuật; “Đánh giá tác động của chủ trương xã hội hóa đến sự phát triển văn học, nghệ thuật”; “Vấn đề tiếp thu lý thuyết văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam”; “Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị”; “Các khuynh hướng vận động và phát triển của văn học, nghệ thuật - nhận diện, dự báo, định hướng”; “Một số giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật”; “Văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo”; “Văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19”; “Văn học, nghệ thuật với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới”...

   Hội đồng tổ chức các hội nghị tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực và bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ lĩnh vực tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thông, nghiên cứu, giảng dạy về văn học, nghệ thuật; bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ cho các cây bút lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ. Các hội nghị tập huấn và các lớp bồi dưỡng được tổ chức hàng năm, nội dung là quán triệt và triển khai thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn nghệ; khả năng dự báo, nắm bắt và xử lý các vấn đề, các tình huống nảy sinh trong thực tiễn công tác. Chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

   Trong 20 năm qua, Hội đồng đã tổ chức được 23 hội nghị tập huấn ở cả hai miền Nam và Bắc, mỗi kỳ trung bình từ 200 - 300 học viên tham dự. Riêng nhiệm kỳ IV (2016-2021), trong bối cảnh căng thẳng của dịch covid - 19, Hội đồng vẫn tổ chức được 05 hội nghị tập huấn với sự tham dự của hơn 2000 học viên; nửa đầu nhiệm kỳ V (2021-2026), tổ chức được 06 hội nghị tập huấn với hơn 1500 học viên tham dự. Các hội nghị tập huấn được cấp ủy, chính quyền các địa phương và các ban, bộ, ngành trung ương đánh giá cao về tính thiết thực, hiệu quả. Để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình trẻ, Hội đồng tổ chức được 07 lớp học với sự tham gia của hàng trăm học viên cả phía Bắc và phía Nam. Riêng 02 lớp bồi dưỡng tổ chức năm 2023 có 158 học viên tham dự, trong đó trên 80% học viên có trình độ PGS, TS và Tiến sĩ.

   Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học nhân các sự kiện trọng đại của đất nước, tôn vinh các danh nhân văn hóa và cách mạng tiêu biểu. Tập trung đánh giá, phân tích, dự báo tình hình, đề xuất phương hướng, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới; cung cấp và trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong sáng tác, lý luận, phê bình, quảng bá và tiếp nhận giá trị văn học, nghệ thuật. Sau mỗi hội nghị, hội thảo, Hội đồng có báo cáo gửi Ban Bí thư, Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan; các tham luận có chất lượng cao được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật biên tập, in thành sách để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Trong 20 năm qua, Hội đồng đã tổ chức được 16 cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia, hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học cấp ban đảng, góp ý các dự thảo văn kiện trình các kỳ Đại hội Đảng; dự thảo các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về văn hóa, văn nghệ; việc thể chế hóa, hiện thực hóa đường lối, nghị quyết của Đảng bằng chính sách, cơ chế, nguồn lực của Nhà nước; góp ý, phản biện nội dung, chương trình văn học trong sách giáo khoa các cấp học phổ thông; vấn đề nghiên cứu, giảng dạy các bộ môn văn học, mĩ học và ngôn ngữ trong các trường đại học, cao đẳng; đánh giá tình hình, nêu giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực văn học, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, mĩ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, múa, văn nghệ các dân tộc thiểu số, văn nghệ dân gian.

   Hội đồng phấn đấu là trung tâm đoàn kết, quy tụ, xây dựng lực lượng, định hướng các hoạt động văn hóa, văn nghệ cả nước. Động viên, khích lệ giới sáng tác, lý luận, phê bình, quảng bá và anh chị em văn nghệ sĩ thực hiện đúng đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn nghệ. Kịp thời phát hiện, biểu dương, lan tỏa các nhân tố mới, điển hình tích cực trong các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; đề cao các giá trị chân, thiện mỹ, tính khoa học, nhân văn, dân chủ, tiến bộ; phấn đấu có thêm nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

   Thực hiện nhiệm vụ do Ban Bí thư và đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương giao, hằng năm Hội đồng tổ chức thẩm định và trao Tặng thưởng các tác giả có tác phầm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc và hỗ trợ xuất bản cho các bản thảo sách có chất lượng cao. Tính đến tháng 9 năm 2023, có 248 tác phẩm đã được trao Tặng thưởng; có 147 bản thảo được hỗ trợ xuất bản thành sách chuyên khảo.

   Tích cực, chủ động tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch; phê phán cái gọi là “Ban vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam”, “Hội Nhà báo Việt Nam độc lập”; trao giải thưởng Văn Việt cho các cây bút thiếu thiện chí; tư vấn thẩm định, điều chỉnh, xử lý các sản phẩm, ấn phẩm văn hóa, văn nghệ có nội dung xấu độc, lệch lạc.

   Qua 20 năm xây dựng, trưởng thành, có 07 đồng chí là Lãnh đạo và Ủy viên Hội đồng được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật và khoa học, công nghệ gồm: Nhạc sĩ Trần Hoàn, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Giáo sư Hà Minh Đức, Đạo diễn, NSND Hải Ninh, NSND Chu Thúy Quỳnh, Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, NSND, PGS,TS Ứng Duy Thịnh; có 25 đồng chí là Lãnh đạo và Ủy viên Hội đồng được Chủ tịch nước tặng  Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và khoa học, công nghệ và nhiều giải thưởng danh giá khác.

   Cơ quan ngôn luận và trao đổi kiến thức, chuyên môn của Hội đồng, từ chỗ là bản tin khoa học, đến năm 2012, được nâng cấp thành Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đưa vào danh mục các tạp chí được tính điểm khoa học cao nhất là 1 điểm. Hôm nay, tại buổi lễ trọng thể này, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Ban Biên tập Tạp chí chính thức khai trương Tạp chí điện tử lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, đánh dấu bước phát triển mới về nội dung, hình thức và công nghệ rất đáng tự hào. Tạp chí điện tử giúp nối dài, mở rộng kênh thông tin, tạo diễn đàn nghiên cứu, trao đổi học thuật về văn học, nghệ thuật trên nền tảng số và kết nối internet.

   Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu !

   Để có được bước đi vững vàng trong 20 năm qua và bước phát triển cao hơn trong những năm tới, Hội đồng trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; sự phối hợp hiệu quả của các vụ, đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, các ban, bộ, ngành Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy; sự phối hợp, cộng tác hiệu quả của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, các hội chuyên ngành trung ương và địa phương; các cơ quan văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, trường đại học, viện nghiên cứu; các trí thức, văn nghệ sĩ trong cả nước.

   Luôn luôn ghi ơn sâu sắc các đồng chí lãnh đạo, ủy viên Hội đồng, cán bộ, chuyên viên, nhân viên Hội đồng qua các thời kỳ đã góp công sức, trí tuệ, tâm huyết xây dựng Hội đồng vững mạnh nhiều mặt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

   Kỷ niệm 20 năm thành lập là dịp để Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tiếp tục phấn đấu, sáng tạo, đổi mới, phát triển, xứng đáng là :“Cơ quan tư vấn cho Đảng và Nhà nước về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật”, “Góp phần xây dựng, hoàn thiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới”.

   Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, quý vị và các bạn !

 

 

Chú thích:
Tiêu đề do Ban Biên tập đặt

Bình luận

    Chưa có bình luận