MĨ CẢM SINH THÁI TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH VÀ ANH THƠ

Trong phong trào Thơ mới, thơ Nguyễn Bính và Anh Thơ có một giai điệu riêng, lắng sâu một mĩ cảm sinh thái vừa truyền thống vừa hiện đại. Từ góc độ phê bình sinh thái, bài viết khám phá mĩ cảm sinh thái trong ''Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi'' của Nguyễn Bính và ''Bức tranh quê'' của Anh Thơ, chỉ ra vẻ đẹp tự nhiên, rung động thôn quê, ám ảnh đô thị và hướng tới sự hài hoà sinh thái trong ba tập thơ.

   Giữa cái ồn ào náo nhiệt của phong trào Thơ mới, thơ Nguyễn Bính và Anh Thơ đã tạo nên một giai điệu đồng quê nhẹ nhàng sâu lắng, giai điệu ấy vừa chạm vào những nỗi niềm từ thuở xa xưa, vừa có những băn khoăn của thời đại ấy, vừa cộng hưởng với những rung cảm suy tư của con người ngày nay. Một trong những yếu tố làm nên cầu nối giữa người đọc thuộc các thế hệ khác nhau đó chính là mĩ cảm sinh thái trong thơ của họ. Anh Thơ (1918-2005) với tập Bức tranh quê (1939) và Nguyễn Bính (1918-1966) với tập Lỡ bước sang ngang (1940), Tâm hồn tôi (1940) đã gặp gỡ nhau trong rung cảm, suy tư về những vấn đề sinh thái.

   Nghiên cứu về thơ Nguyễn Bính nói chung, hai tập Lỡ bước sang ngangTâm hồn tôi nói riêng, các nhà nghiên cứu đều chú ý đến cảnh quê, tình quê. Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã chỉ ra cái “bản chất nhà quê” chi phối tư tưởng, tình cảm, tạo nên phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Bính, lay thức “người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta”1; Tôn Phương Lan trong bài Nguyễn Bính – nhà thơ chân quê2 tập trung phân tích chất quê, tình quê, điệu quê trong thơ Nguyễn Bính. Còn về thơ Anh Thơ giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám 1945, chủ yếu qua tập Bức tranh quê, các nhà nghiên cứu gọi bà là “nhà thơ tiêu biểu với đề tài nông thôn và cảnh sắc làng quê”3, là nhà thơ “chỉ chuyên lối thơ tả cảnh, mà lại tả những cảnh rất tầm thường”4; “chị thích nhất được thỏa thuê trong không khí đầy hương hoa bưởi, hoa ngâu, hoa sói, được ngắm lũ chim, gà quấn quýt bên nhau, được xem chúng ăn “hăm hở”5.

   Mặc dù những nghiên cứu về Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính và Bức tranh quê của Anh Thơ đã ít nhiều bàn đến cảnh quê, tình quê, nhưng vấn đề mĩ cảm sinh thái vẫn còn chưa được chú ý. Bài viết này chọn hướng tiếp cận của phê bình sinh thái để khám phá mĩ cảm sinh thái, chỉ ra tình cảm trân trọng vẻ đẹp tự nhiên, rung động thôn quê, ám ảnh đô thị và cuối cùng là hướng tới sự hài hoà sinh thái trong ba tập thơ.

   1. Mĩ cảm sinh thái 

   Từ thập niên 70 của thế kỷ XX, sự xuất hiện của phê bình sinh thái đã mang đến một cái nhìn mới về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong văn học, các nhà nghiên cứu bắt đầu chất vấn những mệnh đề tưởng chừng đã là chân lý như: con người là kiểu mẫu của muôn loài, con người là trung tâm của vũ trụ, con người khẳng định giá trị của mình qua hành động chinh phục tự nhiên… Từ đó phát hiện ra, chính những quan niệm nằm trong tinh thần tư tưởng của nhân loại được nói ở trên là căn nguyên sâu xa dẫn đến tình trạng môi trường sinh thái bị huỷ hoại, báo động về tình trạng xuống cấp của môi trường sinh tồn của nhân loại. Chuyển biến trong nhận thức của nhân loại về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên đã ít nhiều làm thay đổi quan niệm về giá trị, quan niệm về cái đẹp, thay đổi rung cảm thẩm mĩ của con người. Người ta phát hiện ra tự nhiên và con người bình đẳng trong hệ sinh thái, vì thế mà nâng niu, trân trọng vẻ đẹp tự thân của tự nhiên; người ta phát hiện ra cái mộc mạc, giản dị, cái nguyên sơ mới là cái có ích cho hệ sinh thái và phần lớn những thứ biểu hiện cho sức mạnh, trí tuệ của con người như khoa học kỹ thuật, đô thị… lại là những thứ góp phần huỷ hoại cân bằng sinh thái; người ta phát hiện ra chính sự hài hoà giữa con người và tự nhiên mới là điều mà nhân loại cần hướng tới… Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong văn học được nhìn nhận từ một góc độ mới.

   Thơ ca là lĩnh vực của cảm xúc, của thế giới chủ quan, cho nên, khi viết về vấn đề sinh thái, thơ ca có cách viết khác so với văn xuôi. Nếu trong văn xuôi, chúng ta có thể tìm thấy bản thân các sự kiện đầy chấn động như động đất, lũ lụt, sóng thần, những hành vi tàn phá môi trường, giết hại động vật, chất độc màu da cam trong chiến tranh, nhà máy hạt nhân rò rỉ, lối sống tiêu dùng… thì trong thơ ca, các sự kiện mờ đi để nổi lên những xúc cảm của nhân vật trữ tình, những băn khoăn, trăn trở của nhà thơ trước những vấn đề sinh thái. Vì thế, tiếp cận thơ ca từ góc độ phê bình sinh thái, vấn đề mĩ cảm sinh thái nên được quan tâm nhiều hơn, phù hợp với đặc trưng của thể loại văn học này.

   2. Trân trọng vẻ đẹp của tự nhiên

   Thơ Anh Thơ và Nguyễn Bính thể hiện tình yêu, sự trân trọng đối với vẻ đẹp tự nhiên. Trong Bức tranh quê người đọc bắt gặp những hình ảnh tự nhiên có thể đánh thức rung cảm thẩm mĩ của con người: 45 thi phẩm của tập thơ ngợi ca vẻ đẹp bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, mỗi mùa lại có những chuyển biến đặc trưng được Anh Thơ gợi nên từ không khí, phong cảnh, nhịp sống của thiên nhiên thôn dã, không phải khi nào cũng yên bình nhưng gần gũi, thân quen. Thiên nhiên trong Bức tranh quê có chu trình và vòng quay theo quy luật tự nhiên: mùa xuân có mưa bụi bay, mọi vật chậm rãi, khoan thai theo từng khoảnh khắc, không ồn ào, vội vã; mùa hè có nhiều ngày nắng cháy, có “đại hạn” như thiêu như đốt ruộng vườn khiến cảnh tượng mỏi mệt: “Nắng, nắng, suốt trời vàng dãi nắng/ Gió theo mây không biết trốn phương nào/ Vườn chuối rũ héo dần trong im lặng/ Những rau bèo chết cạn cả lòng ao”. Sang mùa thu “mưa tầm tã” ban đêm, con vật “uể oải”, gió may thổi bờ tre “buồn xao xác”. Mùa đông trời “trở rét”, con vật “thưa bóng trên bờ đê”, cây trong vườn úa đi màu lá, gió “điên cuồng” nơi lũy tre. Trong Lỡ bước sang ngangTâm hồn tôi của Nguyễn Bính, người đọc cũng bắt gặp một tự nhiên như thế: cảnh sắc thiên nhiên của làng quê Miền Bắc cữ đông - xuân hiện lên sinh động với những đặc thù theo thời tiết, khí hậu vùng miền không thể lẫn: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”. Khung cảnh một dải rừng cây chen nhau vươn mọc vào hai thời điểm khác nhau của một ngày được miêu tả từ góc nhìn xa bao quát, khiến rừng hiện lên chân thật và thơ mộng: “Rừng một dải, cây rừng chen chóc,/ Nóc nhà mường mấy nóc chơ vơ./ Ban mai rừng nhuộm màu mơ,/ Chiều hôm rừng đỏ lửng lơ ráng chiều./ Gió lạnh thổi hiu hiu dìu dặt,/ Nai lạc bầy ngơ ngác lắng tai…” (Rừng).

   Thơ Anh Thơ và Nguyễn Bính luôn xuất hiện nhân vật trữ tình nhìn ngắm, quan sát, rung cảm trước tự nhiên. Kiểu kết cấu này gắn với thi pháp “tỏ lòng” của thơ xưa, nhưng ở Nguyễn Bính, Anh Thơ, yếu tố “tỏ lòng” đã giảm bớt, thay vào đó, yếu tố “quan sát”, “miêu tả” tăng lên, mang lại ấn tượng về sự độc lập tương đối của tự nhiên. Không những thế, thơ xưa có xu hướng coi con người là một phần của vũ trụ, hoà vào vũ trụ, còn Thơ mới lại có xu hướng phân tách con người và thế giới, phân tách chủ thể và khách thể, nhà thơ luôn tìm cách xác định vị trí của mình trong không gian vũ trụ (“Tôi đang ở đây hay ở đâu?/ Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?” – Hàn Mặc Tử). Thiên nhiên trong thơ Anh Thơ hiện lên như một bức tranh, tính chất miêu tả được thể hiện đậm nét, mang lại cảm giác về sự tồn tại như một khách thể của tự nhiên. Tất nhiên, trong những bức tranh đó vẫn có dấu ấn chủ quan, nhà thơ vẫn thể hiện cảm xúc, sự cảm nhận tinh tế của mình nhưng ấn tượng ban đầu mà nhà thơ mang đến cho người đọc vẫn là thiên nhiên tồn tại như một khách thể trước mắt nhân vật trữ tình.

   Mối quan hệ giữa nhân vật trữ tình và tự nhiên trong thơ Nguyễn Bính có nhiều chỗ khác với Anh Thơ. Trong thơ Anh Thơ, chủ thể trữ tình đứng bên ngoài quan sát khung cảnh tự nhiên, lắng nghe, ngắm nhìn, cảm nhận rồi gợi tả sự vận hành đầy sức sống của thế giới thiên nhiên và con người. Ngược lại, ở những bài thơ có yếu tố tự sự của Nguyễn Bính, nhân vật trữ tình trực tiếp xuất hiện (“anh”, “em”, “khách thơ”…), chính điều này khiến nhà thơ có cơ hội để khắc họa rõ hơn mối quan hệ giữa chủ thể trữ tình và khách thể tự nhiên. Đọc bài Cô hái mơ, người đọc nhận ra chủ thể trữ tình không vắng bóng như ở tập Bức tranh quê, chủ thể trữ tình là một người “khách thơ”, đứng bên ngoài cách một khoảng xa say ngắm cảnh vật rừng núi một cách thư thái, bình yên, thanh thản: “Thơ thẩn đường chiều một khách thơ/ Say nhìn xa rặng núi xanh lơ/ Khí trời lặng lẽ và trong trẻo/ Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ”. Giữ nguyên khoảng cách với rặng núi, rừng mơ như vậy, chủ thể trữ tình chỉ lặng yên quan sát bằng tâm hồn vô cầu thiết tha, tự lấp đầy trái tim bằng cái “lặng lẽ và trong trẻo” của khí trời, cái huyền hoặc, mơ hồ của tự nhiên, chỉ diễn tả lại vẹn nguyên bằng từ ngữ thơ mộng nhất khiến bức tranh thiên nhiên hiện lên rất có chiều sâu. Con người được bao chứa trong thiên nhiên nhưng thiên nhiên vẫn là khách thể tồn tại cùng với con người, vận động độc lập theo cách thức của nó.

   3. Rung động trước cái mộc mạc, giản dị, nguyên sơ

   Thơ Anh Thơ, Nguyễn Bính thể hiện chiều sâu rung cảm trước cái mộc mạc, giản dị, nguyên sơ. Cái mộc mạc, giản dị, nguyên sơ trong thơ Anh Thơ, Nguyễn Bính biểu hiện qua việc xây dựng không gian thiên nhiên có phần hoang sơ như một nét nổi bật. Không gian ấy có mưa, gió, sương mù, nắng…; có đò, bến, đồng lúa, khóm tre, hoa hồng hoa lý mọc trong vườn…; có con người và con vật như bướm, cò, chim én, đàn dê, đàn sáo, trâu bò, đom đóm... Thế giới tự nhiên vào những ngày xuân hiện lên nguyên sơ, mộc mạc trong Bức tranh quê, nơi cuộc sống muôn màu muôn vẻ, vạn vật tương tác nhịp nhàng, quấn quyện cùng nhau: trong Chiều xuân, “mưa bụi” đổ xuống “bến” vốn tĩnh lặng không một thanh âm “êm êm”, nước sông trôi lững lờ bên con đò chỉ “nằm mặc”, cây xoan có chùm hoa tím rụng bên quán tranh “vắng lặng”, đàn dê gặm “cỏ non” ngoài đường, “đàn sáo đen” sà xuống đám cỏ “mổ vu vơ”, trước gió có đàn bướm bay “rập rờn”, trâu bò lững thững “cúi ăn mưa”…; đến Đêm xuân, “trời quang quẻ”, “tàu chuối to “che trăng”, khóm tre bên ao đón gió, “đôi đom đóm” dập dìu. Đó cũng có thể là khung cảnh giản dị, đầy thiết thân nơi làng quê qua những câu thơ: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh”, “Lợn không nuôi, đặc ao bèo”, “Nhà em có một giàn trầu/ Nhà anh có một hàng cau liên phòng”… trong thơ Nguyễn Bính.

   Hướng tới cái mộc mạc, giản dị, nguyên sơ cũng là một định hướng của phê bình sinh thái. Phê bình sinh thái cổ vũ lối sống tối giản, cổ vũ con người tìm đến những vẻ đẹp của tự nhiên hoang sơ. Lịch sử nhân loại có thể nói là lịch sử chinh phục tự nhiên, cải tạo tự nhiên, đô thị hoá, công nghiệp hoá… Tất cả những hoạt động đó là cần thiết để xây dựng nền văn minh nhân loại, nhưng đến nay, chính nó đã phá huỷ môi trường sinh tồn của con người.

   Khác với thơ Anh Thơ, bên cạnh những rung cảm trước cái mộc mạc, giản dị, nguyên sơ, trong thơ Nguyễn Bính còn có những ám ảnh về đô thị. Ám ảnh đô thị tồn tại như một phản ứng trước cái đối lập với vẻ đẹp nguyên sơ, nó không chỉ nhấn mạnh thêm rung cảm thẩm mĩ trước thôn quê của Nguyễn Bính mà còn thể hiện trạng thái tinh thần của không ít người thuộc thế hệ Thơ mới. Cụ thể, thôn quê trong thơ Nguyễn Bính là thế giới an hòa dẫn con người tìm về lạc thiên, tương phản với đô thành ồn ã, phức tạp, nhiều cám dỗ. Sự hoan lạc, thư thái, thanh yên trong tâm hồn con người khi sống giữa đồng quê thơm mùi hoa cỏ đối lập hoàn toàn với “khối sầu đô thị” đè nặng linh hồn nhà thơ trong những thi phẩm mang dấu ấn thị thành. Nếu đô thị thổi vào lòng người màu tang tóc và những cơn quạnh hiu, cô quẻ ngay ở không gian công cộng: “Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh/ Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ/ Tôi thấy quanh tôi và tất cả/ Kinh thành Hà Nội chít khăn xô” (Viếng hồn trinh nữ), hay những sự vật như là hiện thân của thành thị dù chỉ vô cùng bé nhỏ nhưng cũng có khả năng làm khổ, gây sầu: “Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi” (Chân quê) thì vạn vật tự nhiên nơi làng quê an lành, trong trẻo gợi lên cho con người những tâm trạng thật khác. Nguyễn Bính miêu tả cảnh người nông dân lao động trồng trọt, làm công việc đồng áng nhưng hiện lên bề mặt câu chữ lại không có từ ngữ nào thể hiện vẻ mỏi mệt, vất vả, càng không có hình ảnh của sự nhọc nhằn được cụ thể hóa như giọt mồ hôi thường thấy trong văn chương: “Thong thả, dân gian nghỉ việc đồng/ Lúa thì con gái mượt như nhung/ Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng/ Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng” (Xuân về). Cảnh “dân gian nghỉ việc đồng” hiện lên thư thái, “thong thả”, cho thấy “người nhà quê” không coi công việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quanh năm suốt tháng là khốn khó, nhọc nhằn. Nguyễn Bính thậm chí miêu tả họ như đang chậm rãi thả hồn vào lúa, vào vườn hoa bưởi, hoa cam, vào cánh bướm dịu dàng. Trong bầu không gian nơi ruộng đồng thoáng đãng thơm hương hoa, vạn vật giao quyện an hòa. Đồng lúa xanh qua cái nhìn lạc quan, đầy tình yêu thiên nhiên quê hương của chủ thể trữ tình cũng được thi vị hóa thành lúa “thì con gái”, cảm nhận bằng xúc giác “mượt như nhung”. Khung cảnh lao động vì thế đầy tươi đẹp, bình dị. Thiên nhiên nơi làng quê khắc sâu vào tâm khảm Nguyễn Bính cũng bởi nhiều khi nó chuyên chở cái tình bên trong con người, lắng đọng cùng niềm vui nỗi buồn, phấp phỏng lo âu, hi vọng chờ đợi của con người: “Có người trong gió rét chiều đông,/ Chăm chỉ đan cho trọn áo chồng” (Vâng). Mọi hiện tượng, cảnh vật trong thơ đồng quê Nguyễn Bính đều đậm đà hương đồng gió nội, mang vẻ đẹp truyền thống, đậm đặc chất thôn dã; thôn quê trở thành nơi đi về trú tránh trong tâm thức của thi nhân - con người xuất thân thôn quê, ước muốn tìm đường đến chốn thị thành, nén lòng rời bỏ mảnh đất cắt rốn chôn nhau, nhưng từng bước đi lại đều mơ hồ, phấp phỏng. Chốn thị thành phồn hoa hỗn tạp vận hành theo văn minh kỹ trị, tồn tại nhiều thứ xa lạ, nhiều cám dỗ bủa vây khiến con người nhà quê lưu lạc rơi vào tâm thái đau buồn, lạc lõng, căng thẳng, trái ngang. Thôn quê vì thế trở thành điểm tựa vững chắc giữ cho tâm hồn con người, tiếp cho con người thêm sức sống.

   Trong thơ Nguyễn Bính thường xuất hiện nhân vật trữ tình mang ám ảnh đô thị rồi hoài niệm về thôn quê… Con người trong thơ bước vào không gian đô thị bằng sự hăm hở, để rồi vỡ mộng và khắc khoải nỗi nhớ đồng quê. Đọc Viếng hồn trinh nữ, bầu không gian đô thị tang tóc hiện lên ngay từ khổ đầu. Không gian được nới rộng ở đoạn thơ sau, phủ toàn gam màu của sự tàn úa, đắng cay, nổi bật là màu trắng tượng trưng cho tang thương, ly biệt hai cõi âm – trần: “lá vàng rơi”, “chiếc xe màu trắng đục”, “hai con ngựa trắng xếp hàng đôi”, “chiếc quan tài trắng”, “vòng hoa trắng”… Kể cả sau khi “kinh thành Hà Nội” đã trải qua cơn mưa lớn “bừng lên những nắng vàng” thì không gian ấy vẫn không nên hương nên sắc, vẫn giữ nguyên không khí bàng bạc ảm đạm, não nề, sầu bi từ lòng đất, trên không trung: “những cô nàng trinh trắng”, “vết xe tang”, chiếc áo bạc “dưới mồ”. Không gian thôn quê trở thành miền ký ức của kẻ bỏ quê lên phố theo tiếng gọi của đô thị để giờ đây mang nỗi dằn vặt sầu tủi: “Lối đỏ như son tới xóm Dừa,/ Ngang cầu đã điểm hạt mưa thưa,/ (Xuân sang xao xuyến lòng tôi quá)/ Tôi đã xây tròn sự nghiệp chưa?” (Sao chẳng về đây). Miền không gian quê hương tươi đẹp trong trẻo vô cùng: “Ở đây vô số những trời xanh/ Và một con sông chảy rất lành,/ Và những tâm hồn nghe rất đẹp/ Từng chung sống dưới mái nhà tranh”. Nguyễn Bính đã khẳng định và đẩy mức độ “lành”, “đẹp” của không gian thôn quê lên bằng những từ chỉ mức độ “vô số”, “rất”, khiến không gian ấy càng nên thơ, càng tươi sáng như “một cảnh tiên”. Trong khi đó, ở hiện thực đô thị “gió mưa phai”, chỉ có “bút nghiên”, “đêm đêm quán trọ thức thi đèn” khô khốc, vô vị, cô đơn. Nếu không gian thôn quê gắn với sự sinh sôi, trăm hoa đua nở, “có hương, có sắc, có thiên nhiên” thì không gian đô thị không có mùa xuân vì mùa xuân đã chết theo cảm xúc lạc loài của thi sĩ: “Chết cả mùa xuân, chết cả đời?”, “Kinh kỳ bụi quá, xuân không đến”… Hay trong bài Nhớ người trong nắng, ta cũng thấy nỗi chán chường thành thị và nhớ nhung quê nhà thể hiện qua hai không gian đô thị và thôn quê hoàn toàn tương phản: một bên “loạn tiếng ve”, “nắng dâng làm lụt cả trưa hè”, “hè vắng” và con người chỉ biết ngửa mặt “xem những cành cây nó cưới nhau”; một bên có “bến Trữ La”, có bóng “trai hiền”, “gái xinh” với “chuyện ân tình”. Chính sự ám ảnh chốn thị thành và hoài niệm thôn quê đã thể hiện rõ nét mĩ cảm sinh thái của Nguyễn Bính, thể hiện quan niệm thẩm mĩ của ông.

   4. Hướng tới sự hài hòa 

   Thơ Anh Thơ và Nguyễn Bính đều hướng tới vẻ đẹp của sự hài hoà giữa con người và tự nhiên. Sự hài hoà này vốn đã được nhắc đến trong thơ xưa, trong quan niệm triết học vạn vật nhất thể. Truyền thống thơ ca dân tộc vẫn ngầm chảy nơi tâm khảm các nhà thơ mới và dòng mạch đó khá đậm nét ở Nguyễn Bính, Anh Thơ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, thơ xưa dẫu con người và tự nhiên hài hoà, nhưng thi nhân xưa vẫn có xu hướng qua thiên nhiên để nói chí, tỏ lòng, chứ không nhấn mạnh sự bình đẳng giữa con người và tự nhiên như tinh thần của phê bình sinh thái. Thực ra trong thơ Anh Thơ, Nguyễn Bính, sự bình đẳng tuyệt đối kiểu phê bình sinh thái cũng không tồn tại nhưng xu hướng “tỏ lòng” của thơ xưa đã giảm bớt đi. Sự hài hoà, hô ứng giữa con người và tự nhiên được thể hiện ngay trong những bức tranh được phác hoạ trong thơ: bức tranh đan xen chan hoà giữa thiên nhiên và cuộc sống con người, trong đó có sự đồng điệu giữa sắc thái cảnh vật và sắc thái tâm trạng, có sự kết hợp giữa hình ảnh thiên nhiên và hình ảnh con người tạo nên một bức tranh đẹp hài hòa. Những bức tranh quê của Anh Thơ đa dạng sắc màu, trong đó, không gian thiên nhiên do trời đất, cỏ cây, đồng ruộng, con trâu, cánh cò, mưa, nắng… tạo thành hòa chung với không gian sinh hoạt văn hóa của con người với đám hát xẩm, tiếng trống quân, những bà già nhẩm hạt cầu kinh… Đọc Tết mồng năm, không gian thiên nhiên được khắc họa có con gà “mới gáy”, có trời khi tờ mờ sáng “còn chưa sáng rõ”, có giếng đầy nước, có vườn trồng những cây thuốc, nhưng chỉ vậy thì chưa đủ gieo vào lòng người cảm giác gần gũi, bình yên, ở đó còn có không gian văn hóa với hình ảnh những con người làng quê: “Chợt thức giấc gọi nhau trừ sâu bọ,/ Khắp xóm nhà rộn rịp dậy trong sương”. Cái “rộn rịp” của Tết Đoan Ngọ từ “bà lão”, “thằng cu”, “các cô gái”, “những chàng trai”, “các ông già”, “mẹ” và hành động của họ lan tỏa đến người đọc, làm nổi lên nét quê ngày Tết truyền thống ở nông thôn. Không gian trong thơ Anh Thơ đều là những không gian có thực trong thời ấy và cả đến bây giờ; thưởng thức Đêm trăng đông, đắm mình trong không gian huyền ảo: “Đêm lành lạnh sương mù bay nhẹ thoảng/ Trời trong ao yên lặng ngập mây dầy/ Khắp vườn cả trăng vàng hoa lấp loáng/ Muôn cánh rờn nhè nhẹ sóng hương bay”, người đọc cảm nhận được sắc vẻ đặc trưng của khung cảnh đêm trăng mùa đông lạnh lẽo ở xứ quê. “Sương mù”, “ao”, bóng “trời”, bóng “mây”, “vườn”, “trăng vàng”, “hoa lấp loáng” đầy huyền hoặc, mơ hồ nhưng rất chân thật. Nhưng làm nên “đêm trăng đông” còn có khung cảnh con người “họp nhau và chuyện hão”, hút và nhả ra “khói thuốc lào”… Hầu hết các bài thơ trong tập Bức tranh quê thực sự là những họa phẩm quê hương mà trong đó, không gian làng quê được tạo thành từ hai loại không gian thiên nhiên và không gian văn hóa đan cài hài hòa như vậy. Điều đó thể hiện quan niệm nghệ thuật về tính chỉnh thể sinh thái theo cách gọi của phê bình sinh thái, vạn vật chung sống hài hòa, cân bằng, nương tựa dưới một bầu sinh quyển chung. Chìm đắm trong thế giới thơ Nguyễn Bính, người đọc cũng được chìm đắm trong khung cảnh hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Cốt gợi tình, gợi cái hồn quê, “chân quê” sâu sắc, thấm thía, không gian thiên nhiên trong thơ Nguyễn Bính được ông xây dựng là những không gian tươi sáng, thơ mộng, vừa cụ thể, sinh động, vừa là những khung cảnh chung của làng quê đất Việt. Không gian ấy đẹp đẽ và gợi cảm, gợi thương gợi nhớ bởi nó có sẵn trong tâm hồn, tâm tưởng mỗi người Việt Nam: “thôn Đoài”, “thôn Đông”, những con đường đầy gió sương, cát bụi, hàng cau, mảnh vườn, hoa xoan, con tằm nhả tơ… gợi tới những gì chân thực, hồn hậu nhất từ xa xưa của chất đồng nội. Nhưng thơ ông không chỉ dừng lại ở tả cảnh mà còn đong đầy tình cảm. Vì vậy, không gian thiên nhiên tồn tại như một bức phông nền trong thơ Nguyễn Bính, tạo không khí cho tâm trạng, số phận con người hiện lên giữa không gian văn hóa làng quê: những ngày hội xuân, hội làng, những buổi lễ chùa, những đêm hát chèo… Trong Mưa xuân, hội chèo làng Đặng được tổ chức vào đêm mưa xuân, trai gái “Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm”, con người chìm đắm trong không khí lễ hội và mải miết với những cung bậc của cảm xúc từ không gian trong nhà đến không gian hội làng; khung cảnh thiên nhiên vẫn được tác giả miêu tả vừa tinh tế vừa vấn vương, đồng thời có vai trò như một bức họa, một bối cảnh làm nổi lên văn hóa làng quê và cảm xúc của nhân vật trữ tình.

   Tư tưởng sinh thái đã trải qua giai đoạn từ tự nhiên trung tâm luận đến hài hoà sinh thái. Coi tự nhiên là trung tâm thực ra cũng là một cực đoan, đi từ nhân loại trung tâm luận sang tự nhiên trung tâm luận. Con người không thể không làm gì cả, không thể trở lại thời kỳ mông muội, để mặc tự nhiên. Chính vì thế, sự hài hoà giữa con người và tự nhiên là theo đuổi hiện nay của con người về mối quan hệ này.

   Nhìn chung, Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính và Bức tranh quê của Anh Thơ đã thể hiện mĩ cảm sinh thái riêng. Hai nhà thơ đều thể hiện thái độ trân trọng tự nhiên một cách sâu sắc; thể hiện tình yêu đối với thôn quê mộc mạc giản dị, yêu vẻ đẹp nguyên sơ; hướng tới sự hài hoà giữa con người và tự nhiên. Thiên nhiên là nơi có thể chữa lành những vết thương cho mỗi cá nhân, nông thôn mộc mạc, giản dị trở thành điểm tựa cho những tâm hồn bất an khi rời đến chốn phồn hoa đô hội. Mĩ cảm sinh thái trong Thơ mới nói chung, trong thơ Nguyễn Bính và Anh Thơ nói riêng có thể đánh động những suy tư sâu sắc trong mỗi người đọc hiện nay.

 

 

 

Chú thích:
1, 4 Hoài Thanh, Hoài Chân (2024), Thi nhân Việt Nam (Bình luận văn học), NXB Văn học, tr. 336, 186.
2 Tôn Phương Lan: “Nguyễn Bính – nhà thơ chân quê”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 3/ 1990.
3 Nguyễn Quốc Túy (1994), Thơ Mới - Bình minh thơ Việt Nam hiện đại, NXB Văn học.
5 Hà Minh Đức (2012), Nữ sĩ Anh Thơ mùa hoa đồng nội (Nghiên cứu, trò chuyện và ghi chép), NXB Văn học, tr. 267.

Bình luận

    Chưa có bình luận