''CHÚC MỘT NGÀY TỐT LÀNH'' NHÌN TỪ Ý THỨC SINH THÁI TRONG VĂN HỌC THIẾU NHI

Phân tích, đánh giá tác phẩm ''Chúc một ngày tốt lành'' của Nguyễn Nhật Ánh từ góc nhìn sinh thái, bài viết gửi tới độc giả thông điệp về môi trường sinh thái, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và những nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên một cách giản dị.

   Vấn đề an nguy của môi trường sống, khủng hoảng sinh thái ngày nay đã trở thành vấn đề chung của mọi cá nhân ở khắp nơi trên toàn cầu. Giữ gìn, bảo vệ, có trách nhiệm với môi trường sống không còn là trách nhiệm của một quốc gia, một tổ chức hay một nhóm người nào đó mà là vấn đề chung của mọi người. Văn học cũng góp phần truyền tải những thông điệp môi trường, gửi gắm những chất vấn về trách nhiệm của con người đối với môi sinh. Trong bối cảnh đó, cuối thế kỷ XX, phương pháp phê bình sinh thái (ecocriticism) hay nghiên cứu xanh (green studies), một phương pháp tập trung “nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn học và môi trường sống” (Cheryll Glotfeelty)1, đã xuất hiện tại Mĩ sau đó nhanh chóng trở thành một khuynh hưởng nghiên cứu nổi trội tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sự xuất hiện của văn học sinh thái và phê bình sinh thái trong bối cảnh khí hậu trái đất biến đổi và cuộc khủng hoảng môi trường ngày một trầm trọng hơn đã “thể hiện nhận thức mới của con người về giới tự nhiên, coi tự nhiên là một thực thể cần được lắng nghe và tôn trọng. Nhận thức này gắn liền với sự thay đổi mang tính triết học: từ con người trung tâm đến sinh thái trung tâm”2. Dù lựa chọn nhiều hướng đi khác nhau nhưng “các nhà phê bình sinh thái cùng chia sẻ một nỗi hoang mang lớn của lịch sử nhân loại. Nói một cách khác, phê bình sinh thái ra đời trong cơn giật mình của loài người trước một ngày tận thế không xa mà chúng ta đã (và đang) cố tình đẩy chính mình vào”3. Ở Việt Nam, phương pháp phê bình sinh thái trong những năm gần đây được thực hành ngày càng nhiều với cả tác phẩm viết cho người lớn và viết cho thiếu nhi. Đề cập đến ý thức sinh thái trong sáng tác Nguyễn Ngọc Thuần, các tác giả cho rằng thiên nhiên “không phải là công cụ của con người, không phải là thứ để con người có thể điều khiển và sử dụng một cách tuỳ tiện”4. Bàn về đạo đức sinh thái trong tác phẩm Vua gấu xám, Lê Trà My nhận định tác phẩm này là sự “chuẩn bị về tâm hồn cho trẻ em tiếp thu đạo đức sinh thái”5. Trên cơ sở ý thức về sự khác biệt giữa văn học người lớn và văn học trẻ em, bài viết khảo sát tác phẩm Chúc một ngày tốt lành của Nguyễn Nhật Ánh để thảo luận về cách mà nhà văn đặt ra vấn đề môi trường với độc giả thiếu nhi.

   Vấn đề ý thức sinh thái thường không được đặt ra trực tiếp mà gợi mở qua những hình ảnh gián tiếp trong truyện thiếu nhi của Việt Nam. Những trang viết về thiên nhiên trù phú, tươi đẹp, đầy sức sống trong Dế Mèn phiêu lưu ký6, Đất rừng phương Nam7, Miền xanh thẳm8, Xóm Bờ Giậu9 đã kín đáo thể hiện tình yêu và lời ngợi ca với vẻ đẹp tự nhiên. Bên cạnh đó, hình ảnh thiên nhiên bị tàn phá bởi bom đạn, chất độc hoá học xuất hiện trong Mẹ vắng nhà10, Chiếc lược ngà11, Người mẹ cầm súng12 lại gửi tới độc giả nhỏ tuổi thông điệp về sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh với con người và môi trường. Gần đây, Đảo mộng mơ, Ngồi khóc trên cây, Chúc một ngày tốt lành của Nguyễn Nhật Ánh và Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng của Nguyễn Ngọc Thuần góp thêm hình ảnh về thiên nhiên và những vấn đề môi trường được khám phá từ góc nhìn của trẻ thơ. Thay vì trình hiện vấn đề môi sinh bị tàn phá, truy vấn nguyên nhân, tìm kiếm các giải pháp như văn học viết cho độc giả trưởng thành, văn học thiếu nhi chọn cách tiếp cận riêng tới bạn đọc nhỏ tuổi về vấn đề môi trường. Có thể thấy, cách thức ấy là một hướng đi khác trong việc xử lý vấn đề môi trường qua văn chương mà Chúc một ngày tốt lành của Nguyễn Nhật Ánh là một ví dụ.

   1. Chung sống bình đẳng và hòa ái trong không gian vườn

   Các nhà phê bình sinh thái thường tìm kiếm những biểu hiện của “mối quan hệ giữa “văn hoá” và “tự nhiên” (hay “văn minh” và “hoang dã”) trong các tác phẩm họ quan tâm”13. Họ cũng chỉ ra “chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì mối quan hệ này ngày càng trở nên vênh lệch và nhiều va đập. Ở những quốc gia phát triển thiếu bền vững, thiên nhiên dường như nhanh chóng bị văn hoá nuốt chửng”14. Con người ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc khắc phục những tồn thương môi trường do chính con người gây ra. Có thể thấy nguồn gốc của những tổn thương môi trường là do mối quan hệ hài hoà giữa con người và tự nhiên đã bị phá vỡ, tự nhiên bị khai thác kiệt quệ đến mức khó có thể phục hồi vì những lợi ích kinh tế trước mắt của con người. Nhìn rộng hơn, có thể thấy bất kỳ sự mất cân bằng nào cũng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, nhất là trong vấn đề môi trường. Như vậy, văn học nếu hướng tới chủ đề sự hài hoà giữa văn hoá và tự nhiên (giữa văn minh và hoang dã) cũng là một biểu hiện khác của vấn đề sinh thái.

   Tác phẩm Chúc một ngày tốt lành tập trung kể những câu chuyện xoay quanh không gian vườn. Nhà bà Đỏ có một khu vườn trồng cây và nuôi những con vật khác nhau. Khu vườn vừa là “nhà” của những con vật, đồng thời là nơi diễn ra mối quan hệ giữa con người và vật nuôi. Hình ảnh khu vườn ở đây gợi nhắc tới hình ảnh Vườn địa đàng, một huyền thoại quan trọng trong văn hoá phương Tây, nó “nhắc nhở con người về hành vi vượt ngưỡng đầu tiên của nhân loại, nó duy trì những giấc mơ không tưởng của con người về sự cứu chuộc và phục hồi”15. Khu vườn luôn là một hình ảnh môi trường hấp dẫn trong bối cảnh thiên nhiên hoang dã ngày một lùi xa, đời sống con người ngày một xa dần tự nhiên thuần khiết. Những cao ốc hiện đại, những chung cư mini ngày một đầy lên trong các đô thị khiến hình ảnh khu vườn đôi khi trở thành xa xỉ, một niềm hoài nhớ với con người, đặc biệt là tâm hồn trẻ thơ. Quan sát vườn và đời sống của vườn có thể thấy “cho dù là hình ảnh thơ mộng hay không gian thực, các khu vườn luôn đại diện cho các thực hành môi trường đa dạng về mặt lịch sử và văn hoá. Chúng nổi lên từ những tương tác thực sự và tưởng tượng giữa các tác nhân của con người và không phải con người”16. Từ điểm nhìn đó, quan sát không gian vườn được Nguyễn Nhật Ánh đặc tả trong tác phẩm có thể thấy đó là một khu vườn thôn dã, tắm trong màu xanh cây lá với “vườn cải”, “vườn cà”, “giàn đậu que”17, giàn “su su”18, “vồng đậu bắp”19, “gốc mít”, “gốc chuối”20. Khu vườn xanh mát bóng cây ấy cũng là nơi cư ngụ an ổn của gà mẹ và bầy gà con, của lợn mẹ và hai chú lợn con, của chó mẹ và chó con. Từ góc quan sát của mình, nhà văn nhận ra và tái dựng một bầu không khí hoà ái, thân thiện và cởi mở giữa các “cư dân” khác nhau trong vườn. Đặc biệt, “đám trẻ” gồm gà con, lợn con, chó con “chơi” với nhau vui vẻ và gắn bó. Chúng quấn quít như anh em trong cùng một gia đình lớn. Sự khác biệt về giống không gây ra bất cứ khó khăn nào trong việc chung sống và gắn kết giữa các con vật. Dù đây là một tình huống tưởng tượng nhưng qua giả thiết đó người đọc có thể nhận ra quan niệm của nhà văn về động vật, về mối quan hệ giữa con người và động vật.

   Nhân vật “to nhất” vườn, giữ vị trí “chỉ huy” đám đàn em là một con heo có tên Lọ Nồi bởi khi sinh ra nó có một cái bớt đen trên mặt. Lọ Nồi là anh của heo Đuôi Xoăn nên Đuôi Xoăn gọi nó là “anh” (Ôi, anh làm sao hay thế?)21. Lũ gà con trong vườn gọi nó là “anh” (Thế anh dạy tụi em đi!)22. Cún Mõm Ngắn lại “tôn” nó bằng “thầy” (Dạ, thưa thầy)23. Hàng ngày các con vật kiếm ăn, chơi đùa trong vườn, dưới tán lá xanh. Chuyện vui chúng chia sẻ với nhau, nỗi buồn cũng được mang ra tâm sự, giãi bày. Chúng cùng nhau bày đủ trò nghịch ngợm để cùng chơi, để thoát ra khỏi nỗi buồn chán của ngày dài. Khi đám heo con và gà con “đã làm những chuyện trái khoáy thì không có lý gì chú chó con lại cam tâm đứng ngoài cuộc”24. Nhập cuộc, cùng vui, cùng buồn, cùng chơi đã trở thành tiêu chí chung của các con vật trong khu vườn nhỏ. Không có con vật nào nằm ngoài “cuộc chơi” chung. Dưới ngòi bút của nhà văn, khu vườn êm đềm chính là nơi nuôi dưỡng một cuộc sống chung hoà ái, thân thiết giữa các con vật.

   Cuộc sống hoà ái không chỉ diễn ra giữa các con vật mà còn diễn ra trong quan hệ giữa con người với vật nuôi. Thằng Cu con bà Đỏ là người chăm sóc chính cho những con vật trong vườn. Nhiều buổi trưa, sau khi quét tước chuồng trại và chăm cây tỉa lá, thằng bé lại “ngồi dựa lưng vào vách chuồng heo, đưa mắt ngắm các con vật nuôi đùa giỡn trong không gian yên tĩnh”25. Thằng bé dù là cậu chủ nhưng cư xử với những con vật bình đẳng như bè bạn. Thậm chí, chính thằng Cu còn nhập cuộc chơi với đám heo, gà, lợn khi tạo nghĩa cho những âm thanh mà bọn chúng phát ra như “Un gô gô = Chúc ngủ ngon. Ăng gô gô = Chúc một ngày tốt lành. Chiếp gô gô = Cảm ơn”26. Thằng Cu cũng đồng cảm với nỗi buồn “thất tình” sâu sắc của con heo Lọ Nồi khi đi theo con heo ra bờ suối, im lìm đứng sau khi thấy con heo soi bóng mình xuống nước. Nó “tôn trọng nỗi buồn của chú heo con. Nó muốn vỗ về chú heo nhưng chẳng biết nói gì”27. Sự im lặng của thằng Cu thể hiện thái độ bình đẳng giữa người với vật, sự giao cảm không lời giữa đứa trẻ và con vật nó nuôi.

   Ngoài ra, sự “bất lực” của bà Đỏ, chủ nhân của khu vườn trong việc quyết định số phận của các con vật bà nuôi cũng là một khía cạnh khác thể hiện ý thức tôn trọng sinh mệnh trong tác phẩm. Chi tiết bà Đỏ đi bắt gà lại thấy heo, bắt heo chỉ thấy cún cho thấy bà không có chút quyền năng gì với đám vật nuôi, thậm chí chúng còn cho bà “leo cây”, ngã bổ chửng, mất mặt với hàng xóm. Không có ranh giới cao thấp phân biệt giữa con người và con vật, giữa chủ và vật nuôi. Hay nói cách khác nhân vật trung tâm của tác phẩm là tất cả các con vật trong vườn. Chúng “kiến tạo” nên câu chuyện, xoay chuyển con người, xoay chuyển thế giới theo những “trò vui” mà chúng tạo ra. Dù là giả tưởng và hài hước nhưng ý thức về sự bình đẳng giữa con người và con vật có thể thấy rõ trong tác phẩm. Không gian vườn của tác phẩm Chúc một ngày tốt lành gợi ra không gian của một khu vườn trong cổ tích, nơi mà “Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió/ Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay/ Tiếng lích rích chim sâu trong lá/ Con chìa vôi vừa hót vừa bay”28, nơi con người và mọi động vật, cây cỏ chung sống hài hoà, gắn bó với nhau. Truyện cổ tích thường kể những câu chuyện về việc trẻ em có thể trò chuyện, chơi đùa, chung sống với các con vật mà không có bất cứ rào cản nào như Bạch Tuyết (Bạch Tuyết và bảy chú lùn) được chim thú trong rừng giúp đỡ, Lọ Lem (Lọ Lem) được cây dẻ và đàn bồ câu giúp đỡ, cô Tấm (Tấm Cám) được đàn chim sẻ sà xuống nhặt thóc giúp… Hình ảnh con người và loài vật cùng chung sống, vui chơi, tương trợ lẫn nhau trở thành hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cho một cuộc sống đáng mơ ước, giống như chốn thiên đường. Mối quan hệ hài hoà, gắn kết giữa trẻ em và thiên nhiên từ lâu đã có và thể hiện qua truyện cổ tích, mối quan hệ ấy còn lưu lại dấu ấn trong xã hội hiện đại khi con người luôn mơ về “khu vườn cổ tích”, nơi có màu xanh, sự sống và mối quan hệ chan hoà giữa con người và tự nhiên29. Vì vậy, dù không trực tiếp phản ánh những nguy cơ sinh thái trong hiện tại nhưng hình ảnh vườn ở đây là gợi ý về một cuộc sống xanh, mát lành, nơi mọi sinh vật chung sống hài hoà, gắn kết, là ước mơ của trẻ em cũng như của người lớn trong xã hội hiện đại.

   2. Tôn trọng “ngôn ngữ” của loài khác

   Thế giới sẽ ra sao nếu những đặc điểm sinh học của động vật biến đổi? Tác phẩm Chúc một ngày tốt lành đưa ra một tình huống giả tưởng về việc những con vật quen thuộc, bình thường, một ngày kia bỗng trở nên bất thường. Nếu con người có thể học ngoại ngữ, học và sử dụng một hoặc nhiều ngôn ngữ khác thì con vật cũng có thể có khả năng ấy. Đó là cách “lý giải” dưới đôi mắt và trí tưởng tượng của trẻ thơ. Nên sự bất thường ấy hoàn toàn có thể chấp nhận như một sự việc bình thường trong đôi mắt trẻ em. Cũng như trẻ em dễ dàng chấp nhận việc con người trò chuyện với cây cối, muông thú, giao tiếp với các vị thần, các bà Tiên ông Bụt như giao tiếp với mọi người trong đời sống hàng ngày. Tất cả những gì con người làm được thì con vật cũng làm được dễ dàng, trí tưởng tượng của trẻ em “cho phép” mọi giới hạn có thể được xoá bỏ.

   Nguyễn Nhật Ánh đưa ra một tình huống giả tưởng: những vật nuôi trong khu vườn nhà bà Đỏ một ngày kia bỗng biết “nói” ngôn ngữ của loài khác. Con vật phát hiện ra điều đó và sở hữu những bí quyết uốn lưỡi để đổi tiếng, đổi giọng chính là heo Lọ Nồi. Nó trở thành sư phụ, thành thầy giáo của các con vật khác trong vườn. Khi thấy những chú gà chiếp học được tiếng chó, tiếng lợn, cún Mõm Ngắn cũng mon men xin học. Đáp lại nó, Lọ Nồi nói: “Mày muốn học ngoại ngữ chứ gì?”30 . Kêu tiếng của loài khác được gọi là “ngoại ngữ”. Như vậy, trong không gian vườn, “tiếng” của các loài đều được tôn trọng, có vị trí ngang hàng với nhau. Học “tiếng” của loài khác được gọi là “học ngoại ngữ” hết sức “sang trọng” nhưng cũng bình thường như những đứa trẻ đi học tiếng nước ngoài. Ẩn dụ này cho thấy cái nhìn yêu quý và tôn trọng loài vật thường thấy ở trẻ thơ cũng như luôn hiện diện qua nhiều tác phẩm viết về loài vật khác của Nguyễn Nhật Ánh như Tôi là Bê tô31, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng32, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ33.

   Khi con heo Lọ Nồi dạy cho những con vật trong vườn “học ngoại ngữ”. Giờ đây, chó có thể kêu chiếp chiếp, heo sủa gâu gâu, gà kêu ụt ịt. Không dừng ở đó, chó có thể cùng lúc kêu được cả tiếng gà mẹ, gà con và tiếng lợn. Gà con có thể kêu được tiếng chó, tiếng heo. Heo cũng có thể “nói” bằng tiếng gà, tiếng chó. Đó là một tình huống bất thường về sinh học. Từ đó, nhà văn mô tả những phản ứng khác nhau của con người trước hiện tượng trên. Những người nông dân trong làng mà đại diện là bà Đỏ chủ nhà, bà Hai Nhành hàng xóm, ông Sáu Thơm, người đi mua heo đều có chung cảm giác hốt hoảng, sợ hãi, không tin nổi. Bà Đỏ “thở hắt ra, như có một con đê chắn ngang ngực”34, bà Hai Nhành “ngã bệt xuống đất”35, khi chứng kiến hai con heo ngoác miệng kêu “cục cục cục…”, “chiếp chiếp…”36, còn ông Sáu Thơm thì “dựng mắt lên, lắp bắp”37, khi nghe con cún kêu “ủn ỉn”. Sự bất thường này khiến họ không thể chấp nhận được và xem như là chuyện quái dị, những con vật này là “con quái” không thể nuôi được. Nhưng khi chuyện đến với những nhà báo thì một phản ứng hoàn toàn khác: “Chó mà kêu tiếng heo à? Kỳ diệu nhỉ?/ Heo kêu “cục cục” thì đúng là phi thường!/ Gà ủn ỉn như heo? Nếu vậy thì đây là những con gà đi ra từ truyện cổ tích!”38. Với các nhà báo, đây là câu chuyện hấp dẫn, có thể thu hút người đọc và họ chấp nhận những khác thường về sinh học như một điều thú vị. Tiếp theo là phản ứng của ông an ninh “Thế này thì loạn mất”39, bà y tế “khâu kiểm dịch thú y sẽ rắc rối to!”40, ông thuế vụ “Cơ quan tôi sẽ lẫn lộn lung tung gia súc với gia cầm”41. Nhưng với thằng Cu nó lại cho rằng chuyện heo có kêu tiếng gà “cũng là chuyện bình thường”42.

   Trước sự việc đầy bất thường trong khu vườn nhà bà Đỏ, phản ứng của những nhân vật xung quanh hết sức khác nhau. Nhóm thứ nhất gồm bà Đỏ, bà Hai Nhành, ông Sáu Thơm, bà y tế, ông an ninh, ông thuế vụ thấy sợ hãi, bất lợi, nguy hiểm. Nhóm thứ hai gồm cánh nhà báo, ông du lịch, ông động vật hoang dã, bà kế hoạch đầu tư lại nhận thấy cơ hội thu lợi và đầu tư từ sự bất thường này. Dù khác nhau về sắc thái nhưng phản ứng của cả hai nhóm đều dựa trên cái nhìn phán xét, đánh giá của con người với vật nuôi theo tiêu chí: đặt lợi ích của con người lên cao nhất, lấy con người là trung tâm, những gì có lợi hoặc bất lợi cho con người đều cần bị loại bỏ hoặc tận dụng. Trong khi đó, nhân vật thằng Cu lại xem việc con này “nói tiếng” con kia là chuyện bình thường vì “Hai con heo này sinh cuối năm, thuộc cung Song Tử. Ai thuộc cung này đều thích làm mới mình, thích tạo ra những âm thanh khiến người khác giật mình và xem đó là trò vui”43. Phản ứng của thằng Cu cho thấy cái nhìn con vật của nó không giống với người lớn. Thằng bé xem con vật như bè bạn nên tôn trọng mọi “trò nghịch” mà những con vật tạo ra. Thậm chí, nó còn nhớ ngày sinh của mỗi con và xét đoán tính cách con vật trong vườn dựa trên các cung số hệt như với một con người. Sau này, chính thằng Cu đã tạo ra “từ điển” ngôn ngữ cho những con vật trong vườn. Xuất phát từ cái nhìn ấy, việc chung sống giữa con người và động vật trở nên tốt đẹp và ý nghĩa hơn.

   Giáo sư Clare Palmer (Đại học Texas, Austin, Mĩ) và giáo sư Peter Sandøe (Đại học Copenhagen, Đan Mạch) trong cuốn Animal Welfare (tạm dịch Phúc lợi động vật) đã cho rằng cái gọi là đúng và sai trong câu chuyện ứng xử với loài vật không phải là một “factual question” (loại câu hỏi có thể trả lời bằng thực chứng, bằng cách cân đong đo đếm)44. Hai học giả này đã tổng kết lại năm quan điểm ứng xử với loài vật, trong đó, đáng chú ý là quan điểm thứ tư cho rằng: dù mỗi loài là mỗi cá thể nhưng vẫn có sợi dây liên hệ giữa cảm xúc của con người và cảm xúc của loài vật. Việc các con vật không ngại học “tiếng nói” của nhau, con người học “tiếng nói” của loài vật để trò chuyện, giao tiếp, từ đó biết lắng nghe những tiếng nói của loài khác, tôn trọng sự tồn tại của loài khác và hướng tới việc chung sống hoà ái trong mối quan hệ tương trợ chính là một cách thể hiện của ý thức tôn trọng sinh mệnh. Tác phẩm góp phần đưa trẻ em tới với những trải nghiệm về đời sống của các con vật nuôi như chó, lợn, gà, vịt; giúp các em hiểu thêm về thói quen, tập tính của loài vật; từ đó đánh thức sự ham hiểu biết và khơi dậy tình cảm của trẻ em với những con vật xung quanh. Sự hiểu biết về đời sống của loài vật chính là khởi đầu của việc thông cảm, gắn bó giữa trẻ em và động vật. Từ đó, ý thức tôn trọng, bảo vệ động vật sẽ được gieo mầm và có thể trở thành hành động tự bảo vệ động vật một cách tự nhiên trong tương lai. Đó cũng cách thức riêng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi bàn về vấn đề môi trường sinh thái, tác động đến nhận thức sinh thái của độc giả thiếu nhi. Thay vì cảnh báo, phê phán, phơi bày hiện trạng môi sinh bị tàn phá, văn học thiếu nhi đánh thức tình yêu, sự hiểu biết và trở thành cầu nối gắn kết trẻ em với môi trường sâu sắc hơn.

   3. Tôn trọng tập tính riêng của những con vật trong vườn

   Chúc một ngày tốt lành khi miêu tả cuộc sống riêng tư và hài hoà giữa các loài vật khác nhau trong khu vườn của mẹ con bà Đỏ gợi lên hình ảnh một cuộc sống như trong cổ tích, cũng đồng thời gợi lên triết lý tôn trọng tự nhiên, sống thuận theo tự nhiên của Lão Tử “điều quan trọng nhất là con người phải biết “thuận theo tự nhiên”. Thuận theo tự nhiên là làm đúng quy luật. Thuận theo tự nhiên còn là biết tôn trọng tự nhiên như món quà vô giá mà Thượng Đế trao tặng con người, coi thiên nhiên như một ngôn ngữ”45. Tôn trọng tự nhiên chính là một biểu hiện của ý thức tôn trọng sinh mệnh thể hiện qua việc Nguyễn Nhật Ánh đã miêu tả sống động thói quen, tập tính riêng biệt của những con vật trong vườn. Nghệ thuật nhân hoá là bút pháp chính được sử dụng khi nhà văn kể chuyện. Con vật nào cũng có tên riêng dựa trên đặc điểm cá nhân như heo Lọ Nồi (vì có cái bớt đen trên mặt), heo Đuôi Xoăn (vì đuôi ngắn và xoăn), gà Cánh Cụt (vì có đôi cánh ngắn), cún Mõm Ngắn (gắn với đặc điểm của cái mõm). Mẹ của “lũ nhóc” là chị chó Vện, cô gà mái có cái tên rất đẹp Mai Hoa, chị lợn tên Nái Sề. Chị Nái Sề có “thân hình béo núc”46 vì đã đẻ đến lứa thứ tư, chị từng có một “thời thiếu nữ kiêu sa”47 nhưng giờ đây sau mấy lứa đẻ, thân hình chị trở nên quá khổ, di chuyển khó khăn. Nhà văn cũng quan sát tỉ mỉ, kỹ lưỡng tập tính sinh hoạt của vật nuôi để tái dựng những trang viết đẹp về đời sống của động vật. Những trang viết đó mang lại trải nghiệm phong phú, đa dạng về động vật, cụ thể là vật nuôi cho trẻ em. Ngày nay, việc trẻ em thành phố ít tiếp xúc và có trải nghiệm với vật nuôi ngày càng trở nên phổ biến. Cuộc sống của trẻ em thành phố ngày càng gắn liền với cao ốc, máy tính, nhà hàng, siêu thị mà thiếu đi những hiểu biết thực tế về đời sống của nông thôn, làng quê, về đời sống của vật nuôi trong chuồng trại. Có thể thấy những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh trong Chúc một ngày tốt lành đã cung cấp những hiểu biết sinh động cho bạn đọc thiếu nhi về đời sống của nhiều loài vật. Chú cún Mõm Ngắn thích vật lộn, “Chú lăn vào đánh nhau hùng hục với gốc chuối, chồm hai chân như đô vật vào xới, mõm hăng hái ngoạm lấy bẹ chuối day qua vực lại”48 , hai anh em nhà heo thích dũi đất cát, chúng “tranh nhau dũi mõm vào vồng cải, làm bật tung mọi thứ, nhai qua quít vài chiếc lá, nuốt thờ ơ vị ngọt của rễ cây, rồi thi nhau lăn trên đất xem đứa nào lăn được nhiều vòng hơn, tiếp theo là dúi toàn thân vào đất cát để được là đứa lấm lem nhất trong buổi sáng đầy nắng đó”49. Hình ảnh cảnh quan khu vườn, không gian sống của những con vật cũng được miêu tả sinh động: “những chiếc lá lấp lánh sáng đang che nắng cho những trái đậu thuôn dài không ngừng đong đưa trong gió mai”50. Đám gà con “như những nắm bông màu vàng bị gió thổi dạt từ bờ rào tới vườn cải”, “mười chiếc mỏ xinh xinh nhỏ xíu quay ngang quay dọc, dáo dác tìm kiếm”51. Chị Nái Sề đi tìm con “nặng nề lê chiếc bụng to quá khổ qua các vồng rau, lệt bà lệt bệt vừa đi vừa thở”52. Bút pháp nhân hoá, sự quan sát tinh tế đời sống và tập tính riêng của mỗi loài khiến những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh về đời sống các con vật sinh động và thú vị. Thông qua những trang viết này, độc giả nhỏ tuổi có thêm hình dung, hiểu biết về đời sống của các con vật nuôi như chó, gà, heo. Tình cảm với các con vật trong truyện hết sức đáng yêu dễ được nhen lên một cách tự nhiên. Bởi lẽ, dưới ngòi bút của nhà văn, các con vật đều được miêu tả như những đứa trẻ ngây thơ, đáng yêu. Các con vật được gọi là “lũ nhóc”, “bọn trẻ”, thích “chơi”, tò mò, ham học hỏi những gì mới lạ.

   Sự tôn trọng tập tính sinh hoạt còn được thể hiện qua biến cố: các con vật bỗng nhiên “nổi tiếng”, được xuất hiện trên báo, đài, được hàng đoàn người đến thăm quan, chụp hình thì nhà văn nhận ra: nỗi đau khổ của “bọn trẻ” khi thức ăn rủng rỉnh nhưng toàn bộ đời sống sinh hoạt tự nhiên của chúng bị đảo lộn. Con heo Lọ Nồi, thầy dạy ngôn ngữ của đám vật nuôi trong vườn than thở và tự hỏi: “Tại sao cuộc sống của chúng ta đột ngột đen tối như vậy?”53. Đám gà con than phiền: “Đèn chớp nháy từ tối đến sáng, tụi em không sao chợp mắt được”54. Cún Mõm Ngắn kêu ca nó không ngủ được vì “Mấy bác gà trống ở khu vườn trại kế bên thấy ánh đèn ngỡ trời sáng, thế là thi nhau gáy điếc cả tai”55. Khách thăm quan đông đến mức “Hết đám người này đến bọn người nọ lũ lượt kéo tới, tụi mình chẳng có lấy một ngày yên”56. Những tiếng kêu ca, than phiền của các con vật cho thấy: mọi sự chăm sóc thái quá, can thiệp sâu làm biến đổi tập tính sinh học của loài vật mà không dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng quy luật tự nhiên đều mang lại sự bất thường, khó chịu, thậm chí tai họa cho đời sống của các con vật. Việc kiếm lời từ những con vật bình thường, đối xử với chúng như với “những động vật quý hiếm”57, đã làm mọi thứ “rối tung cả lên”58. Mà như “thầy giáo ngôn ngữ” kết luận sau rất nhiều trăn trở suy tư: “Sở dĩ tình trạng sống của chúng ta ngày càng tồi tệ là vì loài người muốn chăm sóc chúng ta theo cách của họ”59. Vấn đề phải hiểu và tôn trọng đời sống tự nhiên của loài vật. Mọi can thiệp thô bạo, dù tưởng là mang lại điều tốt nhất cho loài vật mà không hiểu đều ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Cuối cùng nhận thức của các con vật là cần “trở lại y xì như cũ”60. Trở lại như cũ tức là để tự nhiên trở về với tự nhiên, hay nói cách khác, cần tôn trọng quy luật và đời sống tự nhiên của mỗi loài. Những con vật đã chủ động “đòi” quyền sống bình thường của mình thông qua hành động “biểu tình”. Chúng không “nói” tiếng của loài khác nữa. Heo lại “nói tiếng heo”, cún lại kêu tiếng cún, gà lại phát ra âm thanh quen thuộc của loài gà. Dù biết rằng như vậy sẽ không còn được trọng dụng, không còn được dư thừa thức ăn và phải tự lao động kiếm sống nhưng những con vật chấp nhận điều đó để được là những con vật bình thường. Quan niệm về việc “được là mình”, dù là gà, là chó, là lợn giống như con người được là mình, thể hiện thái độ bình đẳng và quan niệm nhân văn của Nguyễn Nhật Ánh khi miêu tả đời sống của những con vật trong tác phẩm.

   4. Kết luận

   Ý thức tôn trọng sinh mệnh trong tác phẩm thể hiện qua việc xây dựng thế giới nhân vật gồm cả con người và loài vật chung sống hài hoà, thân ái. Trong đó, nhân vật chính là những con vật, được gọi tên và có đặc điểm, tính cách, tâm hồn như con người.

  Ý thức tôn trọng sinh mệnh còn thể hiện qua cái nhìn động vật của trẻ em không bị vướng mắc vào các định kiến xã hội. Nhân vật trẻ em trong tác phẩm coi vật nuôi như bè bạn, sẵn sàng cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ cũng như ngược lại, những con vật sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ trẻ em.

   Bên cạnh đó, việc khắc họa tập tính, thói quen của các con vật trong khu vườn đẹp đẽ đã mang lại những trải nghiệm sinh thái sống động cho trẻ em. Cái nhìn trân trọng con người, trân trọng loài vật, tôn trọng mọi sinh mệnh khác nhau của nhà văn thấm đẫm trong tác phẩm có thể mang đến những “hạt mầm sinh” thái, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và những nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên cho bạn đọc thiếu nhi.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Nhật Ánh (2018), Chúc một ngày tốt lành, NXB Trẻ.
2. Nguyễn Nhật Ánh (2007), Tôi là Bê tô, NXB Trẻ.
3. Nguyễn Nhật Ánh (2012), Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, NXB Trẻ.
4. Nguyễn Nhật Ánh (2016), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, NXB Trẻ.
5. Trần Hoài Dương (2014), Miền xanh thẳm, NXB Kim Đồng.
6. Nguyễn Đăng Điệp (2018): “Đô thị, môi trường và nhân tính trong văn học Việt Nam đương đại”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, tháng 11.
7. Đoàn Giỏi (2017), Đất rừng phương Nam, NXB Kim Đồng.
8. Đặng Thị Thái Hà (2019), Căn tính, thân thể và sinh thái, NXB Hội Nhà văn.
9. Tô Hoài (2000), Dế Mèn phiêu lưu ký, NXB Văn học.
10. Kiều Thị Ngọc Lan, https://thanhnien.vn/ ung-xu-voi-loai-vat-185448823.htm, 11/2/2015, 11:42 GMT+7.
11. Hoàng Tố Mai (Chủ biên, 2017), Phê bình sinh thái là gì, NXB Hội Nhà văn.
12. Lê Trà My (2017): “Vua gấu xám của James Oliver Curwood và vấn đề giáo dục ý thức sinh thái cho trẻ em”, trong Phê bình sinh thái, tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu, Nguyễn Đăng Điệp (Chủ biên), NXB Khoa học xã hội.
13. Nguyễn Thị Hải Phương, Nguyễn Thị Linh Chi (2017): “Sự thức tỉnh ý thức sinh thái trong sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần”, trong Phê bình sinh thái, tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu, Nguyễn Đăng Điệp (Chủ biên), NXB Khoa học xã hội.
14. Nhiều tác giả (2022), Sinh thái và văn hoá Nam Bộ trong văn học Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
15. Nhiều tác giả: Quỳnh Anh, https:// baothuathienhue.vn/doi-song/khu-vuonco-tich-cua-tuoi-tho-noi-bien-gioi131317.html, thứ Bảy, 26/8/2023, 11:10 (GMT+7); Dũng Minh, http 11/10/2023 | 14:34s://tienphong.vn/doan-thanh-nienthiet-ke-vuon-co-tich-trong-mo-cho-thieunhi-post1577144.tpo; Hoa Tâm, https:// nld.com.vn/diem-den-hap-dan/vuon-cotich-giua-long-da-lat-20191021160 308465.htm, 21/10/2019, 16:59.
16. Vũ Quần Phương (2013): Nói với em, https://dotchuoinon.com/2013/08/20/neunham-mat-nghi-ve-cha-me/, ngày 20/8.
17. Nguyễn Quang Sáng (1966), Chiếc lược ngà, NXB Văn hoá Văn nghệ.
18. Nguyễn Thi (1965), Người mẹ cầm súng, NXB Văn học.
19. Nguyễn Thi (1978), Truyện và ký Nguyễn Thi, NXB Giáo dục.
20. Trần Đức Tiến (2022), Xóm Bờ Giậu, NXB Kim Đồng.
21. Bùi Thu Thuỷ, Phạm Phương Chi (2022), Phê bình sinh thái ở Việt Nam, vạn vật, thiên tai và lịch sử trong Thơ mới Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
22. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2017), Rừng khô, suối cạn, biển độc và văn chương, NXB Khoa học xã hội.

Chú thích:
* Viện Văn học.

1, 13, 14 Hoàng Tố Mai (Chủ biên, 2017), Phê bình sinh thái là gì, NXB Hội Nhà văn, tr. 13, 8, 8.
2 Nhiều tác giả (2022), Sinh thái và văn hoá Nam Bộ trong văn học Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 3.
3 Đặng Thị Thái Hà (2019), Căn tính, thân thể và sinh thái, NXB Hội Nhà văn, tr. 83.
4 Nguyễn Thị Hải Phương, Nguyễn Thị Linh Chi (2017): “Sự thức tỉnh ý thức sinh thái trong sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần”, trong Phê bình sinh thái, tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu, Nguyễn Đăng Điệp (Chủ biên), NXB Khoa học xã hội, tr. 898.
5 Lê Trà My (2017): “Vua gấu xám của James Oliver Curwood và vấn đề giáo dục ý thức sinh thái cho trẻ em”, trong Phê bình sinh thái, tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu”, Nguyễn Đăng Điệp (Chủ biên), NXB Khoa học xã hội, tr. 995.
6 Tô Hoài (2000), Dế Mèn phiêu lưu ký, NXB Văn học.
7 Đoàn Giỏi (2017), Đất rừng phương Nam, NXB Kim Đồng.
8 Trần Hoài Dương (2014), Miền xanh thẳm, NXB Kim Đồng.
9, 11, 28 Vũ Quần Phương (2013): Nói với em, https://dotchuoinon.com/2013/08/20/neu-nhammat-nghi-ve-cha-me/, ngày 20/8.
10 Nguyễn Thi (1965), Người mẹ cầm súng, NXB Văn học.
12 Nguyễn Quang Sáng (1966), Chiếc lược ngà, NXB Văn hoá Văn nghệ.
15, 16 Bùi Thu Thuỷ, Phạm Phương Chi (2022), Phê bình sinh thái ở Việt Nam, vạn vật, thiên tai và lịch sử trong Thơ mới Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.184, 185.
17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 30, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59, 60 Nguyễn Nhật Ánh (2018), Chúc một ngày tốt lành, NXB Trẻ, tr. 33, 8, 18, 19, 37, 43, 48, 47, 100, 112, 200, 48, 10, 10, 10, 20, 58, 59, 64, 64, 64, 15, 15, 24, 46, 20, 34, 36, 39, 40, 82, 81, 81, 81, 85, 86, 85, 87.
29 Nhiều tác giả: Quỳnh Anh, https://baothuathienhue.vn/doi-song/khu-vuon-co-tich-cua-tuoi-tho-noibien-gioi-131317.html, thứ Bảy, 26/8/2023, 11:10 (GMT+7); Dũng Minh, http 11/10/2023 | 14:34s://tienphong.vn/doan-thanh-nien-thiet-ke-vuonco-tich-trong-mo-cho-thieu-nhi-post1577144.tpo; Hoa Tâm, https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/vuon-cotich-giua-long-da-lat-20191021160308465.htm, 21/10/2019, 16:59.
31 Nguyễn Nhật Ánh (2007), Tôi là Bê tô, NXB Trẻ.
32 Nguyễn Nhật Ánh (2016), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, NXB Trẻ.
33 Nguyễn Nhật Ánh (2012), Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, NXB Trẻ.
44 Kiều Thị Ngọc Lan, https://thanhnien.vn/ung-xuvoi-loai-vat-185448823.htm, 11/2/2015, 11:42 GMT+7.
45 Nguyễn Đăng Điệp (2018): “Đô thị, môi trường và nhân tính trong văn học Việt Nam đương đại”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, tháng 11, tr. 11.

Bình luận

    Chưa có bình luận