THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG NHỮNG NỖI NIỀM SÂU LẮNG VÀ SUY TƯ TRIẾT LÝ

Bài viết điểm lược về những nỗi niềm sâu lắng và suy tư triết lý được thể hiện trong thơ của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng – người ''luôn mang trong mình tình yêu hai Tổ quốc'' Việt - Nga trong suốt cả cuộc đời. Từ đó khẳng định tài năng, đóng góp của ông trong công tác lan tỏa giá trị của văn học Việt Nam tới bạn đọc Nga và ngược lại.

    Chiều ngày 19/11/2022, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982-2022), tại Hội Nhà báo ở phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cho ra mắt ấn phẩm mới Trăm năm cũng từ đây. Cuốn sách gồm 320 trang, là đứa con tinh thần thứ 31 (cả sáng tác và dịch thuật) của ông “để nhớ về Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội”1, nhớ về “những bậc thầy đáng kính nhất… những người bạn đồng môn với bao phẩm chất tuyệt vời”2. Buổi ra mắt sách diễn ra trong tràn ngập sắc hoa tươi thắm và bầu không khí ấm áp, thân thương của tình thầy, nghĩa bạn qua những cái ôm xiết chặt, những giọt nước mắt nóng hổi… Tan cuộc, mấy người bạn tâm sự với tôi: “Chưa bao giờ mình tham dự buổi ra mắt sách lại đông vui và xúc động đến thế!”. Đó là cũng là suy nghĩ của tôi và hàng trăm nhà giáo, nhà văn, nhà thơ và các cựu sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội khác nữa khi ra về. Nhân dịp này, tôi đọc và ngẫm lại nhiều tác phẩm của Nguyễn Huy Hoàng và không thể không viết về ông.

    1. Người “luôn mang trong mình tình yêu hai Tổ quốc”

    Hoàn cảnh đưa đẩy khiến Nguyễn Huy Hoàng phải sống xa quê hương nhưng tình cảm trong lòng người con xa xứ ấy “luôn mang trong mình tình yêu hai Tổ quốc/ Một nước Việt lầm than mang nặng, đẻ đau tôi/ Và nước Nga, nơi gánh chịu biết bao nhiêu tủi cực/ Tôi tự nguyện đặt trái tim rớm máu dưới chân Người!”. Đúng như lời anh giãi bày trong thơ. Nguyễn Huy Hoàng không chỉ yêu quý, ông còn phụng sự hai dân tộc Nga - Việt suốt cả cuộc đời mình. Trong thẳm sâu trái tim, ông luôn trăn trở, thao thức không ngủ được vì nhiêu lẽ. Bài thơ Nỗi nhớ tháng ba là một ví dụ tiêu biểu. Hai mươi sáu câu thơ ngũ ngôn của bài đã tái hiện song hành hai bức tranh thiên nhiên Nga - Việt thật đẹp: “Chẳng làm sao ngủ được/ Gió xốn xang ngoài vườn/ Trời đầy sao lấp lánh/ Phảng phất hương bạch dương”. Dùng hình ảnh và từ láy gợi tả, gợi cảm buổi đêm thật nhiều gió, nhiều sao và hương bạch dương - nét đặc trưng của thiên nhiên nước Nga, người thơ hé lộ tâm trạng thật lắm nỗi niềm. Gió được nhân hóa cũng mang theo tâm trạng xốn xang của người. Đó là nỗi xúc động xao xuyến, những cảm xúc và ý nghĩ trở đi trở lại không yên. Thiên nhiên nước Nga tuy đẹp nhưng tâm tưởng người xa vẫn nhớ về quê nhà: “Chạnh nhớ mùi hoa bưởi/ Thơm từ ngõ vào nhà/ Bên cầu ao cá quẫy/ Lay động đêm tháng ba”. Khổ thơ tái hiện cảnh làng quê Việt Nam thật đẹp với mùi hương hoa bưởi thơm dịu ngan ngát khắp không gian. Cạnh đó là cầu ao rộn tiếng cá quẫy làm lay động cả màn đêm tịch mịch. Cảnh vật tĩnh lặng nên tác giả cảm nhận được cả âm thanh tiếng võng đưa, tiếng gà xao xác và âm thanh của người làng đi chợ phiên. Thực ra, đó chỉ là những âm thanh trong ký ức vọng về, là tiếng nói sâu thẳm của tấm lòng thương nhớ quê hương đất nước da diết.

    Sống tại nước Nga xa xôi, nhà thơ vẫn không quên ngày giỗ Quốc Tổ bởi ông tâm niệm rằng dù sống ở đâu, thành đạt đến mức nào con người cũng không được quên nguồn cội. Trong cõi lòng người con xa xứ ấy luôn ghi nhớ công đức của Vua Hùng và các bậc tiền bối. Bài thơ Dẫu xa muôn dặm vẫn tôi Vua Hùng tái hiện lại bóng dáng lịch sử thời Hùng Vương dựng nước, ngợi ca công đức của đấng minh quân và khẳng định dù sống xa Tổ quốc nhưng lòng ông luôn thường trực niềm tri ân sâu sắc tổ tiên và tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc. Nhờ trí tưởng tượng phong phú, nhà thơ làm sống dậy hình tượng Vua Hùng cày ruộng, ngồi chung chiếu với dân uống rượu, dốc lòng cùng dân xây dựng kinh tế, quân sự để tiềm lực đất nước ngày một mạnh thêm: “Thương dân, quốc kế làm đầu/ Hùng binh, thực túc, mưu sâu, kế bền”. Tác giả hào hứng ngợi ca việc truyền ngôi sáng suốt của nhà vua: “Truyền ngôi, thi lễ hội mừng/ Thanh cao chỉ chọn bánh chưng, bánh dày/ Trời là đây, đất là đây/ Nước non tay cuốc, tay cày mà nên”. Áng thơ lục bát này tràn đầy cảm hứng, gợi nhớ truyện Sự tích bánh chưng bánh dày. Nhờ lòng thành kính, biết ơn trời đất, tổ tiên và sự sáng tạo khéo léo độc đáo, hoàng tử Lang Liêu đã được vua cha chọn mặt gửi vàng truyền trao ngôi báu. Lời của vua phán truyền từ ngàn năm trước “Dạy rằng, chớ phụ tổ tiên/ Đừng vì gấm vóc mà quên nghĩa người” rất giàu tính triết lý cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bài thơ đã khơi dậy và lan tỏa tới người đọc đạo lý uống nước nhớ nguồn, một nét đẹp truyền thống của bản sắc văn hóa Việt nam.

    2. “Người thả hồn trên giấy” với chất chứa nỗi niềm và suy tư đậm chất triết lý

    Thơ Nguyễn Huy Hoàng rất phong phú về đề tài và cảm xúc, in đậm phong cách riêng. Tiếng nói từ trái tim ấy có khi là lời giãi bày tâm trạng, “nhiều khi yếu đuối, mong manh trước vũ trụ nhưng không hề tuyệt vọng, bi quan” đúng như có lần ông bộc bạch. Trong không ít bài thơ, ông tự thấy mình mang nợ với làng quê, với ruộng đồng nơi mình được sinh ra và lớn lên; mang nợ với bà con cô bác nghèo khó và “với người thân chưa đủ bát cơm đầy”, với bè bạn và cả cuộc đời này. Nỗi lòng ấy ông chia sẻ rất cảm động qua bài thơ Với mẹ: “Con mang nợ… Với bè bạn gửi mình nơi trận mạc/ Miền vĩnh hằng vắng cả khói hương bay/ Con chẳng dám than thân cùng trách phận/ Mặc thế gian vinh hiển với sang giàu/ Chỉ xin được bình yên ngồi bên mẹ/ Bên mảnh vườn ngan ngát nở hương cau”. Lời tâm sự cùng mẹ ở đây rất chân thành, nhiều ẩn ức, dễ gợi sự đồng cảm và lay thức trái tim độc giả. Đó là lời giãi bày tự đáy lòng đầy xúc cảm của đứa con trai vì nhiều lý do đã phải sống xa mẹ cùng bà con họ hàng, bạn hữu, xa quê hương xứ sở nhưng lòng lúc nào cũng đau đáu nhớ thương, tự thấy mình có lỗi và da diết mong được bình yên trở về bên mẹ.

    Thơ của “người thả hồn trên trang giấy” Nguyễn Huy Hoàng dù tâm tình với mẹ hay bất cứ đối tượng nào khác cũng thường có sự kết hợp giữa cảm xúc và trí tuệ với những suy tư sâu lắng đậm tính triết lý. Bài thơ Nói với con là lời khuyên nhủ chí tình cùng con những suy nghĩ, chiêm nghiệm vô cùng sâu sắc về cuộc sống. Điều này đã tạo nên những rung cảm thẩm mĩ lắng sâu, gây xúc động lòng người. Tám khổ trong bài thơ đều hướng tới đứa con. Mọi lời của người cha đều khuyên dạy con sống cao đẹp, vị tha: “Hãy vì người nếu mong học vì con”, biết chấp nhận thiệt thòi, đừng để danh lợi cám dỗ vì đó là thứ bùa bả mồi chài dễ khiến người ta sa ngã. Đặc biệt, người cha mong mỏi đứa con sống ở đời phải biết giữ gìn danh dự: “Rách cho thơm, dẫu đói thì phải sạch…/ Cần gỗ tốt, nước sơn còn phải tốt/ Oán bên lòng, ơn khắc dạ đừng quên”. Ý thơ chắt lọc, có sự kế thừa tinh hoa trong lời dạy của tiền nhân và kinh nghiệm sống quý báu được đúc kết của ông cha nên rất cô đọng, hàm súc. Không những thế, sự tiếp thu vốn folklore - văn hóa dân gian có sự phát triển sáng tạo, hợp với cách nghĩ thời hiện đại: “Tình yêu thương không mua được bằng tiền”; hay “Nếu vấp ngã con tự mình đứng dậy/ Muốn tập bơi, cứ nhảy xuống giữa dòng/ Thà mất cả cố giữ gìn danh dự/ Sống thẳng mình mặc kệ thế gian cong”. Những lời khuyên bảo chí lý đó của người cha về đạo làm người thật cô đọng như những chân lý cuộc sống. Mấy câu kết bài là lời nhắn nhủ chí thiết: “Con hãy lượng sức mình khi gánh nặng/ Biết đến đâu là đủ giữa cuộc đời/ Điều không muốn chớ mong người gặp phải/ Trồng cây nào, hái quả ấy con ơi”. Những lời nói với con bằng thơ ấy vừa giàu tình cảm vừa vô cùng sâu sắc bởi đó là những suy nghĩ gan ruột được đúc kết từ chính cuộc đời cha. Những lời dạy hàm súc ấy mang bóng dáng tư tưởng của đạo Phật là gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy. Thi phẩm mang đậm tính quy luật của cuộc sống ấy được chắt lọc từ vốn kiến thức và thực tiễn cuộc sống của người cha.

    Không chỉ dành tình cảm với người thân trong gia đình, tiếng nói cảm xúc của thơ Nguyễn Huy Hoàng còn hướng tới nhiều đối tượng khác. Nhà thơ nhớ tới những người thầy khai tâm mở trí cho mình với tấm lòng xiết bao thương kính và tri ân “Thầy giáo làng/ Thầy nghỉ hưu, ra đi trong túng thiếu/ Những năm tám mươi, đói gõ cửa từng nhà”. Bài thơ Đêm 8-3 như một ký sự bằng thơ về hai cảnh đời đối lập trong Quốc tế phụ nữ - ngày hội của một nửa nhân loại trên thế giới. Trong khi những người giàu: “Xe nườm nượp, nam thanh cùng nữ tú/ Các quý ông thời thượng mượt bóng đầu/ Khoác tay các quý bà diêm dúa/ Đang trưng ra một thế giới sang giàu”... Còn những người nghèo như chị bán hoa kia vẫn bươn trải mưu sinh, cả đời chưa từng được nhận hoa. Thương quý chị, một thanh niên đã mua tất cả số hoa tặng lại chị kèm với lời nói thân tình: “Chị hãy về với chồng con kẻo muộn/ Tôi sẽ mua tất cả bó hoa này/ Xin tặng chị!/ Chị nhà quê oà khóc/ Giọt lệ nhoè, rơi nóng cả bàn tay”. Chàng thanh niên với hành động rất nhân văn ấy hay tấm lòng chan chứa yêu thương và đồng cảm của chính tác giả với những phận đời không may mắn? Không dừng ở đó, nhà thơ xót thương và cảm phục những tấm gương liệt nữ thanh niên xung phong: “Chị ra đi mười bảy/ Ngã xuống tuổi đôi mươi/ Chưa có ai để nhớ/ Chưa ai gửi một lời”. Người phu chữ gửi hồn vào trang giấy ấy hễ có một chút thời gian rảnh là lại làm những việc có ý nghĩa. Ông “Thăm mẹ chị thanh niên xung phong” và thương cảm, biết ơn bậc sinh thành ấy không nói hết bằng lời: “Một đời thân góa bụa/ Một năm mười hai tháng/ Một tháng ba chục đêm/ Bốn mươi năm đằng đẵng/ Bóng mẹ canh ngọn đèn...”. Hình ảnh những người chị, người mẹ tuy lam lũ nhưng giàu đức hi sinh, sống cao đẹp, chết vẻ vang ấy rất tiêu biểu cho phẩm chất của phụ nữ Việt Nam đảm đang, trung hậu mà anh hùng.

    Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng là Tiến sĩ Ngữ văn, Giáo sư Viện sĩ của Ukraina, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sống và làm việc tại Matxcơva, Liên bang Nga. Ông là người có nhiều đóng góp trong công tác cộng đồng người Việt tại Nga và là nhịp cầu kết nối, lan tỏa giá trị của văn học Việt Nam tới bạn đọc Nga và ngược lại. Điều đáng nói là tuy số phận lắm gian nan, trắc trở nhưng ông đã vượt qua tất cả. Cuộc đời và thơ ông đa dạng phong phú, đem lại nhiều cảm xúc và bài học quý cho bạn đọc.

  

 

 

Chú thích:
1, 2 Chữ dùng của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng.

    

Bình luận

    Chưa có bình luận