PHÊ BÌNH NỮ QUYỀN SINH THÁI VỚI NGHIÊN CỨU VĂN HỌC DÂN TỘC THIỂU SỐ SO SÁNH ''ĐỨA CON TRAI'' CỦA HÀ THỊ CẨM ANH VÀ ''LỄ HỘI MẶT TRỜI'' CỦA LESLIE MARMON SILKO

Thông qua so sánh tác phẩm ''Đứa con trai'' của Hà Thị Cẩm Anh và ''Lễ hội mặt trời'' của Leslie Marmon Silko, bài viết là một ứng dụng cụ thể kết hợp phương pháp của phê bình nữ quyền sinh thái và văn học so sánh vào nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số Việt Nam.

   Phê bình nữ quyền sinh thái là một phong trào chính trị - xã hội kết hợp các mối quan tâm về sinh thái với quan điểm nữ quyền. Nó cho rằng sự áp bức phụ nữ và tình trạng suy thoái môi trường đều phát sinh từ hệ thống gia trưởng và tư bản chủ nghĩa. Các nhà nữ quyền sinh thái ủng hộ công bằng xã hội, bền vững môi trường và bình đẳng giới, thúc đẩy con người công nhận sự phụ thuộc lẫn nhau của mọi dạng sống và thiết lập mối quan hệ tôn trọng với thiên nhiên. Phê bình nữ quyền sinh thái kết nối các vấn đề giới tính, chủng tộc, giai cấp, loài… để thách thức tư duy nhị nguyên tách biệt tự nhiên khỏi văn hóa, nam giới với nữ giới và con người với thế giới phi nhân, ủng hộ một thế giới quan tổng hợp và toàn diện hơn. Có thể thấy phê bình nữ quyền sinh thái có tiềm năng lớn trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số, đặc biệt là các sáng tác của các nhà văn nữ người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều công trình nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số nói chung và văn học nữ giới dân tộc thiểu số từ góc nhìn này ở Việt Nam. Bài viết thông qua so sánh tác phẩm Đứa con trai (2006) của nữ nhà văn người dân tộc Mường – Hà Thị Cẩm Anh và Lễ hội mặt trời (1977) của nữ nhà văn người Mĩ da đỏ – Leslie Marmon Silko, là một ứng dụng cụ thể kết hợp phương pháp của phê bình nữ quyền sinh thái và văn học so sánh vào nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số Việt Nam.

   1. Mối quan hệ giữa phê bình nữ quyền sinh thái và văn học dân tộc thiểu số

   Phê bình nữ quyền sinh thái nổi lên vào cuối thế kỷ XX như một phản ứng đối với việc bóc lột phụ nữ và môi trường, ủng hộ công bằng xã hội, bền vững môi trường và bình đẳng giới. Những nhà lý luận tiêu biểu cho phong trào nữ quyền sinh thái là Vandana Shiva – một học giả và nhà hoạt động môi trường người Ấn Độ, Françoise d'Eaubonne – một nhà nữ quyền người Pháp, người đã đặt ra thuật ngữ “phê bình nữ quyền sinh thái” (ecofeminism) vào năm 1974. Tiếp theo đó, các nhà lý luận như Gaard (1998), Warren (2000) đã cụ thể hóa lý luận, phương pháp của phê bình nữ quyền sinh thái1.

   Mối liên hệ giữa phê bình nữ quyền sinh thái và các nghiên cứu về văn học dân tộc thiểu số nằm ở trọng tâm chung của chúng là thách thức, phê phán chế độ gia trưởng, chủ nghĩa thực dân và sự suy thoái môi trường. Phê bình nữ quyền sinh thái nâng cao tiếng nói của phụ nữ, đặc biệt là những người thuộc cộng đồng bản địa và thiểu số, những người thường bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các vấn đề môi trường. Phê bình nữ quyền sinh thái đề cập đến sự bóc lột bất công đối với phụ nữ và thiên nhiên, trong khi văn học dân tộc thiểu số thường khám phá những tác động chồng chéo của những bất công về chủng tộc, giới tính và môi trường.

   Phê bình nữ quyền sinh thái nghi ngờ, chất vấn cách tư duy nhị nguyên về con người và thiên nhiên, thành thị và nông thôn, nam và nữ bằng cách chỉ ra thuyết nhị nguyên này duy trì tư duy phân cấp và áp bức hệ thống. Phê bình nữ quyền sinh thái phê phán các cặp nhị phân như:

   Con người và thiên nhiên: Phê bình nữ quyền sinh thái bác bỏ quan điểm cho rằng con người khác biệt và vượt trội hơn tự nhiên, nhấn mạnh sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các dạng sống; ủng hộ giá trị nội tại của hệ sinh thái và đa dạng sinh học, phản đối việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích của con người, đề cao đạo đức, quan tâm và trách nhiệm đối với môi trường.

   Thành thị và nông thôn: Phê bình nữ quyền sinh thái thừa nhận sự phụ thuộc lẫn nhau giữa khu vực thành thị và nông thôn, chất vấn định kiến cho rằng không gian đô thị vốn đã tiến bộ hơn hoặc có giá trị hơn nông thôn; khuyến khích các chính sách bền vững giúp thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; ủng hộ việc phân phối công bằng các nguồn lực và cơ hội giữa cộng đồng thành thị và nông thôn, thách thức tình trạng bỏ bê và bóc lột ở khu vực nông thôn.

   Nam giới và nữ giới: Phê bình nữ quyền sinh thái phê phán các cấu trúc gia trưởng làm nền tảng cho sự bất bình đẳng giới và suy thoái môi trường, cho rằng sự áp bức phụ nữ và việc khai thác thiên nhiên có mối liên hệ với nhau; bác bỏ các vai trò và khuôn mẫu giới cứng nhắc giới hạn cả nam giới và phụ nữ; ủng hộ sự hiểu biết linh hoạt và toàn diện hơn về giới, khuyến khích trách nhiệm chung trong việc chăm sóc môi trường và giải quyết bất bình đẳng xã hội, vượt ra ngoài sự phân công lao động theo giới truyền thống.

   Bằng cách đặt câu hỏi về các cặp nhị phân này, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái tìm cách xóa bỏ tư duy phân cấp và thúc đẩy một thế giới công bằng, toàn diện và bền vững hơn. Nó ủng hộ sự chuyển đổi từ các mối quan hệ nhị nguyên và bóc lột sang các mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng, quan tâm và liên kết với nhau. Như vậy, phê bình nữ quyền sinh thái hướng đến bình đẳng giới, phê phán mặt trái của nền văn minh kỹ trị thực dụng, sự chênh lệch giữa khu vực đô thị và nông thôn, tăng cường tiếng nói của các dân tộc thiểu số và thúc đẩy mối quan hệ toàn diện và tôn trọng với môi trường. Đặc biệt, phê bình nữ quyền sinh thái đề cao tiếng nói của phụ nữ và các cộng đồng bản địa trong vấn đề cư xử với môi trường và nền văn hóa tiêu dùng thái quá. Phê bình nữ quyền sinh thái khiến độc giả phải suy xét, đánh giá lại kinh nghiệm và tri thức của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở các cộng đồng bản địa, dân tộc thiểu số và nông thôn, những người thường có mối liên kết mật thiết với đất đai, tài nguyên thiên nhiên, tin rằng cách ứng xử của các cộng đồng bản địa và phụ nữ đem lại triển vọng tìm ra giải pháp để xử lý các vấn đề môi trường hiện nay, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

   2. Chất vấn cặp nhị nguyên văn hóa - tự nhiên, đô thị - nông thôn, nam giới - nữ giới trong Lễ hội mặt trời Đứa con trai

   2.1. Hình ảnh đô thị và người đàn ông

   Không gian trong các tác phẩm văn học cũng là một dạng diễn ngôn. Trong hai tác phẩm Lễ hội mặt trờiĐứa con trai, không gian thành phố tuy không hiện ra trực tiếp, song trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm và được thể hiện trong sự song trùng, tương đồng với hình ảnh của những người đàn ông sa đọa, tiêu biểu là Ông Gấu Ngựa và Kẻ Hủy Diệt.

   Không gian thành phố trong Lễ hội mặt trời không được thể hiện trực tiếp mà hiện lên gián tiếp qua hình ảnh chiến tranh, bệnh viện tâm thần, quán rượu. Trong tiểu thuyết Lễ hội mặt trời, không gian thành phố được khắc họa qua hình ảnh của những quán rượu: “… dân Navajo đứng bên ngoài quán rượu, mặc áo khoác ngắn cũ kỹ. Còn có dân Zuni và Hopi nữa. Tất cả bọn họ đều dựa trên vách tường bẩn thỉu của các quán rượu dọc theo xa lộ 66, mắt họ nhìn xuống dưới đất như là họ đã quên mất mặt trời trên bầu trời; hay đó là cách mà họ mơ đến rượu nho, tìm trên đường phố bùn lầy đó”2. Không gian thành phố ấy gắn liền với những quán rượu, xa lộ – không gian của những cơn say, kẻ say và những người đàn bà trụy lạc, vô sinh; không gian đang chết, rời rã, phân lập, nó khiến Tayo phải chạy trốn đến một không gian khác – không gian trống trơn, bất động của bệnh viện tâm thần để trở thành người vô hình – một cách trốn tránh hiên thực bằng việc triệt tiêu ý niệm về sự tồn tại. Trong Lễ hội mặt trời, nhà văn cũng đào sâu vào vấn đề con người đã khai thác đến tận diệt mà không nghĩ đến việc tái tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt của bản thân mà không chú ý đến thế hệ tương lai: “Trong những thập niên hai mươi và ba mươi, các người làm gỗ đến nơi, tưới nước sạch các thung lũng bên dưới vòng đai và cắt các rãnh to vào dốc đồi. Các công ty gỗ thuê thợ săn toàn thời bắn giết từ mười đến mười lăm con nai mỗi tuần và năm mươi gà tây rừng mỗi tháng. Còn thợ làm gỗ thì bắn cọp và gấu như môn thể thao giải trí. Và khi đó thì dân Laguna biết rằng đất đai đã bị chiếm, vì họ không thể nào ngăn các người da trắng đến tàn phá muông thú và đất đai. Chính khi đó những người phù pháp Laguna và Acoma cảnh báo người ta rằng sự quân bình trên thế giới đã bị xáo trộn và người ta hãy chờ đợi các nạn hạn hán và những ngày gian khổ sắp đến”3. Bị đẩy khỏi không gian sống truyền thống và sa vào cảnh sống chui rúc, bẩn thỉu, đói nghèo ở khu dành riêng – nơi cằn cỗi không trồng cấy, chăn nuôi được, người da đỏ sa vào sự cô lập, tự ti và những tệ nạn của thành phố. Biểu hiện của thứ văn minh kỹ trị còn thể hiện qua sự tàn nhẫn của Thế chiến thứ II. Chiến trường là không gian khủng khiếp của những hang, hố đầy bùn bị xé trên mặt đất, của những tử thi tan tác và những đầu đạn tầm nhiệt nguyên tử khiến cho thân người tan biến đi mất. Có lẽ chiến tranh là biểu tượng điển hình nhất cho sự hủy diệt: tận diệt tự nhiên, hủy diệt con người về thể xác và đày đọa con người về tinh thần. Tuy nhiên, trong Lễ hội mặt trời, không có một nhân vật phản diện cụ thể, hữu hình đại diện cho cái ác, cho mặt trái của văn minh kỹ trị. Nhà văn đã lồng ghép vào tác phẩm câu chuyện dân gian về Kẻ Hủy Diệt thế giới để khơi gợi sự liên tưởng của độc giả.

   Trong Đứa con trai, đô thị cũng không trực tiếp hiện diện mà chỉ gián tiếp được thể hiện qua những biểu hiện của quá trình đô thị hóa tác động, ảnh hưởng tiêu cực lên không gian nông thôn và vùng rừng núi hoang dã. Ngay cả một loại hình kinh tế mới - nuôi cá lồng cũng sớm chết yểu trước mô hình kinh tế dựa trên khai thác, bóc lột thiên nhiên là nạo vét cát sỏi, đánh cá bằng điện, mìn và mưu toan đầu cơ, lũng đoạn, chèn ép những hộ kinh doanh nhỏ của những kẻ đầu cơ nhiều tiền, nhiều mưu mẹo và tàn ác. Quê ngoại của In đã biến mất dưới những tác động của một số chính sách quy hoạch đất đai chưa phù hợp và những mô hình kinh tế “giàu xổi”, cướp đoạt tài nguyên thiên nhiên.

   Nếu như trong Lễ hội mặt trời không có một nhân vật phản diện cụ thể nào tượng trưng cho đầu mối trực tiếp sự suy tàn của mảnh đất và nền văn hóa của người da đỏ, trong Đứa con trai, đó là gã Gấu Ngựa, một điển hình cho lớp người trung gian hám lợi, tham lam, làm giàu từ mọi thủ đoạn và trở thành một thứ cường hào, ác bá mới nơi nông thôn. Vốn là người Mường nhưng hắn không còn là “Mường tốt” nữa. Thu lợi khổng lồ từ nạo vét cát sỏi bán về dưới xuôi, gã đã nhanh chóng giàu lên và tiến hành thêm những cách thức kinh doanh tàn ác khác như buôn lậu gỗ quý, vơ vét đồ cổ, cho vay nặng lãi... Dụ dỗ đàn ông Mường sa vào bài bạc, hắn trói buộc họ suốt đời bằng những món nợ nặng lãi, siết nợ bằng cách cướp trắng những bè cá lồng hoặc chèn ép họ bằng cách chọc thủng lồng cá, gây bệnh cho cá, khiến họ ngập trong nợ nần và phải làm thuê – nạo vét cát sỏi cho hắn đêm ngày. Hắn dùng mọi thủ đoạn nham hiểm, từ lợi dụng tình cảm đến bạo lực, để áp đặt quyền lực của mình lên người Mường Dồ. Gấu Ngựa còn lợi dụng danh nghĩa từ thiện, lập ra nhà tình thương để bóc lột hợp pháp những đứa trẻ khốn khó như In. Hắn vừa đánh đập, trách phạt vừa buộc chặt In bằng những món nợ ân tình rẻ mạt, thực chất là cho vay nặng lãi. Để trả nợ, hắn buộc In phải vào rừng thám thính nơi có thú quý hiếm và vàng. Tương ứng với cái tên và tính cách, Gấu Ngựa được mô tả với bề ngoài của “ác thú”: đôi mắt to, trắng dã, đôi môi dày thâm xịt, hàm răng trắng nhởn dài như răng ngựa…

   Không gian nông thôn và vùng rừng núi hoang dã suy tàn dưới ảnh hưởng của một số mặt trái của văn hóa kỹ trị từ đô thị cũng được mô tả trong sự tương ứng với sự sa đọa của những người đàn ông địa phương. Trong Lễ hội mặt trời, văn hóa của người da trắng đã làm biến dạng vùng đất quê hương của người da đỏ. Sự đối xử với thiên nhiên theo cách thức khai thác, bóc lột tàn nhẫn, thô bạo đã hủy hoại vùng đất hoang dã và gây nên những hậu quả khôn lường, trong đó có những cơn hạn hán kéo dài nhiều năm. Thiếu thốn, đói khát đã làm thú rừng phải liều mạng tấn công cả bầy gia súc của người da đỏ và họ phải bán hết gia súc vì cỏ cũng hết sạch. Không gian khô cằn, chỉ có những ngọn gió bụi bặm không ngừng và bầu trời không mây, “những con ngựa xương xẩu đang nhá trụ cây dọc theo hai bên đường”4. Trong tiểu thuyết Lễ hội mặt trời, nhà văn L. Silko mô tả không gian của Tayo thời kỳ khủng hoảng khi trở lại quê hương: đó là nhà thương điên và không gian quán rượu tăm tối, bẩn thỉu. Sự hoang hóa của đất đai cũng song hành và được phản ánh trong sự hoang hóa trong tâm hồn những người đàn ông bản xứ. Cùng là những thanh niên da đỏ lớn lên ở khu dành riêng nghèo đói, khô hạn, Tayo và Emo cùng người anh họ Rocky không có nhiều lựa chọn, họ đã gia nhập quân đội Mĩ và tham gia chiến tranh. Rocky bỏ mạng ở khu vực rừng già Philippine. Tayo phát bệnh tâm thần do ám ảnh sự tàn nhẫn của chiến tranh và ân hận về cái chết của Rocky cũng như không tìm thấy chỗ đứng của mình trong cộng đồng sau khi trở về: anh đã tự ám thị mình thành người vô hình. Riêng Emo, nhiễm sự bạo lực của chiến tranh, lại trở thành một kẻ bất lương, nghiện rượu, săn trộm gia súc và ham gây gổ đến mức giết người. Sự hiếu sát ấy còn có nguyên nhân từ hoàn cảnh cuộc đời cằn cỗi, nghèo khó, bị cô lập của đứa trẻ da đỏ lớn lên ở khu dành riêng, sau đó là sự thất vọng trước thực tại. Những người da đỏ đầy mặc cảm dần đánh mất niềm tin vào những giá trị quý báu của chính xã hội và nhân sinh quan trong cộng đồng họ. Trước đây, người da đỏ sống hài hòa với thiên nhiên và cộng đồng nhưng sau khi nền văn minh kỹ trị xuất hiện, họ bị đẩy vào tình trạng vong thân.

   Trong Đứa con trai, Mường Dồ - quê nội của In đã bị tàn phá nghiêm trọng: dịch chuột đến khiến mất mùa, dân đói và đổ nợ. In bé nhỏ bước chân ra đi để tìm nguồn sống cho mẹ, tìm miếng ăn cho mình nhưng không gian quanh em chỉ là sự im ắng, thảm đạm, mênh mông đến ghê sợ. Rừng bị vắt kiệt: gỗ quý bị đốn, muông thú bị săn bắn tàn sát, cây cối bị đốt để canh tác xổi. Trồng cấy càng lúc càng khó khăn khi đất đai bạc màu do rừng đã mất. Dòng sông bị cưỡng đoạt tàn nhẫn: những máy nạo vét sỏi chạy suốt ngày đêm đến mức cá cũng không còn sống được nữa. Làng cũ của mẹ In từ một mảnh đất đẹp như cổ tích với con sông trù phú, bãi sông hoa cải nở vàng, vạt rừng hiền hòa đầy trái ngọt, những mảnh vườn làng thơm nức ổi chín cũng bị biến đổi và suy tàn. Người ta đã chuyển dân lên núi để lấy đất mở rộng diện tích trồng ngô. Đại bộ phận trong số dân cũ đã vươn ra đường cái quan, xây những ngôi nhà bằng gạch hình vuông để ở và làm ăn buôn bán, cuộc sống thì đi lên nhưng môi trường sống lại bị phá vỡ.

   Đồng dạng với không gian của làng quê và rừng núi bị biến dạng, trở nên cằn cỗi như một vùng đất hoang, đó là sự biến dạng trong nhân cách và nhân diện của những người đàn ông địa phương như bố In, cậu In. Bố In ban đầu là một chàng trai trẻ đẹp ngời ngời, thông minh, dũng cảm, ôm mơ ước tốt đẹp ban đầu là học nghề thủy sản, dạy dân nuôi cá bè để đỡ phá rừng, du canh du cư nhưng thành công sớm với kỹ thuật nuôi cá lồng, tiền bạc và công danh cùng những thói hư tật xấu đi kèm, những lời ve vuốt nịnh bợ, những phen đánh bạc, theo gái làng chơi đã khiến ông trở nên tàn nhẫn với chính người thân yêu của mình. Bị một cô gái làng chơi trẻ tuổi quyến rũ, bố In đã đánh đập, bắt vợ ký vào đơn ly hôn, lừa lấy hết tài sản, bỏ rơi đứa con trai, thậm chí đem căn nhà hai mẹ con đang ở gạt nợ vì thua bạc và nợ tiền gã Gấu Ngựa. Một người đàn ông sa đọa khác của thung lũng Si Dồ, đó là cậu của In. Không chỉ được bao bọc, cưng chiều bởi cha mẹ, cậu In còn được người chị nghỉ học để nhường cho em trai xuống tỉnh học cấp III nhưng học chưa xong thì cậu In phải lòng một cô bạn cùng lớp. Cả nhà phải chiều theo, bán của cải để cho cậu In xây nhà ở phố buôn bán nhưng khi mẹ In phát bệnh vì suy sụp tinh thần, In đưa mẹ đến nhà cậu mợ cầu cứu thì bị họ đuổi đi và xúc phạm. Chính sự bạc bẽo của người em trai đã góp phần đẩy mẹ In đang bệnh tật, tuyệt vọng vì sự phản bội của người chồng đến sự điên loạn. Dường như sự thực dụng đã góp phần khiến cậu mợ In thêm tham lam và tính toán, vô ơn với chính người thân yêu nhất. Sự biểu hiện hình ảnh người đàn ông, phố thị hoàn toàn tương phản với hình ảnh thiên nhiên, nông thôn, phụ nữ và trẻ em trong cả hai tác phẩm.

   2.2. Hình ảnh thiên nhiên, nông thôn, phụ nữ và trẻ em

   Khi xây dựng hình ảnh người đàn ông trong sự tương đồng với thành phố - nền văn minh kỹ trị, Silko và Hà Thị Cẩm Anh cũng khắc họa hình ảnh nông thôn và tự nhiên trong mối tương đồng đặc biệt với phụ nữ và trẻ em. Khi đất hoang không còn nuôi nổi con người, phụ nữ và trẻ thơ chính là những nạn nhân trực tiếp và chịu thiệt thòi nhiều nhất từ thảm họa thiên nhiên.

   Trong Lễ hội mặt trời, Silko đã khắc họa cuộc sống trần trụi, tàn héo của người bản xứ nơi vùng dành riêng và trên đất lễ hội Gallup. Đó là mảnh đất trong khu dành riêng đang kiệt quệ vì hạn hán. Người da đỏ được phép cư ngụ ở phía đống rác phía đông khu đất lễ hội – nơi mùi hôi sặc sụa, những cái lều bằng rác thải, những chiếc giường bằng thùng giấy, thùng dầu, nơi trẻ con sinh ra trong âm thầm lạnh lẽo, chết vùi trong cát ướt hay ngồi vọc những cục phân đông cứng trong mùa rét chờ những bà mẹ say mềm trở về. Những người phụ nữ như mẹ của Tayo là sản phẩm của cuộc sống khốn nạn như thế. Cùng quẫn, bị cô lập, coi thường, cô đã sa vào cuộc sống sa đọa, bán thân nuôi miệng và chìm đắm trong những cơn say. Cô ra khỏi nhà vào đêm khuya, trở về khi trời sáng và thức dậy say khướt trong một cái thùng. Những đứa con lai của cô, không biết bố là ai, lớn lên trong sự kỳ thị của cả hai cộng đồng da trắng và da đỏ.

   Trong Đứa con trai, mẹ In và mẹ kế của In tiêu biểu cho những người phụ nữ héo mòn cả thể xác và tinh thần khi quê hương biến đổi trước sự xâm thực của thứ “văn hóa” thực dụng từ thành phố. Mẹ In vốn là một cô gái đẹp, yêu đời, yêu lao động, thiên nhiên và giàu tình cảm. Sau khi bị người chồng rất mực yêu thương phản bội vì cám dỗ của sắc đẹp, tệ cờ bạc và ảo ảnh quyền lực; bị đứa em trai ruột ruồng rẫy vì thói thực dụng con buôn, bà đã phát điên, không nhận ra con mình và sống dật dờ như một xác chết, hoàn toàn dựa vào đứa con bé bỏng. Ngay cả mẹ Hai, mẹ kế của In, những tưởng đã thắng khi dụ dỗ được cha In – người đàn ông đẹp trai, tài năng và có của, có quyền nổi bật nhất Mường Dồ, chị ta cũng trở thành nạn nhân của chồng mình và Ông Gấu Ngựa. Mới ngoài hai mươi tuổi nhưng chị ta đã già cỗi và teo tóp, quay quắt lại vì những lo toan nợ nần, vì cuộc mưu sinh vô vọng ở trên bờ sông. Đặc biệt, Hà Thị Cẩm Anh ba lần nhắc đến hình ảnh bầu ngực khô héo của hai người phụ nữ – mẹ In và mẹ kế In. Khi In sờ đầu ngực của người mẹ điên bệnh tật – như một cách làm nũng tuyệt vọng, một cách an ủi chính mình về sự hiện diện của người mẹ, của tình mẫu tử, của sự bao bọc trong quá khứ – thì bầu ngực ấy đã teo tóp, khô hạn. Mẹ của In cũng vẫn như một cái xác vô cảm, không có phản ứng âu yếm đáp lại của một người mẹ trước hành động đó của con. Người mẹ kế của In cũng vậy: “Đôi vú lép kẹp nhăn nhúm, lún sâu vào vòm ngực gầy gò, tiều tụy. Hai núm vú như hai quả sau sau bị thối, đen sì, lộ rõ dưới lớp áo màu xanh trứng sáo…”5. Sự khô héo của bầu ngực tượng trưng cho sự vô sinh, sự hủy diệt của nữ tính phải chăng cũng ẩn dụ cho sự hoang hóa, vô sinh của đất đai trước sự xâm nhập của một kiểu văn minh kỹ trị và tiêu dùng thiên về thực dụng, khai thác? Sự đói khát về thể chất và sự tuyệt vọng về tinh thần là hậu quả của sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự sa đọa của những người đàn ông đã hủy diệt vẻ đẹp nữ tính và khả năng sinh sản của những người phụ nữ. Sự héo tàn của người phụ nữ được đặt song hành và có mối liên hệ mật thiết, hữu cơ với sự hoang hóa của tự nhiên: “Tuy dòng sông thì vẫn còn tồn tại ở đây, nhưng thời gian đã để lại quá nhiều thương tích cho nó, nên nó đã trở nên tàn tạ, hoang phế vì sự dã man của con người rồi mế ơi”; “Rừng không còn! Rừng là mẹ của những dòng sông. Có rừng, sông như được mẹ chở che nâng đỡ. Mẹ cho đủ nước để sông mãi êm đềm trôi. Hết rừng, sông trở nên côi cút và đơn độc rồi cạn kiệt và chết dần, chết mòn”6.

   Đồng dạng với đất hoang và với những người mẹ khủng hoảng, những đứa trẻ con là những nạn nhân nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng sinh thái. Hà Thị Cẩm Anh đã dùng lối so sánh mang màu sắc văn hóa dân gian để đồng nhất những đứa trẻ với thiên nhiên: “Thằng In run lẩy bẩy như con sáo non bị mất mẹ”7; “Cậu bé hộc lên một tiếng đau đớn, nhức buốt như tiếng kêu rên của một con thú bị thương”8; “Bị rơi vào tay gã Ông Gấu Ngựa, thằng In giống như con ruồi bị vướng vào tơ nhện”9. Cũng vậy, bà đã so sánh người mẹ đau ốm tuyệt vọng của In như là một cái cây yếu ớt: “Bà xanh như lá, bấy bớt như một cái cây nẩy mầm trong xó tối”10; “Nỗi đau trong lòng mế có khác gì một con suối lớn ở giữa khu rừng rộng đã bị tàn phá tan hoang. Đất đai kiệt quệ, chỉ còn trơ lại lớp đá ong. Mỗi khi có một cơn lũ tràn về, có mưa rừng đổ xuống thì con suối đó vật vã, vật vã cho đến sức tàn lực kiệt. Nhưng đến lúc cơn mưa đã đi qua thì chỉ thoi thóp chảy”11. Cách so sánh này thể hiện bản sắc văn hóa của người Mường trong cách ứng xử với thiên nhiên: coi mình ngang hàng, đồng nhất với thiên nhiên. Bi kịch của thiên nhiên cũng là bi kịch của con người, nhất là phụ nữ và trẻ em.

   Tuy nhiên, bên cạnh đó, nông thôn, thiên nhiên và người phụ nữ, trẻ em trong Lễ hội mặt trờiĐứa con trai được mô tả đẹp đẽ, đầy sức sống và có khả năng chữa lành/ được chữa lành. Đây là không gian thiên nhiên hiếm hoi còn sót lại trong khu dành riêng cho người da đỏ: “Thung lũng là con Tuy nhiên, bên cạnh đó, nông thôn, thiên nhiên và người phụ nữ, trẻ em trđường mà anh còn nhớ; những cây cỏ mật dại khiến cho không khí có mùi nặng và ngọt như mật ong, và lũ ong vo ve bên cạnh các hoa xương rồng. Lá cây bông vải dưới thung lững bắt ánh nắng mặt trời xế trưa, hàng trăm tấm kính lấp lánh. Anh nheo mắt lại và nhìn về phía bóng mát dưới chân đồi, nơi có những bụi cỏ xanh và đám cúc vàng đang nở hoa. Người ta nói ngay cả mùa khô hạn nhất cũng không ai nhớ là có khi nào con suối hoàn toàn khô kiệt”12. Trong Đứa con trai, khu rừng nguyên sinh Pù Có – nơi hiếm hoi chưa bị những kẻ tham lam chạm đến – thật đẹp và hào phóng: “Nhưng khi đã chui vào đến giữa rừng thì Pù Có thật sự là khu vườn tiên của mụ Dạ Dần ở Mường Trời. Mùa xuân, hoa út lót trắng ngần, hoa ô môi đỏ thắm. Mùa hè, hoa mụt ngấn, hoa dong vo và diềng ấm lợp lèo ở mọi chỗ mọi nơi trong rừng”13. Các loài vật trong rừng có lối sống khác với con người đang suy đồi: “Ở Pù Có tất cả các loài chim đều sống rất hòa hợp với nhau. Bởi thế, cứ loài chim này hót thì lũ kia cũng cất tiếng hòa theo, làm cho cả khu rừng tràn ngập âm thanh trầm bổng và êm ái. Pù Có có rất nhiều hoa thơm, quả sung đầy mật ngọt, quả dâu da đất, quả me mí mát tê đầu lưỡi. Mùa thu và mùa đông, hạt gắm, hạt dẻ béo ngậy… Và biết bao nhiêu là quả. Vì thế mà lũ chim chóc, muông thú sinh sôi nhanh. Chúng đông đúc, nhưng biết chia đều lãnh thổ cho nhau nên cuộc sống của muôn loài đều sung túc, yên ấm”14. Vẻ đẹp như trong cổ tích của rừng đã khiến In bình tâm và ngây thơ trở lại, rừng như một người mẹ bao dung và vui tính sưởi ấm cả cái bụng và an ủi cả tâm hồn cậu bé bơ vơ tuyệt vọng.

   Đồng dạng với rừng là tâm hồn của những người phụ nữ hiền hòa, bao dung như bá chẻm Cao và mẹ In – những nguồn lực đã bảo vệ cậu bé khỏi sự tha hóa của Ông Gấu Ngựa: người mẹ dịu dàng, cam chịu, hay hát, yêu thương gia đình và thiên nhiên, bá chẻm Cao hết lòng cứu giúp người khác và rừng Pù Có hào phóng, tươi đẹp với những người bạn thú rừng hiền hòa. Chính bà đã dạy In cách nhìn cảm thông với người khác thay vì thù hận. Bá chẻm Cao thường xuyên quan tâm giúp đỡ In, lấy bánh đa, xôi cho ăn, hỏi thăm cậu bé và mẹ, khuyên không nên theo Ông Gấu Ngựa kẻo thành người xấu. Bá còn định rủ những người bạn cùng buôn thúng bán mẹt và những đứa trẻ mồ côi bá đã giúp đỡ, nay đã trưởng thành, phát đạt cùng xúm vào giúp mẹ con In ổn định cuộc sống nơi quê cũ và chữa bệnh. Bá chẻm Cao cũng là người truyền dạy lại cho In những bài học kinh nghiệm của cộng đồng về cách chung sống và bảo vệ thiên nhiên: phải tôn trọng thiên nhiên như nó vốn có. Ngoài sự chữa lành từ rừng, In còn được tiếp sức bởi lòng nhân hậu, vị tha của bá chẻm Cao như thế. In đã vớt bố và mẹ kế từ sông lên, bớt gạo nấu cơm cho họ và mời cả nhà về ở lại mảnh đất của gia đình để trồng trọt mà sống. Nhà văn gửi gắm thông điệp về giải pháp cho con người và tự nhiên nơi đây: Hãy quay trở về với ứng xử truyền thống trước đây của người Mường - thay vì cướp đoạt, bóc lột tự nhiên, hãy nương vào tự nhiên mà sống.

   Nhường nhà lại cho gia đình mới của bố, In đưa mẹ về làng cũ nhưng làng cũ cũng không còn, chỉ còn bãi sông xưa hoang vắng. Trước khi đưa mẹ về làng cũ quê ngoại, In đã tới rừng Pù Có quê ngoại và phát hiện một bí mật lớn khi giúp người bạn rùa đào đất: một kho vàng. Lúc tuyệt vọng, In đã định bán tin ấy cho gã Ông Gấu Ngựa. Nhưng vì nghĩ đến bầy voọc, đến con rùa, In dừng lại. In không thể phản bội lại khu rừng tốt lành cùng những người bạn hiền hòa. Rừng Pù Có quê hương chính là nơi In đấu tranh để gìn giữ sự thiện lương và gửi gắm hi vọng tái sinh cuộc sống tốt lành cho hai mẹ con. Người mẹ phát cơn điên nặng hơn khi trở lại chứng kiến quê ngoại yêu thương của mình cũng đã bị hoang tàn, biến đổi. Nhưng người mẹ cũng dần được chữa lành khi được trở lại rừng, được sống giữa thiên nhiên: “Mế ra hiệu cho thằng In chơi cùng bà. Hai mế con chơi tung cát và dùng những búi cỏ chơi trò ném còn. Đã lâu lắm rồi thằng In mới lại có được một bữa vui chơi như thế! Và cũng lâu lắm rồi In mới nghe tiếng cười trong trẻo và vô tư của mế như hồi nào. Rồi cũng rất bất ngờ, mế úp khuôn mặt xanh xao của mình lên lớp đất cày khóc rưng rức. Bà khóc như chưa bao giờ được khóc”15. Đặc biệt, mẹ của In như được tái sinh khi tình cờ được chứng kiến lễ đón chào một chú voọc mới sinh của bầy voọc. Bầy voọc cái ngồi vòng tròn xung quanh mẹ con chú voọc mới sinh, kiên nhẫn chờ voọc mẹ cho con bú no nê những giọt sữa đầu tiên. Sau đó, voọc mẹ hôn con và giơ con lên cao làm nghi lễ chào mặt trời, rồi bầy voọc đón lấy, chuyền tay nhau chú voọc mới sinh để làm vía cầu phúc cho chú. Nghi lễ ấy phản ánh tính cộng đồng và tinh thần trọng tự nhiên của bầy voọc. Cảnh tượng tuyệt vời ấy đã làm ba con người chấn động, trong đó cả mế In – người phụ nữ điên dại: “Mế cười. Thằng In úp mặt vào ngực mế. Nó lồng đôi tay nhỏ vào trong khóm, sờ ti mế, khi bàn tay ấm áp của con sờ vào cái núm vú hồng hồng trên bầu ngực teo tóp của mế, toàn thân bà giật nẩy lên, bà hấp tấp ôm con. Lập bập mãi mế mới thốt lên được thành lời: - Con à! Con trai à!”16. Tình mẫu tử và tình cộng đồng của bầy voọc đã đánh thức mẫu tính nguyên thủy và trách nhiệm người mẹ trong tâm hồn mẹ In – người phụ nữ tự phong bế chính mình vì bất hạnh. Mế của In có thể được chữa khỏi bằng thiên nhiên quê hương bởi bà vốn là một người yêu thiên nhiên và gắn bó với quê hương. Bà còn được cứu nhờ tình cảm gắn bó, tương trợ của cộng đồng người Mường nơi quê hương. Tinh thần cộng đồng biết tương trợ lẫn nhau, sống hài hòa, bình đẳng với thiên nhiên ấy cũng đồng dạng với tinh thần cộng đồng của các loài chim, của bầy voọc trong rừng.

   Trong khi đó, ở Lễ hội mặt trời, hình ảnh Thiên Nga Đêm và T’seh chính là hiện thân cho thiên tính nữ đẹp đẽ, cho sức mạnh cứu vớt của mẹ thiên nhiên. Người vũ nữ Thiên Nga Đêm say mê nhảy múa, say sưa với tình yêu và cười ngạo mọi định kiến xã hội ràng buộc. Tâm hồn mạnh mẽ, luôn trăn trở về sự sống đích thực ấy chỉ chịu dừng chân khi gặp Josiah. Người vũ nữ áo xanh lừng lẫy một vùng chọn một vùng đất hẻo lánh để về hưu với một nguyên nhân cũng thật kỳ lạ như bà đã bộc bạch với cậu Josiah: “Một hôm nào đó em thức dậy và đi bộ xuống phố Sicorro. Gió thổi bụi trên con đường nhỏ và em cảm thấy em là người duy nhất không còn sống ở nơi đó… Em đi xe buýt thật xa. Em trông thấy núi đồi và thích phong cảnh từ nơi đó. Cô hất đầu về hướng núi Tse’pi’na, Người Đàn bà Khoác Mây”17. Hai người phụ nữ xuất hiện trên hai chặng đường đời của Tayo đều có tác động mạnh mẽ tới con đường thụ pháp, thức tỉnh và giác ngộ của anh. Họ không chỉ đem đến cho anh tình yêu bằng cả thể xác mà cả sự cứu rỗi về tinh thần. Tình yêu của T’seh, người con gái bí ẩn trên núi T’sepina đã đưa Tayo từng bước hòa nhập trở lại với không gian mà trước đó với anh còn thù địch và xa lạ: “Anh chiêm bao thấy ái ân cùng cô nơi đó. Anh cảm thấy cát ấm trên ngón tay và đầu gối, hơi ấm của cơ thể cô cũng như cát ấm, anh không biết nơi nào thân hình chấm dứt và cát bắt đầu”18. Tình yêu của cô đã làm cho Tayo khỏi căn bệnh tâm lý: anh không còn tự ám thị mình là người vô hình nữa. Anh có thể cảm nhận trở lại vẻ đẹp của thế giới và tình yêu: “Những ngày họ bên nhau có một thứ trọng lực vượt thoát khỏi các đồng bằng và rãnh sâu, và thay thế bằng một thứ nhịp điệu đã gián đoạn từ quá lâu về trước, giờ những kỷ niệm cũ không giá trị bằng một cái se thắt của bắp thịt nơi cổ họng. Cô ở lại cùng anh, và nhịp điệu tim không vỡ ra khi thời gian lắng đọng vào bình minh, khi hoàng hôn nhường chỗ cho các vì sao, xoay vần trong đêm tối. Những vỡ tan và nghiền nát đã mất di, tình yêu dấy lên từ lồng ngực anh, và bây giờ khi anh khóc, là vì cô yêu anh nhiều quá”19. Nhân vật T’seh được xây dựng với sự điểm xuyết vài yếu tố kỳ ảo. Tên cô gần như trùng với tên núi T’se’pina (núi Người Đàn Bà Khoác Mây). Trên trang phục của cô có biểu tượng chim mưa, khăn của cô có họa tiết hình sấm chớp. Sự xuất hiện của T’seh cũng đồng thời với sự xuất hiện của tuyết và mưa, xóa đi cơn hạn hán lâu ngày. Người thợ săn khi nói chuyện với T’seh đã ngầm bảo cô xếp chiếc khăn lại kẻo tuyết sẽ quá dầy làm gẫy cây. Cô gái kỳ lạ cặm cụi ghép những đám cây cành đá sỏi – “cành cỏ màu xanh xám với viên đá xanh”, “cành cây vàng đậm lấy từ trên đồi cát” đặt cạnh ”viên đá màu hoàng thổ” – phảng phất hình bóng của một Mẹ Đất, một nữ thần của rừng núi, nữ thần mưa tái sinh, nuôi dưỡng vạn vật. Cô đã hồi sinh Tayo bằng tình yêu vô điều kiện, bằng thân thể nữ tính và bằng việc đưa Tayo trở lại gắn bó, cảm nhận thiên nhiên, đạt tới sự bình an trong tâm hồn: thế giới chỉ là một, không có biên giới không gian, sắc tộc, “không có gì mất đi cả khi tình yêu còn tồn tại”.

   Như vậy, tự nhiên, nông thôn, nữ giới và trẻ em – những đối tượng được coi là kém ưu việt, yếu thế, thụ động trong cặp nhị nguyên truyền thống văn hóa - tự nhiên, đô thị - nông thôn, nam giới - nữ giới và trẻ em, trong hai tác phẩm này, mặc dù là đối tượng bị bóc lột, lạm dụng, tha hóa, song lại đóng vai trò là nguồn hồi sinh, dung dưỡng, tha thứ và cân bằng lại sự sống nhờ tình yêu, nhờ triết lý chung sống hài hòa của mình. Trật tự nhị nguyên truyền thống đã bị chất vấn và dỡ bỏ.

   3. Kết luận

   Từ góc nhìn phê bình nữ quyền sinh thái, có thể thấy qua Lễ hội mặt trờiĐứa con trai, Silko và Hà Thị Cẩm Anh đã đối thoại với kiểu tư duy nhị nguyên về không gian và con người do chủ nghĩa gia trưởng và nhân trung luận kiến tạo: văn hóa - tự nhiên, đô thị - nông thôn/ miền núi và nam giới - phụ nữ (trong đó văn hóa, đô thị, nam giới là ưu trội). Trong hai tác phẩm, Tayo và In là hình ảnh hai người đàn ông/ đứa trẻ lạc lối đang tìm đường. Hành trình đi tìm đàn bò của Tayo và In thực chất chỉ là kiếm tìm chứ không phải chinh phục. Kết cục lạc quan của họ biểu thị cho triết lý của hai nữ nhà văn dân tộc thiểu số về con đường chung sống dung hợp, hài hòa với tự nhiên. Do đó, cuộc phiêu lưu của Tayo và In là cuộc hành trình trở về với nguyên lý nữ tính tiềm tàng trong văn hóa bản địa – con đường tái lập sự cân bằng và tìm kiếm hạnh phúc cho con người.

 

 

 

Chú thích:
1 Xem: Greta Claire Gaard, Patrick D. Murphy (1998), Ecofeminist Literary Criticism: Theory, Interpretation, Pedagogy, University of Illinois Press; Karen Warren Chủ biên (1997), Ecofeminism: Women, Culture, Nature, Indiana University Press; và Karen Warren Chủ biên (2000), Ecofeminist Philosophy: A Western Perspective on What It Is and Why It Matters, Rowman & Littlefield.
2, 3, 4, 12, 17, 18, 19 Leslie Marmon Silko (2002), Lễ hội mặt trời (dịch giả Linh Thụy), NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 142, 165, 48, 71, 118, 263, 268.
5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 13, 14, 15, 16 Hà Thị Cẩm Anh (2008), “Đứa con trai”, in trong Mưa bụi, NXB Văn hoá dân tộc, tr. 114, 168-169, 100, 108, 182, 139, 165, 177, 184, 162, 198.

Bình luận

    Chưa có bình luận