DƯƠNG KHÂU LUÔNG - NGƯỜI DỆT THỔ CẨM BẰNG NGÔN TỪ

Dương Khâu Luông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ hiện đại các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn. Chắt chiu vốn kiến thức của dân gian dân tộc Tày, Dương Khâu Luông cần mẫn, miệt mài dệt nên những tấm thổ cẩm bằng ngôn từ. Những trang thơ của anh giản dị, gần gũi nhưng mỗi câu chữ đều in đậm dấu ấn bản sắc của núi rừng Việt Bắc.

   Trong những năm gần đây, văn học dân tộc thiểu số ngày càng nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu. Tác phẩm của các tác giả người dân tộc thiểu số đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và khẳng định vị trí, vai trò của mình trong dòng chảy của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Các sáng tác văn học dân tộc thiểu số nhìn chung đều mang vẻ đẹp giản dị, mộc mạc khi viết về thiên nhiên, cuộc sống và con người miền núi một cách độc đáo, khó trộn lẫn.

   Trong thế hệ các nhà thơ dân tộc Tày, Dương Khâu Luông thuộc thế hệ thứ ba kế tiếp truyền thống của các cây bút đàn anh đi trước như: Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Triều Ân, Ma Trường Nguyên, Y Phương, Dương Thuấn… Ngay từ nhỏ, dấu ấn văn hoá bản địa đã thấm đẫm trong tâm thức Dương Khâu Luông, để rồi sau này khi cầm bút, từng nhành cây, ngọn cỏ, từng mái nhà thân thương với những thanh âm của cuộc sống diễn ra thường nhật đã trở thành mạch nguồn cảm xúc nuôi dưỡng hồn thơ anh. Chính điều đó đã làm cho thơ Dương Khâu Luông dễ nhớ, dễ cảm và nhanh chóng xích lại gần với trái tim độc giả yêu thơ.

   1. Ngôn từ mang bản sắc văn hóa Tày 

   Với Dương Khâu Luông, sáng tác trước hết là để chia sẻ tâm tư, tình cảm với mọi người, sau là để góp phần lưu giữ bản sắc văn hoá Tày. Đọc thơ anh, người đọc dễ nhận thấy dấu ấn địa văn hoá thấm đẫm trong từng trang viết, khởi thức trong lòng tác giả niềm tự hào về quê hương:

   “Quê tôi thật bình dị
   Nhà sàn ở bên non
   Ai lên chơi cũng quý
   Tình trong như suối nguồn
   Quê tôi thật bình dị
   Như tiếng lượn, câu then
   Ngàn đời nay vẫn hát
   Ngân tiếng lòng yêu thương…”.
                                         (Quê tôi)

   Dương Khâu Luông sinh ra và lớn lên ở bản Hon, một bản miền núi có nhiều cảnh đẹp tự nhiên và nên thơ của mảnh đất Bắc Kạn. Không chỉ là nơi những con sông, con suối nước trong xanh như ngọc, núi rừng trùng điệp, thơ mộng mà bản Hon còn là một vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Chính vùng đất bản Hon đã tưới mát cho tâm hồn nhà thơ từ những tháng ngày thơ ấu. Và sau này bản Hon cũng là vùng đất được trở đi trở lại rất nhiều trong thơ Dương Khâu Luông:

   “Ngày ông nội dựng nhà sàn
   chọn hướng nhà có núi Ngọn Bút
   ước con cháu chăm ngoan học giỏi
   bản Hon có đàn chim bay xa
   …
   nhưng dù ở nơi nào các con nhớ đừng quên
   bản Hon có nhà sàn ông nội
   có núi Ngọn Bút, có câu then câu cọi
   có tiếng Tày là nguồn cội quê hương…”.
                                                  (Nhà sàn bản Hon)

   Là người con của dân tộc Tày, lớn lên trong “ngôi nhà sàn bốn mái ở đầu bản Hon”, Dương Khâu Luông luôn trân quý nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng mình. Một trong những nét độc đáo của người dân tộc Tày là những ngôi nhà sàn được dựng lên bằng chất liệu gỗ, tre, nứa, lá cọ…; những cây gỗ nghiến chắc, khoẻ được chọn làm cột, khung nhà và cầu thang; mái nhà lợp bằng lá cọ hoặc cỏ tranh, được kết nối với nhau bằng những sợi lạt mềm dẻo từ cây giang, cây nứa. Tuỳ theo mỗi gia đình, ngôi nhà sàn có thể có ít hay nhiều gian để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Không gian nhà sàn được thiết kế hợp lý và có một điểm chung là bếp lửa chính thường được đặt ở giữa nhà. Đây chính là không gian sinh hoạt chung của cả gia đình và là nơi lưu giữ truyền thống của các thế hệ. Bao xung quanh nhà sàn là những dãy hàng rào được xếp bằng đá: “Người ở bản/ Lấy đá làm nhà/ Lấy đá quây bờ rào/ Lấy đá kê đất trồng rau/ Lấy đá làm cầu qua sông, qua suối/ Đục đá mở đường lên núi” (Người ở bản). Trong tâm niệm của người dân miền núi, đá tượng trưng cho sự vững bền, được dùng để phục vụ các mục đích lâu dài trong cuộc sống sinh hoạt. Giữa những cánh rừng xanh ngắt, những thửa ruộng bậc thang vàng óng là những ngôi nhà sàn với tường rào bằng đá màu xám rêu phong… tạo nên một bức tranh phong cảnh đẹp và nên thơ nơi miền sơn cước.

   Cảm hứng bất tận về thiên nhiên, về cuộc sống và con người, về những giá trị văn hoá trường tồn của dân tộc Tày đã trở thành nguồn thơ phong phú và đa dạng trên con đường sáng tạo nghệ thuật bền bỉ của Dương Khâu Luông:

   “Ngôi nhà sàn bình dị, thân thương
   Lặng lẽ nét xưa của người Tày vốn có
   Khách đến từ đâu cũng đều là khách quý
   Từng bậc cầu thang ấm áp nghĩa tình…”.
                                           (Nhà sàn bản Tày)

   Có thể thấy trong rất nhiều tập thơ đã trình làng của Dương Khâu Luông, cảm hứng về một cái tôi luôn trân trọng, gìn giữ những nét đẹp văn hoá của dân tộc trước cuộc sống hội nhập, bộn bề, phức tạp. Tập thơ Gió thơm miền thổ cẩm vừa mới xuất hiện, thêm một lần nữa khẳng định những nét chấm phá sáng tạo mới mẻ nhưng không quên lưu lại quá khứ truyền thống dân tộc để dệt nên tấm vải thổ cẩm bằng thơ của anh.

   Với lối cảm nhận tinh tế của một tâm hồn đa cảm, Dương Khâu Luông khát khao được làm sống dậy không phải chỉ là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp bằng ký ức trong trẻo về thời thơ ấu của những ngày lạc trâu thuở bé nơi núi rừng… mà hơn thế nữa còn lưu giữ những phong tục tập quán của quê hương, làng bản in đậm dấu ấn văn hoá của người con dân tộc Tày: “Bài thơ này người biết tiếng Tày mới đọc được thôi/ Bạn là người Tày hãy vào đây đọc nhé/ Tiếng cha ông đã truyền bao thế hệ/ Và bây giờ chảy trong bạn và tôi…” (Bài thơ tiếng Tày). Với nhà thơ, sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ chính là tìm về với nguồn cội, là ý thức được bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền tiếng nói dân tộc mình trong cuộc sống đang từng ngày hội nhập và phát triển: “Là người Tày không biết tiếng Tày/ Như cái cây không biết đâu là gốc” (Là người Tày không biết tiếng Tày).

   Những hình ảnh “đụn khói, đống rơm, gốc rạ” không xa lạ với mỗi người dân Việt Nam nhưng khi được thể hiện qua những câu thơ bằng tiếng Tày của Dương Khâu Luông – “cuổn vằn, coong nhù, cốc phàng” (Tổng nà) – thì lại thể hiện rõ tính hướng ngoại, muốn được lan toả văn hoá của dân tộc mình đến khắp muôn nơi. Dương Khâu Luông đã đan dệt nên bức tranh quê hương, gửi gắm trong mỗi hoa văn cả tình yêu, niềm tự hào và giá trị truyền thống của dân tộc.

   Dương Khâu Luông muốn mang vào trong thơ của mình cả một thế giới nội tâm dạt dào cảm xúc, cảnh và tình, chủ thể và khách thể trữ tình luôn hoà quyện, dồn nén trong từng câu chữ: “Bài thơ viết về mùa thu năm ngoái/ còn chưa ráo mực/ hôm nay đã lại mùa thu/ Mùa thu đến nhớ ngày nào/ theo mẹ lên rừng hái sa nhân, hái trám…/ bao giờ trở lại ngày xưa?” (Bài thơ mùa thu). Tình yêu quê hương, trách nhiệm đối với quê hương thấm đượm trong thơ anh và được tái hiện bằng sự khắc khoải khôn nguôi: “bao giờ trở lại ngày xưa?”.

   Dương Khâu Luông neo đậu quá khứ quê hương trong những hình hài cụ thể. Ngôn từ trong thơ anh có một sức sống riêng, một bản sắc riêng khó trộn lẫn. Đó là những cung bậc cảm xúc được dồn nén, day dứt khôn nguôi, nó thôi thúc anh phải cất lên những lời giãi bày tận nơi đáy sâu tâm hồn, bởi anh lo sợ “Người vô tình đi qua không biết”:

   “Quá khứ như con ngựa già
   Chân không còn bước nữa
   Quá khứ như dòng sông
   Chảy mãi ngược về xa
   Quá khứ như đêm sâu
   Người vô tình đi qua không biết
   Người kiếm tìm thắp lên ngọn đuốc
   Quá khứ hiện ra sáng những con đường”.
                                                       (Quá khứ)

   Để rồi, “Người kiếm tìm thắp lên ngọn đuốc” đã trở thành một chiêm nghiệm, một lời tổng kết thấm thía: “Quá khứ hiện ra sáng những con đường”.

   2. Ngôn từ giản dị, đời thường

   Bằng những lời thơ chân thật, giản dị như những câu trò chuyện đời thường nhưng thơ Dương Khâu Luông lại “găm” vào lòng người đọc nỗi nghẹn ngào, sâu lắng và niềm xúc động khôn nguôi. Gắn bó với cội nguồn, với truyền thống dân tộc, Dương Khâu Luông đã đưa người đọc đến với những cảm nhận tinh tế trong đời sống tinh thần vốn mộc mạc, hồn hậu của con người miền núi. Mỗi bài thơ, mỗi ý thơ lại là một khám phá mới mẻ của anh về cuộc sống, về con người:

   “Giữa phố đông gặp em gái mặc áo chàm
   Lòng bỗng thấy thân thương
   Nơi đất lạ nghe tiếng then đàn tính
   Lòng bỗng thấy ấm áp
   Ở xứ người gặp người nói tiếng Tày
   Bỗng thấy thân thiết như người nhà
   Người Tày ơi!
   Bản Tày ơi!
   Nhớ thương nhau như máu chảy trong tim”.
                                   (Nhớ người Tày, nhớ bản Tày)

   Dù đi đâu, ở đâu, những người con của dân tộc Tày vẫn nhận ra nhau qua những tín hiệu rất đặc trưng. Đó là màu áo chàm giản dị, là “tiếng then đàn tính”, là khi nghe “người nói tiếng Tày”… cứ thế bao nhiêu dấu yêu thân thương trào dâng để ngân rung những tiếng gọi tha thiết “Người Tày ơi!”, “Bản Tày ơi!”. Sau những dòng cảm thán đầy xúc động, giọng thơ trầm xuống: “Nhớ thương nhau như máu chảy trong tim”. Thủ pháp so sánh như một kỹ thuật ngôn từ được sử dụng trong ngữ cảnh này thật đắc địa: tình thương yêu, tính cộng đồng luôn là mạch nguồn chảy mãi trong trái tim những người con bản Tày.

   Hình ảnh những cô gái Tày với bộ áo chàm duyên dáng đã trở thành một nét đẹp gợi nhớ, gợi thương của đồng bào Tày. Trang phục của người Tày chỉ đơn giản một màu chàm nhưng nét đặc sắc mang đậm sắc thái dân tộc thể hiện ở mẫu hoa văn trên thổ cẩm của họ. Thổ cẩm là một trong những nét đẹp văn hóa của người Tày, đồng hành cùng người Tày theo suốt những năm tháng cuộc đời. Cũng từ bản nhỏ của mảnh đất quê hương, những cô gái Tày đã mang vẻ đẹp của mình đến muôn phương, tạo nên một dấu ấn rất riêng cho nét văn hóa của dân tộc mình:

   “Ở trong các hội nghị diễn đàn
   Em là người tôi dễ nhận ra nhất
   Em chẳng diện mốt thời trang kiểu này, kiểu khác
   Chỉ với bộ khăn áo Tày e ấp nét duyên
   Vẻ đẹp của em đâu dễ gọi tên
   Vẻ đẹp này chỉ riêng mình em có
   Ơi cô gái Tày đi ra từ bản nhỏ
   Mang nét đẹp quê mình đến với muôn phương”.
                                                   (Vẻ đẹp cô gái Tày

   Trước vẻ đẹp say mê lòng người đến vậy, nhà thơ như một người chủ hiếu khách mời du khách về thưởng ngoạn vẻ đẹp ở nơi đây. Màu xanh ngọc bích của nước hồ Ba Bể yên ả in đậm trên nền trời xanh thẳm và bóng núi sừng sững xanh ngút ngàn sẽ là nguồn cảm hứng bất tận cho những tâm hồn thi sĩ. Đến với Bắc Kạn là đến với những bản làng mờ trong sương, những nếp nhà sàn bên sườn núi và bếp lửa chập chờn trong những đêm khuya: “Bạn ơi đến quê tôi/ Một lần thôi sẽ nhớ/ Em gái mặc áo chàm/ Dịu dàng xinh đến thế” (Quê tôi). Những bản làng Tày đầm ấm, những ngôi nhà sàn quây quần là hình ảnh gắn bó, chứa đựng biết bao ký ức tuổi thơ của nhà thơ. Nơi ấy chất chứa tình yêu thương của mẹ, sự vất vả lao động của cha. Cho dù có đi bốn phương trời, nhà thơ cũng không nguôi nỗi nhớ thương về nơi bản nhỏ ấy:

   “Bản Hon tôi bạn đã đến chưa?
   Căn nhà sàn bốn mái ở đầu bản chính là nhà tôi đó
   Nơi gắn bó với tôi từ nhỏ
   Nơi đi xa bốn phương trời không nguôi nỗi nhớ thương…”.
                                                                             (Bản Hon tôi)

   Bản làng nhỏ bé với những mái nhà sàn và những con người mến khách, nghĩa tình luôn mong chờ những người khách đến. Những lời mời gọi giản dị, chân thành khiến cho những ai chưa một lần đến bản làng Việt Bắc đều mong muốn được đặt chân đến nơi đây dù chỉ một lần.

   Có thể nói với ngôn ngữ giản dị, đời thường cùng với lối diễn đạt chất phác, tự nhiên, thơ Dương Khâu Luông đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên và con người miền núi tuyệt đẹp. Thiên nhiên đẹp bởi vẻ đẹp của cây cỏ núi rừng còn những con người miền núi đẹp bởi sự chân chất, thật thà, hiền hậu. Tất cả tạo nên một dấu ấn riêng thuần phác của mảnh đất và con người nơi đây.

   3. Kết luận

   Dương Khâu Luông đã trải qua một hành trình nghệ thuật với rất nhiều khổ công, rèn luyện và sáng tạo. Từ những câu thơ đầu tay in trên Báo Văn nghệ Bắc Kạn cho đến những tập thơ đoạt giải thưởng trong những năm gần đây, người đọc vẫn nhận ra những rung động tha thiết, những điệp khúc ngân vang trong hành trình sáng tạo nghệ thuật bền bỉ của nhà thơ. Vốn kiến thức dân gian dân tộc Tày đã giúp anh thành công khi mở ra cho người đọc một cách nhìn, cách cảm về con người và cuộc sống miền núi bằng một thứ ngôn ngữ rất lạ, rất riêng: “Những lá già thì khô héo quăn queo/ những lá trổ lâu đa phần là rách/ chỉ đẹp mịn màng những lá non tơ/ Vẫn biết cảm thông/ do nhiều sương gió/ nên những lá kia thật khó giữ lành/ Chỉ mong cho ta dẫu nhiều dâu bể/ vẫn vẹn nguyên như lá non xanh” (Ngắm lá chuối).

   Nhà thơ Dương Khâu Luông - người dệt thổ cẩm bằng ngôn từ đã tạo nên những hương ngọt, trái thơm của “sa nhân, thảo quả” trong vườn thơ dân tộc đa sắc màu đã, đang và sẽ đọng lại mãi trong trái tim bạn đọc gần xa:

   “Một lần thôi mong anh hãy đến
   Xem nhuộm chàm, dệt vải, trồng bông…
   Sắc chàm đan hoa văn đẹp quá
   Thổ cẩm quê mình thêm quý thêm yêu…”.
                                        (Sắc chàm quê em)

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Dương Khâu Luông (2023), Gió thơm miền thổ cẩm, NXB Văn hoá dân tộc.

Bình luận

    Chưa có bình luận