1. Nhà văn Vi Hồng và quan niệm về cái đẹp
Bản chất của nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng là hành trình tìm kiếm cái đẹp, ở những sắc độ riêng của nó. Bởi “thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thuỷ chung” (Nguyễn Khải). “Cái đẹp là một phạm trù thẩm mĩ dùng để chỉ một phẩm chất thẩm mĩ của sự vật khi nó phù hợp với quan niệm của con người về sự hoàn thiện và tính lí tưởng, có khả năng gợi lên ở con người một thái độ thẩm mĩ tích cực do sự tác động qua lại giữa đối tượng và chủ thể”1. Như vậy, giá trị thẩm mĩ của cái đẹp không chỉ phụ thuộc sự tồn tại khách quan của cái đẹp mà còn bị chi phối bởi sự phong phú chủ quan trong thế giới tinh thần, tình cảm của con người.
Là một nhà văn tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày Nùng, nhà văn Vi Hồng đã đến với văn chương bằng những ngã rẽ đặc biệt, đầy tủi cực và cay đắng. Như loài ngọc trai phải “rất đau khổ và nặng nhọc đèo bòng” hạt cát, “lấy máu lấy rãi mình ra mà bao phủ hạt đau, hạt xót”, biến hạt bụi biển ấy thành “hạt ngọc tròn trặn ánh ngời” (trong Tờ hoa của Nguyễn Tuân), Vi Hồng đã viết văn bằng máu và nước mắt của mình, để mang lại cho đời những trang viết đẹp. Ông không chỉ là người làm sống dậy hồn cốt văn hóa dân gian trong tiểu thuyết mà còn là sứ giả của đồng bào dân tộc thiểu số. Quan niệm về cái đẹp của ông giản dị mà đầy nhân văn: “Hãy yêu thương và biết yêu thương những cái đẹp, nhất là những con người đẹp, cao cả, đồng thời đem hết sức mình ra trừ diệt cái ác, kẻ ác. Tôi cho rằng đây là sứ mệnh cao cả và muôn đời của mọi nhà văn trên thế giới” (Vi Hồng). Suốt cuộc đời và sự nghiệp văn chương, Vi Hồng đã theo đuổi và thực hiện đúng quan niệm đó. 16 tiểu thuyết, 14 tập truyện ngắn và truyện dài, 4 tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu… đều là những trang viết tài hoa, tâm huyết về con người, thiên nhiên, văn hoá vùng Việt Bắc, với mục đích lưu giữ cái đẹp trong tâm hồn con người, đẩy lùi cái xấu, cái ác, tôn vinh, ngợi ca cái đẹp, cái thiện.
Là một nhà văn, Vi Hồng rất yêu cái đẹp. Trong quan niệm của ông, hầu như không có cái đẹp tương đối mà chỉ có cái đẹp tuyệt đối. Cái đẹp trong văn chương của Vi Hồng là nguồn ánh sáng rực rỡ, chiếu rọi nhân gian. Quan niệm ấy chi phối nghệ thuật xây dựng cốt truyện và nghệ thuật xây dựng nhân vật của ông. Vi Hồng đã dân gian hoá tiểu thuyết với mạch truyện và tuyến nhân vật như cổ tích. Dù còn hạn chế trong quan niệm nghệ thuật về con người, nhưng sự trăn trở của người nghệ sĩ, tình yêu tha thiết cái đẹp và ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong văn chương Vi Hồng thực sự đáng trân quý.
2. Biểu hiện của phạm trù cái đẹp trong tiểu thuyết Đọa đầy
2.1. Cái đẹp của thiên nhiên
Đọa đầy là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của nhà văn Vi Hồng, gồm 27 chương, kể về cuộc đấu tranh gay gắt, dữ dội giữa cái thiện và cái ác ở mường Nặm Khao. “Nhà văn đã phơi bày tận cùng cái ác, cái xấu trong xã hội thực dân, phong kiến ở vùng miền núi phía Bắc những năm trước Cách mạng Tháng Tám, đó là thế lực cường quyền và thần quyền vừa ngu dốt vừa độc ác”2. Ca ngợi cái đẹp, cái thiện, nhà văn Vi Hồng đã khẳng định triết lý nhân sinh cao cả: Cái thiện tất yếu sẽ chiến thắng cái ác.
Là người con của rừng núi Cao Bằng, Vi Hồng đã dành cho thiên nhiên, đất trời tình yêu đặc biệt. Bầu trời, ngọn núi, con suối, nhành cây… đều được ông nâng niu bằng chính tình yêu say đắm của mình. Vi Hồng từng khẳng định: “Người Tày - Nùng sống trên địa bàn miền núi Việt Bắc đã lâu đời và gắn bó mật thiết với thiên nhiên của miền núi. Thiên nhiên đã nuôi sống họ tự ngàn xưa, thiên nhiên đã ưu đãi về vật chất cũng như tinh thần. Họ sống giữa đại ngàn bốn mùa màu xanh đậm của lá và bốn mùa nhiều màu sắc của hoa. Thiên nhiên ấy gõ mãi vào cánh cửa tâm hồn vốn rất mảnh của họ và ngân nga thành tiếng thơ tiếng ca”3. Trong sáng tác của ông, người đọc có thể nhận thấy rõ mối quan hệ khăng khít giữa thiên nhiên và con người: thiên nhiên mang đậm bản sắc vùng miền, vẻ đẹp của con người được miêu tả đối sánh với vẻ đẹp của thiên nhiên. Trả lời phỏng vấn của những người viết văn trẻ, Vi Hồng nói: “Tôi đã đi thực tế từ khi tôi chập chững biết đi… Tôi đi thực tế bằng những giấc mơ. Tôi có nhiều giấc mơ thật đẹp về quê hương, làng bản của tôi”4. Đó là giấc mơ về bản Nặm Khao gợi nhớ với “trời trong xanh, nước trong xanh, mái rừng xanh xanh” (Đọa đầy), là con sông Bằng “vách đá trắng xen lẫn những mảnh thần sa đỏ ối đổ xuống lòng sông, dập dờn đưa như thần sông đang đu võng đào, có những đoạn bờ cây cối xanh rờn um tùm tỏa bóng ôm lấy lòng sông, đó là chiếc ô xanh của trăm loài cá…” (Đất bằng), là hình ảnh con thác Chín Thoong vừa êm ái, vừa dữ dội mà người miền núi luôn giữ ở trong tim, là cái nắng “mềm mại như một tấm lụa vàng khổng lồ trải bập bềnh xuống tận đáy các thung lũng và ngược các sườn non” (Lòng dạ đàn bà)…
Trong tiểu thuyết Đọa đầy, Nặm Khao hiện lên với vẻ đẹp đầy sức sống: “Những đàn bướm bay ngợp hai bờ sông Nặm Khao và bắc cầu màu sắc giữa hai bờ sông, giữa các thung lũng”5, với “cái vị trứng kiến vừa thơm một mùi thơm đặc biệt, ngọt một vị lạ lùng và đê mê, lại có cả vị bùi rất lạ… Năm mùi bảy vị thơm bùi ngọt lành rất lạ, rất hiếm ấy thấm vào đầu lưỡi, thấm vào máu làm người ăn thấy sảng khoái đến đê mê chẳng khác gì cái vị ngọt ngào lạ lẫm của tình yêu đối với tuổi trẻ lần đầu được nếm trải”6. Thiên nhiên Nặm Khao không chỉ là biểu tượng cho cái đẹp mà còn là biểu tượng của sự vĩnh hằng, trường tồn, bất biến của tự nhiên trước sự hữu hạn, biến chuyển của lòng người: “Núi non của mường sông Nặm Khao vẫn xối xả, ào ạt chảy xuống. Những con nước gặp vô vàn những cục đá, những tảng đá giữa dòng dềnh lên thành hằng hà sa số những con sóng bạc đầu giữa thác làm cho con sông trắng xoá, mới có tên là Nặm Khao. Nặm Khao vẫn trắng xoá. Con người thay đổi, thiên biến vạn hoá, nhiều khi biến đổi nhanh như cái chớp mắt nhưng trời đất thì bền vững đến vô cùng”7.
Thiên nhiên Nặm Khao gắn liền với nỗ lực, ý chí vươn lên chiến thắng hoàn cảnh của con người. Ki Nọi và Bội Hoan dám vào rừng sâu, nơi có “những thung lũng sâu hun hút và đầy ắp sương trắng”, “sương đại ngàn rơi rào rào như cơn mưa, với những hạt mưa to bằng quả đào quả lê, rơi lộp độp, ào ào như những cơn mưa thần thoại thuở trời đất mới khai sinh”8, dùng hai bàn tay trắng biến mảnh đất dữ giữa đại ngàn thành một vùng “núi cỏ mênh mang xanh rờn các sườn núi kéo dài tít tắp tận chân mây”9.
Đất trời Nặm Khao với thiên nhiên, văn hoá phong tục đã ngấm sâu trong từng mảnh hồn… là biểu hiện cho quan niệm về cái đẹp của Vi Hồng, cái đẹp ấy cần được bảo vệ, nâng niu, giữ gìn, phát triển.
2.2. Cái đẹp của con người
Trong tiểu thuyết Vi Hồng nói chung và tiểu thuyết Đọa đầy nói riêng, nhân vật chính đều là những con người miền núi mộc mạc, chất phác, tâm hồn trong sáng, luôn khát khao hạnh phúc và ngập tràn yêu thương. Xuất hiện trong Đọa đầy là hai tuyến nhân vật thiện - ác đối lập rõ ràng. Bởi quan niệm về cái đẹp một cách tuyệt đối, nên cái đẹp trong tiểu thuyết Vi Hồng luôn đi liền với cái thiện. Nhân vật chính diện trong sáng tác của Vi Hồng được nhà văn miêu tả bằng một vẻ đẹp toàn diện về cả hình thức và tâm hồn - vẻ đẹp tuyệt đối và lý tưởng. Họ là những “trai trẻ, gái tơ” xinh đẹp, thông minh, thủy chung, nhân hậu. Xuyên suốt Tháng năm biết nói là hình ảnh nhân vật Hoàng: tốt bụng, đẹp trai, tài giỏi. Tàm, Slao, Đán, Cốc (Núi cỏ yêu thương) là những thanh niên nhiệt huyết, mạnh mẽ, quyết đoán. Họ sống với nhau cởi mở và giàu tình yêu thương. Ki Nọi, Bội Hoan trong Đọa đầy đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách của thời gian, không gian để xây dựng hạnh phúc. Còn Lăng Thị Thu Lả trong Lòng dạ đàn bà giống như một nàng tiên nhân hậu, chăm sóc mọi người không một chút so đo... Miêu tả vẻ đẹp hoàn thiện của nhân vật, Vi Hồng gửi gắm ở đó tình yêu con người tha thiết và ước mơ về cái đẹp tuyệt đối. Bởi vậy giọng văn của ông đầy yêu thương, tin tưởng.
Ki Nọi, Bội Hoan, Quỳnh The, Ki Eng, Thu Ly… trong Đọa đầy đều được nhà văn miêu tả rất đẹp. Vẻ đẹp của họ thường được ví với vẻ đẹp của thiên nhiên. Đó là vẻ đẹp cương nghị của Ki Nọi: “Anh đưa ánh mắt sáng ngời về một ven rừng già thăm thẳm, như một cánh cung đen sẫm vạch ngang suốt một ven trời. Khuôn mặt bầu bầu với vầng trán thông minh… lặng phắc như một vách núi vạn năm dầu dãi nắng mưa”10, vẻ đẹp trí tuệ của Xu Mi: “Tảo Xu Mi với vầng trán thông minh thanh thản, với bộ mặt đẹp trai ngời ngợi, với cái mũi thẳng như một dấu son”11 hay sự thông minh của bé Ki Eng: “Mắt nó sáng như có người thắp lửa bên trong, như hai vì sao trong những đêm thật tối trời rơi vào mắt nó, cái ánh sáng từ con mắt của một đứa trẻ thơ cứ tỏa ra lấp lánh, ánh lên ánh sáng thông minh”12.
Bảng thống kê ngôn ngữ miêu tả sắc đẹp của La Bội Hoan và Đào Quỳnh The trong tiểu thuyết Đọa đầy
Miêu tả người con gái đẹp, Vi Hồng thường nhắc tới hình ảnh “nàng tiên”, “bông hoa tiên nơi vách đá” (hoa vặc viền, loài hoa tiên của người Tày). Hai cô gái đẹp cả người cả nết được nhà văn dành nhiều tâm sức miêu tả chính là La Bội Hoan và Đào Quỳnh The. Trong hơn 300 trang sách, gần 30 lần, Vi Hồng so sánh vẻ đẹp của họ như những nàng tiên, những bông hoa tiên:
Ví sắc đẹp của người con gái như bông hoa thánh, nhà văn muốn khẳng định sự trường tồn, vĩnh cửu của cái đẹp. Hoa đã trở thành một biểu tượng văn hóa đặc sắc trong sáng tác của Vi Hồng (hoa vặc viền, hoa pan chủ, hoa mạ, hoa bjoóc loỏng, hoa mận, hoa đào, hoa gạo…). Cách miêu tả rất riêng của Vi Hồng đã làm nổi bật và sống động vẻ đẹp của những trai tơ, gái nụ vùng sơn cước.
Họ đẹp không phải chỉ bởi vẻ đẹp hình thức toả sáng núi rừng mà còn bởi tấm lòng thơm thảo, tình yêu, sự thuỷ chung và khát khao hướng đến những điều tốt đẹp. Ki Nọi, Ki Eng, Xu Mi là những chàng trai có tấm lòng ngay thẳng, yêu chân thành và dám bảo vệ người mình yêu, dám chống lại cường quyền, thần quyền, bênh vực lẽ phải. Bội Hoan, Quỳnh The, Thu Ly dù phận liễu yếu đào tơ nhưng kiên quyết chống lại số phận, không cam chịu sự ép buộc, sẵn sàng làm tất cả để giữ gìn sự trinh bạch và sống hết mình với tình yêu.
Cái đẹp của con người trong tiểu thuyết Vi Hồng là biểu hiện của sự hài hoà, sự kết hợp giữa cái đẹp hoàn thiện và lý tưởng về hình thức và tâm hồn. Ông gửi gắm ước mơ về tương lai tốt đẹp của bản mường khi có thế hệ thanh niên ấy làm chủ, để vơi bớt khổ đau, bất công, ngang trái, để bản mường trở nên hiện đại, văn minh.
2.3. Bản chất thẩm mĩ của cái đẹp trong tiểu thuyết “Đọa đầy”
Đọc Vi Hồng, thông qua cái đẹp của thiên nhiên, con người, ta nhận thấy tình yêu quê hương tha thiết và tâm lý dưỡng thiện, luôn tìm kiếm cái đẹp trong cuộc sống của những con người đã nếm trải bao mặn chát, đắng cay của một kiếp người.
Trong tiểu thuyết Đọa đầy, nhân vật hay suy ngẫm về cuộc đời, về lẽ sống nhiều nhất là chẩu mường Đào Tha Đát. Chính ông đã dạy cho con cháu mình: muốn trị người “phải lấy tấm lòng làm gốc, lấy đức độ của con người làm nguồn mạch”. Ông lý giải cách cai trị của mình bằng một suy nghĩ đơn giản nhưng lại là một chân lý: “Mọi cái đều có thể đổ vỡ, tiền bạc, vàng ngọc có thể chất đống trong nhà và cũng có thể mất hết nhưng có cái đạo làm người một cách tốt đẹp thì không bao giờ mất”13. Với những đau khổ, hạnh phúc của riêng mình, với những kinh nghiệm, những triết lý cá nhân và khả năng chịu trách nhiệm về số phận mình, những nhân vật trong tiểu thuyết Vi Hồng là con người tự ý thức, có tính độc lập tương đối. Vi Hồng đã khám phá thế giới tâm hồn nhân vật, để nhân vật tự nhận ra lẽ sống “con người sinh ra là cố làm lợi cho người khác, làm cho người khác vui, hạnh phúc mới đáng sống, đáng tự hào. Nếu làm người mà không làm được như thế thì cũng đừng làm hại ai, đừng làm ai phiền lòng mới đúng” (Tháng năm biết nói). Đây cũng là quan điểm sống duy nhất mà Vi Hồng suốt đời tâm niệm và phấn đấu. Như vậy, bản chất thẩm mĩ trong quan niệm của Vi Hồng, cái đẹp luôn gắn liền với cái thiện. Người ta chỉ đẹp khi giữ được sự thiện lương, trong sáng.
Mặc dù ảnh hưởng bởi triết lý dân gian (cái thiện sẽ thắng cái ác) nhưng trong quan niệm của Vi Hồng đã có sự vận động: không phải cái ác sẽ sinh ra cái ác (La Bội Hoan và Thu Ly đều lương thiện, không độc ác, nham hiểm như cha của mình); không phải môi trường nào thì tính cách ấy (Đăm May ở với gia đình Đăm Đông nhưng không hề độc ác, Tha Mooc sống trong môi trường tốt đẹp nhưng vẫn ích kỷ, xấu xa…). Đây là điểm sáng trong nghệ thuật xây dựng nhân vật và mạch vận động cốt truyện của Vi Hồng, mặc dù biểu hiện này còn tương đối ít.
Trò chuyện với nhà thơ Dương Thuấn, Vi Hồng nói: “Mình là người Tày, nếu mà viết giống người Kinh thì đừng viết. Văn chương không phải là cái thứ đèm đẹp để trang sức. Cái cốt lõi của văn chương là phải phản ánh được tâm hồn dân tộc mình. Văn chương của người Tày phải phản ánh tâm hồn Tày”14. Như vậy, cái đẹp trong văn chương của Vi Hồng phải là bản sắc văn hoá dân tộc được thể hiện thông qua cái đẹp của thiên nhiên, của con người. Ý thức đó đã được thể hiện nhất quán trong các trang viết và đem lại cho tác phẩm của Vi Hồng một bản sắc dân tộc đậm đà. Ông đã viết bằng cả sự trải nghiệm đau đớn trong cuộc đời mình và bằng cả tình yêu thương, trân trọng đồng bào. Từ tình yêu và sự cống hiến miệt mài ấy, nhà văn không chỉ mang bản sắc văn hoá Tày đến với người đọc mà còn bất tử hoá vẻ đẹp của nó trên những trang văn.
3. Kết luận
Tiểu thuyết Vi Hồng là những bài học triết lý nhân sinh, khơi dậy khát khao chiếm lĩnh cái đẹp và khát khao hướng thiện. Đó là bài ca về tình yêu cuộc sống dẫu còn muôn nỗi nhọc nhằn, khổ đau. Từ những cay đắng của cuộc đời, nhà văn Vi Hồng đã chắt tâm hồn mình thành quả ngọt. Quan niệm về cái đẹp của nhà văn đã tạo nên những giá trị thẩm mĩ độc đáo và sức sống lâu bền cho tác phẩm như những bông hoa tiên nơi vách đá của người Tày bốn mùa tắm gội giữa mây trời, chẳng bao giờ bị huỷ diệt, mãi tươi đẹp, trường tồn với thời gian.
Chú thích:
1 Lê Văn Dương, Lê Đình Lục, Lê Hồng Vân (2013), Mĩ học đại cương, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 83.
2, 3, 14 Nhiều tác giả (2016), Vi Hồng tác phẩm và dư luận, NXB Đại học Thái Nguyên, tr. 731, 820-821, 91.
4 Vi Hồng: “Ngả văn chương”, Tạp chí Văn học, số 9/1994.
5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 Vi Hồng (2007), Đọa đầy, NXB Hội Nhà văn, tr. 37, 39, 64, 116, 123, 9, 167, 93, 26.