Ngày 1/10/1954, Đội Vận động công tác văn nghệ, Tổng cục Cung cấp ra đời với 3 đội xung kích phục vụ ở Đông, Tây Trường Sơn. Trong kháng chiến chống Mĩ, khi đường dây 559 ra đời, Đội đã được bổ sung thêm Đội Chèo của tỉnh Hưng Yên và Đội Văn công Sư đoàn 330 nên thành Đoàn Văn công Trường Sơn thuộc Tổng cục Hậu cần, rồi sau này đổi thành những tên: Đoàn Văn công Tổng cục Hậu cần, Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần, Đoàn Nghệ thuật Tổng cục Hậu cần; từ ngày 2/2/2010, mang tên gọi Nhà hát Chèo Quân đội trực thuộc Tổng cục Chính trị…
Như chúng ta đều rõ, hành trang của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam ra trận, giáp mặt với quân thù đâu chỉ là cơm áo gạo tiền, súng đạn, thuốc men… mà còn có cả văn nghệ. Văn nghệ đối với Cục Chính trị đã như một “chủng loại đa cấp” đặc biệt để tạo nên sức mạnh vô địch trong thế giới tư tưởng, thế giới tinh thần, thế giới chiến công và chiến thắng của bộ đội Cụ Hồ. Vì vậy, ngay từ những năm đầu ra quân, các nghệ sĩ trong Đoàn Văn công Tổng cục Hậu cần đã trở thành những chiến sĩ kiên cường, không ngại khó khăn, gian khổ, hi sinh và bằng phương tiện xe đạp thồ, đã luồn lách, xuyên rừng, vượt suối để mang những lời ca, tiếng hát tới những thương binh, bệnh binh, chiến sĩ lái xe, giao liên, thanh niên xung phong… suốt 54 trạm ngang dọc với hàng ngàn đơn vị trên tuyến Trường Sơn bão lửa, không biết mệt mỏi. Tiếng hát của họ đã “át tiếng bom”, mang hương lúa, hương quê, tình làng, nghĩa xóm, khát vọng hậu phương và ý chí non sông, tạo thành tiếng nói từ trái tim đến với trái tim, từ tâm hồn đến với tâm hồn và giúp cho những người lính ở tiền tuyến lớn thêm, sáng mắt, sáng lòng, thêm sức mạnh niềm tin để lập chí, lập mưu, lập công, lập chiến thắng đối với quân thù. Họ là chiến sĩ - nghệ sĩ. Tiếng hát của họ đã trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng và đã thắp sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc đời chiến đấu của những người lính Cụ Hồ…
Nếu như trước đây, ở làng chèo Việt Nam có chiếng Đông, Đoài, Nam, Bắc thì trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, chúng ta lại có thêm một chiếng chèo mới – Chèo Quân đội. Chiếng Chèo Quân đội khi mới ra đời, những người sáng lập ra nó đã tự biết thiết kế cho mình những nguyên tắc sáng tạo mới của một phong cách mới. Đó là trong mỗi hình tượng nghệ thuật chèo đã chứa đựng được và thống nhất được ba mối quan hệ biện chứng: hiện thực chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam với hiện thực chiến đấu của người chiến sĩ trên khắp các mặt trận và hiện thực sáng tạo của người nghệ sĩ mặc áo lính. Hiện thực chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam là sứ mệnh thiêng liêng của bộ đội Cụ Hồ, được Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó, thành kim chỉ nam, khuynh hướng tư tưởng, hành động cho mọi tác phẩm chèo. Còn hiện thực chiến đấu của người chiến sĩ trên khắp các mặt trận là đời sống sinh động, nguồn cảm hứng vô tận cho mọi nội dung của hình tượng nghệ thuật chèo. Và hiện thực sáng tạo của nghệ sĩ mặc áo lính là hoàn cảnh, điều kiện, khả năng của nghệ sĩ thành sắc thái, hương vị, hình thức phong phú, đa dạng cho nghệ thuật Chèo Quân đội. Ba phạm vi hiện thực trên đã trở thành ba nhân tố cơ bản vừa tồn tại độc lập vừa là hợp thể tác động qua lại lẫn nhau, xâm nhập vào nhau để tạo thành phẩm chất của phong cách độc đáo trong chiếng Chèo Quân đội. Vì vậy, Chèo Quân đội, bằng ba nhân tố cơ bản nội tại của mình, đã có thể tiếp cận được tới bất kỳ đề tài nào, dù là lịch sử, dã sử và huyền thoại, cổ tích, dân gian hay hiện đại và nếu trong sáng tạo nào mà thiếu một trong ba nhân tố đó hoặc chúng bị tách biệt nhau, mâu thuẫn nhau, phủ định nhau thì sẽ không phải là Chèo Quân đội. Do đó, như là chân lý khách quan, quá trình phát triển, biến động của ba nhân tố nội tại trên sẽ quyết định mọi sự chuyển hóa, mọi sự phát triển phẩm chất của Chèo Quân đội. Nhờ đó, Chèo Quân đội, ở thời điểm 1954-1975 đã hoạt động không giống thời điểm 1975-1986 và càng không đồng nhất với sự chuyển hóa của thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay. Nhưng sự vận động ấy vẫn tuân theo quy luật của sự thống nhất biện chứng giữa ba nhân tố nội tại của mình. Thông qua ba thời kỳ vận động này, chúng ta thấy được chiếng Chèo Quân đội đã phát triển không ngừng, đã luôn luôn xứng đáng là chèo của người chiến sĩ quân đội: từ người lính, bằng người lính, cho người lính, vì người lính và ở mỗi tác phẩm, mỗi hình tượng nghệ thuật của người lính ấy đã được thể hiện đậm tính chính trị, tính chiến đấu và tính nhân văn cao cả.
Nghiên cứu tính chính trị, tính chiến đấu, tính nhân văn cao cả trong các hình tượng xuất sắc của nghệ thuật Chèo Quân đội, ta thấy chúng không bị đứng biệt lập, không bị thông tin hóa, thông tấn hóa mà đã là một sản phẩm tự thân hồn nhiên, hài hòa và đầy xúc cảm. Bởi vì tính chính trị trong hình tượng nghệ thuật chèo của Quân đội không chỉ là lý trí mà còn là tình cảm của người chiến sĩ - nghệ sĩ. Nhờ có tính chính trị ấy mà các chiến sĩ - nghệ sĩ có được điểm tựa vững vàng, đúng đắn để nhận thức, khám phá, đánh giá cuộc sống chiến đấu, nhằm xây dựng nên những hình tượng điển hình. Tính chiến đấu trong hình tượng nghệ thuật Chèo Quân đội chính là cái đẹp đã gắn liền và đồng nghĩa với cái chân - thiện - mĩ ở đời. Thông qua tính chiến đấu này của hình tượng, khán giả có thể nhận thức được khá sâu sắc về những quy luật của mối quan hệ giữa con người với con người, giữa người lính với nhân dân, giữa cái xấu với cái đẹp, giữa cái sống với cái hi sinh, giữa mình với mọi người một cách biện chứng. Nó giống như sự phân tích quang phổ cho phép nhà vật lý đoán được những bí mật của sự vận động vật chất để phân tích xã hội, phân tích thế giới tâm hồn, tư tưởng của con người trong quá trình tiến hành cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại. Còn tính nhân văn cao cả trong hình tượng nghệ thuật Chèo Quân đội, nói một cách khái quát, chính là tư tưởng độc lập, tự do trong nhân cách của “bộ đội Cụ Hồ” và “bộ đội Cụ Hồ” quyết chiến đấu đến cùng để bắt kẻ thù phải thừa nhận quyền được hưởng độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Ở đây, các hình tượng chèo tuy có những mức độ, màu sắc đậm nhạt, cao thấp khác nhau nhưng tất cả cùng được vang lên bài ca về con người và khẳng định con người là quý báu nhất, hoàn chỉnh nhất, tuyệt mĩ nhất của tự nhiên. Nó đã trở thành mục đích thiêng liêng, thành động lực hào hứng để chiến đấu của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Nói cách khác, tính chính trị, tính chiến đấu, tính nhân văn cao cả của chiếng Chèo Quân đội Việt Nam là những đặc tính cơ bản luôn luôn được thống nhất, biện chứng với nhau trong hình tượng nghệ thuật, trong tư duy sáng tạo và trong lý tưởng thẩm mĩ của người chiến sĩ - nghệ sĩ, để hướng tới khát vọng: con người - độc lập - tự do. Vì vậy, tính chính trị, tính chiến đấu, tính nhân văn cao cả trong hình tượng nghệ thuật Chèo Quân đội đã đồng nghĩa với tính người - độc lập - tự do. Và tính người - độc lập - tự do đã hóa thành tính chính trị, tính chiến đấu, tính nhân văn cao cả của Chèo Quân đội. Nhờ đó, các hình tượng nhân vật trong các vở chèo, dù là cán bộ hay chiến sĩ, ông vua hay dân thường, anh bộ đội hay chị dân quân, anh lái xe hay cô thanh niên xung phong, người áo rách hay hoàng hậu, công nương, trí thức… và dù là đề tài, thể loại, cốt truyện có khác nhau thì cũng không bị ngăn cách bởi không gian, thời gian mà đã cùng sống động với những hương vị chung ở chiếng Chèo Quân đội và đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm của đông đảo khán giả - người lính bằng những tính chính trị, tính chiến đấu, tính nhân văn cao cả từ các hình tượng nghệ thuật đó.
Xuất phát từ ba nhân tố nội tại và ba đặc tính cơ bản trên để khám phá các tác phẩm chèo của chiếng Chèo Quân đội suốt 70 năm qua, chúng ta nhận thấy rằng dù ở không gian, thời gian, đề tài, thể loại nào thì các nghệ sĩ Chèo Quân đội vẫn hướng tới và khẳng định cái mới, cái tiên tiến trong đời sống hằng ngày đương thời hay đời sống hằng ngày của quá khứ, lịch sử, dã sử, huyền thoại, dân gian. Điển hình cho cái mới, cái tiên tiến này là những tính cách nhân vật được mang trong mình hai phẩm chất quan trọng: tự mình biết vượt qua mình và tự mình biết vượt qua hoàn cảnh xã hội. Đó là những con người lương thiện của đời thường, đã biết thay đổi bản thể ban đầu của mình để rèn luyện, vươn lên thành con người mới, có bản lĩnh chiến đấu và chiến thắng mọi hoàn cảnh éo le, bi kịch cho đời mình. Họ không phải khó tìm mà là những nhân vật chính diện của hầu hết các chương trình, vở diễn như: anh Tình, chị Nghĩa, Nguyễn Viết Xuân, cậu Tiến, cô Ngần, Trần Quốc Toản, Ỷ Lan, Mai Hương, Tuấn Khanh, Trương Văn, Quang Trung, Bùi Thị Xuân, Kiều Liên, nàng Lụa, Hề già… đã biết sống không chịu bằng lòng với bản thể vốn có của mình, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh éo le của xã hội và đã đứng lên, chấp nhận đối đầu để cải tạo hoàn cảnh đó. Hai phẩm chất này trong hình tượng con người mới, tiên tiến của Chèo Quân đội đã được các nghệ sĩ thể hiện từ vô thức đến có ý thức, từ tiệm tiến đến đột biến, bất ngờ và được đặt trong mối quan hệ nhân quả biện chứng giữa cái chủ quan với cái khách quan, giữa cường độ hành động mạnh mẽ với hoàn cảnh phức tạp, khắc nghiệt, để mỗi con người có điều kiện được bộc lộ và tự kết liễu mọi cái yếu đuối, thấp hèn, nhu nhược, lạc hậu trong bản thể vốn có của mình, đồng thời để chất mới, mầm sống mới, bản thể mới được nảy sinh trên cấp độ cao hơn và phù hợp với hoàn cảnh xã hội mới hơn.
Thông qua hai phẩm chất quan trọng trong hình tượng con người mới, tiên tiến đó, các nghệ sĩ Chèo Quân đội đã hướng sáng tạo của mình vào sự phân tích, lý giải những mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa số phận cá nhân với số phận quốc gia, số phận nhân dân. Bằng thực tiễn trong các vở diễn, chúng ta nhận thấy phần lớn các tác phẩm hay của Chèo Quân đội là sự vận động của những cuộc đấu tranh giữa số phận cá nhân với số phận quốc gia và số phận nhân dân; giữa căm ghét cái xấu, cái ác với tinh thần sẵn sàng đấu tranh chống lại chúng; giữ tình yêu thương con người, quý trọng cuộc sống con người với thái độ và hành động phi nhân bản, sẵn sàng hi sinh vì cuộc sống cao đẹp của con người… Những cuộc đấu tranh này đã diễn ra đầy phức tạp, từ vô thức đến có ý thức, từ ngẫu nhiên đến tất nhiên, để cuối cùng hướng tới sự thống nhất, hài hòa giữa cá nhân với xã hội, giữa số phận đơn lẻ với số phận quốc gia, số phận nhân dân đồng nghĩa với số phận cá nhân và số phận cá nhân phải có nghĩa vụ lớn lao đối với số phận quốc gia, số phận nhân dân, là đỉnh cao của cái chân - thiện - mĩ mà Chèo Quân đội luôn luôn khát vọng vươn tới. Do đó, ở Chèo Quân đội không có cái bi kịch mà chủ yếu là cái hào hùng của dân tộc, của nhân dân, của người chiến sĩ, của chiến công và chiến thắng. Nét hào hùng của dân tộc, của nhân dân, của chiến sĩ, chiến công, chiến thắng này được các nghệ sĩ phả vào từng nhân vật chính hoặc anh hề để ai ai cũng hướng tới cuộc sống với trách nhiệm chung và biết hành động tích cực để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người công dân đối với Tổ quốc, đối với dân tộc, đối với nhân dân. Cái hào hùng của dân tộc, của nhân dân, của chiến sĩ, chiến công, chiến thắng là hiện thực vĩ đại của cuộc sống và đã trở thành đối tượng phản ánh của các nghệ sĩ Chèo Quân đội, thành cảm thụ, cảm hứng của khán giả chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì vậy, thông qua hệ thống hình tượng của chiếng Chèo Quân đội, khán giả - chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận thức được sâu sắc rằng hạnh phúc của họ là hạnh phúc của dân tộc, của nhân dân. Họ từ nhân dân mà ra và là một phần của cơ thể lớn dân tộc, nhân dân. Dân tộc, nhân dân là nguồn gốc chân chính đem lại hạnh phúc, vinh quang, bất tử cho họ. Vì nhân dân, vì dân tộc, họ đấu tranh với quân thù, với cái xấu, cái ác và nếu có hi sinh thì sự hi sinh đó không mang ý nghĩa bi kịch, không mang nội dung bị tiêu diệt, mà ngược lại, sẽ là khúc ca tận mĩ về vinh quanh bất tử của con người, của một dân tộc anh hùng. Họ sẽ trường tồn, bất tử cùng với dân tộc, nhân dân, tạo cho vở diễn của Chèo Quân đội bao giờ cũng được kết thúc “có hậu” về mặt tinh thần và tư tưởng.
Từ những vấn đề mang tính đặc trưng phong cách của chiếng Chèo Quân đội, chúng ta nhận thấy phần lớn các vở diễn hay của đơn vị thường hướng tới chủ đề ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi tư tưởng yêu nước, thương dân, trọng nghĩa tình và phê phán cái sai, cái ác, cái xấu, cái lạc hậu ở đời. Chủ đề đó được các nghệ sĩ thể hiện bằng thủ pháp dưới hình thức hoành tráng, bề thế, theo cả chiều cao, chiều dài, chiều rộng, chiều sâu của mi-giăng-sen sân khấu cùng với không khí sống động, hội hè, tiết tấu nhanh, mạnh, gấp và nhiều làn điệu được phối âm, phối khí hay, nhiều đoạn múa trữ tình, đẹp mắt, tạo ra ấn tượng vui tươi, thích thú và sâu lắng cho khán giả - người lính. Khán giả khó có thể quên được những lớp điển hình của thủ pháp đó là: “Lột mũ áo tham quan” (Nhiếp chính Ỷ Lan), “Chôn Hề già” (Lý Nhân Tông kế nghiệp), “Những chiếc sào dài tua tủa dìm thuyền” (Tiếng hát người áo rách), “Tập võ công” (Chiếc bóng oan khiên), “Cung đình đổ vỡ, hành quân ra trận” (Người anh hùng áo vải), “Tân Nương dìu hoàng tử chạy trốn” (Nước mắt nàng sơn nữ), “Bên suối” (Điều đọng lại sau chiến tranh), “Đoàn xe thồ ra Điện Biên” (Ánh sao đầu núi)… đã mang hào khí của non sông, khí phách anh hùng của người lính và đầy chất lãng mạn của cuộc sống chiến đấu.
Nhà hát Chèo Quân đội là con đẻ của Quân đội nhân dân Việt Nam, 70 mùa xuân đã qua, dù có lúc phải kề cận với cái chết, với tổn thất hi sinh hoặc đổi nhiều tên gọi, chuyển nhiều địa điểm, biến động nhiều về biên chế nhưng Nhà hát Chèo Quân đội vẫn luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Quân đội và không ngừng đi tìm dáng đứng của mình trong làng chèo. Nhà hát vừa làm ra cái mới và trong quá trình đi tìm ấy, Nhà hát đã có lúc kế thừa cái cũ và đi theo khuynh hướng chèo cổ hoặc đôi khi làm theo mô hình Chèo cải lương Nguyễn Đình Nghị, Chèo Trung ương, Chèo Thái Bình, Chèo Hà Nội… để cuối cùng, bằng thực tế yêu cầu của Quân đội, Nhà hát phải tự thiết lập những nguyên tắc sáng tạo riêng để trở thành đặc trưng cho chiếng Chèo Quân đội của mình.
Những đặc trưng cơ bản của nguyên tắc sáng tạo trong chiếng Chèo Quân đội là những vấn đề mang tính lý luận đã được trình bày ở trên. Những đặc trưng ấy sinh ra từ thực tiễn khách quan, đã liên hệ thống nhất biện chứng với nhau để tạo ra cơ sở thuận lợi cho Chèo Quân đội có thể tiếp thu được những tinh hoa của chèo cổ, chèo cải lương, Chèo Trung ương, Chèo Thái Bình, Chèo Hà Nội và của tuồng, kịch nói… để sản sinh ra những hình thức hấp dẫn, phù hợp với đối tượng khán giả trẻ - người lính ở khắp các vùng miền của Tổ quốc, từ Quân khu 1 đến Quân khu 9, từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Sóc Trăng, Cà Mau, Trường Sa, hải đảo và tới cả Lào, Campuchia nữa. Rõ ràng Chèo Quân đội nếu như không có những nguyên tắc sáng tạo độc lập vững chắc của mình thì không thể tiếp nhận được những tinh hoa của nhiều phong cách chèo cũng như của nhiều loại hình nghệ thuật như vậy. Mặt khác, nếu Chèo Quân đội không có những hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn như thế thì làm sao có thể thỏa mãn được nhu cầu thẩm mĩ của nhiều đối tượng khán giả trên khắp các vùng miền khác nhau! Thật hiển nhiên, Chèo Quân đội đã có ngôn ngữ riêng của mình và việc đánh giá nghệ thuật sáng tạo đối với Chèo Quân đội chắc chắn sẽ không thể bằng khuôn mẫu của chèo cổ, chèo cải lương, Chèo Trung ương hay bất kỳ mô hình chèo nào mà phải bằng chính những nguyên tắc riêng của chiếng Chèo Quân đội đã tự nó sinh ra cho nó.
Chèo Quân đội đã đi qua 70 mùa xuân, với nhiều thế hệ nghệ sĩ xuất sắc của mình, trong đó có Tào Mạt, Nguyễn Thế Phiệt, Xuân Theo, Ngọc Viễn, Ngọc Dinh, Thu Hòa, Bảo Quý, Đào Lê, Đình Óng, Quốc Trượng, Thu Hiền, Phương Hoa, Tú Lệ, Tự Long, Minh Tiến, Duy Từ, Phương Thúy, Thùy Linh… cùng nhiều tác giả, đạo diễn ngoài biên chế Nhà hát như: Hoài Giao, Trần Đình Ngôn, Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Bùi Đắc Sử… đã tạo cho Chèo Quân đội một dáng đứng độc đáo trong làng chèo Việt Nam. Từ dáng đứng này, Chèo Quân đội đã đem đến cho khán giả - người xem những tác phẩm đầy ấn tượng như: Đâu có giặc là ta cứ đi, Người năm ấy, Đôi mắt, Đường về trận địa, Anh lái xe và cô chống lầy, Trần Quốc Toản ra quân, Nguyết Viết Xuân, Nhiếp chính Ỷ Lan, Lý Nhân Tông kế nghiệp, Chiếc bóng oan khiên, Tiếng hát người áo rách, Người về từ thiên đường, Bà chúa kho, Hoa tuyết trinh, Chuyện tình bên mái đình xưa, Vẫn còn công lý, Nước mắt nàng sơn nữ, Lời ước nguyền, Con đường năm ấy, Ánh sao đầu núi… Đặc biệt, ngày 28/3/1967, Đoàn đã được biểu diễn cho Bác Hồ xem và Bác đã khen rằng: “Các cháu diễn thế là tốt, là hay. Người diễn thì thoải mái, người xem thì cũng vui vẻ…”.
70 mùa xuân đã qua, Chèo Quân đội không chỉ biết chớp nhanh được cái thần của thời đại, cái thần của lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại, cổ tích để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật nhằm hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị mà Tổng cục Chính trị giao phó; không chỉ xác lập cho mình một dáng đứng độc đáo trong làng chèo - dáng đứng hào hùng, đậm chất lính bộ đội Cụ Hồ; không chỉ đã sáng tạo ra được trên 100 tác phẩm hữu ích về nội dung, thú vị về hình thức và đã đem tới phục vụ người lính ở khắp mọi miền của Tổ quốc với bao tình yêu quê hương, tình yêu con người, cảm hứng công dân đối với dân tộc, đối với nhân dân và những khát khao về hạnh phúc, hòa bình, độc lập, tự do… mà còn đặc biệt, quan trọng hơn, là đã tự viết được lên bản anh hùng ca tận mĩ về người chiến sĩ - nghệ sĩ trong thời đại ngày nay!
Sau 70 năm, phía trước còn dài. Chúng ta tin tưởng rằng bằng sự phát triển và không ngừng hoàn thiện dáng đứng độc đáo với những nguyên tắc sáng tạo đặc thù của mình, chiếng Chèo Quân đội sẽ đem đến cho khán giả - chiến sĩ, cho chúng ta nhiều chiến công kỳ diệu và hào hùng hơn nữa để xứng đáng một đơn vị nghệ thuật đã có trong “di sản” là: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, Huân chương Chiến công hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Ba, hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì; nhiều cờ thi đua, nhiều bằng khen các cấp… vinh quang, tự hào của mình, để thành chiếng chèo hiện đại, đậm đà bản sắc truyền thống và độc đáo của Quân đội nhân dân Việt Nam.