HÌNH TƯỢNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG THƠ CA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Bài viết khái quát lịch sử nghiên cứu, tìm hiểu hình tượng Hồ Chí Minh trong văn học để thấy sự phong phú, đa dạng trong cách thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh và độ mở của vấn đề nghiên cứu. Trên cơ sở đó, phân tích những đặc điểm hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca cách mạng Việt Nam, khẳng định đó là một thành tựu đặc sắc của văn chương hiện đại Việt Nam.

   Có thể nói việc tìm hiểu hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca cách mạng Việt Nam vốn xuất hiện từ lâu trong câu chuyện hằng ngày của mọi người, nhất là trong đời sống của những người hay đọc sách báo, ham mê văn chương và ngay ở các nhà quản trị xã hội các cấp lâu nay. Trong nhà trường phổ thông và đại học ngành Văn, đề tài này đã được nhắc đến ở các bài giảng, bài tập. Đã có đề thi học sinh giỏi, một số luận văn, luận án về đề tài này. Ở bình diện xã hội cao rộng hơn, một số nhà khoa học đã viết và xuất bản sách nghiên cứu về hình tượng, hình ảnh Hồ Chí Minh trong tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam hiện đại hoặc chỉ trong sự nghiệp thơ ca của nhà thơ Tố Hữu.

   Chủ đề hình tượng Hồ Chí Minh trong văn chương hay thơ ca Việt Nam ngỡ như đã có lịch sử nghiên cứu đủ đầy, khó mà triển khai thêm nữa. Nhưng từ góc độ của một người nghiên cứu văn chương - văn học hơn 40 năm nay, thực hiện những công việc quản lý, đồng hành cùng tập thể các nhà khoa học xuất bản sách nghiên cứu ngữ văn học và các sách liên quan ở cấp độ tổng hợp, khái quát hơn…, tôi muốn khẳng định rằng: Nhìn chung, một sự vật, một hiện tượng, một vấn đề đã tồn tại trong đời sống và đang có sự phát triển trong đời sống đó của xã hội thì luôn luôn được nghiên cứu, xem xét hết chặng này sang chặng khác của thời gian, từ góc độ nhìn nhận rất khác nhau của mỗi người, huống chi di sản tinh thần của Hồ Chí Minh đang được hàng triệu triệu người tiếp tục tìm hiểu để noi theo. Giới sáng tác văn thơ nước ta và nước ngoài đã và đang tiếp tục nghiền ngẫm, sáng tác về Bác Hồ kính yêu, vĩ đại nhằm thực hiện khát vọng ngợi ca và cống hiến của riêng mình… Vì thế, hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca cách mạng Việt Nam là một đề tài mở, luôn luôn mở, để huy động được nhiều trí tuệ, cho mọi tấm lòng, mọi tài năng cùng tham gia.

   Về khái niệm, theo Từ điển văn học bộ mới (NXB Thế giới, 2004), “Thơ” là “hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống với những cảm xúc chất chứa, cô đọng, những tâm trạng dạt dào, những tưởng tượng mạnh mẽ, trong ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh, và nhất là có nhịp điệu”1. “Ca” là khái niệm gần nghĩa với ca dao cổ truyền, ca dao mới, diễn ca, như tác phẩm Ba mươi năm đời ta có Đảng (Tố Hữu) và các bài Ca đội tự vệ, Ca sợi chỉ, Bài ca du kích, Hòn đá, Lịch sử nước ta, Ca binh lính… của Hồ Chí Minh. Khái niệm “Thơ ca cách mạng Việt Nam” có nhiều cách hiểu, ví dụ:

   1) Về thời gian, có thể kể từ đầu thế kỷ XX đã có, như thơ ca của các nhà Nho cách tân hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) với nội dung chính là kêu gọi thanh niên học tập theo lối mới, học để dùng được chữ quốc ngữ mà tìm hiểu văn minh Âu Tây, Nhật Bản… nhằm phục hưng đất nước, chấn hưng văn hóa bằng thực nghiệp (chứ không chỉ theo đường lối Nho học - Quân chủ). Cùng thời thơ ca Đông Kinh Nghĩa Thục, với sự có mặt thật sôi nổi, hào hùng của các chí sĩ yêu nước đang theo phong trào Đông Du, Duy Tân như Phan Bội Châu (qua bài Hải ngoại huyết thư với “Câu thơ dậy sóng” (Tố Hữu) và một số bài khác), kế tục Phan Bội Châu là các tác giả khác như: Hoàng Trọng Mậu, Đặng Thái Thân, Đặng Thái Thuyên, Nguyễn Đình Hồ… và Phan Châu Trinh với tập Tỉnh quốc hồn ca, viết từ khoảng 1906 đến 1922… thơ ca cách mạng Việt Nam đã tiến một bước dài lên một tầm cao mới về nội dung tư tưởng và hình thức biểu đạt. Từ khoảng 1925 đến 1930, thơ ca cách mạng Việt Nam có thêm nhiều tác giả mới với nghệ thuật biểu hiện mới. Đặc biệt, với cao trào Cách mạng vô sản Xô viết Nghệ Tĩnh, dòng thơ ca cách mạng Việt Nam được xác lập và phát triển, có ảnh hưởng sâu rộng, mạnh mẽ dần trong sự phát triển chung của thơ ca và văn chương, văn học Việt Nam…

   2) Về nội dung tư tưởng và cách hiểu khái niệm “Thơ ca cách mạng Việt Nam”. Nếu lấy mốc 1930, ta có 3 cách hiểu: cách hiểu thứ nhất, 30 năm đầu thế kỷ XX, thơ ca cách mạng Việt Nam theo xu hướng cách mạng dân chủ - quân chủ - tư sản. Xu hướng này quả là tiến bộ hơn xu hướng cách mạng - cách tân đất nước của các nho sĩ - sĩ phu trước đó, dù tinh thần ái quốc, khát vọng độc lập, tự do của các nhà cách tân - cách mạng trước 1930 rất đáng trân trọng, công lao của họ đối với tiến trình cách mạng và đổi mới của các chí sĩ thật không nhỏ, di sản văn chương, thơ ca của họ cần được tiếp tục nghiên cứu và quảng bá; cách hiểu thứ hai, thơ ca cách mạng Việt Nam thực sự có mặt trên diễn đàn văn chương, văn học Việt Nam từ năm 1930 với thơ ca Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Đây là thơ ca cách mạng theo tư tưởng vô sản, được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Dòng thơ ca này được phát triển theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa; cách thứ ba, trong khoảng hơn 30 năm lại đây, khi công cuộc cách mạng, đổi mới toàn bộ xã hội Việt Nam được phát động và thực sự triển khai, nhất là từ cuối những năm 1990 trở đi, kết quả, thành tựu cách mạng, đổi mới này đã sâu sắc và toàn diện hơn thì văn học Việt Nam nói chung, trong đó có thơ ca Việt Nam, đã có chất lượng nội dung và hình thức thể hiện mới mẻ, đa dạng. Theo đó, các nhà quản trị, nghiên cứu cũng như giới văn học đã gọi văn học những năm này là văn học đổi mới, là văn học cách mạng - đổi mới.

   Như vậy, khái niệm “Văn học cách mạng” hay “Thơ ca cách mạng Việt Nam”, hiểu một cách ngắn gọn, là dòng văn học, dòng thơ ca đã và đang phát triển theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa làm phương thức chính yếu.

   Tuy vậy, khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng thấy có hai vấn đề cần suy nghĩ, bàn bạc thêm, mong được thống nhất ở mức độ có thể:

   Vấn đề 1: Từ 1930 lại đây, song song với văn xuôi, thơ ca Việt Nam, bên cạnh các tác phẩm văn thơ được viết ra và xuất bản còn có các tác phẩm, các bài thơ dân gian tồn tại ở dạng truyền ngôn. Trong đó, một số ít về sau được sưu tầm, tuyển chọn để xuất bản. Tìm đọc các tập thơ ca dân gian này, chúng ta nhận ra có nhiều lời ngợi ca cách mạng, đổi mới và một số hình ảnh đẹp về Bác Hồ, về Đảng Cộng sản Việt Nam… hầu như các tác giả dân gian chưa tìm hiểu gì về đường lối văn nghệ của Đảng, họ chỉ sáng tác từ cảm nhận “của riêng mình”. Theo tôi, hiện tượng này không nên bỏ qua. Khi làm một tuyển tập hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca cách mạng nên có mặt một số bài thơ ca dân gian này, giống như việc đã đưa thơ ca Xô viết Nghệ Tĩnh vào tuyển thơ cách mạng Việt Nam lâu nay vậy.

   Vấn đề 2: Khoảng từ 1950 đến 1975, ở nước ta còn có một dòng văn chương được sáng tác trong vùng tạm chiếm. Từ góc nhìn biện chứng, nghiêm túc, khoa học, chúng ta thấy rằng trong khối lượng thơ văn ấy cũng có một số truyện và ký, thơ ca thể hiện một tinh thần dân tộc, một ý hướng dùng văn chương mà cổ vũ cho các hành động đánh giặc, cứu nước, nhằm thiết lập hòa bình và thống nhất đất nước. Quý hơn, ta cũng tìm thấy một số bài thơ, trang truyện kín đáo và khéo léo ca ngợi Bác Hồ.

   Trước khi trình bày, phân tích và bình luận về hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca cách mạng, chúng tôi muốn phác họa lại đôi nét hiện tình văn học liên quan như sau:

   Thực tiễn nghiên cứu, lý luận đã khiến chúng ta có thể nhắc lại rằng đời sống xã hội thì luôn luôn rộng lớn trong xu thế phát triển không ngừng theo quy luật của nó (dẫu đôi khi nhà nghiên cứu tưởng là nó đang trì trệ…); nhà văn, nhà thơ, trong quá trình sáng tác, muốn cho đúng, hay và đẹp, họ đã phải chọn lựa và nghiền ngẫm rất nhiều, rất lâu. Đến lượt mình, các nhà nghiên cứu, lý luận cố nhiên cũng đã phải chắt lọc, tổng hợp và khái quát cả hai hiện thực là hiện thực đời sống xã hội và hiện thực văn chương, văn học mà viết tiểu luận báo chí hoặc viết sách nghiên cứu.

   Những nhà nghiên cứu lại thấy và cần khẳng định một thực tế là: Không phải sự kiện và hiện tượng nổi bật nào trong đời sống xã hội và đời sống văn chương, văn học cũng trở thành hình tượng, trở thành điển hình trong trang sách. Cụ thể hơn, nền văn học cách mạng Việt Nam xuyên suốt thời gian dài lâu với mấy chặng đường phát triển cũng chỉ có mấy hình tượng lớn là: hình tượng người chiến sĩ chiến đấu cho độc lập, tự do, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (tiêu biểu nhất là anh Vệ quốc quân, anh bộ đội Cụ Hồ); hình tượng những người lao động mới với khát vọng và hành động quên mình trong lao động sáng tạo để góp phần ổn định và phát triển xã hội trong chiến tranh và xây dựng xã hội chủ nghĩa ngày nay. Đó là hai hình tượng lớn, đóng vai trò đại diện cho thành tựu chung của văn chương - văn học Việt Nam ta. Gần đây, chúng ta bàn đến hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca cách mạng. Vài chục năm nay cũng đã xuất hiện hình tượng các chiến sĩ công an nhân dân trên mặt trận trị an, gắn với đề tài sáng tác Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống và Giải thưởng Cây bút vàng.

   Từ thực tiễn - thực tế đó, chúng tôi nghĩ rằng nghiên cứu hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca cách mạng nên được phát triển thành nghiên cứu hình tượng Hồ Chí Minh trong toàn bộ văn chương văn học Việt Nam.

   Khi phác dựng lại một phần hiện tình sáng tác văn chương và nghiên cứu văn chương như trên, chúng tôi cũng đồng ý với một số đồng nghiệp rằng lâu nay Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng được coi là một ví dụ tiêu biểu cho hình tượng người chiến sĩ và hình tượng người lao động. Tuy vậy, hiện nay, hình ảnh Bác Hồ trong văn chương và thơ ca hiện đại Việt Nam được tách ra, nâng lên thành một đối tượng nghiên cứu (có vẻ riêng) thì cũng đúng, vừa có ý nghĩa học thuật vừa có giá trị thực tiễn.

   Theo tôi, một trong những kết quả của quá trình bàn luận về hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca và cả văn xuôi Việt Nam lâu nay nên và cần phải được đánh dấu bằng một cuốn sách dày, trong đó có phần nghiên cứu lý luận và phần tuyển chọn tư liệu.

   Dưới đây là một số ý nghĩ của tôi về hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca cách mạng Việt Nam, xin trình bày một cách vắn tắt, một ít phân tích và bình luận chỉ xin dừng ở mức độ gợi dẫn.

   Đặc điểm thứ nhất: Hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca cách mạng Việt Nam có sau, đến sau mà phát triển nhanh, mạnh, đạt được những thành tựu nổi bật.

   Trước năm 1930, rồi từ đó đến năm 1945, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam phát triển dần và đạt đến thành công lịch sử là sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Như một phiên bản, một tấm gương phản ánh thời đại, thơ ca Việt Nam thời đó đã kịp ghi nhận và phản ánh được hình ảnh, hình tượng người chiến sĩ chiến đấu cho độc lập, tự do. Những năm ấy chỉ một số người biết đến Nguyễn Ái Quốc chứ chưa nghe nói đến Hồ Chí Minh.

   Khi nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, dân chúng nước ta mới biết Hồ Chí Minh - nhà cách mạng, vị Chủ tịch nước là ai, trong thơ Tố Hữu là: “Người lính già/ Đã quyết hi sinh/ Cho Việt Nam độc lập/ Cho thế giới hòa bình” (Hồ Chí Minh, tháng 8/1945). Từ bấy đến nay, không cần cổ động mà phong trào sáng tác thơ ca (văn chương) lấy Hồ Chí Minh làm đối tượng phản ánh, làm nơi gửi gắn tâm tưởng của mình ở hàng vạn người cầm bút khắp mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề và cương vị xã hội đã bừng phát. Các tác giả thành danh đã đành, người mới biết chữ cũng viết, nhất là vào các dịp mừng ngày thành lập Đảng, sinh nhật Bác, mừng Quốc khánh, rồi đón Tết vui Xuân hoặc kỷ niệm, tưởng nhớ ngày Bác về cõi người hiền… Gần đây hơn, nhân kỷ niệm ngày Việt Nam thống nhất hay các đợt vận động “Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Đảng lại có hàng nghìn bài thơ mới viết về Bác Hồ.

   Viết về Hồ Chí Minh, xây dựng và khắc họa hình tượng Hồ Chí Minh đã trở thành khát vọng thiết tha của nhiều nhà thơ lâu năm, có thành quả và cả nhiều người viết nghiệp dư. Chuyện đặc biệt đáng ghi nhận là có một số nhà thơ như Minh Huệ, Hải Như, Viễn Phương… nhờ có tác phẩm hay, đặc sắc về Hồ Chí Minh mà vị trí của họ đã được nâng lên, khẳng định trong đội ngũ nhà thơ Việt Nam hiện đại.

   Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa thế giới, là lãnh tụ tối cao của cách mạng Việt Nam… Nhưng xét Hồ Chí Minh trong quan hệ với văn chương, ta lại thấy việc mọi người viết về Người, xây dựng hình tượng Người rất khác với các lãnh tụ khác trong văn chương (như V. Lenin, như C. Marx…). Hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca cách mạng Việt Nam (và cả trong sáng tác văn chương của nhiều bạn bè năm châu) có tính lịch sử, tính khoa học - biện chứng.

   Đặc điểm thứ hai: Có một phương thức, phương pháp sáng tác mới khi xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh.

   Xin ghi chú rằng cái mới mà chúng ta đang bàn luận, với người này (như Tố Hữu, Hải Như, Viễn Phương…) là sự kế thừa thích ứng với đối tượng phản ánh - thẩm mĩ; với người kia, do mới bước vào thi đàn (như Minh Huệ, Trần Đăng Khoa…) đã viết ngay về Hồ Chí Minh, là mới của chính mình, về sau, trở thành phương thức sáng tác mà người khác cũng theo đó mà viết. Đó là cái mới luôn có sự giao thoa và tiếp biến tự nhiên khiến cho hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca trở nên sinh động, ấn tượng đối với người đọc. Có thể phân tích cụ thể một vài ví dụ:

   Huy Cận vốn là nhà thơ được ưa thích từ trước năm 1940 - một kiện tướng của phong trào Thơ mới, góp phần làm nên cuộc cách tân lớn cho thơ ca Việt Nam. Từ tài năng của một tâm hồn đa cảm, ông đã tự xây cho mình một tháp ngà nghệ thuật mà ai bước chân vào cũng ngỡ ngàng, thấy thú vị, lại tự biết là không dễ hòa nhập ngay được cái thế giới - vũ trụ thiêng liêng vời vợi của nó được… Nhưng khi viết/ dựng hình tượng Hồ Chí Minh, ta thấy cách viết của ông thật giản dị:

   “Bác Hồ ơi!
   Bác không còn nữa…
   Không, Bác vẫn sống giữa chúng ta và dắt chúng con đi
   Tiếng nói Bác đã trở thành nhịp thở
   Của Tổ quốc ta bao giờ phút lâm nguy
   Ánh mắt Bác đã soi đường rạng rỡ
   Cho nhân dân ta trong hai trận trường kỳ”.
                                                                  (Bác Hồ ơi, 1969)

   Từ năm 1937, với tập thơ Điêu tàn, Chế Lan Viên đã định vị phong cách của mình ở mấy chữ “kinh dị”, “hoang tưởng”, “triết học”, “hoài cổ”, “bế tắc”… Đi cùng cách mạng và kháng chiến, tư tưởng văn nghệ của ông đã khác dần. Khoảng 20 năm sau ngày có Điêu tàn, khi sáng tác về đề tài Hồ Chí Minh thì sự khác và mới của Chế Lan Viên mới thực sự từ nụ thành quả. Hồ Chí Minh trong bài Người đi tìm hình của nước do ông dựng lên thật giản dị, chân thực ở các chi tiết có giá trị tiêu biểu, điển hình mà vẫn đượm chất suy tưởng mạnh mẽ. Hồ Chí Minh trong bài này là người từng trải:

   “Đời bồi tàu lênh đênh sóng bể
   Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mĩ, châu Phi
   Những đất tự do, những trời nô lệ
   Những con đường cách mạng đang tìm đi.
   Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
   Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc nước quê nhà
   Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
   Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”.

   Với trường hợp Minh Huệ thì có khác. Ông đi kháng chiến, những ngày đầu chỉ lo công việc, thích thơ mà chưa viết ra cho ai đọc. Rồi một ngày kia, nghe kể chuyện Cụ Hồ ở Việt Bắc chăm sóc các chiến sĩ Vệ quốc quân như người cha, người ông vun đắp cho con cháu, Minh Huệ lấy bút viết liền một đêm thì xong bài Đêm nay Bác không ngủ. Minh Huệ đã không ngờ là mình đã cắm một cột mốc trong thơ viết về Hồ Chí Minh của văn học hiện đại Việt Nam bằng lối thơ tự sự có ngôn từ giản dị, có cấu trúc, nhịp thơ quen thuộc với bao người xứ Nghệ và của người yêu tiếng Việt ở khắp các vùng miền:

   “Anh đội viên thức dậy
   Thấy trời khuya lắm rồi
   Mà sao Bác vẫn ngồi
   Đêm nay Bác không ngủ
   Lặng yên nhìn bếp lửa
   Vẻ mặt Bác trầm ngâm
   Ngoài trời mưa lâm thâm
   Mái lều tranh xơ xác.
   […]
   Rồi Bác đi dém chăn
   Từng người từng người một
   Sợ cháu mình giật thột
   Bác nhón chân nhẹ nhàng”…

   Sự ra đời hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca Việt Nam thường tự nhiên và giản dị. Chính sự tự nhiên và giản dị ấy từ tâm khảm người sáng tác đã khiến cho hình tượng Bác trở nên gần gũi, thân thương, có sức hấp dẫn lâu bền, khác với sự ra đời của một số hình ảnh, hình tượng khác (cũng đẹp và hay) trong thơ ca.

   Thần đồng thơ ca Trần Đăng Khoa xuất hiện năm 1966, năm nhà thơ vừa tròn 10 tuổi, với một chùm thơ làm thi đàn Việt Nam trầm trồ, trong đó có bài Ảnh Bác thật chân mộc, thơ ngây:

   “Nhà em treo ảnh Bác Hồ
   Bên trên là một lá cờ đỏ tươi
   Ngày ngày Bác mỉm miệng cười
   Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà
   Ngoài sân có mấy con gà
   Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi
   Em nghe như Bác dạy lời
   Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa
   Trồng rau, quét bếp, đuổi gà
   Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi
   Bác lo bao việc trên đời
   Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em”.
                                                      (Ảnh Bác, 1966)

   Giản dị, xác thực và tự nhiên là ba nguyên lý, ba chân kiềng làm nên cái đẹp vững bền trong mọi tác phẩm văn nghệ. Ở đây, trong việc xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh, các nhà thơ ta đã đi theo nguyên lý ấy mà có những dòng tự sự, tự bạch chân thành với nhịp điệu dìu dặt, thân gần với mọi người thưởng thức. “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”, nhà thơ Tố Hữu đã nghĩ và viết thế.

   Đặc điểm thứ ba: Hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca cách mạng là hình tượng của một con người kết tinh các phẩm giá tốt đẹp của dân tộc và thời đại.

   Cố nhiên cách xây dựng vẻ đẹp có thực ở Hồ Chí Minh cũng khác với cách viết của những áng văn nghị luận. Đọc lại thơ Tố Hữu, ta thấy đặc điểm thứ ba này được thể hiện rất nhiều (xin có lần khác sẽ nói riêng, bàn riêng về hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ Tố Hữu).

   Sau Tố Hữu, có lẽ Hải Như là nhà thơ viết nhiều về Bác Hồ hơn cả. Trong hơn 40 bài thơ, ông hay nhắc chuyện khi chụp ảnh, Bác thường giữ ý đứng không che lấp người khác; lúc đi lại, Bác thường dùng dép cao su bởi Bác vẫn nhớ là còn bao nhiêu thiếu nhi, bao nhiêu người thợ còn đi chân đất… Nhà thơ kể để dựng chân dung Bác từ các chi tiết nhỏ mà có khả năng tạo liên tưởng, khái quát cao:

   “Bên gối Bác còn ấm lời non nước
   Ánh hào quang sông núi tựa trên mình
   Bác chan hòa như biển lớn mông mênh
   Hồn dân tộc kết tinh hồn thời đại
   […]
   Vầng trán Bác in giấc mơ tuyệt đẹp!
   Hãy đọc trong mi mắt khép: nụ cười
   Bác Hồ nằm, tay không để buông xuôi
   Đặt trước ngực như khi người dạo mát”.
   Nhân đó, nhà thơ nhắc nhở:
   “Bác dẫu ngủ, kẻ thù đừng hi vọng
   Ánh sáng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường
   Bác thức tỉnh ta: giữ lấy kiếp người
   Ta thức tỉnh, nguyện bên Người vĩnh viễn”.

   Trở lại với nhà thơ Chế Lan Viên – một nhà thơ hay triết luận, thế sự. Dòng thơ giàu tính chiến đấu của ông cũng phát huy được thế mạnh riêng này khi xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh - một nhà cách mạng, một lãnh tụ vĩ đại. Trong thức nhận của Chế Lan Viên về Hồ Chí Minh, dường như sáng mai nào, buổi chiều nào, khi đọc sách báo hay gặp gỡ đồng chí, đồng bào, Người cũng thường nghĩ suy, trăn trở trước sau về con đường cách mạng để dân tộc ta được no ấm, tự do, nước ta được độc lập, sánh vai cùng năm châu bốn biển. Nhà thơ đã dựng hình tượng Bác Hồ trong những ngày xưa ấy từng trăn trở:

   “Ngày mai dân ta sẽ sống ra sao đây
   Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
   Bao giờ dãy Trường Sơn bừng giấc ngủ
   Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
    Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
   Nụ cười sẽ ra sao?
    Ôi, độc lập!
   Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
   Khi tự do về chói ở trên đầu”.

   Đó là bao nhiêu ngày lặn lội, mê mải tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Còn đây là những ngày Người đến được với Cách mạng Tháng Mười Nga, với Lê-nin vĩ đại, hình tượng Hồ Chí Minh qua thơ Chế Lan Viên lại như một Thiên sứ vừa tìm được chân lý, tìm được chìa khóa vàng cho mỗi nhà cách mạng, cho cả dân nước mình:

   “Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương  Đông
   Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
   Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
   Sao vàng bay theo liềm búa công nông.
   Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
   Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin
   Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
   Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin…
   Ôi! Đường đến với Lê-nin là đường về Tổ quốc
   Tuyết Matx-cơ-va sáng ấy lạnh trăm lần
   Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt
   Lê-nin mất rồi. Nhưng Bác chẳng dừng chân”.

   Viễn Phương là một nhà thơ sáng tác không nhiều, thơ ông thường kiệm lời. Từ bản tính ấy, phong độ ấy, ông đã góp vào dòng thơ xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh một ví von, so sánh thật táo bạo mà khó ai thay thế chữ của ông được:

   “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
   Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”…
                                                (Viếng lăng Bác)

   Hồ Chí Minh nằm ở trong lăng là một mặt trời rất đỏ. Sự ngợi ca và khẳng định này có giá trị đại diện cho một trong những ý thơ, tứ thơ hay nhất về chân dung Bác Hồ.

   Nhà nghiên cứu văn học Bảo Định Giang kể, ông tham gia kháng chiến chống Pháp năm mới ngoài tuổi trăng tròn, một lần sáng sớm, từ sân nhà nhìn ra cánh đồng sen bát ngát lao xao trong gió, tự nhiên ngẫu hứng đọc:

   “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen
   Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ
   Bông sen dành để lễ chùa
   Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm”.

   Hai câu đầu của bài thơ chợt viết (trong đầu, trong sổ tay) này của ông được truyền đi khắp nơi, trở thành ca dao, thành cảm hứng cho các nhà thơ, nhạc sĩ khác tiếp tục xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh theo cách của mỗi người trong những bài thơ, bài hát.

   Lại nói về ca dao, dân ca, sáng tác dân gian lấy hình ảnh Bác Hồ làm hình tượng trung tâm, nhớ lại hồi tôi lên 10, có chú bộ đội Miền Nam tập kết ra Bắc đến nhà chơi, chú chép cho tôi bài thơ: “Cụ già thong thả buông cần trúc/ Hồ nước trong veo nhuộm sắc hồng/ Muôn vạn đài sen hương sực nức/ Tuổi già vui thú với non sông”, rồi chú hỏi: Cháu thấy bài thơ thế nào? Tôi đọc chậm lại từng câu rồi reo lên: Bốn chữ đầu bốn câu chú ơi! Chú nhìn tôi đăm đắm, rưng rưng, khe khẽ: Bọn chú sắp được về quê giải phóng Miền Nam rồi, cháu học cho giỏi, theo gương Cụ Hồ Muôn Tuổi nhé!

   Nhiều người trong chúng ra bây giờ, 50, 60 năm trước là những Cháu ngoan Bác Hồ chăm ngoan, học giỏi… Tôi dám nói chắc là thế hệ chúng ta đã lớn lên bằng cơm cha áo mẹ, bằng lời dạy của thầy cô và bằng cả những hình ảnh Bác Hồ mà thơ ca đã dựng nên.

   Quả thực hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca Việt Nam là một chủ đề nói mãi cũng chưa dừng được. Giá trị của hình tượng này đối với quá trình bồi dưỡng tâm hồn Việt Nam trong mỗi chúng ta thật khó mà đo lường cho hết. Trước khi tạm dừng, tôi xin giới thiệu thêm một tư liệu nữa, là thơ viết về Hồ Chí Minh của một nhà thơ - liệt sĩ từng hoạt động sôi nổi trong phong trào trí thức trẻ những năm 1963-1968 ở Miền Nam. Nhà thơ - liệt sĩ ấy là Trần Quang Long, vốn có quê cha đất tổ là làng/ xã Bát Tràng (Hà Nội). Gia đình anh theo đạo Tin Lành. Là thủ lĩnh thực sự của phong trào học sinh, sinh viên yêu nước ở Huế, lúc đang hoạt động, anh chưa hề được ra Bắc, cũng chưa được gặp các cán bộ - chiến sĩ giải phóng mà chỉ đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước trong sáng và nhận thức của thế hệ mình về tình hình đất nước bị xâm lăng. Gặp cảnh binh sĩ Việt Nam Cộng hoà đàn áp sinh viên, học sinh, đàn áp đồng bào tiểu thương thì anh vận động anh em xuống đường biểu tình tại Huế, Quy Nhơn, Sài Gòn, Cần Thơ… Bản thân Trần Quang Long bị chế độ Việt Nam Cộng hoà bắt giam 4 lần, trong xung đột, bị lính Việt Nam Cộng hoà bắn gãy chân… Trần Quang Long sáng tác nhiều thơ tranh đấu vừa động viên anh em vừa tố cáo bọn bán nước bạo tàn và gieo vào lòng đồng đội niềm tin ở ngày mai tươi sáng. Những áng thơ hay của Trần Quang Long như Thưa mẹ, trái tim; Nhận diện; Lớn lên không ngừng; Tiếng hát của người tù… thực sự đã là lời kêu gọi “Lên đường”, “Dậy mà đi” của cả một thế hệ trẻ học sinh, sinh viên đô thị Miền Nam, góp phần vào sự nghiệp giải phóng Miền Nam những năm 1963-1975. Đầu năm 1968, Trần Quang Long trở thành Chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác Thành phố Sài Gòn, là thành viên Liên minh Dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, anh được đón vào chiến khu, làm việc tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam đóng tại Tây Ninh. Anh hi sinh sáng ngày 11/10/1968, trong trận B52 Mĩ ném bom vào căn cứ. Sau đây là một đoạn thơ Trần Quang Long viết tại vùng giải phóng Tây Ninh về hình tượng Bác Hồ:

   “Hang Pắc Bó gió lùa manh áo vải
   Mà lòng Người đang sưởi ấm nhân dân
   Lúc đói cơm Người ăn lá rau rừng
   Nhắc đến tên Người lòng ta muốn khóc”.
                                                       (Bảy mươi tám năm, người Cha già kính yêu, 1968)

   Qua những vần thơ cách mạng được phân tích ở trên, chúng ta có lý do để nói tiếp rằng: Sự cao khiết, anh minh, hồn hậu, giản dị của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có sự vẫy gọi to lớn khiến cho nhiều người có thể viết được những vần thơ xúc động, tạo hiệu quả xã hội tự nhiên rộng lớn và lâu dài.

 

 

 

Chú thích:
1 Từ điển văn học bộ mới, NXB Thế giới, 2004, tr. 1685.

Bình luận

    Chưa có bình luận