LIÊN KẾT CẤU TRÚC VÀ LIÊN KẾT NGỮ NGHĨA TRONG ''DI CHÚC'' CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Từ góc độ ngôn ngữ học văn bản, bài viết phân tích liên kết cấu trúc và liên kết ngữ nghĩa trong ''Di chúc'' của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó cho thấy tính hoàn chỉnh, liên kết cấu trúc chặt chẽ, liên kết nội dung rõ ràng, mạch lạc tạo nên nhịp điệu, sức lan toả ngữ nghĩa của bản ''Di chúc''.

   Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết năm 1969 (theo bút tích và các bản in chính thức thì bản thảo Di chúc kết thúc vào ngày 10/5/1969, trước khi Người mất chừng hơn 3 tháng)1. Di chúc đã trở thành một văn bản lịch sử. “Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là những tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau”2. Những lời căn dặn đó đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp nhận, thấm nhuần và thực hiện 55 năm qua. Trong bài viết này, chúng tôi phân tích giá trị liên kết và giá trị ngữ nghĩa của bản Di chúc từ góc độ của ngôn ngữ học văn bản (textual lingguistics).

   Trước hết, với bản Di chúc, cần được hiểu như thế nào về đối tượng nghiên cứu (tức thuộc thể loại văn bản nào)? Về nghĩa, di: để lại cho người sau, chúc: dặn lại. Di chúc là “lời dặn lại trước khi chết”, là lời (của ai đó) trước khi từ giã cõi đời dặn lại (cho người thân, anh em, bạn bè…) những gì cần làm và nên làm. Đa số các bản di chúc là những lời ngắn gọn, là những dặn dò liên quan tới những vấn đề hệ trọng, có khi trong phút lâm chung; với các bậc quân vương là chọn người thừa kế ngai vàng, chọn nơi an táng, những người có thể lo việc lớn trong triều đình; với người bình thường thì là chuyện thừa kế tài sản (chia gia tài cho con cháu) hay nguyện vọng cần thực thi mà người đó chưa thực hiện được. Di chúc có thể bằng lời, có thể bằng văn bản (chúc thư) nhưng thường ngắn gọn, có khi chỉ là những “gạch đầu dòng” các đầu việc. Những người còn sống tiếp nhận để có căn cứ lo liệu những việc cần thiết mà người đã khuất trăng trối lại.

   Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt ra ngoài các di chúc thông thường. Có thể nói, những suy nghĩ của Người được chuẩn bị và viết một cách chủ động, công phu từ tư duy một lãnh tụ tuy “đã vào lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt”3. Di chúc được cấu trúc có tuần tự, logic, có nội dung lần lượt theo chủ đề, có lý, có lẽ. Đó là một văn bản mang phong cách chính luận mà chúng ta cần phải phân tích từ hai góc độ: liên kết cấu trúc (structural cohesion) và liên kết ngữ nghĩa (semantic cohesion).

   Văn bản (text) hay diễn ngôn (discourse) là một sản phẩm của ngôn ngữ nói hay viết, theo một chủ đề nhất định, có cấu trúc và nội dung hoàn chỉnh, có logic và có sự mạch lạc (coherence).

   Cần phải nói thêm, trong ngôn ngữ học tồn tại hai thuật ngữ “văn bản” và “diễn ngôn”. Vậy văn bản và diễn ngôn được hiểu và sử dụng như thế nào? Trước hết, có thể thấy hai thuật ngữ này được sử dụng khác nhau trong từng giai đoạn cụ thể.

   Ở giai đoạn đầu, do trọng tâm nghiên cứu tập trung ở sản phẩm ngôn ngữ bằng chữ viết nên tên gọi “văn bản” được dùng đại diện để chỉ chung những sự kiện nói viết và sự kiện nói miệng có mạch lạc và liên kết.

   Ở giai đoạn hai, do ngôn ngữ nói được quan tâm nhiều hơn nên hai tên gọi “diễn ngôn” và “văn bản” được sử dụng song song, “văn bản” được dùng để chỉ sản phẩm ngôn ngữ bằng chữ viết còn “diễn ngôn” chỉ sản phẩm ngôn ngữ nói miệng. Giai đoạn này phân biệt rõ hai tên gọi “diễn ngôn” và “văn bản”.

   Hiện nay, tên gọi “diễn ngôn” được dùng để chỉ chung cả sản phẩm ngôn ngữ bằng chữ viết và sản phẩm ngôn ngữ nói như tên gọi “văn bản” ở giai đoạn đầu, có nghĩa thuật ngữ “diễn ngôn” đã bao hàm cả “văn bản”. Tuy nhiên, chúng tôi dùng khái niệm “văn bản” trong bài viết này để chỉ một sản phẩm ngôn ngữ tham gia giao tiếp được “cố định bằng văn tự”.

   Theo nhà nghiên cứu ngôn ngữ học văn bản Trần Ngọc Thêm, có nhiều phương thức liên kết trong văn bản. Theo ông: “Có 5 phương thức liên kết là tài sản chung mà cả ba loại phát ngôn đều có thể sử dụng được là: phép lặp (gồm lặp từ vựng, lặp ngữ pháp, lặp ngữ âm), phép đối, phép thế đồng nghĩa, phép liên tưởng và phép tuyến tính”4, “Nhóm liên kết hợp nghĩa bao gồm ba phương thức: phép thế đại từ, phép tỉnh lược yếu và phép nối lỏng”5, “Nhóm liên kết trực thuộc gồm hai phương thức: phép tỉnh lược mạnh và phép nối chặt”6. Trong phạm vi một bài viết, chúng tôi không thể khảo sát và đề cập tới tất cả các phép liên kết mà chỉ dừng lại phân tích một vài phép liên kết tiêu biểu, được thể hiện rõ nhất trong Di chúc của Bác.

   1. Liên kết cấu trúc trong Di chúc

   Văn bản Di chúc không dài, chia thành các phần (khối) liên kết văn bản, mỗi phần bao gồm một số đoạn văn, thể hiện một nội dung chính hoặc một chủ đề trong khối văn bản đó. Có thể phân chia như sau:

   a) Phần 1, Mở đầu, từ “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta” đến “… đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”.

   b) Phần 2, Dẫn nhập, từ “Ông Đỗ Phủ là người làm thơ…” đến “… và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”.

   c) Phần 3, chủ đề “Trước hết nói về Đảng”.

   d) Phần 4, chủ đề “Đoàn viên và Thanh niên ta”.

   e) Phần 5, chủ đề “Nhân dân lao động”.

   f) Phần 6, chủ đề “Cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

   g) Phần 7, chủ đề “Về phong trào Cộng sản thế giới”.

   h) Phần 8, chủ đề “Về việc riêng”.

   Cả bản Di chúc là một văn bản hoàn chỉnh. Tất cả các phần trên tạo nên một cấu trúc liên kết riêng, rõ ràng, đầy đủ. Ta dễ nhận ra các khối văn bản đều tuần tự, liên thông và có cấu trúc chặt chẽ.

   2. Phép lặp (lặp kép) trong Di chúc và ngữ nghĩa thể hiện trong văn bản

   Như đã nói, trong Di chúc của Bác có nhiều phương tiện liên kết được sử dụng. Chúng tôi chỉ phân tích một số ví dụ về phép lặp trong mạch văn của Hồ Chí Minh.

   Ngoại trừ những trường hợp lặp từ hoặc tổ hợp từ (như “cuộc chống Mỹ”, “cứu nước”, “nhân dân”, “Đảng”, “cách mạng”, “đoàn kết”…), ta thấy phép lặp được biểu hiện khá rõ nét. Chẳng hạn, ở đoạn nói về “Cuộc kháng chiến chống Mỹ”, sau khi nói về sự khó khăn, gian khổ và dẫn 2 câu thơ, Bác viết: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Bác đã sử dung phép lặp kép (lặp cấu trúc cú pháp và lặp từ vựng). Các câu trên đều có cấu trúc đồng dạng là “C + trạng từ + phó từ + V”. Tổ hợp từ “nhất định (trạng từ) sẽ (phụ từ)” cũng liên tục được nhắc lại. Trong lập luận, phép lặp được sử dụng khá phổ biến. Nó không chỉ tạo ra sức thuyết phục cao mà còn làm cho mạch văn thêm hùng hồn, trôi chảy, dễ đọc, dễ nhớ… nhờ các thao tác liên tưởng hồi chỉ (anaphora), phục hồi. Ngay cả đoạn trên nói về Đảng, ta cũng thấy nhiều đoạn được lặp có chủ ý: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây thực sự là những áng văn thể hiện tư tưởng, cốt cách Hồ Chí Minh. Cách lặp (câu và từ) tạo nên nhịp điệu hùng hồn, làm cho sức lan toả của văn bản rộng hơn, người đọc dễ nhập tâm và hiệu ứng ngữ nghĩa cũng cao hơn.

   3. Lập luận và ngữ nghĩa lập luận

   “Lập luận (argumentation) là một hoạt động ngôn từ. Bằng công cụ ngôn ngữ, người nói đưa ra những lý lẽ nhằm dẫn dắt người nghe đến một hệ thống xác tín nào đó: rút ra một (một số) kết luận hay chấp nhận một (một số) kết luận nào đó”7.

   Về cơ bản, mọi sản phẩm ngôn ngữ khi được hiện thực hoá trong giao tiếp đều hướng tới lập luận. Mỗi phát ngôn (utterance), mỗi mệnh đề, mỗi câu (sentence) đều biểu thị một phán đoán. Các phán đoán kết hợp sẽ tạo nên lập luận. Phát ngôn “Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu tôi đi đã” là một câu ghép, có 2 mệnh đề, liên kết theo quan hệ kéo theo (A → B), làm thành một lập luận hoàn chỉnh. Lập luận được xây dựng trên cơ sở luận cứ (argument). Lập luận trong câu, chẳng hạn “Nếu trời mưa thì đường lầy” được thiết lập từ 1 luận cứ. Lập luận càng nhiều luận cứ càng có giá trị xác tín và có hiệu quả thuyết phục cao.

   Ta thử phân tích ngữ nghĩa lập luận trong phần Mở đầu của Di chúc. Ở đoạn này, Người đã cố chọn một cách “vào đề” phù hợp nhất để “vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay” (Tố Hữu). Có thể cấu trúc hoá phần Mở đầu như sau:

   - Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước chắc chắn sẽ thắng lợi, dù còn gặp nhiều khó khăn;

   - Nếu việc (thắng lợi cuối cùng) đó diễn ra thì theo lẽ thường hợp lý nhất, trọn vẹn nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đi thăm, uý lạo quân dân hai miền và cảm ơn, đáp lễ bè bạn khắp năm châu;

   - Tuy nhiên, hiện tại tuổi của Bác đã cao, rất có thể phải “ra đi” bất thường, không ai đoán trước, biết trước;

   - Vậy Người cần phải chuẩn bị sẵn những lời căn dặn (cho mọi người “khỏi cảm thấy đột ngột” và như thế mới chu đáo, trọn vẹn…).

   Vào những năm 60 của thế kỷ XX, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của chúng ta còn rất ác liệt, vai trò của Hồ Chủ tịch và của Đảng là rất lớn, hầu như ít có ai nghĩ tới việc Bác qua đời và hình dung nổi cảnh tượng Bác qua đời. Bác là ngọn cờ chỉ lối, là niềm tin, là lãnh tụ tối cao có khả năng tập hợp sức mạnh toàn dân: “Hồ Chí Minh - Người ở khắp nơi nơi” (Tố Hữu). Có lẽ Bác không tự đề cao mình quá mức nhưng từ sâu thẳm tình cảm, Bác cũng hình dung ra tác động của sự mất mát đó. Vì vậy mà ngay từ lời đầu tiên, Người đã khẳng định một niềm tin như chân lý để toàn dân vững tâm: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

   Đó là một điều chắc chắn”.

   Câu “Đó là một điều chắc chắn” được xuống dòng, đặt riêng một đoạn, tạo nên một ấn tượng cảm nhận và giá trị khẳng định cao hơn hẳn. Bác muốn truyền một sự tin tưởng tuyệt đối cho nhân dân. Điều này không còn phải nghi ngờ. Đó sẽ là nền tảng đoàn kết làm nên sức mạnh toàn dân đi đến cùng trong cuộc kháng chiến trường kỳ.

   Nói đến việc ra đi (điều mà toàn dân và cả chính bản thân Người không ai muốn), Bác đã nhẹ nhàng, làm “mềm hoá” vấn đề bằng việc dẫn thơ của Đỗ Phủ – nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời nhà Đường (“Nhân sinh thất thập cổ lai hi”). Việc dẫn đó, Bác muốn nhấn mạnh “thọ tới 79 tuổi (như Bác) thuộc diện “hiếm” đối với mọi người. Người đã vượt “ngưỡng” của tuổi thọ”; “bản thân Người tuy tuổi cao nhưng vẫn sáng suốt, minh mẫn (đó là điều thật quý giá)”; “nhưng dù sao thì việc ra đi bất thường (của Người) là rất có thể xảy ra”; vì vậy, việc viết “mấy lời này” là cần thiết.

   Theo chúng tôi, đây là một đoạn mở đầu đơn giản, độc đáo, đậm chất nhân văn và có sức thuyết phục cao, làm lay động lòng người. Sở dĩ có được điều này là do cách nói của Bác rất “có lý, có tình”. Có lý là đoạn văn được viết một cách logic, có tính lập luận. Còn có tình thì rõ ràng ai cũng nhận thấy qua mỗi câu, mỗi chữ đều toát lên tình cảm thiết tha của Người.

   Một phần tiêu biểu nữa là phần 3: “Trước hết nói về Đảng”.

   Phần nói về Đảng trong Di chúc không dài nhưng thể hiện một cách cô đọng nhất tư tưởng của Bác với tư cách một lãnh tụ. Phần này chia thành 3 đoạn:

   - Đoạn 1: Nói về vai trò của Đảng (trong sự nghiệp chung của đất nước);

   - Đoạn 2: Nói về trách nhiệm của Đảng trước nhân dân;

   - Đoạn 3: Nói về sự đoàn kết (làm nên sức mạnh) của Đảng.

   Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quan điểm của Bác khi nói về Đảng chính là vấn đề đoàn kết. Đây cũng là vấn đề cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà mọi người Việt Nam đều thấm nhuần (“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”). Ta thấy vấn đề đoàn kết liên quan tới một loạt nội dung sau đó Bác có đề cập tới (cuộc kháng chiến chống Mĩ, nhân dân lao động, phong trào cộng sản thế giới…). Lập luận cơ bản Người đưa ra là:

   - Đoàn kết là một truyền thống làm nên sức mạnh;

   - Đảng ta đã biết đoàn kết (tận dụng sức mạnh này) và cho đến nay đã đạt được những thành tựu nhất định;

   - Nội dung của đoàn kết là biết “thực hành dân chủ rộng rãi”, biết “phê bình và tự phê bình”, biết “thấm nhuần đạo đức cách mạng, chí công vô tư” và phải “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”;

   - Đảng phải biết tiếp tục phát huy, giữ gìn sự đoàn kết “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”…

   4. Kết luận

   Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dài nhưng nó mãi mãi được coi là một văn bản đặc biệt, một văn bản tuân thủ các đặc điểm cần có: tính hoàn chỉnh, liên kết cấu trúc chặt chẽ và liên kết nội dung rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt là về ý nghĩa, cách viết và cách sử dụng ngôn từ của Bác. Sau 55 năm, đọc lại Di chúc, ta vẫn thấy xúc động và thấm thía. Người ta thường nói “những cái gì hay thì luôn luôn mới”. Di chúc của Bác Hồ thực sự luôn luôn mới, luôn luôn có giá trị với mọi thế hệ, mọi thời đại của dân tộc Việt Nam. Di chúc, trong mọi nơi mọi lúc, ta đọc lại vẫn như vẳng bên tai “lời non nước, núi sông”.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (1995), Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn (Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), NXB Khoa học xã hội.
2. Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán (1993), Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, NXB Giáo dục.
3. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2009.
4. Hồ Chí Minh Tuyển tập, tập 1, NXB Sự thật, 1980.
5. J. R. Searle (1972), Les actes de Langage (Các hành vi ngôn ngữ), Minuit, Paris.

Chú thích:
* Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học.
1 Chúng tôi căn cứ vào bản chính thức văn bản Di chúc in trong Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 2, NXB Sự thật, 1980.
2 Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9/9/1969, http//www. https:// www.bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/1605.
3 Hồ Chí Minh Tuyển tập, tập 1, NXB Sự thật, 1980, tr. 540-541.
4 , 5, 6 Trần Ngọc Thêm (2001), Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, NXB Giáo dục, tr. 86, 141, 184.
7 Nguyễn Đức Dân (1998), Ngữ dụng học, tập 1, NXB Giáo dục, tr. 165.

Bình luận

    Chưa có bình luận