Nghệ thuật chèo cũng như nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn khác không thể không có múa. Mặc dù múa không phải là yếu tố quyết định đặc trưng của nghệ thuật chèo nhưng trong một chỉnh thể nguyên hợp, múa là thành phần không thể thiếu trong mỗi tác phẩm chèo, góp phần xây dựng nên tính cách, hình tượng nhân vật. Bởi vậy, nghệ thuật múa chèo cũng biến đổi cùng với thăng trầm của các tác phẩm chèo mới.
Trên con đường sáng tạo nghệ thuật, ngày nay, nghệ thuật chèo được các biên đạo múa Việt Nam tìm kiếm sáng tạo theo nhiều xu hướng khác nhau để cùng đến một đích là múa Việt Nam dân tộc - hiện đại. Có thể điểm qua một số xu hướng sáng tác như: múa chèo kết hợp với múa dân gian dân tộc, múa chèo kết hợp múa dân gian và những động tác sinh hoạt đương đại, múa chèo kết hợp với múa dân gian và múa nước ngoài (múa ballet cổ điển và múa hiện đại phương Tây). Nghệ thuật chèo cũng đang có xu hướng cách tân, ngôn ngữ có sự pha trộn của tuồng, múa dân gian, đôi khi thêm ngôn ngữ hiện đại.
1. Múa chèo kết hợp với múa dân gian người Việt
Múa dân gian là hình thái múa phổ biến của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, do dân chúng sáng tạo, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Múa dân gian được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Nó tiêu biểu cho bản sắc văn hoá của từng cộng đồng và là cơ sở để phát triển các hình thái múa khác.
Việt Nam có 54 dân tộc và mỗi dân tộc đều có những điệu múa dân gian đặc trưng của mình. Người Việt có múa rồng, múa trống, múa sênh, múa mõ, múa sư tử...; người Mường có múa sạp, múa chàm đuống, múa chàm thau...; người Tày có múa quạt, múa nhạc, múa giã gạo...; người Thái có múa xoè (nón, nhạc, khăn, đàn…); người Khmer có múa mặt nạ, múa lăm vông, múa lăm lêu, múa rom lêu…; người Chăm có múa quạt Pì zềnh, múa “đội nước” (ndoa buk), múa đạp lửa…; người Ê Đê có múa trống, múa chim G’rứ...; người Ba Na có múa khiên, múa soang...
Trên cơ sở múa dân gian dân tộc, các biên đạo múa đã có những sáng tạo phù hợp để kết hợp múa dân gian dân tộc với múa chèo. Điều này có thể thấy rất rõ trong một số vở chèo lịch sử như Vương nữ Mê Linh hay Nàng thứ phi họ Đặng của Nhà hát Chèo Hà Nội. Trong hai vở chèo này, khán giả có thể thấy âm hưởng của vũ điệu các dân tộc ở Tây Nguyên, vũ điệu của dân tộc Chăm được các biên đạo sử dụng khá hiệu quả.
Bên cạnh những lớp múa được lấy từ chất liệu vũ điệu của các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, vũ điệu của dân tộc Chăm… thì khá nhiều vở chèo sử dụng múa dân gian để minh họa cho lời hát, trang trí cho cảnh diễn thêm sinh động, hấp dẫn, đặc biệt là những phần mở màn và cuối màn. Cũng có khi múa dân gian dân tộc kết hợp với múa chèo giúp lột tả tính cách nhân vật như màn múa đơn với quạt của nhân vật bà Hợi trong vở chèo Thạch Sùng (Đoàn Chèo Hải Phòng) với những động tác cuộn ngón, xe chỉ…
2. Múa chèo kết hợp với múa dân gian và múa hiện đại
Ở xu hướng này, các biên đạo có sự kết hợp của rất nhiều dòng múa khác nhau phục vụ cho chủ đề của tác phẩm. Đặc điểm của múa dân gian dân tộc Việt Nam là mang đậm bản sắc, phong cách, tâm hồn dân tộc của từng tộc người, từng vùng miền. Ngôn ngữ của múa dân gian chủ yếu là các động tác phản ánh quá trình lao động của người dân làng xã: quay tơ, dệt lụa, khâu vá, đi cấy, đánh cá, săn thú… Động tác múa hài hoà, đăng đối đồng thời thể hiện cả giới tính của nhân vật: nữ múa mềm mại, uyển chuyển, khoan thai, múa tay là chính với những đường tròn trĩnh, uốn lượn, không gãy góc, cơ thể không vận động mạnh, chân thường khép kín và dùng gối; nam múa phóng khoáng với động tác tay chân mở rộng, khoẻ nhưng trong cứng có mềm. Thêm vào đó, tình cảm và tính cách nhân vật cũng được thể hiện ở động tác múa. Những đường nét lượn sóng được thể hiện qua nhiều động tác múa, tuyến múa, đội hình múa làm tôn nên sắc thái văn hoá lúa nước và vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo của người Việt. Những điệu múa ô, múa khèn của người Mông; những điệu múa khiên, múa giáo của các dân tộc Tây Nguyên, xét về mặt luật động, tạo hình và tuyến múa có nhiều điểm phong phú và khác biệt. Trong khi đó, múa ballet, múa hiện đại phương Tây với hệ thống ngôn ngữ động tác múa khoa học, linh hoạt, có kỹ thuật cao, những bước nhảy dài trên không, những vòng quay lớn cùng với phương pháp cấu trúc ngôn ngữ, cấu trúc tác phẩm chặt chẽ có tính logic cao… Trong các tác phẩm chèo hiện nay, các biên đạo múa đã có sự kết hợp của múa chèo với múa dân gian và múa hiện đại. Sự kết hợp này có thể giúp cho tác phẩm phản ánh sâu sắc hơn tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con người Việt Nam đương đại, đồng thời làm tăng tính hấp dẫn của vở diễn.
Mở màn vở chèo Hùng ca Bạch Đằng Giang (Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần) là màn múa tập trận của các binh sĩ dưới sự chỉ đạo của tướng quân Dương Đình Nghệ. Trong nhịp trống dồn dập, các binh sĩ di chuyển theo 2 hàng chéo từ phía cánh gà ra rồi đan chéo vào nhau, sau đó xếp thành 3 hàng ngang, tay cầm khiên và giáo. Những động tác khom người, dậm chân, xoay người, nhảy cao của múa đương đại được kết hợp với những động tác chèo thuyền nhanh mạnh của múa dân gian, tất cả rất đồng đều, rồi đội hình co cụm lại tạo thành một tảng đá vững như bàn thạch, nhún người, che khiên, chĩa giáo về phía trước hừng hực khí thế chiến đấu tạo ra một màn mở đầu hoành tráng, hùng dũng, khí thế, gây ấn tượng mạnh cho khán giả xem chèo. Ở lớp múa này, biên đạo đã sử dụng đạo cụ khá thông minh, đồng thời đảm bảo được nguyên tắc ước lệ trong chèo cổ. Với đạo cụ là khiên và giáo cùng với tuyến đội hình hai đường chéo đan nhau và động tác cúi thấp, che khiên đã diễn tả được tinh thần tập trận của các binh sĩ. Cũng với đạo cụ ấy, khi động tác múa chuyển sang chèo thuyền, chiếc khiên ngả ra như những chiếc thuyền thúng, ngọn giáo được biến thành mái chèo, họ đan kết với nhau bằng đôi chân của người này bước vào thúng của người kia, đồng loạt làm động tác chèo thuyền với những cánh tay vung chắc, mạnh, thể hiện khí thế chiến đấu kiên cường, đồng thời biểu thị được tinh thần đoàn kết vững chắc của quân dân. Có thể nói, với màn múa tập trận này, biên đạo múa Khánh Toàn đã biết kết hợp múa chèo với múa dân gian và múa hiện đại rất hợp lý và sáng tạo. Nó vừa tham gia vào tích chuyện (với tư cách là một yếu tố kể chuyện) vừa mang hơi thở hiện đại, đồng thời vẫn giữ được chất chèo nhờ yếu tố ước lệ được vận dụng ngọt ngào trong lớp múa này.
Việc hòa trộn nhiều dòng múa khác nhau trong cùng một tác phẩm là sự lựa chọn của nhiều biên đạo múa hiện nay. Tuy nhiên, trong nghệ thuật chèo, điều này không dễ thực hiện, bởi nó phải tùy theo hoàn cảnh kịch, tâm trạng nhân vật, mục đích của đạo diễn và phải tuân theo phương pháp, nguyên tắc, đặc trưng thể loại của loại hình sân khấu chèo. Vì thế, trong quá trình thực hiện ngôn ngữ này, đòi hỏi các nhà biên đạo phải nghiên cứu một cách khoa học, tìm tòi và kết hợp khéo léo, biết nhào nặn cái nào là chính, cái nào là phụ, ứng dụng chúng vào trong mỗi tổ hợp múa, mỗi một đoạn múa, lớp múa đều có sự liên kết logic giữa các động tác múa với nhau để làm nổi bật lên chủ đề của tác phẩm. Đặc biệt tránh hiện tượng biên đạo quá chú trọng tới một dòng múa nào đó mà đánh mất đi các giá trị thẩm mĩ vốn có của nó, gây cho người xem những cảm nhận hoàn toàn trái ngược, phản cảm trong hưởng thụ nghệ thuật.
3. Sử dụng ngôn ngữ múa hiện đại trong chèo
Múa hiện đại là một trường phái múa xuất hiện ở Mĩ và Đức vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Về mặt kỹ thuật, “múa hiện đại quan tâm đến trọng lực và sự cân bằng cơ thể, ngã và trở dậy, co cụm và bung ra, chân trần và mối quan hệ giữa người biểu diễn với sàn sân khấu cùng với các động tác tầm thấp. Hơi thở là gốc để đạt được sự thư giãn và là cội nguồn của các chuyển động trong múa hiện đại”1. Nguồn gốc của vũ điệu múa hiện đại nằm bên trong, ở cảm xúc của nghệ sĩ biểu diễn chứ không ở bên ngoài. Cảm xúc được biểu hiện ra bên ngoài bằng động tác cơ thể mà mức độ của nó phụ thuộc vào cường độ cảm xúc của người nghệ sĩ.
Ngôn ngữ múa hiện đại được Việt Nam tiếp nhận chính thức từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, qua quan hệ giao lưu với các nước phát triển như: Australia, Pháp… mở ra một giai đoạn du nhập các hình thức múa hiện đại, múa đương đại.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ánh sáng của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, nền nghệ thuật sân khấu dân tộc nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng đã từng bước được phục hưng, phát triển, nhất là trong giai đoạn 1975-1954. Từ đó đến nay, qua nhiều quá trình tìm tòi, thử nghiệm làm chèo mới, các nghệ sĩ chèo đã cố gắng tiếp thu các yếu tố tích cực đồng thời loại bỏ các yếu tố ngoại lai tiêu cực từng làm mất đi đặc trưng ngôn ngữ của chèo. Trong xu hướng tiếp thu có chọn lọc, múa chèo đã tiếp nhận một số nét của múa ballet cổ điển, múa hiện đại làm phong phú thêm ngôn ngữ múa thể hiện trong chèo. Một loạt các vở chèo sử dụng múa hiện đại, múa ballet cổ điển như vở Những vần thơ thép, Chuyện tình trên bến Nam Xang, Người chiến sĩ năm xưa, Giếng thơi trong lòng phố...
Múa hiện đại được biểu hiện trước hết qua những động tác, luật động mang phong cách tự do, phóng khoáng. Múa có tính kỹ thuật cao, kế thừa tinh hoa của múa dân gian và múa ballet trong quá trình phát triển ngôn ngữ mới, làm tăng thêm những sắc màu khác lạ qua sự đa dạng của ngôn ngữ múa hiện đại. Chẳng hạn như màn múa của đạo sĩ trừ tà, chữa bệnh cho vua ở phần mở màn vở diễn Dây tràng hạt diệu kỳ (Nhà hát Chèo Việt Nam), màn múa đôi tự tình đầy hài hước của Thạch Tị và bà Hợi trong vở chèo Thạch Sùng (Đoàn Chèo Hải Phòng) hay lớp múa lả lơi của các cô gái quán bar trong vở chèo Giếng thơi trong lòng phố (Nhà hát Chèo Việt Nam)… là những lớp múa hoàn toàn sử dụng ngôn ngữ múa hiện đại để diễn tả cảnh kịch. Nếu như trong tác phẩm Dây tràng hạt diệu kỳ, biên đạo múa sử dụng ngôn ngữ múa hiện đại với những động tác ma quái, cuồng dại, thỉnh thoảng nhảy bật cao với trang phục quần áo đen, choàng đen mô tả vẻ bí hiểm của đạo sĩ khi trừ tà ma thì vở chèo Giếng thơi trong lòng phố lại là những điệu múa uốn éo, lả lơi, đầy khêu gợi của các cô gái quán bar trong trang phục váy ngắn hở hang.
Có những vở diễn, biên đạo múa đã sử dụng ngôn ngữ múa hiện đại rất hiệu quả, tạo dấu ấn cho người xem chèo như lớp múa đôi của nhân vật Thạch Tị và bà Hợi trong vở chèo Thạch Sùng (Đoàn Chèo Hải Phòng) và nhiều lớp múa hiện đại của các cô gái trong tửu lầu và hồn ma trong vở chèo Chuyện tình trên bến Nam Xang, múa trong vở chèo Những vần thơ thép. Ở vở chèo Thạch Sùng, nội dung của lớp múa đôi này nói về cuộc tình hài hước giữa con trai của Thạch quận công, người có hình hài và trí tuệ không bình thường (một dạng Cả Sứt của hề chèo), còn bà Hợi – người đàn bà góa chồng nhưng ham giàu và vẫn muốn “chơi trống bỏi” nên sẵn sàng chủ động ghẹo chàng trai kém mình nhiều tuổi. Thạch Tị chưa bao giờ được gần phụ nữ nên cho dù bà Hợi nhiều tuổi, Thạch Tị vẫn thích thú. Cả màn tự tình, ghẹo trai này được biên đạo múa xử lý bằng lớp múa lưu không, chàng trai cầm quạt phe phẩy, hài hước, bà Hợi múa những điệu múa khêu gợi, mời gọi. Lớp múa kết thúc bằng cảnh hai nhân vật cùng dắt nhau vào trong rất vui vẻ. Có thể nói, lớp múa hiện đại này vừa lột tả được tính cách của hai nhân vật vừa mang tính chất kể chuyện, vừa cho khán giả thưởng thức một lớp diễn đầy hài hước.
Với Chuyện tình trên bến Nam Xang - câu chuyện mang yếu tố “liêu trai” về cuộc tình giữa Trình Trung Ngộ và nàng Nhị Khanh - biên đạo múa sử dụng rất nhiều màn múa hiện đại, khi là phụ họa cho lời hát, khi là múa thể hiện hành động. Màn múa của các cô gái trong tửu lầu khi đón tiếp các vị khách đến chơi là màn múa ấn tượng với sự đồng đều về động tác, những động tác hất vai, lắc mông, liếc mắt, nhún người uốn lượn quanh chiếc ghế đều được thể hiện uyển chuyển, nhịp nhàng. Đến màn múa của các hồn ma với trang phục màu trắng, đeo mặt nạ, những động tác chuyển sang ma quái, quằn quại, chủ yếu là động tác hất tay, bước chân dài, những cái nghiêng đầu, tuyến di chuyển đan chéo, những động tác uốn lượn thân người… tất cả tạo nên vẻ ma quái, rùng rợn.
Còn trong vở Những vần thơ thép, màn múa “hùng binh” của các chiến sĩ cách mạng trên nền nhạc Cùng nhau đi hùng binh với lá cờ đỏ sao vàng quàng trên vai, những động tác khỏe khoắn, dứt khoát thể hiện lòng quyết tâm của quân và dân ta và niềm tin vào ngày mai tươi sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù khi đó Người đang bị giam trong tù.
Có thể nói, múa hiện đại được sử dụng khá nhiều trong chèo và thường được sử dụng để diễn tả hành động hoặc tâm trạng nhân vật. Rất nhiều lớp múa hiện đại vào chèo khá ngọt ngào, đem lại hiệu quả nghệ thuật cho tích truyện. Múa hiện đại vừa tham gia vào yếu tố kể chuyện vừa tạo sự hấp dẫn cho chèo, đồng thời giúp chèo mang hơi thở hiện đại, tiếp cận với đời sống, con người hôm nay.
4. Kết luận
Khai thác và lựa chọn chất liệu, ngôn ngữ múa nào để phản ánh hiện thực đời sống trong chèo hiện đại nhằm diễn tả cuộc sống, xã hội, tính cách con người Việt Nam đương đại là một trong những hướng sáng tạo của các biên đạo múa. Điều này đòi hỏi các biên đạo vừa phải biết kế thừa những nguyên tắc đặc trưng của múa chèo truyền thống vừa diễn tả đúng và điển hình hóa những vấn đề xã hội, những tính cách con người hiện đại thông qua sự kết hợp với các ngôn ngữ múa khác để tạo hiệu quả. Trong mối quan hệ giữa kế thừa và biến đổi, phải lấy kế thừa làm gốc, là cơ sở để tiếp nhận cái mới, tạo nên sự hài hòa giữa cái mới với đặc trưng truyền thống. Muốn vậy, trước hết cần am hiểu văn hóa truyền thống, sử dụng tối đa vốn múa trong chèo truyền thống để chuyển hóa các mô hình cũ, xây dựng mô hình mới. Múa trong chèo ngày nay sẽ thực sự mang dấu ấn văn hóa trên tiến trình tiếp biến trong cuộc hội nhập với cộng đồng thế giới đương đại.
Chú thích:
1 Nhiều tác giả (2012), Tuyển tập những bài viết về nghệ thuật múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam xuất bản, tr. 62.