MỘT DÒNG VĂN HỌC HỒI SINH

Bài viết phân tích những đặc điểm, thành tựu của dòng văn học khoa học viễn tưởng và văn học giả tưởng. Qua đó khẳng định dòng văn xuôi tự sự này đã hồi sinh trong văn học Việt Nam hiện nay nhưng đòi hỏi phải có sự quan tâm để tạo điều kiện và khích lệ dòng văn học này tiếp tục đứng vững và phát triển.

   ầu thế kỷ XXI, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển của văn hóa, văn học Việt Nam có một dòng văn xuôi tự sự đã thực sự hồi sinh. Đó là dòng văn học khoa học viễn tưởng và văn học giả tưởng. Nó hồi sinh không phải trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm nghệ thuật vốn rất ít ỏi của văn xuôi giả tưởng trước Cách mạng Tháng Tám (tiêu biểu như 2 cuốn Thám hiểm mặt trăng Trên Hỏa tinh của Vũ Tinh, do NXB Cộng lực in năm 1941)1 mà chủ yếu là kế thừa và tiếp nhận những ảnh hưởng tích cực của văn học thế giới đương đại – văn học của “thời đại @”. Đây là dòng văn học mà ở Việt Nam, độc giả “hồi sinh” trước tác giả. Bởi vì trước nó, độc giả chỉ đọc sách dịch, các nhà xuất bản Việt Nam ưu tiên sách dịch từ văn học nước ngoài hơn là đầu tư và tiếp nhận bản thảo của các tác giả trong nước.

   Những người viết lịch sử văn học Việt Nam trong tương lai sẽ không thể bỏ qua dòng văn học này, những người làm công tác nghiên cứu và phê bình văn học nghệ thuật hôm nay cũng không thể thờ ơ trước cuộc hồi sinh âm thầm, lặng lẽ mà quyết liệt này của nó. Nó âm thầm lặng lẽ vì gần như nó bị đặt ra ngoài vòng phủ sóng của văn học chính thống, “văn học người già”, vì nó bị đặt trong định kiến về một hình thức văn chương giải trí và văn học mạng internet. Nhưng thực tế sáng tác và tiếp nhận của dòng văn học này đã chiếm lĩnh một mảng lớn thị trường độc giả, đã chia sẻ, có thể ước tính, ít nhất là một phần ba (1/3) độc giả văn học nói chung. Phần lớn giới trẻ sau kỳ thi quốc gia, tốt nghiệp phổ thông trung học là chia tay với văn học cổ điển, có tính truyền thống được giảng dạy trong các sách giáo khoa Văn và Tiếng Việt. Trước sự phát triển của văn hóa nghe nhìn và các phương tiện truyền thông đa phương tiên, độc giả văn học từ nhà trường phổ thông đi học đại học, học nghề và vào đời thường chỉ coi sách văn học như một phương tiện giải trí cần sự nhanh, gọn, cấp tốc, càng hấp dẫn, dễ dàng càng tốt. Truyện tranh, truyện ngôn tình, truyện trinh thám, truyện viễn tưởng hồi sinh, phát triển đã đáp ứng đúng yêu cầu đó. Lối đọc truyền thống kiểu “sách gối đầu giường” buộc phải đứng vào cuộc cạnh tranh không cân sức với lối đọc internet, đọc sách điện tử, trong đó có rất nhiều ấn phẩm của văn học viễn tưởng. Khó mà hình dung nổi sự phân hóa sâu sắc của cộng đồng độc giả văn học hôm nay. Cũng rất khó nắm bắt, điều tra xã hội học để biết thị trường sách văn học đã bị chia sẻ, bị mất đi bao nhiêu phần trăm độc giả văn học viễn tưởng và độc giả phi truyền thống nói chung.

   Những cuốn sách tiêu biểu của văn học khoa học viễn tưởng và giả tưởng phần lớn xuất hiện trong thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI. Nếu tính tuổi nghề nghiệp, người cao niên nhất là nhà văn Phạm Xuân Hiếu (sinh năm 1948) với Thiên hà cổ vật (2022), tiếp đến là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (1955) với tập truyện giả tưởng viết gần đây nhất, chia thành 28 tập: Chuyện xứ Langbiang (2004-2006). Tiếp đến là một đội ngũ tác giả trẻ trung hơn với những tác phẩm mang những tiêu đề “đột biến”: Thiên mã (2009) của nhà văn Hà Thủy Ngân (1985); bộ truyện ba tập Máu hiếm - Luật chơi - Hiện thân (2012-2014) của Phan Hồn Nhiên (1972); cuốn 2030 (NXB Hội Nhà văn, 2016) của Trương Thanh Thủy; Aftermath - Ác quỷ rừng phế tích (2020) – bộ sách 7 tập có minh họa của Nam Thanh (1993) và họa sĩ Nguyễn Thành Phong (1986); Tới hệ mặt trời xa lạ (2020) – cuốn truyện giả tưởng thứ 13 của nhà văn Lê Toán (1960). Trong dòng văn chương kỳ ảo và khoa học viễn tưởng gần đây còn xuất hiện một cây bút rất trẻ là Cao Việt Quỳnh – cậu học trò mới 14 tuổi nhưng đã có trong tay bộ tiểu thuyết đồ sộ dài 3 tập mang tên Người Sao Chổi. Bộ sách của em là một trong những bộ sách thuộc thể loại văn học hiếm hoi được trao Giải C Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022.

   Nhìn vào đội ngũ tác giả của văn học viễn tưởng và sáng tác tiêu biểu liệt kê trên, ta dễ dàng nhận ra diện mạo sinh động của dòng văn học trẻ. Nói “trẻ” ở đây là vì phần lớn các tác giả đều cầm bút trong tâm thế của nhà văn viết cho tuổi thiếu nhi và tuổi trưởng thành. Cái trẻ của dòng văn học xuất phát từ sự trẻ trung của công chúng độc giả và kéo theo đó là cái trẻ trong thâm niên nghề nghiệp của tác giả. Việc trao Giải thưởng Sách quốc gia cho một tác phẩm văn học khoa học viễn tưởng của một tác giả 14 tuổi chứng tỏ rằng văn xuôi viễn tưởng Việt Nam đang được trẻ hóa và phát triển như một xu hướng trong thế thượng phong, không thể không thừa nhận.

   Vai trò và vị thế của văn xuôi viễn tưởng còn được khẳng định qua các bộ sách giáo khoa mới soạn trong chương trình cải cách giáo dục. Ba bộ sách mới phát hành: từ bộ Cánh Diều, bộ Chân trời sáng tạo đến bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, đều đã dành ra 10% thời lượng cho giảng dạy văn xuôi viễn tưởng. Điều này không phải là sự gặp gỡ ngẫu nhiên của 3 bộ sách, vì năm 2018, Chương trình cải cách giáo dục phổ thông được Nhà nước ban hành đã xuất hiện nhiều điểm khác biệt và đổi mới thực sự. Trong đó, một trong những điểm quy định, bắt buộc, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội là đưa truyện khoa học viễn tưởng vào các cấp phổ thông. Trong chương trình sách giáo khoa lớp 5, phần ngữ liệu văn học có yêu cầu phân biệt truyện dân gian, truyện ngắn, truyện khoa học viễn tưởng. Sang lớp 7, sách giáo khoa có yêu cầu nhận biết được một số yếu tố khu biệt về đề tài, sự kiện, tình huống, cốt truyện, không gian, thời gian, nhân vật trong truyện ngụ ngôn và thể loại truyện viễn tưởng; trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có một văn bản trích từ tác phẩm Thiên mã của nhà văn Hà Thủy Nguyên. Hai vạn dặm dưới đáy biển của Jules Verne, một tác phẩm được coi như kinh điển của văn xuôi viễn tưởng, cũng đã xuất hiện trong danh mục “Văn bản gợi ý” của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

   Sự xuất hiện chủ đề truyện khoa học viễn tưởng trong sách giáo khoa văn học phổ thông khẳng định thành tựu nghệ thuật của văn học khoa học viễn tưởng, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu mới của đời sống văn hóa đối với các nhà văn Việt Nam hôm nay. Những khó khăn và thuận lợi, hạn chế và thành công của dòng văn xuôi viễn tưởng có thể được chỉ ra, phân tích và lý giải từ nhiều góc độ, trong đó phải kể đến trước hết là góc độ quan niệm nghệ thuật, mà cụ thể là ý thức của nhà văn về thể loại.

   Truyện khoa học viễn tưởng (thường được định danh và viết tắt theo tiếng Anh là truyện Sci-Fi, tức Science Fiction) chính thức xuất hiện từ các sáng tác của Jules Verne (1828-1905) nhưng đã có những yếu tố manh nha từ sử thi Gilgamesh và các anh hùng ca cổ đại vùng Lưỡng Hà cách nay 10.000 năm trước, hay gần hơn là trong Hiến pháp của Platon (428-347 tr. CN) viết về “Nước cộng hòa lý tưởng” (De republica). Tuy vậy, ngay từ buổi sinh thành, truyện khoa học viễn tưởng đã có sự giao hòa, cộng sinh với các thể truyện truyền kỳ, truyện kinh dị. Một đường biên hình thành khu biệt rõ giữa truyện khoa học viễn tưởng (Sci-Fi) và truyện giả tưởng (Fantasy) chính là yếu tố cơ sở khoa học và tư tưởng dự báo tương lai. Tất nhiên truyện Sci-Fi của J. Verne không phải là khuôn mẫu bất di bất dịch, buộc các nhà văn hậu thế phải tuân thủ. Truyện của J. Verne đã thành một mẫu Sci-Fi cổ điển, đang đồng hành với Sci-Fi hiện đại. Tuy vậy dù hiện đại hóa, hư cấu tưởng tượng xa xôi đến mấy đi nữa thì Sci-Fi hiện đại cũng phải tư duy nghệ thuật tuân theo logic khoa học và các quy luật của thế giới tự nhiên. Nhiều truyện Sci-Fi của Việt Nam hai thập niên qua đã pha tạp nhiều yếu tố thi pháp của truyện fantasy kinh dị, truyện giả tưởng. Từ quan niệm mập mờ về thể loại, nhiều cây bút đã rơi vào cơn say bàn phím và lối viết dễ dãi, làm mệt mỏi độc giả.

   Cũng từ góc độ quan niệm nghệ thuật và ý thức thể loại, có thể nhận thấy những hạn chế trong ý thức của nhà văn về độc giả. Với quan niệm truyện Sci-Fi là dành cho độc giả thiếu niên và tuổi trưởng thành, nhiều tác giả tự khoanh vùng độc giả, đánh giá thấp khả năng, trình độ tiếp nhận nghệ thuật của người đọc. Chính J. Verne sinh thời không bao giờ nghĩ rằng mình viết Xung quanh mặt trăng, Tám mươi ngày vòng quanh thế giới hay Hai vạn dặm dưới đáy biển… là viết cho thiếu nhi. Ông chỉ có ý thức rằng mình đang viết truyện phiêu lưu cho người lớn và chính ông là một người giỏi khoa học tự nhiên, một nhà địa chất, đã từng nhận hợp đồng viết sách khoa học địa lý và hải dương học.

   Một trong những đóng góp của văn xuôi Sci-Fi hai thập niên qua là sự cập nhật rất sớm chủ đề cảnh báo môi trường sinh thái và chủ đề giả thiết lịch sử (Uchronie hay Alternate history). Ví dụ: thế giới sẽ ra sao khi nước Đức phát xít đã thắng sau Chiến tranh thế giới thứ 2; lịch sử châu Âu sẽ diễn ra thế nào khi châu Mĩ không bị thuộc địa hóa... Truyện Sci-Fi Việt Nam đã ít nhiều cập nhật được những chủ đề đó. Trong Ác quỷ rừng phế tích, Nam Thanh và Nguyễn Thanh Phong muốn báo động cho nhân loại hình dung đến những thảm họa sau vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong thế kỷ XXIII. Cũng trong tiểu thuyết này, các tác giả đã cấu trúc mạng tình tiết một cách hiện đại theo hướng giả thiết lịch sử. Giả thiết trung tâm là lịch sử sẽ diễn ra như thế nào khi nhà máy Chernobyl bị nổ lần thứ 2. Truyện Thiên hà cổ vật, táo bạo hơn, Phạm Xuân Hiếu còn đặt lại vấn đề chân lý khoa học của Tiến hóa luận của Darwin. Hai tác phẩm đại diện trên chứng tỏ rằng văn xuôi Sci-Fi Việt Nam đã “không bị bỏ lại phía sau”, vẫn nhịp bước cùng văn xuôi Sci-Fi thế giới.

   Tuy vậy, trong bối cảnh phát triển đến chóng mặt của công nghệ thông tin và sự khủng hoảng của văn hóa đọc truyền thống, văn xuôi Sci-Fi cùng với văn học nói chung đang đứng trước một thử thách lớn. Cách đây không lâu, tác phẩm đoạt Giải Nhì trong Cuộc thi tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đại chúng dành cho độc giả thanh thiếu niên Giang Tô, Trung Quốc, lại là cuốn Miền đất ký ức máy (The Land of Machine Memories) của bút danh @SILICON ZEN (do chính mô hình AI tự đặt), được viết bằng công nghệ AI2. Như vậy, văn xuôi Sci-Fi đang có nguy cơ tuyệt diệt, bị thay thế bằng các văn bản công nghệ hiện đại. Và cũng chẳng phải là tin vui gì khi Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam tuyên bố đã quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học giả tưởng Việt Nam (VFSF), dự kiến sẽ in các tác phẩm khoa học giả tưởng của nhà văn trong nước và dịch các tác phẩm nước ngoài, đồng thời sẽ tổ chức những cuộc thi sáng tác tác phẩm khoa học giả tưởng. Không vui vì sao? Vì đây là một sự thôn tính và chiếm đoạt của khoa học công nghệ đối với một thể loại văn học, nghệ thuật.

   Vậy đã đến lúc cần kíp những cuộc thi truyện và tiểu thuyết khoa học viễn tưởng – một thể loại đòi hỏi nhà văn không chỉ tưởng tượng vững vàng trên nền tảng tri thức khoa học, không chỉ tưởng tượng một cách xa xôi về không gian và thời gian, mà còn tưởng tượng sâu xa vào thế giới cảm xúc và tâm hồn con người. Những cuộc thi đó sẽ góp phần cứu giúp cho dòng văn xuôi Sci-Fi Việt Nam đang hồi sinh, phát triển mà vẫn giữ vững được bản chất thẩm mĩ của một thể loại văn học và vẻ đẹp riêng của nghệ thuật ngôn từ.

 

 

 

Chú thích:
1 Theo Nguyễn Hà: “Văn học khoa học viễn tưởng Việt: Chờ đợi ở một tương lai gần”, VOV 5, ngày 05/12/2022.
2 Hoàng Giang: “Ai vượt qua gần 200 tác phẩm, giành giải thưởng văn học”, VnExpress, ngày 23/12/2022.

Bình luận

    Chưa có bình luận