Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Gaia bảo trợ cho sự sống, cho sự phát triển của mùa màng và việc phát triển của thế hệ sau. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới: “Các vị Đại Thánh Mẫu đều là các nữ thần của khả năng sinh sản: ở người Hy Lạp, là Gaia, Rhéa, Héra, Déméter, ở người Ai Cập là trong các tôn giáo được Hy Lạp hóa, là Isis”1. Ký ức cộng đồng (collective memory) về người mẹ đã được kiến tạo dựa trên những đặc trưng về văn hóa khác nhau.
Ý niệm về mẹ gắn liền với sự bao dung, che chở. “Mẹ là nguồn nuôi dưỡng và hỗ trợ tình cảm. Năng lượng của mẹ sẽ tập trung vào việc nuôi dạy con cái, gắn bó với ngôi nhà, kết nối những khác biệt trong gia đình”2. Trong mô hình tổ ấm luôn có bàn tay vun đắp của người mẹ. Nữ nhà văn Canada gốc Việt - Kim Thúy - trong tác phẩm Ru đã lý giải không phải tự nhiên sẽ có cảm giác trở thành mẹ (l’instinct maternel) mà tình mẫu tử cũng cần sự gắn kết và vun đắp. Điều này gợi nhắc đến luận điểm của Simon de Beauvoir: “Người ta không sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ” (On ne naît pas femme: on le devient)3. Mỗi tác phẩm bằng cách khác nhau lại củng cố hoặc mở rộng những khuôn mẫu về huyền thoại mẹ. Điều này đã được Butler diễn giải: “Lý thuyết của Simone de Beauvoir về giới, vì thế, kéo theo sự tái diễn giải học thuyết hiện sinh về lựa chọn, theo đó, chọn một giới được hiểu là sự hiện thân của các khả thể bên trong một mạng lưới các quy chuẩn văn hóa ăn sâu bén rễ”4. Huyền thoại về mẹ không chỉ tiết lộ những giá trị vĩnh cửu của việc làm mẹ mà còn gắn với những hình dung về tự nhiên và văn hóa.
Bài viết của chúng tôi lựa chọn hai tác phẩm đến từ hai nền văn học Pháp và Việt Nam để phân tích. Sự lựa chọn đến từ việc cả hai tác phẩm đều đề cập đến hình ảnh người mẹ, đó là khởi nguồn để diễn giải những góc nhìn khác nhau về tác phẩm, về xã hội và thời đại. Qua đó, chúng tôi phân tích hình ảnh mẹ điển hình cho tâm thức cộng đồng cũng như việc mở rộng những giới hạn quen thuộc của việc xây dựng huyền thoại mẹ.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được biết đến như một tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại. Thông qua những tác phẩm của mình, nhà văn đã không né tránh hiện thực bề bộn của thời kỳ hậu chiến sau 1975 và thời kỳ đổi mới. Hiện thực ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống với những mâu thuẫn và bất ổn đã khiến tác giả trăn trở về những giá trị truyền thống. Mang hơi thở của thời đại, tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp cũng hướng người đọc đến những số phận con người lạc lõng và nhỏ nhoi. Tâm hồn mẹ tái hiện nỗi khát khao của người con mồ côi về người mẹ đã mất. Sau này, khi được đưa lên màn ảnh, truyện ngắn này tập trung vào bối cảnh những người lao động khu vực gần cầu Thăng Long và bãi giữa sông Hồng ở ngoại thành Hà Nội. Những tái hiện về nhân vật mẹ thông qua góc nhìn, thông qua câu chuyện của các thành viên trong gia đình đã cho thấy ký ức cộng đồng chi phối một cách xây dựng người mẹ kiểu mẫu. Tâm hồn mẹ cũng như các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp như một sự suy tư về số phận con người và gợi ý những hình dung về cổ mẫu mẹ cũng như thiên tính nữ.
Marguerite Duras là nữ nhà văn Pháp được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Gia Định, với tên thật là Marguerite Donnadieu nhưng nhà văn đã tự đổi họ của mình thành Duras, theo tên một vùng đất ở miền Lot-et-Garonne. Các nhà tiểu sử thường khai thác cách thức Duras sáng tác và tìm thấy cảm hứng của bà được bắt đầu giữa những cánh đồng, những khu rừng ở Việt Nam và Đông Dương. Nhớ về tuổi thơ, bà nhớ tới những ngày đi chân đất, tắm sông, cho đến mười bốn, mười lăm tuổi chỉ có bạn gái Việt Nam. Những trải nghiệm đó tạo nên chất liệu cho tác phẩm về những thực hành văn hóa. Có lẽ thân phận đặc biệt của Duras, một kẻ vong quốc bị chính đồng bào mình chối bỏ và xa lánh, khiến trái tim đầy thương tổn của bà khó hoàn toàn hòa nhập với xứ sở nhiệt đới. Tiểu thuyết của Duras được đọc như một văn bản được chuyên chú vào cảnh quan, phơi bày đời sống của người phụ nữ Pháp đã dần kiệt sức vì những cố gắng vô vọng trong xã hội thuộc địa. Khi xuất bản cuốn Đập ngăn Thái Bình Dương năm 1950, Duras đã gặp gỡ với những cảm quan phi lý về cuộc đời được diễn tả trong văn học Pháp đương thời khi các tác giả tái hiện không gian mang tính biểu tượng, gợi lên một thế giới trống rỗng, hoang vắng. Trong khi Chính phủ muốn thuyết phục những người tự nguyện di dân và một tương lai đầy hứa hẹn xứ thuộc địa, Đập ngăn Thái Bình Dương kể lại chi tiết nỗi thống khổ và sự vật lộn của người mẹ cùng ba đứa con trong nơi chốn mà họ không thuộc về.
Hai tác phẩm từ văn học Pháp và Việt Nam mặc dù khác nhau về bối cảnh, không gian và thời gian nhưng đều đề cập đến hình ảnh người mẹ. Đập ngăn Thái Bình Dương và Tâm hồn mẹ trình hiện cho chúng ta nhân vật người mẹ vừa mang những chuẩn mực từ cổ mẫu vừa mở rộng những hình dung gắn với đặc trưng văn hóa khác nhau. Hai tác giả đã dùng cái chết, sự vắng mặt của người mẹ để cho thấy sự hiện diện của họ, đã biến sự vô hình thành việc tạo nghĩa và khẳng định vị thế của người mẹ. Những ý mới qua việc đặt cạnh nhau hai tác phẩm góp thêm kinh nghiệm văn chương về những vấn đề chung của nhân loại.
Nhân vật người mẹ đã trình hiện một đời sống gắn liền với ký ức tập thể. Người phụ nữ hiếm khi được miêu tả với việc kiến tạo không gian riêng tư của riêng mình mà thường bị ẩn đi nét cá thể để làm nổi bật những liên kết với gia đình và xã hội. Nhưng chính sự phụ thuộc của người phụ nữ vào những mối quan hệ xung quanh lại đảo ngược giá trị khi cuối cùng biểu lộ sự phụ thuộc của các cá nhân đối với người mẹ. Trong một cách hình dung đối lập, giữa phương Đông và phương Tây có diễn ngôn khác nhau về phụ nữ. Nếu như đối với phương Tây, phụ nữ được hình dung là “có giáo dục, hiện đại, có khả năng tự kiểm soát thân thể và ham muốn tình dục, và tự do quyết định” thì phụ nữ phi-phương Tây hiện lên như là “kém hiểu biết, nghèo đói, vô giáo dục, bị bó buộc vào truyền thống, gắn với không gian trong nhà, sống vì gia đình, trở thành nạn nhân”5. Đối với xã hội truyền thống của Đông Nam Á, phụ nữ luôn được hình dung bởi những khuôn mẫu giới tính, tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ và địa vị của họ.
Chúng tôi phân tích sự gặp gỡ và sự khác biệt trong cách mà Duras và Nguyễn Huy Thiệp đã phân tích tương tác giữa các tổ chức xã hội, đặc biệt là phân công lao động để tạo ra các khuôn mẫu và mở rộng khuôn mẫu, để đưa ra vấn đề thức tỉnh trong gia đình và cộng đồng về phụ nữ. Từ cấp độ cốt truyện tới cấp độ chi tiết tự sự, hình tượng mẹ luôn được Marguerite Duras và Nguyễn Huy Thiệp tái hiện qua góc nhìn của nhân vật khác. Trong Tâm hồn mẹ, khi Đăng hai tuổi, mẹ chết đột ngột. Đăng hình dung mẹ theo cách nghĩ riêng của mình. Cậu hay xét nét sự quan tâm săn sóc của những người xung quanh cậu bằng cách đặt ra câu hỏi: Nếu là mẹ sẽ thế nào? Bây giờ khi lên bảy, Đăng hiểu không ai có thể cư xử săn sóc cho mình như là mẹ được. Đăng nghĩ rằng nếu là mẹ thì khác. Mẹ là hình ảnh tuyệt diệu, không thể thay thế, không thể khỏa lấp. Thông qua không gian hẹp là ngôi nhà và căn bếp, người mẹ gắn với chức năng là cái đẹp và cái thiện. Qua những việc đó, người mẹ đã cho hình dung về sự kiến tạo giới. Việc kiến tạo giới được thể hiện trong đời sống hằng ngày, thông qua những hành động đời thường. Sự giới hạn về không gian nhỏ hẹp cũng là một hành động theo thói quen mà Pierre Bourdieu đã gọi là hình thức tự bài trừ mình khỏi không gian quảng trường, tách mình ra khỏi những không gian công cộng.
Theo các hình dung truyền thống phương Đông, người phụ nữ trong gia đình vốn gắn với các phận vị. Mô hình gia đình truyền thống đã giới hạn người phụ nữ, trói buộc họ trong những nghĩa vụ đặc thù. Người mẹ đã không dám bước ra khỏi sự vô danh trong gia đình truyền thống để cất lên tiếng nói của mình. Khái Hưng đã phát biểu trong Vẻ tự nhiên của cuộc đời trong tiểu thuyết: “Nếu phải một nhà văn “xã hội” An Nam mình viết truyện Người mẹ thì hẳn đã đổ hết lên đầu người đàn bà những cái nhục nhã, khốn nạn mà tác giả có thể tưởng tượng ra được. Nào bị hiếp, bị thù, chồng bị quan đánh, cường hào ức hiếp, mẹ bị đuổi, con bị bán, không còn thứ tội ác nào của nhân loại là tác giả có thể quên thuật ra, tả ra với những màu hết sức đen sạm. Có biết đâu rằng vì thế mà nhân vật trong tiểu thuyết của họ sẽ trở nên những kẻ can đảm bị ngược đãi, những kẻ hi sinh cho một lý tưởng, một tôn giáo (des martyre) và sẽ không gợi lòng trắc ẩn của ta nữa. Ta thấy họ giống như những nhân vật kỳ dị trong các bản kịch cổ. Mà tiểu thuyết thì không phải là bi kịch, cũng không phải là hài bi kịch. Tiểu thuyết chỉ là tiểu thuyết, chỉ là đời”6. Nhận định này cũng chỉ ra những giới hạn trong cách quan sát hiện thực, cách miêu tả tâm lý nhân vật và sự thay đổi trong nghệ thuật trần thuật. Việc mỗi giai đoạn lịch sử xã hội lại trình diễn một mẫu hình nhân vật mới không phải là câu chuyện xa lạ trong lịch sử văn học. Thế nhưng, với những đặc thù về xã hội và lịch sử, nhân vật người mẹ đã hiện diện hết sức độc đáo, mang đến cả sự ấm áp và những giọt nước mắt xót xa. Ở đó, một câu hỏi đặt ra là văn chương đóng vai trò gì trong việc khắc họa sự hiện diện của người phụ nữ, hay nói rộng hơn là thân phận con người?
Ý niệm về huyền thoại mẹ trong Đập ngăn Thái Bình Dương cũng được trình hiện thông qua sự hi sinh và quá trình vật lộn mưu sinh của người mẹ để nuôi nấng ba người con của mình ở xứ sở thuộc địa. Người mẹ Pháp cùng với gia đình của mình và một bộ phận người bản xứ đã vật lộn trong cảnh quan ấy để nỗ lực sinh tồn. Những người vượt nghìn trùng khơi ấy có tìm thấy tương lai của mình nơi vùng đất thuộc địa? Điều gì đang chờ đợi họ ở xứ sở nhiệt đới? Có thể nói Duras đã kể câu chuyện về xứ Đông Dương từ chất liệu cuộc đời của chính mẹ mình, từ ký ức của chính tuổi thơ mình. Để kêu gọi những lá thư tự nguyện di dân sang Đông Dương, chính quyền thực dân đã dựng lên một “mythe indochinois”, một huyền thoại Đông Dương với sự hấp dẫn về địa lý, khí hậu, ẩm thực, ngôn ngữ và văn hóa. Chuỗi những hi vọng và tuyệt vọng nối tiếp nhau dựa trên sự tương tác giữa nhân vật và môi trường sống. Thông qua những yếu tố của cảnh quan, tác phẩm trình bày một bản cáo trạng cay đắng về sự bóc lột thuộc địa. Trái ngược với những người da trắng khác ở thuộc địa chuộng việc khoác lên mình bộ đồ trắng tinh, bà mẹ thường đi chân đất, đội chiếc mũ rơm to: “Bà đi chân không, đội chiếc mũ rơm to chụp xuống ngang lông mày. Một bím tóc mỏng, hoa râm, buộc bằng sợi dây chun cắt ở săm xe, lủng lẳng sau lưng. Bộ váy đỏ tươi màu thạch lựu, may từ một tấm khăn quấn mình của địa phương”7. Hàng ngày, họ dùng bữa bằng thịt sếu, chim, cò, cá sấu con hay tất cả “những thứ nhảm nhí” khác từ thiên nhiên thuộc địa. Người mẹ đã xây và sửa nhà. Ngôi nhà, một cảnh quan riêng tư đã trở thành điểm nhấn trong ký ức về thuộc địa. Mái của ngôi nhà gỗ, biểu tượng của nơi ẩn náu, của nơi trú ẩn, bảo vệ chống lại các thế lực thù địch khác nhau của thiên nhiên cũng dần dần bị xói mòn bởi một đợt bùng phát mọt. Những sinh vật đó lạo xạo dưới đôi chân trần, rơi vào chum, trên đồ nội thất, trong bát đĩa, trên tóc. Không gian với những đồ nội thất và chi tiết ngôi nhà cũng được chạm khắc trong ký ức. Đó là phòng ngủ kiểu thuộc địa, không có bàn đầu giường, trên trần chỉ có một bóng điện duy nhất, giường bị quây kín đến tận nền nhà trong một chiếc màn rộng mênh mông, trắng như tuyết. Chân giường ngâm trong những chiếc chậu đựng nước và thủy tinh vụn để cách ly khỏi tai ương miền thuộc địa, muỗi miền nhiệt đới. Cuộc sống của người Pháp nơi thuộc địa luôn được phân tách thành hai thế giới, trong đó, đường tàu điện trở thành ranh giới phân chia khu thượng lưu của người Pháp và khu bản địa cùng với những người Pháp nghèo. Một bên là tàu điện chật ních người, chậm chạp, bạc phếch vì bụi và một bên là thành phố của người da trắng rộng rãi, xe cộ lướt trên các đại lộ và sạch như lau ly. Một bên là khu tĩnh lặng, êm ái và một bên là âm thanh loảng xoảng đinh tai nhức óc. Tuổi thơ của Duras không biết đến những ngày tháng thư nhàn nằm phơi mình dưới những tán cọ tận hưởng sự khoan khoái. Người mẹ nhận diện sự lạc lõng và vỡ mộng của mình. Một trăm hecta đất không thể trồng trọt bởi sự xâm lấn của biển đã trở thành nguồn cơn của chấn thương tinh thần nhân vật. Sự thất bại khi con đập sụp đổ vẫn không làm người phụ nữ từ bỏ. Người con trai “tin chắc tối nào mẹ cũng tiến hành lại việc xây đập ngăn Thái Bình Dương. Điều khác biệt duy nhất là hoặc đập cao một trăm mét, hoặc hai mét, tùy theo mẹ khỏe hay không khỏe. Nhưng thấp hay cao thì tối nào mẹ cũng lại tiến hành”8. Quá trình tương tác với cảnh quan thuộc địa, người mẹ không ngừng khao khát vun bồi sự sống, nhưng chẳng cái cây nào có thể mọc từ muối và cát cùng với thủy triều. Vậy là cùng với công cuộc khai hoang, không gian xứ lạ phương xa đã tạo nên một chuỗi những trải nghiệm và đứt gãy với hình dung từ những lời tuyên truyền thực dân. Có thể nói việc xây dựng hình tượng người mẹ đã thể hiện vị thế của người nữ bị mắc kẹt ở xứ thuộc địa. Người phụ nữ thực dân vừa có mong muốn hòa nhập với cuộc sống thuộc địa lại vừa không thoát khỏi sự kiêu hãnh bởi màu da và nguồn gốc cao quý của giống nòi thượng đẳng.
Nhận định của Giorgio Agamben khi đối thoại với Butler về nhân vật Antigone gợi mở suy nghĩ về thân phận con người: “Theo một cách nào đó, Antigone tiêu biểu cho những cuộc đời bấp bênh, bao gồm những người mới nhập cư, người nhập cư trái phép, người không có bảo hiểm sức khỏe, người chịu ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu và vấn đề nghèo đói, mù chữ, người thiểu số về tôn giáo, người khuyết tật. Nàng trở thành hình tượng để ta hiểu cuộc đời mong manh hơn những cuộc đời khác là như thế nào”9. Đó cũng là “không gian công cộng” mà Butler đã đề xuất khi nghiên cứu về quy chuẩn giới: “Các quy chuẩn giới liên quan đến việc chúng ta có thể xuất hiện trong không gian công cộng như thế nào và bằng cách nào, lĩnh vực công cộng và riêng tư được phân biệt với nhau như thế nào và bằng cách nào, sự phân biệt đó được công cụ hóa ra sao để phục vụ cho chính trị tính dục, ai sẽ bị cho là tội phạm dựa vào sự xuất hiện nơi công cộng; ai sẽ không được pháp luật bảo vệ, hay, cụ thể hơn, được cảnh sát bảo vệ trên đường phố hoặc nơi làm việc, hoặc trong gia đình. Ai sẽ bị bêu xấu, ai là đối tượng của niềm say mê và khoái cảm tiêu thụ? Ai sẽ có lợi thế về y học trước luật pháp”10. Xét trong không gian như vậy, mối quan hệ của người mẹ với thiết chế xã hội tuy không được hai nhà văn nhấn mạnh nhưng vẫn có giá trị tham khảo trong vai trò công dân, vai trò xã hội.
Chúng ta nhớ đến bi kịch cổ đại Hy Lạp khi Oedipus nói về phận vị của những người con trai và con gái của mình. Từ góc nhìn của người cha, Oedipus cho rằng Ismene và Antigone đã hoàn toàn thay thế những người anh của mình trong việc gánh vác việc gia đình, từ đó mà người con gái của Oedipus mang trong mình phẩm chất nam tính. Có thể thấy luôn có những cách diễn giải khác nhau về vấn đề phụ nữ nói chung và người mẹ nói riêng. Dường như vấn đề đó đã vượt qua câu chuyện của từng cá nhân mà mang tới hình dung về cộng đồng và dân tộc. Chính sự thiếu vắng mẹ lại cho phép gia đình và cộng đồng nhận diện được căn tính của mẹ. Đăng trong Tâm hồn mẹ hay những người con trong Đập ngăn Thái Bình Dương đã xây dựng hình mẫu mẹ theo mỗi cách riêng như tìm kiếm một sự an ủi và nâng đỡ cho tâm hồn. Tâm lý chìm đắm trong tưởng tượng của Đăng dẫu mang đến sự xót xa nhưng dường như điều đó là cần thiết để nuôi dưỡng và duy trì khả năng trị liệu tổn thương vì mất mẹ.
Thông qua hai tác phẩm, tác giả đã củng cố khuôn mẫu về huyền thoại mẹ gắn với sự vất vả và hi sinh, gắn với việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái, gắn với công việc gia đình. Bên cạnh đó, việc phân tích cái chết của người mẹ đã tạo ra ý nghĩa của sự vắng mặt. Hai nhà văn đã dùng sự vắng mặt của người mẹ để tạo nên phản đề về sự thiếu hụt, sự cần thiết của người mẹ đối với cuộc sống của gia đình và những người xung quanh. Khi đó, người mẹ không phải hiện lên với năng lực phi thường và miễn nhiễm với mọi khổ đau của cuộc đời. Đó là người mẹ với tất cả những yếu đuối và bất an của một con người bình thường. Nhận định của Vương Trí Nhàn được in trong bìa cuối cuốn sách Giăng lưới bắt chim: “Tôi nghĩ Nguyễn Huy Thiệp cần cho chúng ta một phần là ở chỗ đó: ông nối nghề văn ở ta với nghề văn ở cả các xứ sở khác. Trong khi mang nặng cốt cách bản địa, các sáng tác cũng như tiểu luận phê bình của ông đã là một bằng chứng để những ai vốn ngần ngại trước con đường hội nhập có thể yên tâm. Bởi chỉ cần trung thực với chính mình thì thế giới chẳng xa lạ với ta mà ta cũng chẳng xa lạ với ai cả”11. Có thể nói người mẹ trong Đập ngăn Thái Bình Dương và Tâm hồn mẹ không xa lạ với những khổ đau và bất an của con người. Trước những biến động của xã hội, huyền thoại mẹ đã được giải thiêng. Mẹ cũng có nhu cầu được quan tâm và chăm sóc, mẹ cũng là người được phép bộc lộ những bất ổn và chấn thương chứ không chỉ mang sứ mệnh là người hi sinh, người mẹ của những khoảnh khắc cô đơn và yếu đuối.
Sự tương đồng giữa thiên nhiên và tâm lý, sức khỏe, số phận con người được Duras đan cài trong những ẩn dụ nghệ thuật. Tác phẩm bắt đầu bằng hình ảnh một con ngựa sắp chết và kết thúc bằng cái chết của mẹ. Hơn nữa, nếu chúng ta so sánh ngôi nhà gỗ với cơ thể của người mẹ và sức khỏe tinh thần của bà thì những con mọt ăn tấm lợp của ngôi nhà gỗ và liên tục rơi từ mái nhà đại diện cho sự phân hủy của nơi trú ẩn của gia đình và cả sự ổn định tinh thần của người mẹ: “Chuyện bùng nổ khi Suzanne rời bàn ăn. Cuối cùng cô đã đứng lên. Bà lao vào cô, đánh đấm cô bằng tất cả sức lực còn lại. Bằng tất cả sức lực từ quyền của bà, bằng tất cả sức lực từ mối nghi ngờ nơi bà. Vừa đánh cô, bà vừa nói về những cái đập, về ngân hàng, về bệnh tật của mình, về mái nhà, về các bài học dương cầm, về Sở Địa chính, về tuổi già, về nỗi mệt mỏi, về cái chết”12. Mối mọt ăn nhà gỗ như cua phá đập, chúng là yếu tố của tự nhiên phá hủy những công trình xây dựng của con người từng chút một, giống như sự suy thoái dần dần lý trí của người mẹ và cuối cùng dẫn đến cái chết của bà. Tác phẩm đề cập đến cái chết: cái chết của thực vật, cái chết của các mối quan hệ gia đình, cái chết về mặt tinh thần, cái chết về mặt thể xác. Cái chết của người mẹ đã trở thành chấn thương trong tâm hồn những người con: “Bà chết sau khi Agosti trở về được một lát. Suzanne nép mình sát bên bà và dòng dã nhiều giờ, cô muốn mình cũng chết đi […]. Suzanne gặp lại anh trong phòng. Anh lăn xuống giường, trên thi thể mẹ”13. Đây chính là sự sâu lắng của Duras khi kể câu chuyện cuộc đời mình nhưng vẫn tạo nên sự khách quan trong việc tái hiện lại một gia đình người da trắng ở thuộc địa khánh kiệt về kinh tế, bào mòn về tinh thần. Mỗi nhân vật trong tác phẩm của Duras là một bản thể cô đơn, lạc lõng ngay cả khi sống trong gia đình hay đứng giữa phố xá đông đúc. Nhân vật người mẹ trong Đập ngăn Thái Bình Dương ghi dấu chính hình bóng của mẹ nhà văn, người phụ nữ góa đã mòn mỏi tiêu hết số tiền dành dụm hơn mười năm trời mua đồn điền ven biển, phải chống chọi với thiên nhiên và những viên chức thuộc địa.
Marguerite Duras và Nguyễn Huy Thiệp đã gặp gỡ trong việc tái lập và mở rộng ý nghĩa của cổ mẫu. Người phụ nữ không “nhất thiết phải” mà họ “có thể” và “có khả năng” để sống cuộc đời của mình. Đứa trẻ trong Tâm hồn mẹ sưởi ấm cuộc đời mồ côi của mình bằng tưởng tượng về người mẹ. Hai văn bản đặt cạnh nhau đã gợi ý cho những diễn giải về người mẹ. Việc phân tích những hành động, lời nói biểu thị đức hi sinh, sự chăm sóc và cả sự mệt mỏi, kiệt sức của người mẹ trong Đập ngăn Thái Bình Dương giúp làm hiển lộ những hình dung về người mẹ trong tưởng tượng trong Tâm hồn mẹ. Tương tự như vậy, cuộc sống của cậu bé mồ côi Đăng trong Tâm hồn mẹ lấp đầy bởi chỗ dựa tinh thần là hình dung về người mẹ trong tưởng tượng góp phần làm rõ hơn vai trò của người mẹ trong Đập ngăn Thái Bình Dương. Hai tác phẩm góp thêm những hình dung mới về một cổ mẫu quen thuộc. Tưởng tượng về mẹ chi phối gần như toàn bộ đời sống tinh thần của những người ở lại, mang tới nỗi hụt hẫng không thể nào thay thế. Sự vắng mặt của mẹ đã trở thành một minh chứng cho quyền uy của người nữ: như một sự kháng cự lại trật tự nam quyền, người nữ đã có vị thế quan trọng trong mối quan hệ với nam giới. Điều này gợi liên tưởng đến nhân vật Fantine trong Những người khốn khổ của Victor Hugo và người mẹ trong Bà Bovary của Gustave Flaubert. Fantine trong Những người khốn khổ đã bán răng, bán tóc để gửi nuôi con gái là Cosette; còn bà Bovary trong Bà Bovary lại bỏ mặc con gái Berthe để chìm đắm trong những cuộc phiêu lưu tình ái. Cùng là đề tài về người mẹ nhưng cách kể của nhà văn đã gợi ý những cách diễn giải khác nhau. Phân tích của Marguerite Duras đứng từ góc nhìn của ba người con trong gia đình. Phân tích của Nguyễn Huy Thiệp đứng từ khao khát của cậu bé Đăng để làm bật lên hình dung về mẹ. Cùng trình hiện hình ảnh người mẹ, hai tác phẩm mở ra khả năng từ câu chuyện cá nhân để suy ngẫm về cộng đồng. Việc quan tâm đến những người phụ nữ vô danh, những con người bình thường trong cuộc sống hằng ngày sẽ tạo nên động lực cho việc bình đẳng giới và đề xuất những ứng xử của cộng đồng, qua đó cũng cho thấy thực tế xã hội nơi con người hiện đại phải đối diện với những bất an trong cuộc sống.
Trong khi Đập ngăn Thái Bình Dương biểu thị ý thức cộng đồng về vị thế của người mẹ cũng như gợi mở những chiều kích mới về huyền thoại mẹ thì Tâm hồn mẹ đánh thức ý thức về giá trị tinh thần mang tính nhân bản về người mẹ, chỉ ra khả năng giá trị cứu rỗi vĩnh cửu không thể thay thế của người mẹ đối với cuộc đời mỗi con người. Đặt cạnh nhau Đập ngăn Thái Bình Dương của Marguerite Duras và Tâm hồn mẹ của Nguyễn Huy Thiệp cho phép bổ sung, gợi mở những văn bản văn học dù là không cùng điều kiện lịch sử và địa lý. Tác phẩm gợi mở cho chúng ta suy nghĩ về những biểu tượng, về sự trải nghiệm và lựa chọn của mỗi cá nhân qua việc tích lũy kinh nghiệm văn chương.
Chú thích:
1 ChevalierJean, Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, tr. 586.
2 Rajeev S. Patke, Isabela Banzon, Philip Holden, Lily Rose Tope (2012), An Anthology of English writing from Southeast Asia, Singapore National Library Board, p. 375.
3 Simon de Beauvoir(1949), Le deuxièmesexe, Paris: Gallimard, p. 13.
4, 10 Judith Butler (1986), Sex and Gender in Simone de Beauvoir’s Second Sex, Yale French Studies, n. 72, p. 37, 177.
5, 9 Giorgio Agamben (2009), Antigone’s Claim: A Conversation with Judith Butler, Theory & Event, p. 156, 156.
6 Nhiều tác giả (1994), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 28B, NXB Khoa học xã hội, tr. 991.
7, 8, 12, 13 Marguerite Duras (1997), Đập ngăn Thái Bình Dương, NXB Văn học, tr. 16, 183, 145, 371.
11 Nguyễn Huy Thiệp (2006), Giăng lưới bắt chim, NXB Hội Nhà văn.