THIÊN NHIÊN TRONG KÝ CỦA MINH CHUYÊN TỪ GÓC NHÌN PHÊ BÌNH SINH THÁI

Từ góc nhìn phê bình sinh thái, bài viết phân tích thiên nhiên trong ký của Minh Chuyên. Từ đó làm hiện lên hình ảnh thiên nhiên trong mối quan hệ với con người, khẳng định giá trị của thiên nhiên đối với cuộc sống con người và sự cần thiết phải bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái hiện nay.

   Trong những tác phẩm văn học, thiên nhiên hoặc xuất hiện với vai trò bối cảnh, có chức năng tạo phông nền cho sự xuất hiện của nhân vật hoặc là nơi gửi gắm, ký thác tâm sự của thi nhân. Viết về đề tài chiến tranh, ký của Minh Chuyên đã miêu tả thiên nhiên như một hình tượng nghệ thuật đặc biệt. Qua những trang truyện ký thấm đẫm chất hiện thực, thiên nhiên từ chỗ là cái nôi của sự sống, bao bọc, che chở và nâng đỡ muôn loài, thiên nhiên đã bị tấn công, bị tàn phá, huỷ diệt bởi chiến tranh. Nhưng điều kỳ diệu nhất là bằng tinh thần bảo vệ đến cùng sự bình yên trên mảnh đất này, thiên nhiên đã được chữa lành, hồi sinh.

   1. Thiên nhiên – cái nôi của sự sống

   Trong truyện ký viết về chiến tranh của Minh Chuyên, bên cạnh hình tượng thẩm mĩ trung tâm là con người, Minh Chuyên cũng đã để lại những trang viết ấn tượng về chủ đề thiên nhiên. Là một người lính từng vào sinh ra tử trên chiến trường, Minh Chuyên viết về chiến tranh, viết về thiên nhiên bằng chính trải nghiệm của mình. Dưới góc nhìn của người lính nơi chiến trường Trường Sơn, thiên nhiên giữ vai trò như một người mẹ luôn bao bọc, che chở cho con người.

   Chọn viết về những cánh rừng Trường Sơn huyền thoại trong những năm máu lửa, những cánh rừng Trường Sơn ấy như là nhà – nơi trú ẩn, nơi bao bọc, che chở cho con người. Trong những cánh rừng xanh bạt ngàn, con người, mà trung tâm là hình tượng người lính và những người dân bản, coi rừng vừa như mái nhà vừa như nguồn sống của họ. Rừng cho họ những bữa ăn, cho nước uống, cho giấc ngủ. Họdựa vào rừng để sống và chiến đấu. Kể cả đến khi chết, máu xương của họ cũng trộn lẫn trong những lớp đất đá của núirừng. Thiên nhiên vì thế không chỉ là nguồn sống mà còn là nơi nương náu, bao bọc, chở che cho con người.

   Nói về thiên nhiên như là cái nôi của sự sống, ta không thể không kể đến cánh rừng già trong Nửa thế kỷ lưu lạc. Trong tác phẩm này, Minh Chuyên đã miêu tả cánh rừng rìa làng An Xuân là nơi trú ẩn, tránh bom đạn cho cả dân làng: mỗi khi địch càn quét vào làng, cánh rừng rìa làng chính là nơi để người dân bản cùng quân giải phóng triển khai chống càn và ẩn tránh đạn bom. Khi ấy, rừng chính là tấm lá chắn an toàn nhất đối với họ: “Có thời kỳ bọn địch tình nghi Kệch là “Cộng sản nằm vùng” giả câm, giả điếc để hoạt động. Những lúc gay cấn nhất, dân làng An Xuân phải đưa Kệch lên rừng cất giấu”1. Rừng Trường Sơn giống như một “Việt Bắc” thứ hai: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” (Việt Bắc - Tố Hữu).

   Rừng không chỉ là nơi chở che, nương náu cho con người lúc nguy khốn, rừng còn cho con người nguồn sống. Ai đã từng đọc Ba người ở lại Trường Sơn chắc hẳn không thể nào quên câu chuyện về người rừng mà già làng Ê Đê đã kể lại. Đó là câu chuyện về một người lính Trường Sơn bị thương nặng giữa rừng Keo Sơn heo hút đã được đàn vượn cứu sống: “Vào thời kỳ đầu đánh Mĩ, có một anh bộ đội còn rất trẻ lạc giữa khu vực Keo Sơn heo hút này. Khu rừng bị máy bay thả bom tàn phá. Không may, anh bộ đội bị thương vào đầu. Anh nằm hôn mê bên gốc cây rừng. Một đàn vượn hái quả trên cây nhòm thấy người nằm bên dưới, chúng tụt xuống tiến lại phía anh bộ đội… Anh bộ đội nằm im, một vệt máu đỏ từ đầu chảy qua mặt. Đàn vượn thay nhau đi tìm lá thuốc rịt vào vết thương cho anh. Anh bộ đội dần dần tỉnh lại. Đàn vượn xúm xít hái quả cho anh ăn, kiếm nước cho anh uống. Có lẽ bị chấn thương sọ não. Tỉnh mà anh bộ đội vẫn u mê lẫn lộn. Anh không còn phân biệt ai đã chăm sóc anh, người hay là muông thú. Anh không còn nhớ cái thế giới chung quanh mình nữa. Đang ở đâu, rồi sẽ về đâu. Chỉ biết chung quanh khi ấy là một cánh rừng huyền bí, một bày vượn ríu rít, cho anh ăn, cho anh uống, dạy anh leo trèo. Cơn tâm thần hoang tưởng phó mặc đời anh với thiên nhiên, cây rừng, muông thú”2. Khi người lính bị thương nặng, lá cây rừng chính là nguồn dược liệu quý giúp cầm máu vết thương; khi anh đói và khát, đàn vượn đã hái quả rừng cho anh ăn và kiếm nước suối cho anh uống… Nhờ sự bao bọc, che chở và nuôi dưỡng của thiên nhiên, anh đã được cứu sống. Và khi anh mất đi trí nhớ, anh quên mất gốc gác quê hương để có thể trở về, rừng lại trở thành nhà của anh và đàn vượn đã trở thành những người thân của anh: “Từ đó, anh bộ đội đã sống với bầy vượn hết năm này qua năm khác, giữa cánh rừng heo hút mênh mông. Anh đã dần dần quen với cách sống leo trèo, chuyền cây, hái quả, hú gọi bày, thích nghi, hoà nhập trong cộng đồng của bầy vượn”3. Khi thấy dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, chúng hô hào, kéo anh đi theo. Chúng dạy anh cách sinh tồn và hòa nhập cùng nhịp sống giữa thiên nhiên đại ngàn. Nhờ đó mà anh đã được cứu sống, đã tồn tại để chờ đợi đến ngày gia đình tìm lại và trở về với quê hương.

   Với những người lính nằm lại nơi chiến trường, rừng là mảnh đất mẹ đón nhận những mảnh vụn thân xác của các anh. Đó là “một vùng núi rừng trùng điệp, bao la, biết bao đồng đội đã ngã xuống nơi đây. Ngày ấy cuộc chiến tranh còn đang tiếp diễn, mọi người còn phải truy đuổi quân thù, nên các chiến sĩ hi sinh đã phải nằm nghỉ tạm nơi rừng xanh, núi đỏ”4.

   Đâu chỉ là nơi nương náu giữa thời chiến, ngay cả khi hòa bình lập lại, những cánh rừng Trường Sơn vẫn là nơi nương náu thân xác và linh hồn của những người lính tử trận. Cũng chính góc rừng Keo Sơn ấy, những người cùng đơn vị của những người lính tử trận và những người thân của họ đã nhiều lần trở lại để tìm hài cốt liệt sĩ. Trong những bước hành trình lặn lội, lầm lũi ấy, rừng thiêng đã có lúc lên tiếng, “tìm đường chỉ lối” cho những người còn sống có thể tìm thấy hài cốt của đồng đội, người thân, đưa các anh trở về với quê hương và gia đình: “Suốt mấy năm trời lặn lội khắp rừng sâu, khe suối, chân dốc... đơn vị của Hoà mới tìm kiếm được hơn nghìn thi hài liệt sĩ đưa về nghĩa trang Trường Sơn”5. Còn người đàn bà Hạnh Dung, vợ của người lính tử trận Trần Quang, trên hành trình đi tìm hài cốt chồng, “Dung giấu cả mọi người vì sợ dân làng và người thân ngăn cản. Gần 3 năm leo đèo, lội suối, đi rừng vất vả, Dung đã tìm được hơn 100 bộ hài cốt liệt sĩ đưa về chôn cất”6.

   2. Thiên nhiên bị tàn phá, huỷ diệt bởi chiến tranh

   Viết về chiến tranh là viết về những mất mát, tang thương không gì đong đếm nổi. Dưới góc nhìn của Minh Chuyên, chiến tranh không chỉ cướp đi sinh mạng con người, để lại những “di họa” nặng nề mà nó còn tàn phá, huỷ diệt môi sinh. Bởi vậy, đọc những trang ký đẫm chất hiện thực của Minh Chuyên, người đọc không chỉ xót xa trước những bi kịch hiện hình qua từng mảnh đời bất hạnh của con người mà đó còn là sự tàn phá, huỷ diệt thảm khốc môi trường sinh thái. Huỷ diệt tự nhiên cũng đồng nghĩa với huỷ diệt sự sống của con người. Thiên nhiên cũng có sinh mệnh của nó và vì thế, huỷ diệt thiên nhiên cũng là tội ác.

   Có rất nhiều nguyên nhân khiến môi trường tự nhiên bị tổn thương nhưng nhanh nhất, trực tiếp nhất, thảm khốc nhất và lâu dài nhất chính là chiến tranh. Chiến tranh biến những cánh rừng xanh bạt ngàn căng tràn sức sống trở thành những cánh rừng chết. Môi trường tự nhiên, từ đất, nước, không khí đến cây cối, động thực vật đều bị chiến tranh tàn phá, thậm chí huỷ diệt. Thiên nhiên trong ký của Minh Chuyên chính là “đôi mắt” – một chứng nhân về tội ác của Mĩ đã gây ra ở Việt Nam. Tâm điểm của bức tranh thiên nhiên ấy chính là những cánh rừng Trường Sơn huyền thoại trong những năm chiến trường Miền Nam diễn ra ác liệt nhất.

   Trong Hành trình đi tìm những linh hồn, Minh Chuyên đã miêu tả bước chân lầm lũi của người đàn bà mang tên Hạnh Dung từ Thái Bình vào rừng Sắc Rông tìm hài cốt của chồng (tên là Trần Quang). Cảnh rừng Sắc Rông huyền bí, linh thiêng nhưng cũng đầy đau thương đã hiện ra trong hồi tưởng của cụ già người Ê Đê: “Một hôm có một trung đoàn bộ đội hành quân qua vùng này. Họ trú quân trong rừng Sắc Rông. Bộ đội nhiều, họ mắc võng dày đặc gốc cây, ngồi kín cả đất rừng. Không may bọn thám báo rình mò phát hiện. Nửa đêm, chúng gọi máy bay Mĩ trút bom xuống khu rừng… Máy bay quần đảo bắn phá suốt từ 12 giờ khuya tới sáng hôm sau. Hàng 100 tấn bom sát thương và bom cháy đủ loại đổ xuống rừng Sắc Rông. Những chớp lửa bùng lên cháy rừng rực, sáng một góc trời đêm”7.

   Dưới ngòi bút của Minh Chuyên, cánh rừng Sắc Rông ấy không hiện lên với những nét chấm phá thơ mộng, lãng mạn, đậm chất trữ tình mà nó được miêu tả như một sinh mệnh đầy đau đớn trong cơn bão táp chiến tranh. Thiên nhiên như một “nạn nhân”, phải hứng chịu và bị tàn phá bởi hàng trăm tấn bom sát thương, bom cháy đủ loại. Dưới mưa bom bão đạn, những cây đại thụ bị phạt cụt ngọn, những cánh rừng bị cày xới, bị hủy hoại, tàn phá, không gian nồng nặc mùi máu, thịt, xương của những người lính tử trận. Trong trận ném bom ác liệt ấy, rừng Sắc Rông không chỉ là nạn nhân bị tàn phá tang thương bởi chiến tranh mà còn là một nhân chứng tận mắt chứng kiến gần một trung đoàn bộ đội bị tiêu diệt chỉ sau một đêm. Rừng Sắc Rông trở thành nơi chôn vùi thân xác của những linh hồn tan thây – thân xác họ bị bom xé toạc, văng lên cành cây, khe đá hoặc bị vùi lấp, tan nát, lẫn vào đất đá.

   Sự huỷ diệt thiên nhiên đâu chỉ đến từ mưa bom, bão đạn! Khủng khiếp nhất chính là sức huỷ diệt âm thầm đến từ vũ khí hoá học, nó ngấm sâu trong lòng đất, hoà vào dòng nước chất độc dioxin. Trong Cha con người lính, Minh Chuyên tái hiệu lại lời kể của ông Ngô – một người lính đã trải qua 19 năm chiến đấu ở Tây Nguyên – về những tội ác đối với thiên nhiên tại khu rừng ở Quảng Đà: “Ngày 2 tháng 10 năm 1970, đơn vị tôi đang trú quân tại một khu rừng ở Quảng Đà, máy bay Mĩ ập đến ném bom và sau đó chúng rải thảm chất độc da cam xuống khu rừng này… Khu rừng nơi đơn vị tôi đóng quân bị rải chất độc dioxin, cây cối úa vàng, lá rụng hết, cả khu rừng trơ trụi”8. Thiên nhiên núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn là thế vậy mà chỉ sau vài ngày, rừng đã bị tàn phá, hủy diệt bởi đạn bom và vũ khí hóa học. Trong lá thư ông Ngô tố cáo Công ti Monsanto của Mĩ, ông khẳng định: “Ông Giám đốc Công ti Monsanto, ông hiểu chất màu da cam – Dioxin của công ti ông đã sản xuất để người Mĩ đưa sang Việt Nam dùng “khai quang” cây rừng, tiêu diệt Việt cộng… hậu quả như thế nào chứ? Nó tàn phá hàng triệu héc ta rừng của Miền Nam Việt Nam”9. Và “Mỗi lần máy bay Mĩ rải cả chất độc hóa học, lá cây rụng hết, chỉ trơ trọc những cành cây khô giương lên trời… Nhiều vạt rừng cây chết khô xác, trơ trụi, đất ám khói đen”10. “Nó (dioxin) không chỉ tàn phá hàng triệu hét ta rừng của Miền Nam Việt Nam. Nguy hại hơn là nó đã ngấm vào cơ thể của hàng triệu người dân Việt Nam, trong đó có tôi, con tôi, và cháu tôi. Suốt 30 năm qua, chất độc da cam của các ông đã gây thảm hoạ khôn lường, làm cho con người sống dở, chết dở, chết trong quằn quại, đau đớn”11.

   Đối với con người, thiên nhiên như cái nôi của sự sống. Huỷ diệt thiên nhiên cũng chính là huỷ diệt sự sống của con người. Hình ảnh những cánh rừng vùng Quảng Đà, Sắc Rông “đổ máu” gợi chúng ta liên tưởng đến Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Trong tầm đại bác của giặc, “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn…”12. Chiến tranh đâu chỉ huỷ diệt sự sống của những cánh rừng già, chiến tranh còn biến nguồn nước nơi đây thành nơi dung môi pha dẫn thuốc độc hoá học. Bởi thế, biết bao dòng suối, con sông, hồ nước… trở thành “nguồn nước chết”. Trong Di hoạ chiến tranh, Minh Chuyên đã nhắc đến hồ Biên Hùng: “Tới hồ Biên Hùng, một hồ nước xanh thẫm. Chung quanh hồ, chất bẩn, bụi, và rêu tạo nên một lớp váng lầy nhầy nổi đầy mặt nước… Những năm chiến tranh, quân đội Mĩ đặt một kho chất độc đi-ô-xin ở đây. Và ngày ngày đưa máy bay tới chở chất độc đi rải khắp chiến trường Miền Nam Việt Nam. Mỗi khi trời mưa to, nước từ vùng kho lẫn đi-ô-xin lan chảy ra các vùng chung quanh, chảy vào hồ Biên Hùng, gây nhiễm độc cho cá”13. Hành vi phi nhân tính này của quân giặc khiến hồ nước xanh tự nhiên vốn có bỗng trở thành chiếc hồ tử thần. Vũ khí hoá học dioxin đã khiến cho cả hệ sinh thái bị huỷ diệt. Sống trong hệ sinh thái ấy, những người lính Trường Sơn đã âm thầm bị nhiễm chất độc da cam và để mãi sau này, cho đến hôm nay, những di hoạ còn để lại vẫn dai dẳng chưa hồi kết.

   Ở một tác phẩm khác, trong Đứa con màu da thú, cảnh rừng Cao-mê-lai (chiến trường Campuchia) cũng hiện lên qua những miêu tả của Thắng – một người lính tình nguyện. Thắng đã miêu tả Cao-mê-lai như một khu rừng “rất độc”, đến muôn thú cũng không sống nổi, phải bỏ đi. Sở dĩ rừng độc như vậy là bởi Mĩ và bọn phản động từ Thái Lan sang đã “thường xuyên trút bom đạn xuống khu rừng này… những trái bom đen trũi từ máy bay phóng xuống, tung đất và khói đục như màu mây lửa lên mặt rừng. Một số lần máy bay Mĩ rải cả chất độc hóa học, lá cây rụng hết, chỉ trơ trọi những cành cây khô giương lên trời”14. Ở một tác phẩm khác, trong Vết thương không rỉ máu, Minh Chuyên cũng miêu tả cánh rừng tại cứ điểm Sa Trê nhưng tình hình cũng diễn ra tương tự. Ban đầu, cánh rừng là “nơi trú quân xanh tươi” của quân đội Việt Nam nhưng chỉ sau một trận rải chất độc hóa học, rừng nay “chìm trong lớp bụi trắng đục như sữa” và kết quả là “Mấy hôm sau, rừng cây nơi chúng tôi ở ngả màu vàng, lá cây rụng lả tả, chỉ còn trơ cành”15.

   Như vậy, rõ ràng là dưới ngòi bút của Minh Chuyên, thiên nhiên hiện ra với những cánh rừng đầy thương tích, bị tàn phá, thậm chí huỷ diệt. Chiến tranh không chỉ hủy diệt sự sống của con người mà chiến tranh còn hủy diệt mẹ rừng, mẹ đất, mẹ nước... Thiên nhiên trở thành nạn nhân phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh: rừng bị tàn phá, cây bị đốt cháy, khí độc bao trùm khắp không gian, động thực vật bị hủy diệt. Cùng với rừng, mặt đất cũng bị cày xới, để lại những hố bom như những “vết thương” mãi còn lại trên mảnh đất này. Sông suối cũng bị nhiễm độc. Đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của chiến tranh hoá học đến môi trường tự nhiên, giới chuyên môn về môi trường đã khẳng định: “Trong cuộc chiến tranh hóa học mà Mĩ gây ra với quy mô lớn ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1969-1971, quân đội Mĩ đã sử dụng các chất dioxin, chất độc màu da cam, chất diệt cỏ và chất phát quang để rải xuống 24,67% lãnh thổ nước ta. Thời gian phân hủy của các chất này lên tới 20 năm. Số lượng chất độc hóa học với nồng độ cao được rải nhiều nhất trong cùng một khu vực khiến các loài động thực vật bị tiêu diệt, đất đai bị nhiễm độc và làm đảo lộn hệ sinh thái tự nhiên”16.

   3. Thiên nhiên hồi sinh

   Thiên nhiên đã từng bị tàn phá, huỷ diệt bởi chiến tranh nhưng người mẹ thiên nhiên cũng kiên cường với sức sống rất kỳ diệu. Sức sống ấy được thể hiện ở khả năng hồi sinh từ trong cái chết. Những cánh rừng chết chóc ngày ấy giờ đây đã và đang tự chữa lành cho mình.

   Người rừng là hành trình trở lại chiến trường tìm tung tích đồng đội của những người lính năm xưa. Trở lại đây, người lính Trường Sơn không khỏi ngạc nhiên trước sự tái sinh kỳ diệu của mảnh đất này: “Hai bên đường vào làng mới ngày nào hố bom, hố đạn đào xới chằng chịt, nham nhở, nay đồng bào khai hoang đã biến thành những bãi sắn, đồi cà phê, ruộng lúa nước, nhấp nhô xanh rờn”17. Keo Mun là nơi đã từng diễn ra những trận đánh bom quyết liệt của giặc Mĩ năm xưa, ngày hôm nay, khi trở lại, đã hoàn toàn “thay áo mới”. Keo Mun với “Con đường vào bản, những cánh hoa phong lan nở trắng bên gốc cây rừng. Những căn nhà sàn tựa lưng vào sườn đồi, đổ bóng xuống dòng sông A-na. Những giọt nắng rụng qua kẽ lá đung đưa trên con đường đất đỏ”18, “hai bên lối mòn, hoa rừng nở rộ, chim rừng hót ríu ran”19, “Cây rừng mọc tầng tầng, lớp lớp”20… Dưới góc nhìn của Minh Chuyên, sự hồi sinh kỳ diệu, mạnh mẽ ấy đến từ một “vòng đời bất tận” của thiên nhiên: “Thời gian và mưa nắng, máu đã tan vào đất, nuôi cây rừng. Tổ quốc mình ở Trường Sơn xanh tươi là do một phần máu xương của đồng đội đấy”21.

   Quả thật, sự sống bắt đầu hồi sinh từ cái chết. Những người lính Trường Sơn trong cuộc chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc đã gửi lại thân xác họ nơi chiến trường. Qua thời gian, máu xương của họ đã giúp hồi sinh mảnh đất đầy chết chóc, đau thương này. Không có máu xương thấm đẫm núi rừng làm sao có được những mùa hoa nở trắng khắp núi rừng, làm sao có được những bãi sẵn, đồi cà phê, ruộng lúa nước nhấp nhô xanh rờn hôm nay.

   Nói tóm lại, thiên nhiên trong ký của Minh Chuyên dù không được miêu tả nhiều nhưng chỉ thông qua một số nét phác họa và đặc tả, Minh Chuyên đã xây dựng hình tượng thiên nhiên như một sinh mệnh. Bởi thiên nhiên có sinh mệnh của nó nên mọi hành động làm tổn thương, tàn phá, huỷ diệt thiên nhiên cũng đều là tội ác. Cho dù chiến tranh đã qua đi vài chục năm, cho dù những cánh rừng Trường Sơn đã dần hồi sinh trở lại nhưng trong lòng đất mẹ, với lượng chất độc hóa học tồn lại vẫn sẽ là những minh chứng cho sự tàn bạo của cuộc chiến tranh hoá học mà Mĩ đã gây ra đối với thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam.

 

 

 

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 Minh Chuyên (2018), Người lang thang không cô đơn, NXB Văn học, tr. 204, 232, 233, 252, 252, 277, 274.
8, 9, 10, 11, 13, 14, 15, 17, 18, 19, 20, 21 Minh Chuyên (2014), Di họa chiến tranh, NXB Hội Nhà văn, tr. 26, 26, 104, 95, 43, 90, 126, 342, 301, 314, 316, 315.
12 Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Ngữ văn 12 nâng cao, tập 2, NXB Giáo dục, tr. 51.
16 https://moitruonghopnhat.com, ngày 06/12.

Bình luận

    Chưa có bình luận