Ý THỨC ĐỐI THOẠI LỊCH SỬ TRONG TIỂU THUYẾT ''CUỘC ĐỜI XA KHUẤT'' CỦA LÊ HOÀI NAM

Trên cơ sở phân tích, đánh giá bút pháp kỳ ảo cùng yếu tố tâm linh trên tinh thần đối thoại lịch sử để giải mã quá khứ trong tiểu thuyết ''Cuộc đời xa khuất'' của Lê Hoài Nam, bài viết khẳng định bản lĩnh của nhà văn qua 'lối đi riêng' đầy ấn tượng này.

   Trong những năm gần đây, các câu chuyện, các vấn đề lịch sử đã trở thành cảm hứng thu hút sự sáng tạo của nhiều cây bút. Bên cạnh các nhà văn thành danh như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Quang Thân… đã xuất hiện các cây bút tiếp nối dòng tiểu thuyết lịch sử như Nguyễn Trọng Tân với Thiên mệnh, Thiên thu huyết lệ; Trần Thanh Cảnh với Đức Thánh Trần, Trần Thủ Độ, Trần Nguyên Hãn; Đỗ Hàn với Dòng Lô xanh thẳm; Lê Hoài Nam với Mỹ nhân nơi đồng cỏ, Cuộc đời xa khuất… Đặc biệt, những cuốn tiểu thuyết về triều Nguyễn xuất hiện khá liên tục không chỉ đã gây chú ý mà còn đáp ứng thị hiếu thẩm mĩ và “tầm đón đợi” của độc giả và công chúng: Vũ tịch (2018) của Trường An; Từ Dụ thái hậu (2020), Công chúa Đồng Xuân (2023) của Trần Thùy Mai. Đều viết về triều Nguyễn nhưng các cuốn tiểu thuyết trên dành nhiều trang viết về những nhân vật nữ như công chúa Ngọc Bình (Vũ tịch), về cuộc đời của vương phi Phạm Thị Hằng, một vị thái hậu quyền uy của triều Nguyễn (Từ Dụ thái hậu), là thân phận của công chúa Đồng Xuân trong tiểu thuyết cùng tên. Ở đây, tôi muốn dừng lại lâu hơn với Cuộc đời xa khuất (2021) của Lê Hoài Nam. Không đi sâu vào số phận những nhân vật nữ như các tiểu thuyết về triều Nguyễn nói trên mà trực tiếp viết về vua Tự Đức và triều thần nhà Nguyễn cách đây gần 175 năm vào một thời đại đầy sóng gió, phức tạp và nhiều uẩn khúc, vừa xa xôi mà lại vừa gần gũi với người đọc hôm nay.

    Với Cuộc đời xa khuất, Lê Hoài Nam đã nỗ lực vượt thoát mô hình, khuôn khổ tiểu thuyết lịch sử truyền thống, hướng đến giải mã quá khứ trên “tinh thần đối thoại”. Tác giả đã vận dụng bút pháp kỳ ảo cùng yếu tố tâm linh thiết kế một cuộc hội ngộ kết nối người âm và người dương, tiền nhân và người đương đại, cá nhân và triều chính, quá khứ và hiện tại. Tất cả hiện diện và đối mặt như là với “dĩ vãng phía trước”, cùng trao đổi, tranh biện, bộc lộ, giãi bày nhằm hướng tới một cái nhìn “sòng phẳng” với những góc khuất và điểm mờ của lịch sử, sâu xa hơn là hướng tới “trả lời những chất vấn của đương đại về quá khứ của dân tộc” cùng những nhân vật lịch sử không phải “đã sống mà đang sống, đang được trao cho sự sống”.

   Ở đây, tác giả không kể lại cuộc đời của vua Tự Đức mà từ các mạng đối thoại, các diễn ngôn, từ những cái nhìn đa chiều kích của các nhân vật người âm hay người dương dần làm sáng tỏ những vấn đề của thời cuộc, của triều Nguyễn. Từ những mâu thuẫn giữa hai phe chủ hòa và chủ chiến, hai phái canh tân và bảo thủ đến những câu chuyện thuộc về đời tư của vua Tự Đức, của các đại thần triều Nguyễn đều được phơi lộ không phải dưới ánh sáng ban ngày mà trong không gian đêm mờ tỏ, huyền ảo âm dương, bảng lảng cõi chết và cõi sống, ngõ hầu người đọc có thể tự hình dung theo cách của mình thông qua một cuộc hội thảo kéo dài trong năm đêm nhằm mục đích lớn nhất là “sòng phẳng với lịch sử”, cụ thể với vua Tự Đức và triều Nguyễn.

   Bằng cách tiếp cận của riêng mình, tác giả Cuộc đời xa khuất cho thấy những vấn đề của triều Nguyễn và vua Tự Đức không còn là “bản tin cũ” mà luôn gắn với những vấn đề của cuộc sống đương đại mang ý nghĩa thời sự và nhân văn. Câu chuyện bắt đầu từ quá trình chuẩn bị tư liệu cho công trình nghiên cứu về văn hóa triều Nguyễn của Giáo sư Phạm Đình Nhã. Trong một đêm rà soát lại đề cương cuốn sách, nhà nghiên cứu mơ gặp và trò chuyện với vua Tự Đức, vị vua thứ 4 của triều Nguyễn, trị vì Đại Nam 36 năm liền (1847-1883) trong bối cảnh đất nước dần bị thực dân Pháp thôn tính. Vua Tự Đức qua đời năm 1883, tính đến năm 2020 (thời điểm tiểu thuyết Cuộc đời xa khuất ra mắt bạn đọc) đã 117 mùa xuân. Từng ấy năm đằng đẵng tưởng nhà vua có thể yên giấc ngàn thu nhưng với ông: “Tôi thành cát bụi vô tri vô giác làm sao được khi chính tôi đã để đất nước rơi vào tay giặc. Có lẽ vong linh của các bậc tiền bối Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ - Quang Trung… rất thiêng không cho phép tôi được chết, bắt tôi phải sống mà trăn trở, sám hối… Không những thế, các cụ còn có cách cho tôi nghe thấy, đọc thấy rất nhiều điều người đời nói và viết về tôi. Phần nhiều người ta nói đúng, viết đúng. Nhưng cũng có bài đúng một nửa, đúng một phần, hoặc đúng về hiện tượng mà không đúng về bản chất. Lại có những bài bịa đặt hoàn toàn”1. Bởi vậy, Tự Đức mong muốn có một cuộc hội ngộ với những người trên dương thế, nhất là với những người đã và đang tìm hiểu, nghiên cứu về triều Nguyễn để đối thoại, tương tác với nhau một lần cho khách quan, minh bạch và sòng phẳng, cho hậu thế có cái nhìn đúng đắn về ông và triều thần của mình và cho cả thời đương đại, đừng để một ai lãnh đạo đất nước mà lại “dẫm lên vết chân” của ông. Các vị tiền bối dường như cũng cảm nhận được niềm mong muốn ấy của vua Tự Đức và khuyên nên chờ vận hội và khi vận hội đến thì nên học cách nói của người đương đại không xưng “trẫm” và gọi họ là các “khanh” nữa. Như thế sẽ xóa bỏ được “khoảng cách sử thi”, tạo được không khí gần gũi, cởi mở, thẳng thắn và chân tình.

   Dựa vào những căn nguyên mang tính “cấp thiết” của cả người âm lẫn người dương, với sự sáng tạo độc đáo của mình, tác giả Lê Hoài Nam đã “tổ chức” một cuộc hội thảo mang tầm quốc gia, tập hợp một bên là các nhà khoa học, nhà văn, nhà báo đương đại và một bên là vua Tự Đức và các đại thần triều Nguyễn: Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Hoàng Kế Viêm, Phan Thanh Giản, Ông Ích Khiêm, Vũ Trọng Bình, Cao Bá Quát, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Bà Huyện Thanh Quan, Bùi Viện cùng những viên quan có hàm tước nhỏ hơn và các linh mục, tu sĩ. Giáo sư Phạm Đình Nhã sau khi thắp hương, chắp tay khấn, đã đại diện các đại biểu đương đại chủ trì hội thảo. Vua Tự Đức đại diện cho những người đã sang thế giới bên kia khai mạc. Bằng vài lời giới thiệu lý lịch “trích ngang” của mình, vua Tự Đức cho thấy ngày ông chào đời là một ngày bình thường (theo lời của người sinh hạ ông là bà Từ Dụ) nhưng ngày ông được truyền ngôi báu lại là một ngày giông bão như điềm báo triều đại ông trị vì là một thời đại rất giông gió, dữ dằn, là thời kỳ phức tạp nhất của lịch sử nước nhà. Trong quá trình 36 năm trị vì, Tự Đức luôn bị lên án gay gắt hai việc: một là không mở cửa giao thương với nước ngoài, nhất là các nước văn minh; hai là đối xử nghiệt ngã với những người theo đạo Gia Tô. Có nhiều cơ hội đưa đất nước hòa nhập vào thế giới văn minh nhưng vì nệ văn hóa Nho gia cổ hủ, thiếu tự tin mà cả bốn đời Hoàng đế triều Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức bỏ lỡ.

   Trong Cuộc đời xa khuất, Lê Hoài Nam đã kiến tạo được một không khí đối thoại dân chủ, cho phép lời nói của nhân vật được phát lộ, tự giãi bày, tự giải thích, vấn an. Tất cả đều hướng tới bản thân nhân vật, quay mặt về phía nó, tất cả được cảm thấy như là “lời nói về người có mặt, chứ không phải lời nói về người vắng mặt như là lời nói của ngôi thứ hai, chứ không phải ngôi thứ ba” (Bakhtin). Nhờ sự thâm nhập của đối thoại, tác giả vừa có khả năng khám phá các sự kiện, biến cố lịch sử vừa lách sâu vào đời sống bên trong, thế giới nội tâm của nhân vật mang cảm hứng thế sự, đời tư. Do vậy dễ nhận thấy bên cạnh không khí trang nghiêm mà thẳng thắn khi trao đổi về những vấn đề thời cuộc, phía đương đại cũng không ngại hỏi vua Tự Đức những chuyện riêng tư, phòng the ẩn chứa bao nỗi cô đơn, buồn bực của ông khi có hai người vợ chính thức và 101 cung nữ mà vẫn không có nổi một mụn con. Không có con nối dõi, truyền ngôi là một nỗi đau khổ đến tận cùng bản thể, là bi kịch của một người đàn ông ở ngôi vị cao nhất vương triều như ông. Những cuộc đối thoại không chỉ diễn ra giữa người dương với người âm mà còn với người âm với nhau, cho thấy không khí thẳng thắn mà cởi mở giữa vua Tự Đức và cận thần. Có lúc căng thẳng và nặng nề như với vua Tự Đức và Cao Bá Quát, Lê Khôi (con nuôi của Lê Văn Duyệt), với Đoàn Hữu Trưng thuộc quân nổi dậy trong vụ Vạn niên cơ. Thậm chí dân chủ đến nỗi Đoàn Hữu Trưng chất vấn Tự Đức: “Hôm nay tôi có mặt ở đây cũng chỉ xin hỏi một câu thôi, bệ hạ là người thiện hay kẻ ác?” (tr. 144). Nghe xong câu hỏi, vua Tự Đức trả lời: “Dưới thời tôi trị vì, tôi không chỉra lệnh xử tử ông Quát và ông mà còn nhiều người khác nữa. Có thể dưới một góc nhìn nào đó thì tôi là một tên vua bạo chúa. Còn tôi để giữ được vương triều, tôi đã không ân hận vì đã ban những cái lệnh như thế” (tr. 145). Trong quyền lực tối thượng của mình, vua Tự Đức có quyền quát mắng, trừng phạt những cận thần không thực hiện tốt chức phận của mình nhưng định kiến hay dùng những thủ đoạn độc ác với họ thì ông không làm. Trong cuộc hội ngộ này, với Tự Đức không phải để thanh minh, biện hộ, ca ngợi mình mà muốn nói thật mọi nhẽ với nhau thì cuộc hội ngộ này mới có “một chút ý nghĩa nhân bản”. Bên cạnh những nhân vật còn đang phân vân, nghi ngại về cái ác và cái thiện nơi vua thì cũng có những người như Trần Tiến Thành, người Việt gốc Hoa giữ chức quan đầu triều, vẫn được vua tin dùng vì ông không quá câu nệ vào lý lịch mà để mất người tài, cho thấy nhà vua không hẹp hòi, thiển cận, độc ác. Là một người yêu chuộng thơ ca, qua những bài thơ Qua đèo Ngang Thăng Long thành hoài cổ được đánh giá là tuyệt bút của Bà Huyện Thanh Quan, vua Tự Đức đã gọi bà vào triều giao cho chức Cung trung giáo tập, dạy học cho công chúa và cung phi. Khi chồng mất, bà đã được triều đình cấp cho ngôi nhà công vụ. Một lần được ông Lý trưởng Nghi Tàm làm đơn kiện quan Doãn Phủ Phụng Thiên đã bắt dân cống chim sâm cầm cho vua và cho cả hắn đến nhờ bà trình tấu vua Tự Đức. Bà không ngờ vua chấp thuận miễn cống chim sâm cầm và điều quan nhận việc ở một tỉnh rừng núi phía Bắc. Theo Bà Huyện Thanh Quan, nhà vua đang hội ngộ trong cuộc hội thảo này là người tôn trọng đạo lý, lẽ phải, không phải là người nghiệt ngã, hẹp hòi như nhiều người lầm tưởng.

   Viết tiểu thuyết lịch sử theo tinh thần đối thoại, với tư duy nhận thức lại, nhìn lại lịch sử từ các góc nhìn khác nhau, các nhà tiểu thuyết lịch sử hôm nay đã nhận thấy “các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử phải sinh động hơn các nhân vật lịch sử vì các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử được trao cho sự sống, còn các nhân vật lịch sử thì đã sống” (Lucass)2. Với Cuộc đời xa khuất, các nhân vật cách đây hơn trăm năm đã không còn xa lạ với người hiện tại qua cuộc hội ngộ hiếm thấy giữa quá khứ và đương đại diễn ra trong năm đêm. Những người âm như vua Tự Đức, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Cao Bá Quát, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Bùi Viện, thậm chí xa hơn như Gia Long, công chúa Ngọc Bình hiện diện một cách sống động hơn. Thế giới nhân vật với các diễn ngôn không phụ thuộc vào ngôn ngữ cung đình như đã quy định từ đầu trước khi vào hội thảo là nói bằng ngôn ngữ đương đại, cho thấy các quy ước của tiểu thuyết lịch sử đang được cơi nới, mở rộng phạm vi sáng tạo.

   Trong cấu trúc nội tại của tiểu thuyết, nói như Bakhtin: “Nòng cốt thể loại của tiểu thuyết chưa hề rắn lại và chúng ta chưa thể dự đoán được hết khả năng uyển chuyển của nó”. Khả năng phối kết thu hút các thể loại khác khiến cho tiểu thuyết luôn có xu hướng đổi mới cả về khả năng lẫn nhu cầu khai thác tiềm năng của chính nó. Do vậy, không phải ngẫu nhiên trong chiến lược tự sự của mình, nhà văn Lê Hoài Nam đã đưa các truyện ngắn Những giọt lệ đỏ thắm, Vĩ nhân thời ốc đảo Trời Tây xa lắc tham gia, dự phần vào tiểu thuyết Cuộc đời xa khuất. Các truyện ngắn đó vừa như một tác phẩm, có thể tách riêng ra, vừa như một mắt xích kết nối xâu chuỗi câu chuyện, gia tăng tính đối thoại như một “liên văn bản” làm đầy đặn hơn sinh thể tiểu thuyết cũng như sức sống nội tại của nhân vật. Khi Tự Đức nói với các nhà khoa học đương đại về cụ cố Gia Long, ông nội Minh Mạng và phụ hoàng Thiệu Trị đều có tư tưởng kìm hãm, không muốn thay đổi và cũng không muốn xuất hiện một chế độ khác thay thế. Hơn nữa, chế độ mà Gia Long lập nên còn áp đặt một bộ máy phong kiến hà khắc bạo ngược, trả thù nhà Tây Sơn không tiếc tay, thậm chí khi ông vua thứ hai đời Tây Sơn là Nguyễn Quang Toản bị giết chết còn lấy luôn vợ của ông ta là công chúa Ngọc Bình. Và truyện ngắn Những giọt lệ đỏ thắm đã như cầu nối vào tiểu thuyết làm rõ quan hệ Gia Long và Ngọc Bình cũng là quan hệ triều chính với những đối thoại kép giữa Gia Long (Nguyễn Ánh) với Ngọc Bình và giữa hồn Quang Toản với nàng, cho thấy sự sắp đặt trớ trêu của số phận và lịch sử với công chúa Lê Ngọc Bình, chị em cùng cha khác mẹ với Lê Ngọc Hân: “Gái đâu có gái lạ đời/ Con vua lại lấy hai đời chồng vua”. Là hoàng hậu vua Cảnh Thịnh và hoàng phi vua Gia Long, thân phận nữ nhân Ngọc Bình chứng kiến sự sụp đổ của hai vương triều nhà Lê, nhà Tây Sơn và sự lên ngôi của vương triều mới – triều Nguyễn. Trong mắt Gia Long, Ngọc Bình không chỉ là hiện thân của sắc đẹp, tình yêu và lạc dục mà còn cả sự trả thù rửa hận, hạnh phúc chứa cả mầm hận không tránh khỏi bi kịch. Và truyện ngắn Những giọt lệ đỏ thắm đã giúp người dương thế hiểu thêm về tình thế của thời cuộc, của sự hình thành vương triều Nguyễn buổi đầu và cái chết của Ngọc Bình “trong vòng tay vua Gia Long” bằng cái nhìn xót xa và thông cảm của người đương đại với những khuất tất cùng nỗi đau của người xưa. Ở trường hợp khác, khi người đương đại hỏi: “Các ông Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Ông Ích Khiêm, Hoàng Kế Viêm có chống lại những người có tư tưởng canh tân đất nước như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Tư Giản không? Từ trong phòng họp, Nguyễn Trường Tộ ăn vận theo kiểu Âu Tây cho biết đã đọc truyện ngắn của một nhà văn đương đại viết về mình như một tài liệu hữu ích để mọi người có mặt tham khảo, có nhan đề Vĩ nhân thời ốc đảo. Truyện kể về cuộc gặp gỡ và trò chuyện thân mật và thẳng thắn giữa Nguyễn Trường Tộ với nhà canh tân người Nhật Fukuzawa, do biết tiếng mà tìm đến nhau. Họ gặp nhau ở khát vọng canh tân đất nước Nhật Bản và Việt Nam đang sống trong chế độ phong kiến lỗi thời, thân phận người dân như bèo bọt, cùng bị phương Tây dòm ngó muốn thâu tóm thành thuộc địa bằng con đường cải cách duy tân. Cả hai đều cho rằng công cuộc duy tân không thể đặt lên vai những kẻ mù chữ, ít học nên phải thúc đẩy việc học, khai sáng tinh thần quốc dân với quan điểm “Học ở chính các nước châu Âu đang nhòm ngó nuôi tham vọng thôn tính chúng ta. Làm cho họ vượt sóng gió đại dương vào đất nước chúng ta trong tư thế những đối tác làm ăn chứ không phải trong tư thế kẻ xâm lược” (tr. 162). Nhưng trong khát vọng duy tân ấy chỉ Fukuzawa làm nên chuyện, là “linh hồn của công cuộc Minh Trị duy tân”, là “người khai sáng tinh thần quốc dân Nhật”. Còn với Nguyễn Trường Tộ, danh tiếng được lưu truyền trong sử sách sau này nhưng với đương thời, những bản điều trần của ông về mở cửa thông thương với phương Tây, đề xuất việc học thực hành, không chỉ bốn ông đại diện phái bảo thủ nêu trên mà cả các vị quan đại thần đều tỏ thái độ không ủng hộ. Với vua Tự Đức cũng vậy. Là nhà thơ, Tự Đức có những sáng tác được lịch sử lưu lại nhưng là một vị vua, theo Fukazawa, Tự Đức lại “tự thu mình trong cái vỏ ốc tranh tối tranh sáng có tên là kinh thành Huế, biến cả đất nước thành một ốc đảo” và Nguyễn Trường Tộ cũng chỉ là một “vĩ nhân thời ốc đảo”. Vẫn theo cấu trúc tự sự của mình, tác giả Lê Hoài Nam đã tiếp tục lồng truyện ngắn vào tiểu thuyết như một cách cung cấp chất liệu, thông tin về nhân vật Bùi Viện, người được đức vua giao trọng trách đi sứ ở Hoa Kỳ qua truyện ngắn Trời Tây xa lắc. Với hai chuyến đi Mĩ, Bùi Viện có trọng trách trình quốc thư của hoàng đế Tự Đức mong muốn Hoàng triều Đại Nam đặt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, giúp họ đánh đuổi quân Pháp ra khỏi bờ cõi. Nhưng rất tiếc vì sự chậm trễ, không thực hiện đúng thời hạn đã giao ước, Hoa Kỳ đã không còn có nhu cầu đánh Pháp giúp Đại Nam vì đã tiếp đoàn Pháp sang trước xin cầu hòa và thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Câu chuyện đã khiến vua Tự Đức ngẫm ra nhiều điều, không thấy giận Tổng thống Hoa Kỳ mà giận mình. Chỉ vì “cái thói khệnh khạng, quan liêu, quân phiệt, lễ giáo cổ hủ mà tôi đã bỏ lỡ một cơ hội vàng cứu nguy cho đất nước” (tr. 238).

   Trong quá trình nắm giữ triều chính, vua Tự Đức là người kiên quyết không tha tội tham nhũng. Tự Đức không thể canh tân đất nước như ông và các đại thần mong muốn nhưng với những ai tham nhũng dù ít ông cũng trừng trị thích đáng. Nói như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, “bất cứ cuốn tiểu thuyết lịch sử nào cũng đều có ánh xạ của đời sống hiện tại” và vấn đề nó đặt ra “không chỉ cần đúng với lịch sử mà còn là những vấn đề được người hiện tại quan tâm”3. Trong Cuộc đời xa khuất, những vấn đề của lịch sử như chống tiêu cực, tham nhũng đều là những vấn đề mà xã hội đương đại quan tâm và nhân vật Tự Đức cùng các đại thần đã thực hiện những sự việc, hiện tượng đó một cách kiên quyết và mạnh mẽ. Một vấn đề khác khi nói đến một trong những nguyên nhân triều Nguyễn để mất nước là vì quần thần lúc nào cũng chìm đắm trong thơ ca ngâm vịnh, Nguyễn Công Trứ cũng đã phản biện “nhưng ta cũng nghe nói trên dương thế ngày nay, tệ sùng bái thơ ca còn nặng nề hơn thời triều thần ta”. Vậy những người đương đại sẽ nghĩ sao?

   Có thể nói, qua năm đêm hội thảo bàn luận, đối thoại, trần tình, giãi bày giữa người âm và người dương với những phân tích là lý giải khách quan, tường minh và thuyết phục về vua Tự Đức và triều Nguyễn khiến nhà vua bộc bạch: “Cũng chỉ vì tôi mắc cái tội lớn quá, tội tày đình, là để mất nước cho nên nó lấn cả cái công của tôi… Bởi vậy, năm đêm nay tôi được cởi mở nói thật những gì cần nói, khiến tự đáy lòng tôi rất thanh thản, tôi thấy nhẹ cả người, có thể bay lên được. Tôi rất biết ơn quý vị” (tr. 361). Với người đương đại, Giáo sư Phạm Đình Nhã cũng biết ơn năm đêm hội ngộ đã cho ông những tư liệu quý báu để đưa vào cuốn sách, gạt đi những tư liệu mang tính chủ quan hay bịa đặt trước đó để có cái nhìn khách quan, thấu lý đạt tình và khoa học hơn về vua Tự Đức và triều Nguyễn.

   Bằng cách tiếp cận mới đầy bản lĩnh đối tượng thẩm mĩ trong cách thức lồng ghép liên văn bản, liên thể loại và liên không gian nhằm làm nổi bật ý thức đối thoại, âm vọng và thẩm thấu trong từng trang viết, tiểu thuyết Cuộc đời xa khuất thật sự lôi cuốn người đọc. Có thể nói nhà văn Lê Hoài Nam, tác giả tiểu thuyết Cuộc đời xa khuất, đã tạo dựng các nhân vật lịch sử và lịch sử triều Nguyễn theo cách nhìn mới kết hợp nhiều giải pháp và thủ pháp khác nhau cho thấy tuy “cuộc đời xa khuất” nhưng số phận họ vẫn dư vang trong cộng đồng sáng tạo và tiếp nhận đương đại, vẫn thôi thúc người hôm nay tìm hiểu, đính chính và thông cảm với những khát vọng cũng như giới hạn của cha ông, của những người tiền nhiệm với con người, lịch sử và dân tộc.

 

 

 

Chú thích:
1 Lê Hoài Nam (2020), Cuộc đời xa khuất, NXB Hội Nhà văn, tr. 14. Từ đây, các trích dẫn từ sách này được ghi chú trực tiếp nguồn trang (tr.) sau trích dẫn.
2, 3 Thái Phan Vàng Anh (2017), Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI: Lạ hóa một cuộc chơi, NXB Đại học Huế, tr. 88, 91

Bình luận

    Chưa có bình luận