LỊCH SỬ TỪ ĐIỂM NHÌN NỮ GIỚI

Ở Việt Nam, không nhiều nhà văn nữ viết về đề tài lịch sử. Việc viết tự sự hư cấu về lịch sử, tự nó, là một sự ''khác'', nếu đặt trong những hệ đề tài mà các tác giả nữ thường quan tâm. Với hàng loạt tiểu thuyết, truyện ngắn lịch sử của các nhà văn nữ, lịch sử đã được diễn giải từ cái nhìn của nữ giới. Bài viết quan tâm đến lối viết nữ khi tìm hiểu lịch sử - lối viết đặt nữ giới vào vị trí trung tâm.

    ''Không có bất kỳ điều gì thuộc những tác phẩm đã xuất bản trong cả quá khứ và hiện tại của nữ giới có thể đưa chúng ta đến sự khẳng định quả quyết rằng đó là một lối viết nữ” (Julia Kristeva). Nếu phương diện giới tính trong văn chương được chú ý từ mĩ học của “cái khác”, không khó để thấy rằng luôn tồn tại những khác biệt (bên cạnh tương đồng) trong lối viết của nhà văn nam và nhà văn nữ. Khác rõ nhất ở điểm nhìn, cách lựa chọn bối cảnh trong những tự sự hư cấu của nữ giới về đề tài lịch sử.

    Nhiều nhà văn có xu hướng chọn tên nhân vật làm tên của tác phẩm. Ở tiểu thuyết lịch sử, cách chọn này ngầm cho thấy nhân vật được gọi tên đó chính là nhân vật trung tâm, cũng là tâm điểm của một giai đoạn lịch sử mà các biến cố đều liên quan mật thiết đến cái tên đã được đóng đinh vào quá khứ này. Với quan niệm đó, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Hữu Nam, Trần Thanh Cảnh… đã viết các tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Vua Thành Thái, Trần Quốc Tuấn, Trần Thủ Độ. Giống nhiều đồng nghiệp nam giới, các nhà văn nữ cũng thường xác định giới tính của nhân vật lịch sử ngay từ nhan đề. Song, nếu các nhà văn nam chủ yếu quan tâm đến những sự kiện lớn với kiểu nhân vật vĩ đại (thường là nam giới) thì với các nhà văn nữ, những người phụ nữ nhỏ bé, bất kể có hay không có quyền lực, lại là đối tượng được ưu tiên hơn. Với một loạt nhan đề tác phẩm như Từ Dụ thái hậu, Công chúa Đồng Xuân, Thể Cúc, Nàng công chúa té giếng, Án lục của người đàn bà họ Tống…, Trần Thùy Mai đã ngầm khẳng định chị chỉ viết về lịch sử qua các nhân vật nữ. Trường An với Hồ Dương, Trần Thị Trường với Ngày cuối cùng của dâm phụ hay Vũ Thanh Lịch với Má đào… Dù trực tiếp hay gián tiếp, các tác giả nữ đều hé lộ giới tính nhân vật, cũng từ nhan đề, khẳng định phụ nữ mới là đối tượng được họ quan tâm nhiều hơn khi luận giải lịch sử và quá khứ. Với những chọn lựa ít nhiều “thuận” với giới tính của người cầm bút, các nhà văn nữ đã góp thêm vào mảng văn học lịch sử một kiểu viết khác, làm đa đạng hóa đề tài và bút pháp của bộ phận văn học đặc thù này.

    Viết về đề tài lịch sử, các nhà văn hiện đại, hậu hiện đại quan tâm hơn đến số phận con người, những con người bình thường trước khi trở thành vĩ nhân, những con người được lịch sử lựa chọn để làm nên số phận của chính nó. Nếu như các nhà văn nam ít khi chạm đến cái phần yếu đuối, sâu thẳm trong tâm hồn của các vĩ nhân, nếu đặt trong tương quan với cách khai thác, dựng diện mạo nhân vật của các nhà văn nữ thì các nhà văn nữ, thay vì đặt trọng tâm vào các bối cảnh, sự kiện lớn, họ quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống đời thường, đến các biểu hiện cảm tính của vĩ nhân trước bối cảnh, sự kiện lịch sử ấy. Không kể về những sự biến lịch sử liên quan đến chuyện tranh đoạt quyền lực, Nguyễn Thị Kim Hòa đã chọn những ngày tàn khi tuyên phi Đặng Thị Huệ chỉ còn là một cung tần nội thị, hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm, để khắc họa chân dung của một người đàn bà nhiều hoài niệm, giàu cảm xúc. Phải hóa thân vào vai một người đàn bà kinh qua mọi biến cố cuộc đời, tác giả mới có thể cảm nhận và miêu tả tinh tế cái “mùi khê khê nồng nồng của những liếp rơm vàng lựng ngả màu dưới nắng”, “mùi thanh tao như cất ra từ những mảng trong vắt của khí đất, khí trời”, “chảy tràn ra từ những kẽ ngón tay, để giọt nối giọt rơi xuống,rơi xuống…” vào lòng người đàn bà đã sa cơ thất thế (Hương thôn dã). Từ điểm nhìn giới, Trần Thùy Mai quan tâm hơn đến bi kịch của Thể Cúc, con gái Tùng Thiện vương Miên Thẩm, khi chồng nàng, Đoàn Trưng và gia tộc họ Đoàn bị hành quyết vì cuộc nổi loạn không thành (Thể Cúc). Sự kiện Đoàn Trưng trở thành cái cớ để Trần Thùy Mai xót xa cho các số phận phụ nữ hữu danh lẫn vô danh bị lôi kéo vào các cơn binh biến.

    Không phải các nhà văn nam không đề cập đến phụ nữ khi viết về đề tài lịch sử. Tuy nhiên, dường như chỉ ở tác phẩm của các nhà văn nữ, phụ nữ mới trở thành nhân vật trung tâm, là tâm điểm để nhận diện và lý giải lịch sử từ những góc nhìn khác, gắn liền với đặc trưng của giới. Hai trong ba tiểu thuyết lịch sử của Trường An đều dựng lại giai đoạn Tây Sơn - Nguyễn Ánh từ cuộc đời và số phận của các công chúa (Vũ tịch, Hồ Dương). Ngoài các truyện ngắn lịch sử có cảm hứng từ số phận thăng trầm của các mĩ nhân (Thể Cúc, Nàng công chúa té giếng, Án lục người đàn bà họ Tống, Lửa hoàng cung…), cả hai tiểu thuyết của Trần Thùy Mai cũng đều xây dựng nhân vật trung tâm là những người đàn bà của vương triều, hoàng tộc (Từ Dụ thái hậu, Công chúa Đồng Xuân). Với chín truyện ngắn xoáy sâu vào số phận của những người phụ nữ ở nhiều giai đoạn lịch sử, tập truyện Con chim phụng cuối cùng của Nguyễn Thị Kim Hòa cũng đã tập trung khai thác tâm lý và cá tính nhân vật. Không quá tập trung vào văn học lịch sử, song nếu viết truyện ngắn lịch sử, Trần Thị Trường (Ngày cuối cùng của dâm phụ, Sóng vỗ mạn thuyền, Sóng nhồi vào sóng), Vũ Thanh Lịch (Mây vờn trên đỉnh Mã Yên, Má đào) cũng có xu hướng từ đặc trưng giới để lý giải lịch sử từ những lát cắt.

    Có thể thấy, trong tác phẩm của các nhà văn nữ, chân dung, cá tính, số phận, cuộc đời của các nhân vật nữ được hiện ra khá đa dạng. Lấy Ngọc Du công chúa làm tâm điểm để dựng lại những tháng ngày phục hưng đế nghiệp nhà Nguyễn ở Gia Định và thống nhất Bắc Hà, Nam Hà của chúa Nguyễn Ánh - vua Gia Long, với tiểu thuyết Hồ Dương, Trường An đã đưa ra những góc nhìn mới mẻ về một lịch sử của những mất mát. Đau thương trở thành câu chuyện của con người thuộc về thời kỳ lịch sử có quá nhiều biến động này, bất kể họ là nam hay nữ, vua chúa, tướng lĩnh hay binh lính, thường dân, thuộc phía bên này hay phía bên kia của cuộc nội chiến Tây Sơn – nhà Nguyễn. Trong đó có sự hi sinh không nhỏ của những người đàn bà, cùng những bình luận, phán xét của họ về những được mất của lịch sử. Lịch sử nào bù được cho những người mẹ phải lìa xa cuống rốn khi con gái bị đưa vào cung cấm, con trai bị giao cho các vương hậu đang khát thèm một đứa trẻ để giành giật ngôi vua (Từ Dụ thái hậu). Lịch sử nào ghi chép hết được những hoang mang, sợ hãi của những người vợ không ngăn được chồng lao vào tranh đoạt, chém giết nhân danh những lý tưởng lớn lao. Đó là lịch sử của của những hoán đổi vương triều mà Ngọc Bình đã dám đi đến tận cùng, để được nhìn thấy hòa bình cho một đất nước thống nhất, để cái chết của người thân, để sự suy tàn của các triều đại mà nàng từng thuộc về trở nên có ý nghĩa (Vũ tịch). Đó là lịch sử mà tất cả mọi chuyện đều có khởi đầu của nó mà mãi sau này Ngọc Du mới hiểu để bà biết rằng “người ta có thể sống bằng hi vọng, nhưng thứ giữ được sự sống lâu nhất cho con người lại là nỗi ẩn ức sợ hãi niềm tuyệt vọng” (Hồ Dương). Dường như qua những trang văn giàu cảm xúc của các nhà văn nữ, lịch sử đã được nhìn sâu hơn với những suy ngẫm hiện sinh.

    Lịch sử trong văn chương của các nhà văn nữ thường mang gương mặt nữ tính. Đó là một lịch sử được nhìn từ những câu chuyện của tâm hồn, được khúc xạ qua những hồi ức, hoài niệm, những tự vấn, suy tư. Chọn những khoảnh khắc nữ tính của Bùi Thị Xuân nơi pháp trường, Nguyễn Thị Kim Hòa đã từ đó dựng lại một chặng đường lịch sử quan trọng, từ khi nhà Tây Sơn thắng thế cho đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi và trừng phạt tàn khốc vua chúa, tướng lĩnh ngụy triều, trong đó có vị nữ tướng vẫn luôn hiên ngang ngay cả khi bại trận và phải đối diện với cái chết (Nắng quái Tây Nam thành). Không né tránh những sự thật tàn nhẫn, khốc liệt của lịch sử, song, các nhà văn nữ có xu hướng tìm lịch sử để thấu hiểu, đồng cảm. Những hư cấu lịch sử thường xuất phát từ niềm thương, từ ao ước chiêu tuyết cho những người mà công tội của họ đã không còn quá quan trọng sau những mù mờ hư ảo của tầng tầng lớp lớp các sự kiện chồng lấn được nhìn từ nhiều phía. Dựa vào những “khoảng trắng” trong sử sách về vụ án công chúa Đồng Xuân, Trần Thùy Mai đã “giải oan” cho nghi án loạn luân của công chúa Gia Phúc và anh trai Gia Hưng vương Hồng Hưu, lý giải sự kiện này từ những căn nguyên chính trị và tái hiện lại một lịch sử có thể có. Câu chuyện về một vị công chúa góa chồng và lỡ lầm vì khát yêu, khát sống đã được nhìn từ cái nhìn nhân văn và đồng cảm (Công chúa Đồng Xuân). Hư cấu nên mối tình của công chúa Ngọc Bình và tiết chế Quang Thùy (con trai vua Quang Trung, anh trai vua Quang Toản), Trường An cũng đã “cho” nàng, người đàn bà có số phận đặc biệt “con vua lại lấy hai chồng làm vua” những khoảnh khắc êm đềm, mê đắm, hòng “bù đắp” và chiêu tuyết cho một cuộc đời hồng nhan bạc phận bởi những sắp đặt và mưu toan chính trị (Vũ tịch). Đây là chỗ “nữ tính” của Trường An nếu so với Sương Nguyệt Minh khi xây dựng hình tượng Ngọc Bình ở truyện ngắn Dị hương. Nếu Sương Nguyệt Minh để Ngọc Bình chủ động đón nhận Nguyễn Ánh, không vướng bận gì đến tam tòng tứ đức, thì Trường An trước sau vẫn giữ cho Ngọc Bình sự trọn vẹn nghĩa tình trong mối quan hệ với Quang Toản, với vương triều Tây Sơn và với mối tình thầm kín của nàng. Và nếu tác giả Dị hương nhấn mạnh đến sự thống khổ của Ngọc Bình hòng làm nổi bật tính cách bạo tàn của Nguyễn Ánh, thì Trường An đã khắc họa một Nguyễn Ánh tha thiết yêu thương và trân trọng, nể phục nàng. Hư cấu của Sương Nguyệt Minh là để Ngọc Bình luôn cảm thấy mùi máu tanh tưởi, mùi khét binh khí ám vào da thịt Nguyễn Ánh khiến nàng như bị hút cạn sinh khí mỗi lúc phải gần gũi, cho dẫu Nguyễn Ánh có yêu thương chiều chuộng nàng thế nào; trong khi hư cấu của Trường An lại cho Ngọc Bình được đón nhận những nồng nàn, dịu ngọt từ người nàng yêu thương, tiết độ sứ Quang Thùy và cả những nâng niu của vị vua đầu triều nhà Nguyễn. Dĩ nhiên, Sương Nguyệt Minh hay TrườngAn đều có chủ ý riêng trong việc tạo nên những hư cấu lịch sử. Dẫu vậy, góc nhìn nam tính khiến Sương Nguyệt Minh quan tâm hơn đến Nguyễn Ánh, và qua Ngọc Bình tô đậm Nguyễn Ánh như là nhân vật trung tâm; trong khi bằng khao khát nữ giới, Trường An khiến lịch sử trở nên đậm chất “ngôn tình” với ao ước Ngọc Bình được hạnh phúc, được yêu thương trong những tưởng tượng về một lịch sử “khác”. Những hư cấu tiểu thuyết tỏ ra hữu hiệu để Trường An, cũng như nhiều nhà văn nữ khác, từ bi kịch của một thân phận, ngẫm nghĩ về bi kịch của những người đàn bà trong và ngoài cung cấm, những người đàn bà bị tước đoạt quyền được sống, được hạnh phúc đúng với những khao khát giới tính của bản thân.

    Đi qua mọi thịnh suy của các triều đại, mọi cuộc binh biến soán ngôi, đổi chủ, cái còn lại, sống mãi là những câu chuyện tình đẹp và buồn của những tháng ngày tao loạn. Đó là mối tình “sống để bụng, chết mang theo” của Ngọc Bình và tiết chế Nguyễn Quang Thùy (Vũ tịch), là tình cảm dịu dàng, câm nín của Trương Đăng Quế dành cho Nguyễn Thị Hằng từ lúc ấu thơ cho đến khi nàng thành thái hậu (Từ Dụ thái hậu); là những giây phút đê mê, hoan lạc phải trả giá đắt của công chúa Đồng Xuân (Công chúa Đồng Xuân), là tình yêu đôi lứa lẫn trong tình nghĩa vợ chồng chan chứa nỗi u hoài bởi chiến tranh, bởi chia lìa, mất mát của công chúa Ngọc Du và tướng quân Võ Tánh (Hồ Dương)… Các nhà văn nữ đã không ngần ngại bênh vực cho quyền được sống, được yêu của giới nữ. Sự chủ động của Ngọc Bình trong việc dùng thân xác để “trả thù”, để thật sự một lần được tận hiến cho người đàn ông nàng thầm yêu, đã được Trường An miêu tả vừa mê đắm vừa đớn đau (Vũ tịch). Trần Thùy Mai cũng vô cùng táo bạo khi chạm đến đề tài cấm kỵ, thách thức những hình dung khuôn mẫu về bổn phận, nếp sống, về trói buộc tam tòng tứ đức mà đa số độc giả vẫn mặc định phải có ở những người đàn bà phong kiến trong các tác phẩm văn học lịch sử.

    Xem sự tưởng tượng về lịch sử mới là đối tượng chính của văn học đề tài lịch sử, nhiều nhà văn đã chọn diễn giải lịch sử từ điểm nhìn cá nhân. Tự sự hư cấu về lịch sử trở thành một hành vi xác tín bản ngã, ở đó, các nhà văn nữ có xu hướng luận bàn chính sử từ cái tôi nội cảm hoặc hành vi hóa thân. Kể nội tâm và lý giải, biện minh, đối thoại trở thành những chiến lược trần thuật cơ bản. Đối thoại với lịch sử, các nhà văn nữ thường chọn cách kể từ ngôi thứ nhất hoặc đánh tráo ngôi kể kết hợp độc thoại nội tâm dòng ý thức. Trường An là một trong những nhà văn xem tự sự hư cấu lịch sử là một hành vi xác tín bản ngã. Bóng dáng của một người nữ luận bàn về sứ mệnh đế vương, luận giải về lịch sử xuyên suốt ba cuốn tiểu thuyết của Trường An. Cái nhìn nữ giới đậm rõ dẫu có lúc nhà văn kể chuyện lịch sử từ điểm nhìn của nam giới. Trong Thiên hạ chi vương, qua tâm trạng của vị Phật vương của Xiêm La, là luận giải về giới của nhà văn: “Luôn luôn, đàn ông khác phụ nữ. Đó không chỉ là chuyện sự nghiệp, thậm chí là đế nghiệp… Là bản năng đã in dấu và số phận. Bản năng chinh phục, bản năng tìm kiếm và chinh phục. Bản năng ham muốn và thèm khát. Nếu không có bản năng ấy, nghĩa là người đàn ông đã chết”. Trong Vũ tịch, nhà văn/ người kể chuyện lịch sử hoá thân vào nhân vật để đối thoại, độc thoại. Lịch sử được tái hiện với nhiều chiều kích, đặc biệt là chiều sâu tâm hồn. Quang Toản luôn đặtra những câu hỏi về bản thân bởi luôn mặc cảm về vị trí đế vương của mình: “Ta luôn luôn tự hỏi, tại sao lại là ta?”, “Sự tồn tại này có ý nghĩa gì?”, “Trong một khoảnh khắc, trong Quang Toản dậy lên nỗi cồn cào thèm khát ánh nắng bên ngoài [...]. Cậu muốn vứt bỏ tất cả, nhưng cũng không đủ can đảm để làm”. Hóa thân vào nhân vật và kể chuyện từ điểm nhìn bên trong, như nhiều nhà văn nữ khác, Trường An đã nhìn thấu nỗi cô đơn của sứ mệnh đế vương. Trong tiểu thuyết Hồ Dương, viết về mối tình của công chúa Ngọc Du và Võ Tánh trên cái nền lịch sử thời giao tranh khốc liệt giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn, tác giả nói lên tâm trạng của những người phụ nữ dưới quyền lực của vương triều. Ý thức về mất mát của những người đàn bà Nguyễn Phúc tộc, Trường An đã để công chúa Ngọc Du chất vấn: “Những chị em gái của tôi, họ có tội lỗi gì?”, “Những bà mẹ của tôi, họ có tội lỗi gì?”, “Tại sao lại là chúng tôi?”, “Có nhiều khi tôi tự hỏi, rất nhiều khi tôi tự hỏi: Số phận là gì?”. Những câu hỏi day dứt. Những câu hỏi mang chiều sâu triết lý về số phận con người luôn vang lên trong tiểu thuyết của Trường An. Đây cũng là câu hỏi chung của các nhà văn nữ khi đề cập số phận hồng nhan.

    Các nhà văn nữ cũng thường mượn điểm nhìn của các nhân vật nữ, để qua đó luận bàn lịch sử. Chẳng hạn, Trần Thùy Mai để Tống Nương (người em dâu góa chồng được chúa Nguyễn Phúc Lan sủng ái) thốt lên lời cay đắng: “Trời ơi, từ xưa đến giờ, đâu có thời nào không có người đẹp. Sao cứ mỗi khi người đàn ông bất tài làm mất nước thì lại đổ thừa cho người đẹp làm đổ nước nghiêng thành?” (Án lục của người đàn bà họ Tống). Bênh vực và thấu hiểu phụ nữ như thế, có lẽ cũng chỉ các nhà văn nữ mới làm được, nhờ cái nhìn của những trái tim nữ giới. Có thể nói, trong tương quan với các nhà văn nam, tự sự hư cấu về lịch sử của các nhà văn nữ ít nhiều đã mang một dáng hình khác, làm phong phú thêm những hình dung của văn học về những biến cố, sự kiện, những cuộc đời, số phận của quá khứ. Bởi có nhận định cho rằng, dù những sự kiện liên quan có cách xa bao nhiêu thời gian, thì lịch sử bao giờ cũng hướng tới yêu cầu và tình thế hiện tại mà ở đó thể hiện tính dao động của chúng1. Và nếu “những cách nhìn khác, viết khác, diễn giải khác về các nhân vật, sự kiện lịch sử đã góp phần làm thay đổi quan niệm và cách đọc của số đông độc giả”2 thì trong thành tựu chung của văn học Việt Nam đương đại, nhất là bộ phận văn học đề tài lịch sử, không thể không ghi nhận những đóng góp đáng kể của các nhà văn nữ.

    Chia sẻ về các truyện ngắn đề tài lịch sử của mình, Nguyễn Thị Kim Hòa từng kể: “Nhà văn Sương Nguyệt Minh trong lần tôi ra mắt tập truyện dã sử, lịch sử Con chim Phụng cuối cùng ở Hà Nội có nói, ông thích cách tôi xây dựng nhân vật Bùi Thị Xuân hơn Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh ở truyện này chưa có cái khí chất đế vương và hơi mang... tính nữ. Giờ đọc lại, sau sáu năm, tôi thấy ông nói đúng. Có lẽ vì quá tập trung khắc họa những người phụ nữ trong chiến cuộc, về hào khí và bi phẫn của số phận họ, tôi đã để lây yếu đuối đàn bà lên nhân vật một vị vua chăng?”3. Nhận xét của Sương Nguyệt Minh, một nhà văn nam có nhiều truyện ngắn lịch sử hay, và sự thú nhận của Kim Hòa đã chứng tỏ sáng tác của các nhà văn nữ luôn ít nhiều mang theo dấu ấn giới tính, và các tác phẩm văn học đề tài lịch sử cũng không là ngoại lệ. Nhận xét này cũng cho thấy trong quan niệm của các nhà văn nam, các bậc đế vương không nên được nhìn từ những phương diện “nhi nữ thường tình”. Là nhà văn trẻ, lại mới vào nghề, Kim Hòa có thể “băn khoăn” khi “để lây yếu đuối đàn bà lên nhân vật một vị vua”. Song nếu nhìn từ một góc nhìn khác, cái yếu đuối đàn bà của các bậc đế vương, cái gương mặt nữ giới trong các câu chuyện lịch sử được kể bởi các nhà văn nữ chính là những đóng góp riêng của họ để lịch sử được nhìn nhận từ nhiều chiều kích, để những phần người nhất của các nhân vật lịch sử được biết đến, và để số phận lịch sử, thông qua những số phận con người, được nhận diện từ cái nhìn của sự thấu hiểu, yêu thương.

 

 

 

Chú thích:
1 Hà Văn Tấn (1990), Triết học lịch sử hiện đại, NXB Đại học Tổng hợp Hà Nội.
2 Thái Phan Vàng Anh: “Khi lịch sử thuộc về cá nhân (Nhìn từ mối quan hệ giữa văn học và lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đầu thế kỉ XXI)”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc, Trường Đại học Hồng Đức, 2019.
3 Nguyễn Thị Kim Hòa: “Nắng quái Tây Nam thành”, Tạp chí Văn nghệ quân đội, 2020 (http://vannghequandoi.com.vn/van-xuoi/nang-quai-tay-namthanh_10836.html.

Bình luận

    Chưa có bình luận